CHÙA CHIỀN

Chương VI: Những nơi thờ phụng
B
CHÙA CHIỀN

Khánh Hòa hiện nay có lẽ là tỉnh nhiều chùa chiền hơn tất cả các tỉnh Miền Nam Trung Việt. Tất cả lớn nhỏ, cũ mới, cộng trên vài trăm ngôi, trên núi có, dưới đồng bằng có, nơi thôn quê có, nơi thị thành có.
Nhưng không có ngôi chùa nào đồ sộ nguy nga.
Nếu dồn nhân lực tài lực lại mà dựng một ngôi chùa vĩ đại trên một dãy núi cao để cho mọi người chiêm ngưỡng thì công hoằng pháp tưởng còn cao bội phần, vì lòng của phật tử tập trung vào một nơi và cảnh trang nghiêm hùng tráng ngày ngày trông thấy dễ dẫn dắt lòng hồi hướng của thế nhân.
Riêng nói về cổ tự Khánh Hòa cũng không thua Bình Định, Phú Yên là nơi Phật giáo truyền bá trước.
Và các tổ khai sơn của các ngôi chùa có danh ở các tỉnh, hầu hết là người Trung Hoa, như chùa Thập Tháp, chùa Linh Phong..., ở Bình Định chẳng hạn.
Ở Khánh Hòa, các Tổ khai sơn đều là người Việt Nam, người trong tỉnh có người ngoài tỉnh có.
Đó là một đặc điểm của Khánh Hòa.
Trừ Cam Lâm và Khánh Dương là hai quận mới, quận nào trong tỉnh cũng có ít ra là một ngôi chùa cổ. Như thế chứng tỏ việc tu hành của người Khánh Hòa, ngày xưa thạnh vượng biết bao!
Ở Vạn Ninh, ngôi chùa cổ nhất là:
LINH SƠN TỰ
Chùa nằm tại thôn Hiền Lương.
Thủy tổ khai cơ là Hòa Thượng Đại Bửu, Pháp hiệu là Kim Cang Đại lão Tổ Sư.
Ngài quán Quảng Nam băng ngàn vào Hiền Lương hoằng pháp. Năm Cảnh Hưng thứ 22, tức năm 1761 Dương Lịch mới lập chùa đúc chuông, gây cơ sở vững chắc [1].
Ban sơ chùa gọi là Sa Long Tự.
Triều Tự Đức, năm thứ 21 (1867) chùa bị thất hỏa. Sau khi xây cất lại, cải tên là Linh Sơn Tự.
Từ bấy đến nay, chùa đã được trùng tu nhiều lần. Kiểu thức cổ phác, và hoàn toàn Việt Nam.
Mái ngói tường gạch. Chánh điện ba gian, phía đông phía tây có tăng phòng, tịnh thất.
Cách thờ phụng đơn giản nhưng trang nghiêm, đại khái cũng như các chùa cổ ở Trung Việt.
Vườn chùa rộng rãi và có nhiều cây cối tươi mát.
Phía trước có tường vôi và cửa Tam quan cổ kính.
Trước mặt chùa là đồng lúa bát ngát, có hồ sen sâu rộng, có sông Hiền Lương quanh co. Và xa xa núi cao chập chờn
Phong cảnh quang đãng nhưng thanh tịnh.
Trong vườn chùa có hai cây cổ thụ:
- một cây xoài,
- một cây kén.
Cây Xoài ở trước chùa, cạnh ngõ bước vô.
Thuộc giống xoài mủ, sống trên trăm năm. Thân cao vút và nhánh mọc tua tủa như những cánh tay gân guốc giơ lên trời. Sắc lá xanh láng, màu da cây lại trăng trắng mông mốc. Đứng xa trông như một cây lọng trương nửa chừng. Vừa kỳ vừa cổ!
Cây Kén đứng phía sau chùa. Thân cao vút và tuổi chắc là từ 300 trở lên.
Chính ngài Đại Bửu ngồi tu nơi gốc cây kén nầy, trước khi chùa thành lập.
Vùng Hiền Lương trước kia là một cánh rừng rậm, có nhiều dã thú. Lúc ngài Đại Bửu đến tu thì cây kén đã là một đại thọ. Khi phá rừng dựng chùa, các đệ tử giữ cây kén lại làm kỷ niệm.
Truyền rằng: Khi hòa thượng ngồi tu dưới gốc cây, thì một con hổ đến sanh nở bên cạnh một cách tự nhiên. Hòa thượng cũng ngồi tu một cách tự nhiên.
Không có gì là lạ.
Bác sĩ Yersin, khi đi tìm Dalat, gặp một con rắn hổ mang cất cổ toan làm dữ. Bác sĩ đứng yên. Hồi lâu rắn bỏ chạy. Người ta ngờ rằng Bác sĩ có thuật thôi miên. Nhưng Bác sĩ cho biết:
- Thú dữ cắn người, trước hết là để tự vệ. Nhưng chúng đều có tánh linh và rất nhạy cảm. Một khi chúng đã thông cảm rằng mình không có ác tâm, không có ý làm hại chúng, thì chúng có cần hại mình làm chi.
Trường hợp của ngài Đại Bửu cũng thế. Từ thiện căn lực của ngài tỏa ra khi thiền định, khiến con hổ yên tâm lo nhiệm vụ của mình.
Các vị chân tu sống bình yên trên núi cao đều nhờ sức mạnh của đức từ bi, chớ không phải nhờ phép thần thông chế ngự được thú dữ.
Nhưng người đời không rõ, tưởng ngài Đại Bửu có phép lạ, nên đến xin quy y mỗi ngày một đông.
Quả hồng chung trong chùa cũng là một vật duy trì đức tin của bổn đạo.
Nguyên thời nhà Nguyễn Gia Miêu cùng nhà Tây Sơn tranh hùng, các chuông chùa đều bị tịch thu để đúc súng đạn. Đem chuông ra đúc súng đạn thật chẳng khác bắt các vị tu hành tòng chinh. Để cho chuông khỏi “phạm giới sát sanh”, nhiều chùa ở Khánh Hòa đem dấu nơi vực sâu hố thẳm. Nhưng đến khi yên giặc giã, thì phần nhiều không tìm lại được, bởi lớp bị kẻ gian phi lấy trộm, lớp bị nước lụt trôi.
Quả hồng chung chùa Linh Sơn tìm lại được do một sự tình cờ đượm vẻ huyền bí:
- Một bà lão đi mò ốc phát kiến tại cửa sông Hiền Lương. Sợ quá liền tri hô. Cửa sông Hiền Lương vốn nằm giữa thôn Hiền Lương và Tân Đức. Biết hồng chung là vật xưa quý giá, làng Hiền Lương và làng Tân Đức tranh nhau để chiếm hữu. Việc phải đưa đến cửa quan. Quan xử:
- Làng nào có chùa, chuông về làng ấy.
Hiền Lương có chùa Linh Sơn, Tân Đức không có chùa, nên Hiền Lương được kiện. Làng khiêng chuông về đem đến cúng cho chùa Linh Sơn.
Việc dấu chuông của chùa Linh Sơn, nhiều vị phụ lão thường nghe nói đến. Lại thêm nơi thành hồng chung có ghi rõ năm tháng chú tạo: “Cảnh Hưng nhị thập nhị niên, Tân Tỵ, bát nguyệt” đúng vào năm Tổ Đại Bửu khai sơn. Nên ai nấy đều mừng “châu về hợp phố”.
Quả chuông tìm lại được đó là quả chuông thuộc hạng “tiểu hồng chung”. Chùa còn một đại hồng chung không biết còn vùi lấp nơi đâu hay đã hóa kiếp.
Những đêm trời trong gió lặng, người quanh vùng thỉnh thoảng nghe tiếng chuông ngân nơi hồ sen trước chùa. Nhiều người tin chắc rằng quả đại hồng chung còn ẩn náu trong hồ, và sẽ trở về với chùa một ngày nào đó.
Chùa Linh Sơn có tiếng là linh thiêng. Việc quả hồng chung trở về chùa làm cho các tín đồ thêm vững lòng mộ đạo. Lại còn một sự kiện nữa xảy ra thời Tiền Chiến, khiến nhiều người kém đức tín cũng phải tin rằng chùa linh thiêng thật sự.
Lúc bấy giờ Nhật đóng lãnh thổ khắp Việt Nam. Tàu bay Mỹ ngày nào cũng đến oanh tạc. Khánh Hòa cũng không thoát khỏi nạn bom rơi.
Năm 1944, một quả bom hạng nặng rơi ngay trên nóc chùa. Nhưng không nổ mà cũng không lăn xuống đất.
Ai cũng lấy làm lạ. Vì quả bom nầy nếu nổ thì chùa bị tan tành. Không nổ thì sức nặng cũng đủ chọc thủng nóc chùa hoặc lăn theo mái chùa xuống đất bằng cho hợp lý. Cớ chi lại nằm chình ình trên nóc mà tứ bề không có vật gì cản ngăn? Người Nhật nghe tin bom nằm trên nóc chùa thì đến lấy mang đi, chớ không có một lời giải thích. Các ông già bà cả bảo rằng:
- Các vị thần giữ chùa làm cho quả bom tắt ngòi. Rồi để cho người đời tin sự linh thiêng, các ngài đem đặt bom trên nóc chùa và giữ không cho rơi xuống đất.
Người đã tin thêm tin. Người không tin không biết sao mà cãi. [2]
Chùa Linh Sơn là Tổ đình của hầu hết các chùa quận Vạn Ninh.
Cổ nhất quận Ninh Hòa là:

THIÊN BỬU TỰ
Chùa ở thôn Mỹ Hiệp.
Tổ khai sơn là ngài Tế Hiển, pháp hiệu Bửu Dương.
Chùa dựng thời Lê Cảnh Hưng. Nhưng không rõ năm nào.
Chùa mới sửa lại
Vì nằm trong vùng ở ngay dưới chân đường hỏa xa và chung quanh có nhiều nhà cửa chen chúc, quang cảnh chùa không được khoản khoát bằng chùa Linh Sơn. Tuy vậy kiểu thức của chùa vẫn giữ được bản sắc cổ truyền và không khí trong chùa vẫn đượm đà mùi Đạo.
