Năm 1973



Nha Trang 30-3-73

Kính gửi Ông Nguyễn Hiến Lê

Xuân về chắc ông đã xuân lại với xuân? Tuổi già thường chuyển theo thời tiết. Chỉ có mùa xuân mới giúp cho mình hưởng nhiều vui ấm.

Thi Vũ ở Paris có in dùm cho tôi tập Ngũ tuyệt Giọt Trăng. Tôi có nhờ ông bạn gởi tặng ông. Không biết ông đã nhận được chưa? Tôi vừa nhận được mấy tập vài hôm nay. Gởi từ đầu tháng 02/73. Ở Nha Trang cái gì cũng chậm. Không biết ở Sài Gòn có bị nạn “qui hóa” hay chăng?

Tôi đã hoàn tất tập ngũ ngôn bát cú, tập thơ tôi đã thưa cùng ông hôm vào thăm đó. Tất cả được 108 bài. Tập thơ đó mang tên là Mây Cổ Tháp, chữ mượn trong cặp tam tứ bài thơ gần cuối tập:
           
VÀNG NGẬP BẾN

Vàng ngập bến hoa quỳ
An lành thời loạn ly
Chuông lừng mây cổ tháp
Buồm lộng gió tà huy
Sẵn nẻo tầm ngư phủ
Neo tình đợi Bí Phi
Tuy không người đối bóng
Bầy én bạn tương tri.

Làm nhiều sợ bị hoạt thủ nên tạm nghỉ ít lâu. Đến 01-4-73, tôi về Qui Nhơn thăm quê ít hôm. Khi trở vào Nha Trang sẽ viết tiếp tập hồi ký Bóng Ngày Qua bỏ dở đã hơn hai năm rồi.

Đại học Vạn Hạnh mời tôi dạy môn thi ca cho ban Cao Học. Tôi ngại mình không đủ sức (cả sức khoẻ lẫn sức hiểu biết) nên không dám nhận. Để đền đáp thịnh tình của giáo sư Nguyễn Đăng Thục, tôi sẽ vào nói chuyện cùng sinh viên trong vài giờ. Chừng ấy nhất định sẽ mời ông đến dự để ủng hộ tinh thần.

Có gặp ông Đông Xuyên, xin nhờ chép cho trọn bài mà có câu:

“Gươm liếc chưa mòn trăng chiến địa
Buồm về bổng trở gió thiên nhai”

Và nhân tiện xin gởi một bài cho ông và ông Đông Xuyên nhàn lãm:

NHÌN BÓNG PHÙ SINH

Vin cành xuân muộn nép ven đường
Nhìn bóng phù sinh đọng bóng gương
Nếp áo đã phai màu thế hệ
Mái đầu chưa trắng nợ văn chương
Đôi tờ thơ cổ nâng niu ngọc
Một mảnh vườn quê ấp ủ hương
Ngoảnh lại rừng liêu chiu chít mộng
Ánh tà dương lẫn ánh triêu dương.

Kính chúc ông vạn hảo.

-o0o-


Sài Gòn 05-4-73

Kính gửi ông Quách Tấn,

Tôi mới viết thư xong cho Thi Vũ, sửa soạn viết cho ông để hỏi thăm ông, mừng ông ra được một tập thơ rất đặc biệt cả về nội dung lẫn hình thức và để xin ông địa chỉ của Thi Vũ, thì nhận được thư ông. "Giọt Trăng” gởi đường hàng không, không rõ từ hôm nào, mà tôi cũng mới nhận được cách đây 5-6 hôm. Cảm tưởng của tôi khi ngắm và đọc tập đó, tôi đã ghi trong bức thư cho Thi Vũ, xin gởi theo đây để ông đọc, và nhân tiện nhờ ông gởi qua cho ông ta.
Thi hứng lúc này của ông dồi dào lắm: 108 bài thơ trong có mấy tháng mà thơ bát cú, đẽo gọt, tôi nghĩ không ai theo kịp được ông đâu.

