Năm 1976



Sài Gòn, 16-3-1976

Kính ông,

Rủi quá, hôm đó ông tới mà tôi đi khỏi. Chắc ông vô lần này cũng để lo việc lần trước? Đã xong chưa? Lúc này ông bà mạnh cả chứ? Bệnh glaucome của ông thì hoàn toàn khỏi lo rồi. Tôi có hỏi một người quen, họ bảo bệnh đó về tuổi già trị khá dễ, không phải mổ, thuốc Tây có thứ nhỏ cho tension ở mắt xuống, và một thứ để uống nữa. Cứ giữ gìn, hơi thấy nhức đầu, nhức mắt là uống ngay thì hết. Đại khái Đông y cũng trị như vậy. Mấy toa thuốc đăng trên Bách Khoa là để bổ âm và giáng hỏa, tức là để cho tension ở mắt hạ xuống. Nhưng còn bệnh suy nhược của bà lúc này ra sao? Lúc này mà đau thì khổ lắm. Nghe nói thuốc đã mắc kinh hồn mà quan tài còn mắc hơn nữa, rồi bây giờ gạo cũng lên giá gấp đôi. (Phải ở ngoài đó mua ngoài chợ 1.000đ một kí không?).

Tôi lúc này không muốn viết lách gì cả - kể cả viết thư – vì tâm trạng không yên vui. Tô Đông Pha xưa phàn nàn đọc thiên kinh vạn quyển mà không cách nào cứu đói được cho dân - tôi chỉ nghĩ vì thời ông ấy, Trung Hoa chưa có phương tiện chuyên chở mau như ngày nay - Tôi cũng bắt chước họ Tô, bảo với một ông bạn: đọc cả ngàn cuốn mà không tìm được sự yên tĩnh trong tâm hồn. Nhưng ông ấy lại cười, đáp: “Như vậy là dấu hiệu tốt - cũng như người đau hay đau vặt vậy, vì đau vặt là một cách cơ thể thích ứng với thời tiết”. Không biết ông ấy có nói đùa không?

Chế Lan Viên đọc những bài ông dịch thơ Cụ Hồ, có ý kiến gì không? Nghe nói ông Đào Duy Anh cuối năm ngoái có ghé thăm ông. Ông ấy cũng lại thăm tôi: chân tình mà hơi khoáng đạt. Còn ba bốn ông cán bộ văn hóa nữa lại chơi tôi, chủ yếu là để xin sách. Họ phần nhiều là trẻ, nói chuyện vui chơi với nhau thôi.

Ba ngàn trang bản thảo của tôi và cả vạn trang bản thảo của ông, nên tìm người trẻ nhờ giữ giùm thôi: hoặc con cháu hoặc bạn. Nên có mỗi thứ ba bản. Ông bạn thi sĩ ở Paris có thư thăm ông không. Ông có gặp Châu Hải Kỳ cho tôi gởi lời thăm. Tôi vẫn bình an.

Kính thư

-o0o-


Nha Trang, 22-3-76

Kính ông,

Nhận được thư ông, thật mừng.
Hôm trước vào Saigon, cũng một mục đích lo cho con, nhưng không có kết quả. Về Nha Trang lâu nay vẫn nằm mèo, không muốn làm gì cả.

Bệnh con mắt của tôi vẫn như năm ngoái, nằm ở mức bình thường. Nhờ ông hỏi dùm người quen, thứ thuốc nhỏ cho tension xuống và thứ thuốc uống phòng ngừa. Phải trữ sẵn kẻo khi cần, chạy không kịp.

Nhà tôi lúc này có hơi đỡ chút ít. Song tuổi cao mà không thể uống thuốc bổ được thì sức khỏe cứ giảm dần.
Già rồi chết không cần phải sợ. Không sợ chết, song sợ chết không mua được hòm, không xin được đất để chôn. Cho nên ông già bà cả đâm ra không muốn chết. Nhưng nghĩ lại tại sợ sống, sợ sống không mua nổi gạo để ăn cho đỡ đói, vì gạo mỗi ngày mỗi hiếm, mỗi ngày giá mỗi cao. Hiện nay ở đây mỗi ký đã lên 600 rồi! Vàng cũng lên giá, nghe đâu mỗi lượng giá đến năm sáu trăm ngàn bạc cũ. Phải chi mình có ít lượng bán tiêu cho vui:

Chừ đây mới biết vàng là quí
Năm ngoái còn mua sách để dành!

