Năm 1978



Sài Gòn, ngày 20-02-78

Kính Anh,

Xin mừng anh chị và cậu Giao, chúc cậu ấy tìm được một việc gì thích hợp ở gần anh chị.
Ngày 14 tháng 12 âm lịch, tôi đương thu xếp hành lý để về Long Xuyên thì một cháu đem lại tập Nguyệt Hoàng Hôn. Tôi cho luôn vào va li để đem về Long Xuyên.

Mồng 5 Tết, người nhà ở Sài Gòn lại gởi về Long Xuyên cho tôi tập Thủy Thanh Thiển. Thế là Tết này, tôi không hề đọc một số báo xuân nào cả, chỉ đọc hai tập thơ của anh, đọc lại Luận Ngữ và Bác Sĩ Zivago.

11 tháng Giêng tôi lên đây, được bà láng giềng cho hay anh lại chơi, và đã về ngoài đó rồi. Trong thư 24-01, anh cho hay trước ra Giêng vào chơi, tưởng đâu ngoài lễ thượng nguyên, đâu có ngờ sớm như vậy mà về hấp tấp như vậy. Thật là vô duyên cho tôi.

Thị xã Long Xuyên cách biên giới trên 70 cây số nên yên ổn. Cán bộ cũng đốt pháo, cũng tiệc tùng (bữa tiệc của Mặt trận Tổ quốc mời tới 400 vị khách và thực đơn có 6 món, không kể bánh trái), còn dân chúng thì đi dạo phố tới nỗi chen chân không lọt, có lẽ tại ở nhà không có gì vui, nên phải ra đường nhìn nhau cho vui. Một số nhà công chức đã bán đồ đạc, bàn ghế, gần như nhà trống - thêm sạch, thêm sáng và thêm quét. Quýt tốt, một đồng ngân hàng một trái, chịu thôi, không dám mó tới.

Vừa ăn Tết xong, thì thanh niên phải chuẩn bị để làm nghĩa vụ lao động, lên miền biên giới đắp một con đường dọc theo biên giới để canh phòng giặc. Mỗi người phải đi làm 3 ngày (không kể ngày đi ngày về) và mang lương thực theo. Người nào lo thì vẫn lo, người nào vui thì vẫn vui. Hạng sau khôn hơn hạng trước.

Anh quả thực là ông lão “không chịu già”. Tiếc không được gặp anh để xem cái vẻ của anh đã già ra sao, chứ đọc thư và thơ anh thì thấy tâm hồn anh còn trẻ hơn trước 1975 nữa.
Ít ai biết rằng anh sáng tác đều đều và mạnh hơn tôi. Đó là một điểm anh không chịu già.
Anh vẫn đi xa được, đi Qui Nhơn, đi Sài Gòn, một năm mấy lần mà không thấy mệt. Tôi chịu thua anh. Về Long Xuyên, mới bước chân vào nhà là nằm phịch xuống võng, ba ngày sau mới lấy lại sức. Từ Long Xuyên lên đây cũng phải nghỉ 3 ngày để lấy lại sức. Bết quá, hai điểm anh không chịu già.
Chị mấy lần vào bệnh viện, anh một mình săn sóc chu đáo: điểm thứ ba đáng phục.
Loa oang oang bên tai mỗi ngày 10 giờ mà vẫn không chịu lên chùa: điểm thứ tư đáng phục.
Nhất là tình “Thủy Thanh Thiển” càng tỏ rằng không chịu già: điểm thứ năm vạn phục.

Tôi xin tặng anh danh hiệu “Ngũ Bất Lão Sinh” nhận không? Không nhận không được, đa?
Nằm trên võng ở đầu hiên dưới gốc mận đỏ - vườn tôi cũng như vườn anh, có một gốc mận già, tàng rất lớn, mỗi khi gió nổi thì lá xào xạc và hoa lả tả rơi xuống như tuyết - đọc xong tập Thủy Thanh Thiển, tôi lẩm cẩm tự hỏi: “Không biết nên thương ông bạn già này hay nên ước ao được như ông?”. Các bạn già của tôi, tới tuổi 60 thì ai nấy đều như bụt cả rồi, chỉ duy có anh là 66 – 67 tuổi vẫn còn như hồi 20.

Bài 16, nhất là câu cuối, sao mà đau xót ! Rồi bài 19, 21, 22, 23, 24 nữa, có ai mà đoán được là của ông già gần đến tuổi cổ hy? Hai câu cuối bài 6 nữa.
Tôi đoán không biết có đúng không: Đó là những bài thơ tình cảm động nhất của anh. Chưa bao giờ anh đau xót như vậy. Có thể đó là mối tình cuối cùng của anh, vì không thể tưởng tượng anh còn có những vần thơ não lòng hơn vậy nữa.

Tôi thương anh ở chỗ đó. Nhưng rồi nghĩ lại. Có lẽ nhờ có mối tình ấy mà trong một hai năm, nhất là những năm thiên hạ xao xuyến, lo sợ ấy, anh mới quên được việc đời, mới quên được phần nào nỗi nhà. (Chuyện tình đó anh sẽ chép lại trong tập Bóng Ngày Qua? Tập này anh đánh máy mấy bản? Mấy ngàn trang rồi? Có thể một ngày kia cho tôi đọc được không?).

Khi đánh máy lại tập thơ, rồi viết bài giới thiệu, giọng anh vẫn còn xao xuyến, vẫn còn luyến tiếc lắm, và anh đã cố giải thích tên tập thơ, giải thích khéo và đẹp. Nhưng tôi thấy tên đó không ổn: Mối tình đó đâu có thiển, nó thâm đấy chứ. Nó sâu lắm nên mới được 30 bài mà nhiều bài cay đắng như vậy.

Tập Nguyệt Hoàng Hôn có lẽ là tập quan trọng nhất để hiểu con người anh, tâm sự của anh. Không tô chuốt, nghĩ sao chép vậy, thành thực ghi chép cả những việc vặt hàng ngày. Có nhiều câu như ca dao. (Mà sao tập này anh hay tả hoa sâm thế. Kể ra nó cũng đẹp, nhã đấy). Giọng cũng thay đổi: lúc hóm hỉnh, lúc vui, lúc lo buồn, lúc như mệt mỏi, lúc như thoát tục.
Đó là phần I.
Phần II, anh khóc con, cũng nhiều hơn những thi sĩ mà tôi biết. Cả thảy hơn 30 bài.

Phần Phụ lục Thủy Thanh Thiển, cũng có những câu thú: như câu 3 – 4 bài 1, câu 3 – 4 bài 7. Hai năm nay anh có được thư của Thi Vũ không? Anh ta làm gì? Có xuất bản tài tử như trước nữa không? Con người đó thật nghệ sĩ.

Chúc chị hết hẳn chứng khái huyết. Còn anh, có nên chúc anh gặp thêm mối tình nữa không? Xin tùy ý, anh muốn gì, tôi chúc nấy.

-o0o-


Nha Trang, ngày 15-3-78

Kính Anh,

Về nhà gần một tuần nhật mới tiếp đặng thư anh. Thế mới biết cánh thư lúc này đã biến thành chân kim quy rồi vậy.

Đọc thư anh 3 lần, hưởng 3 hứng vị khác nhau. Ban đầu thấy vui. Lần sau thấy trong chỗ thích thú có ngấm ngầm khí buồn. Lần này, sáng hôm nay, phảng phất ý nghĩ của Lý Thương Ẩn khi lên gò (gì quên mất tên): 
Tịch dương vô hạn hảo
Chỉ thị cận hoàng hôn

Mà tôi đã phỏng dịch:
Tịch dương cảnh đẹp vô ngần
Riêng thương tấc bóng đã gần hoàng hôn

Một vài năm nữa, năm cái bất lão anh tặng cho, nó có còn bất lão nữa chăng?! Nghĩ đến đó trong người thấy trống rỗng, nhưng không nhận. Thử rõ là cái “trống rỗng” ấy nằm ở trong mình, hay mình nằm trong “cái” trống rỗng ấy... Trí loay hoay tìm cho ra “lẽ” thì bật cười: tất cả đều tan biến, lòng thấy lâng lâng, vội lấy giấy viết thư cho anh.

Tên “Thủy Thanh Thiển” ngoài anh ra, còn người thứ hai không ưng. Tôi chưa tìm ra tên khác. Tập này “người ta” cấm tôi đưa cho “người ngoài” xem. Tôi tự nhủ ảnh là “người trong” (*) chớ không phải “người ngoài” nên tôi không phạm cấm (dù có phạm cũng chỉ phạm trong trường hợp bất khả kháng thôi. Bởi ngoài anh ra tôi còn biết đưa ai xem những vần tâm sự ấy). Lục lại trong mớ bản nháp tôi tìm lại được mươi bài nữa, nhưng không bằng những bài đã đánh máy. Có nhiều ý lập, nhiều câu trùng. Chép lại thì dư, bỏ đi cũng tiếc và tội. Anh nghĩ sao?

Anh hỏi vì sao tôi hay nhắc đến hoa sâm. Hoa sâm 5 cánh, đỏ hồng, khi mới nở trông như môi giai nhân cười. Lũ cháu trồng chung quanh giếng thay cho cúc và tường vi đã mất giống bấy lâu nay. Hoa sâm mới nở mùa xuân năm 1977. Khi thấy hoa nở, tôi chợt nhớ lại ngày tôi mới gặp “Thủy Thanh Thiển”. Lúc ấy T.T.T tô màu son hồng in hệt màu hoa sâm... Một hôm T.T.T đến thăm tôi, tôi hái tặng một nhánh hoa mới nở... Thông cảm, nhìn nhau mà cười...

Tôi đã tưởng người Qui Nhơn là người cuối cùng. Không ngờ “sơn ngoại thanh sơn...”
Châu Hải Kỳ định ghi lại làm tài liệu cho sau này, những gì nên thơ đã xảy ra trong đời 1/5 bất lão của tôi. Nhưng chưa có dịp. Tôi định chép vào Bóng Ngày Qua nhưng chưa có hứng.

“Bóng ngày qua” còn nhiều chuyện viết về phần bạn, đã viết xong phần bạn quá cố, phần bạn còn tại thế vừa cũ vừa mới có trên mươi người, người nào cũng đầy kỷ niệm nên thơ. Xong phần bạn mới đến phần tình... Phần gia đình tôi mới viết được phần cha mẹ, ông bà và anh chị em... Viết về nhà tôi, mới viết đựoc mấy trang, rồi cụt hứng. Từ đó đến nay trên 7 năm rồi chưa viết tiếp được! Bóng Ngày Qua, tạm dừng sau khi viết xong bài về Tương Phố...

Bức thư anh nói về “hoa xoài” và “lập ngôn vể sông Côn” không biết tôi để đâu mà trong xấp thư chỉ còn có hai phong bì ghi “hoa xoài”, “sông Côn”. Những ý tưởng trong thư không đem vào trong bài anh viết về Nước Non Bình Định, mất thật uổng. Một bức anh nói về “Hồ Tiên” Ở An Khê:”... đọc đến đấy làm tôi phải tưởng tượng...”. Đọc đến đấy tôi thích quá vỗ vế bảo: "Thế là mình có tài...có tài làm cho Liểu Hạ Huệ phải mơ tiên...”. Bức thư ấy cũng mất. Không biết chừng tôi rút ra găm vào bản thảo Nước Non Bình Định cũng có. Để khi nào rảnh sẽ tìm lại... vì rất cần khi viết về anh...
Phải viết để sống. Hết viết được thì chả cần sống làm gì cho mất thú, trừ khi còn có “thơ sống” ở bên mình.

Chúc anh an hảo.

Kính lời thăm chị.

Tái bút: Anh Châu Hải Kỳ đã nhận được thư anh rồi. Anh ấy xuống thăm tôi với bộ đồ khá đẹp. Tôi khen, anh ấy bảo: "Bộ chót đây... ngó nhau cười rồi về... về gấp để ra chợ rước vợ, chở xe đạp vu qui”.

(*) Anh quê tuy ngoài Bắc nhưng vào Nam đã lâu rồi. Thành người Nam 80% vậy.

-o0o-


Sài Gòn ngày 23-3-1978

Ngũ Bất Lão tiên sinh nhã giám,
Mới được thư 15-3 của cụ tức thì đây (cũng là kim quy nữa: 1 tuần chẵn), thú quá,vội lấy viết ghi ngay cảm tưởng kẻo nó nguội đi mất.

Cụ nhận thấy màu bức thư này không? Màu hoa đào, màu mùa xuân. Tôi dùng màu đó để mừng cụ hồi xuân.
Khó gặp được một bức thư hay hay như vậy, tài và tình của cụ hiện rõ và đủ trong thư, và tôi đã viết chữ đỏ lên đầu thư: "Lưu lại”. Vài năm nữa, có lúc nào đệ ngứa ngáy muốn viết thì xin phép cụ trích nó đấy.

Thư có đủ giọng: vui, buồn, triết lý (như khi cụ hỏi “cái trống rỗng ấy nằm trong mình hay mình nằm trong cái trống rỗng ấy?”), rồi hóm hỉnh nữa (như cánh thư thành chân kim quy, “anh là người trong không phải người ngoài”), rồi tình tứ (chỗ nói về hoa sâm), và rất thành thực (về nhà tôi, tôi mới viết được mấy trang thì cụt hứng), khả ái quá đi, lại mỉa mai nữa (mình có tài làm cho Liễu Hạ Huệ phải mơ tiên! - đệ đâu dám ví với Liễu Hạ Huệ, cụ ơi! - chỉ vì không có duyên gặp tiên đấy thôi!).

Cuối cùng một chân lý (đối với chúng mình): ”Phải viết để sống, hết viết được thì chả sống để làm gì... trừ khi ăn “thơ sống” ở bên mình” (điểm này chỉ riêng đúng với cụ. Giọng cứ trẻ măng đi).

Thật là một bức thư đặc biệt. Cả tâm tình, trí hướng, đời sống anh ở trong đó. Đố anh viết được bức thư thứ hai như vậy nữa.

Thư đó tôi nhận được sau bức thư của anh Châu Hải Kỳ. Châu cũng cho tôi hay anh hồi xuân (như mới 18 tuổi) khi anh dạo gót với người đẹp một đêm (?) Tết vừa rồi, khiến Châu nhớ tới hai câu thơ này của Verlaine:

Nous étions seul à seule et marchons en rêvant
Elle et mois, les cheveux et la pensée  au vent
(dịch ra thơ Việt đi, cụ ơi)

Khi viết thư trước cho anh, tôi cũng đã nghĩ tới hai câu thơ của Lý Thương Ẩn và định đề nghị vối anh đổi nhan đề “Thuỷ Thanh Thiển” ra “Hoàng Hôn” nhưng sợ anh buồn, nên lại thôi.
Và điểm này nữa cũng đáng ghi: Tôi thấy anh trong hai năm nay, tả hoa sâm nhiều lần, tôi đã đoán là hoa đó có liên quan gì đó với người đẹp của anh. Đoán không sai.
Chúc anh cứ bất lão đi.

Kính thăm chị.

Tái bút: Bản thảo anh còn giữ được. Của tôi, tôi bán cho ve chai hết rồi, được 100đ ngân hàng, ăn Tết vừa rồi. Tôi thấy siêng viết chỉ có anh và tôi. Anh thật ngược đời: trẻ thì cổ điển gắt, già thì tân thời bọn trẻ theo không kịp.

Quên chưa trả lời câu này: anh cứ chép lại hết các bài thơ tình của anh, kỷ niệm mà, ngại ngùng gì.

