Năm 1979



Sài Gòn , 14-01-79

Kính anh,

Tôi vừa nhận được hai bức thư của anh: 16-12 và 22-12. Chắc anh mong thư tôi lắm. Lúc đau thì không muốn viết gì cả, hết đau (vì nắng, ấm rồi), thì bận việc nhà. Hai vợ chồng già phải phân công lau chùi, quét dọn nhà cửa, đồ đạc, giặt giũ... non một tuần mới xong, để về Long Xuyên. Mai tụi tôi đi, ngoài rằm tháng giêng mới lên. Về dưới đó lại lo quét dọn dưới đó nữa, vì tụi trẻ bây giờ bận lo việc nước, việc nhà để cho các người già. Lạ quá, văn minh cơ giới mà mất hẳn cái thú nhàn đi, thế thì cơ giới hoá để làm gì nhỉ? Không bao giờ, người già khổ như thời này, khắp thế giới đâu cũng vậy, có lẽ chỉ trừ ít bộ lạc ở giữa châu Phi.

Nhân soạn lại sách vở, thư từ của bạn và độc giả để đốt bớt đi mới nhận thấy tôi biết anh trễ hơn Đông Hồ, Giản Chi, Đông Xuyên mà thư anh viết cho tôi nhiều hơn ba anh ấy rồi. Đọc lại một số thư cũ, nhớ lại thời đó, buồn vô hạn. Tôi đã chép lại nỗi lòng trong thư cho anh Châu Hải Kỳ. Tết anh có gặp anh ấy, bảo anh ấy đưa cho coi. (Viết tới đây thì anh Khánh tới).

Có, tôi đã nhận được bức thư có mảnh giấy trích lời ông Trần Quang nào đó thoá mạ anh, và tôi nhớ đã trả lời bức thư đó rồi, có nhắc tới vụ đó nữa. Tôi cũng ngạc nhiên: anh vào hạng nhà văn, nhà thơ hiền nhất trong này, cũng như tôi, không tranh giành một chút gì với ai, về danh cũng như về lợi, cũng chẳng hề đả động gì tới “họ”, có khi còn kín đáo khen họ nữa. Người ta thóa mạ có lẽ vì anh có danh mà người ta thì vô danh mà lại muốn tỏ ra “ta đây”.

V.H không ưa anh cũng như không ưa tôi. Bìa một cuốn sách của tôi in ba màu (blue, blanc, rouge) do một hoạ sĩ trình bày. Anh ta thấy, hỏi tôi: “Sao anh lại dùng ba màu của Pháp”. Tôi chỉ mỉm cười, không đáp. Tôi nhớ lại mấy chị thanh niên cứu quốc trong Đồng Tháp cuối năm 1945. Năm 1965 mà V.H cũng không hơn gì mấy chị đó. Vậy mà hai lần anh ta thích ra báo Thiếu Nhi thì hai lần anh ta khẩn khoản xin tôi bài cho số đầu, lúc đó thì ca tụng tôi dữ. Sau ngày 30-4, anh ta có thái độ xấu với tôi. Như vậy đó.

Châu Hải Kỳ muốn chép lại pho tình sử của anh, hình như anh ấy được biết khá nhiều, nhưng chắc không đủ. Kể ra cũng nên chép, vì khá đặc biệt đấy. Thường thì giai nhân chỉ là nguồn hứng của nhà thơ thôi. Ở anh, họ còn là người giúp anh viết, hướng anh về một thể thơ nào đó nữa, có thể nói là họ gián tiếp hợp tác với anh, còn anh thì có công chỉ bảo, đào tạo họ. Giản Chi, Đông Xuyên và cả Đông Hồ nữa đều không được cái may như anh. Anh nói “thơ làm say và làm thọ cho tình”. Đúng. Nhưng muốn cho người sau thấy vậy thì phải có người chép lại pho tình sử của anh mới được.

Về thi pháp, tôi cho là anh cần nhất phải kiếm được nhiều thơ hay của cổ nhân để dẫn chứng. Nếu không kiếm được thì có lẽ không nên viết. Chỉ nói suông như cụ nào đó: “thơ phải có thanh sắc, vị, khí, thần” thì nói làm quái gì. Tôi không tin hẳn cổ nhân đâu. Chẳng có bài thơ nào đủ những đức đó. Chỉ vài đức cũng đủ. Vả lại cũng tùy đề tài nữa, tùy thời đại nữa. Mà thế nào là tinh? Tôi cũng chịu. Tôi chưa thấy ai khen một bài thơ là “có tinh” cả. Anh cho là superme, tôi vẫn chưa hiểu.

Tôi nghĩ anh cứ lượm cho thật nhiều bài thơ, câu nào cổ nhân cho là hay, và anh cũng nhận là hay, rồi tìm xem hay ở đâu? Ở thanh, sắc, vị,...gì gì đó nữa tùy sự nhận xét của anh, sau cùng anh phân loại và phân tích, giảng giải cho độc giả hiểu. Đừng quá nệ cổ nhân, miễn là không quên rằng anh trình bày cái hay của thơ cổ theo quan niệm cổ.

Anh có thể thêm một chương: so sánh quan niệm cổ với quan niện mới bây giờ.
Tarif của họ là 6đ, 9đ, hay 12đ, 1000 chữ tùy cây viết. Viết để học thêm, để khỏi buồn, để gọi là đóng góp chút ít, chứ sống sao nổi. Nhưng tôi thấy họ trả anh 59đ, chứ không chẵn 60đ thì keo quá, không lịch sự chút nào cả.

Anh thật là người chồng tốt: săn sóc sức khoẻ chị quá. Mộng Tuyết có lần viết cho tôi, bảo rằng anh “tiên nội tướng chi ưu nhi ưu, hậu nội tướng chi lạc nhi lạc”. Đúng. Và đó là điểm đáng quý trong tấm lòng anh.

“Chỉ hiềm cơm ghé độn rau
Tuổi già mong vợ đừng đau ốm thường”

Anh có đưa chị đọc những câu đó không?
Tôi không bao giờ nhớ sinh nhật của tôi mà cũng chẳng ai nhớ nó. Bài thơ “ngày sanh bảy chục”, Giản Chi cũng như tôi thích mấy câu giữa, nhất là câu “Một trang má phấn, một thầy áo nâu”. Tôi thích thêm hai câu cuối nữa. Theo tôi “Đắng cay ai biết, ngọt ngào ai hay” hơn “Nỗi riêng đắng đót...”

Một lần một tờ báo cách mạng trả tôi nhuận bút một bài ngắn, tôi cũng như anh nhớ đến hai câu: “Ít nhiều miễn được...”.
Chữ của Tương Phố có vẻ đàn ông lắm, y như lời văn (và có lẽ cả con người nữa?- Tôi chưa được gặp bà ấy).

Xin chúc chị qua năm mạnh khoẻ suốt năm. Còn anh thì viết được nhiều vào. Khoảng 20 giêng ta là tôi có mặt tại Sài Gòn.

Kính
           
-o0o-


Nha Trang, 20-01-79

Kính anh

Năm cũ sắp qua năm mới sắp đến, theo lệ thường, tôi xin kính lời vào chúc anh chị và quí quyến thân tâm an lạc.
Những sự bực mình, khó chịu của năm cũ trôi xuôi theo dòng thời gian, không bao giờ trở lại quấy phá.

Năm qua tôi không về Bình Định, Tết năm nay phải về thăm, ra giêng mới vào. Chắc anh cũng về Long Xuyên như năm ngoái. Ban Văn Hóa Bình Định hỏi mua mấy vở tuồng tôi có. Nếu bán được kha khá tiền tôi sẽ vào Sài Gòn du xuân.
Ở đời có nhiều cái bất ngờ. Những vở tuồng hát tôi sưu tầm được, đã định cho theo các chị buôn giấy vụn. Thình lình cụ Đào Tấn “phục sinh”, những tập văn “xuýt chết” kia trở thành hữu dụng trở lại. Tôi đã dùng chúng để viết bài cho Ban Hán Nôm Hà Nội, và sẽ bán chúng để lấy tiền du xuân. Tiền bán chúng ít nhiều thế nào chưa biết, chớ tiền nhuận bút Ban Hán Nôm vừa gởi vào cho tôi thì khỏi phải nhờ kế toán viên làm sổ thu chi vì món tiền ấy tôi đếm khỏi bị lộn: 59$00 bạc mới, tức 29.500 bạc cũ. Kể cũng hậu lắm, vì tính ra mỗi bài được gần 10$00, chạy mỗi đồng là giá của 100 chữ, mỗi chữ giá 0$01. Tôi đăng ký đến trên 30 tuồng, mà mới biên soạn “từ điều” được 12 tuồng. Ra giêng, dài ngày rộng tháng, tôi sẽ “ung dung” viết tiếp  về số tuồng còn lại để cho “bốn ngựa khó theo”.

Cụ Đào Tấn đã được đám văn sỹ thi sỹ “tân tiến” để ý. Văn Hóa Bình Định vừa đúc xong một pho tượng bằng thạch cao của cụ và đương cất một hý viện lấy tên cụ làm tên. Sau khi các tác phẩm Đào Tấn được xuất bản rồi, thì giá trị của tác giả mới thấy rõ, thì làng văn mới thấy rõ sự nghiệp văn chương của Đào công không thua, nếu không hơn sự nghiệp của Tiên Điền, bên Nôm cũng như bên Hán.

Định viết xong thư này thì đi Bưu điện, tình cờ anh Tạ Linh Nha đến cho biết sẽ có người vào Sài Gòn. Vậy xin ngừng nói chuyện tào lao để nói chuyện “thực tế”.
Xin anh trao cho người cầm thư này:
1. Tập tìm hiểu ngôn ngữ Việt Nam anh đã hứa cho mượn
2. Xấp tử vi của tôi

Một lần nữa xin chúc anh chị vạn an.

-o0o-


Long Xuyên, 10.2.1979

Kính Anh

Lần này tôi về Long Xuyên lâu nhất, trọn một tháng, từ 15-11-79, như trong thư trước tôi đã nói với anh, tới 15-12-79.
Đi đường mệt quá: từ 6 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Muốn gẫy cái lưng, và rồi hai cánh tay, hai cái giò, vì phải chạy theo xe với 2 cái giỏ nặng trên khoảng 500 thước: gần tới bắc Mỹ Thuận và bắc Cần Thơ, người ta bắt xuống xe, mà đồ đạc để trên xe thì sợ mất. Tới nhà nằm 3 ngày mới lấy lại sức, đi dạo chợ một lát, chán quá, không muốn đi đâu nữa, về nằm lì ở nhà luôn nửa tháng.

Không ngờ chỉ sau một mùa lụt mà Long Xuyên thay đổi như vậy: đường sá hư hỏng, đầy ổ gà, có chỗ còn sâm sấp nước, bẩn thỉu; chợ trời còn đông hơn hồi đầu năm ngoái, khi chưa cải tạo thương nghiệp. Đủ các đồ đạc, đầy lề đường, còn trong nhà thì trống rỗng; chỉ một hai năm nữa là các bạn của tôi ở đây không còn gì để bán nữa, và họ cũng chẳng tự hỏi lúc đó sẽ sống cách nào, vì hỏi mà đáp không được thì hỏi làm gì?
Con người hóa ra lam lũ, lo lắng, rầu rĩ, thờ ơ, hết tình cảm. Vì vậy tôi không muốn đi thăm ai cả. Cảnh đã không muốn thăm, người cũng không muốn thăm nữa. Đó, tâm trạng của tôi.

Chỉ còn mỗi một  thú vui: cái mương bên cửa sổ phòng viết của tôi. Nó rộng độ 4 –5 thước, dài 30 – 40 thước, nhờ mùa lụt năm ngoái mà nay còn nước, chỗ sâu nhất được 1 thước nước, hai tháng nữa sẽ khô; hiện nay mặt nước đầy bèo cám, lấp lánh ánh vàng dưới ánh nắng. Hai bên bờ là những cây xoài, mận, chuối, dừa, cả một khóm trúc nữa. Tàu dừa, nhất là cành trúc ở sát bờ, chiếu bóng xuống mặt bèo, nét chỗ mờ mờ, chỗ đậm sắc, đẹp hơn một bức họa của Mễ Phố. Một đàn năm con vịt, có hai con trắng, ngơ ngác trôi trên mặt bèo, ung dung, để lại phía sau một vạch nước, lần lần bị bèo khép lại. Tôi nằm ở chiếc võng, dưới mái hiên và tàng mận, nhìn cảnh không chán. Trời xanh ngắt, hoa mận lả tả rắc xuống bờ nước; sáng và chiều thoang thoảng hương xoài. Về Long Xuyên lần này tôi chỉ còn mỗi cái vui đó.

Phải viết thêm một chậu cúc vàng nữa, thứ bông nhỏ bằng đồng bạc trắng thời xưa thôi. Hai đồng rưỡi, rẻ đấy, vì một trái quýt đường cũng 1 đồng rồi. Thịt, gạo, đắt gần như Sài Gòn, trái cây cũng vậy. Và từ tháng 2 năm 79 này, công chức phải ăn độn 70% tháng trước mới 50%, sẽ còn ăn độn bo bo dài dài. Nghĩ, không dân tộc nào đáng thương như dân tộc mình: 3 chiến tranh liên tiếp, chiến tranh thứ 3 này sẽ kéo dài bao lâu đây? Có progression ascendante hay không? 10 năm rồi, 20 năm rồi...?

Quên: còn một cái vui nữa: gần như không ngày nào không coi trẻ trong nhà bẻ trái cây. Còn được hai gốc xoài, hai gốc mận, một gốc vú sữa. Mỗi lần hái được một hai rổ, đem tặng bà con và cúng chùa già nửa. Nhưng mỗi năm chỉ có mùa này là nhiều trái cây. Ít tháng nữa sẽ hết. Giá có một khu vườn vài mẫu, mùa nào cũng có trái để sáng sớm nào cũng bẻ thì thú quá. Tôi nói với một ông bạn như vậy, anh ta mỉm cười: “Anh không biết cảnh trong vườn lúc này. Trồng được trái nào, chúng bẻ hết trái đó. Cự nự với họ thì bị lụi. Dĩ nhiên là không dám đi thưa. Vì không có ai xử. Giai cấp hữu sản mà đi kiện giai cấp vô sản thì như con kiến đi kiện củ khoai”. Nhớ lại hai câu thơ của cổ nhân viết trên các đĩa, chén: “Sự phùng đắc ý nghi hưu tấc – Phú quý trưởng trung dị bạch đầu”. Cả hai câu thơ chỉ đúng một nửa. Như anh làm được câu thơ đắc ý mà thôi không làm tiếp cho hết bài, anh có chịu không? Và như tôi, từ trước tới nay, vẫn trốn cái “trường phú quý” mà sao cũng sớm bạch đầu?

Tết năm ngoái đọc Pasternack (anh còn nhớ?); Tết năm nay đọc lại Khổng Tử và Kinh Dịch.

