Năm 1974



Sài Gòn, ngày 10 tháng 01 năm 1974

Kính gởi ông Quách Tấn

Tôi đã được hai bức thư ngày 17 và 21-12 của ông. Tới hôm nay chưa thấy ông vô Sài Gòn, chắc không kịp vô trước Tết rồi.
Tôi 25 tháng Chạp sẽ về Long Xuyên, khoảng 8 tháng Giêng mới lên Sài Gòn. Ông vô trong khoảng đó sẽ không gặp tôi. Nếu không gặp thì ông cứ lại hỏi kĩ đông y sĩ nào đó về việc trị bệnh rồi dặn một người thân của ông ở Sài Gòn, ngoài mồng 8 tháng Giêng lại tôi, tôi đưa cho khúc tê giác, người đó cầm lại nhà đông y sĩ đó xem dùng được không. Dùng được thì người đó giữ lấy để giao lại ông.

Nhà xuất bản nào ở Sài Gòn lúc này thì đại khái cũng vậy, in không cẩn thận như ý mình, tác quyền thì “tùy hỉ” hoặc chậm (trừ nhà Khai Trí).
Tôi giao thiệp với họ nhiều, chai rồi, như vậy đỡ bực mình, ông ạ.

Cảnh già tôi thấy người nào cũng buồn. Tôi hai tháng nay đau vặt hoài mà con cháu thì ở xa, Tết này người giúp việc nhà lại nghỉ một tháng, mệt quá. Các bạn khác thì người bệnh này, người tật khác, có ông túng bấn nữa. Nghĩ tới bạn, mình cũng đỡ buồn, cùng chung cảnh ngộ cả. Ông Thi Vũ mới ngỏ ý in giúp tôi cuốn “Những vấn đề của thời đại” mà tôi có rao trên tờ Thời Tập. ông ấy thật tốt quá, nghệ sĩ lắm. Tôi cảm động, và đã trả lời có người xin xuất bản cho rồi, chờ xem sao.

Hết năm thì hết tai nạn, tôi xin chúc ông bà qua năm mới được vui vẻ. Bà đã bớt nhiều chưa? Bài tôi giới thiệu ông trên Bách Khoa, còn mấy lỗi “ổ” thì in là “ở”, “thang” thì  in là “tháng”. Tôi không nhớ tại tôi hay tại thợ.
Kính thư

-o0o-


Nha Trang, ngày 04 tháng 02 năm 1974

Kính ông,
Tôi ở Qui Nhơn uống thuốc Bắc từ đầu tháng chạp Quí Sửu, vừa về Nha Trang hôm qua (12 tháng Giêng Giáp Dần, 03-02-74). Thư ông gởi đến Nha Trang, tôi đã nhận được, rất cảm tấm thịnh tình của ông. Hiện tôi chưa thể vào Sài Gòn được, vì phải lo cho nhà tôi cho thật bình phục trước khi lo cho mình “tiên nội tướng chi ưu nhi ưu, hậu nội tướng chi lạc nhi lạc”. Cổ nhân dạy thế.
Khúc sừng Tây ngưu ông dành cho đó quí giá vô ngần. Tôi sẽ vào bái lãnh khi Nam du.
Tết Bình Định, cũng như Nha Trang, rất buồn. Hoa, nhang, khí trời... đều phảng phất mùi kinh tế khủng hoảng. Riêng tôi lại tìm lại được đôi chút xuân của ngày còn xuân. Tôi có ghi vào sổ tay. Kính xin gởi ông xem chơi đôi nét:

XUÂN CỐ NHÂN 
Tro vùi còn lửa đỏ
Làng cũ bước vui xuân
Mai thắm tình qui hạc
Đào tươi mặt cố nhân
Ươm hương đồng bát ngát
Ngậm biếc suối trong ngần
Dừng bước nghe chim hót
Xuân này xuân ái ân.

Còn đôi câu cũng vui vui:

 Xanh tràn khóe phụng dòng trăng mật
Thơm ngấm lằn son mái tóc hoa
 -------
 Nắng hâm ấm ngọc vần tao khách
Hoa rụng đầy hương áo mỹ nhân

Trong lúc bệnh hoạn mà gặp được vài giờ tươi thắm, kể cũng đáng nâng niu.
Nhờ thế mà thuốc uống vào thấy hiệu nghiệm lắm. Sức khỏe của tôi đã dồi dào hơn năm ngoái, tâm hồn bắt đầu yên vui trở lại... Mai đây tôi sẽ ra bác sỹ Mỹ ở Hòn Chồng khám lại mắt xem thuốc Bắc có ảnh hưởng tốt đến bệnh mắt hay chăng.
Nay tuy đã qua Tết, nhưng vẫn còn xuân, nên xin kính lời vào chúc ông cùng bửu quyến suốt năm Giáp Dần luôn luôn gặp điều như ý.

Tái bút: Tôi đã đọc bài ông giới thiệu ở Bách Khoa. Tình ông đối với tôi thật nồng hậu. Không biết nói sao cho vừa.

-o0o-


Sài Gòn, ngày 26 tháng 02 năm 1974

Kính Ông,
Tôi đã nhận được thư đầu năm của ông. Bác sĩ Mỹ coi lại mắt cho ông, thấy có bớt không? Bà đã khá nhiều chưa? Tôi nhớ đâu như bà phải uống thuốc 6 tháng, nay cũng đã được trên 4 tháng rồi. Và bao giờ ông sẽ vô Sài Gòn?
Mới đây tôi gặp ông Ngô Trọng Hiếu: cơ sở Trương Vĩnh Ký nghe nói đã bắt đầu hoạt động. Ông ấy đã nhận in một cuốn khảo luận về thơ luật của Hư Chu. Ông ấy có nhờ tôi hỏi ông có nhận được thư ổng gửi ông năm ngoái không?

Rồi mới hôm nọ, nhân đọc báo thấy thông báo của bác sĩ Nguyễn Ngọc Kính về bệnh glaucome, ông ấy cắt lại, nhờ tôi gởi ông. Bác sĩ Kính là một trong 3 – 4 bác sĩ chuyên trị mắt tại Sài Gòn, có tiếng. Vậy thì bệnh glaucome chắc có cách trị được, không đáng lo. Tôi nghe nói Hoàng Xuân Hãn ở Paris cũng đã bị và trị cũng đã hết.

