Năm 1971



Sài Gòn, ngày 11-01-1971

Kính ông,

Từ bức thư trước đến nay tôi vẫn chưa mạnh.
Hình của tôi, Bách Khoa giữ một tấm, bộ Giáo dục hỏi mượn rồi lấy luôn! Ngư giữ ít tấm mà lúc này anh ấy đau, nằm dưỡng trí viện Biên Hòa. Anh Bàng Bá Lân giữ mấy tấm mà lúc này tôi không đi đâu, không hỏi được. Sợ ông mong, nên lục hình cũ, có tấm này tạm dùng được, chụp đã vài năm nay.

Xin tặng ông hai tập mỏng nhà Lá Bối in, và xin chúc ông một năm mạnh khỏe, vui vẻ.

Kính thư.

-o0o-


Nha Trang, ngày 15-01-71

Thưa ông,
Nhận được ảnh và hai tập văn ông gởi tặng, chân thành cảm tạ thịnh tình. Năm Canh Tuất ông thường đau yếu quá! Bệnh cúm ngó không ra sao mà dây dưa lâu lắm. Nửa năm Canh Tuất trước tôi cũng bị, ngót 6 tháng mới thật khỏi.  Xuân đến chắc ông khỏe được.

Tôi đã quyết viết cho xong tập Bóng Ngày Qua trước Tết Tân Hợi. Song bị cúm 6 tháng, kế Lửa Thiêng nhận xuất bản hai tập thi thoại, phải xem lại và sửa lại, mất cả thì giờ, thành phần cuối là phần "đời tình cảm” (vợ con, thầy bạn) mới viết được gần trăm trang. Khi chưa viết tưởng chừng vài trăm trang là nhiều. Nhưng khi viết chuyện này kéo chuyện nọ, cứ theo mực mà tuôn ra không dừng được... cho nên chắc cũng đến 500 trang là ít.

Hay dở không biết, viết thấy hứng thú thì cứ viết bừa. Có nhiều chuyện trước kia cho là nhảm nhí, mà khi nhớ lại, lại thấy thú thấy vui. Lại có chuyện trước kia thấy hay ho lắm, mà khi viết xong lại muốn bỏ đi, nhưng rồi tiếc không bỏ !

Ở Nha Trang, tôi thiếu bạn. Lắm lúc có những câu văn đoạn văn ưng ý, không có người để cùng vỗ vế cười to. Nghe anh em quen thân nói rằng ông ở Sài Gòn tuy gần làng văn thơ, song cũng sống cô độc lắm? Anh Đông Hồ mất vội quá ! Tôi đã thiếu thốn, mà mất anh ấy tôi lại càng thấy trống thêm một khoảnh nửa trong tâm hồn. Chắc ông cũng vậy?

Lá Bối in sách vừa đẹp vừa cẩn thận. Hai quyển Hoa Đào Năm Trước  và Làm Con Nên Nhớ dễ thương quá. Tôi phong hương lại để dành thưởng thức trong ba ngày xuân.
“Xuân này ắt hẳn hơn xuân trước”

Kính chúc ông sang xuân lấy lại sức khoẻ và suốt năm Tân Hợi khoẻ mạnh để lo việc văn chương. Kính chúc quí quyến một năm an lạc.

-o0o-


Sài Gòn ngày 27-01-1971

Thưa ông,
Năm nay sao mà ra nhiều báo xuân thế, tôi không mua số báo nào cả mà trong nhà cũng có non mười số để đọc. Đọc qua loa thôi, duy có số Tây Sơn là đọc không chừa bài nào.(1)
Có cái giọng nghiêm, tình, mà có nhiều tính cách văn nghệ, nhiều tình với non sông, số đó là một trong những số có giá trị nhất. Trình bày như vậy cũng vừa ý tôi. (Tờ Khai Phóng ở Nha Trang khổ nhỏ quá, bài cũng không bằng).
Phải in tận Sài gòn thì phí tổn chắc là nặng, một nhóm “Sáng lập viên” thực có gánh vác nổi được đủ lâu cho tới khi có cơ sở vững vàng không ?