Trước cửa nhà tôi có một cây lớn gọi là cây nính (?) cao đến 20 thước, thân đến hai ôm, cứ lúc đầu xuân này lá thay một lượt, bay tả lả suốt ngày đêm, độ nửa tháng là trút hết lá. Trong nửa tháng đó, sáng sớm nào cũng có một cô giáo dắt 4 đứa con nhỏ lại hốt lá được đầy hai bao bố tời, chụm được hai ngày, khiến tôi nhớ lại 60 năm trước, tôi lượm lá bàng như họ ngày nay. Lá non đâm ra một loạt xanh mơn mởn, nhớ xuân ngoài Bắc quá. Trong Nam, tôi chỉ thấy có mỗi loại đó là còn nhớ xuân. Nó cũng từ Bắc vô đây chăng? Ngoài Nha Trang có cây nào như vậy không? Cây nính có hoa, có trái nhưng vô dụng.

-o0o-


Sài Gòn, 16-02-79

Tôi mới ở Long Xuyên lên hôm qua (15-2) và hôm nay được thư 20-01-79 của anh. Vậy là anh về Bình Định, tôi về Long Xuyên, và thư tôi gởi từ Sài Gòn ngày 15-01 tới hôm nay anh đã nhận được chưa? Xin cho biết. Tôi xin gởi “Để Hiểu Văn Phạm” và tập tử vi của anh. Đáng mừng về tin họ biết trọng cụ Đào Tấn. Anh nên tận lực tiếp tay cho họ, không phải vì họ mà vì cụ Đào Tấn. Xin chúc anh chị nhiều hạnh phúc.

-o0o-


Nha Trang, ngày 14-02-79

Kính anh

Về Qui Nhơn từ hôm 26 tháng Chạp ta, đến mồng 4 tháng Giêng mới trở vào Nha Trang. Vừa vào thì tiếp đặng thư anh tin cho biết về Long Xuyên ăn Tết đến 20 tháng Giêng ta mới trở lại Sài Gòn. Tết Long Xuyên có vui chăng?

Tết Qui Nhơn thật ra vẻ Tết lắm. Pháo giao thừa nổ rền trời. Bánh tét thịt heo, hoa trái... đủ...”. Chẳng phong lưu cũng ba ngày Tết...”. Song tôi không có thơ xuân !

Xuân về về với cố nhân
Câu thơ muốn viết tàn vần không ra!

Vào Nha Trang lại thơ. Thơ làm hôm đêm Thượng nguyên đây.
Thượng nguyên này là thượng nguyên năm Kỷ Mùi 1979. Can Kỷ và con số 9 làm cho tôi nhớ lại đêm thượng nguyên năm Kỷ Sửu 1949 và Kỷ Dậu 1969.

Năm Kỷ Sửu 49, tôi tản cư về Bình Định. Một ông bạn thơ người Trung Hoa là Diệp Trường Phát ở An Thái, mời tôi cùng 5 thi hữu khác đến nhà ăn Tết Nguyên tiêu. Đêm hôm ấy rất đẹp trời. Trăng rằm vằng vặc. Hoa thược dược nở đầy sân đầy thềm. Tiệc dọn ngoài trời, món ăn toàn đồ Tàu, rượu thuốc ngâm sâm nhung... lại có mấy nữ sinh ngâm thơ giúp hứng... Chủ nhân ép làm thơ... Tôi cao hứng được một Luật:

Rượu thơ trầm đọng vị hoa niên
Luyến khách tầm xuân gác thượng nguyên
Vận thắm châu ngân chiều thiếu nữ
Chung vàng hương lẫn ánh thuyền quyên
Buông màn thược dược hoa lồng mộng
Say dáng Cô Tô gối nỗi thuyền
Thơm thảo trăm năm lòng hảo mộ
Tới đâu đâu lại chẳng đào nguyên

Sau bữa tiệc đó thì tình hình chiến sự mỗi ngày mỗi thêm găng, các bạn thơ mỗi người đi mỗi ngả, ít khi được gặp nhau, và rồi kẻ trước người sau lần lượt qua đời. Đến năm Kỷ Dậu 1969, trong các bạn thơ dự tiệc năm Kỷ Sửu 1949, chỉ một mình tôi còn sống. Đêm thượng nguyên ngồi thưởng trăng, nhớ chuyện cũ, nhớ người xưa, tôi cảm tác được mấy vần lục bát:

Hai mươi năm trước đêm này
Bên hoa dưới nguyệt vui vầy tiệc xuân
Chén vàng ấm giọng giai nhân
Hương vương ngọn bút nở vần phong lưu
Tiệc tàn xuân cũng tàn theo
Dập dồn mưa gió nước bèo ngược xuôi
Bạn xưa lá mỏi mòn rơi
Cành xưa mấy bận tơi bời khói mây
Nghĩ thôi giọt lệ vơi đầy
Một mình thơ thẩn canh chầy với trăng.

Năm nay Kỷ Mùi 79, tuy có tri âm đó, song tôi vẫn thưởng trăng một mình. Trời thật đẹp, nhưng lòng thật buồn. Để tâm hồn khỏi bị vẩn đục, tôi bèn trút tâm sự vào thơ:

Màu trăng lai láng nước thanh tuyền
Đơn chiếc lòng xuân đêm thượng nguyên
Nét thảo bùi ngùi hương ký ức
Sân hoa lẽo đẽo mộng đoàn viên
Bèo mây bến cũ trôi hò hẹn
Vàng đá tình quê nặng ước nguyền
Nghìn dặm tấc gang người một hội
Gương thuyền quyên tỏ dạ thuyền quyên.

Đã lâu lắm rồi tôi không làm thơ Đường luật, tưởng không còn làm được nữa, không ngờ “bạn cũ thơ” không đến nỗi “mây thu” như “bạn cũ đời” là hai ông bạn chí thân của tôi: họ Phan và họ Lâm mà tôi còn giữ không biết bao nhiêu kỷ niệm.
Liên Tâm một đi không trở lại, nghĩ thật phải, bởi trở lại mà tình không trọn vẹn như xưa, thì bao nhiêu tình xưa cũng không còn trọn vẹn như cũ.
Thời thế đổi thay mà tình vẫn giữ tròn sau trước, thật có ít người. Tình thủy chung mà quí có lẽ vì ít, phải chăng anh? Hay là nó quí vì nó quí ? nhưng gạo vải mấy năm trên đâu có quí bằng lúc này? Hay là tình khác, gạo vải khác?

Đời thường bể bể dâu dâu
Lòng đời đâu dễ trước sau một lòng
Dù ai chua bưởi ngọt bòng
Mình riêng quen vị nước dầm thanh khê

Cổ nhân dặn con cháu: “Oanh già không nên hót, người già không nên làm thơ; vì khí huyết đã suy, giọng điệu chỉ làm cho người ta chán ghét”. Vậy nếu anh thấy lời đó là đúng thì xin gật đầu cho tôi biết. Ngày xưa Tạ Linh Vận ngồi bên Tạ Huệ Liên thì làm thơ dễ dàng. Ngày nay, thường thường hễ nghĩ đến anh hoặc viết thư cho anh, tôi cũng viết ra thơ dễ dàng. Mấy câu lục bát trên đây mới tuôn theo ngòi bút viết thư này vậy. Nếu có giọng “oanh già” thì nên nghe lời cổ nhân dặn.

Ban Hán Nôm ở Hà Nội tổ chức vào tháng 3 năm 79 một “Hội nghị phiên dịch Hán Nôm”. Ban cho biết sẽ mời tôi ra tham dự. Tôi nhận lời, nhưng không chắc đã đi được vì tự thấy thiếu “tiêu chuẩn”...

Tôi vẫn tiếp tục viết cho Ban Hán Nôm mặc dù tiền nhuận bút không đủ mua giấy và ruban đánh máy. Tôi viết cho hết tài liệu tôi đã sưu tập được: gần 60 bổn tuồng cổ, một số cảo thơ và gia phả, ... không tốn nhiều công sức mà tìm được bấy nhiêu “đồ cổ” thì phải công nhận là “hữu duyên”. Và xem những bổn tuồng từ Lê đến Nguyễn, mới thấy rõ tài soạn tuồng của cụ Đào Tấn. Ông Tuần Nguyễn Diễn Dĩnh một nhà soạn tuồng nổi tiếng ở Quảng Nam, triều Tự Đức đã khen cụ Đào là “thánh trung chi thánh” là “trạng nguyên trong làng soạn tuồng” và vua Dực Tôn phê “Thần Hồ Kỳ Hỹ” sau khi xem xong bộ Vạn Bửu Trình Tường (108 hồi, phải hát trên 100 ngày đêm mới xong), tôi nhận thấy không đến nỗi quá đáng. Thời “Mỹ ngụy”, tôi viết bài giới thiệu Đào công và các vở tuồng của cụ, song không mấy ai để ý. Nay được nhà nước cổ võ thì văn nghiệp của Đào công sẽ được quốc dân quý trọng như sự nghiệp của Tiên Điền Tố Như.

Chúc anh chị một năm xuân sắc.

-o0o-


Nha Trang, ngày 28-02-79

Kính anh,

Mãi hôm nay, anh Tạ Linh Nha mới cho người đem thư và mấy lá tử vi của anh đến gởi cho tôi. Tôi nhận thấy Tết Kỷ Mùi của anh đẹp quá. Trong lúc mọi người miễn cưỡng lo ăn Tết một cách miễn cưỡng theo tình tục, anh riêng ăn Tết với dòng nước đầy bèo cám lấp lánh ánh nắng xuân, với dừa, với trúc, với cây nính, với đàn vịt trên mặt bèo, với 5 mẹ con cô giáo nhặt lá vàng... Thú ơi là thú ! Tôi chỉ tưởng tượng thôi mà cũng thấy thú đến nỗi bỏ giấc ngủ trưa để ngồi viết mấy hàng này cho “khoái” thêm, huống hồ là được thưởng thức thật sự. Anh nhớ ghi những cảnh thú này vào hồi ký. Chắc trên đời (hiện giờ và mai sau), cũng còn có người biết quí những “cái” mà mình “cho là quí” như vậy.
Về phần tôi, thì tôi xin tóm tắt trong 56 chữ sau đây:

Vườn trung mai mận sắc xuân đầy
Ấp ủ tình riêng xuân mái tây
Chiếu rượu ngâm say vần gởi lệ
Lòng hương sưởi ấm giấc nằm mây
Tuổi già thử lửa mừng cao tuổi
Ngày nắng trông mưa chạnh nhớ ngày
Trời mãi còn xuân đời mãi thắm
Nách tường chi ngại cánh hoa bay

Đúng sự thật 100%. Chính chỉ gần nhau trên chiếu rượu (do một số thi hữu đãi và dọn trên gác, trải chiếu trên sàn gác, ngồi xếp bằng mà ăn uống và ngâm thơ. Thể lời yêu cầu của các thi hữu, C.T đã đọc một số bài trong Sông Côn Giặt Sợi, không chút e ngại) và gần nhau trong mộng.

Cũng là một cái thú “ăn tết”.

Về Quy Nhơn định lên xem tượng Đào Tấn và thư viện Mộng Mai, song rồi không muốn đến... Tôi còn giữ một số tài liệu về Đào Tấn. Nếu họ cần đến, tôi sẽ giúp.
Nhân lúc cao hứng, tôi đánh máy lại những điều tôi đã viết gởi anh về đêm thượng nguyên. Bài đánh máy lại có thêm đôi điểm không có trong thư nên xin gởi vào anh một bản để anh và anh Giản Chi xem có nên sửa kỹ lại để làm “của” chăng? Tôi để lên máy đánh... nhớ đâu đánh đó như viết thư cho anh, nên có nhiều chỗ “đáng đánh đòn”. Nhờ anh và anh Giản Chi sửa cho hoặc cho biết chỗ nào nên sửa, chỗ nào nên bỏ (nếu nhận thấy không đáng bỏ trọn). Trong “bài” tôi có đem vào 2 câu:

Nét đá chưa trôi lời hẹn ước
Màu mây đã nhuộm giấc chiêm bao.

Đó là hai câu tam tứ trong bài “Qua Cầu”, tôi làm hôm Tết, khi qua cầu Phú Phong, nhớ đến hai ông bạn “chí thân” ngày xưa. Xin chép toàn bài anh xem:

Tre xanh phủ bóng nhịp cầu cao
Chung bước du phương mới độ nào
Nét đá chưa trôi lời hẹn ước
Màu mây đã nhuộm giấc chiêm bao
Còn ai cởi áo trao đầm ấm
Cho khách sang sông bớt nghẹn ngào
Ngoảnh lại vườn quê hương chuyện cũ
Lòng tơ vương vấn nhện bờ ao.

Kính chúc anh chị vạn an.

Tái bút: C.T hôm Tết gặp, có hỏi thăm sức khỏe anh, và mong năm nay sẽ có dịp vào hầu chuyện anh được lâu hơn năm ngoái.

-o0o-



Sài Gòn, 18-3-1979

Kính anh,

Bắt đầu đau thì được thư anh. Phải cảm. Mà mỗi lần tôi phải cảm thì trị hay không trị cũng phải nửa tháng mới hết.

Trong khi nằm bệnh, có khoảng 10 bức thư tới. Hết bệnh, việc đầu tiên là hồi âm. Một ngày không chắc xong được.
Và hồi âm cho anh trước đây.
Tết vừa rồi của anh tưng bừng và rất tình tứ như vậy mà anh bảo “cũng là một cái thú”. Còn Tết của tôi chỉ có đàn vịt với mương bèo thì anh lại cho rằng “thú quá”. Rõ là không làm sao chiều lòng nhà thơ được.

Bài thơ xuân của anh năm nay, già dặn lắm, kín đáo.
Anh cho tôi cảm ơn cô C.T có lời hỏi thăm tôi. Bệnh của cô ấy hết chưa? Vô đây chắc là để khám lại? Vâng, xin mời cô ấy lại chơi. E cô ấy không nhớ ngõ, anh cũng phải đưa đường nữa chứ?

Ông Tạ Linh Nha đó, phải hậu duệ họ Tạ (Linh Vận) đời Đường đó không? Tôi hỏi thăm ông ấy có vài câu, thấy con người lịch sự.

Hồi ký 4 đêm thượng nguyên của anh được lắm. Những câu tả hoa, rượu, trăng đêm 1949 đẹp, hay. Những câu tả hương gió, hương hoa, trong vườn anh năm 69, 79 cũng thú.
Bài thơ nào cũng hợp tình, hợp cảnh. Bài 49 phong lưu. Cảnh đó đáng ghi nhất.

Về lời văn, anh có thể bỏ bớt một vài chữ, hoặc sửa một vài chữ. Anh đọc kỹ lại thì tự nhiên thấy. Mà chẳng sửa thì cũng chẳng sao. Sửa quá là một cái xấu, chứ không tốt đâu.
Đoạn mở, từ đầu tới “cho nên đêm thượng nguyên...”. Anh nên bỏ, không cần. Đoạn kết: từ “nào ai rõ được thị phi” cũng nên bỏ.

Đọc bài hồi ký đó, ai cũng thấy rõ rằng “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Cảnh có thể không vui, nhưng vẫn đẹp, nó đẹp mà buồn thì có lẽ lại càng đẹp.