Ông ấy lại nói tháng 5 dương lịch này sẽ có dịp ghé Nha Trang và lúc đó ổng sẽ xin tôi ít lời giới thiệu để ổng lại thăm ông. Tôi nhận lời.
Ông có gặp ông Châu Hải Kỳ, xin cho tôi nhắn tôi mới nhận được bản thảo. Độ một tuần nữa tôi sẽ có thư thăm ông ấy. Tôi đã viết thư riêng cho ông Kỳ rồi.

Kính chúc ông bà mau bình phục.

-o0o-


Nha Trang, ngày 27 tháng 02 năm 1974

Kính gởi Ông Nguyễn Hiến Lê

Thưa Ông
Hôm trước đây tôi có gởi thư thăm ông, chắc thư đã đến. Nay nhân con trai tôi là Quách Giao vào Saigon, tôi bảo cháu đến hầu thăm ông và xin bái lĩnh phiến tê giác ông đã dành cho. Cháu sẽ đem cho vị lương y xem lại, theo như lời ông dặn trong một bức thư năm ngoái, và tôi sẽ vào uống thuốc sau khi vị lương y cho biết rằng bệnh chắc khỏi (ít nhất là chắc được 50%).

Tôi về Qui Nhơn uống thuốc Bắc để bồi bổ lại sức khỏe mà thôi. Bệnh con mắt vẫn thường như sau khi mổ. Thầy thuốc Bắc ngoài này không thạo về bệnh Glaucome. Họ chỉ cho hạ hỏa để mắt khỏi công và khỏi nhức đầu chớ không thể chữa lành bệnh được. Thầy Mỹ thì bảo phải mổ con mắt lành để khỏi bị như mắt đã đau. Song lại không bảo đảm là nhất định tránh khỏi bị suốt đời. Cho nên tôi chưa nht quyết. Hiện con mắt lành rất tốt. Áp huyết bình thường. Con mắt đau mỗi ngày mỗi êm dịu thêm. Như thế tôi nghĩ chỉ cần gìn giữ  sức khỏe và áp huyết con mắt là có hy vọng “mạnh giỏi đến trăm năm”.

Bài ông giới thiệu hai tác phẩm của tôi trong Bách Khoa “đẹp: quá. Tôi rất mừng.
Giám hồ, thật tôi không biết có phải là hồ Quốc Tử Giám chăng. Tôi theo cụ Bùi Kỷ và cụ Lê Thước đó. Nếu có “tội” thì tôi chỉ là “tòng phạm” thôi.

Anh Châu Hải Kỳ viết được 1 phần về ông rồi, anh ấy khoái lắm. Con nhà văn thiếu hụt đủ thứ mà tâm trí vẫn không rời khỏi văn chương. Thật là nghiệp chướng.

Kính chúc ông và bửu quyến vạn hảo

-o0o-


Nha Trang, ngày 08 tháng 3 năm 1974

Kính ông
Chân thành cảm tạ tấm thịnh tình của ông về phiến tê giác và bản thông báo chuyện trị bệnh Glaucome.
Phiến tê giác cháu Giao gởi nơi ông lương y. Theo lương y thì đó là “sừng tây ngu” chớ không phải là “sừng tê giác” (1) mà ông ta dùng. Vì tê giác chất trắng như ngà và có đường gân đỏ như máu. Còn đây chất xám và không có gân. Tuy vậy ông ấy cũng chưa dám quả quyết, nên phải lên Chợ Lớn nhờ người Tàu chuyên môn thử lại.

Tôi đợi thầy Thanh Tuệ gởi tiền tác quyền Tố Như Thi ra ít nhiều, tôi sẽ vào Sài Gòn để đến cả ông lương y tê giác và vị bác sĩ chuyên môn. Bác sỹ Mỹ Nha Trang xem bệnh lại, bảo bớt hơn trước nhiều; con mắt lành, áp huyết bình thường, nhưng vẫn bảo nên mổ? Tôi hỏi nếu mổ có chắc chắn không bị rủi ro suốt đời chăng. B.S không đáp. Không đáp là áp dụng câu “dans le doute...” Cho nên tôi ngần ngại và định sẽ đi Sài Gòn trong nay mai...

Nhà tôi uống đã 5 tháng thuốc rồi. Có da có thịt hơn xưa, song thử máu vẫn như cũ. Bác sỹ mới đổi thuốc uống sang thuốc tiêm được tuần nay. Phải tiêm trong 1 tháng mới có hiệu quả. Mỗi ngày tiêm một bình, mỗi bình 500. Lũ con thay nhau gánh chịu! Có con cũng đỡ.

Hôm trong năm tôi có nhận được thư của nhà xuất bản Trương Vĩnh Ký. Tôi đã hồi âm theo hướng ông chỉ giáo. Có lẽ ông Mặc Đỗ quên đưa ông Ngô Trọng Hiếu xem, hoặc thư không đến chăng.

Đối với ông Ngô Trọng Hiếu, tôi còn giữ một kỷ niệm đẹp, mặc dù tôi chưa được diện kiến lần nào. Nguyên năm 1962 tôi bị đổi vào Quảng Đức. Đường đi đã nguy hiểm chỗ làm việc lại không an toàn, tôi nhờ Thái Văn Kiểm vận động tôi ở lại Nha Trang nếu không được thì ở Sài Gòn. Thái quân nhờ Ngô công, lúc bấy giờ làm bộ trưởng T.T.T.T. Ngô công đương vận động rút tôi về bộ T.T.T.T thì nhờ Hồ Yêm can thiệp với Bộ Nội vụ, tôi được ở lại Nha Trang... Kế đó xảy ra cuộc đảo chánh, tôi chưa có dịp tạ lòng hạ cố của Ngô công... Nếu nay  mai được gặp thì tốt lắm, quí lắm.
Con tôi về thưa rằng ông có sức khỏe nhiều, tôi rất mừng.
Chúc ông trường thọ, kính chúc bửu quyến an khương.

(1)  Sừng tây ngu là tiếng Việt, tê giác là tiếng Hán Việt. Tê giác là sừng tây ngu, chớ có sao lại có thứ “sừng tê giác” nữa? Sừng tê giác có khác gì đường thế đồ. Hay là “sừng tây ngu” là “tê giác lô can” còn “sừng tê giác” là “tê giác chánh quốc”? Đợi xem sao.