Kính thư.

-o0o-


Sài gòn 27-3-1971

Kính ông,
Xin anh em tòa soạn “Tây Sơn” cứ tự tiện trích đăng đoạn đó.
Khí hậu năm nay quả có khác. Trong này tháng này mà không thấy nực lắm, thì ngoài đó lạnh là phải. Những người khoẻ mạnh thì thấy thích chỉ bọn mình già rồi nên thấy khó chịu.
Thực ra cũng chẳng già bao nhiêu, nhưng mấy chục năm chiến tranh, rồi việc nước việc nhà chẳng có gì cho mình vui, mà tâm hồn không vui thì dễ bệnh tật.
Tôi nghĩ chỉ bao giờ hòa bình rồi mới mạnh lên được lâu.
Tôi có gặp ông Phạm Thanh Liêm, nhà Lửa Thiêng. Nhà đó hình như được in một tập thi thoại của ông. Nhà đó có vẻ đứng đắn.

Kính chúc ông mau bình phục.

-o0o-


Sài Gòn ngày 25-5-1971

Kính gửi ông Nguyễn Châu,

Tôi đã nhận được hai số “Tây Sơn” ông đã có nhã ý gửi cho.
Số 2 in ở Qui Nhơn mà có phần đẹp hơn in ở Sài Gòn.
Các ông quyết định như vậy là phải: một năm ra bốn số thôi, giữ được giá trị như lúc đầu và mỗi số có một bài viết về văn học, lịch sử, phong tục, ...từ Nha Trang ra tới Huế, cho tờ báo có một nét riêng của miền Trung thì tôi chắc sẽ được độc giả hoan nghênh. Xin đa tạ ông và chúc các ông thành công.

-o0o-


Nha Trang, ngày 14.9.1971

Thưa ông,
Tập “Đời Bích Khê” của tôi do Lửa Thiêng xuất bản, vừa mới ra đời. Tôi có nhờ nhà xuất bản gởi tặng ông một quyển đặc biệt ngay sau khi in xong. Chắc ông đã nhận được.

Tôi mới nhận được hôm qua (hơn một tháng sau khi in xong). Xem thấy có nhiều chỗ sai sót. Tôi đính chính lại những khuyết điểm quan trọng. Nhưng chắc nhà xuất bản không có in kịp, vì sách phát hành đã hơn một tháng rồi! Vậy tôi xin gởi vào hầu ông một bản đính chính để đỡ phải bực mình khi đọc phải những câu văn vô nghĩa.

Nhà Lửa Thiêng còn nhận in của tôi hai tập thi thoại Trong Vườn Hoa ThơHương Vườn Cũ. Họ hứa in sau Tết Tân Hợi, mà nay đã đến trung thu rồi mà chưa bắt đầu!

Lâu nay tôi tiếp tục viết Bóng Ngày Qua. Đã viết xong những kỷ niệm về các ông bạn quá cố. Sẽ viết về những ông bạn thân yêu còn tại thế. Sống lại những khoảnh đời đã qua, thật thú vị.

Kính chúc ông vạn an.

Tái bút : Nếu đọc Đời Bích Khê, thấy có hứng, xin ông cho ít hàng như Nước Non Bình ĐịnhXứ Trầm Hương. Vô cùng quí báu.

-o0o-


Sài Gòn, ngày 22-9-1971

Thưa ông,
Tôi mới ở Long Xuyên lên, nhận được thư ông hôm qua. Lửa Thiêng chưa đưa cho tôi “Đời Bích Khê”.
Tôi mới đọc vài bài ngắn về thi sĩ đó. Đọc xong tác phẩm của ông, có cảm tưởng gì xin trình bày với ông.

Họ để nhiều lỗi như vậy thì đáng buồn thật, còn cái việc họ hứa in Thi thoại từ đầu năm nay mà bây giờ chưa bắt đầu thì là cái lệ chung ở đây rồi, nhà nào cũng thế, nhà nào cũng có một đống bản thảo tính in mà chưa in. Kể ra các nhà văn trong Nam này hoạt động mạnh thật chứ.
Cho nên chúng ta phải kiếm ít nhất là ba nhà xuất bản để giao thiệp mới được.
Có nhà An Tiêm thích văn nghệ, nhà Trí Đăng mới ra, không kể nhà Lá Bối ông đã qua. Những nhà đó biết quí văn của ông.
Lúc này ông vẫn mạnh?