Đại học Vạn Hạnh mời ông dạy, nếu ông nhận được thì giới trẻ ngày nay sẽ được biết ít nhiều về tác phong, nghệ thuật, về “thi đạo” của cổ nhân. Ông còn đủ sức thì cứ nhận thử ít tháng. Và bài giảng đầu tiên, nếu đánh máy thì xin ông cho tôi một bản; còn việc lại Vạn Hạnh nghe thì tôi đành mang lỗi với ông thôi: Vì vài lẽ riêng tôi không muốn tới Vạn Hạnh.

Lúc này tôi ít gặp ông Đông Xuyên vì tôi phải coi nhà - mà hai chúng tôi ở cách nhau xa; Vì vậy tôi dùng thư để gởi ông ấy bài Nhìn Bóng Phù Sinh (bài này 4 câu cuối thú lắm) và nhờ ông ấy chép cho ông trọn bài có câu: Gươm liếc chưa mòn...
Cảm ơn ông, sức khoẻ tôi lúc này khá rồi; và thấy ông làm việc trở lại, tôi chắc ông vui rồi.

Kính chúc ông an khang.

- Mái đầu tôi 10 phần trắng 9 rồi. Khi nào nó trắng hết thì có lẽ mới trắng nợ văn chương được ông đoán xem 3 hay 5 năm nữa?

-o0o-


Nha Trang, ngày 14-4-73

Kính gửi Ông Nguyễn Hiến Lê

Nhận được thư ông, rất sung sướng. Không ngờ Giọt Trăng in đẹp đến thế và được hàng thức giả yêu mến tận tình.
Đọc thư ông, Thi Vũ mừng rằng không bỏ công săn sóc cho tập thơ, và tôi cũng mừng rằng lão tuy lão đã lai mà “tài” chưa đến nỗi tận.

Như tôi đã từng thưa cùng ông: tôi không có đức tự tin. Làm việc thì cứ làm, làm tận tâm tận lực, mà không bao giờ dám tự tại rằng sẽ thu được kết quả tốt đẹp. Khi sách ra đời được đón nhận những lời quí báu, mới hay mà mừng. Có lẽ vì sống trong nơi cô lậu, bên mình không tri âm, nên tánh sanh nhút nhát chăng.
Tôi làm thơ rất công phu. Song công thôi xao có ít mà công uẩn nhưỡng huân tập nhiều gấp trăm gấp nghìn. Có nhiều tứ thơ quằn quại trong tâm hồn hàng mười, mười lăm năm và hiện thành hình thơ chỉ trong một vài giờ hoặc năm bảy phút. Mấy năm về trước, thơ làm rồi, thỉnh thoảng xem lại, thấy có chữ chưa ổn, có câu chưa luyện, thì lo nhuận sắc, có khi đến đôi ba phen. Ngày nay tuổi già sanh biếng nhác:

Tuổi già sanh biếng nhác
Làm thơ không thôi xao
Lòng nghĩ vậy viết vậy
Câu ra sao thì ra
Chỉ hiềm chân vịt thấp
Không ngóng cổ cò cao
Khen gật chê cũng gật
Song mai gió ngọt ngào

Và ngâm chơi cho vui vậy thôi:

Thơ mình làm mình đọc
Hay dở có cần chi
Miễn gởi niềm tâm sự
Miễn vui thời loạn ly
Không dòng châu Giả Đảo
Không vò dấm Vương Duy
Ai thương tình ghé mắt
Dòng nước mây trôi đi

Ông và tôi lúc này trở thành bạn “đồng nghiệp”, nghiệp coi nhà:

Vợ con đi khỏi hết
Mình ở nhà coi nhà
Trông bạn bạn không đến
Nghĩ thơ thơ chẳng ra
Bèn đào trùn nuôi vịt
Rồi vẹt rào hái hoa
Gái qua đường khen với:
Dễ thương thay ông già.

Đó là thơ “tẩu mã”, có trên 30 bài. Còn trên 70 bài khác có phần “nghiêm trang” hơn. Mong được gặp ông, để cùng đọc cười cho vui.

Việc dạy Vạn Hạnh, tôi chưa quyết định. Nghe nói thái độ sinh viên cũng như nhà trường lúc này..., tôi e ngại lắm... Già  mà “mang tơi chữa lửa”...