-o0o-


Nha Trang, ngày 04 tháng 7 năm 1974

Kính gửi ông Nguyễn Hiến Lê

Thưa ông,
Bài ông viết về bệnh tôi năm ngoái đã làm tôi rơi nước mắt. Bài ông Lễ do Bách Khoa vừa gửi ra đây làm tôi rơi nước mắt lần thứ hai:
Người già giọt lệ như sương
Mình già hạt lệ lại thường như mưa

Nhân đó, tôi có khẩu chiếm được một luật, xin phép gởi trình ông xem:

ƠN LÒNG
(Gởi Nguyễn Hiến Lê)

Trong lúc mình đau yếu
Ơn  lòng bạn bốn phương
Mượn báo trao an ủi
Đưa thư bày thuốc thang (1)
Thanh thanh tình đọng mật
Trịu trịu nghĩa chia vàng
Ngước mắt trông trời thẳm
Bồi hồi gió tịch dương.

Bài thuốc của ông Lễ có thể giúp cho người vừa mới phát bệnh. Bệnh tôi mới bắt đầu cũng tương tự như thế và những lương y lành nghề cũng nói rằng bị hỏa bốc, nếu chữa kịp thời thì khỏi bị mù... Tôi nay đành chịu tật 1 mắt, chỉ lo giữ con còn lại.

Từ một năm nay tôi lo uống thuốc điều hòa âm dương... Ơn trời không mạnh cũng không đau... Tôi đã hoàn lại bức thư ông Lễ (bản sao) cho B.K rồi (bản chánh, tôi xin giữ làm kỷ niệm). Tôi cũng đã viết thư cảm ơn ông Lễ rồi. Tôi cũng muốn đi Sài Gòn nhưng thấy như có “địa lợi” nên nán đợi “thiên thời”... Phiến sừng tây ông cho, tôi còn gởi nơi ông lương y Sài Gòn. Tôi mới tìm ở nơi sách cổ 1 bài thuốc cũng dùng sừng tây ngu hoặc sừng sơn dương để trị bệnh con mắt. Sách rất cổ nên tác giả “chưa” biết tiếng "glaucome”. Sách kê trên 36 bệnh mắt... Không có bệnh nào giống y bệnh tôi. Chỉ “bệnh dùng sừng tây” giống 4/10 vậy thôi...

Cách đây 2 tháng, ông Ngô Trọng Hiếu, sau khi đọc bản sao thư tôi mà ông gởi cho ông ấy xem có viết thư cho tôi. Tôi có hồi âm. Chắc Ngô quân có nhận được. Lúc này giấy thành vàng rồi, e nhà xuất bản Trương Vĩnh Ký cũng hết muốn mở rộng phạm vi hoạt động.

Lâu nay ông có được mạnh khỏe và có viết thêm được nhiều chăng? Tôi nghỉ đọc sách và nghỉ viết hẳn. Thỉnh thoảng ngâm lếu ít câu thơ “ý nghĩ vậy viết vậy, văn ra sao thì sao”, ngâm cho đỡ buồn vậy thôi.
Nhà tôi nghỉ uống thuốc, vì đủ dose rồi, bác sĩ bảo nghỉ. Nghiệt nỗi nghỉ uống thuốc bệnh mà không dám uống thuốc bổ vì hễ uống thuốc bổ thì bị áp huyết cao! Do đó mà sức khỏe lâu bình phục! Kể cũng buồn. Song cứ đổ thừa cho số, cho nghiệp...  để có lúc ngồi uống thuốc nước trà nhìn mây nay, cười hì hì cho khoái.

Chúc ông và bửu quyến an hảo.

(1)  Sửa lại: Sách báo trao an ủi
                   Thơ từ lo thuốc thang
Lời vững hơn và ý niệm được việc Thi Vũ và An Tiêm xuất bản sách cùng các bạn khác gởi thư bày tôi môn thuốc Nam thông dụng...

-o0o-


Nha Trang, ngày 15-9-1974

Kính Ông,
Hôm trước ông bị tôi quấy rầy, chắc ông phải uống ít ra cũng hai thang thuốc bổ mới lại sức. Trái lại từ ấy đến nay, lòng tôi lại thấy thư thái hơn trước nhiều.

Vừa rồi tôi gặp hai ông lương y quen thân, tôi đưa phiến tê giác ông cho,nhờ họ xem thử. Một ông thì bảo đó là sừng sơn ngưu tục gọi là bò diệm, dùng hạ hỏa do ngoại cảm sanh ra rất công hiệu. Một ông quả quyết là sừng tây và sẽ nhờ tiệm thuốc quen biết bào để chế thuốc chữa bệnh cho tôi. Vốn “tay ngang”, tôi không dám tin ông nào cả. Nhưng tôi đã thí nghiệm. Lũ cháu nội của tôi bị ban sưởi, nhiệt độ lên cao, uống thuốc Tây không bớt. Theo lời một ông bạn, tôi mài phiến sừng cho uống hai lần, đầu hôm một muỗng café, sáng một muỗng thì bớt nóng. Tôi đem kinh nghiệm ấy nói cùng ông lang “sơn ngưu giác”. Ông ấy bảo rằng “sơn ngưu giác” cũng như sơn dương giác hạ được hỏa do ngoại cảm sanh ra, chớ không hạ được hư hỏa do nội tạng sanh ra như trường hợp của tôi. Ông này cũng như ông thầy Sài Gòn bảo rằng sừng tây, chất trong như xoa xoa và đốt bay mùi thơm. Phiến sừng này chất đục và đốt bay mùi khét. Nhưng ông kia lại quả quyết rằng không có sừng gì đốt bay mùi thơm cả, và vì phiến sừng tây này là khúc gốc nên không trong, chớ khúc ngọn tất phải trong...

 Phiến sừng này, dù là sơn ngưu giác, dù là tê giác, đối với tôi có một giá trị tối cao. Tôi chỉ đem ra dùng trong trường hợp đặc biệt. Tôi vốn đã có 3 “bảo vật”:
- Tập Lữ Đường Di Cảo Thi Tập.
- Tập đầu trong bộ Tô Văn Trung Toàn Tập (cả bộ 20 cuốn, bán 19 cuốn để lo thuốc cho nhà tôi, thời kháng chiến, còn giữ một cuốn làm kỷ niệm).
- Nhánh mận khô (cây mận “tri kỷ” ở trước sân, tuổi gần 100, bị thuốc khai hoang giết chết. Tôi giữ một nhánh làm kỷ niệm).
Nay lại thêm phiến tê giác của ông cho nữa, là tôi có tứ bảo.
Tôi sẽ viết tiểu sử của chúng để truyền lại cho con cháu.