Nhà tôi bảo tôi mới “nội hóa” được 60% thôi, chứ không phải 80% như anh nói, vì không thích mắm ruốc và thứ rau dấp cá và thèm rau muống. Rau muống quê tôi xưa để cống đấy nhé. Có thằng vua nào mà lại ăn rau muống? Chỉ có thằng Càn Long khoái khoai lang ngon thôi !

-o0o-

Nha Trang ngày 07-5-78

Kính anh,

Được bức thư hồng của anh từ lâu, mãi nay mới hồi âm là vì: ban đầu nhờ Châu Hải Kỳ đến để cùng chung vui và đoán thử nếu gặp Khách Bồng Doanh, anh còn có thể làm ông trạng Trần Tu hay chăng. Kỳ chưa đến thì tôi lại thí nghiệm xem 1 trong 5 bất lão là “bất lão xê dịch” có còn “đủ gân đủ cốt” chăng: đi Qui Nhơn. Kết quả:
Mai thắm tình qui hạc
Đào tươi mặt cố nhân.

Trở về Nha Trang, còn dư hứng, ngồi đánh máy thêm những bài lục bát trước đây đã bị loại, vào tập Thuỷ Thanh Thiển và sửa lại tên tập thơ (1), sửa lại những lời giới thiệu. Thấy sức còn “dẻo” đánh luôn tập “Cánh chim thu” viết tay.

Công việc xong, nhân có người vào Sài Gòn, tôi vội viết thư và phong một bản Cánh Chim Thu và những bài thơ lục bát đánh thêm và những lời giới thiệu sửa lại, để nhờ mang vào anh. Người ấy chưa kịp đi thì gặp lúc đổi bạc,...cuộc “du lịch” kia bị hủy. Xấp thơ cùng những bài văn, thơ kia đành đợi dịp tốt tương lại...

Lâu nay anh có được mạnh giỏi chăng? Tuổi già mà hay đau ốm, thì thật là khổ. Lão mà không bệnh thì tôi thấy là “vô vạn hảo” như buổi tịch dương. Ơn trời tôi ít bệnh hơn anh. Nhưng để cho công bằng trời lại bắt nhà tôi hay đau yếu.
Nhà tôi đã yếu mà lúc này lại còn phải lo săn sóc đứa cháu ngoại do đứa con gái út của chúng tôi mới sanh hơn tháng nay. Chồng nó làm việc ở Cam Ranh (lâm nghiệp), thỉnh thoảng mới về thăm. Cha mẹ chồng không có... Nghĩ “tội bà ngoại” quá chừng!
Vợ đau con đẻ rể nghèo
Sách xưa đem bán chợ chiều ai mua!

Bán không ai mua mà để đó thì không chóng cũng chầy, sẽ vào bụng đố ngư, hoặc chịu cái nghiệp của Tiểu Thanh mà Tiên Điền đã độc điếu. Lòng không khỏi buồn thương. Bỗng đoàn cán bộ “sưu tầm sách báo miền Nam” của Viện Sử Học Việt Nam ở Hà Nội vào Nha Trang ghé thăm tôi. Thể theo lời yêu cầu của ông trưởng đoàn là ông phó viện trưởng Viện Sử Học (Văn Tạo), tôi tặng Viện (có lời đề tặng và chữ ký) 1 bộ Kinh Thi, 1 bộ Kinh Thư, 2 bộ Kinh Dịch, 1 bộ Tứ Thư, những sách nghiên cứu về Khổng, Mạnh, Dương, Mặc (có cả chữ Nho và chữ quốc ngữ, có cả phiên âm và dịch nghĩ, chú giải...); 1 số sách về sử Việt Nam và sử “Miền Nam” đã xuất bản từ thời Pháp thuộc cho đến 1975 tại Sài Gòn; 1 số sách về văn học của M.Nam. Toàn là những sách tôi yêu quí.
Đó là một cách gửi con cho nhà có thế lực, có cơ sở tài chánh vững chắc nuôi dùm. Dù biết rằng không bao giờ mình còn đựơc “tái kiến” song vẫn yên tâm rằng sách khỏi phải bị “vô mệnh”. Còn một số nữa, tôi cũng hứa cho Viện nốt... nhưng chưa nỡ rời, nên còn giữ lại trong một thời gian. Nhận sách rồi, Viện có viết cho tôi một bức thư cảm ơn và tặng tôi một món quà: 250 đồng (phong kín). Tôi làm 2 câu thơ nữa tiếp theo 2 câu thơ trên: 
Văn chương còn chút duyên thừa
Dòng (2) trôi phong nhã gió đưa đến mình

Từ hôm Tết đến nay, tôi không làm được gì cho văn chương cả. Tôi rất ngại cảnh già của Giang Yêm:
Giang lang tuổi đã về già
Bút đâu còn sức cho hoa thắm màu

Các bạn văn học Hà Nội mà tôi quen thân, khuyên tôi dịch nốt tập Lữ Đường di cảo thi tập của Thái Thuận. Tập thơ này ít người biết. Hà Nội có 1 tập do Hoàng Xuân Hãn tặng. Dường như các nhà hay chữ Hán ở Hà Nội không để ý. Tôi đã dịch trên 50 bài, còn trên 200 bài khó dịch quá, nên tôi không dám nghĩ tới việc dịch tiếp.

Vừa rồi, tôi được đọc tập thơ dịch của ông bạn già Đông Xuyên do anh đề tựa. Tôi nhận thấy ông bạn kính trọng cổ nhân hơn tôi thập bội. Cũng như hầu hết các dịch giả xưa nay, ông bạn dịch thơ xưa vì người xưa và vì bạn đọc. Tôi có khác, dịch thơ xưa chỉ vì trong đó có mình; người xưa và mình, tuy hai mà một, mình cùng người xưa tuy một mà hai... Vì là một cho nên dịch; vì là hai nên không chấp nghĩa mà chỉ cần thoát ý, có khi thay cả rung cảm của mình vào rung cảm của người xưa... Vì vậy nên tôi thường bị người ta chê là “dốt chữ Hán” và bị người xưa hăm sẽ đánh đòn khi gặp nhau nơi thiên đình.

Anh có thích đọc tuồng hát bội chăng? Tuồng hát bội của cụ Đào Tấn (người Bình Định, đậu cử nhân và làm quan triều Tự Đức) văn chương tuyệt diệu. Hiện nay cụ Đào được Nhà nước để ý. Nhiều nhà văn đi sưu tầm tuồng của cụ và dịch văn thơ chữ Hán của cụ. Trước đây tôi đã viết về cụ và giới thiệu một ít giai phẩm của cụ, song không ai để ý. Tôi hiện có một ít thơ chữ Hán và một số tuồng của cụ Đào. Có bạn bảo tôi nên khai thác các tài liệu ấy... Tôi không dám vâng lời vì rất sợ sự “chen lấn”.

Anh đã có chỗ ký thác những bản thảo chưa? Tôi rất lo ngại. Thánh hiền dạy “hữu thân hữu khổ”. Bọn mình ngoài cái thân còn sách và bản thảo, nên phải khổ hơn những người chỉ có tấm thân. Anh thử xét xem có đúng chăng. Ban đầu tôi cho là đúng, song nghĩ lại thì thấy là sai. Vì nếu chỉ có tấm thân... thì lấy gì “mua gạo củi dầu đèn”? Tôi đã từng thiếu những món đó, và nhận thấy không sướng ích chi cả...

À, anh có nhận thấy nét chữ của tôi lúc này khác trước chăng? Đó là do tay bị bại, phải châm cứu gần nửa tháng nay... Viết có phần khó khăn và viết thấy mỏi. Đó là một lý do nữa làm chậm trễ sự viết thư cho anh. Nay viết được “khá khá” nên nói dông nói dài để bù vào “quảng trống” mấy chục ngày trước.
Chúc anh chị dồi dào sức khỏe.

Kính thăm chị,

(1) Tên “Thủy Thanh Thiển” đổi ra “Bán lâm hàn nguyệt” chữ mượn trong thơ Vịnh mai của Kỳ Lệ Xuyên Phương Bá đời Thanh. Nguyệt trên xuống “nguyệt” trong “Nguyệt Hoàng Hôn” tập sau, nghĩ thú thú... Lời giới thiệu hai tập đều viết lại... Trông có người để gởi vào anh xin ý kiến.
(2) Tôi muốn để lại “bèo trôi” lấy ý “bình thủy tương phùng”, song e người hiểu lầm là ngậm ý khinh bạc, nên đổi là “dòng trôi”. Anh nghĩ sao?

-o0o-


Nha Trang, ngày 17-5-78

Kính anh

Xin gửi anh 1 bản “Cánh Chim Thu”, những trang đánh máy lại để thay vào 2 tập “Thủy Thanh Thiển” và “Nguyệt Hoàng Hôn”.
Thơ trong Cánh Chim Thu thiếu công phu nên giá trị văn chương không có mấy. Những bài khá thú tôi đã trích đem vào hai tuyển tập “Trăm Thiên Đường Luật” và “Tràng Hạt Ngũ Ngôn”. Tuy vậy một số bài có thể cho bạn xa thấy được những “quảng đời”, những tâm sự của tôi trong khoảng thời 1973 – 1975. Đọc lại tôi thương cho tôi lúc ấy quá! Thơ phản ánh trung thực tâm hồn tôi. Nếu lúc ấy tôi làm thơ ít hơn để dùng sức tạo luyện thêm từ cú thì giá trị tập thơ chắc cao hơn. Muốn ra công sửa chữa, song sao thấy buồn buồn không thích...

Lâu nay từ hôm ở Sài Gòn về đến nay không làm thêm được bài thơ nào cả. Dường như tứ đã cạn, hứng đã tàn rồi !! Hơn một tuần nay, trời lại mưa dầm. Nhà cũ quá, mái lợp ngói âm dương bị dột lung tung. Hứng chỗ này, đến chỗ khác. Đêm nào cũng bị mất ngủ vì nước dột... Một phần vì thời tiết, một phần vì mất ngủ, người tôi sanh uể oải. Không làm thơ được, không đọc sách được... buồn thật là buồn!

Anh có được mạnh khỏe chăng và có sáng tác thêm nhiều chăng? Nhớ anh lắm. Lúc này giấy loại bị trụt giá. Chỉ còn 400 bạc cũ một ký lô. Cho nên muốn đi du lịch không thể nhờ đến sách và bản thảo được nữa. 
Nhớ nhau lòng muốn vào thăm
Không mong bán giấy đành nằm mà mơ

À hôm đổi bạc, anh có được ngắm cảnh chộn rộn của người nhiều tiền và những “hùm gió” chăng? Tôi ở bên chợ nên thấy nhiều “thắng cảnh” lắm... Vật giá hôm ấy lên vụt vụt... mà “thiên hạ” dành dựt nhau mua. Họ mua tất cả những gì mua được và mang đi được dễ dàng... Nếu họ mua tủ, bàn ... thì hôm đó tôi phát tài to. Nếu họ mua sách cũ và giấy nháp thì tôi cũng nặng túi lắm lắm. Mới biết lúc nào mình cũng đều không gặp thời.
Sau vụ đổi bạc, tôi tưởng vật giá sẽ hạ. Ai ngờ vẫn cao, mới đây mà bạc mới đã nhiều như bạc cũ. Các quán ăn, các rạp chiếu bóng... vẫn đầy nghẹt cả người. Thiên hạ làm tiền giỏi thật !!

Chúc anh vạn hảo

Kính lời thăm chị

Lâu nay anh có gặp Đông Xuyên chăng? Xin cho tôi gởi lời thăm.

-o0o-


Sài Gòn, ngày 02-6-1978

Tân Loa Thành tiên ông nhã giám

“Tiên ông” vì ba lẽ:
- Già mà không bệnh.
- Ở đâu cũng gần đào tươi.
- Sách bán được 250đ trong khi thiên hạ phải đốt hoặc bán với giá 30 xu (150đ Saigon)

Vụ đổi tiền ở ngoài đó ra sao (Châu Hải Kỳ đã cho tôi hay rồi), thì Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Long Xuyên cũng vậy. Tôi đã bảo Nam Bắc một nhà mà, thì “ngụy” hay “chính” gì cũng một tâm lý hết: 24 năm xây dựng XHCN, là xây dựng xã hội thôi, chứ đâu đã xây dựng được con người. Con người đâu có dễ dàng: mấy ngàn năm nay, các cụ thánh có thành công quái gì đâu (chẳng lẽ gọi là thất bại, tội cho các cụ, chứ sự thực các thế hệ càng xa các cụ càng đổ đốn).

Bây giờ tới vụ sách. Non một tháng nay, và mau quá, hôm qua một ông bạn cán bộ cho hay: chính quyền hoãn vụ cải tạo văn hóa đó rồi: có thể yên tâm được tới cuối năm. Thời buổi này, yên được ngày nào hay ngày đó. Lại có người bảo tụi ba Tàu nhà nhà ăn mừng! Thế có buồn không chứ?

(Có người thấy tôi viết có một mặt như vầy: bảo tôi phí quá. Giấy pelure này đắt lắm, và hết là hết luôn cho tới hết thế kỷ, vì từ nay đến 22 năm nữa, chưa chắc chế tạo được thứ giấy này đủ dùng đâu. Người ta mua giấy này để vấn thuốc 18đ một rame; ở nhà quê, mua giấy báo để vấn thuốc).

Sách của tôi, tới nay vẫn còn: không gởi ai cả, không đốt, chưa bán vì giá rẻ quá.
Tôi có đọc ít đoạn tuồng cụ Đào Tấn: hay. Nhưng tôi không thích loại đó. Anh nói anh không muốn khai thác tài liệu về Đào Tấn, vì sợ sự “chen lấn”. Anh muốn ám chỉ Nguyễn Văn Xuân? Anh ấy lúc này làm gì?

Việc bản thảo, tôi chưa tính gì được cả. Gởi Chính phủ (tôi không thích), gởi bạn thì chưa thấy ai đủ điều kiện (phải còn thọ ít gì cũng vài chục năm nữa, phải là người thân mà thích tác phẩm của mình, và phải có đức tính cẩn thận, có quyền uy chút chút, khỏi phải sợ lôi đi kinh tế mới hay đi học tập...).

Rồi còn những thư từ anh và tôi, Đông Hồ và tôi... trao đổi với nhau, cũng nên giữ chứ. Mà ai giữ được đây? Thư anh gởi cho tôi, tôi muốn sau này sẽ gởi trả anh hoặc các cậu con anh ở ngoải. Thư Đông Hồ gởi cho tôi, bác Mộng Tuyết đã làm photocopie rồi, khi triển lãm về Đông Hồ ở Sài Gòn. Ông bạn đó thế mà sướng.

Nét chữ thư 07-5 của anh hơi kém một chút, nhưng thư 17-5 đã bình thường rồi. Chữ ký còn mạnh lắm. Anh có tướng đi rất vững vàng, còn thọ lâu.

Tôi đã đọc xong Cánh Chim Thu và những bài thơ thêm vào 2 tập Bán Lâm Hàn Nguyệt và Nguyệt Hoàng Hôn.
Đúng như anh nói: “Làm nhiều thơ khó có thơ hay”.
Ai cũng vậy. Mà thực là nhà thơ thì nhà nào cũng làm nhiều; thời Đường, Tống, mỗi nhà làm cả ngàn bài thơ trở lên.

Mình làm thì mình cứ giữ hết. Rồi sau người ta in được hết thì in, người ta lựa bài nào thì lựa (khẩu vị mỗi thời mỗi người mỗi khác), mặc người sau. (Tôi nghi ngờ việc in này lắm).