Anh hay tin Ngu Ý mất rồi không? mất non một tháng nay. Mấy năm nay nằm ở dưỡng trí viện Biên Hòa. Sức suy lần, đưa về nhà được một tháng thì giải thoát. Khi gần mất còn nhớ được bạn nhưng không nói được. Chị lúc này mạnh không? Anh thì vui khỏi phải hỏi.

Tụi tôi ở trong này ít gặp nhau lắm. Tôi không đi đâu, ½ tháng không ra khỏi nhà. Các bạn như Đông Xuyên, Giản Chi thì ở xa mà người thì yếu người thì bận việc lo sống, cho nên hồi ký của anh tôi chưa đưa Giản Chi được. Thủng thẳng, anh chịu không?
Một tuần nữa Giản Chi không lại thì tôi sẽ gửi bưu điện.

Kính

-o0o-


Nha Trang, Rằm tháng 3 năm Kỷ Mùi (11-4-79)

Kính anh,

Anh Ngu Ý mất !
Đã biết mất là giải thoát, song nghe tin, lòng buồn thương dạt dào! Buồn thương bạn mất hay buồn thương mình mất bạn? Buồn nào cũng là buồn, thương ai cũng là thương. Muốn ngâm ít câu để giải tỏa nỗi lòng mà không ngâm được một chữ! Cụ Đào Tấn làm lễ “phần huỳnh” cho cha mẹ, không tự làm văn tế được, phải nhờ ông cử Huỳnh Bá Văn ở vào hàng môn đệ là như vậy đó.
Bạn già lần lần đi hết.
Người chết mà thiêng, chắc là thương người sống nhiều lắm.

Anh mới ốm dậy mà đã lo viết thư cho bạn! Thương anh quá! Phục anh quá! Anh yếu hơn tôi. Ơn trời cho chị có chút sức khỏe. Chớ nếu như nhà tôi, thì lấy ai săn sóc anh. Cũng là một điều đáng mừng.

Nhà tôi chỉ khỏe được một vài tháng, rồi đau mươi bữa nửa tháng. Lúc nhà tôi khỏe thì tôi chỉ có nhiệm vụ là giữ cháu. Khi nhà tôi đau tôi phải kiêm nhiệm chức nấu cơm (đúng hơn là nấu ăn vì gạo ít hơn mì là một, hai là phải nấu canh, dù là “canh toàn quốc”, tức nước nhiều hơn cái). Tuy vậy thỉnh thoảng vẫn cầm bút viết bài cho Ban Hán Nôm Hà Nội.

Cháu Giao đã trở thành một chú thợ dệt lành nghề. Hôm mồng 6 tháng Giêng âm lịch, cháu đi công tác lao động 1 tháng. Về nghỉ được mươi hôm lại có giấy đi kinh tế mới. Vì lãnh sợi của nhà nước năm 1979, chưa dệt xong, nên cháu xin hoãn ít lâu để thanh toán.
Tuổi già sống nhờ con. Theo con lên kinh tế mới, e tuổi già không chịu thủy thổ, còn ở lại Nha Trang lại không có người thân. Lắm lúc nghĩ thật là buồn!
Quanh mình toàn cảnh khổ !

Số tôi, thầy số nào cũng bảo rằng “tịch dương vô hạn hảo”, thế mà sao lại chưa gì mà đã thoáng bóng hoàng hôn?! Nhưng mặc.

Tịch dương dù nhạt vàng son
Hoàng hôn tiếp bóng trăng tròn lo chi
Có lo cũng chẳng được gì
Đời còn vui được ta thì cứ vui
Một mai ba tấc đất vùi
Trần gian để lại nụ cười cho hoa

Vâng lời anh, tôi đã bỏ đoạn đầu cùng những câu vô ích trong bài “Bốn đêm thượng nguyên” và sửa những chữ chưa được sướng lại rồi. Có anh, tôi yên tâm giữ lại bài ấy.
Tạ Linh Nha không phải miêu duệ Tạ Linh Vận vì tiền nhân vốn lót chữ “Công”, chữ “Linh” mới dùng trong đời anh ấy. Anh ấy là cháu gọi Tạ Tương bằng chú. Hôm đầu năm, anh Nha bị té xe đạp gẫy tay. Băng bó đến nay mới tháo bột. Nhè bị thương tay mặt, nên viết lách trở nên khó khăn. Tội nghiệp quá!

Tôi đã tưởng sắp được Nam du trong mùa xuân này... Vốn Ban Hán Nôm muốn mua một số tuồng cổ của tôi. Giá cũ đã yên thì đùng một cái Ủy ban Khoa học Xã hội có lệnh đình chỉ việc “chi tiêu không cấp bách” nên Ban Hán Nôm phải hoãn việc mua tuồng. Rõ là “vạn sự giai do tiền định”. Nhưng hết xuân này còn xuân khác, hết xuân còn thu với hoa vàng, hạ với hoa ngâu, hoa sen... lo gì.

Chúc anh dồi dào sức khỏe.

Kính thăm chị.

Khi nào gặp Đông Xuyên, Giản Chi, Đào Duy Anh xin cho tôi gởi lời thăm.

-o0o-


Nha Trang, ngày 27-4-1979

Kính anh

Nghe anh Giản Chi nói anh sẽ về Long Xuyên thỉnh thoảng mới xuống Sài Gòn, lòng tôi cảm thấy buồn. Có dịp vào Nam, không thể lên Long Xuyên thăm anh thì như không vào! Nay lại càng buồn thêm vì tôi được chính quyền địa phương cho biết là ở trong diện đi vùng kinh tế mới. Cháu Giao đã có giấy đi rồi. Nó không có tên trong hộ tôi, vì chưa phục quyền công dân, nên nó đi phần nó, tôi đi phần tôi. Già trên 70 với bà vợ đau nhiều hơn mạnh, già nhiều hơn tuổi, mà đi sản xuất thì kể cũng vui vui. Tôi đã làm đơn khiếu nại, và bình tĩnh chờ kết quả.

Ông Đào Duy Anh còn ở Sài Gòn chăng? Không biết Đào quân đã được tin ông Tế bạn ông ấy ở Nha Trang, qua đời chưa? Ông Tế đi qua thế giới mới không biết có vui hơn tôi đi kinh tế mới chăng?

Tôi có làng Trường Định (1) và làng Phú Phong (2), lại có làng Thuận Nghĩa (3) là ba nơi có bà con anh em, là nơi tôi đã sống nhiều năm, là nơi tôi thương yêu như Nha Trang, nhưng tôi không về đó được vì hiện thời người ở đó còn phải đi kinh tế mới, thì ai cho mình nhập hộ. Vậy nếu Ủy ban Nhân dân thành phố Nha Trang không cho tôi ở lại Nha Trang, thì Nhiễu Giang (4), cách Nha Trang 180km, là quê hương cuối cùng của tôi. Đến đó thì như vào Đào Nguyên. Anh hay Chức Thành có nhớ tìm thăm thì phải đến Vũ Lăng hỏi mượn thuyền của chàng ngư phủ, nếu chàng ấy còn sống và còn được ở Vũ Lăng thì có kết quả tốt, đến Đào Nguyên được...

Đối với bài Bốn đêm thượng nguyên anh Giản Chi cũng đồng ý với anh. Tôi đã sửa bài ấy lại theo lời chỉ giáo của hai anh.

Hôm tháng trước tưởng được đi thăm anh với Chức Thành, vì Ban Hán Nôm hỏi mua mấy tuồng hát cổ của tôi... Hy vọng đương tràn trề thì được thư Hà Nội cho biết là Ủy ban Khoa học Xã hội ra lệnh đình chỉ sự chi tiêu không cấp thiết... Chức Thành lại bị đau thình lình rồi bị mất trộm... Thành phải tạm đình cuộc Nam du... Rõ là “mưu sự tại nhân thành sự tại tiền”.

Vừa rồi có mấy câu:
Lo buồn nghĩ chẳng ích chi
Đời còn vui được ta thì cứ vui
Một mai ba tấc đất vùi
Trần gian để lại nụ cười cho hoa

Chúc anh an hảo. Kính lời thăm chị.

(1) là quê mẹ và nơi tôi sanh và sống từ nhỏ đến lớn
(2) là quê nhà tôi, và tôi đã sống sau khi rời Trường Định (1929) song thân tôi mất cả ở đó, không nơi nương tựa.
(3) Quê cha tôi, chỉ mỗi năm vài ngày trong lúc giỗ chạp chứ không sống ở đó.
(4) Vùng kinh tế mới của Nha Trang, cách Nha Trang 180km. Giao sẽ lên đó (có lệnh rồi).

-o0o-


Sài Gòn, 03-5-1979

Kính Anh,

Mới được thư anh đây.
Sao có thể như vậy được, hở Trời!  Anh chị bảy chục tuổi cả rồi, hết tuổi lao động từ lâu rồi; anh chẳng những không phản động mà còn đương giúp Viện Khoa học Xã hội nữa. mà bắt anh đi kinh tế mới để sản xuất.

Anh khiếu nại thì nhất định người ta phải xét lại. Tôi mong tin của anh.
Đào Duy Anh hiện ở Sài Gòn. Ông ta di tản trước vô đây, đương tìm nhà để cho vợ và một đứa cháu nội mồ côi mẹ vô ở. Chính quyền cho ông ta ở đỡ tại khách sạn Bến Nghé (Embassy cũ) đường Nguyễn Trung Trực, phòng 204. Ông ấy lại thăm tôi có hỏi tin tức anh.

Anh viết thư ngay cho ông ta đi, xem ông ta có góp ý gì được với anh không?
Vâng, tôi đương đợi có người để nhờ họ ở và coi nhà giùm. Năm nay tôi vẫn còn giữ hộ khẩu Sài Gòn. Cuối năm mới về ở hẳn Long Xuyên.
Khoảng một tháng nữa tôi sẽ về dưới đó 1 hay 2 tháng thăm dò trước.
Buồn quá! Kính thăm anh chị.

Tái bút: Cùng với thư này, tôi cũng gởi thư cho Đào Duy Anh. Châu Hải Kỳ lúc này ra sao? Anh cho tôi gởi lời thăm cô C.T.

-o0o-


Nha Trang, 31-5-79

Kính anh

Thư đề ngày 03-5, nay 31-5 mới đến. Dù lạc quan đến đâu cũng phải thở dài!!
Công việc của tôi đã tạm yên.
Tạm thôi vì ở đời có gì chắc chắn.

Hiện thời, tâm hồn cũng như thể xác của tôi chẳng khác một cây bàng cỗi vừa trải qua cơn bão táp! Trước đây tôi “nhìn” thấy tôi thường có nụ cười trên môi, nụ cười “khá tươi”, nụ cười làm cho vẻ mặt bớt già và bớt “dễ ghét”. Nhưng nay, gắn gượng cười song càng cười mặt mũi lại càng “khó coi”! Không dám soi gương, song vẫn đoán biết là da mặt nhăn, đôi mắt sâu, đôi má tóp. Thế mới biết tuổi già, khí huyết suy, tinh thần xuống!!
Trên 70 tuổi gặp một việc “ngoài sức tưởng tượng”! Thật là “cổ lai hy”! Và việc này làm cho câu tục ngữ “bảy mươi chưa què chớ khoe mình lành” gia tăng giá trị.

Tôi có nhiều bạn có thế lực. Nhưng tôi không cầu cứu vì biết rằng dù có cầu, họ cũng chẳng cứu, cũng chẳng muốn cứu, cũng chẳng cứu được nào nếu như “thiên thư đã định phận”. May “trời xanh còn ngó xuống” nên tôi được còn ung dung ngồi viết thư cho anh đây.

Giao đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Nhiễu Giang (cách Nha Trang 180km) hôm 08-5. Nghỉ hè vợ con nó mới lên sau. Vợ chồng tôi sống với mẹ con con Cúc (con gái út). Nhờ nhà ở sát chợ nên bớt quạnh hiu.

Để giải buồn, C.T rủ tôi đi Sài Gòn chơi ít hôm. Tôi đã nhận lời, và đương lo xin giấy thông hành. Không biết xin có được chăng? Nếu được thì chúng tôi gặp anh vào trung tuần tháng 6-79 này...

Tôi vẫn còn cộng tác cùng ban Hán Nôm Hà Nội. Tôi đóng góp vào bộ “Từ điển thư tịch Hán Nôm” và tập “Văn thơ, tài liệu phản ảnh một giai đoạn cách mạng do Đảng và bác Hồ lãnh đạo”, lâu nay đã khá nhiều (đối với tuổi già và hoàn cảnh khó khăn của tôi). Chính là nhờ sự đóng góp này mà tôi được ở lại Nha Trang đặng tiếp tục phục vụ...
Hơn tháng nay không viết được gì cả. Hôm nay mới đem máy đánh chữ ra thay ruban... Ngày mai sẽ bắt đầu làm việc.
Phải làm việc nhiều để quên buồn.
Phải nhờ nhiều đến văn chương để lấy lại trạng thái bình thản của ngày xưa.

Châu Hải Kỳ vẫn thường, thỉnh thoảng tôi mới gặp. Hai vợ chồng đều làm việc công nên không đến nỗi thiếu thốn nhiều.
Chắc Nguyễn Văn Xung đã đến gặp anh rồi? Anh Giản Chi chắc cũng được Xung cho biết việc “hi hữu” của tôi? Ở đời chỉ đám người thất thế, đám người không quyền bính trong tay, mới biết thương nhau.
Đáng thương thật!

Chúc anh an hảo.

Kính lời thăm chị.

-o0o-



Nha Trang, 12-7-79

Kính anh

Châu Hải Kỳ cho biết rằng anh đã về Long Xuyên. Tuy vậy hôm 16-6-79 vào Sài Gòn, C.T và tôi vẫn ghé nơi biệt thự Kỳ Đồng! Chúng tôi đứng ngắm mấy khóm hoa mấy khóm cây tươi xanh sau cơn mưa đêm... C.T ra về với mấy nhánh hoa trắng mới nở (hoa tí tí, thơm nhẹ, không biết tên). Vào Sài Gòn, thiếu anh, chúng tôi cảm thấy nhạt nhạt. Vì vậy, sau khi mua sắm đôi món đồ (phần nhiều là thuốc) rồi trở về Trung, chớ không đi thăm ai cả.

Đi chuyến này vất vả quá! Khi vào xe hỏa bị nằm đường, vào đến Bình Triệu lối 3 giờ sáng. Không quán trọ, không xe vào Sài Gòn, chúng tôi phải ngồi nơi hè đợi sáng. Khi về lại phải ngủ ở Bình Triệu một đêm để sáng sớm sắp hàng mua vé! Khổ thì khổ nhưng không buồn vì có người nói chuyện. Tôi đưa C.T về đến Qui Nhơn, ở chơi ba hôm rồi mới trở vào Nha Trang. Kể cũng “phong lưu”.

Ra Qui Nhơn tình cờ được bổn tuồng Vạn Bửu Trình Tường (hồi 39, 41,42, tất cả 108. Bổn tuồng Liệu Đố của Nguyễn Diêu (thầy học Đào Tấn)). Mấy hôm nay lo chép lại để trả bản cũ cho chủ nhân. Chép vừa xong hôm qua. Nay ngồi không, chạnh nhớ Sài Gòn và Qui Nhơn...