Tái bút: Tôi mới nhận được số 3 Tây Sơn. Lần này in ở Qui Nhơn sáng sủa. Tôi xin cảm ơn các bạn chủ biên.
                                                            -o0o-


Nha Trang ngày 28-10-1971

Kính ông
Nhận được thư và sách ông gửi cho. Xin cảm ơn ông.

Mấy lời ông nói về Đời Bích Khê là liều thuốc bổ đối với tôi.
Tôi có một nhược điểm là không được tự tin. Làm việc gì cũng tận tâm tận lực, song không bao giờ dám nghĩ là thành công. Nếu không có người tôi tin tưởng cho biết ý kiến thì những lời chê khen không giúp ích cho tôi được nhiều.

Những lời của ông lâu nay làm cho tôi vững bụng. Từ Nước Non Bình Định đến Đời Bích Khê ông nhìn thấy những bí ẩn trong lòng tôi. Ông đã nói những điểm ưu điểm khuyết mà tôi nhận thấy chưa dám quả quyết. Nếu tôi được ở gần ông thì quí biết chừng nào! Ở Nha Trang, tôi không có bạn thiết nên đành thui thủi làm việc một mình!

Quả như lời ông, tôi đã định nhập một hai chương đầu lồng những cuộc tình duyên vào những quãng đời của Bích Khê, như trong Đôi Nét Về Hàn Mặc Tử . Nhưng rồi bị Đinh Hùng, trước khi từ trần rút chương “Những cuộc tình duyên của  Bích Khê” ra viết Ngày Đó Có Em và giao Giao Điểm xuất bản năm 1967, thành tôi bại hứng buông xuôi... Nay “Bích Khê” đã ra đời rồi, lĩnh tôn ý tôi sẽ viết lại hai chương trước.

Tập Trong Đồng Tháp Mười của ông, đối với tôi là một vườn trái ngon. Tôi đã theo ông đi suốt một ngày và nửa đêm. Tôi đi chậm là vì phải níu ông lại để thưởng thức những cảnh vườn, những con kênh, những rừng lách... nhất là đầm sen và cảnh dòng Lâm Vồ... Dừng bước tại đầm sen, tôi muốn rủ ông theo ông Chu Mậu Thức bơi thuyền vào ngủ với hoa... Cùng ông ngắm bóng trăng huyền ảo trên dòng, tôi nghĩ nếu có một tiên cô đến tựa vào vai ông, ngồi nghe người giữ trại kể chuyện, thì khi ông trở lại Sài Gòn chắc được nghe con cháu kể chuyện ông tổ năm đời đi lạc vào Đồng Tháp Mười...
Thật thú!

Còn một thú nữa cũng hết sức thú là “ghen vì hò”. Tình tiết tế nhị. Kết thúc đột ngột. Rõ là một thiên tình sử vừa ly kỳ vừa bi đát. Tuyệt. Tuyệt.

Xin thú thật: Lâu nay tôi mờ mịt về Đồng Tháp Mười!
Nghĩ tội nghiệp cho con người Việt Nam quá! Có một dải non sông nhỏ hẹp mà không mấy người biết cho khắp đó đây!

Còn một điều nữa cũng đáng thương là chưa có một quyển tự điển gồm đủ thứ tiếng địa phương từ Nam chí Bắc để người Việt và người Việt dễ hiểu nhau. Tôi bật cười, cười nhưng hơi thèn thẹn khi nghe ông giải thích tiếng “cơm nắm”. Tôi đọc tiếng ấy nhiều lần, không hiểu “cơm nắm” như sao, muốn hỏi nhưng chưa có dịp... Thì té ra là “cơm vắt” mà tôi thường ăn lúc đi đường từ làng đến trường Qui Nhơn để học và thường ăn lúc tản cư thời kháng chiến chống Pháp!