Trong lúc “ở nhà coi nhà”, buồn, viết tào lao nói chuyện cùng ông cho vui. Nếu được ông vỗ đùi khen với: “dễ thương thay ông già” thì khoái không kém “cổ nhân nhìn tranh tố nữ, thấy người trong tranh lững thững bước ra”.
Khoái thật! Còn khoái như thế mà than già?! Chưa đâu. Già chi gấp cho uổng. Huống có già chăng nữa cũng chả sao:

Em ơi chớ chê tôi già
Xưa nay gừng quế ai mà dùng non

Chắc ông biểu đồng?
Châu Hải Kỳ đương viết về ông. Tôi sẽ nói nhỏ cùng Kỳ rằng ông đa tình lắm...
Chúc ông khỏe và vui.

-o0o-


Sài Gòn 22-4-73

Kính gởi ông Quách Tấn,

“Gái qua đường khen với
Dễ thương thay ông già”

Thật vậy sao? Nếu vậy thì thi nhân có diễm phúc đấy. Đáng khoái lắm. Mà sao đầu năm nay thơ ông tình tứ thế.
Xưa nay gừng quế ai mà dùng non!”
Phải cho vào thi thoại mới được.

Tôi thì hẩm hiu lắm. Bọn trẻ nó thấy tôi là lảng. Tại sao vậy ông? Mặc dầu nó bảo sách tôi nó thích đọc. Chắc là nó khen vuốt đuôi! Tôi cho rằng tại mạng tôi không có đào hoa mà có thất sát và vũ khúc.
Ông bảo Châu Hải Kỳ rằng tôi đa tình, tôi ngại quá đi. Ông ấy chưa biết tôi, rồi ông ấy tin thật, cứ tưởng tượng phứa đi hoặc điều tra lung tung mà rồi chẳng có gì cũng cứ nhất định cho tôi là hạng Don Juan thì khổ lắm.

Mấy bài tẩu mã của ông thú lắm, nhất là bài:
"Tuổi già sanh biếng nhácvới bài "Gái qua đường khen với"
Nhiều người vẫn cho rằng thơ ông “thôi xao” quá, cho nên những bài tẩu mã nào, làm xong, để dăm ba tháng sửa lại sơ sơ, chắc có người thích.

Mà Tô Đông Pha làm mấy ngàn bài thơ, trong đó cũng có vô số bài tẩu mã đấy chứ. Văn của ông ta thì “hành vân lưu thủy”, cũng là “tẩu mã” nữa. Tẩu mã mà được như họ Tô thì là tuyệt đỉnh của nghệ thuật, của sự tu luyện tâm hồn.

Kính thư

-o0o-


Nha Trang, ngày 20 tháng 8  năm 1973

Thưa ông,
Tôi bị glaucome phải vào Saigon mổ mới về hôm 15-8. Về nhà nghe nói ông ra Nha Trang ghé thăm đến hai bận, lòng cảm khái bồi hồi. Nhưng không tự cầm viết biên thư được. Nay có thằng cháu đến thăm, nhờ viết hộ ít lời tin ông hay.
Tôi nay đã thành người “nhứt mục thập hàng”, và phải “bế môn tạ khách”, “bế sương tích thư”. Lâu ngày để dưỡng bệnh. Tôi có bài thơ tức sự, xin phép để ông cười cho vui:

Duyên văn chương đương thắm
Thân già bỗng đảo điên
Một đêm đầu nhức nhối
Suốt tháng bệnh triền miên
Thành nửa cụ Đồ Chiểu
Không hai chàng Vân Tiên
Trên đường hoa chỉ thoáng
Những bán diện thuyền quyên.

Xin chào ông và kính chúc ông cùng bửu quyến thân thường an tâm thường lạc. Lúc mắt lành tay khỏe sẽ viết nhiều để kể những vui buồn trong lúc bệnh.
-o0o-


Saigon, 31-8-73

Thưa Ông,
Cầm bao thư, thấy tên ông mà nét bút không phải của ông đã đoán được là ông đau, nhưng chỉ tưởng bệnh trĩ tái phát không ngờ là bệnh mắt.