Tôi xin gởi bài giới thiệu tập Lữ Đường và tác giả Thái Thuận vào ông xem chơi. Nếu ông xét Bách Khoa có đăng được thì xin gửi đăng để phổ biến. Bài ấy tôi viết năm ngoái để nói ở Viện Vạn Hạnh nhưng lại không nói. Nay nhân phiến tê giác, tôi nhớ lại, lục ra gởi trình ông.

Tập “Trong Vườn Hoa Thơ” tôi đưa cho ông Ngô Trọng Hiếu xem. Nếu nhà xuất bản Trương Vĩnh Ký không in, thì tôi kính nhờ ông giữ dùm cho. Khi nào tôi vào thăm sẽ nhận lại. Rất mong ông hoan hỉ.

Kính chúc ông và bửu quyến an hảo.

Tái bút: Hôm trước gặp ông Khai Trí, tôi được tiếp đãi tử tế và mọi việc đều tốt đẹp. Kính xin ông hay mừng.

-o0o-



Sài Gòn, ngày 22-9-74

Kính Ông,
Gặp ông lần này tôi rất vui vì biết chắc ông sẽ không còn gì đáng lo về con mắt nữa. Hôm đó, đưa ông ra cửa rồi, quay vô coi đồng hồ thì đã 12 giờ 15, không ngờ ngồi nói chuyện lâu như vậy. Có mệt thật, nhưng uống một viên thuốc an thần, trưa đó ngủ được, hết mệt ngay, không đến nỗi phải uống hai thang thuốc bổ như ông ngại.

Bài ông viết về Thái Thuận, công phu lắm, dịch hay, thực là một tài liệu quý, hạng người biết chữ Hán chắc thích lắm. Tôi đã đưa ông Lê Ngộ Châu. Ông ấy bảo có lẽ phải đăng làm nhiều kỳ. Tôi bảo: Không sao, nhưng anh nên viết thư cho ông Quách Tấn, đề nghị với ông ấy trước. Có lẽ Bách Khoa cũng không sắp được chữ Hán đâu. Lệ của họ như vậy, mà thời này công việc đó hơi khó khăn vì thiếu chữ, thiếu thợ.

Cũng hôm đó, ông Châu cho hay một độc giả Bách Khoa gởi thư về Bách Khoa mách một vị thuốc (một vị một thôi) trị được glaucome, và ông Châu đã gởi thư của tác giả đó ra cho ông, ông nhận được chưa? Một vị một mà trị được thì là thánh dược rồi; Tây y phải giải phẫu thua Đông y xa à?

Tin đó làm tôi rất vui. Mấy hàng chữ của tôi trên Bách Khoa được hai người hưởng ứng. Vậy ra thời này, người ta vẫn tin và vẫn quý bọn cầm bút chúng mình ư?

Ông Khai Trí rất tốt về vấn đề tiền nong, không ai bằng đâu, nhưng tôi còn mong rằng ông ấy in sơm sớm, như vậy mới thật là trọng nhà thơ. Như tôi đã thưa với ông, ông ấy có mấy trăm tác phẩm trả tác quyền rồi mà chất đống trong tủ, không biết bao giờ mới in cho người ta.

Ông Ngô Trọng Hiếu mới cho tôi hay “Trong Vườn Hoa Thơ” vô cùng giá trị nhưng vẫn là loại sách “nằm”, nên xin ông cho ông ấy giữ bản thảo đến Xuân Ất Mão sẽ có quyết định. Tôi nghĩ ông có thể cho ông ấy đợi được.

Về phiến tê giác, tôi cũng nghĩ rằng hạ nhiệt vì ngoại cảm thì rất hay, còn hạ được hư hỏa, đúng hơn là bổ được hư hỏa thì không chắc, nhưng có thể thử dùng (khi nào ông lại thấy nhức đầu), có hại gì đâu. Vả lại, có thang bổ âm của ông lang Châu Đốc rồi, còn lo gì nữa? Phiến sừng đó, khúc ngọn có trong hơn một chút, nhưng không thể nào trong như xoa xoa được đâu. Còn như bảo rằng tê thật, đốt lên bay mùi thơm thì tôi không tin. Hễ sừng thì phải khét.

Phiến tê giác đó của ông bác tôi, cụ Phương Sơn, con rể cụ Lương Văn Can, trong Đông Kinh Nghĩa Thục. Khi Nghĩa Thục bị Tây “bố”, bác tôi trốn vào đây, định qua Xiêm, sau ở lại tại một miền hồi đó rất hẻo lánh ở ven Đồng Tháp Mười, chờ thời, và chờ hoài cả mấy chục năm! Trong khi đó bác tôi làm thuốc (không ăn tiền), năm nào cũng có vài thầy đồ Quảng Nam, Quảng Ngãi đi bán thuốc, biết danh, ghé thăm, ở chơi một hai ngày và có những thuốc gì quý như tê giác, quế thanh... thường dành cho bác tôi. Vì vậy, có thể tin được phiến đó không phải là thứ xấu.

Kính thăm ông bà yên vui.

Tái bút: Vì phải đọc hết những sách người ta cho mượn nên hôm nay vẫn chưa đọc được “Hương Vườn Cũ”.

-o0o-



Nha Trang, ngày 22 tháng 9 năm 74

Kính ông
Nhận được thư ông một lần cùng thư ông Châu Bách Khoa gởi bức thư bày hai vị thuốc chữa glaucome của một bạn đọc, tôi cảm động hết sức.
Để tỏ lòng tri ân cùng bạn bốn phương, tôi muốn nhờ Bách Khoa đăng bài “Ơn lòng” tôi gởi ông hôm trước. Nếu ông xét “nên” thì xin chuyển dùm bản đánh máy đính hậu sang Bách Khoa cho. Cho bản này có đôi chữ khác bản gởi ông hôm trước. Ông xem những chữ sửa có hơn trước thì để y, bằng thấy thua thì xin lấy dùm lại chữ cũ.