Còn món dụng cụ mà anh chàng dùng lúc nổi cơn ghen đó, ở Bình Định gọi cái phãng (với dấu ngã) và lưỡi ngắn bằng lưỡi rựa, nhưng cán dài hơn cán rựa, dùng để phát bờ. Lưỡi không mỏng và bén bằng rựa, song khi thấy chị vợ trẻ đẹp toan phản thì cũng dễ làm “bay tóc” lắm...

Trong sách ông có lầm một điểm nhỏ là Mai Xuân Thưởng ở Bình Định chớ không phải ở Phú Yên. Bá Lộc giết rất nhiều nghĩa sĩ từ Bình Thuận ra Bình Định, người bị Lộc giết sau hết là anh hùng Mai Xuân Thưởng. Dân miền Nam Trung Việt đến nay vẫn còn oán tên Việt gian ấy.

Nhà xuất bản Trí Đăng in sách đẹp và cẩn thận ít sai. Không biết họ có thể in hai tập thi thoại Hương Vườn CũTrong Vườn Hoa Thơ của tôi chăng? Hai tập này không mong gì Lửa Thiêng chịu bỏ tiền ra in, mặc dù đã ký giao kèo, vì sách có hơi dày (1 tập 400 trang đánh máy dày, tập gần 500 trang) và sẽ ít người đọc. Họ để lâu quá, tôi rất ngại hoặc rủi lạc mất, hoặc rủi có người không tốt rút những điểm chính ra làm của họ. Nước Non Bình Định để nhà xuất bản Nam Cường, Đời Bích Khê gửi nhà chị Ngọc Sương đã gặp sự không may ấy. Không tiền, nhiều khi bất lợi cho văn chương! Và viết sách xong mà được xuất bản sớm là một cái thú.

Kính chúc ông an lạc.

-o0o-


Sài Gòn ngày 06-11-1971

Kính ông,
Xin đa tạ ông đã đọc rất kỹ “Đồng Tháp Mười” cho tôi được hai lời (chắc còn nữa): Mai Xuân Thưởng và phãng. Đúng trong Nam này cũng gọi là phãng (theo tự điển chánh tả của Lê Ngọc Trụ), nhưng cũng phát âm khác nhau? nên tôi cứ theo giọng mà ghi bậy ra là phảng.
Những đoạn ông khen cũng chính là những đoạn tôi thích, mà một số bạn nữa thích.

Tôi hơi lạ về lời tâm sự của ông (thiếu tự tin), vì thường thường sở đoản của mình thì ít khi mình biết (hoặc biết mà không chịu tự nhận), còn sở trường thì dễ nhận chứ, nhất là mình đã đọc nhiều - tự so sánh với các cây viết đồng thời.
Ông cứ vững tâm đi. Về thơ cũ, nhất là thơ Đường luật, hiện nay chỉ còn ông và ông Đông Xuyên, mỗi người một vẻ, nhưng đều đạt tới một mức cao, hơn thơ cũ của Đông Hồ.
Đông Xuyên không viết văn. Còn văn của ông có phần không tươi bằng văn Đông Hồ, nhưng ông tả cảnh hay hơn, và văn Đông Hồ đôi khi hơi cầu kì, văn của ông không mắc phải lỗi đó.

Tôi không nhớ trong một bài báo hay cuốn sách nào cách đây non một năm, một bạn trẻ cũng nói rằng thích văn của ông hơn thích thơ của ông nữa (phải lớn tuổi mới thích thơ của ông được), vậy ông còn nghi ngờ gì nữa?