Tập Cánh Chim Thu này cũng đúng như anh nói, lời thơ không đều – hay dở lẫn lộn – nhưng tâm sự nhiều, đa dạng (varie). Tôi có phần thích nó đấy - bảo là thích hơn cả thì không đúng, nhưng thích vì nó varies.
Xin kể vài bài: Ngôi Nhà Cũ, Vườn Chiều, Ngại Xa, Ngâm Lếu, Ngâm Láo, Tội Nghiệp, Giặc Trụ, Mùi Quê Hẳm Hút;, Tiếng Hát, hai câu cuối bài Nợ Nần, Thức Giấc Song Khuya, từ trang 36, những bài về thời cuộc đáng giữ cả.

Có chỗ nào anh viết: anh thử ở thì chính là ăn xổi đấy. Có một điển: dấm Vương Duy, tôi không hiểu (bài Ngâm Lếu)
Bài tựa (viết lại) Nguyệt Hoàng Hôn, gần cuối: “bạn sẽ vỗ đùi ngâm lớn”. Tôi muốn anh kín đáo hơn. Tự giới thiệu thơ mình như vậy là kỹ, quá đủ rồi.
Xét chung những bài anh sửa lại đều hơn bài cũ, như bài 84 trang 22 Nguyệt Hoàng Hôn, bài 85 sau đó, nhất là bài 29 trang 8.

Hôm nay mới nắng sau một tuần mưa dầm.
Cây dừa trước cửa nhà tôi đẹp quá.
Mạnh mẽ mà thướt tha, phe phảy, bóng bẩy.
Lóng lánh mà xanh mướt
Tình tứ mà đoan trang
Mát (bóng) mà ngọt (trái)
Nó tượng trưng được người phụ nữ bình dân trong Nam.
Cây sao tượng trưng được những nhà nho cũ ái quốc như Đồ Chiểu, Thủ Khoa Nghĩa... Cũng là một loại cây ở trong này mà tôi thích.
Những ai đi xa, về quê nhà, mà cách sông nhìn thấy rặng sao ở đình làng, lòng chắc bồi hồi lắm.

Ngoài Bắc tôi thích cây gạo (à có lần tôi hỏi anh Quy Nhơn có cây đó, vì thơ anh nhắc tới, anh chưa trả lời).
Nó cao lớn hơn cây xoài, khi trụi lá thì đầy nụ bằng quả ổi, khi hoa nở thì đỏ rực một góc trời và rủ rê từng đàn chim ríu rít lại, vui và đẹp mắt lắm. Nó thường được trồng bên đường và trên bờ đê, đi xa về làng, trông thấy nó cũng xúc động lắm.

Thôi xin ngừng bút để đi bỏ thư đây.
Nửa tháng nay không ra khỏi nhà.

Chúc anh chị mạnh

-o0o-


Nha Trang, 05-6-78

Kính anh

Hôm tháng 3 âm lịch, tôi có gởi vào anh 1 bức thư bưu điện và trung tuần tháng Tư này, tôi nhờ người đưa đến anh một bản đánh máy tập Cánh Chim Thu, 1 bức thư và mấy tờ đánh máy lại cho hai tập lục bát. Mong sao trời phù hộ cho những “giấy mực” ấy đến nơi đến chốn được bình yên.
Lúc này thơ từ chẳng những hoán tác Kim Qui mà còn năng thừa hoàng hạc, cho nên một khi cánh tem đã dán lên phong bì rồi thì phải khóc nửa tiếng cười nửa tiếng rồi mới bỏ thư vào thùng thư hoặc trao vào tay “sứ giả”.

Lâu nay anh có đặng mạnh khỏe chăng? Tuổi già dễ sợ nhất là đau ốm. Già sợ đau ốm hơn trẻ sợ vợ. Anh đã thể chứng điều ấy chăng? Tôi mới tọa thiền chớ chưa nhập thiền nên mới cảm thấy chớ chưa nhận thấy. Lúc này tôi kiêm nhiệm thêm một chức vụ nữa là ru cháu và có câu hát rằng: 
Ru con mấy chục năm tròn
Bây giờ ru cháu vẫn dòn như xưa
Ngày trời có sớm có trưa
Lòng thương con cháu nắng mưa một lòng.

Đã ra ông già chửa hay còn bất lão? Nếu còn bất lão thì thành lục... tặc rồi vậy.

Ban Hán Nôm trong Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam Hà Nội do ông Nguyễn Đổng Chi làm Trưởng Ban, đương chuẩn bị biên soạn bộ “Từ điển thư lịch Hán Nôm”. Ông Trưởng Ban có gởi thư yêu cầu tôi công tác vào công trình ấy. Chắc anh cũng có nhận được thư mời? Nhận  thấy một số tài liệu tôi sẵn có...

Sách và tài liệu bọn mình gìn giữ lâu nay không biết còn có thể giữ nguyên vẹn cho đến khi lên xe hoa về nghĩa địa chăng? Mỗi lần nhớ đến bộ Tô Văn Trung toàn tập, một trong Trường Xuyên Tứ Bảo vào trong bụng những bạn nghiền thuốc lá, lòng tôi không ngăn nổi bùi ngùi...

Tôi đã tặng cho tủ sách Viện Sử Học Việt Nam Hà Nội (thư hôm tháng 3 âm đã trình bày cùng anh rồi) mấy bộ thi sử triết, tôi chờ người ở Viện vào lần nữa để tặng một số sách còn lại, cho lòng được an ủi rằng “bạn nối lòng” của mình khỏi bị làm chim én của họ Tạ họ Vương... Anh sống ở thành phố lớn có phần yên vui hơn tôi. Con cá rô nằm trong hồ nước cạn thường hay bị ló kỳ! Mà người đời hễ thấy cá là ưng bắt lên cạn cho vui... Cá lại không biết nói...

Châu Hải Kỳ lúc này lương bổng (của cả hai vợ chồng) cũng đủ sống. Kỳ có cái thú là mỗi chủ nhật chở vợ đi chợ bằng xe đạp. Cái thú ấy tôi không có vì không biết đi xe đạp và ở gần chợ... Chắc từ nhỏ đến lớn, anh cũng chưa được hưởng cái thú ấy?

Chúc anh vạn hảo
Kính lời thăm anh chị.

Tôi vẫn “ngũ... thành tặc”.
Nhà tôi lúc này sức khỏe đỡ nhiều, nhờ vậy mà tôi chỉ làm phụ tá trong nghề nội trợ.

-o0o-


Nha Trang, ngày  Đoan Ngọ năm Ngọ (10-6-78)

Hoàn Đồng lão huynh

Hôm nay là ngày khổ nhất trong tứ khổ của người lo đời, “truyền thống” của họ Khuất, mà lại là ngày khoái nhất trong tứ khoái của người lánh đời, “miêu duệ” của họ Nguyễn, họ Lưu. Hoàn Đồng lão huynh, và Tiên cố ngũ bất lão đệ vốn không phải dòng họ Khuất, cũng không phải giống họ Nguyên, họ Lưu (1), nên không khổ cũng không khoái về ngày Đoan Ngọ này. Phải chăng lão huynh? Vì “nhị không” đó nên ngồi viết thư này trong khi tiếng loa phát thanh buổi sáng còn đang dòn dã bên tai.

Trước hết xin làm việc “chính danh”.
Con đường của anh là đường Kỳ Đồng. Anh là một vị Kỳ Lão. Đáng lẽ phải “truy tặng” anh “tước nhị kỳ lão ông” mới đúng. Song tôi nhận thấy 5 năm trước anh già như một ông già thực thụ, còn từ 3 năm sau này, mỗi ngày anh trẻ trở lại mỗi tuổi. Và hôm nay đọc đi đọc lại mấy bức thư màu hồng, màu vàng của anh, nhất là bức thư ngày 02-6-78, tôi nhận thấy anh trẻ hẳn. Trẻ mà lại có duyên (đây là lời của người khác phái nói mà tôi công nhận là đúng). Nên tôi xin phong tặng anh biệt hiệu là Hoàn Đồng. Đường, Khơi đề nghị đổi tên vì nếu anh trẻ mãi không già thì sẽ trở thành Kỳ vậy. Còn tôi không dám nhận chữ “tiên ông” mà xin làm “tiên cô” là vì để râu nhột chịu không nổi... vân vân... Sau xin thưa những điều anh hỏi.

+ Vò dấm Vương Duy: trong Tùy Viên Thi Thoại có nói rằng Vương Duy làm thơ rất khổ công. Có lần mắc lo cấu tứ luyện từ mà bước lầm vào vò dấm của vợ để phơi ngoài sân...

+ Cây gạo của anh và cây gạo của tôi e không phải mất một giống. Vì cây gạo anh tả và tôi thấy tả trong bài thơ xưa “Cây gạo chùa Bào”, là một cây đáng yêu đáng kính. Còn cây gạo tôi thấy ở khắp miền Nam thì “kém vệ sinh” quá.

Xin kể anh nghe một chuyện cười ra nước mắt:
Năm 1934 tôi làm “quan phán” tòa sứ Đồng Nai Thượng Đà Lạt. Ông sứ là Auget. Một hôm đến sở ông sứ la hét tùy phái một cách hung tợn, bắt khiêng bàn ghế phòng ông ta ra ngoài sân và múc nước lau chùi nền nhà thật sạch. Bởi ông bảo: "Mày để nhân viên mang c... vào phòng tao!”.  Buổi mai hôm ấy ông ta đem tài liệu về tư dinh làm việc. Chiều đến, đến sở, ông ta cũng la hét như buổi sớm, rồi tự mình khám xét từng gót giày của nhân viên và từng góc phòng, chân bàn trong sở... chả có tí c... nào hết... Bực mình ông ta dậm chân dậm cẳng trong phòng giấy rồi đi ra sân ra vườn, mặt hằm hằm, bước nện thình thịch... Gió mát làm dịu lần cơn giận, ông ta đứng nhìn quanh, mũi khịt khịt...Chợt thấy một cánh hoa từ trên cao sà xuống gần  cửa sổ phòng anh ta, dưới đất lại có vài hoa rụng nằm khoe tươi (2). Ông ta đến lượm và đưa lên mũi ngửi. Hoa vừa kè mũi thì ông ta la lớn: Oh! Oh!... Rồi chạy vào sở... Gặp ai cũng cho ngửi hoa và cười hố hố... Ai nấy cũng đều bật cười! Té ra mùi “mất vệ sinh” làm ông sứ nổi giận và nghi oan cho nhân viên là mùi hoa... hỏi người thông thạo là hoa gạo!

Nguyên Tòa sứ Đồng Nai Thượng ở nơi khác mới dọn đến đó chưa đầy nửa năm, và lần đầu tiên gặp mùa hoa gạo. Cây gạo ở phía sau tòa sứ, hướng nhiều gió, cửa kính thường đóng kín. Do đó nhân viên không ai được “thưởng thức” mùi hoa. Hôm ấy tình cờ ông sứ mở cửa sổ... Nhờ đó mà tôi biết thêm được 1 điều chưa biết.
Cây gạo của anh chắc chắn không có quan niệm “không lưu phương thì lưu xú” như cây gạo của tôi?

+ “Ăn xổi ở thì” là đúng sách vở. Song người Bình Định lại thường nói “ăn lấy thuở ở lấy thì” (3) nên tôi hà tiện chữ như vậy. Tấm lòng hà tiện từ nay xin chừa.

+ Xin vâng lời anh sửa lại đoạn chót bài tựa Nguyệt Hoàng Hôn

+ Tập Cánh Chim Thu, được “châu y” gật cho vài gật cũng đủ “đậu” rồi.

Về sách vở: tôi tưởng chỉ nơi thành phố nhỏ bé, “đất lòng” mới hẹp hòi; ai ngờ chốn nổi tiếng “hòn ngọc Viễn Đông” người nhiều đất rộng mà cũng hết chỗ chứa sách cũ! “Hủy hết, hủy hết” vì những sách không nằm trong diện “phản động”, diện “đồi trụy” thì nằm vào diện “lạc hậu”. Thế nào là “lạc hậu”. Đáp rằng: “không chứa đựng tư tưởng Mác Lênin”. Rõ ràng và dứt khoát. Ở Nha Trang chỉ còn không trên năm người có nhiều sách. Họ lo sợ... Tôi thản nhiên một cách cố gắng. Tôi cho vào thùng giấy gần hết, để đó, chờ xe đến chở... Chừng nào thì chừng... Tôi có hơi lo cho số tác phẩm còn nằm trong bản thảo... Nhưng vật cũng như nhân đều “hữu thường số”. Nghĩ cũng chả lo nghĩ làm gì cho tổn thọ... Nói là nói vậy chứ lắm lúc thật là buồn! Tâm trạng ấy e là tâm trạng chung của đám người lấy văn chương làm lẽ sống.

Nha Trang mới mưa khi hôm. Mưa rất lớn. Mừng thật mừng mà cũng thật cực. Mừng chung: được mùa. Cực riêng: nhà dột... May mưa chỉ nửa đêm nên ngủ được nửa đêm. Thật là “nhất dạ lưỡng bi hoan”.

Giấy pelure quí băng gạo. Nghe nói mấy cụ ghiền thuốc lá tìm mua cả giấy đã đánh máy rồi với 1 giá 2 hào (tiền mới) một tờ. Tôi đương ngồi đợi mối để bán số bản thảo lưu trữ làm kỷ niệm đây. Nếu kiếm được mối tôi sẽ vào thầu mớ giấy nháp của anh. Làm trung gian trục lợi món này chắc không ai nỡ truy tố. Nhân tiện xin khuyên anh dùng papier fort mà viết thư, chớ pelure mỏng quá, thường hóa cánh chuồn chuồn bay theo khói thuốc lắm lắm... Đó là kinh nghiệm tôi đã rút từ bản thân, chớ không phải nằm mộng như Trang Chu đâu.

Tôi còn gần trăm quyển Đọng Bóng Chiều và Mộng Ngân Sơn. Giấy trắng tốt. Để đó sẽ không “bất tử”, bán chẳng ai mua vì khổ nhỏ gói mắm muối không được, cho không đủ người nhận, còn đốt thì “tâm sự sao đành gởi Chúc Dung?” Âu đành để tới đâu hay tới đó...

Người ta khổ nhục vì tiền
Mình vì nhiều sách mà phiền lụy thân
Đục trong phú chẳng thua bần
Gặp phong trần cũng phong trần như nhau.

Chúc anh an hảo

Kính thăm chị

Tái bút:
- Nguyễn Văn Xuân đã “ghi tên” cụ Đào Tấn vào “số Hộ Tịch” bên cạnh Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân thì chắc không dịch thơ và khai thác thân thế của cụ. Hiện nay cụ Đào được chánh quyền để ý đến nhân phẩm và văn tài, nên nhiều người ra công sưu tầm tác phẩm cùng giai thoại của cụ để viết sách. Có người khuyên tôi nên góp phần xây dựng... vân vân và vân vân... Tôi không dám lãnh ý, vì biết mình không đủ khả năng v.v... Thơ chữ Hán cụ Đào rất tao nhã... Từ cũng hay... song không bằng tuồng hát bội của cụ. Tuồng hát của cụ thật tuyệt diệu.
- Thư từ của chúng ta, tôi tưởng cứ gói kỹ để đó, khi nào mình về chầu ông bà ông vải sẽ mang theo, để khi buồn chui lên mặt đất dùng ánh mặt trăng mặt trời đọc lại cho vui.

(1) Lão huynh tuy họ Nguyễn, song để chắc chắn không “mang” hồng huyết cầu của ông cụ Nguyễn Nhập Thiên Thai. Bởi ông cụ khi cỡi hạc xuống trần không mang con theo... ngày đây là ngày viết thư cho nhau chớ nếu là ngày trời thì... thành ra trẻ hơn lúc chưa “giáng thế”.
(2) Hoa nhỏ, màu tím nhạt
(3) Hoặc: “ăn theo thuở ở theo thì”.