Đây là Tổ đình của hầu hết các chùa trong quận, và là nơi đã đào tạo được nhiều danh sư, như ngài Đại Phước kế truyền ngài Tế Hiển, ngài Đạo Phước kế truyền ngài Đại Phước.
Đến đời thứ tư, ngài Liễu Bửu pháp hiệu Huệ Thân, được vua Minh Mạng vời ra kinh đô dự “Thủy lục Đạo tràng” siêu độ trận vong quan binh, tổ chức vào tiết Trung Nguyên năm Minh Mạng thứ 16 (1835), và rồi được sắc tứ giới đạo và độ điệp. Hiện chùa còn giữ.
Ngoài tổ đình Thiên Bửu Tự, Ninh Hòa còn hai ngôi chùa cổ nữa cũng lập vào thời Lê Cảnh Hưng. Đó là:
- Phổ Hòa Tự,
- Thanh Lương Tự.
PHỔ HÒA TỰ
Chùa ở thôn Bình Thành xã Ninh Bình.
Ngài Tế Đường, pháp hiệu Châu Cấp là Tổ khai sơn.
Ngày thành lập không được rõ. Vì chùa Phổ Hòa cũng như hầu hết các chùa cổ trong tỉnh đều mất tự phổ vì loạn lạc. Nhưng vì Tổ khai sơn cùng chữ Tế như ngài Bửu Dương chùa Thiên Bửu, nên có thể biết đại khái rằng chùa Phổ Hòa cũng lập thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786).
THANH LƯƠNG TỰ
Chùa ở thôn Nhĩ Sự xã Ninh Thân.
Tổ khai sơn là vị nào không được rõ.
Chùa có một quả đại hồng chung rất xưa, trên thành có khắc ngày tháng chú tạo là mồng 8 tháng tư, tức ngày Phật Đản, năm Cảnh Hưng thứ 8 tức năm 1747 Dương lịch. Lại có khắc cả tên hòa thượng chứng minh chú tạo là ngài Tế Hiển chùa Thiên Bửu. Để tránh nạn dùng chuông đúc súng, chùa Thanh Lương cũng như phần nhiều chùa trong tỉnh, đem quả đại hồng chung dấu nơi Bàu Bơi (Ninh Thân); nhưng rồi tìm không thấy. Sau người làng Đại Cát, Đại Tập, Nhĩ Sự đến cầu nơi bàu, thình lình thấy chuông tự nhiên nổi lên rồi chìm xuống. Lặn xem thử thì thấy úp sấp trên cát. Xúm nhau kéo lên, kéo hết hơi sức, vẫn không chút di chuyển. Sau làng Nhĩ Sự thiết hương án cầu nguyện, thì chuông tự nhiên nhẹ bổng, khiêng về chùa một cách dễ dàng.
Chính nhờ quả đại hồng chung mà các vị trụ trì đương thời mới biết được các vị Tổ khai sơn chùa Thiên Bửu, chùa Phổ Hòa, chùa Thanh Lương sống thời Hậu Lê. Và các chùa tạo lập thời Cảnh Hưng vậy.
*   *   *
Sang đời nhà Nguyễn, Ninh Hòa còn tạo lập thêm nhiều ngôi chùa khác, như:
- Chùa Thiên Đức,
- Chùa Thiên Phước.
Là hai chùa có danh vì các vị tổ khai sơn là những ngài có đại đức.
THIÊN ĐỨC TỰ
Chùa cất trên ngọn đồi thôn Bình Tây, xã Ninh Hải, khu vực Hòn Khói. Cất năm Minh Mạng nguyên niên (1820).
Tổ khai sơn là Hòa Thượng Liễu Đức, pháp hiệu Huệ Giáo.
Người đương thời gọi Ngài là Hòa Thượng Đò.
Gọi như vậy là vì trong vùng có một bến đò, qua lại phải chờ đợi rất bất tiện. Hòa thượng bèn ra công bắc cầu. Không biết lấy gì đền ơn cho xứng đáng, người địa phương ghi công đức trên bia miệng bằng mấy chữ bình dân: Hòa Thượng Đò.
Nghe thì nôm na mà ý nghĩa rất sâu sắc:
Bắc cầu để giúp người đời qua khỏi dòng nước khó qua là tượng trưng cho việc lấy Phật pháp để đưa chúng sinh ra khỏi biển khổ.
Hòa Thượng Đò là vị Hòa thượng đã hiến thân làm chiếc thuyền từ để tế độ chúng sinh.
Thật là một lời nói nhuần đạo vị.
Cầu ở dưới chân đồi.
Trên đồi còn một công tác khác nữa của Hòa Thượng.
Vùng Bình Tây vì gần biển gần ruộng muối nên nước giếng măn mẳn khó uống. Hòa thượng bèn nạy đá đào giếng. Giếng sâu thăm thẳm và nước ngọt như nước cam tuyền. Cả vùng đều đến múc uống. Và để tỏ lòng tri ân, gọi giếng là Giếng Thảo.
Tiếng “Thảo” đối với người bình dân có ý nghĩa tương đương với chữ “từ bi” đối với giới Phật học. Vì tìm nước ngọt để thay nước mặn là một cách làm cho người hết khổ và đem vui lại cho người.
Cầu tượng trưng công tế độ của Hòa Thượng.
Giếng biểu thị lòng từ bi của Hòa Thượng.
Đạo hạnh của Hòa Thượng rất cao. Chẳng những người đời ngưỡng mộ mà đến thú vật cũng quy y.
Truyền rằng: Ngọn đồi Bình Tây xưa kia có nhiều cây cối. Trong rừng có đôi cọp mun thường xuống đồng bằng phá khuấy lương dân. Nhưng từ ngày Hòa Thượng đến tu trì thì đôi cọp lần lần trở nên hiền hậu.
Muốn sớm về Tịnh Độ, Hòa Thượng thiết hỏa đàn trà Tỳ[3]. Nhưng khi Ngài bước lên đàn thì một đôi cọp mun nhảy đến cõng Ngài ra khỏi lửa. Biết rằng pháp duyên chưa viên mãn, Hòa Thượng phải tiếp tục hoằng pháp độ sinh tu hành cho đến ngày viên tịch.
Thọ mạng 90 tuổi.
Nhục thể mai táng tại Đồi Chùa.
Gần đây các môn đồ cải táng về chùa Thiên Bửu.
Ngọc cốt còn nguyên vẹn và trắng như ngà sanh. Các tín đồ đều tin rằng Hòa thượng đã thành chánh quả. [4]
Và chùa Thiên Đức được liệt vào hàng danh lam.
THIÊN PHƯỚC TỰ
Chùa ở thôn Phú Nghĩa, xã Ninh Đông.
Xây cất năm Tự Đức nguyên niên (1847).
Tổ khai sơn là ngài Đạt Chánh, Pháp hiệu Từ Nghiêm. Nổi danh là uy nghiêm thanh tịnh.
Các ngôi chùa lớn ở Diên Khánh phần nhiều đều do đệ tử của Ngài tạo lập.
Cho nên chùa Thiên Phước được tôn xưng là Tổ Đình.
*
*      *
Sau Thiên Đức và Thiên PHước, Ninh Hòa còn hai ngôi cổ tự nữa cũng rất có danh: Đó là: Thiền Sơn tự và Bảo Long tự.
THIỀN SƠN TỰ
Ở dưới chân Hòn Độc Sơn tục gọi Hòn Một thuộc xã Ninh Hưng.
Trên Hòn Một, gần Chùa, có một hang to lớn hình như một bàn chân dậm sâu xuống đá. Người ta bảo đó là dấu chân ông Khổng Lồ.
Nơi hang luôn luôn có nước.
Đó là một điều lạ. Vì chung quanh toàn đá và không có suối khe. Hang không lấy làm sâu, nhưng trâu bò đến uống, người đến múc uống, uống mấy thời uống, vẫn không bao giờ khô.
Người địa phương gọi là giếng Khổng Lồ.
Giếng ở gần chùa, nên chùa khỏi đào giếng.
Trước Chùa lại có một trảng mây rộng đến năm sáu chục mẫu ta. Mây nhiều mà lầy cũng nhiều, nên tục gọi trảng là Lỗ Mây. Và do đó người địa phương thường gọi chùa Thiền Sơn là Chùa Lỗ Mây.
Chùa lập vào khoảng Hàm Nghi Thành Thái (1884-1907).
Tổ khai sơn húy Trừng Nghệ, hiệu Nhơn Sơn.
Tuy lập chùa, nhưng Hòa Thượng giao cho đệ tử coi giữ, thường thường vân du nơi thâm sơn cùng cốc. Vài ba tháng mới về chùa một lần. Có khi về ngồi ngoài tam quan rồi lại đi nữa. Tung tích không thể dò.
Việc ăn uống của Hòa thượng rất giản dị. Một nắm cơm khô, một nắm gạo rang..., hoặc một nắm lá cây, bất kỳ lá cây gì, cũng đủ nuôi sống. Cho nên khi vân du, không cần đến lương thực.
Hòa Thượng có mẹ già và hai bà chị đều tu tại Thiền Sơn. Khi bà cụ mất, Ngài ra ngồi bên mả đúng 24 tháng tròn. Ngồi trần trần giữa trời, không kể ngày đêm, không kể mưa nắng, hàng ngày chỉ ăn gạo rang và lá cây. Thân người gầy như cây sậy và đen như mực. Đạo hữu có người chê trách rằng không phải cách báo hiếu của giới tu hành. Hòa Thượng vẫn thản nhiên ngồi thiền định. Mãn tang bà cụ, Hòa Thượng trở lên núi, ngót mấy năm trời không về.
Một hôm hai bà chị có linh cảm rằng Hòa Thượng sắp tịch, liền băng núi đi tìm. Sau bao nhiêu gian lao, tìm được thi thể tại núi Chí Tôn, ngồi kiết già trên tảng đá cao dưới gốc cổ thọ, khô cứng như một gốc cây khô. Một bà ngồi lại giữ thi thể. Một bà trở về chùa báo tin.
Từ núi Chí Tôn đến chùa Thiền Sơn phải đi mất bảy ngày đường. Gặp nhiều núi non khe suối và nhiều cọp beo, voi gấu... Nếu không có một sức mạnh tinh thần vững chắc, thì không dám xông pha.
Khi đưa Hòa Thượng về chùa làm lễ theo thủ tục cửa thiền xong thì hỏa táng. Và một ngôi tháp chứa xá lợi xây tại chùa [5].