Chương cuối trong “Đời Bích Khê” có một điểm rất quan trọng giúp tôi hiểu thêm được đời và thơ Bích Khê, ông có đoán ra điểm này không ? Điểm Bích Khê bị bệnh “xuất dương” đó. Đọc hai chương đầu, tôi thắc mắc không hiểu tại sao Bích Khê có thái độ như vậy đối với các người yêu của ông ta. Nguyên nhân chính là tại cái bệnh đó phải không ?
Cho nên nếu ông viết lại cuốn đó thì tôi đề nghị ông lồng cả ba chương 2, 3, 4 vào chương đầu. Ông cứ theo thứ tự thời gian mà chép, lúc thì chép đời sống, lúc thì phân tích tâm lý, lúc thì phân tích thơ, và thêm ít đoạn tả cảnh nơi Bích Khê đã sống nữa (đây là sở trường của ông); như vậy tác phẩm sẽ linh động và nhất trí hơn.
Nhưng sức khoẻ ông không biết còn dồi dào không; chứ tôi nghĩ tới cái việc viết lại hết thảy như vậy, thấy ngán lắm. Chắc tại tôi yếu hơn ông rồi, mặc dầu tuổi còn kém.

Trí Đăng in cuốn Đồng Tháp Mười ít lỗi như vậy là nhờ có anh Nguyễn Hữu Ngư sửa ấn cảo cho. Anh ấy lúc này đau thường lắm, không làm việc được nữa, sách Trí Đăng in cũng nhiều lỗi như những nhà sách khác.

Hai tập thi thoại của ông đã đưa Lửa Thiêng rồi, mà họ lại mới in xong cho ông cuốn Đời Bích Khê thì tôi nghĩ cứ để sang năm hãy tính: mỗi lần lấy lại, đưa nhà xuất bản khác phiền lắm mà chưa chắc nhà sau đã in cho ngay đâu, tình trạng bây giờ là nhà nào cũng có cả chục bản thảo nhận in mà chưa in được. Một chục là ít đấy, nhà Khai Trí có 200 bản thảo như vậy kia. Riêng Lửa Thiêng còn giữ của tôi ba bản thảo, của Bàng Bá Lân một bản, mà chúng tôi không tiện thúc. Bản thảo nào, đưa cho bất kỳ một nhà xuất bản nào, nếu một năm sau họ in cho, thì cũng nên coi là mau rồi.

Nhưng tập hồi ký của ông thì có lần cách đây ba tháng, ông Trí Đăng có nói: ”Loại đó, ông Quách Tấn viết chắc là được”. Không hiểu sao ông ấy cũng biết ông đương viết cuốn đó mà viết dài nữa. Vậy nếu ông muốn thì xin cho tôi biết tập đó ông viết xong độ bao nhiêu trang, rồi khi nào gặp ông ta - dăm ba tháng tôi mới gặp một lần - tôi sẽ hỏi dò xem. Nếu khoảng ngàn trang thì chưa chắc họ sẽ in đâu - vì in sẽ tốn non triệu bạc, tôi cũng nói thêm: hầu hết các nhà xuất bản bây giờ không giữ đúng lệ tác quyền là 10% đâu; mà in xong có khi sáu tháng, một năm họ chưa nộp đủ đâu. Nhà Lửa Thiêng, Lá Bối, cho tới nay đáng kể là đứng đắn nhất về phương diện đó. Cứ nên coi rằng luật chung là nhà xuất bản bán thủ vốn in rồi mới trả tác quyền, và như vậy sớm nhất là sáu tháng.

Chúng mình viết văn, phải chịu cái cảnh đó: viết xong để đấy, chưa biết bao giờ mới in được. Ai cũng vậy, dù ông có tiền, có nhiều tiền đi nữa, bỏ ra in thì cũng không giải quyết xong vấn đề được, vì in rồi phải bán, nếu bán một năm chưa thu đủ vốn thì tất ngán thêm, ngán nhất là chỗ đâu mà chứa sách còn lại, lo mối ăn nữa.

Mỹ thế nào cũng sẽ giảm viện trợ nhiều, ngoại tệ thế nào cũng sẽ hiếm, sợ sang năm chính phủ phải hạn chế nhập cảnh giấy báo, in được một cuốn sách sẽ khó khăn lắm. Lại thêm nạn thất nghiệp sẽ mạnh, độc giả không đủ tiền mua sách, sách in được, chưa chắc đã bán được. Đó là điều đáng lo cho bọn mình nhất. Chúng ta sẽ làm gì đây khi không viết nữa?