-o0o-


Sài Gòn, ngày 01-7-1978

Kính anh

Hôm nay trả lời 2 bức thư 5.6 và 10.6 của anh, và dùng thứ giấy dày (còn ít lắm phải để dành) để khỏi mất thư vì nạn thiếu giấy hút thuốc.
Giấy không có, mực cũng thiếu. Bic xanh, đỏ, đen gì đều kẹt hết, mực không xuống được, bực quá. Viết mấy trăm trang sách mà đổi ba màu giấy, ba màu mực. Còn thiếu thốn nữa.
Tôi đương đau đây anh: bao tử, cảm cúm. Toàn là những “bồ” quen mấy chục năm rồi nên không sợ nữa. Mà tôi cũng chưa được biết cái nỗi “trẻ sợ vợ".

Anh có ý hay đấy. Làm đủ các loại thơ rồi, bây giờ làm thơ ru trẻ đi. Chưa biết chừng thời này loại đó được trọng dụng đấy: bình dân mà.

Không, tôi không được Nguyễn Đổng Chi mời hợp tác, vì tôi đã tuyên bố từ năm 1975 (mực kẹt như vầy, bực mình không?) rằng tôi không chuyên về Hán nhất là chẳng biết gì về Nôm. Thế là người ta để yên. Bài học của Trang Tử, tôi còn nhớ mà. Nhờ vậy mà sống ở đây cũng được yên. Tôi đã thưa với quý vị ấy cho tôi 5 năm để quen với lối tư duy mới, cách viết mới, chứ bây giờ tôi viết chắc là không dùng được đâu, còn sức khỏe tôi thì không cho phép tôi ngồi trọn buổi được, nên lúc nào tôi thật mạnh mới hội họp được.

Câu chuyện con cá nằm trong hồ nước cạn, đúng đấy. Người đời hễ thấy là muốn bắt lên cạn cho vui. Nhưng tôi muốn đổi cá rô ra cá thia lia. Cá rô ai bắt được là sực chứ! Cá thia lia mới là bắt để chơi. Mà anh đa tài, văn thơ nhiều “màu” như cá thia lia.

Tại anh trước kia ít biết tôi, chớ hồi nào tôi cũng có những lúc vui tính (anh thấy văn tôi đâu phải là văn ông già thực thụ?), nhưng 3 năm nay lây bệnh “tếu” của một ông bạn, nên anh thấy tôi trẻ lại đấy. Tếu một chút cho đỡ buồn mà.
Tôi cũng tính khi nào viết hồi ký như ông Đào Duy Anh, hay như anh thì sẽ tả cây gạo, cây dừa (bạn thân của tôi cả, như hoàng lan, ngọc lan), hiện chưa nghĩ đến việc viết lách đó.

Mới được đọc hồi ký của Đào Duy Anh và của Vương Hồng Sển. Mỗi người một cách. Mong đọc hồi ký của anh nữa đấy. Hai bạn kia viết đều dài cả: Đào trên 400 trang, Vương trên 600 trang; nghe nói của anh trên 2000, 3000 trang. Quán quân rồi.

Tôi đã nhận xét thơ anh. Tôi cũng đã nghe nói: ăn theo thuở ở theo thì. Câu  này nghĩa khác hẳn câu: ăn xổi ở thì. Chắc anh đã dùng đúng, chứ không sai đâu, tôi đọc vội nên đưa nhận xét bậy, giờ kiếm lại bài thơ có câu đó mà kiếm không ra. Anh không “hà tiện chữ” đâu, làm thơ thì nói gọn như vậy là phải. Cần gì phải sửa. Tôi hiểu lầm đấy.

Tôi cũng như anh, để riêng sách nào không được giữ, bà con có tới thì lấy, chở đi giùm, chứ chẳng tiếc. Nhưng vụ đó hình như hoãn lại. Bây giờ người ta có nhiều việc rắc rối hơn: vụ xích mích với ông Ba Tàu!

Bản nháp bằng pelure của tôi, tôi đã bán đi cả chục ký từ hồi Tết rồi, một kí có 1000đ Saigon thôi.

Bốn câu: "Người ta khổ nhục vì tiền .........." nên lưu lại. À, mà cho tập thơ ru cháu được đấy.

Tôi cho ông Đông Xuyên hay rằng anh khen ông ấy dịch sát. Ông ấy gởi lời cảm ơn anh và thăm sức khỏe anh. Lúc này ông ấy chán nản lắm, ít làm thơ. Ông ấy cho hay (chép đúng nguyên văn): “Nghe nữ sĩ Chim Hoàng kể thì vừa rồi sách vở của Quách Tấn người ta bắt đốt hết. Về dịp này thi ông có bài thơ (không đầu đề) như sau, xin chép bác (tức tôi) xem:
Giọt lệ Tiên Điền khóc Tiểu Thanh,
Mình riêng nhỏ lệ khóc riêng mình
Nửa đời ngọn thép run mây thắm
Một nhoáng lòng dâu trút biển xanh!
Trăng nước có thương vần độc đỉnh?
Lửa hương đành phụ giá liên thành!
Tìm về núi cũ xem mai nở,
Mộng bén ngàn xa, hạc điểm canh

Chua xót chưa? Tôi (Đông Xuyên) đọc rớt nước mắt”
Sao, vụ đó có thực không, sao không nghe anh nói?

Kính thăm anh chị. Chị thật mạnh chưa?

-o0o-


Nha Trang, ngày 12-7-78

Kính anh

Thư đề ngày 01-7-78 của anh đến tôi, sáng hôm nay 12-7-78. Từ Sài Gòn ra Nha Trang chẵn 12 ngày đêm, tức 288 giờ. Tức mỗi giờ thư đi gần được 1 cây số rưỡi (447km/288). Kể cũng mau hơn vị thứ 3 trong tứ linh.

Thương nhau quá! Đã già mà còn hay đau. Tôi ít đau hơn anh đó thôi. Lúc này hai cánh tay cứ hay mỏi và lưng cứ hay đau nhất là ngày nào giặt quần áo. Có lạ nhất là ngồi viết suốt buổi không thấy mỏi, hoặc ít mỏi, mà hễ giặt, xách nước thì đau đến nơi phía gần cặp thận. Có lẽ trời sanh cái lưng mình để chịu cực cho văn chương chớ không phải cho giặt giũ. Tôi đi châm cứu ngót tháng rồi mà chả thấy giảm! Nếu tay và lưng cứ “trở chứng” mãi thì e hết “bất lão” chớ chẳng chơi. Cái mỹ hịêu anh tặng tôi mà bỏ chữ “bất” đi thành “cổ nhân” mất, mà cổ nhân họ Phạm, anh hùng muôn thuở, chứ “ngũ lão” họ Quách thì e phải đăng ký mua hòm sớm.

Anh đổi “cá rô” thành “cá thia thia” cũng chưa ổn. Vì cá thia thia người ta bắt lên bờ để nuôi cho vui mắt. Còn thứ cá lũ mình họ không xực như cá rô, mà cũng không nuôi như cá thia thia, bởi ăn không được mà nuôi tốn ăn. Họ bắt lên cạn để hết ngỏ sống cho vui.. Cá gì cho đúng chữ? Không lẽ tự nhận là cá óc nóc? Âu là cá gì cũng được, miễn là còn nước để sống là mừng.

Ông Đào Duy Anh và ông Vương Hồng Sển viết hồi ký chắc là “hồi” những “cái“ đứng đắn, những “cái” có ích cho nhân quần xã hội. Còn tôi viết hồi ký thì “hồi” lung tung nhớ gì viết nấy, cà kê dê ngỗng, đương gà qua lừa... có khi chơi nghịch cắm râu ông vào cằm bà để rồi “tôi xin cải chính”... Vì vậy, nên nhiều trang những bài “Tương Phố”, “Đông Hồ” cũng là một tiết trong “Bóng Ngày Qua”, thuộc chương “Tình Thầy Bạn”. Về “Đời Tục Lụy”, “Đời Văn Chương” tôi mới viết đến năm 1968, về chương “Tình Thầy Bạn” tôi mới viết những người đã quá cố. Còn nhiều người tại thế, tôi đã có tài liệu đầy đủ mà chưa thấy hứng viết cho xong các bạn, để viết đến vợ con và mấy bạn hồng phấn tri kỷ. Tôi đã định năm Tứ Mậu này (năm Mậu Ngọ, tháng Mậu Ngọ - tháng 5, ngày Mậu Ngọ - ngày 20, giờ Mậu Ngọ - 12 giờ trưa ngày 20 tháng 5 âm lịch) sẽ viết... Nhưng tuy năm chưa hết mà tháng ngày giờ đã qua rồi, mà tôi chưa “trở lại bắt đầu”. Không lẽ đợi 27 ngàn năm nữa gặp lại “tứ mậu” rồi sẽ hay?

Viết hồi ký cũng như viết thư cho bạn thân, tôi hay nói ba sàm lắm. Chắc anh không “roi mây” chứ?

Đọc mấy dòng của anh Đông Xuyên, tôi cảm động quá. Nhờ anh cho tôi hỏi thăm và nhắn rằng vụ ấy không xảy đến là nhờ Nguyễn Văn Bổng (tác giả tiểu thuyết Con Trâu - chớ lầm Con Trâu của Trần Tiêu) can thiệp. Tôi có bài nữa tiếp theo bài kia. Xin chép anh xem rồi gởi dùm cho anh Đông Xuyên cho đủ cặp:
Mấy chục năm qua bút chạnh lòng
Trở bàn tay lại có thua không
Công linh chẳng nỡ cười Tinh Vệ
Tâm sự sao đành gởi Chúc Dung (1)
Nhặt nét hương tàn ao gió lạnh
Ủ hàng lệ nóng vách rêu phong
Từ đây bạn tác thương mà hỏi
Ngọn nến song khuya một điểm hồng.

Chúc anh chị vạn an.

Nhà tôi lúc này đỡ nhiều lắm. Thật mừng.
(1): Hỏa thần

Tái bút:
 Bút viết không được thì cực vô cùng! Ơn trời thương: cây bút máy cũ của tôi bị gãy ngòi, may thằng con lớn còn một cây gởi tặng, mực vừa hết gặp ông bạn cho một bình. Nhờ vậy mà cái hứng viết thư nói bá nhăng với anh được dào dạt. Bút nguyên tử lúc này thật là chí tử! Hay là dùng lông gà như thời xưa? Đi thụt lùi cũng là một cách tiến bộ. Thử xem.

-o0o-


Sài Gòn ngày 06-8-78

Kính anh

Thư 25-6-78 của anh có giọng buồn. Châu Hải Kỳ cũng bảo anh lúc này gầy, yếu, “nhưng vẫn mỗi tuần đi coi hát bóng đều đều”. Mà thư họ Châu cũng có giọng buồn nữa. Năm nay không ai không buồn! Cải tạo thương nghiệp, rồi cải tạo văn hóa, rồi đổi tiền, bây giờ chính quyền khuyên dân chúng: “Vì tình hình đất nước, mỗi người chuẩn bị tinh thần, thanh niên chuẩn bị làm nghĩa vụ quân sự, gạo sẽ dành cho chiến sĩ và để giúp các bạn Lào...”. Tháng trước mỗi người còn được 3 kí gạo (tính ra ăn độn 66%), tháng này nghe nói sẽ rút xuống còn 1, hay 2 kí. Tin đó chưa tung ra mà giá gạo chợ ở đây đã tăng lên vùn vụt: từ 2 đồng, 2 đồng rưỡi, lên 4 đồng, 4 đồng rưỡi rồi; thịt, hột gà, rau muống đều leo thang; đường hiếm quá mà lave thì rất nhiều, cứ mươi bữa lại được mua 5 – 10 chai tùy nhà. Sướng không?

Nhưng tôi vẫn ráng chống cự, không run cái sầu vạn cổ, mà ráng viết, viết cho hết ngày: đau bao tử cũng cứ viết, cảm cúm cũng cứ viết, chẳng có hứng thú gì cả thì cũng cứ viết, chẳng ra hồn gì cả, cũng mặc, để đó, sau này lúc nào mạnh, vui thì sửa, không thì thôi.

Anh nhận cộng tác với Ủy ban Khoa học Xã hội Hà Nội là phải. Giản Chi cũng nhận dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi... cho Hội Văn nghệ Giải phóng ở đây. Còn hơn là bói Hà Lạc như cụ Tản Đà. Mà thời nay ai cho bói nữa? Đợi coi xem đến cuối năm tình hình có sáng sủa hơn không?

Báo tin anh hay: Nghiêm Toản chết rồi, quá 49 ngày rồi. Ông ta tuổi Ngọ, cùng tuổi với Đông Hồ và Nhất Linh.

Cám ơn anh cho tôi tập Vị Hoa Đăng. Tập đó quả là có giá trị. Thơ thất ngôn luật của bà ấy già dặn, bóng bẩy, chuốt lắm; Thơ ngũ ngôn luật kém một chút; Thơ lục bát hay, gây cảm xúc mạnh hơn thơ luật.

Trong Sài Gòn này trước kia có 2, 3 thi đàn của nữ giới, đều là các bà sang trọng lớn tuổi. Tôi không làm thơ nên không bao giờ tới những nơi đó, nhưng thỉnh thoảng Hư Chu, Đông Hồ có cho nghe thơ của các bà ấy, tôi thấy sáo, kém xa thơ trong Vị Hoa Đăng. Nếu bà Phụng Lữ ấy sống ở đây thì tôi chắc không vào mấy thi đàn đó đâu, vì thơ của họ không có tâm sự, toàn là thù tạc, khoe khéo thôi. Tôi nghĩ xưa cũng như nay, thi đàn nào cũng vậy. Thơ thì phải cá nhân, vào một đoàn thể ngâm vịnh với nhau thì hết thơ rồi.
Cũng như khi đọc thơ anh, tôi đánh dấu những bài tôi thích, tới cuối tập đọc các bài phê bình của anh và mấy nhà khác, thấy đại thể những chỗ tôi thích thì anh và mấy ông đó đều thích.
Nhưng tôi thích thêm bài Cũng Say, vì giọng bài này khác những bài kia, tưởng như lạc vào tập thơ này vậy. Văn, thơ cũng phải nhiều giọng thì mới thú: anh nhớ xem Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ đều nhiều giọng cả.
Bài Tạ Từ, tôi cũng thích vì lẽ đó. Còn những bài tâm sự buồn, hay thì hay, nhưng chiếm tới 8 – 9/10 tập thơ, quá nhiều.
Bài Nhớ Thu cũng thích, câu đầu anh nghĩ chữ có nên đổi là lại không? Tôi không hiểu rõ ý tác giả nên chỉ hỏi vậy thôi.
Anh cho tôi gởi lời cảm ơn tác giả.

Kính chúc anh chị vui, mạnh.

Tái bút:
Tôi đã nhận được bài thơ thứ nhì về vụ đốt sách. Đã chép lại gởi cho Đông Xuyên.

-o0o-


Nha Trang, ngày 02-9-78

Kính anh

Vào Sài Gòn chuyến này tôi chỉ gặp hai bạn văn chương là anh và Nguyễn Văn Xung. Những bạn khác tôi vẫn nhớ, song lòng ngài ngại “thế nào ấy” nên không đến thăm. Về Nha Trang mấy hôm nay, lòng cảm thấy buồn buồn và đâm nhớ anh và Xung quá.

Tìm trong mớ bản cảo, còn được một bản viết về Tương Phố. Đọc lại nhớ bà chị vô cùng! Cũng nhớ luôn Đông Hồ! Hình ảnh hai bạn quá cố thấp thoáng trước mắt, trong lòng.