Tôi dịch được trên một trăm bài thơ của Hồ Chủ Tịch. Tôi có gởi một ít ra Hà Nội; Chế Lan Viên cho là có nhiều chất thơ hơn các bản dịch cũ.

Bóng Ngày Qua còn 1 phần về bè bạn và những mảnh tình riêng. Phần này có nhiều chuyện thú vị. Muốn viết tiếp nhưng cầm bút lên thấy quá nặng nề, đành tạm gác lại đó, chờ hứng.

Bản thảo! Không biết ai mà ký thác! Không đủ sức đánh máy làm nhiều bản! Mỗi lần nghĩ đến, lòng không khỏi bùi ngùi!
Ở Ninh Hòa (cách Nha Trang 30 km), có 1 nhà sư trẻ rất thích thơ tôi. Thầy ấy chép tất cả thơ tôi đã in và chưa in vào 1 tập và bắt em út trong gia đình học thuộc lòng những bài thầy ấy chọn. Có đứa cháu mới 5 tuổi, nói chưa rõ, mà đã thuộc đến trên 10 bài ngũ tuyệt của tôi. Hôm trước ra nhà chơi (thầy ấy không ở chùa) tôi nghe cháu ấy đọc ngọng ngịu mà cảm động rưng rưng nước mắt.

Lâu nay không có thư ở nước ngoài.
Bạn bè ở xa chắc mong tin nhà lắm.
Các anh em văn nghệ sĩ ở Hà Nội vào Nam đều có ghé thăm tôi. Anh em đều có cảm tình với ông. Họ biết rõ chúng mình luôn luôn cố gắng giữ mình được sạch sẽ, nên họ tới lui không chút ngại ngùng.
Châu Hải Kỳ đi làm ở Ty Giáo dục. Bà vợ cũng đi dạy. Thế là khỏi sợ đói.

Kính chúc ông và quí quyến an hảo.

Tôi mới gặp một hồng phấn tri âm, thơ Đường luật và lục bát rất luyện. Rất tiếc là không phải lúc vun quén bông hoa... Đất phải để trồng khoai sắn bắp rau... Phải thực tế, phải lao động mới sống...

-o0o-


Sài Gòn, 15-4-1976

Kính Ông,

Tôi đã được thư của ông và đã đi hỏi ông bạn tôi bị glaucome. Bác sĩ Nguyễn Hữu Tiến (nhà ở 158 Phan Đình Phùng, sát nách Bách Khoa) cho ông ấy uống Diamox mỗi ngày một viên thôi. Khi nào thấy hết nhức đầu, nhức mắt thì ngừng (thứ đó là thuốc Mỹ). Đồng thời nhỏ P.LCarpine. Thứ này có thứ 1%, 2%,,,6%. Nếu nhỏ thứ nhẹ không công hiệu thì nhỏ thứ nặng hơn (mỗi ngày nhỏ 3 lần thôi). Riêng ông bạn đôi đã nhỏ thứ 4%. Nhỏ khi nào tension arterielle ở mắt xuống bình thường thì thôi.
Nên có một bác sĩ chuyên nhãn khoa theo dõi cho, họ có cái máy nhỏ đưa qua đưa lại trên con mắt, biết được tension ở mắt cao nhiều hay ít. Tôi nghĩ nếu ngoài đó bác sĩ không có thứ máy đó thì mình có thể đoán được: nếu mắt hết nhức, như thường là hết tension. Nên nhớ rằng Diamox uống nhiều sẽ sinh sạn (calcul) trong thận; lại phải uống thuốc trừ hậu quả đó.