Tôi thấy các bạn già của tôi sao mà không ai vui vẻ; ngay những tin tức nhận được cũng buồn nhiều hơn vui. Từ đầu năm tới nay đã ba tin buồn rồi: một ông bạn tê liệt nửa mình, một ông bạn qui tiên (ông Hư Chu); nay lại được thư của ông. Xin chúc ông mau lành, và luôn luôn giữ được tâm hồn khoáng đạt trong bốn câu cuối bài thơ Tức sự.

Hôm kia tôi gặp bà Mộng Tuyết, bà hay tin từ khi ông còn ở Saigon, nhưng nhờ thày Thanh Tuệ kiếm, cũng không ra dưỡng đường ông nằm.
Ông Đông Xuyên tới, tôi đã đưa ông đọc bài thơ Tức sự, ông ấy có vẻ ngậm ngùi.
Tôi đã được coi bìa Tố Như Thi do Thi Vũ trình bày. Mới mẻ, có ý nghĩa mà đẹp, nhưng vẫn không thấy bằng bìa Giọt Trăng. Ông ấy thật là một nghệ sĩ.
Người lại thăm ông hai lần đó chắc là Võ Phiến, mà người nhà nhớ lầm. Tôi từ mấy năm nay cũng gần như bế môn, không ra khỏi nhà. Không vui nên không muốn đi đâu cả.

Kính thư
-o0o-


Saigon 28.11.73

Kính gởi ông Quách Tấn,
Nghe ông Châu Hải Kỳ nói nhờ uống thuốc Nam, bệnh của ông lúc này đã bớt, ông đã đọc sách được, hồng hào lên, và vui vẻ. Tôi mừng lắm.
Nếu vậy thuốc Nam hơn cả thuốc Tây, thuốc Bắc nữa. Ông nên bảo một em hay cháu nào ghi mỗi thang dùng những vị gì, cân lượng bao nhiêu (mỗi vị nên vẽ hình để indentifier được), uống bao lâu, rồi đổi toa;  nghĩa là làm như một nhật ký, để sau này, nếu ông khỏi hẳn thì sẽ công bố cho thiên hạ hay. Glaucome là một bệnh Tây y lúng túng lắm.

Tôi mới đọc xong Tố Như Thi do An Tiêm gởi lại. In đẹp lắm. Tôi đã viết ít trang giới thiệu Giọt TrăngTố Như Thi để đăng trên Bách Khoa.

Cuối bài tôi xin phép ông cho dẫn bài thơ Nửa Đồ Chiểu ông gởi cho tôi để độc giả biết rằng ông đương sáng tác mạnh mà phải ngừng lại, và cũng để đưa đến câu kết này:
“Hai tập đó ra đúng lúc này an ủi ông được nhiều, nhiều lắm”.
Ông cho phép chứ. Chúc ông bệnh mỗi ngày mỗi lui đều đều.

-o0o-

Nha Trang, ngày 29 tháng 11 năm 1973

Kính ông,
Con mắt mổ vừa lành, nằm dưỡng con mắt lành thì phong ngứa nổi cùng mình, phù mặt như mặt địa, ngứa ngáy khó chịu. Chữa phong ngứa khỏi, mụn nhọt mọc khắp mình, có 3 mụt lì hơn nhà chánh trị ngoan cố, không chịu ra mủ, đau nhức hết sức, ngày không ăn được, đêm không ngủ được.

Sáu tháng trước, tuy không múa gươm nhảy lên lưng ngựa lẹ làng được như Mã Viện song tôi đi bộ một hơi 7 cây số rồi về nhà ngồi vào bàn giấy làm việc suốt 3,4 giờ không biết mỏi. Thế mà nay đã là một ông già chính cống. Nằm buồn buồn vén bắp vế lên, thấy mà thương! Chỉ còn da từng lớp, chớ không trơn láng mịn màng như 6, 7 tháng trước khi còn ngó thiên hạ với hai con mắt đủ hai ngươi.