Tương Phố yên nghỉ nơi đồi thông. Đông Hồ yên nghỉ nơi mộ cẩm thạch như thế là đẹp... Anh em mình chắc không sống mãi cho đến ngày tận thế. Tôi muốn tìm một nơi vừa ý, thỉnh thoảng đến nằm “tập sự”, để khi trời cho “vào biên chế” khỏi bị bỡ ngỡ vì lạ lùng. Nhưng tìm chưa ra nơi “sơn thủy hữu tình”.
Nay mai có người vào, tôi sẽ gởi bài “Tương Phố” vào anh.

Chúc anh vui và chóng lấy lại sức khỏe.

Kính lời thăm chị.

-o0o-



Sài Gòn ngày 10-9-78

Kính Anh,

Tiếc quá, anh không nhớ ngày sinh tháng đẻ. Nếu nhớ, lấy số tử vi tất phải thấy đào hồng, xương khúc ở mạng hoặc chiếu mạng.

Vâng, 3 bài thơ, 3 thể khác nhau của cô Chức Thành - bây giờ thì có thể xin phép gọi là cô được - đều hay cả, giọng đều bình dị, chân thành (chữ thành này hợp với cô ấy đấy), tình tứ mà đoan trang. Khó mà nói được bài nào hơn bài nào. Không sâu sắc, cũng không lộng lẫy, đẽo gọt như thơ Phụng Lữ, nhưng con người mộc mạc, cổ lỗ như tôi quí thơ Chức Thành hơn thơ Phụng Lữ. Nó Việt Nam lắm:

Gió sông đã lạnh, ai về mà mong
...........................
Nửa mừng nửa lại ngại ngùng thị phi

Anh ơi, thời này thứ đó mới là thứ hiếm, xin chúc mừng cho anh.

Cô ấy là người thứ nhì tặng cho tôi ba chữ: “văn là người”. Người thứ nhất là một thiếu nữ, giỏi tiếng Pháp, đọc sách nhiều, sau khi tiếp xúc lần đầu với tôi, bảo một cô bạn cũng giáo sư: “Văn thầy ra sao thì người thầy như vậy”. (Cô ấy gọi tôi là thầy mặc dù không học tôi).

Anh về được ít ngày thì Giản Chi lại chơi tôi, nói chuyện về anh và ông Nguyễn Văn Xung. Ảnh bảo: Quách Tấn làm nhiều thơ lắm, bây giờ có giọng “thiền” (thiền thật rồi ư?) và thành “nhất gia” rồi đấy. Tôi bảo: “nhất gia” đích thị rồi. Mà văn xuôi anh ấy cũng hay hơn Đông Hồ. Vậy mà danh không bằng Đông Hồ. Tôi cho là tại anh kín đáo, ẩn hơn “đại ẩn am” (anh biết Đại ẩn am là một bút hiệu của Đông Hồ không?). Giản Chi bảo thơ Nguyễn Văn Xung cũng hay. Con người cũng đặc biệt nghèo, không biết bây giờ sống cách nào. Nhà tồi tàn lắm, tội lắm.

Đào Duy Anh đã vô đây được ½ tháng, lại ở chơi với tôi hai ngày, cũng nói chuyện về anh. Ông ấy cho tôi đọc một copie bức thư ông gởi cho Võ Văn Kiệt, bí thư thành ủy ở đây, giới thiệu với ông Kiệt 3 nhà văn “tấn bộ” trong đó có anh. Tôi chép lại đây đoạn nói về anh:
Một số lớn những người về hạng này - (hạng nhà văn tấn bộ) -  có khi cũng phạm lỗi lầm trong việc kiếm sống hay do chỗ bế tắc về tinh thần mà lại sợ chủ nghĩa cộng sản, vì hiểu lầm đã tìm lối thoát ở Phật học, nhưng vẫn chú tâm trước tác hay phiên dịch theo hướng phục vụ văn hóa dân tộc đơn thuần. Người tiêu biểu cho hạng này mà tôi được gặp ở Nha Trang là ông Quách Tấn, đã từng xuất bản nhiều tập thơ và sách nghiên cứu, sách phiên dịch, cũng có giá trị tư lịêu khả quan và hiện nay còn có gần chục bản thảo chưa xuất bản được về văn, sử, địa, theo tôi chỉ cần uốn nắn lại về quan niệm lập trường thì chúng sẽ thành những bản thảo tốt”.

Sau cùng, Đào Duy Anh đề nghị với chính quyền đặt ra kho lưu trữ bản thảo (thuộc Ban Tuyên huấn), nếu xét xuất bản được thì xuất bản, nếu không thì giữ làm tư liệu tham khảo. Cần người có trình độ hiểu biết, tinh thần trách nhiệm và có đạo đức chí công vô tư mà giao cho công việc đó mới được.

Thư đó Đào Duy Anh gởi đi từ tháng 5-78, không được Võ Văn Kiệt đáp. Anh nghĩ sao về đề nghị đó?

Đào Duy Anh bảo ở ngoài đó buồn quá, không có bạn nói chuyện, nên vào trong này đi thăm bạn và đi chơi lần cuối cùng, khoảng 1 tháng rưỡi, hai tháng cho thỏa. Coi bộ ông ta thích nói chuyện với tôi lắm, sẽ còn trở lại ở chơi với tôi vài ba ngày nữa.

Ông ta khen trong này còn nhiều người tốt, có tình cảm, ngay những người gặp trên xe buýt đối với ông cũng tốt. Ngoài đó tình cảm như khô cằn rồi. Hạng thanh niên, trẻ em có lễ phép hầu như không có. Tôi nghĩ rồi đây chỉ mươi năm nữa, trong này cũng sẽ như ngoài đó thôi. Đã thấy nhiều dấu hiệu rồi. Ở Long Xuyên cũng vậy. Ngoài đó ra sao? Cái nếp xưa rồi đây sẽ bị ủi nhẵn. Tới lúc đó thì buồn lắm, buồn lắm.

Nói chuyện với ông ta cũng thú, ông ta cởi mở, có tinh thần nho học, nhưng lạ quá, không bao giờ ông ta nói chuyện văn chương như tụi mình mà chỉ nói chuyện thời sự, chính trị, mặc dù ông ta cũng đã làm thơ, dịch văn thơ Trung Quốc chứ. Sao vậy nhỉ?

Anh muốn tìm một nơi vừa ý, thỉnh thoảng đến nằm “tập sự” để “khi trời cho vào biên chế khỏi bỡ ngỡ” (dí dỏm). Cần gì tìm đâu xa, gần bên Hàn Mặc Tử là hợp lắm rồi. Anh nghĩ Hàn may mắn không?

Kính thăm anh chị, anh cho tôi gởi lời hỏi thăm cô Chức Thành cái mũi đã đỡ chưa? Để vào “tái khám”. Anh cũng nên tái khám con mắt đi.

-o0o-


Nha Trang ngày 24-9-78

Kính anh,

Không biết vị cố nhân nào đã nói, hay là mình đã nhận thấy rằng mỗi ngày nhận được một trong những thú này;
- Đọc được trang sách hay.
- Nghe được lời nói đẹp.
- Nghĩ được câu thơ đắc ý.
thì ngày ấy là ngày thực sự sống.

Những thư của anh luôn cho tôi hưởng hai cái thú “đọc” và “nghe”. Như thế tưởng chưa nên vội về Qui Nhơn làm ông láng giềng của Hàn Mặc Tử.

Mà chắc chi Hàn Mặc Tử đã được nghìn thu nơi ấy. Ma Cô một ngày thấy đến nơi ấy ba lần dâu bể. Ngày xưa cõi Ta Bà chưa bị bom nguyên tử phá rầy mà còn như thế, huống chi ngày nay hết cường quốc này, đến cường quốc khác đua nhau thử vũ khí hạt tâm.
Thế là không còn thắc mắc việc tìm chỗ “an nghỉ...tập sự”.

Ông Đào Duy Anh đã vào Sài Gòn? Thế là anh có người nói chuyện rồi đó. Ngày thực sự sống của anh đã đương và sẽ được nhiều.

Đề nghị ...của Đào quân là một sáng kiến hay. Nhưng thực hiện được phải có những người quân tử như Đào quân. Than ôi, ông Diogène đã hoài công thắp đèn đi khắp chợ...! Và Châu Hải Kỳ đã thuật lại câu chuyện ông Võ Thuần Nho cho anh nghe rồi... Như thế đề nghị của Đào quân dù có được chấp thuận đi nữa thì những người đã cạp phải vỏ nhiều lần quá cũng không dám mạnh dạn thí nghiệm hàm răng.

Ông Xung nghèo “đúng nghĩa”. Nhờ có bạn bè và học trò cũ giúp đỡ qua ngày. Nghèo mà giữ được khí tiết. Thật đáng quí. Xung coi tôi như anh ruột, nên những lúc vào Sài Gòn tôi đều ăn và ngủ nhà chú ấy, cái vị trong bài Hàn Nho Phong Vị Phú của Nguyễn Công Trứ chưa thú vị bằng phong vị ở nhà Nguyễn Văn Xung nhưng lâu nay không dám mời anh cùng hưởng phong vị ấy, vì sợ cụ Lê Quí Đôn thừa cơ mời anh xuống hợp tác trong công việc xây dựng sự nghiệp văn chương lắm. Hôm trước chúng tôi đã định đến thăm anh rồi đến thăm ông Giản Chi, song sau ngày tôi về Nha Trang, Xung một mình đến Giản Chi (Xung có được thư Giản Chi cho hay sức khoẻ kém). Xung rất mến phục anh và Giản Chi.

Số tử vi tôi không được tốt mà cũng không “được” xấu: lưng chừng! Tôi sanh ngày 23 tháng 11 nhuận, giờ Hợi, năm Kỷ Dậu. Nhè sanh nhằm ngày nguyệt kỵ nên phải kiêng cữ nhiều quá! Tôi không được “đào hoa chiếu mạng” mà “gì gì” chiếu mạng không biết. Nhờ anh sang cho một số thử xem từ đây đến lúc có chiếu thượng đế đòi, tôi có gặp hên hơn lâu nay chăng.
Vừa rồi có chú Long, học trò ông Xung ghé thăm, tôi gửi cho chú ấy bản “Tương Phố” và tập “Sông Côn Giặt Sợi” của Chức Thành vào anh. Chắc những văn phẩm ấy đã đến trước thư này.

Lâu nay Chức Thành cũng như Phụng Lữ không thật tin rằng mình có thi tài. Tôi khen các bà ấy bảo tôi “nịnh đầm”. Nay những lời phê phán của anh đã “vớt” tôi ra khỏi “bể oan”. Tôi cảm ơn anh hết sức.

Tôi còn hai tập thơ của nữ nhân. Một tập của đứa con gái là Mộng Hoa, có lời tựa của bà Mộng Tuyết. Thơ vừa in xong thì Qui Nhơn tản cư, sách bị tiêu huỷ gần hết. Một tập nữa của Liên Tâm, một người bạn gái, để lại cho tôi từ 1940. Tôi cũng sẽ đánh máy gửi vào anh, may sau này có “mất chỗ này còn chỗ khác”. "Văn chương thi sự thốn tâm thiên cổ”.

Không biết ông Giản Chi đã có mấy tập thơ của tôi chưa? Tôi chưa được đọc nhiều giai tác của ông và chưa được gặp, nhưng qua anh và ông Xung, tôi biết là một chính nhân quân tử. Ông ấy chắc cũng như anh và tôi, sắp được làm cổ nhân trong năm mươi năm nữa? Hay chưa chịu già.
Làm cổ nhân, tôi thấy khoẻ quá, song không biết có thật khoẻ chăng, hay chết cũng như sống, nghiệp nào theo nghiệp nấy, thì trước khi chết phải xét lại lập trường mới khỏi bị bạn đồng nghiệp cõi âm quấy quá.

Về “Đại Ẩn Am”, năm 1955 vì ghép chữ Đại vào chữ Am, mà suýt nữa tôi bị thất vọng. Chuyện này tôi có viết trong bài “Nhớ Đông Hồ” đăng ở số Văn đặc biệt về Đông Hồ. Nếu anh chưa đọc, tôi sẽ gửi bản lưu cảo vào anh xem. Những bài anh viết về Đông Hồ thật chí tình. Chức Thành bảo rằng anh viết như nói chuyện mà rung cảm người rất sâu. Tôi đáp: "Đó là nhờ chỉ lo chép lòng chớ không cố làm văn”.

Từ hôm Tết đến nay tôi không viết được gì cả. Có nhiều vấn đề cần viết nhất là về thơ. Tôi có nhiều kinh nghiệm bản thân và rút được một số nguyên tắc của cố nhân để lại. Trên 10 năm nay, tôi định viết để lại cho con cháu, song hễ cầm viết lên thì cứ bị câu của Tam Nguyên Yên Đỗ “Tay cầm viết đắn đo chẳng viết...”  ám ảnh, nên lại thôi... Mỗi năm xảy ra trên một lần, vừa rồi ... cũng vậy... Thi pháp cũng như kiếm pháp rất nhiều. Người Việt Nam ít người chịu khó nghiên cứu... Nghề đàn, nghề vẽ... đều có trường dạy, sách dạy. Còn nghề thơ... đã không trường dạy lại rất ít sách. Có một ít sách “dạy làm thơ” nhưng chỉ dạy những người mới học chớ không có sách dạy người đã lành nghề, và chỉ dạy luật chớ không dạy pháp. Cho nên thú thật cùng anh, nghe anh và ông Giản Chi tặng hai chữ “nhất gia” tôi rất ngại... Bởi như Tô Đông Pha tiếng tăm lừng lẫy, mà Viên Mai còn chê là thi học rộng nhưng không sâu. Huống hồ người chỉ học mót cổ nhân được đôi chút... chính cũng vì thấy mình quá rõ nên “tay cầm viết đắn đo chẳng viết”... Rồi lại nghĩ “đãi túc hà thời túc...” nên toan cầm viết... v.v... Cái vòng lẩn quẩn!!

Thơ trong Mộng Ngân Sơn và Giọt Trăng được Thi Vũ, Phạm Công Thiện, Thạch Trung Giả... bảo là có thiền vị. Thiền, theo tôi, không có gì cao xa, lạ lùng... Thiền chỉ là sự sống đích thực, sự sống sâu sắc, sống sâu sắc về nội tâm, hòa tâm với cảnh cho cảnh biến thành tâm... sống rồi đem “cái” sống của mình vào thơ văn. Chúng ta đã sống và đã viết văn làm thơ  như thế. Người giỏi về thiền học bảo là “thơ thiền”... Nếu quả thiền vị là thế thì văn anh vẫn có vị thiền... Mùi sen ở Đồng Tháp Mười, mùi hoa ở trên cây... bên đường... của anh, chẳng phải thiền vị là gì? Nếu lòng anh không tịnh, không thiền thì làm gì nhận thấy được hương vị ấy ở giữa bao la...

Anh Đông Xuyên có được mạnh giỏi chăng? Tôi cùng anh ấy biết nhau từ 1932, biết nhau trên An Nam Tạp Chí của Tản Đà tiên sinh. Biết nhau đã lâu mà chưa gặp nhau... Mấy lần vào Sài Gòn, cứ định đi thăm, mà rồi không đi được ! Lần sau nếu có dịp đi “khám mắt khám mũi” thì nhất định phải đến ông Giản Chi và anh Đông Xuyên.

Phụng Lữ xin gởi lời thăm anh. Có dịp đi Sài Gòn thể nào cũng ghé nhà để cảm tạ những lời anh đã khen tặng.

Chúc anh an hảo.

Kính thăm chị.