Về tập thi thoại “Trong Vườn Hoa Thơ” tôi xin theo lời ông. Lúc nào ông rảnh và cao hứng thì xin ông đọc qua dùm tập ấy để chỉ điểm giúp những sai sót cần phải sửa chữa. Tôi rất tin tưởng đôi mắt sáng suốt và tấm lòng ngay thật và khoan hòa của ông. “Trong Vườn Hoa Thơ” và “Hương Vườn Cũ” bổ khuyết lẫn nhau, giải thích cho nhau. Song vườn thơ quá rộng, nói rồi, nhìn lại thấy chưa nói được gì, những gì nói ra hụt hạt, cạn cợt, non nớt, nên muốn nói thêm cho vui miệng, cho thích lòng: viết “Những Bức Thư Thơ” và “Giọng Hàn Thuyên”. Gặp đâu nói đó, hứng lúc nào viết lúc nấy, hai tập này chưa ra sao cả, hơn mấy năm rồi vẫn mãi nằm trong cảnh dở dang! Có lẽ hai tập “Trong Vườn Hoa Thơ” và “Hương Vườn Cũ” ra đời rồi, hai tập “Những Bức Thư Thơ” và “Giọng Hàn Thuyên” mới có thể hoàn tất được, vì phải có cái gì gây hứng để tiếp tục công việc bỏ bê lâu ngày.

Hôm trước có đọc ông nghe mấy bài thơ làm từ hôm đầu năm. Nay xin chép lại để ông xem lại cho vui khi rỗi rảnh. Hai tháng nay, không làm được bài nào cả. Không lẽ Nàng Thơ cũng theo thời mà hưởng ứng cùng quý vị phụ nữ “chánh khách” ở thủ đô, nên bỏ tôi “côi cút”?

Về bài “Giới thiệu Thái Thuận và Lữ đường thi tập”, tôi đã viết thư cho Bách Khoa rồi. Mong sao có người giàu thấy rõ giá trị tập thơ mà chịu bỏ tiền ra xuất bản, thì rất có lợi cho các sinh viên yêu chuộng văn học Việt Nam. Tôi dịch thơ Thái Thuận có công phu hơn thơ Nguyễn Du, vì thơ Thái Thuận khó dịch hơn thơ Nguyễn Du nhiều lắm.

Phiến tê giác đối với tôi là một bảo vật. Với những hàng ông viết trong thư vừa rồi, tôi sẽ viết được dễ dàng và đầy đủ “tiểu sử” của vật kỷ niệm này. Thú vị lắm,

Kính chúc ông bà an hảo.

-o0o-


Sài Gòn, ngày 09-10-74

Kính gửi ông Quách Tấn

Bài "Ơn Lòng" ông sửa lại như vậy có phần hơn trước, nhưng tôi thấy chữ sách gượng và câu đó có thể để người ta hiểu lầm (nếu không đọc chú thích ở dưới) rằng ông tìm sự an ủi trong việc đọc sách báo nên tôi nghĩ có thể đổi chữ sách ra chữ trang; Như vậy lại phải đổi luôn cả chữ thơ từ ra phong thư, nhưng nhạc lại kém mất! Biết sao bây giờ?
Tôi chẳng rành về kỹ thuật thơ nên cứ để nguyên bài đã sửa lại của ông, mai đem lại Bách Khoa.

Tôi đã đọc được khoảng 200 trang “Hương Vườn Cũ”, những chỗ nào thích, tôi khuyên ở ngoài lề bằng bút chì, những chỗ cần xét lại, tôi đánh dấu x.
Chưa đọc hết, nhưng tôi có thể ghi cảm tưởng dưới đây:

Ở  nước mình, từ trước tới nay chưa có ai có công phu như ông đối với thơ cổ. Từ 1929 đến nay, 45 năm rồi, ông ghi chép được không biết bao nhiêu bài để kho tàng thơ bớt mất mát. Ông làm sống lại cái “thốn tâm” của biết bao người xưa.
Ông đã xong hai tập, đương viết hai tập nữa, cộng 4 tập, chắc đến 2.000 trang, thật là một công trình lớn lao. Chắc không còn người thứ hai như ông đâu.

Gặp thời buổi này, khó mà kiếm được người in hết được cho ông.
Có một số bài nặng về tài liệu lịch sử, độc giả không thấy nhiều hứng thú nhưng bỏ đi thì đáng tiếc, vì toàn là những tài liệu quí. Vậy cứ giữ hết, bao giờ in được thì in, biết đâu chừng thời cuộc chẳng thay đổi.

Riêng bài số 35, về thi sĩ Bình Định, tôi nghĩ có thể tách in thành một tập riêng được khoảng 100 trang in. Nếu ông thêm vô những thi sĩ tiền chiến ở đó thì có thể dày thêm gấp rưỡi. Tập đó mỏng chắc Bình Định có người bỏ tiền ra in được.

Xét chung thi thoại của ông, thiên về phần tài liệu hơn thi thoại của Chương Dân, của Đông Hồ.

Dưới đây, tôi ghi lại sơ sơ những câu tôi thích, và ghi lại vài cảm tưởng:
- Câu mở đầu bài 1: Tôi thích “Làm thơ là một mình uống rượu trong hoa. Viết thi thoại là ngồi buồn mở tiệc đãi khách”.

- Bài 3: thơ vịnh Thủy Tiên của cụ Sào Nam đúng là tuyệt phẩm tôi chỉ tiếc tả còn thiếu cái hương thần tiên của loại hoa đó.

- Câu “Những tay thợ thơ non vụng mới sản xuất những bài vận ngữ, mà lời không đi với lòng, còn những nhà thơ thiện nghệ thì bút pháp dính liền với tư tưởng, hễ lời ra là ý theo”. Bài 4 trang 9. Nhận xét đó rất đúng. Viết văn cũng vậy.

- Bài 5. Tôi ghi ở lề: Trung Hoa hình như không có loại thơ khẩu khí, hay có mà họ không cho là thơ? Chắc có mà họ không thèm chép lại. Tôi cũng rất ghét loại đó.

- Bài 8 về Bà Huyện Thanh Quan, ông viết rất hay, nhận xét tinh vi, nhưng giữa trang 23, mấy hàng ông đem hồn cô bóng cậu, đèn hương hoa trái ra so sánh, tôi nghĩ có lẽ thừa. Cắt bỏ từ “Những ngư ông...” tới “hiển hách” mà nói “...bước dồn là tâm” với “cho nên khi tâm đã...” đủ nghĩa rồi.

