Năm 1970



Nha Trang, ngày 15-01-70

Kính gởi Ông Nguyễn Hiến Lê

Bài khóc Đông Hồ của ông ngắn nhưng đầy đủ. Cốt cách phong độ của Đông Hồ được diễn tả trung thực và chân thành. Tôi xúc động ứa nước mắt.
Thương Đông Hồ quá !
Bạn cũ lần lần đi hết !

Tập Xứ Trầm Hương của tôi không biết có ra kịp Tết chăng? Tôi đã viết thư cho Nhà xuất bản để sách in xong, đem ngay đến ông một quyển thường để xem trước, quyển đặc biệt tôi sẽ gửi sau để ông giữ làm kỷ niệm. Rất mong sẽ được ông chiếu cố như Nước Non Bình Định.

Tôi vừa hoàn tất hai tập thơ dịch:
-   Thơ Tố Như
-   Thơ Lữ Đường
Mỗi tập trên 50 bài phiên âm, dịch nghĩa, chú thích, dịch thơ.

Thơ Tố Như tôi có 245 bài chữ Hán. Thơ Lữ Đường gần 200 bài nhưng không đủ sức dịch hết, chỉ lựa một số tiêu biểu dịch sẵn để đó, may gặp thiện duyên sẽ cho ra đời.
Làm việc một mình trong nơi thiếu sách, nên lắm chỗ bí phải làm phiền bạn xa. Lâu nay thường làm phiền Lãng Nhân, nay xin phiền ông chỉ điểm giùm bốn điểm sau đây:

- Thập nhị lâu đài
Mai hoa thập nhị lâu đài mộng
Thảo sắc tam thiên thế giới sầu
                                    (Xuân cảm – Thái Thuận)
- Hồng đô khách
Bách niên ngâm ức Hồng Đô khách
Bán thế thân nghi Xích Bích sông
                                    (Lão nhạn lữ tịch – T.T)
- Đông các
Đông các truyền thần thanh họa bút
Tây hồ tả hứng khổ ngâm ông
                                    (Mai ảnh – T.T)
- Trường Lạc
Cô Tô thành ngoại sầu đa thiểu
Trường Lạc cung trung tứ tịch liêu
                                    (Trung Thanh – T.T)

Thơ Thái Thuận rất khó dịch. Thơ Nguyễn Du dễ dịch hơn, song vì còn nhiều việc phải làm nên không thể tiếp tục dịch thêm, đành tạm coi là “thành lập” với số bài đã dịch xong. Phải chi Bộ Giáo Dục để ý đến di sản tinh thần của ông cha để lại thì may cho dân tộc biết mấy!
Kính chúc ông vạn an.
Bệnh trĩ của tôi tạm coi như khỏi hẳn. Sau khi vết mổ lành, tôi lấy lại được sức khỏe. Thật mừng.

-o0o-


Sài Gòn, 23-01-70

Kính gởi Thi sĩ Quách Tấn,

Mớ chữ Hán của tôi tự học, nên về điển tôi kém lắm. Tôi có được bốn bộ: Từ Hải, Từ Nguyên, Từ Thông và Khang Hi.

Mỗi lần gặp bí tra Từ Hải trước, không có mới mở ba bộ kia. Có chữ mất cả giờ, lúc này mắt kém, phải để sát cửa sổ đọc mới được vì chữ nhỏ quá. Hán học, lỡ dính vào nó mệt quá chừng. Vậy mà như trong thư trước tôi đã thưa với ông, có cái gì làm tôi gỡ không ra. Tra muốn chết mà viết rồi, vẫn thấy có lỗi, lỗi nặng. Tự nhủ “chừa đi” mà không chừa.

Lần này cả bốn bộ không thấy thập nhị lâu đài.
Tra Hồng Đô Khách cũng không có, dĩ nhiên có Hồng Đô, mà Hồng Đô thì ông cũng biết rồi: tức huyện Nam Xương ở tỉnh Giang Tây. Trong bài Đằng Vương Các Tự, có “Hồng Đô tân phủ” là nó đó. Hay là Hồng Đô Khách nhắc tới điển Vương Bột đó chăng?
Đông Các, cùng gọi là Bí Các, Long Đồ Các tùy triều đại, từ Hán tới Tống, Minh, là cái điện các quan tam phẩm trở lên thường vô đó bàn việc nước, tại đó chứa nhiều kinh, sử, tử, tập và bản đồ thiên văn.
Trường Lạc Cung có từ đời Hán, ở tỉnh Thiểm Tây, huyện Tràng An, nhà vua thường hội chư hầu và các quan ở đó. Đời Đông Hán gọi là Vĩnh Lạc Cung. Cũng có tên là Vị Ương (chữ Hán) Cung, vì có chữ “Trường Lạc Vị Ương”.