-o0o-

Sài Gòn, ngày 30-9-1978

Kính anh

Tôi đã nhận được thư 02-9 và thư 20-9 với tập thơ “Sông Côn giặt sợi”. Tôi đã trả lời thư 02-9 từ lâu mà ngày 20-9 anh vẫn chưa nhận được ư? Lạc rồi chăng? Nếu vậy thì uổng công tôi quá. Thư đi mà không tới thì xã hội còn biết tin ở cái gì nữa đây?

Đại ý bức thư đó như sau:
- Tôi đã cảm ơn cô C.T đã nhận xét về tôi khá đúng.  Một thiếu nữ 5-6 năm trước cũng đã nhận xét y hệt cô ấy. (Tôi nói khá đúng - đây là lời hôm nay tôi viết thêm - cơ hồ chỉ đúng một nửa thôi, vì văn tôi được nhiều người ưa, nó dễ hiểu, tự nhiên, nhưng con người tôi thì lại có một số người không ưa. Anh nhận thấy vậy không? Và tại sao vậy, anh giảng cho tôi được không?).

- Tôi khen 3 bài thơ anh gởi cho tôi đều hay cả, mỗi bài mỗi thể, khó định được bài nào hơn bài nào, nhưng đều có một giọng chân thành, dễ thương, không trau chuốt, bóng bảy như thơ Phụng Lữ, nhưng kín đáo, cảm động mà nhã. Tôi cũng khen những câu “Gió sông đã lạnh, ai về mà mong. Nửa mừng mà nửa ngại ngùng thị phi”. Và tôi quý tâm hồn đó, mừng cho anh đấy.

- Tôi kể qua những lời Giản Chi nói về Nguyễn Văn Xung cho anh nghe, người mà tôi chưa gặp và không ngờ lúc này lại sống cô đơn như vậy.
- Tôi đề nghị anh nên lựa chỗ ngủ sau này bên Hàn Mặc Tử.
- Sau cùng tôi có chép cho anh mấy hàng ông Đào Duy Anh giới thiệu những bản thảo anh chưa in với ông Võ Văn Kiệt, Thành uỷ ở đây, có ý mong chính phủ (sở Tuyên huấn thành phố) quản lý dùm cho anh. Anh nghĩ sao?
- À quên, tôi còn hỏi thăm bệnh mũi của cô C.T nữa.

Hôm kia đọc xong Sông Côn Giặt Sợi, tôi thấy không có gì nói thêm về thơ C.T nữa (cô ấy chỉ có bấy nhiêu bài trong bao lâu đó ư?).
Những bài Trăng Vàng, và nhất là những bài từ Trả Thơ đến cuối, tuy không hay bằng nhưng cũng cảm động lắm.
Đó là một tập tình sử của hai tâm hồn với nhau, khác hẳn thơ của P.L, lại càng khác xa thơ của các bà trong các thi đàn ở Sài Gòn này hồi trước, cũng khác xa các nữ sĩ trẻ kiểu Tuệ Mai, Hoàng Hương Trang v.v... Anh biết họ nhiều, anh làm một bức chân dung cho mỗi hạng được không? Tôi thấy hạng C.T nay chắc chỉ có vài người, họ làm cho tôi nhớ lại không khí Tương Phố, Tản Đà... nhưng mới hơn và nhớ lại không khí thế kỷ 19 ở Pháp.

Hôm đó tôi nhớ lầm rồi, tưởng bài anh viết về Tương Phố chỉ có 3 - 4 trang, không ngờ 21 trang. Vì khi đọc lần đầu trong tập thơ của anh, tôi không đọc kỹ, chỉ chú ý những trang anh vẽ chân dung bà chị ấy thôi, và do đó chỉ nhớ những trang ấy thôi, còn phần viết về đời sống, sự nghiệp bà ấy - kỹ đấy, đúng đấy - tôi quên mất.
Bây giờ đọc lại, tôi để ý đến điểm này: Bà ấy trách Tản Đà mẹ mất mà không khóc, không đưa đám; bà ấy thú với anh là không ăn nằm với người chồng sau (ông chồng này cũng lạ); bà ấy về già mà không ở với người con trai duy nhất (con của chồng cũ)... Những sự kiện đó có liên quan mật thiết với nhau, anh thấy không? Con người đó thật nhiều tâm sự - ngoài 70 tuổi mà sống một mình ở Nha Trang. Nếu biết được mà viết ra thì cảm động lắm. Anh không viết - mà chắc chẳng ai là người ngoài viết được đâu - nhưng cũng nên gợi điểm đó ra cho độc giả đời sau thấy.

Đào Duy Anh ở chơi với tôi hai lần, mỗi lần hai ngày, hoặc một ngày rưỡi. Cởi mở, bộc trực nữa, không tế nhị như chúng mình đâu, có thiện chí giúp đỡ bọn mình bằng cách giới thiệu với nhà cầm quyền, nhưng chẳng giúp được gì vì chính tác phẩm của ông cũng nằm ụ đó. Biết nhiều hạng người lắm, nói chuyện suốt ngày được, còn mạnh hơn tôi nhiều, và có điểm này: tự cao. Không phải là con người văn thơ.

Cảm ơn anh và cô C,T lần nữa.
Nhận được thư này, xin cho biết sớm.

Thân

Quên. Tôi đã để ý cây đuôi chồn (một loại lilas) của tôi đương nhiều hoa, bướm và ong cùng tới một lúc, buổi sáng. Tôi thích cây đó vì nó làm tôi nhớ tới một cây loại đó trên đường từ nhà tôi tới trường tiểu học Yên Phụ (ở Hà Nội); lá nó xanh quanh năm, xanh như ngọc thạch, chỉ trừ hồi cuối mùa nắng, nó gần rụng, đỏ như lá bàng, hương ngào ngạt, và bướm ong tới rất nhiều, có lần cả mấy trăm con.

-o0o-


Nha Trang, 06-10-78

Kính anh,

Nhận được thư 30-9-78 của anh sáng hôm nay. Thư 10-9-78 của anh đến, sau khi tôi gởi tập Sông Côn Giặt Sợi mấy hôm và tôi liền hồi âm. Có lẽ nay đã đến anh rồi. Tôi chắc chậm tới chớ không mất, vì Kim Qui có bao giờ bị vấp ngã, trừ phi bị lũ trẻ nhỏ lật ngửa “cho vui”.

Những lời phê bình của anh về thơ Chức Thành cũng như về thơ Phụng Lữ, tuy ít song đầy đủ "tánh và tướng" đều được anh nêu lên bằng mấy nét chấm phá thanh tân. Phụng và Thành rất cảm động, đòi giữ thư làm kỷ niệm, song tôi hứa sẽ photocopie đoạn phê bình tặng cho mà thôi. Tôi vốn có tánh “hà tiện” về thư và thơ, các bạn biết nên chỉ “nguýt” chớ không giận.

Thành đã cạn nguồn từ lâu. Trong khoảng mấy tháng còn gần gũi, nàng thường ngâm nga. Tôi chọn được bấy nhiêu đó. Từ 1973, nhất là mấy năm nay, một thân phải lo gánh vác không biết bao nhiêu “bổn phận”, nên không còn thì giờ nghĩ đến văn chương. Gần 1 năm nay, nhờ quyển “Quăng Gánh Lo Đi” của anh mà tâm hồn trở nên thư thới lần lần. Lời Thành cảm ơn anh hôm ấy là lời thốt ra từ đáy lòng chân thật. Phụng Lữ cũng “chán” làm thơ rồi. Chỉ mình tôi là “lì lợm”. Song từ hôm đầu năm đến nay cũng không có được câu nào đắc ý!

- Tôi vừa tiếp đặng bức thư của em tôi là Quách Tạo ở Hà Nội gởi về nói rằng: “Hình như ông Đào Duy Anh có 1 bức thư dài gửi cho Đ/c Bí Thư Thành Ủy Sài Gòn, giới thiệu ông Nguyễn Hiến Lê và anh để Thành Ủy chú ý thu thập các tác phẩm và vận dụng khai thác kiến thức kẻo để rơi rớt mai một. Nhưng trong tình hình bận rộn phức tạp hiện nay, liệu các nhà lãnh đạo có đủ thì giờ nghĩ đến văn học cổ hay không?”. Thế là bức thư của Đào quân có tiếng vang, Nhưng tiếng vang ấy dần dần tan vào hư không. Tuy vậy hành vi vẫn đẹp.

- Anh nhận xét Đào quân đúng lắm. Đào quân không tỉ mỉ mà cũng không sâu sắc nhưng thật là một bậc quân tử. Ngoài Bắc không biết có còn được nhiều chăng? Đào quân không thể nhìn thấy tâm trạng của bọn mình và dường như cũng không trông thấy rõ thái độ của các nhà lãnh đạo văn hóa miền Nam...

- Về các nữ sỹ trẻ tuổi, tôi không được quen thân, nên khó vẽ chân dung lắm. Viết về một nhân vật nào mà mình không gần gũi thì văn không sống động. Bà Tương Phố, nhiều người đã viết song chưa nói được gì nhiều vì các người viết đều ở xa. Bà có nhiều tâm sự song vì trước kia tôi không có  ý viết về bà nên không khai thác. Ông chồng sau của bà làm Tuần Vũ (quên tỉnh). Bà không ở với con trai vì người dâu... Anh nói đúng, nếu ai biết rõ được những nỗi niềm dấu kín trong tâm của bà mà viết ra thì cảm động lắm... Nhưng hiện nay còn ai nghĩ đến những con người cũ nữa mà mong?!

- Anh không biết tại sao có một số người không ưa anh? Có gì mà khó hiểu? Chỉ vì anh học rộng, viết nhiều, được nhiều người quí trọng, hơn số người ấy. Anh lại ít giao du với những người không đứng đắn, mà hạng người này lại nhiều và nhiều người lại tự cho mình là hơn người. Sau nữa là anh chân thật, tốt anh nói tốt, xấu anh nói xấu, mà khổ nỗi trên đời vật quí quá ít!

- Mùi hương và hình ảnh nhóm hoa đuôi chồn của anh theo thư anh ra tận ngoài này... Đẹp đẹp! Dáng điệu  anh đứng bên hoa cũng hiện rõ trước mắt tôi. Tôi liên tưởng đến nhà sư gầy lấy nước rảy lên khóm hàn mai mà tôi đọc được trong một tập sách dịch mà tôi quên tên... Trong tập hồi ký của anh, anh chớ quên khóm hoa dễ thương đó. Cây gạo, khóm dừa, khóm đuôi chồn... là những khía cạnh của tâm hồn Nguyễn Hiến Lê. Hồ sen trong Đồng Tháp Mười lại hiện trước mắt tôi và mùi hoa sen bay lẫn vào mùi hoa đuôi chồn, trong lúc này, đương thoảng bên tôi.

Cám ơn anh. Tôi đã sống một buổi mai tuyệt thú!

-o0o-



Sài Gòn, 22-10-78

Kính anh

Tôi đã nhận được thư 24-9 và 06-10 của anh.
Tôi không ngờ rằng cháu Mộng Hoa cũng làm thơ. Xin mừng anh. Có con giống mình, mà lại hiểu mình, trọng mình, cùng chí hướng với mình, là một cái phúc lớn đấy. “Gia đình lạc sự tại tương tri”. Đông Hồ rất ước ao cái phúc đó mà trời không cho, nhưng trời bù lại, cho một vài nữ sinh thích văn chương có khiếu. Tôi thấy anh ấy coi họ như con, và có lần coi Hoàng Hương Trang cũng như con. Cảm động lắm.

Vậy xin anh gởi tập thơ của cháu - và tập của Liên Tâm nữa - vào cho tôi coi. Thơ bà này làm từ trước 1940 ư? Nay còn sống không?

Lần gặp cô C.T, tôi có cảm tưởng là gặp một người đàn bà hoàn toàn Việt Nam - kín đáo, hơi e lệ, giản dị, thành thực - chứ không phải là một nhà thơ. Nay nghe cô ấy nói bị biết bao “bổn phận” trói buộc, tôi càng quý. Cô ấy có cái lòng thơ - tôi không dùng chữ tâm hồn - còn lời thơ thì tôi chắc do anh luyện thêm cho.

Tôi nhớ lần đi đưa đám anh Đông Hồ ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Một nữ sĩ trong thi đàn nào ở Sài Gòn lên micro đọc điếu văn. Hôm đó có vài ba điếu văn - điếu văn độ hai trang thôi, tôi nghe rõ nhưng chẳng nhớ vì nó sáo, không cảm động; rồi khi bà ta - khoảng ngoài 40, nét mặt thanh tú, ngưòi mảnh khảnh, có vẻ sang trọng theo lối cổ - khi bà ta bước xuống, lại gần chỗ Hư Chu và tôi đứng, tươi cười hỏi các bà trong thi đàn của bả: "Các chị thấy bài điếu văn của em được không?”. Tôi ngó Hư Chu, mỉm cười. Varité des varité! Tôi ngán các “nữ sĩ thi đàn” từ hồi đó.
Tôi có cái tật xấu: đàn bà mà tài hoa thì càng quý, nhưng phải thành thực, nhũn nhặn, kín đáo thì mới là có đức, có hương. Tôi lạc hậu!
(Tôi có số văn anh viết về Đông Hồ rồi, anh đừng gửi vào).

Anh nói đúng: phải gặp, biết kha khá một người nào rồi viết về người đó, văn mới sống động. Nhưng chính người đó cũng phải có nét đặc biệt về cá tính thì viết mới hay. Bà Tương Phố thật là có cá tính đặc biệt.

Giản Chi không có đủ thơ của anh nhưng cũng đã đọc nhiều thơ anh. Anh ấy ít làm thơ nhưng bài nào cũng có hồn thơ, lời lựa kĩ. Đương thu thập độ dăm chục bài, đánh máy gởi cho ba bốn bạn. Năm nay sức kém rồi, cảnh già vì con cháu. Nhưng vẫn còn mạnh hơn tôi.

Anh nên viết, cố viết tập Thi Pháp đi. Từ xưa tới nay chưa ai viết. Mà anh không viết thì sẽ chẳng còn ai viết được. Vậy anh ráng viết cho xong đi. Hay dở không cần biết, sau có in được hay không, không cần biết. Anh có bổn phận với thơ mà phải viết. Vả lại viết cho qua ngày, điều đó cũng cần lắm, anh không thấy sao?

Tôi không biết Thi học của Tô Đông Pha ra sao, nhưng tôi thấy ông ta làm thơ cũng như viết văn, cứ từ trong lòng tuôn ra, đúng là “hành vân lưu thuỷ” khác hẳn Viên Mai.

Lạ nhỉ! Thư Đào Duy Anh gởi cho Bí thư Thành ủy ở đây, mà sao ngoài đó ông Tạo biết được. Hay là họ Đào có một bản đưa cho các bạn ngoài đó đọc.
Vụ đó không có “suite” đâu, nhưng ông ấy đã làm trọn bổn phận của người học giả, đáng quý.

Nhân tiện, tôi xin kể anh nghe: trong khi ông ấy ở chơi tôi, thì một cán bộ sở Tuyên huấn thành phố lại chơi tôi, thấy tôi không mạnh, bảo để ông ta xin giấy phép cho tôi vô nhà thương Thống Nhất (nhà thương dành cho cấp cao ở đây) người ta coi cơ thể cho. Tôi cảm ơn, xin để khi nào đau nhiều sẽ tính, chứ hiện nay chưa có gì đáng làm phiền ông ta. Khi ông ta về rồi, ông Đào hỏi tôi: “Người ta săn sóc sức khoẻ cho anh kĩ như vậy mà sao anh lại lơ là?”. Tôi đáp: “Nhà chỉ có hai vợ chồng già, chồng vô nằm dưỡng đường, mệt cho vợ đi thăm. Đó là một lẽ. Lẽ nữa: Mình có công lao gì với cách mạng mà đáng hưởng ân huệ đó? Người ngoài người ta cười cho, mỉa mai nữa là khác”.