Sanh không thấy khổ, lão không thấy khổ, bệnh mới thấy khổ.
Mang thân khổ đi lang thang, bỗng gặp một thanh niên đẹp đẽ, mạnh khỏe bị trúng gió nằm chết giữa đường. Tôi mừng quá liền vứt thân xác già nua bệnh tật của tôi, đưa hồn tôi nhập vào xác chàng thanh niên. Trong người khoan khoái, bao nhiêu đau buồn đều tan biến... Tôi trở về nhà. Mặc dù đem bao nhiêu bằng chứng cụ thể để chứng minh rằng mình đổi xác, vợ con đều không nhận (*)... Buồn bã ra đi, sực nhớ cô tình nhân trẻ ở Qui Nhơn, liền đáp xe ra tìm. Nhờ những vật kỷ niệm cũ và những chuyện bí mật làm chứng, cô ta tin là người cũ xác mới, nên tình thân rất thân. Song lúc âu yến nhau thì tôi nổi sấm sét đùng đùng... vì nhận thấy nàng ái ân với anh chàng đẹp trai mình đưa đến chớ nào phải ân ái với mình...
Thế là giấc mơ tỉnh!

Nửa còn ưng ức, nửa bật cười.
Nghĩ không biết nên chịu khổ với cái thân bệnh của mình hay nên đổi cái thân này lấy một thân khác tốt đẹp hơn. Ông là người cao kiến, xin chỉ giáo giùm cho vui.

Kính chúc vạn hảo.

Trong lúc ngọa bệnh thường có khẩu chiếm được một ít thơ. Thỉnh thoảng có đôi câu nghe được được. Xin chép ông xem một bài làm cách đây đã 3, 4 tháng:

GIÓ THU

Gió thu đùa tóc bạc
Đâu nữa nếp xuân thì
Mắt nửa mờ nhân ảnh
Đời thêm vắng cố tri
Nước mây tình viễn phố
Hoa lá lượng tà huy
Nghĩ tội người bên tháp
Dòng xanh soi nét mi

(*)  Muốn lấy ít quyển sách mình vốn yêu thích, con nhất định không cho.

-o0o-


Saigon 07-12-73

Kính ông,
Bức thư trước của tôi (xin phép ông trích bài Nửa Đồ Chiểu) chắc đã gặp thư 29-11 của ông ở giữa đường.
Thấy ông viết được đầy hai trang mà nét chữ vẫn mạnh và rõ như trước, tôi mừng lắm.

Giấc mộng của ông lí thú lắm. Giá có một nhà nho nào giỏi cổ văn, bắt chước  giọng thời Chiến Quốc mà dịch truyện đó của ông rồi cho vô Liệt Tử hay Nam Hoa Kinh thì xứng lắm.
Còn câu hỏi của ông ở cuối truyện thì tôi xin nhại lời Khuất Nguyên trong bài Bối Cư mà đáp rằng: “Phàm nhân an năng tư thử sự”.
Có điều tôi nghe một bác sĩ Pháp nói câu này: Chỉ khi nào bệnh nhân buông xuôi (không muốn chiến đấu nữa) thì bệnh mới thắng được. Nghe thì tưởng như mới mẻ lắm, mà chỉ là một vérité de la Palice. Đọc thư ông, tôi thấy tiềm năng của ông không còn mạnh lắm, mà tiềm thức của ông chiến đấu hăng lắm, không thua T.T.Nixon. Vậy cho nên tôi tin chắc rằng ông sẽ trị được mắt, rồi bồi bổ bằng 5 – 6 mũi Doca, Durabolin (xin hỏi bác sĩ trước đã) thì da dẻ sẽ mơn mởn, và cô tình nhân trẻ ở Qui Nhơn không thất vọng ông đâu mà ông khỏi phải than!
“Đâu nữa nếp xuân thì”

Ông mạnh hơn tôi nhiều quá. Tôi đi thủng thẳng vài cây số thì được, đi 4 cây thì chân tay rã rời, nằm dài suốt ngày, không muốn cử động nữa. Viết thì độ 1 giờ rồi nằm nghỉ, vấn thuốc hút, tàn điếu thuốc mới ngồi viết lại.
Đương viết thì Bách Khoa đem ấn cảo bài tôi giới thiệu ông để tôi sửa lỗi. Chưa được phép ông về bài thơ đó, nhưng báo đã chạy, đành làm càn vậy, ông không nỡ trách?