- Bài 9. Câu “Hạnh kiểm là chuyện trăm năm, tài ba là chuyện nghìn năm” (ở phần đầu bài). Lời đó đúng. Nhưng tôi thấy những văn hào, thi hào nổi danh nhất của Đông, Tây, ít nhất trong tâm hồn cũng có một điểm gì đẹp, và tài  đã cao mà tâm hồn lại đẹp nữa thì mới tuyệt. Tôi không được biết điển con chim ra ràng của Trang Chu đấy. Đọc Nam Hoa Kinh không thấy. Ông đọc ở đâu?

- Bài 10, trang 33 - Giọng thơ của bà Thanh Quan trầm và tròn. Nhận xét đúng. Bài về Phạm Thái này hay và mới mẻ. Từ trước chưa ai phê bình Phạm Thái cả.

- Bài 11. Bài Bang Nhãn cũng hay, tài liệu quý. Bài dịch Chinh Phụ Ngâm của ông (trang 58) hơn hẳn hai bài dịch đầu.

- Bài 13. Câu đầu bàn về thơ vịnh cổ: đúng.

- Bài 16: Tôi cũng như Cụ nhà, riêng thích thơ Phan Thanh Giản. Thơ như vậy mới thực tự trong lòng phát ra một cách tự nhiên mà tấm lòng đó mới cao quý làm sao! Đáng gọi là thiên lại.

- Bài 17, trang 101: câu “Nhưng thỉnh thoảng dùng mà chơi thì được,...nhiều bất lợi” không cần thiết. Những bạn “trong tiệc thơ” của ông hiểu điều đó rồi.

- Bài 18, trang 103: Minh Mạng thật là nòi rồng tiên chính cống: dí dỏm.

- Bài 20: thú! Trang 128 tháp Báo Thiên xưa không biết có “cao vút” không, chứ nay chỉ cao độ 5 thước, và chỉ rộng bằng một phòng 4x4 mét thôi.

- Trang 129, câu thơ thứ 5, người viết chữ Hán chép lầm: “vãng” chứ không phải “vãn”.

Quan trọng: Khi in, ông nên nhờ người nào chép lại chữ Hán theo lối chân phương, đừng đá thảo, như vậy thợ sắp chữ Chợ Lớn mới đọc được.
Ví dụ: ba chữ cuối “lô địch thu” trong bài đó họ không đọc được đâu

Thôi hôm nay tới trang 133, xin nghỉ, thư sau sẽ tiếp.

Kính thăm ông bà an vui.

-o0o-


Nha Trang, ngày 11 tháng 10 năm 1974

Kính ông
Đương ngồi sửa và thêm tập thi thoại “Những Bức Thư Thơ” thì nhận được thư ông. Vui thích thật chẳng khác.
Qua cầu lững thững dừng chân nghỉ
Điểm nụ cười son mái tóc ngân
trong “bước du xuân”.
Tôi xin bái lĩnh ý kiến của ông.

Câu thơ 3 và 4 trong “Ơn Lòng” xin sửa:
Trang báo niềm an ủi
Hàng thư phương thuốc thang

Tập “Hương Vườn Cũ”, quả như lời ông nói, thiên về tài liệu. Quan niệm về thơ, đôi phép tắc về việc làm thơ..., tôi đã viết trong tập “Trong Vườn Hoa Thơ”. Xin ông sau khi duyệt dùm xong “Hương Vườn Cũ”, ghé mắt qua tập kia một tí. Và nếu ông không mệt lắm và chưa ngấy mùi “dưa mướp xào với dầu dừa Tam Quan” thì tôi sẽ gởi tiếp “Những Bức Thư Thơ” vào ông “nếm” thêm.

Lâu nay tôi làm việc một mình, những ưu khuyết như sao thật không thấy rõ, nay được ông thật lòng chỉ điểm, tôi mừng và cảm vô cùng.

Bữa nay tôi sửa vừa xong tờ Thư Thơ nói về điển Hậu Đình Hoa trong bài Bạc Tần Hoài của Đỗ Mục. Trước kia vì lười, tôi mượn 2 bài dịch của các vị tiền bối. Nay xem lại thấy quí vị dịch đúng nghĩa nhưng kém chất thơ, tôi dịch lại. Xin chép 2 bài dịch ông xem cho vui.

BẠC TẦN HOÀI
Khói lồng nước khuya
Trăng lồng cát phẳng
Neo thuyền bến vắng
Quán rượu Tần Hoài
Não nùng gió lọt bên tai
Mối hờn mất nước kéo dài theo canh
Gái buôn tình chẳng thấu tình
Cách sông xướng khúc Hậu Đình Ba xưa.

Vì ý chính của bài thơ tôi nhận thấy nằm nơi “vong quốc hận” nên tôi diễn ý ấy cho rõ... Chữ Thương nữ là đám ca nhi, đám chiêu đãi viên. Dịch là gái buôn gượng quá ông tìm cho chữ thay.

HẬU ĐÌNH HOA
Đối gác hương, rừng thơm mái vẽ
Màu tân trang nhuốm vẻ khuynh thành
Yêu kiều bóng đọng long lanh
Thoắt qua cửa gấm khôn đành bước đi
Rèm lưu ly hé cười nghênh đón
Má hửng hồng hoa ngậm móc xuân
Dịu dàng sáng dội màu ngân
Qua hàng cây ngọc trong ngần sân sau

Dịch có hơi ẩu, chắc cổ nhân vuốt râu cười: “Thằng già nhỏ cả gan”.
Chúc ông và quí quyến an hảo.

-o0o-


Sài Gòn, 22-10-1974

Kính Ông,

Được thư 11-10 của ông, tôi đã nhắn ông Lê Ngộ Châu sửa 2 câu theo ý ông: trang báo và hàng thư. Hàng thư được quá rồi, cả về ý lẫn nhạc, mà sao hôm đó tôi không nghĩ ra?

Vậy bản dịch “Bạc Tần Hoài” của ông có nhiều chất thơ. Từ trước tới nay ai cũng nhận rằng khó dịch hai chữ “thương nữ” quá. Tôi nghĩ dịch là “gái buôn” được rồi, sát lắm, không ai hiểu lầm được. “Hạng gái buôn son bán phấn”, chỉ vì mình không dùng qua nên thấy làm sao ấy. Cứ dùng đi, nó sẽ hóa quen.