Chùa nay đã bị phá hủy, nhưng tháp đương còn, và thanh danh của vị Tổ khai sơn chùa Thiền Sơn vẫn còn mãi mãi.

BẢO LONG TỰ
Chùa ở thôn Thuận Mỹ xã Ninh Quang.
Lập vào khoảng Đồng Khánh Thành Thái (1886-1907).
Trong chùa có 11 pho tượng Phật bằng đồng đen rất cổ. Pho tượng Phật Tổ cao lớn bằng hình người. Đường nét tinh xảo.
Truyền rằng tượng Phật xưa kia của chùa làng Phụng Cang (xã Ninh Hưng hiện tại). Một năm lụt lớn cuốn cả chùa cả tượng đi mất, không biết đâu mà tìm.
Ở trong vùng có một con suối sâu và rộng tục gọi Suối Bàu Sấu. Suối ở giữa Thuận Mỹ và Phụng Cang.
Sau khi chùa Phụng Cang bị lụt trôi, nơi suối Bàu Sấu thường xảy ra nhiều hiện tượng kỳ dị:
Những đêm rằm mồng một, người quanh vùng thường nghe tiếng chuông tiếng mõ từ đáy bàu vọng lên. Và thỉnh thoảng, vào lúc chạng vạng những buổi chiều tạnh mát, trên mặt nước nổi lên một chiếc chiếu hoa có bốn ông già đầu râu bạc phếu ngồi nói chuyện, tiếng nói nghe văng vẳng tận ngoài xa.
Đồng bào kính sợ không dám tới lui nơi bàu.
Bốn năm mươi năm sau, làng Thuận Mỹ vớt được tượng Phật nơi bàu, bèn lập chùa thờ phụng.
Trong chùa có một quả đại hồng chung cũng rất cổ.
Quả chuông nầy cũng như các tượng Phật, là “của Trời cho”.
Truyền rằng sau khi chùa Bảo Long cất xong, người trong làng thường nghe tiếng chuông nơi suối Bàu Sấu. Làng thuê người lặn xuống xem, thì thấy quả hồng chung treo lơ lửng trên một rễ cây từ bờ suối đâm ra. Làng bèn cưa rễ cây, lấy chuông đem về chùa.
Suối Bàu Sấu ngày xưa có cá sấu ở. Cá sấu đi rồi quỉ thần lại nổi lên mặt nước. Kế đến làng Thuận Mỹ được tượng Phật được chuông. Nên suối trở thành một nơi linh thiêng. Người địa phương không dám xâm phạm.
Cách đây chừng bốn năm mươi năm lại xảy ra một câu chuyện ly kỳ nữa:
Ở Phụng Cang có người đàn bà tục gọi là “Bà Xã Mập”. Một hôm bà thấy một con trâu cò râm vào ruộng phá lúa. Bà nổi giận chạy ra nắm đuôi trâu đánh. Trâu liền kéo bà nhảy xuống suối Bàu Sấu, mất tăm. Người nhà thuê người lặn tìm khắp nơi mà không hề thấy dấu vết. Tưởng bà chết rồi, người nhà lo để tang. Nhưng bốn hôm sau bà trở về, dung mạo trông xinh tươi hơn trước. Người trong nhà, người ngoài làng, mừng rỡ, xúm nhau hỏi thăm. Bà đáp:
- Chuyện cõi âm không được phép nói cùng người cõi dương, nếu còn muốn sống.
Rồi thời gian qua và bà xã sống yên ổn. Chuyện trâu cò tưởng đã nhạt hẳn trong trí người thế gian. Chẳng dè một hôm, ông xã lại thăng thỉ bà xã kể cho mình nghe chuyện xuống thủy phủ của bà. Bà xã vui vẻ nói:
- Vậy thì ông phải dọn một bữa tiệc mời bà con đến đây để chung vui trước khi tôi tạ thế.
Ông xã ngờ rằng bà nói chơi. Nhưng vì tính tò mò thúc giục, ông cũng làm gà vịt, mời người thân.
Trong tiệc, bà xã kể rằng:
- Khi trâu cò bỏ chạy, tôi muốn thả đuôi trâu, nhưng tay tôi lại dính cứng không buông ra được. Trâu nhảy xuống nước, tôi thất kinh, nhắm mắt chờ chết... Đến khi mở mắt thì thấy mình đứng trước một cảnh lâu đài nguy nga lộng lẫy. Nhìn quanh không thấy trâu đâu cả. Lòng hết sức lo sợ, không biết phải tới lui thế nào! Đường sá rộng rãi mát mẻ, nhưng không thấy một người để hỏi thăm! Chợt hiện đến hai người đàn ông ăn mặc theo kiểu lính thị vệ. Tôi sợ quá toan bỏ chạy. Nhưng bị họ nắm tay kéo vào trong lâu đài. Tôi chưa từng thấy nơi nào rộng lớn và đẹp đẽ bằng. Tôi không thể nào nói cho hết được những vẻ giàu sang! Thềm đá cẩm thạch, vách đá bạc khuê, cột sơn son, kèo chạm nổi. Vàng châu ngọc ngà, chiếu sáng cả đó đây.
Hai người lính dắt tôi qua khỏi tiền đình, rồi qua một sân rộng đầy hoa thơm cỏ lạ. Sau cùng đến một cung điện hào quang chói cả mắt, khí lạnh ớn cả người. Bên trong một vị vương giả đội thiên miện, mặc long bào, râu dài, mặt sáng, ngồi trên một chiếc ngai vàng rực rỡ...
Nói mới tới đó thì bà xã ngã đùng ra tắt thở! Không biết câu chuyện kết cục như thế nào! Và ông xã ăn năn rằng mình vô tình đã giết vợ. Nhưng việc đã lỡ đành ghi câu huyền thoại lại cho đời [6].
Câu chuyện bà Xã Mập xuống Thủy Cung khiến cho người địa phương thêm tin rằng Suối Bàu Sấu có rồng và tượng Phật chuông đồng là tặng phẩm của Long Vương vậy.
Do đó làng rất quý quả hồng chung và các tượng Phật.
Thời Pháp thuộc, tòa Bác Cổ Viễn Đông muốn mua các tượng Phật với một giá đắt, nhưng làng nhất định không bán, mặc dù có sự cưỡng bức của quan Nam Triều và công sứ Nha Trang.
Và chùa Bảo Long nổi danh chính nhờ các tượng Phật và quả hồng chung, cùng những chuyện sắc không không sắc.
Trong Đại Nam Nhất Thống Chí, nơi mục về Tự Quán tỉnh Khánh Hòa, tác giả chỉ kể hai ngôi cổ tự là:
- Kim Sơn tự,
- Linh Phong tự [7].
Không biết tại vì hai ngôi cổ tự nầy là hai ngôi chùa danh tiếng đương thời hay vì trong chùa có di tích của chúa Nguyễn.
Kim Sơn Tự và Linh Phong Tự nằm trong địa phận Vĩnh Xương, xưa cũng như nay.
KIM SƠN TỰ:
Chùa ở thôn Ngọc Hội (xưa gọi là Ngọc Toản), cách thành phố Nha Trang chừng 4, 5 cây số về hướng Tây Bắc.
Tổ khai sơn là Pháp Ấn Hòa Thượng, húy Thiệt Địa.
Dựng năm nào không được rõ.
Chùa đứng trên một ngọn đồi đá đột khởi giữa bình nguyên.
Đồi xưa kia đứng sát mé sông Nha Trang. Triền phía Bắc là một gành cao ngó xuống mặt nước. Cho nên tục gọi ngọn đồi là Núi Gành.
Truyền rằng khi Hòa Thượng dọn núi cất chùa có được một số vàng chôn. Nên gọi núi là Kim Sơn và đặt tên chùa là Kim Sơn Tự.
Năm Canh Thân, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 6 (1740), Chúa Nguyễn Phúc Khoát cải tên Kim Sơn làm Quy Tôn và ban một tấm biển rộng lớn, sơn son thiếp vàng, khắc ba chữ đại tự “Quy Tôn Tự” và có chú rõ năm ân tứ “Canh Thân niên tạo” cùng tám chữ lạc khoản “Quốc Chủ Tế Từ Đạo Nhân ngự đề”.
Tấm biển của chúa ban chứng tỏ rằng chùa đã có từ thời Lê Ý Tôn, niên hiệu Vĩnh Hựu (1735-1740), hoặc thời Lê Thuần Tôn, niên hiệu Long Đức (1732-1735). Lúc bấy giờ chúa Nguyễn chưa xưng vương hiệu.
Đến năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), nhà vua sắc hạ chùa nên theo danh hiệu cũ. Một tấm biển khắc tên Kim Sơn Tự treo ngoài cửa. Còn tấm biển chúa Nguyễn Phúc Khoát sắc tứ thì treo trong chùa để bảo tồn thắng tích.
Chùa đã nhiều lần bị hư và nhiều lần tu bổ.
Dưới triều Khải Định (1916-1924), vợ một hưu quan đã tự xuất gia sửa sang chùa lại. Từ ấy người ta gọi là Chùa Bà Nghè.
Năm Mậu Tuất (1946) sau khi tái chiếm Khánh Hòa, Pháp cho một đội binh lên đóng tại chùa Kim Sơn. Chúng phá chùa, đốn hầu hết cổ thọ, và dựng lô cốt, đặt súng đại bác bắn phá tứ tung.
Miếu Quá Quan và nhiều nơi cổ tích ở trong phạm vi tầm súng hầu hết đều bị phá hủy!
Sau ngày đình chiến, chùa mới trùng tu. Kiểu chùa không được mỹ thuật. Nơi giặc xây lô cốt, nhà chùa dựng một tiểu đình với tượng đức Quan Thế Âm.
Chung quanh chùa có mấy gốc me cổ thọ dựng lại và một số cây mới trồng, không đủ “làm ấm cúng” cảnh chùa. Quang cảnh tiêu điều ảm đạm. Người vãng cảnh có cảm giác đứng trước một người bệnh đã ăn được cơm nhưng thiếu gạo nấu.
Nhưng vọng cảnh thì tuyệt!
Chùa hướng về Đông Nam, lấy hòn đảo Bồng Nguyên, tục gọi Hòn Miễu, ở Cửa Bé làm tiền án.