Non tháng trước, Thi Vũ (mến ông lắm) cho tôi hay ông định uống thuốc Bắc, mỗi thang 1 cân chỉ tê giác, giá 6.000 đồng. Tôi nhớ khoảng 1931 – 1945 bác tôi có thứ đó, do mấy ông thầy Quảng (Nam Ngãi) đem vô bán. Mấy ông thầy Quảng này biết chút ít chữ Hán, vô trong Nam này kiếm những nhà điền chủ nhà giàu mà trọng chữ Hán, để bán đủ thứ thuốc hiếm: quế Thanh, Long Diên Hương, tê giác, vẩy trúc,... Lâu lâu bác tôi đem mài trị bệnh cho người thân, bảo tê giác giải nhiệt và giải độc. Tôi bèn viết thư hỏi một ông anh tôi (bác tôi đã qui tiên gần 15 năm rồi), may ông ấy còn giữ, cưa một nửa gởi cho tôi. Tê giác mới tới hôm nay, nhưng ông Châu Hải Kỳ một tuần trước bảo ông không uống thuốc Bắc mà dùng thuốc Nam, thấy bớt nhiều. Vậy lúc này ông chưa cần tê giác? Khi cần, xin ông cho tôi hay, tôi sẽ gởi ra. Tôi mù tịt, chẳng biết nó có phải là thứ thiệt không; nhưng tôi đoán cả thế giới chỉ còn được mấy chục con tê ngưu ở Châu Phi thì khó mà có thứ thiệt lắm.

Kính thư

-o0o-


Saigon 14.12.73

Kính Ông,
Trong khi 9 phần 10 các nhà xuất bản ở Saigon muốn dẹp vì giá giấy sẽ còn lên nữa, lên kinh khủng thì một nhà mới mở, vốn rất lớn: 140 triệu, của Trương Vĩnh Lễ (chủ nhà in Imprimerie Saigonaise) và Việt Nam Thương Tín hùn với nhau!

Họ có một chương trình rất lớn, muốn làm như Hachette của Pháp - sẽ in cả sách giáo khoa bộ Giáo dục cho phép, in lại cả những sách của vài nhà xuất bản Pháp để độc quyền bán ở Đông Á, từ Nhật Bản tới Singapour. Chưa thấy màu sắc chính trị của họ, nhưng nếu có thì có lẽ họ thân Pháp hơn là thân M. Và cơ quan đó lấy tên là: Cơ sở Trương Vĩnh Ký.

Một người trong ban Giám đốc quen tôi: ông Ngô Trọng Hiếu, người đã giúp tôi in cuốn đầu tiên: Tổ chức công việc theo khoa học. Tôi không ưa đường lối chính trị của ông ta, nhưng về văn hóa thì ông ấy vẫn thường hỏi ý kiến tôi.
Lần này ông ấy xin tác phẩm của tôi, tôi chưa biết cơ sở ấy hoạt động ra sao (tới đầu Janvier 74” họ mới khởi sự) nên chưa hứa gì cả, bảo để coi.

Ông ấy lại hỏi tôi có biết có ai có sẵn tác phẩm có giá trị không. Tôi giới thiệu ông và một người nữa. Có lẽ họ sẽ viết thư ra thăm ông đấy. Nên tôi phải thưa ông hay trước để ông trả lời họ. Theo tôi thì cứ nên “chờ xem” và ông có thể viện cớ rằng còn phải tĩnh dưỡng, chưa sửa lại tác phẩm được, đợi ít tháng nữa mới có thể làm việc được.
Kính chúc ông mạnh giỏi.

-o0o-


Nha Trang, ngày 17 tháng 12 năm 1973

Kính ông
Thư đề ngày 7-12-73 của ông đã đến. Tôi rất cảm động. Sừng Tây ngưu rất hiếm và chỉ có lương y thật lành nghề mới biết được chân giả. Đợi nhà tôi bớt và nhà xuất bản An Tiêm trả tiền tác quyền Tố Như Thi, tôi sẽ vào dùng tê giác chữa bệnh glaucome... Tôi sẽ đến thăm ông.