Về cái nạn “họ” mượn tài liệu của mình để viết thì tôi cũng đã bị vài lần rồi (ông kiểm duyệt); nhưng tôi nhận thấy họ chỉ mượn để viết lăng nhăng một bài kiếm ít tiền “còm” không hại gì cho mình. Còn những nhà như Lửa Thiêng, Trí Đăng... thì họ đứng đắn, khỏi lo. Đáng ngại nhất là họ đánh mất bản thảo.  Nhưng chính chúng ta phải đề phòng cho họ chứ: ít nhất phải có ba bản, và đưa cho họ một bản thôi, khi nào họ in sẽ đưa thêm bản nữa. Tôi có cách là dùng giấy than viết một lần ba bản vì không biết đánh máy.

Kính chúc ông vạn an.

Tái bút: Số nhà của ông trước là 21, sau ông sửa lại là 12; thư vừa rồi ông lại đề là 21. vậy 12 hay 21?

-o0o-


Nha Trang, ngày 01-12-71

Kính ông
Chân thành cảm ơn ông đã giúp ý kiến trong “Đời Bích Khê”. Khi cao hứng sửa lại, xin theo lời ông nhập ba đoạn lại làm một. Viết về Hàn Mặc Tử, tôi đã theo cách ấy, chia đoạn để dễ viết hơn, song thật chẳng khác một cây tùng chia thành nhiều khúc.

Tập Trong Vườn Hoa Thơ, nhà xuất bản Lửa Thiêng gởi lại cho tôi nhờ sửa lại những dấu khó đọc (?). Đó là một cái cớ để hủy giao kèo. Hết lấy cớ không có chữ Hán, tôi bằng lòng bỏ chữ Hán, đến lấy cớ khó đọc trong khi tôi đánh máy khá rõ ràng.
Từ trước đến giờ tôi ít giao thiệp cùng các nhà xuất bản. Tân Việt, Nam Cường, Lửa Thiêng... đều gởi thư đến “xin cho được in tác phẩm”. Thế mà...!!

Được mấy lời của ông cho biết tình trạng chung của giới viết văn, tôi không bận tâm đến sự thất tín của các nhà xuất bản. Tân Việt lén tái bản tập thơ Hàn Mặc Tử. Tình cờ đi tiệm tôi biết được song không biết ông Lê Văn Vang hiện ở đâu để yêu cầu trả tiền bản quyền trước khi đưa ra  pháp luật. Trước kia (1961) Tân Việt mắc tôi 21.000 tiền tác quyền Mùa Cổ ĐiểnMột Ngàn Lẻ Một Đêm. Đòi mãi không được. Nay lại còn làm điều phi vi nữa. Ngán quá!

Chuyện đời tạm gác.
Xin nói chuyện văn chương.

Về bệnh “quốc cấm” của Bích Khê, tôi không biết ông bạn mắc đã bao lâu. Cũng như ông, tôi đoán bệnh đó là nguyên nhân chính làm cho tình yêu của Khê chỉ nồng nàn trong tư tưởng và đưa Khê đến chứng bệnh nan y.
Chế Lan Viên có một dạo cũng bị bệnh ấy, song chỉ mộng chứ không di. Sau khi cưới vợ thì hết. Thế mà cũng đưa đến đau phổi. Nếu Chế không sang Trung Hoa chữa thì khó mà còn cho đến nay. Tôi lúc 20 - 21 tuổi cũng bị mộng và cũng bị đau phổi. Nhờ trị hung lắm mới khỏi. Khỏi nhưng hễ nghe trong mình hơi yếu là lo tiêm kim bổ phổi ngay. Bệnh “xuất dương” kể thật nguy ông nhỉ! Hèn chi chánh phủ “hạn chế” là phải.

Tập “Bóng Ngày Qua” của tôi chắc đợi thần tài gõ cửa, mới có thể ra đời được vì hơi dày. Hiện đã viết được 4½ còn 2½ nữa mà đã dày trên 2.000 trang pelure viết tay chữ như trong thư này. Những chuyện xưa lâu nay nằm trong ký ức, nay khui ra, chúng tuôn như nước vỡ đê... Ngòi bút lắm khi chạy theo không kịp.