Tôi chỉ muốn sống yên thân, đừng ai nhớ đến tôi. Vậy mà cũng không được anh ơi. Một cán bộ văn hoá khác hai lần lại tôi, một lần nhờ tôi giúp việc nghiên cứu về Trung Hoa, một lần bảo có tác phẩm nào viết về Trung Hoa thì đưa ông ta tìm cách xuất bản cho, vì ngoài Bắc người ta “tin cậy loại sách đó do bác và bác Giản Chi viết”. Tôi chưa trả lời.

Tôi không tin khoa tử vi lắm đâu. Khoa đó căn cứ vào âm lịch (chứ không về âm dương lịch) nghĩa là không theo thời tiết để định tháng nên không hợp lý. Tháng nhuận có hai cách lấy số: 1- Coi tháng nhuận là tháng chính trước. 2- Coi ½ tháng nhuận thuộc về tháng chính trước, ½ thuộc về tháng chính sau. Cả 2 cách đều vô lý. Cho nên tôi không tin những số tử vi có tháng nhuận như trường hợp của anh. Nếu đã có người nào lấy cho anh rồi, thì xin anh cho biết họ tính tháng ra sao, số mạng anh có những văn tinh nào, chính tinh nào, có đúng ít nhiều với đời anh không. Nếu đúng thì anh gởi cho tôi coi, đỡ công tôi phải lấy lại. Tôi ngại chính vì tôi không tin trường hợp có tháng nhuận.

Kể một chuyện nữa cho anh nghe: Một đứa nhỏ 6 tuổi, con trai, mới học lớp 1, mà cũng thích cây đuôi chồn của tôi. Một buổi sáng nọ nó qua balan nhà tôi chơi - nhà nó ở bên cạnh - rồi cao hứng inquovise một bài hát giọng êm đềm, chứ không phải giọng hàng hàng của các bài nó học ở trường, láy đi láy lại, nào bướm, nào ong, nào hoa, nào chim, say mê như vậy có tới 10 phút tới khi mẹ nó gọi nó mới thôi. Nghệ sĩ không? Tôi yêu nó quá! Nó rất đẹp trai, tính như con gái.

Kính chúc anh chị mạnh.

-o0o-


Nha Trang, 28-10-78

Kính anh

Ở Nha Trang có một ông, tuổi thua ông Bành Tổ 730 năm, người Quảng Nghĩa, học rộng, xét sâu, tên là Tạ Linh Nha, bà con 78 đời với Tạ Linh Vận. Ông Nha là bạn thân với Quách Tạo, trước kia làm về ngành ngân hàng nông thương nghiệp ở miền Nam, rất ngưỡng mộ anh. Sau khi xem kỹ 2 tập Non Nước Bình Định, Xứ Trầm Hương của tôi, và tập Văn Minh Ấn Độ của anh, ông ấy nói:
- Hãy gác tài viết văn của hai tác giả, chỉ nói về tài dùng chữ thì trong X.T.H và N.N.B.Đ tôi nhặt được một ít sạn, còn trong Nguyễn Hiến Lê thì tôi cố tìm mà không tìm thấy 1 hạt nhỏ. Tôi chưa từng thấy 1 nhà văn nào viết văn chín như thế.

Ông Nha hiện đang giúp việc không lương cho cơ quan văn hóa địa phương. Ông ta bực mình về việc dùng chữ cẩu thả của các nhà văn đương lên hương, nên đương viết bài bàn về văn phạm. Nghe anh có soạn và xuất bản từ 1952 quyển “Tìm Hiểu Văn Phạm Việt Nam”, ông ấy nhờ tôi hoặc mua dùm, hoặc mượn dùm quyển ấy. Ra đời trên ¼ thế kỷ, quyển “T.H.V.P.V.N” đã thành “đồ sứ Khang Hy” rồi, biết giá nào cho xứng mà mua cho được. Vậy chỉ còn cách “xin mượn”. Nếu anh hoan hỷ thì ông Nha sẽ thân hành vào hoặc cho người tín cẩn vào nhận.

Tôi đương viết bài cho Ban Hán Nôm Hà Nội. Không biết tiền thù lao có đủ mua giấy pelure, carbone và đi xe tìm tài liệu chăng? Song có việc làm để cho não nghỉ ngơi, kể cũng hay hay. Tôi tìm mượn được trên 60 bộ tuồng cổ. Thật là một kho tài liệu quí hóa, có nhiều tuồng văn chương tuyệt diệu.

Vừa rồi có người cho tôi mượn số tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật, có bài đề cập đến tôi. Tôi xin trích gởi cho anh xem cho biết thái độ của một số nhà văn đối với tôi. Không ai” đá chó chết”. Tôi bị đá. Vậy tôi không phải “chó chết”. Chừng nớ là đủ rồi. Phải không anh?
Nhà tôi cứ mạnh được ít lâu rồi đau trở lại, nên tôi:

Mai chiều giữ cháu nấu ăn
Ngày dư chút đỉnh viết văn đỡ buồn
Gió thu thổi lạnh cánh chuồn
Nghĩ người cuối bãi đầu nguồn mà thương.

Chúc anh chị vạn an.

-o0o-


Nha Trang, ngày 08-11-78

Kính anh

Tiếp được thư 22.10.78 của anh rồi.
Em nhỏ xem bướm xem hoa của anh thật là một bài thơ tuyệt tác! Tôi chỉ tưởng tượng mà cũng đã khoái đến cực độ, huống hồ anh được nhìn đến 10 phút.
Đó là những phút thần tiên của bọn mình. Mỗi năm được một vài lần hưởng thú như thế tôi tưởng không cần phải tìm đến Bồng Lai Đào Nguyên làm gì cho chồn chân mỏi gối.

Anh từ chối “ân riêng” của vị cán bộ cao cấp đó một cách rất nên thơ. Những lời anh giải thích với Đào Quân, thật đáng khuyên và khuyên. Anh có những lời nói vừa thành thật vừa tế nhị. Thế mà anh không có tình nhân “đông đảo” thì thật lạ. Có lẽ anh không gặp người có tâm hồn và có ít nhiều chất lãng mạn trong người. Tức là anh tài hoa mà không đào hoa vậy.
Vâng lời anh, tôi xin gởi số tử vi vào anh xem và trang thử từ nay trở đi tôi có khá hơn không (về mọi mặt) từ đây trở về trước chăng?

Tập thơ của cháu Mộng Hoa, vừa in xong chưa kịp đóng bìa thì Qui Nhơn tản cư. Một trăm bìa Thi Vũ in cho và gởi cho chị Mộng Tuyết mang về, tôi mang theo khi chạy vào Sài Gòn, đều bị thất lạc dọc đường. “Văn chương vô mệnh”, nghĩ mà thương cho con.

Con Mộng Hoa cũng như Chức Thành, (cả Phụng Lữ nữa) không coi văn chương là “thốn tâm thiên cổ”, chỉ “vui thì làm chơi” mà thôi. Lại không chịu khó đọc sách thơ, học kỹ thi pháp. Cho nên gặp “trở ngại” thì thối lui..., gặp “may mắn” thì “dẫm chân tại chỗ”. Phụng Lữ nay không còn hứng làm thơ nữa. Còn Mộng Hoa và Chức Thành thì “giải nghiệp” từ ngày có những “tác phẩm tinh thần”! Tôi đã phải ra tay gom góp lại, chỉnh đốn lại những vần thơ đã sáng tác ngày trước, chép thành tập Giếng Tường Vi và Sông Côn Giặt Sợi.
Tôi xin gởi Giếng Tường Vi và Sợi Tơ Lòng vào tặng anh để cùng Sông Côn Giặt Sợi và Vị Hoa Đăng thành bộ “Tứ Nữ Mần Thơ”.

Trừ Mộng Hoa ra, đối với ba nữ kia tôi đều mang nợ: Liên Tâm đã giúp tôi tiến từ Một Tấm Lòng sang Mùa Cổ Điển rồi đi luôn qua Đọng Bóng Chiều. Chức Thành đã giúp tôi hào hứng viết mấy tập sau Đọng Bóng Chiều. Phụng Lữ đã giúp tôi có thêm hai tập lục bát trong lúc phần đông nhà thơ cũ xếp bút.

Liên Tâm xa tôi từ 1940. Không tin tức nên không biết còn là người Kim hay đã thành người Cổ!

Ngoài Mộng Hoa, con tôi còn 2 đứa nữa cũng biết làm thơ là Quách Giao (anh Mộng Hoa) và Quách Giám (em Mộng Hoa). Giao đã có 1 tập thơ, song chỉ được ít bài khả thi, nó không tiếp tục từ ngày bị động viên đi lính (1953). Còn Quách Giám thì đã mất năm 1966, có để lại mấy bài thơ tình, nhưng tôi không có gan đọc, vì mỗi lần nhìn thấy di tích của con lòng tôi xót xa quá !

Con tôi không đứa nào thích thơ tôi cả. Văn tôi chúng cũng ít xem. Tôi cũng chả dạy gì cho chúng nó được! Lắm lúc tự an ủi: “Chớ trước đây mình có học với song thân mình đâu mà mình cũng làm thơ được”. Mà tôi nhận thấy phần đông các nhà thơ trẻ nổi tiếng chả học ai cả, chả cần đọc thi pháp mà thơ vẫn hay. Còn tôi cặm cụi nghiên cứu thi pháp khá kỹ mà thơ vẫn chẳng hơn ai. Như thế thì thi pháp không cần thiết. Những ông “Trạng mẹo” có ông nào trở thành văn sỹ hữu danh đâu. Cũng vì nghĩ vậy mà tôi không có hứng viết về thi pháp (viết những gì mình đã đọc được). Nhưng nay, vâng lời anh, tôi xin cố gắng một phen.

Những người “mần văn, mần thơ” phái đẹp, không phải riêng gì ở nơi “nghìn năm văn vật”, nơi “hòn ngọc Viễn Đông”, mới có người như anh đã tả. Đàn bà  “sang trọng” đều thế cả. Họ chỉ đẹp bề ngoài. Tôi cũng ngán học lắm mặc dù tôi bà con gần với vua Tề Tuyên.

Tôi tìm được trên 50 vở tuồng cổ. Tôi đương biên soạn cho Ban Hán Nôm Hà Nội, những từ điều về các vở tuồng ấy. Nhiều tuồng nhất là Đào Tấn, văn chương tuyệt tác. Cách dùng chữ đặt câu thật luyện, luyện mà vẫn tự nhiên mới là tài ! Nghệ thuật hát bội thật cao. Ngày nay chánh quyền Trung Ương muốn dùng hát bội để tuyên truyền, có cho soạn nhiều bổn tuồng “cách mạng” và có cho diễn lại đôi tuồng cổ. Song tài viết tuồng và tài diễn xuất quá kém, kém như thơ Đường Luật ở trong các “thi đàn” hiện đại và “cận đại”. Tôi nghĩ thơ Đường Luật cũng như hát bội nên cho chết hẳn thì tốt hơn, bởi những giai nhân đã “cận hoàng hôn” có “khuất mắt” người ta mới còn nhớ đến, chớ cứ chường chường bộ mặt nhăn nheo móm mém ra mãi, người ta thêm ghét thôi. Vì vậy tôi không cho lũ con tôi làm thơ Đường luật và gần bốn mươi năm nay, tôi không đi xem hát bội.

Các cụ, các ông, các cậu văn thi sỹ hiện thời không chơi thân được. Tình cảm của họ đã được khoa học hóa và “nhất thống hóa”. Ông Đ.D.A là một trường hợp đặc biệt có lẽ vì ông ta còn là “con hạc ở ngoài lồng son”.

Hai trận bão vừa rồi, Sài Gòn có bị gì chăng? Ở miền Trung hư hại khá khá. Nha Trang không bị ảnh hưởng nhiều.

Xin gởi vào tặng ông Giản Chi 3 tập thơ. Kính nhờ anh trao dùm.

Trong lúc ru cháu, có mấy câu nghe được. Xin chép anh mua vui:

Mai chiều giữ cháu nấu ăn
Ngày dư chút đỉnh viết văn đỡ buồn
Hơi thu thổi lạnh cánh chuồn
Nghĩ người mặt biển đầu nguồn mà thương
Chỉ hìem cơm ghé độn rau
Vợ già cầu Phật đừng đau ốm thường
Thu về đâu chẳng gió sương
Riêng mừng còn thú văn chương sưởi lòng

Chúc anh chị an vui.

-o0o-


Sài Gòn, 01-12-78

Kính anh

Anh đã nhận đựoc thư tôi gởi cách đây khoảng nữa tháng nói về tập Để Hiểu Văn Phạm chưa?

Hôm nay tôi có thể trả lời dứt khoát ông bạn đó được. Nhà tôi mới ở Long Xuyên lên, tìm thấy ở dưới một cuốn Đ.H.V.P và đã đem lên đây. Vậy ông bạn đó có thể nhờ ai lại nhà tôi lấy rồi đem ra hoặc gửi ra ngoài đó, dùng xong lại trả tôi. Nhưng tôi nhắc lại, cuốn đó không nói về văn phạm đâu mà nói về ngôn ngữ.

Điểm thứ nhì trả lời anh về lá số.
Bốn người lấy số cho anh, sao nhiều thế! Ông nào lấy theo phương pháp riêng ông đó tôi không dám bàn, vì không biết là phương pháp nào, dạy trong sách nào, hay ông ấy tự tạo ra. Anh thấy lời đoán của ông ta có đúng với dĩ vãng của anh không?

Một người trẻ nào đó, lấy đúng phương pháp cổ điển, đoán độ nửa trang giấy, không có gì đặc biệt, anh có thể gạt qua một bên.
Còn hai ông nữa: Vương Phong Hương và Hành Sơn Khí cũng theo phương pháp cổ điển, đoán không khác nhau bao nhiêu và đoán kỹ, anh nên giữ hai lá này, nhưng đừng tin hết lời họ đoán đấy nhé.
Họ đều lấy ngày 23-11, nghĩa là coi tháng nhuận như tháng chính, đúng phép đấy. Tử vi vô lý ở đó: năm nào nhuận thì những người sanh tháng nhuận, số y hệt những người sanh tháng chính.
Dùng khoa bát tự tử hình tránh được sự vô lý đó, có phần đúng hơn. Ở Nha Trang có ai biết bát tự tử hình, anh nhờ họ lấy lại cho anh, rồi so sánh tử vi, tử hình, cách nào đúng với đời anh hơn.

Tôi thấy số tử vi hai ông V.P.H và H.S.K lấy có nhiều điều khá đúng với đời anh đấy:
- Công chức bình thường thôi, nhưng nổi danh về văn học (nhờ có tứ linh).
- Tính tình đứng đắn, anh không phải là hạng có số đào hoa, sở dĩ có nhiều bạn thơ phái đẹp là nhờ cung nô bộc (ngày nay nên gọi là cung bằng hữu), có đào hoa, hồng loan, thiên hỉ, tả, hữu chiếu. Cung đó tốt.
- Chắc anh ra làm việc sớm và thành gia thất sớm, khoảng 19-21 tuổi. Học giỏi nhờ vận 12-21 tuổi có Khôi Việt; sớm ra làm việc nhờ có quyền, lộc chiếu; sớm có vợ nhờ đào, hồng chiếu và thiên hỉ.
- Từ 22 đến 31 tuổi bình thường.
- Từ 32 đến 41 tuổi xấu.
- Từ 42 đến 51 khá.
- Từ 52 đến 71 tuổi, hai vận liền đều tốt. Càng già càng nổi danh, viết nhiều, nổi danh nhất là từ 52 đến 71 mà còn phong lưu nữa.
- Cung thiên di của anh ra ngoài tốt, lời đoán của ông V.P.H đúng hơn của ông H.S.K.
- Năm 1979, đề phòng có tang.
- Năm 1980, già mà gặp đào hoa, hồng loan, lại thêm địa không, địa kiếp, thiên không, thiên thương, càng phải đề phòng.