Xin tiếp bức thư trước về “Hương Vườn Cũ”:

- Bài 22 về Kiều hay. Câu “vạn sự giai do tiền định” trang 140, dí dỏm.

- Bài 23a. Tôi nhớ các cụ nhà nho thời trước ở Bắc chê Chu Mạnh Trinh là vô hạnh, tôi không rõ vì đâu.

- Bài 28, ông nhận xét thơ Tú Xương sâu sắc mà đúng, có lẽ hơn tất cả những người phê bình Tú Xương từ trước tới nay.

- Bài 28. Tôi đồng ý với ông về câu đầu trang 180: tìm hiểu tác giả qua thơ.

- Trang 183... ai lại không biết mình hay chữ. Mới đầu tôi hơi ngờ ngợ, phải suy nghĩ chút xíu. Có lẽ nên thêm 3 chữ: quốc dân có ai lại không biết mình hay chữ.

- Trang 185. Cuối bài... Tôi nghĩ có thể chấm dứt ở sau chữ hạ thừa, mà bỏ hàng cuối đi.

- Trang 196. Ý kiến của ông về Phan Huy Ích và Chinh Phụ Ngâm có giá trị. Ông đã cho đăng bài báo đó chưa? Ông nghĩ sao về cuốn Chinh Phụ Ngâm ông Ng.V.Xuân đưa ra năm trước?

- Trang 197. Đầu đoạn cuối... sót lại của quí vị tiền bối. Tôi ngờ rằng tiếng quí vị chỉ dùng với người còn sống. Muốn cho chắc chắn, mình nên đổi là “các bậc tiền bối”.

- Trang 204. Đọc 4 hàng: “Thơ cử nghiệp là... vô đề mà hay là thiên công”. Khoái lắm. Phải, thơ hay của cổ nhân hầu hết là ngẫu hứng vô đề. Làm xong rồi mới miễn cưỡng đặt tên cho nó để dễ gọi. Có khi cũng chẳng đặt nữa, rồi ai thấy thích, muốn đặt gì thì đặt.

- Trang 207. Bài Cảnh Trời Chiều “ngả ngớn lưng trâu vọt mục”. Ông nên giảng chữ vọt, tôi chưa được nghe.

- Trang 209. “Văn chương làm cho người trở thành bất hủ. Người làm cho văn chương trở thành bất hủ”. Khoái. Nhưng tôi nghĩ như vậy là cái phước hay cái họa cho Tôn Thọ Tường? Nếu thơ ông ta hay thì ngày sau không có người khen ông mà cũng không có người chửi. Được khen thì bị chửi. Không được khen thì không bị chửi. Lựa đằng nào? Tôi nghĩ tội cho Phạm Quỳnh và cho cả Trương Vĩnh Ký lúc này nữa (Ông có coi Bách Khoa những số gần đây không?)

- Chú thích cuối trang 209. Ba dòng là Tiền Giang, Hậu Giang và sông Vàm Náo (nối Tiền Giang với Hậu Giang ở Chợ Mới), chứ không có sông An Giang.

- Bài 35 nhiều tài liệu quý, công phu. Nếu ông chưa đăng ở đâu thì có thể trích ra đăng được, chẳng hạn trích về Mai Xuân Thưởng, Đào Tấn, Đào Duy Từ, Đặng Đức Siêu.

- Trang 222b. Ba cha con họ Tô chỉ đỗ Tiến sĩ thôi, chứ không phải Trạng nguyên.

- Bài 42 Thơ tứ ngôn, bài 43 thơ lục ngôn đều nên lưu lại vì từ trước tôi chưa thấy ai viết về hai bài thơ ấy.

- Những bài 46 thơ gió, thơ trăng đều thú.

- Trang 347. Câu ông dịch “Hồng mới ti đào bướm chưa hay”, thú lắm. Về thơ xuân, tôi nhớ bài Xuân Về của Nguyễn Bính có giọng mới mà bình dân, dễ yêu.

- Trang 361. Nhận định về bài thơ của Yên Đỗ “Bài thơ đi lần lần... thấm thía”. Gọn mà đúng.

- Trang 367 - Dụng điển cố. Bài này chưa ai viết kỹ như ông. Rất cần cho người học thơ và đọc thơ.

- Trang 361. Lời khen bài thơ “Vịnh Mã Viện”: đúng. Tôi cũng ngạc nhiên rằng Đoàn Như Khuê có mấy bài hay mà sao ít người nhắc tới, rất nhiều người không biết. Bất công.

- Bài 56, 57 về Thúc Giạ: nhận định đúng lắm.

- Bài 58 về Phan Khôi nên viết thêm: thơ chữ Hán của ông ấy hay.

- Bài 59. Câu kết về Nguyễn Bá Trác thú vị.

- Trang 413: Tôi không hiểu điển: chén rượu Trung Sơn.

- Bài 60. Nhượng Tống đáng giới thiệu nhiều hơn. Nếu ông có tài liệu thì nên viết thêm.

- Trang 417. Mở đầu bài 61: ý mới.

- Bài 65: bài này thú. Ông nhận định thơ Đông Hồ hợp ý tôi lắm. Về già thơ ông ấy già dặn hơn hồi trẻ, lẽ ấy tự nhiên rồi; điều này mới khác thường: càng về già thơ ông ấy càng phong lưu, đài các như ông nói; điều này cũng khác thường nữa: càng về già thơ ông ấy càng đẽo gọt, càng rườm, như một tấm gấm chi chít những bông lớn.

- Giá về Bích Khê và Hàn Mặc Tử, ông cũng so sánh (trong đoạn kết) hai người đó với nhau, như phần trên ông so sánh Tản Đà và Đông Hồ thì độc giả sẽ thỏa mãn hơn.

Còn một số nhận xét lặt vặt tôi ghi hoặc đánh dấu bằng bút chì trên lề bản đánh máy của ông; khi coi lại ông sẽ thấy.

Ông có thể bảo người nhà lại lấy bản ấy để có dịp thì gởi ra ngoài đó.