Bách Khoa đã đăng lời ông giới thiệu Đời Bích Khê. Thế là đủ bù cho công khó bấy nay.
Trong số Văn vừa phát hành (số 190 ra ngày 15-11-71) có bài của tôi về điển Ô Y Hạng và các lối dùng điển. Tôi mạn phép đem ý kiến của ông vào để thêm duyên.
Hơn tháng trước Vũ Phan Long có vào thăm tôi. Những lời khuyến khích của ông rất có lợi cho Long.
Long có thi cốt, thi tài nhưng thi học còn kém, và công uẩn nhưỡng cũng chưa được dày. Tôi cố tình nâng đỡ dìu dắt mà không biết lực có tùng tâm chăng.

Có một điều tôi rất lấy làm lạ ở các nhà thơ trẻ tuổi: Họ có quan niệm rằng làm thơ không cần học vấn! Họ không nghĩ rằng thi cốt, thi tài là tiên thiên, thi học là hậu thiên. Tiên thiên bất túc mà nhờ thuốc thang bổ dưỡng, sức vóc cũng có thể trở nên khương cường. Chớ còn tiên thiên sung mãn mà thiếu cơm, thiếu nước thì làm sao da thịt được hồng hào? Họ làm thơ như uống rượu, chớ không như đánh đàn hay vẽ. Vẽ và đánh đàn phải học tập tử công phu mới thành tựu, chỉ có làm thơ và uống rượu là làm đến, uống đến thành thói quen!! Họ tự phụ quá sức cho nên từ trước đến giờ tôi đành “kính nhi viễn chi”. Riêng Vũ Phan Long, tôi nhận thấy người biết phục thiện, cầu tiến nên tôi coi như con em trong nhà. Được ông khuyến khích, tôi mừng quá.
Quí ông Bùi Khánh Đản, Đan Quế, Bạch Lãng gởi thiếp mời dự buổi họp thơ vào ngày 25-12-71.  Ông ở gần chắc đến dự được. Tôi ở xa quá đành gởi ít bài thơ. Theo lời yêu cầu của ban tổ chức vào tặng quý bạn Tao Đàn. Nhân tiện xin gửi một bản vào ông xem trước cho vui.

Kính chúc ông vạn hảo.

Tái bút: Về số nhà, số cũ 21, số mới 12. Thế mà gởi số 12 luôn luôn bị lạc đến nhà khác, nên phải dùng lại số 21!

-o0o-


Sài Gòn, ngày 11.12.71

Kính ông,
Ông lúc này mạnh không, mà sao viết được nhiều vậy? Tập hồi ký của ông như vậy chắc đến 3.500 trang. Đáng ngợp! Ông dùng toàn trí nhớ thôi, hay có thêm tài liệu ông đã thu thập từ trước? Phải đợi một thời gian nào khác chứ thời này không nhà nào dám lãnh nó đâu. Còn đợi thần tài thì tôi chưa thấy ông ấy gõ cửa một nhà văn nào bao giờ.

Nhưng ông có thể trích ít đoạn trong Bóng Ngày Qua đăng hoặc có thể trích ra một phần nào (về các nhà văn thời tiền chiến chẳng hạn) mà cho in thành một tập. Như vậy chắc có người vui vẻ nhận in.

Trên mười năm nay tôi không gặp ông Lê Văn Vang, nghe nói bản quyền các cuốn ông ấy in trước 1945, ông ấy đã nhường cho Khai Trí, hình như lúc này ông ấy bỏ ngành xuất bản làm ăn việc khác. Ông có thể viết thư hỏi ông Khai Trí về địa chỉ ông ta. Tôi sẽ hỏi các nhà xuất bản hoặc các nhà bán sách (lại mua sách của tôi) xem có ai biết địa chỉ không, được thì tôi sẽ biên thư cho ông hay. Mà tôi nhắc ông cứ viết thư bảo đảm cho giám đốc nhà xuất bản cuốn đó, hỏi ai cho phép xuất bản thì lòi ra ông Lê Văn Vang. Nếu họ không đề địa chỉ nhà xuất bản thì viết thư cho nhà in.