Lúc này tôi chắc những thuốc đó, ngay ở Sài Gòn cũng không còn, chứ đừng nói ở Nha Trang; cho nên một mặt ông nên nhờ ai ở Pháp mua cho và có cơ hội thì gởi về.
Trong khi không có thuốc Tây, có thể dùng thuốc Bắc theo toa trong Bách Khoa (chỉ hiềm thuốc Bắc lúc này đắt kinh khủng), hoặc dùng thuốc Nam (trên Bách Khoa cũng đã có chỉ, nếu không thì là một độc giả gởi thư riêng cho ông, tôi nhớ mài mại vậy). Có bệnh thì phải đề phòng vậy, chứ tôi tin rằng ông hết hẳn bệnh đó rồi.

Vả lại hình như trời cũng thương tụi mình: Từ khi thuốc hiếm đến nay, tôi ít đau những bệnh cũ: loét bao tử, trĩ. Trời thương hay là vì ăn uống đạm bạc đây? Lạ thật, bây giờ thịt heo 4.000đ một kí, thì tôi ăn thịt thấy khó tiêu, ăn rau muống và tàu hủ thấy “khỏe”.

Y như hồi 57 năm trước, hồi ba tôi mới mất, nhà nghèo. Như vậy là cải lão hoàn đồng chứ gì? “Tốt”. Tôi nghĩ tụi mình có cách này sống được. Bảo bà con ngoài Bắc có vô thì mang cho ít củ na, ít nụ vối, ít hột bồ hòn, mình kiếm vài công đất trồng những thứ đó, bán được giá, sản xuất bao nhiêu cũng không đủ bán. Còn viết văn thì phải bỏ. Ông đồng ý chứ?

Kính thư

-o0o-


Nha Trang, Trung Thu Bính Thìn (14-7-1976)

Kính ông,

Ông có được khỏe mạnh chăng? Tôi vẫn thường. Không viết lách gì được. Nguồn cảm hứng cảm thấy cạn dần.

Nghe nói ở Saigon có mở những khóa học tập cho các nhà văn nghệ sỹ chế độ ngụy. Nguyễn Thị Hoàng, một nữ sỹ ở Nha Trang đã được mời dự khóa một. Không biết ông và ông Lãng Nhân, bà Mộng Tuyết đã dự khóa nào chưa? Và không biết việc học tập văn hóa này là bắt buộc hay tùy ý. Không có dịp nói chuyện lâu cùng nữ sỹ Thị Hoàng nên tôi không rõ được chi tiết.

Châu Hải Kỳ mặc dù làm việc văn hóa, vẫn không biết được tường tận vấn đề.
Ở Khánh Hòa có một nhà sư rất ham văn chương, pháp danh là Tịnh Pháp, pháp hiệu là Đạt Bổn. Nhà sư rất ngưỡng mộ ông. Vừa rồi nhà sư ra công trích những đoạn nói về thi pháp trong 3 tập thi thoại Trong Vườn Hoa Thơ, Hương Vườn CũNhững Bức Thư Thơ của tôi, rồi hệ thống lại thành một tập gần 100 trang viết tay khổ 20x24 lấy tên là Thi Pháp Cương Yếu. Soạn xong đem cho tôi xem rồi thuê đánh máy làm 3 bản, nhà sư giữ 1 bản, tôi giữ 1 bản và gởi tặng ông 1 bản. Mới xem qua thì cũng có vẻ “nhà nho” lắm. Song đọc lại thì là một chiếc áo chắp nối bằng những mảnh vải khác loại khác màu; trẻ em thì quá rộng, người lớn dùng thì quá chật. Nên tôi định lúc nào cao hứng sẽ sửa lại cho “dễ coi” hơn và có thể dùng “mặc trong nhà được”; chừng ấy sẽ cho đánh máy và sẽ “báo đời” cặp mắt xanh của ông.