-o0o-


Sài Gòn, 28-11-1974

Kính Ông,
Lâu không viết thư thăm ông vì đau vặt và nhiều công việc. Hôm nay đọc xong Hương Vườn Cũ, xin gởi ông nốt mấy nhận xét vụn
Bộ đó viết rất công phu, nhưng lúc này không biết làm sao in nổi. Lại để dành đó vậy.
Ông lúc này vui mạnh không? Ông Châu Hải Kỳ đã khá nhiều chưa? Năm nay sao mà xui cho ông ấy thế.
Kính thư

Tái bút: Bách Khoa lúc này ế quá. Không biết một ngày nào đó dễ phải ngưng.

-o0o-



Nha Trang, ngày 29 tháng 11 năm 1974

Kính ông
Tôi đã sửa những điểm ông chỉ giáo trong bản cảo ở ngoài này rồi. Kính nhờ ông sửa dùm bản trong đó. Tôi hoàn toàn đồng ý với ông những điểm ông nêu trong 2 bức thư “tâm sự”.

Tôi sung sướng hết sức.
Những lời chỉ điểm của ông làm tôi cao hứng sửa chữa và đánh máy lại một phần lớn tập thi thoại thứ 3 “Những Bức Thư Thơ”. Có nhiều bài thơ trước kia không dịch nổi, nay dịch được một cách dễ dàng. Nhiều bài thơ trước kia chưa nhận được hết ý nghĩa, nay nhận được một cách sâu sắc. Đó là nhờ ông và (xin nói rất nhỏ và rất bí mật) nhờ cô tình ở Qui Nhơn nghe tin tôi đau vào thăm.

Tịch dương vô hạn hảo
Chỉ thị cận hoàng hôn
(Tịch dương cảnh đẹp vô ngần
Riêng thương tấc bóng đã gần hoàng hôn)

Tôi đã  viết thư nhờ ông Ngô Trọng Hiếu gởi tập “Trong Vườn Hoa Thơ” sang ông, để khi nào ông rảnh và cao hứng, duyệt dùm cho. Được ông duyệt dùm rồi, dù không xuất bản được, tôi cũng không tiếc, vì riêng mừng rằng văn mình không đến nỗi mồ côi. Làm một bài thơ viết một tập văn mà được người biết rõ chỗ sở đoán sở trường của mình, là toại nguyện. Có được thêm nhiều tri âm, càng quí; bằng chỉ một chu lang cũng đủ rồi.

Trong bài Hồ Xuân Hương, tôi nói đến “con chim ra ràng” là mượn chữ  trong bài Tiêu Dao Du  (con chim ra ràng cười chim bằng vượt 9 dặm bay sang Nam).

Còn “vọt mục” trong bài Trời Chiều của Hoàng Mẫn Đạt, “vọt” là roi (roi vọt), chữ “vọt mục” (roi của chàng Mục Thọ) cổ nhân dùng ép. Trung cũng như Nam, ít ai nói.

Bài về “Thi Nhân Bình Định” trước đây tôi định cho in thành 1 tập mỏng. Song tự mình xuất bản không được vì thiếu vốn. Còn người hảo tâm thì dường như chưa đầu thai... Trong bài đó, tôi sẽ bổ khuyết về Tăng Bạt Hổ. Vừa rồi tôi có viết mấy hàng cho anh em Bình Định về Tăng Bạt Hổ. Xin gởi ông xem. Tôi còn đợi ông Võ Như Nguyện (con cụ Võ Bá Hạp) gởi thêm tài liệu về ngày cuối cùng của Tăng Tổng Trấn để viết lại cho kỹ lưỡng hơn đặng đưa vào bài “Thi Nhân Bình Định”. Về Đào Tấn, tôi đã viết một bài dài về thân thế và sự nghiệp. Năm 1959 đã đăng ở Lành Mạnh, song không ai để ý vì tờ Lành Mạnh ít ai đọc. Nếu tờ Bách Khoa có dùng được thì tôi sẽ gởi vào, sau khi đăng xong “Thái Thuận”.

Kính chúc ông và bửu quyến an hảo.

-o0o-


Sài Gòn, ngày 29-12-1974

Kính Ông,
Trước khi về Long Xuyên đầu tháng 12, tôi có gởi  một bức thư ra thăm ông và trình nốt ít nhận xét cuối cùng về tập “Hương Vườn Cũ”. Thư đó chắc đã gặp bức thư ngày 29-11 của ông ở giữa đường.

Tôi đã mừng rằng ông đã vui hơn bao giờ. Nhưng ngâm câu Tịch dương vô hạn hảo là được rồi, còn nhắc tới câu sau làm chi! Tham quá! Chẳng nghe Thánh Thán nói một đời ông ta chỉ có 32 lúc vui đó ư?

Cảm ơn ông cho bài Tăng Bạt Hổ. Bài đó cho tôi được biết chắc cụ Tăng mất năm 1907, nhưng tôi còn muốn biết thêm điều  này nữa: mất ở Huế hay ở đâu? Ông chỉ cho biết ở nhà cụ Võ Hạp thôi.

Bài Á Tế Á Ca ông chép, so với bài của Thái Bạch trong Thi Văn Quốc Cấm, có phần đúng hơn.

Bài về Đào Tấn, tôi nghĩ không nên gởi cho ông Lê Ngộ Châu – Bách Khoa. Ông ấy từ trước không chịu đăng những bài đã đăng ở báo khác rồi. Phải inédit ông ấy mới chịu. Với lại, có điều này cũng nên thưa với ông: ông ấy không như tôi đâu, thuộc lớp mới, không thích Hương Vườn Cũ, sở dĩ đăng Thái Thuận cũng là vì nể trọng ông lắm đấy.

Vâng, tôi đã nhận được “Trong Vườn Hoa Thơ” ông Ngô Trọng Hiếu gởi lại. Nhưng thật có lỗi với ông quá, trong hơn nửa tháng rồi, chưa đọc được bài nào vì bận quá, có những tài liệu phải đọc trước đã. Hễ rảnh thì tôi sẽ đọc.

Tập Hương Vườn Cũ, trong khi đọc tôi đã ghi nhận xét bằng bút chì rồi. Ông cho người nhà lại lấy mà giữ hoặc gửi ra cho ông. Nhiều bạn gởi tác phẩm cho tôi giữ quá mà tôi ngại việc đó lắm. Như giữ vàng trong nhà vậy, không yên.

Khi nào có dịp viết thư cho tôi, xin ông cho biết ông Châu Hải Kỳ mạnh chưa. Lâu quá không được tin ông ấy.

Kính thư.