Bốn mặt núi non trùng điệp. Biển Nha Trang ở phía Đông trông như một vũng nước nhỏ ánh màu ngân.
Từ chân đồi đến chân núi, mênh mông bát ngát, nào làng xóm, nào ruộng nương vườn tược, khi ẩn khi hiện dưới bóng dừa xanh. Hòn Trại Thủy cách Kim Sơn chừng vài cây số. Xiên xiên về hướng Đông Nam, trông như một hòn cù lao nhỏ ngập trong thủy triều. Và thành phố Nha Trang “đồng hóa” cùng lá cây và dính liền với làng quê đồng ruộng: Những cao ốc biệt thự phố xá chỉ còn là những vệt trắng, vệt xám, vệt đỏ, thấp thoáng trong sắc xanh của cây của núi của trời.
Trừ trời ra, tất cả, cả núi non, đều nằm dưới mắt. Nhìn đàn cò trắng bay cao, đám khói bay cao, cũng phải cúi mặt xuống. Du khách ngông cuồng, nhiều khi tưởng mình “đã cao hơn thiên hạ” rồi vậy!
Gần đây Định Phong lên viếng cảnh, nhớ đến bài Ngôn Hoài của Không Lộ Thiền sư:
Trạch đắc long xà địa khả cư,
Dã tình chung nhật lạc vô dư.
Hữu thì trực thượng cô phong đỉnh,
Trường khiếu nhất thinh hàn thái hư.
Cao hứng diễn Nôm:
Thân yên đẹp chốn long xà,
Thú vui ngày tháng đượm đà tình quê.
Có khi hề thẳng bước,
Thấu đỉnh hề non côi,
Hú dài một tiếng thảnh thơi,
Ùn ùn lạnh suốt ngoài trời khói mây.

LINH PHONG TỰ

Chùa ở thôn Xuân Phong (xưa gọi là Xuân Sơn).
Ban sơ gọi là Liên Hoa Tự.
Mặt hướng về Đông Nam.
Phía trước có mương nước đoanh lộn và một bàu sâu có nhiều cá, gọi là Bàu Cá Vượt.
Phía Tây, tức phía sau lưng, có hòn núi như hình chim phụng sè cánh, tục gọi là Hòn Én.
Phía Tây Bắc, tức phía tả, hòn Đá Lố, như con Sư Tử ngó vào chùa.
Phía Nam hòn Đá Lố có một hồ sen rộng đến mấy mẫu, mùa hạ hoa nở hồng cả mặt nước, còn ba mùa kia thì nước xanh lục lìa.
Cảnh trí rất ngoạn mục.
Chùa sáng lập thời nào, vị Tổ nào khai cơ và đổi tên Liên Hoa ra Linh Phong lúc nào, người địa phương không rõ, sách Thích Song Tổ Ấn tập và Đại Nam Nhất Thống Chí không thấy ghi.
Có lẽ là một ngôi chùa xưa nhất tỉnh Khánh Hòa. Ít ra cũng một thời với chùa Kim Sơn. Bởi vì:
Năm Giáp Dần (1734) chúa Nguyễn Phúc Khoát có ngự chế câu đối liên:
Phụng thùy cái hậu, khê nhiễu oanh tiền,
Diên Ninh cảnh thượng hữu linh sơn, [8]
Khánh tụng vương đồ ức tải;
Sư cố tả quăng, đàm ngưng hữu dực,
Quảng Phước đường trung chơn tổ đạo, [9]
Tăng huy Phật nhật vạn xuân.
Nghĩa là:
Phụng che mặt hậu, khe bọc mặt tiền,
Cảnh Diên Ninh trên có núi linh,
Mừng chúc nghiệp vương ức tuổi;
Sư giữ cánh trên, đầm gìn cánh dưới,
Nhà Quảng Phước trong ngời đạo tổ,
Thêm tươi ngày Phật muôn xuân.
Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi Chúa năm Mậu Ngọ (1738) niên hiệu Vĩnh Hựu nhà Lê. Câu đối trên ngự chế năm Giáp Dần (1734), lúc còn làm thế tử.
Tấm biển ân tứ cho chùa Kim Sơn năm Canh Thân (1740) sau câu đối chùa Linh Phong đến 6 năm.
Nên cũng có thể tin rằng chùa Linh Phong có trước.
Câu đối của chúa Nguyễn đề chùa Linh Phong viết trên giấy.
Năm Tự Đức thứ năm (1851), Huệ Văn Thiền sư trùng tu Chùa lại, mới khắc câu đối của chúa Nguyễn vào liễn, sơn son thếp vàng, treo trước cửa chùa.
Trong đôi câu liễn, nơi lạc khoản, một bên thì khắc năm ngự chế là “Giáp Dần Hoa triều”, một bên thì khắc bốn chữ “Quốc Chủ ngự bút” [10]
Huệ Văn Thiền sư lại tạo một tấm biển khắc tên chùa, cũng sơn son thếp vàng, treo trước cửa giữa hai câu đối của chúa Nguyễn. Nhưng vì chùa trông mới mẻ mà vốn gốc chùa xưa, nên để khỏi bị ngộ nhận là chùa tân lập. Thiền sư phải thêm chữ “Cổ” vào tấm biển thành: Linh Phong cổ tự.
Và cảnh chùa từ đó mới thật hoàng tú trang nghiêm.
Đến năm Thành Thái thứ 18 (1906) Chân Hòa Thiền sư lại tu bổ một lần nữa. Chùa thêm tráng lệ nguy nga. [11]
Chân Hòa Thiền sư là người Phú Yên. Thiền sư trụ trì chùa Linh Phong được ít lâu thì trở về bổn kiển. Chùa trở thành chùa làng.
Chùa tuy ở trong địa phận thôn Xuân Phong nhưng lại dựng trên công thổ Xuân Lạc, nên thuộc quyền Xuân Lạc. Xuân Phong ở Bắc ngạn sông Cái còn Xuân Lạc lại ở bên Nam ngạn. Đò giang cách trở, việc coi ngó có phần lơ là. Do đó chùa bị phát hỏa. [12]
Tất cả đều cháy hết, chỉ còn lại được 13 tượng Phật bằng đồng (một tượng Phật tổ cao 5 tấc, mười tượng Quan Thế Âm, một tượng Quan Thánh và một tượng Địa Tạng cỡi đề thính), và cặp đối liên của chúa Nguyễn Phúc Khoát. [13]
Lý hương bèn đưa về Xuân Lạc dựng chùa thờ và lấy lại tên cũ là: Liên Hoa Tự.
Năm Bảo Đại thứ 15 (1940) được sắc tứ.
Chùa Liên Hoa vừa là tiền thân vừa là hậu thân của Chùa Linh Phong. Chùa nhỏ và trông có vẻ sơ sài. Cảnh trí cũng không có gì đặc sắc.
Còn nơi nền cũ của Linh Phong Cổ Tự thì đã cỏ lấp rêu mờ, chỉ còn một ngọn cổ tháp đứng đìu hiu trơ trọi.
Nhưng hòn Đá Lố, Hòn Én, Bàu sen, bàu Cá Vượt, vẫn còn, và mỗi bận xuân về “Giang san y cựu phục thiều quang”. Và kẻ qua người lại, nhớ đến ngôi cổ tự vẫn ưa ngâm câu... “Tăng huy Phật nhật vạn xuân”.
*
*      *
Ngoài hai ngôi cổ tự được ghi vào sử sách, Vĩnh Xương còn hai ngôi chùa nữa cũng thuộc vào hàng danh lam. Đó là:
- Chùa Hội Phước tục gọi Chùa Cát,
- Chùa Hải Đức tục gọi Chùa Hội.
Hai chùa nầy xưa kia nằm cạnh nhau tại thành phố Nha Trang. Ngày nay quang cảnh đã đổi thay. Nhưng một con đường trong thành phố vẫn mang tên “Đường Hai Chùa” dịch nghĩa chữ “Rue des deux pagodes” của Pháp đặt thuở danh còn đúng với thực.
Sau mười năm xa cách, Thi Nại Thị trở lại Nha Trang, đi ngang qua đường Hai Chùa có mấy câu cảm tác:
Đi ngang qua đường Hai Chùa,
Nhìn cây me cỗi lòng chua xót lòng!
Hai chùa xưa đứng song song,
Đường Hai Chùa đó sao không thấy chùa!
Nhà thờ sang sảng chuông khua,
Một đoàn lính Mỹ nô đùa trong bar...!
Nhộn nhàng kẻ lại người qua,
Bóng chiều bảng lảng ai là cố nhân?
Không thấy chùa là vì một chùa đã dời đi nơi khác, còn một chùa thì bị nhà cửa che lấp, người không quen thuộc không dễ gì tìm cho ra!
Không dễ tìm nhưng vì lòng nhớ cũ thúc giục, người đi tìm cũng tìm ra:
HỘI PHƯỚC TỰ
Chùa nằm trong ngõ hẻm đường Hoàng Tử Cảnh, thuộc xã Nha Trang Tây.
Nếu nơi cửa ngõ không có bốn đại tự “Hội Phước Thiền Môn” và đôi câu đối:
Hội tấn nhơn duyên Phước,
Thiền khai trí độ môn.
Thì người đi xa lâu năm không thể nhận ra là ngôi chùa mình đã từng lai vãng.
Thời Pháp thuộc vườn chùa rộng đến mấy mẫu. Chung quanh có tường gạch. Trong vườn cây xanh hoa tươi, hồ sen, non bộ, trang điểm cho ngôi chùa cổ kính thêm vẻ trang nghiêm. Trước chùa khoảng khoát.
Ngày nay bức thành ở mặt tiền đã đưa vào gần sát sân. Trước chùa chỉ còn một lối đi nhỏ hẹp, và bề mặt kia đã bị nhà cửa của đồng bào lấn vào sát tận vách. Cây me cổ thọ trước kia là của chùa, mà nay đã đứng hẳn ra gần lề đường Hoàng Tử Cảnh ở giữa một đám nhà tôn. Và cây gạo ở sau chùa đã trở thành của sở hữu của người khác!
Chùa là một dãy nhà chữ môn cũ kỹ, lụp xụp.
Vị trụ trì là một nhà sư tuổi gần 80 cũng đã phải chịu nhiều tang thương như chùa!