Đối với các nhà xuất bản, phải kiên nhẫn lắm. Ông đánh máy bản thảo mà Lửa Thiêng còn cho là khó đọc, thì ông cứ sửa lại những chỗ quả tình là khó đọc rồi gởi cho họ, xem họ tính sao? Nếu không có chỗ nào khó đọc thì ông cũng cứ gởi lại cho họ, nhờ họ bảo thợ sắp chữ chỉ cho ít chỗ khó đọc để ông biết thế nào là khó đọc.
Giao kèo với nhà xuất bản không có giá trị gì đâu vì họ không đem trước bạ, đưa luật sư cũng lôi thôi lắm.

Tôi cũng thấy các bạn văn trẻ bây giờ ngông lắm. Tôi nhớ một bạn bảo tôi: Văn sĩ Caldwell của Mỹ nổi tiếng khắp thế giới mà ông ta bảo không hề đọc sách của ai cả; Người viết nhiều thì không đọc, người đọc nhiều thì không viết. Vậy thì cần gì đọc sách?
Những nhận xét của ông về điểm đó nên cho vào tập Bóng Ngày Qua.

Tôi cũng mới nhận được thư mời dự buổi họp thơ ở vườn Tinh Hoa. Tôi không làm thơ nên sẽ không dự. Mà từ trước tới nay, các cuộc họp về văn, tôi cũng không hề dự.
Bốn bài thơ ông gởi cho họ, tôi thích bài Với Cảnh hơn cả: Trầm. Tĩnh mà đẹp. Hai bài ngũ ngôn cũng thế. Kính chúc ông vạn an.
           
-o0o-

Nha Trang ngày 01-12-1971

Kính gửi ông Nguyễn,
Hơn hai tháng nay tôi không viết được một chữ! Vì nhà tôi bị bệnh, nhà không người giúp việc, tôi phải tập làm những việc thường ngày. Nhà tôi vừa bớt thì tôi bị trặc lưng, không ngồi được gần nửa tháng. Vừa ngồi được đi được, cao hứng đi một vòng phố, trở về bị trặc chân không đứng được, lại phải nằm hơn nữa tháng nay! Nay đã nhúc nhắc được lại bị áp huyết cao 18/10!

Năm 61 tuổi bị mổ. Năm 63 tuổi bị trặc lưng bại chân, áp huyết cao!
Năm nào cũng gần Tết mới phát bệnh. Coi vậy mà trời cũng thương. Xuân sang, sức khỏe cũng xuân trở lại cho “hợp tình hợp cảnh”.
Đau chơi chơi mà tôi cảm thấy già hơn mấy tháng trước nhiều quá...muốn chóng bình phục thì phải theo lời thầy thuốc dặn: nghĩ ngơi. Viết lách thấy vui, nghỉ ngơi sanh nghĩ ngợi. Nghĩ ngợi sanh buồn... Muốn đi chơi, không đi được vì thiếu phương tiện. Chờ bạn thì bạn ở xa!  Đọc sách thì chóng mặt...
Cái khổ của tuổi già!

Tập Trong Vườn Hoa Thơ không mong gì in được! Mong ra giêng sức khỏe lấy lại được để tiếp tục viết cho xong Bóng Ngày Qua. Tình bạn bè, tình vợ con, tình người, tình... dạt dào trong lòng trút ra cho hết để tâm hồn có chỗ trống hầu chứa những gì cao siêu.

“Tuổi già giọt lệ như sương”. Đó là thường tình. Tôi lại trái ngược! Lúc thanh niên muốn khóc cho vơi nỗi lòng, khóc không được. Lúc này hễ lòng động thì lệ rưng rưng, nhiều khi nằm khóc một mình như con nít!...

Sáng hôm nay tự nhiên nhớ ông, ngồi viết mấy hàng này...
Cầu chúc ông cùng bửu quyến sang năm Nhâm Tý đặng mọi sự yên vui.