Lại có một trung niên tên Nguyễn Ngọc Hoan đọc thơ tôi khá nhiều nhưng chỉ nhớ một câu trong Mùa Cổ Điển:

Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng

Và 1 bài trong Mộng Ngân Sơn:

Tình Cố Nhân

Mây nước nhiễm phong trần
Nơi đâu tình cố nhân
Những đêm buồn tỉnh giấc
Chùa cũ tiếng chuông ngân

Bài Tình Cố Nhân, Nguyễn Quân theo cách hồi văn, đọc được 5 thành 15 bài, mỗi bài có 1 tánh chất, 1 sắc thái khác nhau:
Đổi vị trí các câu thơ 5 chữ, đọc thành được 4 bài cùng với nguyên tác = 5 bài
1-     Bỏ chữ thứ 3 mỗi câu, đọc theo thứ tự, rồi đổi vị trí các câu, đọc thành 5 bài tứ tự.
2-     Bỏ 3 chữ đầu mỗi câu, đọc theo thứ tự, rồi đổi vị trí các câu, đọc thành 5 bài nhị tự.
Bài ấy làm năm 1948, mãi đến nay 1976, tác giả mới hay rằng trong đó có những “lắc léo tình cờ”. Kể cũng là một cái thú trong tuổi già.

Ông có gặp chi vui chăng?
Cảnh ông ngó mà lẻ loi quá!
Chúc ông yên vui. Kính lời thăm bà.

-o0o-


Sài Gòn, 20-9-1976

Kính ông,

Ông thế mà mạnh hơn tôi nhiều. Nét chữ vẫn như trước, mà mấy lần từ ngoài đó vô đây được. Đường xa là thế. Tôi thì từ đây về Long Xuyên mà cũng ngại.

Tim lúc này yếu nhiều: làm nặng một chút, đi nhanh một chút cũng mệt. Nên buồn hay nên vui? Bốn tháng nay đau hết bệnh này đến bệnh khác. (Nay mới kha khá). Xuống cân, trí óc kém minh mẫn, ngại viết, viết không có hứng nữa; lây cái bệnh tà tà của các ổng. Nguyên do một phần cũng tại thiếu thuốc bổ.

Cả hai chuyện về thơ ông kể đó đáng là giai thoại. Ông Đạt Bổn đó lúc này chắc cũng nhàn lắm (các ổng cũng sous emploi, chứ chưa thất nghiệp như chúng mình?) nên mới tổng hợp, hệ thống hóa ý nghĩ về thơ của ông như vậy được. Sẵn dịp, có máy đánh thì đánh thêm vài bản nữa, gởi thêm cho một vài bạn yêu thơ nữa giữ giùm cho. Lúc này tôi cũng nhờ người đánh máy ít bản thảo của tôi. Ông nghĩ nên gửi ai, xin chỉ giùm cho. Còn ông Nguyễn Ngọc Hoan đó thì chơi cái tên đó mà thanh nhã thật, chắc cũng lại là hạng thất nghiệp.

Tôi bàn với thầy Từ Mẫn, thầy ấy khuyên trồng nấm rơm, làm tương, làm chao, mỗi thứ một chút, đủ ăn mà khỏe tâm hồn. Ý kiến hay, ông nghĩ sao? (còn ý kiến trước của tôi: trồng nâu, bồ hòn, mù u... không thực tế cũng không thực tiễn).

Ông được hai bạn thơ đó, thú chứ! Sao? Còn ngâm 2 câu thơ:
Tà dương (?) vô hạn hảo
Chỉ thị cận hoàng hôn?
                                   nữa không?

Vâng, trong này Hội Văn nghệ giải phóng Sài Gòn đã mở hai khóa học tập cho các ông bà thất nghiệp đó rồi, không bắt buộc nhưng đã bảo là “được mời” mà mình không đi dự thì vô lễ, nên người ta đi đông đủ lắm. Và có nhiều ông bà (cả trăm) không được mời cũng tình nguyện xin dự (như Nguyễn Mộng Giác chẳng hạn - tội nghiệp anh ta mất việc ở Bộ Giáo dục rồi, đương kiếm đất trồng cây. Đất vẫn là mẹ của loài người muôn thuở). Khóa đầu hơn 200 người. Tôi được mời nhưng đau, xin hoãn lại. Khóa nhì được trên 600, tôi cũng đau xin hoãn nữa. Khóa ba chưa mở. Tôi cũng muốn đi nghe các nhà văn có tên tuổi diễn thuyết, cũng muốn gặp các bạn văn, cũng có nhiều chuyện thú vị, nhưng ngại quá, học 3 tuần sáng chiều, mình già rồi, e không chịu nổi, nên còn ngại.