Về Long Xuyên thở “khí hậu tỉnh nhỏ”, anh có khoẻ thêm phần nào chăng? Nghe Châu Hải Kỳ nói rằng anh có người cháu gái ở Pháp về xin phép mang tất cả sự nghiệp văn chương của anh sang Pháp, tôi mừng quá! Thế là anh khỏi phải lo “văn chương vô mệnh” rồi đó. Song đó là những tác phẩm đã xuất bản. Còn những số bản thảo còn “ở nhà với cha mẹ”? Anh còn ít ra cũng mươi bộ chưa in? Đối với con tinh thần cũng như con “vật chất”, cha mẹ chỉ lo cho lũ con chưa nên gia nên thất: “mình chết rồi, chúng sẽ ra sao?”.

Ngày xưa không con thì buồn cảnh tuyệt tự, ngày nay không con chắc chết yên vui như đi du lịch. “trở bàn tay lại có thua không”. Nghĩ đến, cố nén mấy cũng buồn...Tôi nhận thấy tinh thần tôi còn “chẵn hẵm” lắm, còn có thể sáng tác được... Trong khi chép lại tuồng cổ, khi gặp những đoạn những câu không được ổn (do kẻ chép lại sai) tôi sửa lại thấy “đáng khen” lắm. Tôi muốn viết tiếp tập hồi ký Bóng Ngày Qua còn bỏ dở, song tôi không hiểu tại sao đã bao nhiêu lần rồi vẫn không thể thực hiện được ý muốn! Chép tuồng hát, viết tuồng hát tôi thấy vui vui. Song toan viết gì về mình, về thơ, tôi lại thấy buồn, một mối buồn nhẹ song cứ thấm mãi thấm mãi. Do đó tập “Thi Pháp” viết được mấy trang rồi bỏ đó...Có lắm khi muốn đem ra xem lại, song lòng lại thấy “”ngại ngại” không dám lấy ra!

Nhà tôi mạnh khoẻ được mấy tháng liền. Vừa rồi lại ra máu trở lại! Phải điều trị mất ít ra cũng vài mươi hôm mới đi đứng như thường được.

Cháu Giao lên Nhiễu Giang chưa đầy hai tháng mà đã trở thành một nông dân 100%. Nó về thăm, tôi ngỡ là một đồng bào vùng Nghệ Tịnh thời Trịnh Nguyễn phân tranh, đến thăm. Vợ con nó còn ở với tôi. Kiều có câu “Đường xa nghĩ nỗi sau này...”. Cầu trời thương.

Chúc anh chị an hảo.

-o0o-


Long Xuyên, 20-7-79

Kính anh

Vợ chồng tôi về đây từ 04-6 (đầu tháng 8 mới trở lên Sài Gòn). Thư 31-5 của anh, 05-6 tới Sài Gòn, nhưng người nhà mới chuyển về đây hôm 20-7 nên hồi âm anh trễ.
Khiếp thật: 28 ngày từ Nha Trang vô Sài Gòn; 15 ngày từ Bến Tre lên Sài Gòn (thư của một bạn tôi). Hết tính toán gì được nữa.

Hôm 03-5 tôi gửi thư cho anh, trong lòng tin chắc rằng thế nào vụ đó cũng yên. Trung tuần tháng 6, Châu Hải Kỳ cho tôi hay yên rồi, tôi mừng, nay được thư anh xác nhận. Anh có thể ngâm lại câu: tà dương vô hạn hảo.

Trung tuần tháng 6, anh và cô C.T có vô Sài Gòn đấy không? Nếu vô thì không gặp tôi, đáng tiếc. Lại biết bao giờ mới vô được nữa. Thời này đi lại khó khăn vô cùng.

Anh Xung có lại thăm tôi vào khoảng 10-5, cho hay tin anh, tôi bảo: "Tôi cũng đã được tin đó, đã viết cho anh Quách Tấn, đồng thời viết cho Đào Duy Anh chỉ cho hay tin, và cho địa chỉ của anh, để tùy ý Đào Duy Anh có muốn giúp và có thể giúp được thì giúp, chứ nếu nhờ ông ta thì có thể làm ông ta khó xử”. Anh Xung bảo tôi xử sự như vậy là phải. Cuối tháng 5, Đào Duy Anh gặp Lê Ngộ Châu (Bách Khoa) trách tôi tại sao chỉ cho hay tin mà không bảo ông ta can thiệp cho, và còn nói thêm câu này nữa: “Người trong này vô tình như vậy ư?”. Rốt cuộc ông ta có giúp được gì không?

Lê Ngộ Châu kể lại cho tôi nghe, tôi chỉ mỉm cười. Con người đó thế mà không tế nhị, và có tính hay trách người này người khác. Thôi mặc họ.

Giản Chi cho tôi hay, cũng được Xung cho hay tin anh và đã viết thư cho anh, anh nhận được chưa?
Cổ nhân có câu:
Vị quy tam xích thổ, nan bảo bách niên thân
Kí quy ............................................. phần

Từ xửa từ xưa đã như vậy rồi, anh cứ lấy lại sự bình tĩnh nhờ văn thơ đi, thì sức khoẻ anh sẽ như thường mà nét mặt anh lại có duyên, đừng lo. Cái duyên của người già như mình ở chỗ bình tĩnh, khoáng đạt, chứ đâu ở nước da hồng hào, nhăn nheo!

Tôi về đây, mương bên cạnh vẫn đầy nước, đàn vịt trước thịt rồi, bán rồi thì lại có đàn vịt hàng xóm, nhưng bèo cám không vàng như hồi Tết mà ngả xanh như lá chuối, kém đẹp. Những tuần mưa rả rích, buồn lắm.

Anh cho tôi biết cậu Giao có thích ứng được với đời sống trên đó không? Vợ con lên chưa? Khí hậu tốt không? Làm ăn được không, đủ sống không?

Chúc anh chị vui mạnh.. Chị gần đây không đau gì chứ?
À, Nguyễn Mộng Giác bảo nhà anh là địa điểm tốt nhất (?)ở Nha Trang, có lẽ vì vậy chăng?...

Kính                                                                                                                                                  
-o0o-


                                               
Long Xuyên, 27-7-79

Kính anh,

Anh đã nhận được thư trước của tôi gửi ở đây (Long Xuyên) cách mươi bữa, nửa tháng rồi chứ? Trong thư tôi ngại anh và cô C.T vô Sài Gòn, lại chơi tôi mà không gặp. Thật không sao ngờ được rằng biết tôi đi vắng mà vẫn tới. Tôi hơi xúc động - nhớ người và nhớ cảnh - chỉ có tâm hồn thơ mới vậy. Mà như vậy thì tà dương ở đâu mà chẳng vô hạn hảo.

Uổng quá giá tôi ở trên đó thì tôi sẽ rủ anh đi thăm Giản Chi, Mộng Tuyết v.v... Ở chơi lại ít ngày cho bỏ công từ ngoài đó vô nghỉ đêm ở Bình Triệu.

Anh và cô C.T có nhận thấy cây vườn tôi đã thay đỏi không? Cây lilas (đuôi chồn) ở ngay cổng, có bông thơm và bướm ong thích tới đấy, mới trốc rễ mấy tháng trước trong một cơn dông. Uổng quá. Tôi sắp về ở hẳn đây, nên không muốn trồng lại nữa.

Thứ hoa mà cô C.T hái đó, tôi đoán là hoa Mai Chiếu Thuỷ. Nó đâm ra từng chùm nhỏ 4-5 cái một, mỗi cái có 5 cánh trắng, có đặc điểm này là luôn luôn rủ xuống,  mà loài đó thích nước, cho nên người ta gọi nó là mai (5 cánh trắng như mai) chiếu thủy. Có hoa quanh năm, thơm, lá cũng thanh, cành rất dể uốn thành con rồng con phượng. Ở trong Nam này rất nhiều. Ngoài đó chắc trồng được. Rất dễ trồng. Nó gần như không cần đất, chỉ cần nước thôi. Có người trồng nó vào hòn non bộ mà nó vẫn sống, đâm bông. Tôi quý những thứ dễ trồng mà thơm như vậy, còn thứ orchidée Nhất Linh mê thì tôi ngại lắm, mấy lần bạn cho mà tôi không gây được, vì ở Sài Gòn phải có hormone végetal cho nó, nó mới sống. Thứ hormone đó phải mua ở ngoại quốc. Ở Đà Lạt thì không cần hormone cho nó.

Về đây, chẳng khoẻ chút nào, anh ạ. Khí hậu nghĩa đen không tốt gì hơn Sài Gòn, và nhà tôi ở một đại lộ, xe cộ qua lại nhiều, không tĩnh như nhà ở Sài Gòn. Chỉ được khu vườn rộng hơn, có gà, có vịt; nhưng khách khứa lại đông hơn vì nhà tôi nhiều bà con, họ hàng, học trò lắm; mà nhà lại không có lầu cho tôi trốn khách như ở Sài Gòn. Còn về nghĩa bóng thì tệ hơn Sài Gòn nữa.

Vâng, tôi rất mừng là đứa cháu tôi đem đi được một số tác phẩm của tôi. Gởi đường biển nay chắc chưa tới. Còn bản thảo của tôi, non 20, thì vô phương gởi đi được. Chẳng biết nhờ ai giữ giùm cho. Chết rồi thì mọi sự đều hết. Nghĩ tới làm quái gì.

Nghĩ: thời thay đổi, tâm trạng mình cũng thay đổi mau quá. Tôi chưa có đứa cháu nội trai nào, con tôi đã ly dị mà cũng không muốn tục huyền. Tôi chẳng buồn. Cái việc có con cháu nối dõi không thành vấn đề nữa: thật là đại bất hiếu, phải không anh? Tôi tính chết thì hỏa thiêu, cho con cháu đỡ phải đi thăm mộ: giỗ các cụ, tôi còn sống thì còn cúng, chết rồi thì thôi, chẳng ai cúng tôi, tôi cũng chẳng buồn. Sa đọa quá rồi?

Anh thích tuồng thì cứ nghiên cứu tuồng. Hồi kí không thích thì thôi, đừng viết làm chi cho tội thân.

Bệnh chị cứ trở đi trở lại hoài như vậy, tội quá! Mừng cho cậu Giao thích ứng được với hoàn cảnh mới, nhưng làm ruộng có đủ sống cho cả gia đình không? Và con cái ở đó học hành sao được? Cô C.T hết bệnh chưa? Làm ăn có khá không? Có thêm bài thơ nào không? Anh cho tôi gởi lời thăm cô ấy. Biết bao giờ mới lại được gặp?

Chiều nay trời âm u. Buồn quá!

Anh hỏi thăm ai ở Qui Nhơn giùm tôi: có biết Mịch La Phong, đường Nguyễn Huệ, từ năm 1975 tới nay làm gì? Ở đâu? Trước 75 dạy học thì phải.

Ngày 01 tháng 8 tôi lên Sài Gòn

Kính.

-o0o-



Nha Trang, ngày

Kính anh

Nhận được thư Long Xuyên của anh rồi. Chuyến này thư đến mau lắm. Đi 2 chặng đường mà chỉ mất 15 hôm.

Tôi đã gởi về Long Xuyên cho anh một bức thư sau chuyến “Sài Gòn du” vào trung tuần 6/79. Chắc anh đã nhận được.

Vào Sài Gòn không gặp anh, thật buồn, mặc dù đã biết trước là anh đã đi Long Xuyên. Song buồn mà thú: được sống trong tưởng tượng trong nhớ nhung, khi đứng nhìn những cây kiểng nơi sân biệt thự Lộc Đình... Ngày xuân còn trở lại, tôi chắc còn nhiều bận du xuân...

Giao ở Nhiễu Giang mới về thăm ít hôm rồi lên trở lại. Không biết có nên cho vợ, con nó theo lên đó chăng? Ở với tôi hay lên đó đều gặp phải khó khăn. Ở với tôi lấy gì sống, lên đó làm sao sống trong khi đất mới vỡ, trời chưa mưa, mùa chưa làm được ?! Âu là tới đâu hay tới đó...

Lo buồn cũng chẳng ích chi
Đời còn vui được ta thì cứ vui
Một mai ba tấc đất vùi
Trần gian để lại nụ cười cho hoa.

Để mua vui, tôi xin tả cảnh Nhiễu Giang cho anh nghe.

Gọi là Nhiễu Giang là vì nơi đó có 3 sông bao quanh, trong có có sông Hinh cá nhiều có tiếng ở Phú Yên, có câu tục ngữ “Cọp núi Lá, cá sông Hinh”. Truyền rằng người địa phương muốn ăn cá thì đem một lò lửa và một chảo nước ra để giữa sân rồi gọi “cá bớ cá, hãy nhảy vào đây, cho đầy chảo nước”. Vừa dứt tiếng thì cá đua nhau mà nhảy vào chảo cho đến lúc đầy mới thôi. Nhiễu Giang cách sông Hinh hơi xa nên cá nhảy khó tới nơi. Bởi vậy Giao thỉnh thoảng phải về Nha Trang mua cá khô lên ăn. Còn mùa thì chưa biết đất xấu ra sao vì đợi có mưa mới gieo vãi được... Bây giờ cứ tin tưởng rằng ngày mai sẽ tung hoành và gắng sức cuốc, cào, đào, xới... Tấc đất tấc vàng... Lo gì...

Về việc tôi, anh “chỉ tin chứ không nhờ” là phải. Tôi đối với Chế Lan Viên và Quách Tạo (em ruột), Nguyễn Việt (em vợ) cũng thế. “Tin” để khỏi bị trách “nhờ” chả ích gì.
Riêng nói về ông Đào.

Ông ấy nhìn bên ngoài thì “Văn”. Song xét kỹ bên trong thì lại “chất”. Chỉ tiếc là “văn chất không bân bân”, vì nhiều khi lòng tự phụ tự đắc hiện ra ngoài quá rõ!

Một ông bạn ở Sài Gòn vừa viết thư kể cho tôi biết một câu chuyện vui vui: Nhân nói chung về thơ chữ Hán của Nguyễn Du, ông bạn đề cập đến Tố Như Thi của tôi. Ông Đào vụt nói: “Tôi dịch thơ Nguyễn Du hay hơn Q.T”. Ông bạn hỏi: “Đã xuất bản chưa?” Đáp: “Đợi...”. Một ông bạn khác nói nhỏ cùng ông bạn kia: “Cần chi phải đợi, chỉ lật quyển Nguyễn Trãi thì biết tài dịch thơ của ông Đào”.

Mà để lộ lòng tự phụ, tự đắc quá rõ, tôi nhận thấy chẳng phải riêng nơi Đào quân. Hầu hết người ở miền Bắc vào đều thế... Nghĩ cũng vui vui...

Càng gặp được nhiều “người lớn”, càng thấy rõ “tầm vóc” của anh và càng yêu kính anh thêm. Chân, nếu không nhã được thì phác chứ đừng thô, phải không anh? Nhưng dù có thô đi nữa, mà chân là đã đáng quí rồi. Cho nên tôi luôn luôn quí mến ông Đào và từ trẻ đến già vẫn coi ông ta là “người lớn” (đại nhân).