Hôm Châu Hải Kỳ đến thăm, quả tôi hồng hào “dễ thương” lắm. Không phải nhờ thuốc mà chính nhờ tâm thần vui vẻ. Lúc ấy tôi uống Poireau và uống rễ chùm bao. Poireau hạ áp xuất con mắt, rễ chùm bao an thần dễ ngủ. Tạm dùng các thứ ấy vì phải nhịn tiền uống thuốc Bắc thuốc Tây để lo chạy chữa cho nhà tôi bị phát bệnh cũ.

Tôi được bức thư ông nói về bài giới thiệu Giọt TrăngTố Như Thi nhằm lúc tôi gặp “tam tai”. Nay tai đã qua, xin thuật lại cho ông nghe cho vui.
Bác sỹ cho nhà tôi uống thuốc Rimactan, mỗi ngày 4 viên 150mg, uống ròng trong 6 tháng. Rimactan mỗi hộp 8 viên, giá 1.400. Chạy mỗi tháng 21.000 (chưa kể thuốc phụ). Thuốc ấy của Thụy Sỹ. Tôi nghĩ ở Pháp gần Thụy Sỹ, giá thuốc ắt rẻ hơn, mới nhờ chị Bạch Lãng cậy người con làm bác sỹ ở Pháp mua dùm. Bên Pháp không có Rimactan 150mg, mà có Rifadu 300mg cùng một công thức. Rifadu 300 mạnh gấp đôi, nên chỉ uống mỗi ngày 2 viên. Chị Bạch Lãng mua dùm 2 hộp,  mỗi hộp 30 viên, uống được 1 tháng. Quí hết sức quí. Song quên lửng giá hối xuất tự do của đồng France đối với đồng V.N đến 120, thành thử hai hộp Rifadu giá (chưa thuế vì gởi tay) đến 40.800. Chê 21.000 quá nặng, đi gánh 40.800 tức là gánh thêm 19.800, lại còn làm phiền bà chị mới quen biết. Đương còn nghỉ cách chạy tiền bồi hoàn tiền bù chị cho mượn mua thuốc, thì đứa con gái út vào mếu máo khóc rằng bị mất xe đạp.
Con gái út 17 tuổi học lớp 11, từ nhỏ đi bộ đến trường. Vừa rồi gia đình “thắt lưng buộc bụng” mua cho nó 1 xe đạp. Nó mừng hết lớn... Chiều 03-02-73 con cháu kêu nó bằng cô, lấy xe tập đi. Đi mỏi về dựng nơi hè trước, vào bếp uống nước, trở ra thì vị “đạo sỹ” nào thổi phù mất! Thế là “nhị tai”.
Liền đó thằng cháu ở Phật Học Viện về trông vẻ hân hoan:
- Thưa bác, Tố Như Thi đã in xong.
- Sao con biết?
- Nhà xuất bản có gởi tặng quí thầy trên Viện. Con biết bác chưa nhận được nên mượn đem về bác xem.
Nó lấy đưa tôi xem. Tôi có cảm giác một anh chàng háo hức đến đêm động phòng... Nhưng dưới ánh đuốc hoa nhìn thấy tân nhân là một nàng mặt rỗ lại sứt môi! Bởi vì kiểu bìa của Thi Vũ với màu xanh êm dịu với bàn tay mềm mại, trông đẹp như thơ Tố Như tả trong bài Quảng Tế Ký Thắng “mềm mại tay tiên gởi trắng ngần”. Còn bìa Tố Như Thi thì màu đà chát chúa với bàn tay lông lá “sẵn sàng bóp cổ dân làng bút”. Lại thêm mấy hàng chữ ở góc bìa “Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Quách Tấn trích dịch”. Thi Vũ k rất mỹ thuật và rất công phu, bị nhà xuất bản “truất phế” ra khỏi bìa sách.