Anh Châu Hải Kỳ còn làm việc đấy chứ? Mạnh không?
Kính chúc ông bà vạn an.

-o0o-


Nha Trang, 17-10-76

Kính anh,

Vào thăm cháu Giao xong, lo chạy vé ô tô để về báo tin cho nhà tôi biết đặng bớt lo buồn, nên không ghé chào anh chị được. Rất mong lượng thứ.
Cháu Giao mới bị kiết khỏi nên có phần gầy. Các “bạn đồng cảnh” của cháu đều có da có thịt. Theo lời cháu và nhìn thái độ, ngôn ngữ của cháu và các bạn cháu, thì tôi được yên tâm. Ở nhà nghe lời đồn, gia đình không khỏi lo sợ. Nay đã có thể ngủ ngon, ít nghĩ vơ vẩn.

Ít khi vào Sài Gòn, mà hôm ấy không đi thăm các bạn thi văn được, ngoài anh, thì thật đáng tiếc. Về nhà được thư Bàng Bá Lân cho hay rằng nữ sỹ Simon Kahnen de la Coenillerie có thư sang hỏi thăm tin tức các bạn thơ văn quen biết... Bà  Tâm Tấn ở Nha Trang lại cho hay rằng chị Mộng Tuyết có lời hỏi thăm tin tức tôi. Tôi hối hận không nán lại một hôm để đến cùng các bạn thường nghĩ đến mình!

Xin anh xem kỹ dùm tập thi tuyển của tôi và chỉ điểm cho những điều cần chỉnh lại cho được hoàn hảo. Những bài trích trong Một Tấm LòngMùa Cổ Điển chắc anh đã đọc từ trước rồi. Những bài trích ở Tiếng Vàng KhôCánh Chim Thu, anh mới đọc qua ít bài đã đăng báo. Xin anh cho biết thơ trong 2 tập sau hơn và kém hai tập trước ở những điểm nào...

Bài Một Buổi Trưa Mùa Thu (trang 6) câu kết thiếu sức truyền cảm, tôi muốn sửa lại mà mãi không sửa được vì thiếu cảnh giúp hứng. Bài “Lại Nhắn Ai” (trang 19) cặp luận, trong sách in là:
Cỏ sương rung động niềm thương nhớ
Mây nước nôn nao ý đợi chờ.

Tôi nhận thấy 2 chữ “niềm, ý” non nên sửa lại là “triều” và “giấc”. Bài “Sợi Tơ Mành”, cặp trạng nguyên là (trang 18)
Cao cả chưa đền ơn chín chữ
Nặng nề thêm ngán nợ ba sinh.

Tôi nhận thấy thật thà, không xứng với 4 câu dưới nên mạn phép tác giả (đã biệt tích từ 1941) sửa lại... Tác giả là Liên Tâm. Khi ra đi có tặng tôi một đóa hoa đào ép khô với 4 câu lục bát:
Nhón tay hái nụ hoa đào
Tấm lòng trong trắng gởi vào tay anh
Từ đây cách cội xa cành
Phấn hương gìn giữ cho đành lòng nhau.

Nàng có tập Một Tấm Lòng gồm 25 bài Đường luật và Lục Bát, tôi lựa 2 bài chỉnh lại đôi chút đem vào Mùa Cổ Điển. Nay lựa một bài trong Mùa Cổ Điển và một bài trong bản cảo, đem vào tập Trăm Thiên Đường Luật để “giữ gìn phấn hương”.
Quay lòng ngó lại bao năm trước
Chớp mắt dường như mới bữa qua


Lắm lúc thật là buồn
Chúc anh ít đau ốm. Kính thăm chị.

Tái bút: Sẵn có chút thì giờ rảnh và chút sức khỏe còn sót tôi lựa thêm 100 bài ngũ ngôn luật thi, đánh máy tử tế như tập “Trăm Thiên Đường Luật”. Đánh  xong, có người vào, sẽ gởi trình anh.