Mương Long Xuyên của anh vẫn còn vịt tuy là vịt hàng xóm, còn bèo tuy bèo đã thay màu sắc; không biết hồ sen trong Đồng Tháp Mười của anh hoa trổ có còn nhiều như xưa? Sao tôi nhớ hồ sen đó quá.

Cảnh trước nhà tôi là cảnh “phồn hoa đô hội”. Nếu tôi là “Ba Tàu” thực thụ thì hiện giờ có trong tay cũng được vài trăm lượng vàng là ít. Rất tiếc.

“Chừ đây mới biết vàng là quí
Năm ngoái còn mua sách để dành!”

Còn nhà tôi thì cứ mạnh được nửa tháng, vài mươi ngày rồi đau năm mười ngày mới ngồi dậy nổi. Tôi lúc này đi đã hết thẳng lưng và thơ không muốn tới thăm thường:
Lòng buồn tả chẳng nên thơ
Nửa vừng trăng xế lửng lơ trước thềm
Cỏ ao thơm thoảng gió rèm
Mong nương cánh mộng đi tìm Huệ Liên

Chúc anh vạn an

Kính thăm chị

-o0o-



Nha Trang, 10-8-79

Kính anh

Viết xong bức thư kia, chợt nhớ đến hai bài thơ của anh Lãng Nhân.
Lãng Nhân họa hai bài thơ của tôi, bài “Giọt Lệ Tiên Điền Khóc Tiểu Thanh” và bài “Mấy Chục Năm Qua Bút Chạm Lòng”. Lãng Nhân không gởi thẳng cho tôi mà gởi cho Nguyễn Văn Xung. Xung trao lại cho tôi hôm tháng Juin, lúc tôi vào Sài Gòn.

Hai bài xướng ở trong Cánh Chim Thu (2 bài gần chót tập). Xin chép 2 bài họa:

1.
Mành liễu lơ thơ hội đạp thanh
Hải đường lả ngọn khéo trêu mình
Ào ào trận gió rung lê trắng
Ngơ ngác hài văn sững dặm xanh
Càng dập càng nồng tâm khó diệt
Còn non còn nước chí mong thành
Lẽ nào bạc mệnh lời chung nhĩ
Thục Đế hồn xưa giục khắc canh

2.
Cát lầm từng hứa chẳng vương lòng
Đáy nước gương thiềm có có không
Giặt khố mặc ai cười cậu chủ
Vây màn mấy kẻ biết cô Dung
Lưng vòm dì gió chưa ngừng cuốn
Miệng túi nàng thơ há chịu phong
Hí lộng chẳng qua trò trẻ tạo
Tự nhiên nằm khểnh mé sông Hồng

Có lẽ Lãng Nhân chỉ mượn vận bài tôi để làm thơ nói tâm sự chớ không phải họa vận bài tôi. Vì ý tứ trong 2 bài tôi và 2 bài này không có chút liên lạc. Rõ là “hành vân” và ”lưu thủy”. Có lẽ vậy, cũng như P.V.Thị dùng vận bài “Từ Thứ Qui Tào” của Tôn Thọ Tường để làm bài “Vịnh Hát Bội”, tá vận chớ không lẽ Lãng Nhân không theo phép họa vận của cổ nhân đặt ra, mà trừ các nhà thơ mới, thơ tự do ra, người họa thơ đều phải tuân hành nếu muốn khỏi mang tiếng “bất nhập cách”. Tôi đoán chắc là Phùng quân mượn vận bài tôi để gởi cho tôi chút lòng. Nhưng sao Lãng Nhân không “nhân lòng nơi lòng” để cho “sắt cầm hòa nhịp” chẳng thú hơn là “kẻ hát Bắc người hát Nam” sao? Trông có ngày gặp để hỏi thử.

Xin nói thêm chuyện nữa, cũng chuyện thơ.
Có một ông (tôi quên mất tên dù ông ấy đã tự giới thiệu) ở xa đến Nha Trang, tìm nhà ở của tôi đến cả tuần mới gặp. Ông ấy tìm gặp tôi vì có đọc đôi bài thơ trong Xứ Trầm Hương thấy “khá lắm”. Lần đầu ông ta đọc cho tôi nghe một số thơ của ông ta, rồi hỏi ý  kiến tôi. Không biết nói sao cho ổn, tôi phải dùng “quà” ông ấy tặng tôi đem tặng lại ông ấy “khá lắm”. Không thấy tôi nói gì thêm, ông ấy cáo từ và hẹn lần sau. Lần sau ông ấy đến với 1 tập thơ dịch thơ Nguyễn Trãi. Ông ấy dịch lại những bài Đào Duy Anh đã dịch. Ông ấy đọc cho tôi nghe và bảo tôi so sánh. Tôi không chịu nổi, sắp đứng dậy xin lỗi “mắc chút việc phải đi gấp” thì có khách đến “cứu nạn”. Ông ấy vội từ biệt và ơn trời hơn 10 ngày rồi không thấy trở lại. Ở đời có gì làm khổ lỗ tai bằng:
1. Nghe thơ dở.
2. Nghe ống loa đài phát thanh.
3. Nghe đàn bà ré.

Lúc này mà còn người ham thơ! Lại ham thơ Đường luật! Có lẽ đời hết việc chơi rồi rao? Từ lâu thơ Đường Luật đã trở thành “vật tiêu khiển” của một số người “mần thơ”! Thật trái ngược những người làm thơ không hay lại hay làm thơ; còn có nhiều người làm thơ hay, lúc này đầu tắt mặt tối về miếng ăn của gia đình, mà đành phải tạm biệt nàng thơ như C.T là một!

Giản Chi và Đông Xuyên có được mạnh khỏe chăng? Có thường đến với anh chăng? Ở gần nhau mà ít nói chuyện kháo với nhau thì giỏi thật. Bạn thân cũng như tình thân, thấy mặt nhau là một cái thú.

-o0o-



Nha Trang, 16-8-79

Kính anh

Nhận được bức thư anh gởi từ Long Xuyên ngày 27-7-79, sau 12 hôm “đường sá”. Về bức thư thứ nhất, tôi đã hồi âm cách đây chừng mươi hôm, gởi về Sài Gòn. Chắc là đã đến rồi. Nếu chưa đến thì sẽ đến hoặc không bao giờ đến...

Châu Hải Kỳ có cho tôi xem thư anh gởi cho Kỳ. Chắc anh ấy đã “trả lý” rồi. Tuy vậy cũng xin bàn nhỏ với anh đôi điểm về thực phẩm cho vui: Ở Nha Trang ai nấy đều thèm xoài cát Nam Bộ. Thèm vì rẻ. Ở Long Xuyên, 1 đồng 1 quả mà anh đã “thất kinh”. Nếu anh “có gan” tráng miệng 1 lần... Nói vậy để anh biết giá sanh hoạt ở vùng “cát trắng dương xanh” này cho đỡ buồn.

Anh có quen Mịch La Phong? Chắc chỉ quen trên thư từ. Thi Vũ cũng chỉ quen trên thư từ và trước ngày “Bắc Nam sum họp một nhà”, Vũ có nhờ tôi hỏi thăm tin tức người ấy. Tôi về Qui Nhơn tìm theo địa chỉ Thi Vũ cho tìm không gặp. Ít người biết “danh hiệu” ấy. Ông ấy tên là Phan Phương Phi, một giáo sư cấp 2, tuổi thì 40 đến 50 là cùng. Tôi chỉ gặp một lần, gặp tại nhà Vũ Phan Long. Gặp một lần vào dịp Tết 1973 hay 1974, do Vũ Phan Long giới thiệu, gặp một lần “tởn đến già”. Tôi đã cho Thi Vũ biết, bây giờ tin lại cho anh biết như thế. Năm 1976 về Qui Nhơn, không biết về việc gì, tôi nghe Long nói là ông ấy bị bắt và học tập. Từ ấy đến nay, tôi không biết thêm được gì nữa.

Từ hôm đi Sài Gòn về đến nay, tôi sanh lười. Không muốn viết lách chi nữa cả. Còn một số tài liệu nữa đã đăng ký nơi Ban Hán Nôm, mà cứ hẹn rày hẹn mai mãi... Đọc sách không thấy thú, nghĩ thơ không ra lời, đi chơi không có chỗ. Nằm buồn không có khách. Khách đến chỉ nói về thời sự... ăn cơm ghé độn rau đã thấy ngán mà còn “ăn” mớ thời sự “xác mì” đó nữa,  thì chỉ có “tịch cốc tàng liêu” thì tâm hồn mới thanh thản nổi!

Anh định về ở hẳn Long Xuyên?
Mong sao nay mai đây, xe cộ được dễ dàng để có lúc nhớ nhau mới có thể đến với nhau được.

Anh nói chuyện “hỏa thiêu”, tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng ở Sài Gòn có lò điện thì dễ thực hiện, chớ ở Nha Trang phải làm “giàn hỏa” tốn kém hơn chôn, lại sợ chánh quyền không cho phép. Chớ chết rồi “hỏa thiêu” là tiện nhất. Chớ chôn dưới đất bị dòi rúc hằng ngày nhột e phải chết lần nữa...Không ai chôn...

Chết có lẽ buồn anh nhỉ? Nếu chết rồi mà còn hồn để đi về thăm bà con bạn bè e thích lắm. Mình thấy họ mà họ không thấy mình. Họ nói gì mình nghe nấy, họ làm gì mình thấy nấy... Nghĩ cũng vui... Vui nếu những ngôn ngữ, những hành động kia hợp với mình... Chớ nếu trái với mình thì bực bội lắm... cho nên “chết là hết”, tưởng hay hơn hết phải chăng anh?

Còn về “trung” và “hiếu” hiện thời chẳng khác gì hai đứa mình (và một số người khác): không còn chỗ tựa! Những ý nghĩ của anh về “con cháu nối dõi” là ý nghĩ chung của một số người hiện đại. Nối dõi để làm gì? Nghĩ đến “để làm gì”, tôi hết lo đến sự còn mất của những bản thảo đương bị đồ ngư ăn lần trong bóng tối.

Chúc anh vạn an. Kính lời thăm bà chị.

(*) Gặp sau ngày Thi Vũ nhờ hỏi thăm tin tức. (Ông ấy có gởi cho Thi Vũ một bộ cờ bằng ngà. Tôi không biết do đâu mà Thi Vũ quen ông ấy).

-o0o-



Sài gòn ngày 18-8-79

Kính anh,

Tôi đã được thư 04-8 của anh. Vậy là thư của anh tôi đã nhận đủ mà cũng đã trả lời đủ nữa. Tôi nhớ đã trả lời bức thư anh viết sau chuyến Nam du vào trung tuần tháng 6-79, tôi có đoán cô C.T đã hái mấy bông mai Chiếu Thủy, thứ đó rất dễ trồng, lá thanh, hoa thơm, không biết ngoài đó có không. Thư hồi âm đó anh nhận được rồi chứ?

Cảnh của anh vất vả mà lòng anh vẫn cứ vui được, thơ anh vẫn tình tứ “trần gian để lại nụ cười cho hoa”. Có ai ngờ được không? Khác xa Đông Xuyên, Bàng Bá Lân. Đông Xuyên có giọng mỉa mai, chua chát. Bàng Bá Lân thì rầu rĩ mà có lúc hứng. Tâm hồn họ hiện rõ trong thơ mà cả trên nét mặt nữa. Mà tâm hồn ai chẳng hiện trên nét mặt? Anh xét mà coi, xét Châu Hải Kỳ và chính anh, có phải vậy không?

Tôi không biết cảnh vợ chồng cậu Giao ra sao, đông con không? Nhưng tôi thấy ở Sài Gòn này nhiều cô, chồng đi kinh tế mới, vợ ở lại với 4-5 đứa con, xoay xở vừa dạy học - 50đ một tháng, vừa may vá, đan, thêu... tiếp tế cho chồng được. Lên miền kinh tế mới, kiếm ăn không nổi đâu. Trong này quốc sách “kinh tế mới” tạm lắng nhiều rồi. Có miền vào mùa nắng, trồng trọt không được, người ta cho muốn đi đâu làm ăn thì đi, tới mùa mưa lại trở về làm tập thể.

Chuyện cá sông Hinh của anh khiến tôi nhớ trên 40 năm trước, hồi mới vào Nam. Hồi đó cả Nam Kỳ có độ 4 triệu người (theo sách địa dư), miền Hậu Giang cá thật là đầy sông. Nghe nói miền Hồng Ngự gần biên giới Cao Miên, có những con rạch, mùa nước rút (tháng Octobre), người ta lội xuống xúc cá linh từng thùng thiếc về làm mắm, làm dầu thắp, làm phân. Ngay ở thị xã Long Xuyên, sân nhà tôi ở bây giờ, khi nước ngập, thì cứ trên mỗi viên gạch là có hai ba con cá nhỏ bơi lội, coi vui mắt lắm. Bây giờ cá hiếm rồi, dân số Nam Kỳ chắc tăng lên gấp 4 là ít (16 triệu).

Thời xưa thật là no đủ, sung sướng. Tôi chỉ biết được cảnh đó trong 5 năm rồi thì thế chiến xảy ra và càng ngày kinh tế càng xuống.

Anh nói hầu hết các người miền Bắc đều tự phụ. Tôi nhớ cuối năm 1975, Thiếu Sơn (anh biết ông này không? Nay chết rồi) viết một bài ngắn trên báo Sài Gòn Giải Phóng, bảo muốn thống nhất đoàn kết thì người ngoài đó phải bớt mặc cảm tự tôn, mà người trong này phải bớt mặc cảm tự ti đi.

Đọc bài đó, tôi viết thư riêng cho ông ấy bảo: “Không biết họ có bớt tự tôn được chút nào không, chứ người trong này thì tôi thấy mặc cảm tự ti giảm nhiều lắm rồi”.
Ông ta không trả lời tôi, nhưng ít bữa sau ghé toà soạn Bách Khoa nói với Lê Ngộ Châu: “Anh Lê tuy không làm cách mạng, mà đáng quý hơn nhiều người làm cách mạng”.
Bây giờ (1979), tôi thấy không người Nam nào tự ti nữa, trái lại tự tôn nữa kia, họ thấy rằng người ngoài đó 99% chẳng cách mạng gì cả, kiến thức kém, tư cách tầm thường quá đỗi mà làm việc thì rất dở. Và đâm khinh họ.

Những đầm sen trong Đồng Tháp Mười tôi chắc vẫn còn nhiều. Những đầm đó thiên nhiên, không ai trồng, mà cánh đồng đó mấy năm nay khai phá được gì đâu. Củ sen ăn ngon lắm, ngoài anh có không?

Cũng may mà anh không phải là Ba Tàu thực thụ, không khai thác địa điểm, không có mấy trăm lượng vàng, nên bây giờ mới yên ổn, không như Khai Trí.

Ở Long Xuyên, bao nhiêu tiệm buôn lớn đều của Hoa kiều, nay đóng cửa hết ráo, và họ đi đâu không biết, không thấy họ ngoài đường nữa.