Ba “tai” dập dồn vào một buổi chiều! Để tự tỏ rằng tinh thần mình vững chắc, tôi ngồi yên, mỉm cười. Song tấm gương tủ chén bát để trước mặt cho tôi thấy cái miệng tôi méo xẹo như mo bồ đài. Tôi giật mình nghĩ dại:
- Hay là miệng thật của mình cũng đã bị truất phế, và ảnh kia là ảnh của miệng giả tiếm ngôi!
Theo số tử vi, thì hết tháng 11 âm lịch này tôi bắt đầu “hanh thông” trở lại. Tôi sẽ vào Sài Gòn và đến cảm tạ thịnh tình ông đối với tôi.
Thi Vũ, Châu Hải Kỳ thường nhắc đến ông luôn. Miếng tê giác của ông sẽ giúp cho tôi nhiều lắm. Thế nào, không kíp thì chầy, tôi cũng phải vào gặp ông.

Còn  những văn thơ tôi gởi vào cho ông, xin ông tùy nghi sử dụng. Đó là một niềm an ủi cho tôi vì được một tri âm đâu phải là dễ. Ở Nha Trang tôi sống trong cô quạnh. Lâu lâu Châu Hải Kỳ mới đến chơi năm mười phút thôi. Chị Mộng Tuyết muốn giúp tôi về việc xuất bản một ít tác phẩm. Thật cảm động. Song tôi ngại các nhà xuất bản quá. Mấy mươi năm nay tôi luôn luôn bị họ làm khổ... Đến anh Đông Hồ mà cũng la trời. Vậy phải xét kỹ vấn đề. Thà túng hơn khổ.

Kính chào ông.

-o0o-


Nha Trang, ngày 21 tháng 12 năm 1973

Kính ông,
Được thư ông nói về nhà xuất bản mới, tôi rất cảm động.
Tình ông đối với tôi thật thâm hậu. Thời tiền chiến tôi có nhiều bạn thân: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, Bích Khê. Các bạn cố tri, kẻ về thần, người đi xa. Tôi sống trong cô quạnh. Thời hậu chiến tôi làm quen với Thi Vũ, rồi với ông. Tôi có dịp tỏ tình cùng Thi Vũ. Nay mới có dịp ngỏ lòng cùng ông. Nói ra thì mất thiêng liêng, nhưng để mãi trong lòng thì lại chẳng khác gần gũi người tình mà không nói đến chữ “yêu”.

Thầy Thanh Tuệ xóa bỏ tên tôi ở bìa Tố Như Thi, đã không nhận thấy khuyết điểm, mà còn đổ thừa rằng chiều ý muốn của Thi Vũ. Thầy ấy có gởi hai bức thư của Thi Vũ cho tôi xem. Rõ như ban ngày: ban đầu Thi Vũ muốn in 3 màu. Sau sợ tốn nên in 2 màu: màu nền có bàn tay màu xanh dịu, tên sách Tố Như Thi và tên nhà xuất bản An Tiêm, màu nâu đậm, tên tác giả và dịch giả do những chỉ trắng khi in nền xanh kết thành. Như vậy chỉ tốn có 2 cliché đầu in bàn tay màu xanh, với tất cả những chữ tên sách, tên nhà xuất bản, tên tác giả, dịch giả đều nét trắng. Cliché thứ 2 chồng màu nâu đậm lên tên sách “Tố Như Thi” và tên nhà xuất bản “An Tiêm”. Còn tên tác giả và dịch giả cứ để nét trắng. Như vậy nơi cliché thứ 2 phải xóa mấy chữ “Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Quách Tấn trích dịch”. Xóa nơi cliché để màu khỏi ăn nơi nét trắng ở bìa sách. Thầy Thanh Tuệ xem không kỹ nên xóa bỏ tên tác giả và dịch giả nơi bìa! Thế mà vẫn cho mình là phải!

Còn tác quyền thì chỉ trả cho tôi 4%! Lại chỉ trả bằng miệng!
Mình không sống bằng tiền bán tác phẩm. Song bị bạc đãi quá, nghĩ cũng buồn. Đó là họ đến xin mình cho họ in mà mình còn bị đối xử như vậy, huống hồ mình đến nhờ họ in cho! Từ mười mấy năm nay tôi luôn luôn bị các nhà xuất bản làm khổ. Chỉ có Lá Bối đối đãi tương đối khá hơn hết.
Lần này nếu có nhà xuất bản 140 triệu “gõ cửa” thì xin vâng lời ông “chờ xem” cho khỏi bị khổ nữa.

Chúc ông an hảo.