Chùa Hội Phước là Tổ đình của hầu hết các chùa ở Vĩnh Xương cất từ thời Nguyễn sơ.
Tổ khai sơn là ngài Phật Ấn, pháp hiệu Quảng Hiển Lão ông, thuộc phái Lâm Tế.
Ban sơ Ngài cất một tịnh thất bằng tranh tại hòn Hoa Sơn tức hòn Một, (ở Ngả Sáu, đầu đường Phước Hải hiện tại), tu theo xà duy hạnh, tức khổ hạnh đầu đà. Ngày mồng 9 tháng 12 năm Bính Ngọ tức năm Cảnh Hưng thứ 46 (1786) nhà Hậu Lê, Ngài thiết lập hỏa đàn trà tỳ. Đệ tử thâu xá lợi, lập liên hoa tháp tại Hoa Sơn.
Sau đó Hòa thượng kế tục là ngài húy Đại Thông hiệu Chánh Niệm dời chùa xuống đất bằng, cách Hoa Sơn chừng ba trăm thước, (nơi địa điểm hiện tại).
Chùa lúc bấy giờ vẫn bằng tranh như lúc ở núi.
Đến đời thứ ba, ngài Tánh Minh hiệu Trí Quang Đại Lão Hòa Thượng mới cất ngói.
Đó thuộc triều Minh Mạng (1820-1840).
Ngày Tánh Minh viên tịch, truyền lại cho đệ tử một bài kệ rằng:
Nhất thành thượng đạt nhất thành tinh,
Nhất cú liễu nhiên nhất cú minh.
Nhất đức nhất tâm hàm nhất hội,
Nhất tâm tịnh độ nhất trần tinh.
Truyền xuống được sáu đời nữa, đến năm Duy Tân nguyên niên (1907) thì chùa không có người thừa kế. Làng sở tại là Phương Sài bèn thỉnh ngài Chơn Hương hiệu Thiên Quang Hòa thượng ở Chùa Linh Sơn ngoài Vạn Giã vào trụ trì. [14]
Đến triều Khải Định năm thứ hai (1917), lại thỉnh Hòa thượng Phước Tường về trụ trì, vì ngài Thiên Quang phải trở về trụ trì chùa Linh Sơn.
Lúc bấy giờ chùa đã hư. Một người ký lục họ Nguyễn đứng ra tu bổ lại để cầu phước.
Từ ấy đến nay, chùa chỉ sửa sang lại chút ít mà thôi. Vị trụ trì đương kim đã già yếu, bổn đạo lại ít, nên không đủ sức trùng tu.
Vì chùa lâu đời, nên trong chùa có nhiều vật cổ quý giá:
- Các tượng Phật hầu hết đều bằng đồng.
- Hai quả chuông, quả báo chúng (chuông nhỏ) có từ đời Cảnh Hưng, quả hồng chung (chuông lớn) có từ đời Minh Mạng. Quả báo chúng của Tổ khai sơn truyền lại. Quả hồng chung chú tạo lúc chùa cất lại bằng ngói.
- Bức di tượng của ngài Phật Ấn, cao lớn như người thiệt, vẽ trên giấy lụa. Và trước khám thờ chư Tổ, khắc câu đối nôm, tương truyền là di bút của Tổ Khai sơn:
Biển ái dứt rồi,
Chỉ nẻo Linh Sơn nào mấy dặm;
Rừng thiền liễu đặng,
Qua miền Thiên Trúc dễ bao xa.
Thật là những vật quý vô giá!
Riêng tiếc nhà chùa muốn cho hợp thời trang, dùng sơn màu sơn tất cả các tượng Phật. Đỏ xanh diêm dúa, trông vào tưởng rằng những tượng đất mới thỉnh nơi hàng thợ mã đưa về! Vẻ trang nghiêm thật giảm sút đi nhiều quá!
Có người thắc mắc:
- Tại sao chùa Hội Phước lại gọi là Chùa Cát?
Đó là vì xưa kia Nha Trang dân cư thưa thớt. Chùa đứng trong vùng cát trắng mênh mông, và ngoài cát ra quanh chùa không có gì khác để gọi, nên gọi là Chùa Cát.
Còn hòn Hoa Sơn, khi chưa bị con đường Phước hải cắt đôi, thì hình thù giống con rùa bò vào Nam mà quay cổ ngó xuống Đông. Nhân trên đầu có ngọn Liên Hoa Tháp của ngài Phật Ấn, núi được người xưa tặng cho danh hiệu là “Kim Quy đới tháp”, cùng với ba ngọn khác làm bốn con thú trấn giữ cuộc đất cho Nha Trang:
- Núi Trại Thủy là Ngọc Bức hàm hoàn,
- Núi Sinh Trung là Bạch Tượng quyện hồ,
- Núi Cảnh Long ở Chụt là Thanh Long hí thủy. [15]
Con Kim quy nay đã biến dạng. Và tháp cũng đã cũ như chùa, cũng đã bị nhà cửa đồng bào che lấp. Kẻ qua người lại chỉ thấy ngôi nhà thờ đứng oai vệ trên hòn Hoa Sơn, không ai ngờ rằng nơi đây đã có người “Rừng thiền liễu đặng...”
HẢI ĐỨC TỰ
Ảnh: Mai Lĩnh
Xưa kia Chùa nằm phía trên chùa Hội Phước.
Khai cơ là Viên Giác Thiền sư, pháp danh Đạt Khương, tục danh Tô Văn Ninh, quán làng Vạn Thạnh (Nha Trang), đệ tử của Huệ Giáo Hòa thượng, pháp danh Liễu Đức, Tổ khai sơn chùa Thiên Đức Hòn Khói (Ninh Hòa).
Chùa dựng vào khoảng cuối triều Tự Đức (1847-1883).
Ban đầu lấy tên là Duyên Sanh Tự và chỉ là một thảo am sơ sài.
Năm Thành Thái thứ 3 (1891), mới mở rộng quy mô, đúc chuông tạc tượng, tạo thành một tự viện tráng lệ nghiêm trang và đổi tên là: Hải Đức Tự.
Viên Giác Thiền sư viên tịch, các môn đệ kế tiếp nhau trụ trì:
- Chánh Niệm đại sư, húy Chơn Minh,
- Nhân Thụy giáo thọ, húy Như Khánh,
- Phước Huệ hòa thượng, húy Ngộ Tánh.
Phước Huệ Hòa thượng, tục danh là Nguyễn Hưng Long, người Quảng Trị, được Viên Giác Thiền sư thọ ký lúc 16 tuổi (1890). Năm 20 tuổi (1894) phải bái biệt bổn sư về quê hương lo báo hiếu cho thân phụ. Rồi vào Huế tu hành. Mãi 15 năm sau (1909) mới trở lại Nha Trang. [16]
Đối với Chánh Niệm Đại sư và Nhân Thụy giáo thọ, Hòa thượng ở hàng trên [17]. Nhưng vì khi Viên Giác Thiền sư quy Tịnh Độ, Hòa thượng không hiện diện, nên không kế túc ngay bổn sư để trụ trì chùa Hải Đức.
Khi Hòa thượng trở lại Nha Trang thì chùa Hải Đức đã bị hư dột vì lâu đời. Hòa thượng ra công sửa chữa, và khôi phục được quang cảnh ngày xưa. Từ ấy thiện tín đến tu tập và quy y thọ giới mỗi ngày một đông. Những ngày sóc ngày vọng, các hàng tăng giới và cư sĩ lại thường hội hợp để bàn về Phật sự. Do đó người địa phương mới gọi chùa là “Chùa Hội” để diễn tả cảnh tụ tập đông đảo nơi chùa.
Trước khi vào Nha Trang, Phước Huệ Hòa thượng đã trụ trì chùa Kim Quang ở Huế do bà Từ Minh Hoàng Thái Hậu triều Thành Thái xây cất. Cho nên năm Khải Định thứ sáu (1921) Hòa Thượng được triệu thỉnh về Huế để trụ trì chùa Kim Quang và làm Tăng Cang chùa Bảo Quốc. Chùa Hải Đức phải giao cho đệ tử coi sóc. Thỉnh thoảng Hòa thượng mới vào thăm.
Rồi tuổi già sức yếu, việc đi lại khó khăn. Năm Bảo Đại thứ 14 (1938), Hòa thượng bèn giao nhiệm vụ trụ trì chùa Hải Đức cho Bích Không Đại sư.
Bích Không Đại sư, pháp danh Trừng Đàn, tục danh Hoàng Hữu Đàng, quán Quảng Trị. Xuất thân trong một gia đình khoa bảng. Đậu tú tài năm Mậu Ngọ (1918). Đắc pháp Đại sư năm Ất Hợi (1935) trong giới đàn chùa Sắc tứ Tịnh Quang tỉnh Quảng Trị, nên cũng gọi là Giác Phong Đại sư. [18]
Khi nhận lãnh chùa Hải Đức, thì chùa đã quá cũ. Lại thêm thành phố Nha Trang mỗi ngày mỗi thêm đông đúc, xe ngựa mỗi lúc mỗi thêm ồn ào, cảnh thiền môn khó giữ được không khí trang nghiêm thanh tịnh. Đại sư với sự đồng ý của Hòa thượng Phước Huệ, bèn lo chọn một thắng địa thích hợp để cải tạo chùa Hải Đức.
Sau ba năm dấn bước khắp danh sơn thắng địa tỉnh Khánh Hòa, Đại sư mới tìm được nơi vừa hợp với cảnh tu tâm dưỡng tánh của các bậc xuất gia, vừa tiện cho việc độ tha của hành nguyện đại thừa. Đó là: Hòn Trại Thủy.
Rồi phải trải bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu cực nhọc, Đại sư mới trưng được đất mới dỡ được non.
Đại sư dời Tổ tháp và phần mộ của các bổn đạo nơi vườn chùa cũ lên Trại Thủy và khởi công xây chùa.
Khởi công từ đầu năm Quý Mùi (1943) đến đầu năm Ất Dậu (1945) mới cáo thành.
Cảnh trí đẹp đẽ, cao sáng. Tuy gần thành phố mà ly trần thoát tục. Tuy dựa chốn đô hội phồn ba mà vẫn giữ được vẻ thanh u tĩnh mịch.
Chùa cất theo kiểu thức Á Đông, trang nghiêm cổ kính.