Giản Chi lúc này lo chạy gạo (mỗi người mỗi tháng chỉ được phát 1 kí, phải mua thêm 7đ một kí, mà nhà anh ấy 8 miệng ăn). Rên quá. Hỏi tôi mình đang ở quẻ Báo, Bao giờ mới sang quẻ Phục? Và cho hay đêm nằm, mơ mơ màng màng, nghĩ được mấy câu thơ, sáng dậy nhớ được vài câu:
Hạo kiếp thân này tro giả bụi
Thiên đường sắc nó đỏ hay đen

Chị mạnh chưa? Để anh vui.

-o0o-



Sài Gòn, 03-9-1979

Kính anh

Hôm nay mới trả lời thư 10-8-79 của anh, vì đau (thư tới ngày 21-8).
Số tử vi nhiều khi không tin được. Theo số tử vi thì năm ngoái tôi phải đau nhiều, năm nay khỏe mạnh, vậy mà ngược lại.
Hai tháng nay không lúc nào tôi mạnh luôn được một tuần. Chưa hết đau chân như trong một thư trước tôi đã nói thì vì phản ứng của một thư thuốc mới, tôi nổi mụn ở nửa mặt bên trái, nhức đầu cũng nửa bên trái; cũng chưa hết thì lại nhức răng hàm cũng bên trái. Óc như đặc lại, viết lách không được, đọc sách cũng không thích. Chỉ biết uống mấy thứ thuốc Nam cho mát gan, mát thận, xoa mặt, xoa đầu và thở (nội công). Nay mười phần bớt được tám.

Khổ nhất là trong khi đầu nhức mà không ngày nào không phải tiếp khách, hai ba giờ, có ngày 6 giờ, 8 giờ vì một ông em ở Hải Phòng vô công tác, lại thăm, ở chơi hai ngày.
Lại thêm: Vài bạn đem bản thảo mới viết xong lại nhờ đọc và cho ý kiến. Đọc một tháng rồi mới hết được một nửa. Có một ông đem bản thảo lại, đòi tôi đọc rồi cho ý kiến, rồi tự mở bản thảo ra, lựa những bài ông ta thích, tự phê bình (nghĩa là khen) cho tôi nghe cả giờ như vậy. Thế là tôi khỏi phải cho ý kiến.

Tôi phải đính chính: xoài cát ở đây, hỏi lại nhà tôi thì không phải 1đ một quả mà một ngàn đồng (tức 2đ mới) một quả, vậy Nha Trang chỉ đắt gấp hai thôi.
(Phải ngưng vì khách tới. Nói chuyện tào lao 1 giờ, mờ mắt, nhức đầu).

Tôi cũng biết bản thảo mình chết rồi thì 3 năm sau không còn. Nhưng cũng vẫn tìm người nào có học, biết thích nó để gởi họ giữ giùm. Chứ không nỡ đem con bỏ chợ.
Tôi nghĩ có lẽ tìm một độc giả trẻ thích nghiên cứu, để lại cho họ là hơn cả. Nhưng phải là người không có ý đi “kinh tế mới” mới được.

Vâng, tôi tính sang năm sẽ về ở hẳn Long Xuyên. Nhà dưới đó, vườn tuy rộng hơn ở đây nhưng lại ở ngay trên một đại lộ, xưa là đại lộ Gia Long, nay là đại lộ 26 tháng 3, xe cộ rầm rộ suốt ngày, nên không tĩnh bằng ở đây. Hai bên láng giềng lại thích vặn radio và tivi lớn tiếng, lắm lúc bực mình. Cũng may gần nhà không có cái loa nào cả. Khách khứa ra vào rất nhiều vì nhà tôi nhiều bà con, người quen lắm. Bạn văn tuyệt nhiên không có ai, chỉ có hai ông bạn già nói chuyện mưa nắng được thôi. Thật ra không tiện và vui bằng ở Sài Gòn. Nhưng đó là quê hương của nhà tôi, mà nhà tôi Tết này 72 tuổi rồi, muốn về ở hẳn dưới đó trước khi nhắm mắt. Dĩ nhiên tôi phải theo về.

Giá như trước kia, xe cộ nhiều, di chuyển dễ dàng, khỏi phải xin phép thì đi đi về về, ở dưới đó ít tháng, ở đây ít tháng, sướng hơn cả. Bây giờ thì ở đâu ở một chỗ thôi, vì vé xe phải mua chợ đen 20 - 30đ một lượt; ngồi xe 10 giờ mới tới chỗ (cách 180 cây số), mệt lắm.

Tôi đương kiếm người tin cậy được, nhờ ở tầng dưới nhà trên đây và coi giùm tầng lầu mà tôi còn giữ lại để làm pied à tesse. Kiếm chưa được, mà khi được rồi phải xin phép phường khóm, rồi lo chở một ít - một ít thôi- sách vở, đồ đạc. Cũng mệt lắm. Tôi bây giờ ngại việc quá, thấy cái gì cũng mệt. Chỉ còn một nguồn vui là ở trong một phòng thật tĩnh mịch, tối nằm xuống ngủ được liền, khỏi uống thuốc ngủ, và ngủ thẳng giấc được 6 giờ.
Hai bài thơ đó của anh Lãng Nhân không phải là họa, chỉ mượn vần, chính vì vậy mà không gởi thẳng cho anh. Nghe nói anh ấy cũng có chuyện buồn: muốn qua Pháp ở với con nhưng chị vợ sau và con ở bên đây (của ảnh và chị sau) cản trở, không đi được. Hai bài thơ đó tôi không hiểu anh ấy muốn ký thác cái gì.

Đông Xuyên mắt kém nhiều, còn mạnh. Giản Chi cũng mạnh nhưng buồn vì cậu con không biết làm gì lúc này. Tụi tôi nói chuyện với nhau bằng thư. Giản Chi có xe đạp, còn một tháng một lần đi thăm Đông Xuyên và tôi được. Đông Xuyên và tôi không đi xe được, chỉ nằm nhà thôi. Bàng Bá Lân thỉnh thoảng lại chơi. Anh đã gặp anh ấy lần nào chưa? Tôi ngại chỉ mươi năm nữa thôi, tình cảm con người trong này cũng sẽ khô cạn. Lúc đó không biết còn cái gì là đẹp nữa không.

Chị đã thực mạnh chưa? Bệnh của cô C.T còn phải coi lại nữa không?

Kính

-o0o-



Nha Trang, 16-9-79

Kính anh

Mấy hôm nay đi học tập về “Dự thảo hiến pháp”. Học 2 hôm rưỡi, ngày hai buổi đi đi vòng mỗi vòng trên hai cây số. Vì túi “nặng thơ không hay”, nên phải “do bộ hành tẩu”. Mỗi ngày ngồi 8 giờ đi 8 cây số, tuổi già như vậy cũng đáng khen lắm.
Hai hôm nay nằm nhà, không viết lách chi được, lòng buồn mênh mông và nhớ cũng mênh mông! Mong có khách đến. Nhưng khi nghe có tiếng mở then ngõ thì lại hơi lo phải tiếp những ông bạn mang bản thảo đến “nhờ xem và cho biết ý kiến” như trường hợp của anh vừa rồi! May khỏi vấp phải nạn ấy...

Tôi biết anh thường gặp nạn ấy hơn tôi. Tôi tránh né “giỏi” lắm. Tôi mới tránh được hai vụ: vụ một ông thầy tu nhờ “xem và phủ chính” tập Từ Thức viết “theo thể truyện Kiều”, một ông cử nhân Hán học dịch Chinh Phụ Ngâm “hay hơn Đoàn Thị Điểm”. Hai ông “tác thật” này tôi quen và biết rõ tâm tính nên nhận bản thảo rồi để đó. Vài tuần sau “tác thật” đến hỏi. Tôi đáp: “không còn chỗ để bút”. Có người nghe được câu phê bình đến hỏi tôi “văn hay lắm sao mà anh khen đến thế?”. Tôi cười: "Nếu muốn rõ giá trị thì nên mượn mà xem”. Đó là đối với những người lớn, trang lứa với tôi. Còn đối với các thanh niên mà mình biết là đem văn đi khoe, đi tìm tiếng khen để khoe cùng anh em “ông ấy thán phục”, thì “xin lỗi” mắt kém, sức yếu không “đáp ứng” được. Anh rộng lượng nên phải chịu cực.

Năm nay anh hay đau ốm hơn năm ngoái. Đến tuổi của bọn mình hễ bị đau bụng, nhức đầu, cảm sơ sơ... cũng đều xuống sức một cách dễ sợ. Tôi bị “lỏng dạ”, đi sông có hai ngày, mà má tóp, mắt sâu, đi bị hai ngày, tưởng là cholera (vì ở Nha trang đương có dịch tả)... nhưng không phải... nên “khỏi sao”.

Sang năm anh về ở hẳn Long Xuyên. Về đó chắc buồn hơn Sài Gòn. Còn ngôi nhà ở Sài Gòn, để đó không có chủ thì dù có người coi ngó cũng sẽ bị hư hao... Cho mướn, họ sẽ trả theo giá biểu nhà nước thì không đủ đóng thuế và sửa chữa... Mấy năm nay anh về Long Xuyên ít tháng, rồi xuống Sài Gòn ít tháng, anh không “thấy” nhớ nhà. Nay mai anh về ở hẳn Long Xuyên, anh sẽ “thấy” lòng nhớ nhà nó da diết làm sao! Khi chợ Đầm vừa cất xong (1973) có người muốn mua ngôi nhà tôi. Họ trả 10 triệu đồng và hứa mua dùm tôi một biệt thự ở Xóm Mới (cũng trong thị xã) giá 2 triệu, vườn rộng, nhà rộng và khang trang... Còn 8 triệu bỏ ngân hàng mỗi năm lợi 32%... Ai cũng xúi tôi bán vì được giá (Địa điểm thuận lợi cho việc mua bán...) Lòng tham đã cục cựa... song rồi lòng sợ nhớ nhà đè bẹp lòng tham... Anh nên“võ trang tư tưởng trước khi lên xe về ở luôn Long Xuyên... Kẻo không ngăn nổi lệ đó.

Té ra anh Lãng Nhân cũng có chỗ bất như ý. Và ngày xưa, câu “tại gia tùng phụ” nói về đàn bà ngày nay, câu ấy sửa chữ “phụ” để nói về bọn già lũ mình. Bọn mình mà không tùng “phụ”, không ai nấu cho ăn thì phải “tùng tử” thôi.

Anh và Đông Xuyên không biết đi xe đạp ư? Vậy mà lâu nay tôi cứ tưởng chỉ một mình tôi giữ độc quyền chứ! Tôi có tam vô:
Thuốc lá không biết hút
Xe đạp không biết đi.
Cờ bạc không biết đánh
Đời còn biết chi chi?

Hôm trước có chép cho anh xem câu “...tấc đất tấc vàng... thiên đàng là đây”. Có người bạn thân tôi trách tác giả là “nịnh thúi”. Tôi cười:
- Vàng ăn được chăng? Và thiên đàng là thế giới của người còn mang xác phàm hay của người đã cởi được bị thịt thúi tha này?

Châu Hải Kỳ mới gặp việc khó chịu. Chưa biết chừng họ cho nghỉ việc hoặc đổi đi nơi khác. Té ra không phải tận tâm tận lực là đủ mà còn phải có nhiều điều kiện khác mới mong làm vừa lòng bề trên! Kỳ muốn gởi tập Truyện ký vào tặng anh song không có người đáng tin cậy vào Nam.

Khoe cùng anh: lâu nay tôi bận vào việc biên soạn bài cho ban Hán Nôm, không hay ngâm nga, thế mà vừa rồi góp lại được trên 50 bài vừa lục bát vừa thất ngôn... Có đôi câu dễ thương như:

Tuổi già mây ráng đìu hiu
Dòng trôi tâm sự lại nhiều linh đinh
Vào thăm vắng bóng Lộc Đình
Cành mai chiếu thủy nặng tình nhớ nhung

Mỗi ngày khí huyết mỗi suy
Cành mai cằn cỗi vần thi cũng già
Giải buồn gượng gạo ngâm nga
Ngoài hiên đôi giọt trăng tà rụng sương

Kính chúc anh chị an hảo

-o0o-



Sài Gòn, 13-10-1979

Kính Anh

Tháng 8 âm lịch này là tháng buồn của tôi. Hai cái giỗ lớn: giỗ ông nội tôi ngày mùng 4 và giỗ cha tôi ngày 26 (3 ngày nữa), mà giỗ nào cũng chỉ có hai vợ chồng tôi, lễ xong rồi, thì ngồi đó nhìn ngọn nến, khói nhang mà nhớ những người ở xa: Pháp, Đức, Mỹ - con, cháu, chắt của các cụ ở đây không còn người nào khác là 2 đứa tôi. Không biết ở xa họ còn nhớ ngày giỗ không? Chả bù với ngày xưa, tấp nập trong nhà, từ già đến trẻ.
Lại thêm ba bốn người bạn già trẻ cũng sắp đi nữa. Người đi, kẻ ở, ai buồn hơn ai?
Nhận được một hồng thiệp, còn buồn hơn nữa. Buồn cho cả bọn trẻ lẫn cha mẹ họ. Rồi đây, có con, lấy gì mà nuôi con? Ai săn sóc cho chúng. Mấy ông bạn tôi đều dặn trước con: “Các con phải tự túc bằng cách này hay cách khác chứ đừng trông cậy ở cha mẹ nữa. Cha mẹ còn gì đâu nữa?”. Chúng dạ, dạ. Nhưng khi sanh con, chúng sẽ bồng con lại  gởi để cha mẹ trông nom. Nhất định sẽ như vậy. Và cũng nhất định là không thể đuổi chúng đi được. Thế giới ngày nay kì cục quá, từ Âu, Mỹ, qua Đông Á, đâu đâu cũng vậy: người già thật cực khổ. Như vậy mà gọi là văn minh được ư?

Buồn quá. Đi lang thang lại chợ Trương Minh Giảng, chợ Nguyễn Thông (chuyên bán thuốc tây), nhất là chợ Tân Định. Hàng chục hay hàng trăm người ngồi bán phụ tùng xe đạp, lấn ra gần giữa đường Hai Bà Trưng; hằng trăm ngồi bán vải, tơ, quần áo cũ trên con đường bên hông chợ Tân Định, thành bốn dẫy: hai dẫy hai bên lề, hai dẫy ở giữa đường, đâu lưng vào nhau, chỉ chừa hai lối cho người đi mua; xe cộ không còn chỗ nào mà lách. Rõ là một chợ trời. Rất ít người mua. Mỗi người không biết cả ngày có bán đựơc một món không.

Tôi không hiểu chính sách ra sao: có lúc thì đuổi sạch bách, rồi có lúc lại để cho tự do ngồi bán chật đường, lâu lâu đi hốt một lần.
Về lật coi qua các thư cũ bạn gởi từ 1967, 1968 đến nay. Nhiều quá, bỏ bớt đi từng xấp, chỉ giữ lại thư của bạn văn và một số rất ít của độc giả. Anh nghĩ coi, hồi này đây mà trung bình một tháng tôi nhận được 30 bức, trả lời trên 20 bức. Không đốt bớt chỗ đâu mà chứa.