Bài tưởng niệm Đông Hồ của ông có giọng rất thành thực, khác hẳn bài của Bàng Bá Lân, tôi chắc bác Mộng Tuyết vui lắm.
Tôi để ý mà không thấy bài nào của bà Tương Phố, không biết lúc này, bà còn mạnh không. Nghe nói bà không ở tại Nha Trang nữa mà lên Đà Lạt.

Ai có công gom góp những thư từ, rồi đi thăm các bạn cũ của ông Đông Hồ, chép lại thì thú quá. Có thể nhân việc đó mà ghi lại cả một thời đại nay đã qua rồi, từ 1920 đến 1945.

Tôi mới gặp Đại đức Từ Mẫn (Lá Bối): Xứ Trầm Hương có thể in xong trước Tết. Tết được đọc cuốn đó thì là thưởng Xuân rồi. Vâng, có cảm tưởng gì tôi xin ghi lại.

Tình hình kinh tế như vậy – và sẽ còn tệ hơn nữa, mỗi ngày mỗi tệ - công việc văn hóa sẽ phải tạm ngưng mất. Nhưng chúng mình thì vẫn cứ viết, đợi một thời khác, lúc nào in được sẽ in.
Kính chúc ông qua năm mới được dồi dào sức khỏe.

-o0o-


Sài gòn, 31-01-70

Thưa ông,
Tôi mới nhận được tức thì Xứ Trầm Hương do một người nào đó đem lại. Thấy mấy hàng chữ rất trang nhã của ông, tôi đoán rằng ông đã viết trước, gởi vào cho Lá Bối, dặn hễ in xong thì dán vào, đem lại tôi liền. Ông đã để lại cho tôi một kỷ niệm rất đẹp về ông, cảm động lắm.
Tết này tôi nhận được hai món quà quí, đều là sách cả, mà Xứ Trầm Hương quí nhất.
Tôi sẽ đọc trong dịp Tết và sẽ có thư sau. (Mấy hôm này tôi bận lắm. Chẳng làm ăn gì mà sao Tết cũng bận).

Kính thư

-o0o-


Nha Trang, ngày 15.11.70

Kính ông,

Một số nhân sỹ Bình Định cùng tôi có mở một tư thục trung học đệ nhị cấp tại Qui Nhơn. Trường dạy được 5 niên khóa rồi. Nay chúng tôi mở một tập san về Văn hóa giáo dục để giúp con em thêm phần kiến thức.
Đại diện cho trường, tôi kính lời vào xin ông hoan hỷ giúp cho tờ tập san số đầu một bài để gây uy tín.
Nếu hoàn cảnh thuận tiện, chúng tôi sẽ cho ra hàng tháng. Chúng tôi rất mong được ông chiếu cố như các tạp chí Văn, Bách Khoa.
Chân thành cảm ơn ông trước.
Riêng tôi xin ông, gởi cho một phiến ảnh để dán vào tập Hồi Ký Bóng Ngày Qua.
Kính chúc ông vạn an.

Vì ông bạn Đỗ đi bất ngờ nên vội ít lời. Xin ông lượng thứ nếu có điều thất thố
(1): Tập san lấy tên Tây Sơn, số đầu ra vào dịp Tết Tân Hợi này. Ở đây có Võ Hồng, Châu Hải Kỳ và Thạch Trung Giả viết giúp.

-o0o-


Sài Gòn, 29-11-70

Kính ông,
Thư ông tới trong khi tôi đi Long Xuyên nên hồi âm trễ.
Hồi này tôi thường đau vặt (cảm cúm mỗi khi đổi thời tiết và chảy nước mắt sống) nên viết lách kém trước, cả năm nay chỉ có mỗi một bài về Xứ Trầm Hương cho tờ Văn; và ít bài cho Bách Khoa. Vậy cái việc viết cho Tập san Văn hóa Giáo dục “Tây Sơn”, xin ông lựa lời cáo lỗi giùm với ông chủ nhiệm cho tôi.
Ảnh thì hiện nay tôi không có sẵn, khi nào có tôi sẽ gửi ra. Tập hồi ký Bóng Ngày Qua ông viết dài không, sắp xong chưa? Tập đó chắc thú vị đấy.
Bệnh trĩ của ông thật hết chưa?
Kính chúc ông mạnh giỏi.