Tuy không nguy nga tráng lệ bằng các chùa lớn ở Thần Kinh, như Thiên Mụ, Diệu Đế, không kỳ cổ đồ sộ bằng Tổ đình Thập Tháp ở Bình Định song so với tất cả các chùa cũ mới ở Khánh Hòa, thì chùa Hải Đức to lớn nhất đẹp đẽ nhất.
Khi tìm được chỗ đất tốt, Đại sư tâm nguyện sẽ mở một đại tòng lâm cơ sở đào tạo tăng tài cho nền Phật giáo tương lai. Và khi chùa làm xong, có ý định mở trường kỳ khai đại giới đàn trong dịp khánh thành.
Nhưng chùa chưa kịp lạc thành thì liền gặp quốc biến năm Ất Dậu (1945):
- Mùa xuân Nhật lật đổ Pháp,
- Mùa thu Việt Minh đứng dậy cướp Chánh quyền.
Công việc hoằng pháp bị bế tắc.
Kế Pháp tái chiếm Khánh Hòa. Cuộc kháng chiến chống xâm lăng bùng nổ.
Đại Sư Giác Phong phải theo đồng bào tản cư. Khi thì Huế, khi thì Quảng Trị, Nghệ An. Rồi ngày rằm tháng chín năm Giáp Ngọ (1954), thì tịch tại Nam Đàn (Nghệ An). Đất nước qua phân, nhục thân không thể đưa về Nha Trang được.
Đại Sư khuất mà không mất.
Vốn nhà khoa bảng xuất thân, Đại Sư văn hay chữ tốt. Vào thăm chùa Hải Đức, du khách nhận thấy tinh thần và cốt cách của Đại Sư chẳng những nơi kiểu kiến trúc của ngôi chùa, mà còn ở nơi tác phẩm văn chương nơi tự tích của Đại Sư khắc chạm trên vách trên cột mà mưa nắng vẫn còn nguyên.
Có thể nói một cách mạnh dạn rằng đó là những tuyệt phẩm của Thiền môn Khánh Hòa.
Nơi hàng cột ở trước chánh điện, có ba câu đối liên.
Câu chính giữa:
Hải thủy trừng thanh vạn tượng tề hiện;
Đức hương ôn nhã nhất thiết mông huân.
Câu kế:
Hạnh thảo tác thân mao đoan hiện sát;
Vi phong thuyết pháp ngoạn thạch điểm đầu.
Câu hai bên:
Kim Sơn Long Sơn tại kỳ tả hữu:
Nha Hải Phước Hải bổn bất khứ lai.
Nơi vách mái hiên ngó ra sân, mỗi vách khắc bốn đại tự mỗi bề rộng đến bốn tấc tây.
Bốn chữ vách tả (vách phía Đông):
Trú bình đẳng hội
Bốn chữ nơi vách hữu (vách phía Tây):
Tác như thị quán.
Nơi lầu chuông ở phía Đông khắc 8chữ:
Thanh siêu Pháp giới, Giai chứng viên thông.
Nơi lầu trống ở phía Tây khắc 8 chữ:
Phổ đoạn sanh tử, Hưởng biến hà sa.
Ý nghĩa thâm viễn. Phải thấm đạo thuộc kinh, mới thưởng thức nổi những cái hay cái đẹp dưới những nét thanh lão, của ngọn bút tài ba đã đượm nhuần Chánh Pháp.
Chùa Hải Đức hiện nay thuộc Hội Phật giáo Trung Phần Việt Nam và đã trở thành một Đại Tòng Lâm gọi là Phật Học Viện Trung Phần để tăng chúng Trung Việt Nam Việt về tu học. Đó là niệm tâm sơ khởi của cố T.T. Giác Phong.
Mấy dãy học viện, tăng phòng, tịnh thất mới cất thêm gần đây nới rộng phạm vi của chùa. Một con đường mới trổ, chạy ngang qua lưng đồi Trại Thủy, từ Tây xuống Đông, nối liền chùa Hải Đức và chùa Long Sơn, làm cho cảnh chùa thêm linh động nhờ bóng tu sĩ bóng du khách thấp thoáng trong đá trong cây. Và cây bồ đề trước sân chùa, những cây mít, cây xoài, cây khế ở quanh chùa, ở triền đồi mỗi ngày mỗi cao cội sum cành, giúp cho cảnh chùa thêm thâm u tĩnh mịch.
Đứng nơi chùa nhìn ra bốn mặt, vọng cảnh thật bao la. Núi đồi sông biển ngoài xa; nhà cửa vườn tược dưới thấp; đồng ruộng mênh mông, phố phường chen chúc, ở trước mặt. Muôn màu nghìn sắc, càng thêm ưa. [19]
Ảnh: Mai Lĩnh
Cho nên chùa Hải Đức chẳng những liệt vào hàng danh lam mà còn liệt vào hàng thắng cảnh của tỉnh Khánh Hòa vậy.
Đối với hàng văn nhân thi sĩ, chùa Hải Đức lại có nhiều nhân duyên. Một phen đến nơi, không mấy ai không tìm thấy cảm hứng, không lưu lại ít nhiều cảm tình.
Như:
- Nhà văn Võ Hồng có bài “Hoa khế lưng đồi” đã đăng ở Hải Triều Âm năm 1964.
- Nhà văn Tuấn Huy, trong tác phẩm “Hương Cỏ May” có nhắc đến Phật Học Viện.
- Thạch Trung Giả, trong năm 1960 và 1961, suốt ba tháng hè, lên ở tịnh dưỡng nơi gác trống của Chùa. Trong thời gian ấy đã sáng tác được nhiều giai phẩm. Một số thơ đã đăng tải ở tập san Liên Hoa Huế. Như bài sau đây là một:
LẦN TRÀNG
Hoàng hôn buông xuống
Chiều xanh xanh huyền
Tiếng ai dâng lên
Lầu kinh Bát Nhã
Triều yên sóng cả
Bàn tay lần tràng
Nổi trên mênh mang
Vần xoay hạt hạt
Kim ô chìm tắt
Song nhỏ bừng châu
Bàn tay truyền mau
Vần xoay tinh đẩu.
- Phạm Công Thiện, lúc ở tu tại Phật Học Viện (1962-1964), sáng tác được nhiều giai phẩm, trong đó có câu:
Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trỗ hết bông.
Và những câu:
Hồi chuông chùa vọng luân hồi
Chim chiền chiện hót ngang trời đau thương
Trùng dương nằm đợi vô thường
Đồi cao bặt gió hai đường âm u...
- Trong Mộng Ngân Sơn,
Bài Bồi Hồi, gởi T.T. Thích Trí Thủ:
Trăng lên đồi Trại Thủy,
Chuông khuya ngời âm ba,
Bồi hồi mây khóa viện.
Sân bồ đề sương sa.
Bài Lịu Địu, gởi Phạm Công Thiện:
Áo giũ ngày sương gió
Lên chùa thăm cố nhân
Non nghiêng thềm nắng xế
Lịu địu bóng nhàn vân.
Và bài Chuông Khua trong Đọng Bóng Chiều:
Từng giọt châu rơi mắt mẹ hiền
Mừng con lưu lạc trở đoàn viên
Neo thu bến tạnh thuyền sương sóng
In bóng chùa xa trăng nửa hiên.
v.v...
đều mang hình ảnh chùa Hải Đức, hoặc ít hoặc nhiều, hoặc mờ hoặc đậm.
Nhớ khi chùa Hải Đức thượng lương xong, Đại Đức Giác Phong cùng người bạn thơ dắt nhau lên đỉnh đồi, nhìn xuống chùa, nhìn ra bốn mặt, nói:
- Cất chùa xong, sẽ cất một tiểu đình nơi đây để cùng nhau đàm đạo xứng thù.
Mầm thiện đã gieo, chắc có ngày sẽ đâm chồi nảy lộc. Và biết đâu chùa Hải Đức lại không trở thành nơi hòa hợp đạo lý và văn chương, nơi trồng tỉa dị thảo kỳ ba để phong phú cho vườn văn hóa dân tộc.
*  *  *
Cũng trên đồi Trại Thủy, nơi đầu nhánh phía Nam, cạnh đường Quốc Lộ số 1, còn một ngôi cổ tự nữa nằm khuất trong bóng cây xanh, đứng dưới chân đồi ngó lên không thấy. Đó là:

BỬU PHONG TỰ
Chùa do người Trung Hoa lập từ đời Hậu Lê.
Trong chùa hiện còn một quả đại hồng chung khắc tên chùa “Bửu Phong Tự” và năm chú tạo “Tuế thứ Quý Dậu niên Tứ nguyệt Cát nhật”.
Năm Quý Dậu tức là năm Cảnh Hưng thứ 14 (1753).
Như thế chùa cũng cất trong niên hiệu Cảnh Hưng, hoặc một năm với chuông, hoặc trước một vài năm.
Chùa thờ Quan Thánh, tức Quan Vân Trường đời Tam Quốc.
Lâu đời không có người phụng tự, chùa trở thành chùa làng: Làng Phước Hải.
Làng vẫn thờ Quan Thánh. Nhưng gian bên cạnh thờ thêm bà Chúa Ngọc Thiên Y A Na, vị thần địa phương.
Tên Bửu Phong ít người biết.
Người địa phương thường gọi là Chùa Quan Thánh hay Chùa Núi.
Dưới triều Bảo Đại (1925-1945), khi phong trào chấn hưng Phật giáo phát động trong nước, làng Phước Hải hưởng ứng, cải chùa thờ Thánh thành chùa thờ Phật.
Thờ Phật ở trước.
Thờ Thánh và Thần ở sau.
Và rước sư đến trụ trì.
Chùa vẫn giữ tên Bửu Phong.
Nhưng vì chùa lâu đời, tấm biển mang tên chùa hư chưa có dịp làm biển mới, nên sau khi chùa đã trở thành chùa Phật, tên Bửu Phong vẫn không được phổ biến và miệng đời vẫn quen gọi là chùa Quan Thánh như xưa.
Sau khi chùa Linh Phong trên Xuân Phong bị cháy và dời xuống Xuân Lạc đổi tên Liên Hoa, thì có người được tấm biển “Linh Phong Cổ Tự” đem cúng cho chùa Bửu Phong. “Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về”, chùa giữ làm kỷ niệm.
Rồi chiến tranh bùng nổ, Phật sự cũng bị đảo điên như thế sự.