Trong số thư của bạn văn, xấp của anh vào hạng dày nhất đấy, tính tới nay được 11, 12 năm rồi (từ 1968). Thư Châu Hải Kỳ ít hơn. Kỳ ngại sắp bị dời đi chỗ khác, đã đi chưa? Có mỗi một bức của Vũ Phan Long ở Qui Nhơn (?) Anh biết người đó không? Có 3 bức của Mịch La Phong: trong 1 bức anh ta hỏi tôi có dùng hải sâm không thì anh ta gởi vô (tôi nhớ đã đáp: không); trong một bức khác anh ta chê Nguyễn Duy Cẩn ham giải thưởng sự nghịêp văn chương năm 1971, 72 gì đó. Có 5 - 6 bức của Nguyễn Mộng Giác. Nguyễn Mộng Giác cũng như Hoàng Anh Tuấn, Kinh Dương Vương, mới nổi danh nhờ một tác phẩm thì giải phóng. Bây giờ bọn họ còn hy vọng xuất bản gì được nữa? Giác ở Sài Gòn đủ sống nhờ cần cù; còn hai anh chàng kia lưu lạc nơi đâu? Thật là sinh bất phùng thời.

Anh, trước 75 có bị nạn “nhờ xem và cho ý kiến” không? Hay mới bị đây? Tôi bị từ trước năm 1975, nhưng lúc này bị nhiều hơn. Toàn là bạn cả, không thể từ chối được, mà cũng không thể không thành thực được. Tôi hiểu các bạn ấy - buồn, viết rồi không có độc giả nên đưa cho tôi. Sang năm tôi về Long Xuyên thì nạn đó sẽ hết, nhưng chắc cũng buồn.
Hồi đó, nếu anh bán nhà ở lấy 10 triệu mà gởi ngân hàng thì rồi cũng chẳng còn đồng nào cả (tôi cũng có non số đó gởi ngân hàng Sài Gòn và Long Xuyên mà có rút ra được đâu). May cho anh đấy, nay còn nhà mà sau này có thể bán được nếu cần tiền.
Nghe nói Lãng Nhân sắp được đi, cả vợ, con.

Tôi biết đi xe đạp chứ. Làm apert technique mà không biết đi xe đạp thì sao đi chantier? Nhưng mấy năm nay, các bạn bác sĩ khuyên tuổi tôi đừng nên đi thứ đó, rủi té gẫy xương.
Anh nhớ Vi Huyền Đắc vì té gẫy xương bàn tọa mà chết không? Chết trên 2 năm rồi.

Viện Khoa học Xã hội ở Hà Nội mời tôi đi dự cụôc hội thảo từ 26 đến 30.10 về vấn đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Chỉ biết vậy thôi chứ không nêu các đề mục để bàn, cho tài liệu để đọc trước, họp 4 ngày, mỗi ngày 8 giờ. Tôi nói với người mang thiệp (từ Hà Nội vô): Tôi già rồi, 8 giờ thì chịu thôi”. Họ bảo: Bác muốn dự buổi nào thì dự, mệt thì nghỉ. Tôi đáp: Để tôi suy nghĩ đã, ăn uống, chỗ ở ngoài đó khổ lắm, bạn bè, bà con ngoài đó đông lắm, thăm họ, tiếp họ mệt chết đi, phải quà cáp cho các cháu bên nội, bên ngoại, tốn kém lắm, phương tiện giao thông cực khổ lắm – chưa thấy hứng chút nào cả.

Tái bút:
21 tháng 10 tôi đã cáo bệnh mà bệnh thật. Không ra dự hội nghị được. Ngoài đó sắp lạnh rồi mà tôi sợ lạnh. Giấy pelure này 60đ một rame mà kiếm mua không có đấy.

-o0o-


Nha Trang, 08-11-79

Kính anh

Đọc thư anh lòng tôi rung cảm mạnh. Tôi có cảm giác mình đương đọc lòng mình! Những câu thơ làm lúc đầu xanh, trở lại trong trí óc:

Cảnh có núi sông nhiều thú lạ
Đời không cha mẹ ít khi vui
_____

Đùm bọc nghĩ thương em trẻ dại
Ấm no thêm nhớ mẹ già xưa
_____

Cội tùng bóng ngã sương rơi lệ
Ngõ trúc mây che cuốc giục sầu...

Thầy tôi mất lúc tôi 14 tuổi,  má tôi mất lúc tôi 19 tuổi. Trải qua bao mưa nắng rồi, lòng nhớ thương vẫn không nguôi! Mỗi lần nghĩ đến ơn sâu, nhất là đối với má tôi, tôi không cầm được nước mắt, mỗi lần nghe nhắc đến cha mẹ là lòng sanh bùi ngùi. Câu hát ru em của má tôi:
Cha già tuổi mẹ cũng cao
Nghe con học chữ cù lao sụt sùi
thường làm tôi khóc...
Người già hạt lệ như sương
Mình già hạt lệ lại thường như mưa!

Người ta bảo tuổi trẻ hay ngó tới, tuổi già hay ngó lui. Nhìn vào anh, nhìn vào tôi, tôi thấy lời nói ấy không đúng, ít nhất là đối với hạng người lớp tuổi với mình (1) nói chung, hai đứa mình nói riêng. Bởi mình không quên cha mẹ mà mình cũng luôn luôn nghĩ đến, lo cho con, cho cháu, cho chắt nữa:
Bao nhiêu năm trước ru con
Bây giờ ru cháu vẫn dòn như xưa
Trời còn khi sớm khi trưa
Lòng thương con cháu nắng mưa một lòng.

Rau nào sâu nấy, con cháu mình chắc cũng giống mình... Tin vậy cho vui..., tin vậy để mai sau nhớ ngày... về ăn kỵ...

Anh không đi hội nghị được là đáng mừng. Hôm 23-5 trước đây Ban Hán Nôm cũng có mời hội nghị để thảo luận về việc phiên dịch văn thơ chữ Hán ra Quốc ngữ. Tôi được mời... nhưng rồi hội nghị đình vì bọn “bá quyền nước lớn” gây sự.

Tôi bị anh em bạn cũ ở Hà Nội chỉ trích là hay dùng chữ Hán. Tôi công nhận là đúng, vì “dốt hay nói chữ” mà tôi hay nói chữ vì dốt. Nhưng nhiều khi thấy anh em viết những câu toàn chữ Hán, mà lại chữ Hán mới đúc, mới lên khuôn, thì buộc lòng phải nghĩ: “Có lẽ mình dùng chữ Hán mà ông cha ta đã dùng từ lâu, dùng trong văn thơ nên bị chỉ trích, chớ nếu dùng chữ mới, chữ của các nhà chính trị dùng thì tha hồ muốn dùng mấy cũng “hoan hô”. Tôi chợt nhớ đến câu: “Fais ce que je dis et ne fais pas ce que je fais”, hết thắc mắc.

Tôi ít bị nạn “nhờ xem giùm và cho ý kiến”. Đó là “đại nạn”, nhưng khổ lắm, có khi cũng gặp được “sướng lắm”, mặc dù chỉ năm khi mười họa: tình cờ gặp được một áng văn, một vần thơ hay thì viết thư càng hay càng thú. Trước đây cách chừng 15 năm, tôi chịu khó đọc bản cảo thơ “Đìu Hiu” của Vũ Phan Long (có một bài tựa dài của Lam Giang). Suốt ¾ tập, tôi không gặp được một bài vừa ý. Bỗng chợt được một câu, tôi rất thích, câu:
Cánh ong trên lá rập rình
Môi em mật ngọt nụ tình nở hoa

Tôi liền buông sách tự bảo:
Đủ rồi.
Rồi viết cho tác giả một bức thư nói rõ ý kiến của tôi với tập thơ bằng một ví dụ: “Một phú ông cho con ra Tràng An học để thi... Con đi bao nhiêu năm trời, tiêu hết nửa gia tài, rồi trở về với 1 ca nhi trẻ đẹp và 1 tập thơ. Bà mẹ bất bình. Ông cha thản nhiên ngồi đọc tập thơ. Đọc gần hết tập mới gặp 1 câu vừa ý. Ông liền bảo bà: “Chỉ tiêu có nửa gia tài mà đem về 1 câu thơ hay và 1 con vợ đẹp, thì có gì đáng phàn nàn...”. Họ Vũ dùng bức thư của tôi làm bài bạt. Họ Vũ đem bài bạt đến cho Khai Trí xem... Khai Trí thích chí nhận in tập thơ họ Vũ... Họ Vũ rất cảm ơn tôi. Song mấy năm sau khi tập thơ ra đời, Lương Trọng Minh - một nhà phê bình ở Qui Nhơn nói bỡn cùng họ Vũ rằng Đìu Hiu là “tập thơ nhất cú”. Họ Vũ có ý hờn tôi... Thơ bất tận ngôn.

Chúc anh chị an hảo. Tôi vẫn thường. Nhà tôi cứ mạnh rồi đau rồi mạnh. Tôi đương viết về Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ, viết về Allonger la vie...

(1)   Thưa ông thầy “viết văn đúng văn phạm nhất miền Nam V.N”.
- Nói “lớp tuổi mình” đúng, hay “lớp tuổi với mình” đúng, hay cả hai đều đúng?
Anh Tạ Linh Nha xin gởi lời thỉnh an.

-o0o-



Sài Gòn, ngày 29-11-1979

Kính Anh,

Một ông bạn mới cho một rame pelure locale này đây. Quí như vàng. Anh không được phép chê đấy. Trước hết nói ngay kẻo quên:
- Anh cho tôi biết tên con sông ở thành phố Nha Trang
- Anh chép cho tôi bài thơ vịnh thủy tiên rất hay của cụ Sào Nam
- Và anh cho biết hai cháu gái ở xa, xa có thư từ, gửi gì về cho anh chị không?
Mấy câu thơ ở đầu thư 08-11 của anh:
Cảnh có núi sông - đời không cha mẹ...

Nếu anh không cho biết là làm “lúc đầu xanh”, thì tôi sẽ tưởng là làm gần đây. Thì ra hồi đó anh đã có hai giọng thơ à? Nếu gom cả lại, thơ anh có tất cả được 500 bài không? (không kể thơ dịch). Tôi không thấy có nhà thơ nào cần cù như anh, đọc sách nhiều như anh (Đông Xuyên rất ít đọc sách, bảo làm thơ thì cần gì đọc sách!) và viết văn cũng nhiều như anh.

Nhưng sao đang khảo về tuồng Đào Tấn cho Viện Khoa học Xã hội, anh lại bỏ để viết tiểu sử Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ? Viết để kéo dài cuộc sống, thì tôi cũng vậy, Giản Chi cũng vậy, và tôi thấy một bạn trẻ có hùng tâm viết một tiểu thuyết 2000 (hai ngàn) trang để “Gửi quê hương công trình vô vọng của đời tôi”, xót xa không? Chính bọn cầm bút trong mình mới sáng tác mạnh, chứ bọn ngoài nớ có làm cái quái gì đâu, cả năm được độ ba bài báo, bốn, năm bài thơ. Hồi năm 1975 họ vào đây, thấy cậu nào cậu ấy phây phây, mập lù (mặc dầu đời sống thiếu thốn), tôi ngạc nhiên, bây giờ thì hiểu rồi. Được chính phủ nuôi, đâu phải kiếm ăn, mập là phải.

Vậy là từ hồi 19 tuổi, anh đã phải lo cho các em? Hồi đó anh đậu diplôme chưa? Ra làm việc chưa? Đời anh vất vả thật! Tôi cũng là con trưởng nhưng khi mẹ tôi mất, tôi 30 tuổi ta, mới phải nuôi 3 đứa em, kiếm việc làm cho một em trai, gả chồng cho hai em gái. Bổn phận con trưởng ở phương đông mình nặng thật.

Đúng như anh nói: thế hệ mình cực khổ nhất đấy, không quên cha mẹ mà già vẫn phải lo cho con cháu; các cụ được con nuôi, mình đâu được như vậy; còn con mình chỉ phải lo cho con chúng thôi.

Anh tin rằng con cháu mình chắc cũng giống mình, phải “tin vậy cho vui”, chứ 3 đứa con may được một đứa giống thôi, mà đến đời cháu thì hết, không còn đứa nào giống nữa. Nhưng lúc đó mình chết rồi, kệ chúng.

Việt ngữ làm gì có sách văn phạm mà biết được ai viết đúng, ai viết sai. Tôi đâu dám nhận lời ông bạn già nào đó của anh tặng tôi. Tôi chỉ cố viết sao cho thuận, sáng, gọn, thế thôi. Về điều anh hỏi tôi đó, đây là ý tôi: nếu là tôi thì tôi viết hoặc: “Lớp tuổi với mình” như anh đã viết, hoặc “trạc tuổi mình”.

Dốt hay nói chữ là trường hợp người khác kia, chứ anh thì vì biết nhiều nên hay nói chữ. Đó là thói quen của nhà Nho - gọi anh là nhà Nho được, chứ sao không? - Thời này ít ai biết chữ Hán nên người ta chê anh, chứ thời xưa thì người ta thích chứ!

Nhưng mấy cậu ngoài nớ chê anh thì vô lý: đúng như anh nói, họ còn “nói chữ” hơn mình nhiều mà toàn là những từ mới đúc. Nếu tháng trước tôi ra dự Hội nghị Việt ngữ, thì tôi đã nêu vấn đề đó lên rồi; những tiếng mới đúc ấy, nếu có tiếng Việt diễn đúng ý, thì bỏ đi mà dùng tiếng Việt; chẳng hạn lớp “phụ đạo” gọi là lớp giảng lại hay giảng thêm. Vấn đề ấy tôi đã nêu trên báo Sài Gòn Giải Phóng từ năm 1975. Nhưng tôi chắc họ không thể bỏ được đâu. Không ai dám bỏ đâu.

- Lam Giang bây giờ ở đâu, làm gì?
Khai Trí vẫn còn đi cải tạo ở Phước Tuy (?) gì đó. Thật oan uổng. Thỉnh thoảng ông ta cũng hào phóng với nhà văn. Tốt hơn Nam Cường, Sống Mới.

Tôi không biết Lương Trọng Minh: đoán là còn trẻ; có đọc tập phê bình các nhà văn của anh ta (trong số đó, có anh), thấy viết chưa được, có vẻ ham danh.
Vũ Phan Long không có bản lãnh chút nào cả. Lương Trọng Minh nói đùa vậy mà hờn anh là nghĩa quái gì, sau khi chính ông ta đã dùng bức thư của anh làm bài bạt? Thế ai nói sao, nghe vậy à?

Thời xưa thiếu gì thi nhân chỉ nhờ một câu mà lưu danh, như tác giả (tôi quên tên) câu này:
Đào lí giá đông phương
Và tác giả câu này nữa:
Dương liễu ngạn hiểu phong tàn nguyệt

Mà hạng chỉ nhờ một bài thơ mà nổi danh cũng không thiếu: Arvers và T.T.Kh ở nước ta (anh có biết cô nương ấy là ai không?)