Tôi chưa thấy ai đoán đúng năm chết cả. Tôi được bạn lấy cho ba số tử vi, tử hình và hà lạc mà cũng không ông nào dám chắc năm nào chết. Chỉ khuyên 3-4 năm nữa nên sẵn sàng để đi. Tôi nghĩ chúng ta hễ ngoài 70 tuổi thì lúc nào cũng nên sẵn sàng. Tôi nhắc lại, anh nên nhờ người lấy số tử hình cho để confronter với tử vi. Tôi không tin tử vi của anh vì anh sanh tháng nhuận. Mà anh cũng đừng tin tôi: tôi đọc tử vi vì tò mò, chứ không học, mới ở bước đầu a,b,c đoán dở đấy.
Anh cho tôi biết: tôi phải trả mấy lá số tử vi của anh bằng cách nào bây giờ?

Bây giờ xin ghi ít cảm tưởng về hai tập thơ.
Trong số ba bạn thơ của anh, tôi quý bà Liên Tâm cũng bằng cô C.T. Thời đó, mới tuổi đó mà thơ già dặn như vậy thật là hiếm, Tản Đà khen là phải. Những bài, những câu hay nhất của bà ấy, anh và các bạn thơ của anh đã trích gần hết rồi; tôi chỉ nghĩ đến cái thốn tâm của bà ấy thôi. Tấc lòng bà ấy đối với anh, cũng như tấc lòng cô C.T (sao anh lại bảo cô này không có thốn tâm?) đằm thắm lắm mà buồn quá!

Anh đã trích ra 6 câu lục bát ở trang 2 bài tựa đấy. Rồi còn tấc lòng trong bài Tặng Biệt (cặp luận), trong bài Hoa Sen nữa (câu 5)- kín đáo, bí mật. Sau đó làm gì? Nay ở đâu? Buồn mênh mông. Sâu sắc nhất trong ba người đấy.

Thơ của cháu Mộng Hoa khác hẳn. Nguồn hứng rất nhiều, thơ cũng nhiều giọng. Hoài cổ có, triết lý nhẹ nhàng có (bài Chậu Hoa Cúc), có lòng phúc hậu, thương người (bài Ngồi Nhớ Lại), rồi tình quê, tình yêu thiên nhiên, tình gia đình... (Cha già tuổi mẹ càng cao).

Đọc thơ cháu, tôi đoán đời cháu không khổ đâu. Chịu ảnh hưởng của anh: những vần ngũ ngôn; mà sao lại có giọng của Đông Hồ; Mộng Tuyết cũng khéo lựa những vần có giọng Đông Hồ để giới thiệu ở đầu bài tựa: Vườn Trăng Thiếu Nữ, Giấc Mơ Trên Sông, Giã Gạo Đêm Trăng, Chiều Giang Thôn, Vườn Rau, Dưới Mận (kín đáo nói về anh)... Đều là những bài dễ thương cả.
Xin có lời khen cháu và mừng cho anh chị.

Chị đã thật mạnh chưa?

Kính

Tái bút: Lam Giang bây giờ ở đâu? Làm gì?

-o0o-


Nha Trang, ngày 16-12-78

Kính anh

Mùa đông ngày dài hơn mùa thu mùa hạ nên đường đất cũng dài hơn. Bởi vậy thư anh gởi hôm 01-12, hôm qua 15-12 mới đến! Tôi ngồi “sưu tra” thì thấy mùa xuân 78, thư anh gởi ra đều đều là một tuần tới nơi, đến mùa hạ thì lên 10 ngày, mùa đông lên 15 ngày. Nếu ngày cứ theo giá gạo mà tăng dần thì... những người ghiền thơ bạn chắc phải tìm bác sĩ mà “cai” quá!
Chừng nào thanh lọc cho hết những “phần tử xấu” trong các cơ quan thì chừng đó thiên hạ mới thái bình!

Anh có tiếp được bức thư trong đó tôi có kèm một mảnh giấy trích lời ông Trần Quang nào đó thóa mạ tôi chăng? Kể cũng vui! Thời đại nào tôi cũng bị chửi! Rất tiếc là người chửi tôi lại là những người chưa hề quen biết tôi. Cũng như có một cán bộ giáo dục, Pháp văn chưa đọc suông, Anh văn mới bập bẹ, mà chê anh dịch Chiến Tranh Và Hòa Bình “sai bét”! Châu Hải Kỳ hỏi: “Anh đã đọc kỹ bản Pháp văn và Anh văn chưa?” Vị ấy đỏ mặt. Kể cũng vui anh nhỉ.

Số tử vi của tôi không được đúng lắm. Tôi giữ đó cho vui vậy thôi. Ông nội tôi giỏi tử vi, Hà lạc...,nhưng nhất thiết không truyền cũng không lấy số cho con cháu. Nghiên cứu ròng rã 30 năm trời với một ông bạn Trung Hoa và không biết bao nhiêu pho sách, để đến lúc tuổi già than một câu: “Không biết còn hơn”. Ông nội tôi biết cả ngày chết của ông và biết cả những việc xảy ra sau ông chết. Nguyễn Bỉnh Khiêm biết những việc trước 500 năm, sau 500 năm. Ông tôi chỉ biết việc trước ba tháng sau ba tháng mà thôi. Có nhiều chuyện như chuyện huyền thoại... Thế mà bảo con cháu đừng học, để thì giờ làm việc khác. Tuy vậy ông có dạy cho ông thân tôi sú quẻ (bằng tiền và bằng bát uống nước thay mu rùa) để biết việc tương lai trong khoảng 10 ngày...và dạy bà thân tôi xem tướng cùng phép Khổng Minh tầm hữu, dạy ông dượng tôi (Bùi Sơn Nhi) phép coi giò gà... để “chơi cho vui”. Trong nhà, ngoài sách tướng số còn bộ Vạn Pháp Qui Tôn xuất bản ở Trung Quốc.Những sách ấy để nơi từ đường họ Quách, trên những chiếc giá treo khá đẹp (hình ảnh vẫn còn rõ ràng trong trí nhớ của tôi), song...hủy, hủy, hủy, hủy hết! Nay không còn gì ráo! Nghĩ đến câu “có hình có hoại” mà tự ủy vậy.

Mấy lá số của tôi, anh giữ dùm, khi nào có người vào Sài gòn, tôi sẽ nhờ đến nhận.
Quyển sách “Để Hiểu Văn Phạm” anh giữ kỹ (phải giữ kỹ được ngày nào hay ngày nấy) đó, khi có người tín cẩn tôi sẽ nhờ đến mượn...
Còn Liên Tâm thì 37 năm biệt tin tức! Lòng nhớ thương vẫn không dứt thỉnh thoảng vẫn nổi sóng như hồi mới xa nhau.

Giai nhân đối với tôi là những ngọn lửa ấm, những cơn mưa ngọt tưới sưởi cho hoa lá thêm tươi sum. Liên Tâm đã giúp tôi bước từ Một Tấm Lòng sang Mùa Cổ Điển qua Đọng Bóng Chiều. Chức Thành đã giúp tôi viết mấy tập thi thoại Trong Vườn Hoa Thơ và Những Bức Thư Thơ và để dấu trong một số bài ở Mộng Ngân Sơn, Giọt Trăng, Nhánh Lục, Cánh chim Thu. Phụng Lữ giúp tôi có thêm hai tập lục bát Bán Lâm Hàn Nguyệt và Nguyệt Hoàng Hôn. Còn hai người nữa trước Chức Thành, sau Liên Tâm là Kim Loan và Hà Thanh, mỗi người còn vang bóng trong đôi vần thơ trong Đọng Bóng Chiều. Hai người này không biết làm thơ cho nên thơ tôi làm vì họ mà chỉ mình tôi ngâm. Do đó mà tình khi gần nhau thì nồng, khi xa nhau không còn dư vị. Tình làm giàu cho thơ, thơ làm “sang” và làm “thọ” cho tình, tôi nhận thấy như vậy nhưng tư tưởng lạc hậu rồi.
Tôi muốn viết lại “pho tình sử” của mình song khó viết chẳng kém khi viết về thi pháp.

Nhắc đến thi pháp, tôi nghĩ mà lo! Nghĩ trong trí thì cảm thấy thông suốt lắm, nhưng viết ra giấy thật thiên nan vạn nan. Không khéo phải “tâm ấn”, phải “niêm hoa vi tiếu”, cũng nên! Tôi không hiểu sao khi ngồi nói chuyện với bạn, tôi nói được dễ dàng mà khi viết lại lúng túng, viết rồi đọc lại thấy nói nhiều mà không nói điều gì cả!? Mới viết thư về “thanh, sắc, vị, tinh, khí, thần, là 6 yếu tố của một bài thơ hay, mà đã lúng túng vì thiếu thơ hay để dẫn chứng. Đến nghĩa chữ “tinh’ thì bị lúng túng nữa. Vì tinh là gì? “cô đọng”, “trong trẻo”, “nhỏ nhẹm”, “thuần nhất”, “tinh ba, tinh vi, tinh tuý”. Đó là lời giải thích của “những người xưa’. Tôi lại nhận nghĩa khác. Tinh là sperme. Con người ta nhờ có đủ tinh khí, thần mới tráng kiện. Thơ cũng thế. Phải hiểu tinh là sperme thì ba chữ sau mới cân với ba chữ trước. Vì “thanh sắc vị” thuộc về “chất”, ngũ quan nhận thức được dễ dàng. “Tinh khí thần” thuộc về “hình nhi thượng” chỉ “cảm” bằng trí mà thôi...nói làm sao cho gọn và dễ hiểu? Anh nổi tiếng về phương pháp viết văn, anh truyền cho tôi với.

Mấy tháng nay tôi viết về tuồng hát: Giới thiệu tác giả (vài câu), nói về nội dung, bàn qua văn chương. Tôi viết được 12 tuồng. Mỗi tuồng từ 1 hồi đến 3 hồi. Tuồng 3 hồi, tóm tắt độ 3 trang perlure đánh máy, tuồng 1 hồi từ 1 trang đến 1 trang rưỡi. Họ gởi vào tôi được 59đ nhuận bút. Khi sách in (chừng ba năm nữa) sẽ tính thêm nếu giá biểu cao... Gần 5 tháng trời, phần đi sưu tầm, phần ngồi đọc rồi viết, rồi gởi,...mà được chừng nớ thù lao kể hơn Tản Đà tiên sinh sang số Hà Lạc nhiều, nhưng nhờ có công việc đó mà tôi biết được nhiều cái hay trong tuồng hát mà xưa kia tôi không ngờ có...Và nhờ có đọc nhiều tuồng mới thấy rõ tài soạn tuồng của cụ Đào Tấn. Một nhà soạn tuồng khác là nguyễn Diễn Dĩnh (tục gọi là cụ Tuần An Quán) ở Quảng Nam khen cụ Đào là “Thánh Trung Chi Thánh” trong làng soạn tuồng, thật không ngoa chút nào...chắc anh thích hát bội?

Mình viết thư cho nhau ít khi nói chuyện của “bụng”. Vậy hỏi nhỏ anh “đã ăn cơm ghé” chưa? Riêng tôi thì đã triệt để thi hành từ 3 tháng nay, cho nên có mấy vần:
Chi hiềm cơm ghé độn rau
Tuổi già mong vợ đừng đau ốm thường
Thu về đâu chẳng gió sương
Riêng mừng có thú văn chương lót lòng.

 (Lót hay sưởi)? Lót thì ăn với câu một, sưởi thì hợp với câu ba. Lót vừa êm, vừa ấm hợp cả một lẫn ba anh nhỉ.
Ông Giản Chi ít hay đến chơi cùng anh sao? Tôi tưởng cặp bạn già ngày nào cũng phải gần nhau cho đỡ tẻ. Té ra tôi một mình, anh cũng một mình như tôi.

Chúc anh chị vạn an.

-o0o-


Nha Trang 22-12-78

Kính anh

Tôi vừa nhận được thư anh Giản Chi. “Nhất kiến như cựu”. Từ nay tôi được thêm một bạn để “tâm sự”. Đời thêm hương.
Hôm nay là ngày sanh của tôi. Năm ngoái năm kia, chỉ có một người cùng tôi “ăn sanh nhật”. Năm nay lại thêm một người nữa là nhà sư Thích Đạt Bổn:
Ngày sanh chung dạ nhớ ngày
Một trang má phấn một thầy áo nâu

Kể cũng quá “âm thầm”, mà cũng quá thú vị! Tôi xin gởi mấy vần “ăn sanh nhật” vào anh xem cho vui. Tôi cũng có gởi vào anh Giản Chi xem.

Chữ anh Giản Chi cứng rắn rõ ràng nét còn “gân” lắm: Thọ trưng đó.

Chữ anh, chữ Đông Hồ, chữ Thi Vũ, mỗi người mỗi vẻ. Nay được chữ anh Giản Chi nữa... Ngồi buồn mở mớ thư cũ ra xem tôi có cảm giác ngồi lựa hoa chưng Tết. Chữ phái “đẹp” không “hấp dẫn”. Có lẽ đã dông hết vẻ hấp dẫn cho người họ rồi vậy. Chữ của Mộng Tuyết trước kia cũng đẹp như chữ Đông Hồ. Song sau này có sút đi nhiều lắm. Chữ của Tương Phố cũng đặc biệt song thiếu một yếu tố gì đó khiến tôi không ham xem...

Mấy tháng ròng rã, tìm tài liệu, ngồi viết bài cho ban Hán Nôm Hà Nội. Vừa rồi Ban gởi tiền nhuận bút vào được 59 đồng  “miếng thịt làng, sàng thịt chợ”, nhớ đến câu thơ xưa vịnh than:

Ít nhiều miễn đặng đồng tiền tốt
Hơn thiệt nài bao gốc củi tàn
Ở với lửa hương cho trọn kiếp
Thử xem sắt đá có bền gan...

Chép ra cùng anh ngâm cho vui.

Tôi có một ít tuồng hát cổ. Ban Hán Nôm hỏi mua, song không cho biết giá nhà nước đã ấn định cho mỗi cỡ là bao nhiêu. Tôi có hơi ngại vì “thịt làng” chỉ có giá trị tinh thần, mà lúc này gạo lại trèo lên địa vị của ngọc châu...

Trong bài “ngày sanh bảy chục”, câu thứ sáu, khi viết cho anh Giản Chi, tôi chép là:
Đắng cay ai biết ngọt ngào ai hay”.
Anh xem câu đó và câu cũ:
“Nỗi riêng đắng đót ngọt ngào ai hay”
câu nào hơn.
           
“Lễ” sanh nhật năm nay, có một chuyện thú không tiện nói trong thơ và trong thư. Khi gặp anh sẽ “tâm sự”.

Ở Nha Trang, gần tháng nay, trời lạnh. Cũng may, nhà tôi chỉ cảm năm hôm, và tôi vẫn khoẻ, và ăn cơm ghé bắp rất ngon (ngon miệng nhưng nặng bụng vì bụng mình là bụng tiểu tư sản thành thị), song ngủ có hơi ít. Đêm đêm phải đợi đến 10 giờ đài ngừng phát thanh mới đi nằm, rồi 3 giờ sáng thức dậy nằm cho tới giờ phát thanh...Lắm đêm phải dùng thuốc an thần mới ngủ được ngon giấc. May khỏi đau ốm và chưa cảm thấy “gần trời”.

Chúc anh chị an khương.