Sau ngày Việt Pháp đình chiến (1954), một nhà sư ở Huế vào trụ trì chùa Bửu Phong, thấy tấm biển “Linh Phong Cổ Tự” nơi chùa, đinh ninh tên chùa là Linh Phong. Khi tu bổ lại chùa, bèn đắp trước hiên, khắc trước ngõ bốn chữ “Linh Phong Cổ Tự”. Từ ấy, trên 10 năm nay ai cũng gọi chùa Bửu Phong là Linh Phong.
Nếu không có quả hồng chung trong chùa thì không bao lâu nữa, tên Bửu Phong e không còn ai biết đến.
Chùa cất theo kiểu trùng thiềm. Cây gỗ tốt. Song vì đã quá lâu đời nên mái đã quằn, cột đã xiêu. Mặt tiền và ngõ chùa vừa mới sửa lại. Nhưng màu lòe loẹt của phấn son do một bàn tay vụng về trang điểm, đã không cải lão hoàn đồng được bà già tám mươi, mà còn làm cho cảnh tóc bạc da mồi thêm khó ngó!
Nếu cứ để y cũ: Mái ngói đóng rêu xanh, tường vôi trùm bụi mốc, trong sân bìm dạu, hợp cùng những cây me cổ thụ u nầng khúc khuỷu, những con cọp đá sứt tai sứt đuôi, những bậc đá gập ghềnh lỏng chỏng, tạo thành một bức tranh hoang vắng xa xưa khiến khách vãng cảnh phải bồi hồi áo não, thì thú đăng lâm ý vị biết bao nhiêu!
Nhưng đừng bận tâm đến cảnh nhân tạo, du khách vẫn tìm được nhiều vẻ đáng yêu.
Hòn Trại Thủy giống hình con dơi nằm xòe đôi cánh, đầu hướng về phía Tây Nam. Chùa Bửu Phong đứng trên đầu con giơi. Phía sau và hai bên tả hữu bị thân giơi và hai cánh che khuất chân mây, song phía trước nào núi nào đồng, nào xóm làng nào phố xá, sân tàu bay, đường xe lửa..., sống động nhưng không ồn ào, giăng trùm một vọng cảnh bao la mà thời gian luôn luôn thay đổi màu sắc.
Những khi mỏi mệt lợi danh, lên đây di dưỡng tinh thần thật là thuận tiện.
Hiện nay, phía sau lưng chùa, nơi lưng con giơi, đã có kim thân Phật Tổ. Nếu nơi chùa Bửu Phong, dẹp hết cây gỗ để xây một ngọn tháp chín tầng, như những ngọn tháp bên Thái Lan, Cao Miên, hoặc như ngọn tháp chùa Thiên Mụ, thì phong cảnh hòn Trại Thủy nói riêng, phong cảnh thành phố Nha Trang nói chung, tăng huy biết mấy.
*
*     *
Ở Diên Khánh có ba ngôi chùa cổ nhất là:
- Vạn Thiện Tự tục gọi là Chùa Linh Phù,
- Thiên Lộc Tự,
- Hoa Tiên Tự.
Chùa nào cũng có di tích ngoạn mục, sự tích kỳ thú.
VẠN THIỆN TỰ
Chùa ở thôn An Ninh, xã Diên An.
Lập vào khoảng Lê Cảnh Hưng (1740-1786).
Tổ khai sơn là ngài Thượng Ân hạ Tùy.
Thừa kế là ngài Thiệt Vinh, pháp hiệu Bửu Hạnh.
Ban sơ chùa cất bên Suối Đổ, trên triền một ngọn núi trong dãy Hoàng Ngưu Sơn, thuộc địa phận thôn Phước Trạch. Do đó hòn núi mệnh danh là Hòn Chùa.
Không rõ chùa dời xuống An Ninh thời tổ khai sơn hay thời ngài Thiệt Vinh.
Ngài Thiệt Vinh có người đệ tử húy Tế Cảm, hiệu Thiện Khoáng. Người Bình Định, tên Keo, vào ở chăn trâu cho chùa.
Chùa nuôi hàng trăm con trâu. Ngày ngày lùa vào ăn trong núi. Chiều về mỗi con trâu đều có một bó củi trên lưng.
Trong chùa có một bà lão phụ trách việc nấu dầu chay, nấu bằng hột dầu tía. Nơi nấu dầu cấm người vô phận sự không được vào, vì sợ lạ hơi, dầu bị khét.
Một hôm, đi chăn trâu về, ngài Thiện Khoáng đẩy cửa bước vào. Bà lão, tục gọi là bà cô, thất kinh la:
- Thôi! Ông Keo làm hư dầu rồi!
Để “cứu vãn tình thế” bà cô bắt ông Keo phải khuấy dầu đương sôi trong chảo. Khuấy dầu phải dùng đũa bếp hoặc củi. Nhưng ông Keo lại xăn tay áo, nhúng cả cánh tay vào chảo dầu mà khuấy. Khuấy xong trở ra, tay không hề bị phỏng mà cũng không dính một giọt dầu.
Bà cô lấy làm kỳ dị, lên bạch cùng Hòa thượng. Xét nghiệm thấy quả như lời, Hòa thượng không cho ngài Thiện Khoáng chăn trâu nữa.
Trâu không người chăn, nhưng sáng vẫn kéo nhau lên núi ăn, và chiều về trên lưng mỗi con vẫn đèo một bó củi như trước. Mọi người đều tin rằng nhà sư tu hành đắc đạo và đã luyện được phép thần thông có thể điều khiển được sinh vật ở xa cách. Mấy tháng sau ngài tịch cốc, rồi xin sư phụ được hóa thân. Hòa Thượng hoan hỉ chấp nhận. Ngài xin người trong thôn mỗi người một bó củi, ngoài số củi của trâu mang về, để làm giàn hỏa. Phần đông đều hân hoan. Nhưng có một ít người miễn cưỡng. Trước khi lên giàn hỏa, ngài nguyện sẽ để lại một vật mọn tặng làng. Đoạn đúng ngọ ung dung lên ngồi trên đống củi, gõ mõ tụng kinh. Không ai nỡ châm lửa. Ngài phải trở xuống. Lửa cất ngọn rồi, Ngài bước lên giàn trở lại. Tay gõ mõ miệng tụng kinh. Ngọn lửa càng cao, tiếng mõ tiếng kinh nghe càng rõ. Mãi đến khi lửa tắt, tiếng kinh tiếng mõ mới lần lần theo bóng khói bay lên tầng xanh để chìm vào trong im lặng.
Người trong chùa đến nhặt xá lợi, nhận thấy:
- Một số củi còn y nguyên, không sổ dây, không sém lửa.
- Một chén chung cổ đựng một móng tay tươi hấn và không dính chút khói chút tro.
Ai nấy đều biết rằng những bó củi kia là của những người không thành tâm cúng dường, ngài Thiện Khoáng hoàn lại hầu mong họ sám hối. Còn chén chung đựng móng tay là vật lưu niệm cho người trong thôn.
Các tăng đồ Phật tử đều tin rằng ngài Thiện Khoáng đã thành chánh quả. Hòa Thượng bổn sư phong cho ngài danh tự là Linh Phù. Và làng sở tại cúng cho chùa một mẫu ruộng để hương khói cho ngài, tục gọi là ruộng Hóa Thân.
Còn chén chung đựng móng tay thì làng đem thờ nơi am ở Núi Chúa, cạnh Suối Đổ. Và từ khi chén chung đem lên núi thì vùng chung quanh Cư Thạnh, Phước Trạch, An Ninh luôn luôn được mùa vì trời thường mưa.
Người bên Đại Điền biết được, bèn lén sang lấy đem về để nơi am Bà trên Núi Chúa. Từ ấy Đại Điền thường được mưa và ruộng nương mỗi ngày mỗi trở nên phì nhiêu. Người bên nầy biết được, song nghĩ rằng Đại Điền nhiều ruộng hơn, nên hoan hỷ để bên đó, chỉ khi nào trời nắng hạn quá mới thỉnh về ít hôm, rồi cũng giao hoàn.
Do những sự linh ứng đó mà người địa phương gọi chùa Vạn Thiện là chùa Linh Phù.
Truyền rằng sau khi ngài Linh Phù viên tịch, một cặp trâu cò chiều chiều len theo bầy trâu của chùa vào vườn ăn dâu. Thấy dâu bị hư hao nhiều, người trong chùa rình xem. Bắt gặp liền ví đánh. Cặp trâu cò rống lên một tiếng lạnh mình, rồi chạy thẳng ra đồng nhảy xuống con Sông Cạn trốn mất. Còn bầy trâu của chùa, vì không người chăn, lần lượt kéo nhau lên núi ở.
Lại truyền rằng trong thời loạn lạc, để tránh sự dùng chuông đúc khí giới, chùa Vạn Thiện đem quả đại hồng chung dấu nơi lòng Sông Cạn ở cạnh chùa. Đến lúc thái bình, tìm lại không thấy. Ai cũng tưởng đã bị lụt trôi đi xa. Nhưng người trong vùng, đêm đêm thường nghe tiếng chuông ngân ở dưới vực. Lặn xem lại không thấy gì. Rồi thời gian qua, không còn ai để ý đến nữa. Đến triều Thành Thái (1889-1907), trong thôn có người đi câu trông thấy quả hồng chung, liền tri hô. Đồng bào xúm nhau khiêng lên. Khiêng không nổi. Bèn báo Tỉnh. Tỉnh sai viên quản tượng là Hồ Ngọc Nhuận đem voi đến kéo. Một voi kéo không lên, phải dùng đến hai voi. Nhưng suốt một ngày và nửa đêm, hết hơi hết sức, quả hồng chung vẫn không hề di dịch mảy may. Lý hương bèn thiết hương án cầu khẩn. Cuối canh tư, trời bỗng nổi sấm chớp. Rồi mưa tuôn như cầm chĩnh đổ. Nước sông lênh láng. Sợi dây cáp (câble) cột nơi quai chuông và cổ voi, tự nhiên đứt. Khi tạnh mưa, lặn tìm không còn thấy quả hồng chung! Đến giờ ngọ, nước Sông Cạn nổi sôi sục sục, hết sôi liền đổi màu, trông đen như dầm mực!