Anh có nhớ Bùi Thế Mĩ hồi 1940 - 1945 làm chủ nhiệm tờ nhật báo tên gì ở Sài Gòn không?
Đông Xuyên mới chép cho tôi bài Trung Thu Kỷ Mùi, mà 4 câu đầu như sau:
Trung thu nay gọi Tết nhi đồng
Đèn cá không mà bánh dẻo không
Ngồi só, bọn già chơi tứ sắc
Ra đường lũ trẻ đá ba lông
..........................................
Tôi khuyên “Tết nhi đồng” và “đá ba lông”.

Chán quá trời! À ngoài đó người ta xổ đề dữ không?

Chúc anh chị vui, mạnh

-o0o-



Nha Trang, 12-12-79

Kính anh

Lúc này mà được bạn tặng giấy thì quí như tặng gạo. Anh có duyên đó. Để đánh máy những bài mới thảo, tôi phải đi tìm giấy cũ ngày xưa chỉ đánh máy một bên. Giấy thiếu mà ruban cũng thiếu, cho nên phải đánh trên carbone... cực như đi đêm trên đường ruộng.
Vừa đánh xong (tôi không viết nháp) tập “Bình Định Tam Hùng”, xin gởi vào anh và anh Giản Chi xem và phủ chính. Tôi có giữ ngoài này một bản. Anh giữ giùm bản ấy để phòng việc rủi ro. Có nhiều lỗi chính tả, văn phạm... Xin sửa lại cho chút.

Tôi viết văn chẳng khác họ Vương đi thăm bạn, tùy hứng. Cho nên có một số tác phẩm bị bỏ nửa chừng vì hết hứng... như Bóng Ngày Qua đã 10 năm dư rồi mà vẫn chưa tiếp tục được! Đương lược thuật về tuồng hát, bỏ để viết lịch sử tỉnh Phú Khánh, mới bắt đầu viết được ít tờ, bỏ viết về Võ Trứ rồi viết luôn về Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ. Đương lúc cao hứng viết một hơi tuồng Bình Định Tam Hùng. Vừa viết xong khi sáng, trưa thức đóng thành tập, chiều viết thư cho anh đây. Phải làm liền tay như thế kẻo rủi hết hứng thì cứ hẹn rày hẹn mai.
Mấy ông bạn ở gần ngán tôi vì những cơn “hứng và “bại hứng” bất tử.

Sông Nha Trang tục gọi là Sông Cái. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép là Sông Phú Lộc. Phú Lộc là tên một làng ở phủ Diên Khánh mà con sông chảy qua chớ không phải tên thật của sông vì sông chảy qua Đại Điền thì người ta gọi là Đại Điền. Tên thật là Nha Trang do hai chữ Yja Tran là sông lau lách vì hai bên bờ sông có rất nhiều lau. Cho nên vịnh Nha Trang, cổ nhân có câu:
Lưỡng ngạn vi lô trường đáo hải
Tứ biên hoàng diệp lục vi thu

(Trắng lợp đôi bờ lau tới biển
Vàng bay bốn phía lá gieo thu)

Các văn nhân thi sĩ dựa theo chữ Cù Huân ở Kaut Hara mà gọi biển là Cù Hải, sông là Cù Giang. (Biển Nha Trang, Đại Nam Nhất Thống Chí chép là Cù Huân Hải). Tên Nha Trang bị cướp để đặt tên thành phố, nên sông trở thành “dân tộc Chiêm Thành”: người Việt gốc Chiêm...

Bài Vịnh Thủy tiên của cụ Phan Sào Nam

Sơn bất tại cao hữu tiên tắc danh
Tiên trên non mà hiếm có đã đành
Chân thị thủy trung tiên càng hiếm hiếm
Muôn tía nghìn hồng thây tục phẩm
Năm hồ bốn biển nhớ tiền sinh
Nét điểm trang con tạo khéo đa tình
Nhụy kìa vàng, hoa kìa bạc, lá kìa xanh
Trên mặt nước long lanh trời với bóng
Đố ai biết thần tiên biệt chủng
Mái Hương giang tiên động tự nhiên thành
Vô tình mới thật hữu tình
Ơn người giới thiệu cho mình gặp tiên
Cách bồng lai phương trượng bấy nhiêu niên
Mừng tái kiến lại não nùng duyên nợ cũ
Trên cung nguyệt nghê thường khúc múa
Giữa nhân gian hồ dễ mấy người nghe
Tả tình gọi chút lời quê.

Tản Đà có bài Thơ Bèo, Sào Nam có thơ Thủy Tiên, tôi cho là “nhân gian tuyệt phẩm”.

Lam Giang hiện còn đi cải tạo (không biết ở đâu). Lam Giang nhỏ thua tôi 10 tuổi. Hay chữ, cha người Nghệ, mẹ người Bình Định, như Xuân Diệu

Khai Trí có mua của tôi 1 bộ Trăng Ma Lầu Việt (2 cuốn) trả 30.000 (1974) chưa kịp xuất bản thì gặp nạn. Kể cũng oan cho sách lẫn người mua.

Lương Trọng Minh còn trẻ (cỡ 40, 50 tuổi) không có tài, không đọc được nhiều sách ngoại quốc, chưa phân biệt được ngọc thật và ngọc giả,

Khoảng năm 1973 - 1974 bà Bùi Thế Mỹ có gởi tặng tôi một quyển sách của bà viết (Tôi nhớ chừng là Nữ Thi Hào Việt Nam là phải). Trong sách có nói đến ông Bùi và tờ báo ông chủ trương. Nay tìm không thấy sách ấy (có lẽ bà hỏa hoặc các chị bán giấy vụn đã thỉnh rồi!!!) nên xin mắc nợ anh “món” này.

Anh Đông Xuyên còn dí dỏm quá. Tết Nhi đồng thật đã được ảnh vẽ truyền thần một cách thật thần tình! Bài này phải đem vào thi thoại mới được. Hai câu thơ của anh Giản Chi anh chép cho tôi kỳ trước cũng thật hay. Nhân đọc câu đó tôi có câu:

Thiên đàng chẳng đỏ thời đen
Hai bàn tay trắng khó chen lấn vào.

Lâu nay tôi có làm một ít tứ tuyệt thể lục bát. Khi đủ trăm bài, đánh thành tập sẽ gởi vào tặng anh. Giờ buồn lắm vì là tâm sự...

Tôi mới được thơ mấy đứa cháu ở ngoại quốc gởi về... Chúng chưa tìm được việc vì mới ra trường. Cũng mừng là mấy năm nay chúng được mạnh giỏi và học đến nơi đến chốn.
Nhà tôi vẫn khi mạnh khi đau.

Tôi lúc này sút hơn năm ngoái nhiều. Bắt đầu xuống dốc để trồi xuống lỗ. Anh với tôi ai đi trước được nhờ: Có người khóc, đi sau hết người khóc, buồn lắm.

Chúc anh chị an hảo.

-o0o-



Nha Trang, ngày 20-12-79

Kính anh

Trước thư này mấy hôm tôi có gởi vào trình chính tập "Bình Định Tam Hùng". Chắc tập ấy đến sau thư này vì gởi bảo đảm.
Đã có Gia Định Tam Hùng, bây giờ lại có Bình Định Tam Hùng, có sao chăng anh? Cổ nhân có quở chăng? Tên ấy chưa ổn, vì Bình Định có nhiều Hùng, nhiều Anh lắm... mặc dầu đã phân trần trong bài tựa; song vẫn còn thấy thắc mắc. Anh tìm cho một tên khác vậy.

Nhờ anh sửa dùm chính tả, văn phạm và những chữ dùng chưa thích đáng. Viết văn mà viết bằng đánh máy chữ chớ không thảo trước rồi đọc đi đọc lại, sau mới đánh máy kỹ. Tôi thảo trong bụng kỹ càng rồi ngồi vào bàn đánh máy, đánh một lần vài ba bản. Thảo mất công quá; nhiều khi phải sửa đi sửa lại câu văn mất nhiều thì giờ nên làm biếng... Do đó mà chính tả, văn phạm, chữ dùng, nhiều khi sai, nhiều khi biết sai mà không sửa không được, bỏ viết câu khác thì “ván đã đóng thuyền”...  nhờ bạn nọc mới chịu “sửa sai”.

Trong thư trước anh có hỏi số thơ tôi đã làm lâu nay. Xin thưa:
- Thất tuyệt: 108 bài.
- Ngũ tuyệt: 235 bài.
- Thất luật: 380 bài.
- Ngũ luật: 170 bài.

Đã in rồi và có một số ít chưa in vì phần nhiều chưa in và đánh máy lộn lạo nên chỉ tính phòng:
Đó là thơ “cận thế”.
Còn thơ lục bát thì:
- Nhánh lục có được chừng 150 bài dài
- Bán lâm hàn nguyệt chừng 60 bài trên 6 câu
- Nguyệt Hoàng Hôn chừng 150 bài bốn câu
Chưa thành tập chừng 80 bài bốn câu

Thơ thất lục đã xuất bản chưa đầy trăm bài ở Trong Một Tấm Lòng và Mùa Cổ Điển.
Thơ thất tuyệt nằm trọn trong Đọng Bóng Chiều (108 bài) còn nằm trong cảo độ vài chục bài không giá trị.
Thơ ngũ tuyệt hầu hết nằm trong Mộng Ngân Sơn và Giọt Trăng. Còn chưa in chừng bốn năm chục bài.
Thơ ngũ luật nằm trong Mây Cổ Tháp
Tập Cánh Chim Thu gồm 2 thể thất luật và ngũ luật (125 bài tất cả: 58 ngũ, 67 thất)
Thơ dịch tôi có chừng 200 bài
Văn tế được chừng 15 bài
Thơ sáng tác có trên nghìn bài, ước sao trải qua mưa nắng còn được 1%.

Anh khen tôi “sáng tác mạnh”. Tôi mừng nhưng ngó đến số tác phẩm của anh, đã in (100 bộ, còn lại cảo trên 20 bộ) tôi lại ngợp. Tôi thường nói cùng Châu Hải Kỳ rằng nội việc đọc sách của anh cũng khó có người theo kịp chớ đừng nói đến chuyện đọc rồi còn “tiêu” tiêu rồi còn viết. Anh gầy là phải. Và C.T ví anh với khóm lão mai thật đúng vì chỉ có lão mai mới ra hoa thạnh dưới trời đông lạnh lẽo.

Ngồi buồn đem tấm ảnh anh chụp năm 1969 và ảnh chụp năm 1972 anh gởi cho kỳ trước, tôi nhận thấy năm 1972 anh hồn nhiên, còn năm 1969 lại có phần tư lự. Năm 72 là thế còn năm 1979? Hôm tôi và C.T vào thăm đó, thấy anh tự tại lắm.

Không biết Châu Hải Kỳ “vẽ chân dung” anh có “vẽ” được phong cốt chăng? Tôi chưa có dịp đọc bản thảo. Nói về văn và nói về người trong “gương văn chương” chưa thú bằng nói về “văn trên con người” và nói về người trên ngôn ngữ, thái độ, cử chỉ hằng ngày của người ấy. Phải vẽ truyền thần mới lột được hết “ý nghĩa” của một tập thơ sống Nguyễn Hiến Lê.

Tôi đã “đọc” được nhiều “tập thơ sống”: Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Đông Hồ, Bích Khê, và Nguyễn Hiến Lê và Tương Phố. Một tập thơ ít chất thơ nhất là bà chị T.P của tôi. Cụ Thúc Giạ Thị cũng là một tập thơ nhiều thú mà ít vị. Vũ Hoàng Chương, sắc thắm song hương vị không được tươi thanh.

Muốn thành “tập thơ sống” phải có đời sống nên thơ.
Đời sống của anh là “hương đạm vị nồng” cho nên “cái đẹp” nơi anh là “dư vị”. Mà cái vị của anh là vị của nước thanh tuyền. Có “tế ẩm” mới “tri chân vị”. Nếu khách thích sâm banh uýt ky, cà phê, sữa bò... thì chả thấy vị chớ đừng nói “dư vị”.

Châu Hải Kỳ chưa gần anh, tôi e không nhận thấy điểm ấy. Người còn sống, khó viết sử quá! Có lẽ sợ viết sai bị đòn, cho nên phải đợi họ hết còn sống rồi mới viết “thao thao bất tuyệt”. Nếu viết có sai, tôi nằm chiêm bao thấy bạn dọa đập thì thách: “Giỏi sống lại mà cãi...”. Vậy tôi với anh, xít soát tuổi nhau, ai về trời trước là có phước đó. Cho nên khi nghe tiếng hạc kêu trước sân thì nên nói cùng con cháu: “Tao có phước hơn anh...” rồi cười to một tiếng lên lưng hạc thăng thiên.

Hơn tuần nhật nay trời mưa dầm gió bấc, nay nắng ấm, lòng thấy vui vui... Lại có người bạn gái mang thư của Thi Vũ đến... Lại có đứa con gái (con Mộng Hoa) đem về cho mấy món đồ do chồng nó ở Tây Đức gởi về... Vui dồn dập... Nên ngồi viết thư cho anh và cho Thi Vũ cho thêm vui.

Tết năm nay chắc anh chị về Long Xuyên? Tôi định về Qui Nhơn... Không đi thì nhớ mà về... thì buồn... Nhớ và buồn đều khổ cả. Chưa biết nên chọn cái nào? Hôm đầu thu, về thăm.
Giao lên Nhiễu Giang làm ăn thất bại... Xin về lại Nha Trang không biết có được không? Nghe văng vẳng “không”.

Kính chúc anh chị an hảo.

Tái bút:
                      Tôi
Thương con làm khách viễn phương
Thương mình về viếng cố hương một mình
Không ai chung cảnh chung tình
Đồng quê hiu hắt lửa huỳnh chong thu.

-o0o-



Sài Gòn, 24-01-80

Kính anh Quách Tấn,

Nửa tháng trước tôi gởi một bức thư cho anh về tập Bình Định Tam Hùng, anh nhận được chưa?
Trong thư đó tôi quên không ghi: tr.19 đoạn của Gonclin, anh quên chưa dịch 2 chữ “très prochain”: (cái ngày) rất gần (mà họ cảm thấy...)

Giản Chi cũng đã đọc xong, ghi mấy hàng này bằng bút chì, tôi chép lại cho anh:
Tr.17: câu cuối bài dịch, nên sửa là:
Anh hùng chí cả ai bàn được thua
Tr.18: Doanh thân chứ không phải doanh du
Tr.5: Quản trấn (Nguyễn) Xuân Quang: em ruột nguyên soái mà sao khác họ phải họ Mai chứ?
Tr.6: bài Tăng Bạt Hổ, hàng cuối:
Thật khó biện bạch thị phi
nên sửa là thực hư

Anh nên đánh số trang liên tiếp từ đầu sách tới cuối, đừng chia từng bài mà đánh số.
Ngoài ra, còn lỗi chính tả: giám, giấu ... (giấu thì “tôi - lô” - đã ghi rồi; còm giám thì không biết ở đâu: nếu giám là TH/ cảm mà ra thì có người viết là giám và cho viết dám là sai).
Tôi đã chở được một ít đồ về Long Xuyên, sắp về dưới đó ăn Tết đây.

Chúc anh chị một năm vui. Cậu Giao nữa.