- Mai Lĩnh
Ta Prohm, một ngôi
đền đổ nát gần như toàn bộ nhưng lại nổi tiếng và hấp dẫn khách du lịch bởi
những bộ rễ
cây đại thụ bám vào đá như những con trăn khổng lồ. Ta Prohm
nằm về phía đông Angkor Thom do vua Jayavarman VII xây dựng năm 1186.
Ta Prohm là một trong những ngôi đền đầu tiên được vua Jayavarman
VII xây dựng để tôn vinh hoàng tộc của mình, ban đầu được gọi là Rajavihara (đền
Hoàng Gia). Sang đến đời vua Jayavarman VIII lên ngôi, đã hủy những hình ảnh
liên quan đến Phật giáo để thờ linh vật của đạo Bà La Môn. Trong suốt nhiều năm
sau, đền Ta Prohm bị đổ nát rất nhiều, nhất là trong hai cuộc xâm lăng của người
Myanmar và Thái Lan vào cuối thế kỷ XIII.
Bước qua một chiếc cổng nhỏ nằm giữa bức tường thành xây đá ong cao khoảng 5 mét, vào bên trong ngôi đền, du khách sẽ thấy một bộ rễ cây cổ thụ bám phủ mái đền đá xanh như dòng suối tuôn xuống. Có thể nói chính nhờ những gốc cây cổ thụ này trùm bộ rễ khổng lồ và trở thành giá đỡ cho các hạng mục chưa đổ sập, nhưng cũng có thể đổ lỗi cho những bộ rễ cây này đâm xuyên tường làm tường, mái đền hư hỏng.
Ở một góc đền còn ngọn tháp hiếm hoi tương đối nguyên vẹn, không bị đập phá và cây phủ bám, du khách có thể chiêm ngưỡng bức phù điêu thần nữ Apsara.
Ở đền Bayon, các tảng đá có vài lỗ khoan xuyên thủng mà chúng tôi
được nghe giải thích là để buộc dây cho voi kéo khi di chuyển đá đến nơi xây đền.
Còn ở Ta Prohm, chỉ có một căn phòng khá rộng và thông thoáng lên trời, tường
đá còn tương đối nguyên vẹn với vô số lỗ đục nhỏ khá đều đặn trên tường. Hỏi các
bảo vệ nơi đây không có được câu giải đáp nên chúng tôi vẫn hồ nghi, phải chăng
đó là dấu vết những viên kim cương gắn lên tường căn phòng nơi an táng thi hài
hoàng hậu Jayarajachudanami, thân mẫu vua Jayavarman VII chăng?
Đến thăm đền Ta Prohm, bước chân leo qua những đống đổ nát, du
khách dễ có cảm giác nao nao, hoài cổ; vừa tiếc nuối vừa khâm phục những người
Khmer cổ đại. Dù chẳng để làm gì, du khách tò mò cũng muốn ngước nhìn lên những
giếng trời trên nóc tháp, với chút cảm giác hồi hộp bởi nhiều khối đá chỉ được
xếp chồng lên nhau chứ không có vữa kết dính.