Người địa phương cho rằng do teng đồng mà ra. Nên gọi khúc sông đó là Sông Đồng Đen. Hiện nay nước sông đã hết đen, nhưng tên sông vẫn còn giữ. [20]
Còn chùa thì đã sửa đi sửa lại nhiều lớp. Quy mô không lấy gì làm rộng lớn, kiểu thức, phong cảnh cũng không có gì đặt biệt. Nhưng vẫn đượm khí vị thiền lâm.
Vườn chùa trước kia rộng đến mấy mẫu. Cây cối sum sê. Ngày nay chỉ còn được chừng năm ba sào, và cam bưởi mới vun trồng, chưa có cội cao tàn cả.
Dấu tích xưa chỉ còn ba ngọn cổ tháp và hai cây cổ thọ là cây dầu và cây song giá.
Những cổ vật nầy trước kia nằm trong phạm vi chùa. Hiện nay chỉ cây dầu và ngọn tháp ngài Linh Phù nằm trong vườn chùa. Còn tháp ngài Bửu Hạnh và của Tổ khai sơn nằm ở bên ngoài. Cây Song Giá đứng che tháp Tổ. Xa trông như một cây tầm thường. Nhưng lại gần xem thật là kỳ cổ: Thân cây vốn hai, nhưng tháng ngày đã nhập thành một và lòng cây đã rỗng thành bộng có thể chứa được hai người đàn ông vóc to. Nhánh lưa thưa, và gầy guộc rắn rỏi trông như bằng đá hay bằng gang. Cây và tháp đứng bên nhau, tạo thành một bức cổ họa kỳ mỹ. Nhưng vì ở trong đám cây cỏ tùm lum, nên khách du quan không mấy ai để ý.

THIÊN LỘC TỰ
Chùa ở ấp Thanh Tự, thôn Phú Ân Nam.
Mặt hướng vào Nam.
Con Sông Cạn chạy trước chùa.
Tổ khai sơn là vị nào không được rõ.
Chùa dựng năm nào cũng không được rõ.
Trong chùa có một quả hồng chung và một quả bảo chúng, là hai vật xưa còn truyền lại.
Nơi Hồng chung chỉ khắc tên chùa là “Thiên Lộc Thuyền Tôn tự”.
Nơi bảo chúng chỉ ghi ngày chú tạo “Đinh Sửu niên Nhị nguyệt Nhị Thập nhật” Ghi năm tháng chớ không ghi triều đại, nên không dám quả quyết chùa sáng lập thời nào.
Năm Đinh Sửu, kể từ ngày phần đất Khánh Hòa thuộc về Việt Nam (1693) cho đến ngày kinh đô Huế thất thủ, nước Việt Nam bị nước Pháp cai trị (1885), thì có 4 năm:
- 1697 nằm trong niên hiệu Chính Hòa (1680-1705),
- 1757 nằm trong niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786),
- 1817 nằm trong niên hiệu Gia Long (1802-1820),
- 1877 nằm trong niên hiệu Tự Đức (1847 - 1883).
Chùa Thiên Lộc là một ngôi chùa cổ. Nhưng không thể có trước chùa Vạn Thiện tức chùa Linh Phù, vì tương truyền chùa Linh Phù là ngôi chùa có trước nhất ở Diên Khánh. Cũng không thể bảo rằng chùa mới có thời Tự Đức, vì nơi trính chùa còn một cây trính có khắc rõ ngày tháng trùng tu: “Tự Đức Cửu niên, tuế thứ Bính Thìn Mạnh thu nguyệt Cát nhật, trùng kiến Thiên Lộc Tự”. Trùng tu năm Tự Đức thứ 9 (1856) thì tất nhiên chùa phải có từ trước. Có từ thời Cảnh Hưng hoặc thời Gia Long.
Có thể tin chắc là thời Cảnh Hưng. Bởi vì dưới thời chúa Nguyễn, người Đàng Trong tuy vẫn dùng danh hiệu nhà Lê, song không chịu ân uy gì của nhà Lê hết, nên trên văn tự chỉ để tuế nguyệt mà không để niên hiệu cũng không tội vạ gì. Từ khi Gia Long nhất thống lãnh thổ, thì buộc phải viết niên hiệu trước rồi mới viết tuế nguyệt sau. Không ai dám trái, không ai dám quên. Trên quả bảo chúng chỉ khắc tuế nguyệt như thế chắc không phải đúc thời Gia Long mà đúc thời Cảnh Hưng vậy.
Còn về Tổ khai sơn thì không biết dựa vào đâu để truy cứu.
Truyền rằng:
Trong thôn có người quả phụ tục gọi Bà Sáu chuyên nghề nuôi tằm.
Một đêm mùa thu, trời mát trăng sáng, bốn người đàn ông lực lưỡng vào nhà xin tá túc.
Nhà không có chiếu dư cũng không đủ chỗ nằm cho bốn người, khách bèn mượn bốn chiếc nong đem ra ngoài sân trải nằm.
Gà gáy đầu, Bà Sáu thức dậy, ra giếng múc nước rửa mặt. Vừa bước xuống sân, thấy trong mỗi nong một con rắn lớn tày cột nhà nằm khoanh tròn, vảy sáng ngời dưới ánh trăng sắp lặn. Bà thất kinh thét lên một tiếng, rồi ngã ngay xuống đất, bất tỉnh! Khi hoàn hồn, bà thấy bốn người khách ngồi chung quanh giường. Một người nói:
- Bà đừng sợ. Chúng tôi là Long thần ở Thủy Cung. Vâng lệnh Long Vương lên núi lấy gỗ. Được bà chiếu cố, chúng tôi không quên ơn.
Đoạn từ giã, lên đường.
Qua tháng sau, trời bỗng mưa tầm tã hai ngày đêm, nước sông chảy cuồn cuộn và tràn ngập cả ruộng nương làng xóm. Nước lớn từ sáng và mỗi lúc mỗi lớn dần. Nhà cửa ở dưới thấp đều bị ngập lụt. Nhà Bà Sáu ở trên gò cao nhưng nước cũng vào đến sân lém đến thềm. Đêm đến ai nấy đều lo sợ , vì mức nước vẫn cứ lên...
Bà Sáu cũng không an tâm, chong đèn ngồi nhìn nước lụt. Chợt bốn người đàn ông tháng trước bước vào nhà. Một người nói:
- Chúng tôi chở gỗ về Thủy Phủ. Nhân đi ngang, ghé thăm bà. Bà chớ lo nước sẽ dựt trong đêm nay.
Nói rồi từ biệt.
Sau khi bốn người đàn ông ra đi thì nước rút dần. Sáng hôm sau nước dựt hết. trời đổ xuống một trận mưa “xối bùn” rồi mây tan nắng hảnh.
Và nơi chân thềm Bà Sáu, một bè gỗ danh mộc nằm ngay ngắn như có người sắp xếp và không dính một tí bùn.
Bà Sáu biết rằng đó là của Long thần đã tặng mình.
Nhưng nghĩ rằng mình góa bụa, lại không con cái, một túp nhà nhỏ cũng đủ che nắng mưa, kinh dinh làm gì cho cực nhọc. Nhân bên cạnh nhà có một thiền sư che một thảo am tu hành và giáo hóa bổn đạo, bà bèn đem bè gỗ cúng dường. Thiền sư hoan hỷ thu nhận, rồi dùng gỗ dựng lên một ngôi chùa kiên cố trang nghiêm, lấy tên là: Thiên Lộc Tự.
Thủ nghĩa rằng Chùa đó là lộc trời cho chớ không phải công người tạo.
Sau chùa, cách chừng vài trăm thước, Bà Sáu dựng một ngôi miếu thờ bốn vị Long thần, tục gọi là: Miếu Bà Sáu.
Câu chuyện Long thần tặng gỗ nghe thật hoang đàng. Song Chùa có đó, bia miệng cũng còn đó. Nghi làm sao? Tin làm sao? Mà biện bạch làm sao?
Chuyện u huyền âu đành để đó, trở lại cùng cảnh thực tại nơi thế gian.
Miếu cũng như chùa đã nhiều lần sửa đổi.
Hiện nay miếu được làng xây cất lại tử tế và dùng thờ bà Thiên Y A Na. Nhưng tục vẫn gọi là Miếu Bà Sáu.
Còn chùa Thiên Lộc thì đã cải tạo thành một phạm vũ tráng lệ nghiêm trang.
Chùa dựng năm Giáp Thân (1964). Kiểu thức Á Đông. Tầng trên xây một ngọn tháp bảy tầng thờ thất Cổ Phật. Chính đường thờ đức Thế Tôn. Tượng mới đúc, bằng đồng, cao gần lút đầu người, nghiêm trang quang diệu.
Vật liệu xây cất đều mới.
Trong chùa chỉ còn giữ làm kỷ niệm cây trính có khắc năm tháng trùng kiến ngôi chùa thời Tự Đức.
Trùng kiến ngôi chùa thời Tự Đức là ngài Thích Hải Tạng.
Chùa xưa ở trong nơi chật hẹp, Thượng tọa mua thêm đất ở chung quanh để mở rộng phạm vi chùa.
Thượng tọa viên tịch năm Tự Đức thứ 16 (1863), bảy năm sau khi trùng tu Thiên Lộc Tự.
Ở trong quận Diên Khánh hiện nay, chùa Thiên Lộc là chùa rộng lớn nhất.
Chỉ tiếc trước chùa không có đường giao thông. Khách đàn việt phải theo con đường sau chùa và vào cổng phía sau.
Nhưng cũng có điều hay là: Đi ngõ sau thấy được Miếu Bà Sáu. Và có thấy Miếu Bà Sáu mới nhớ đến chuyện Long thần tặng gỗ, mới nhớ đến gốc tích của chùa, khiến lòng người không vong bản vậy. [21]
HOA TIÊN TỰ
Chùa ở ấp Phật Tỉnh, thôn Phú Ân Nam. Nằm phía Tây Bắc chùa Thiên Lộc. Ra khỏi chùa Thiên Lộc theo con đường Quốc Lộ số 1 đi lên khỏi cây Dầu Đôi chừng vài mươi bước thì trẽ ra phía Bắc để đi đến chùa Hoa Tiên.
Cây Dầu Đôi cũng là một “cổ tích” của Khánh Hòa. Một gốc hai cột đứng song song. Thân mỗi cội cũng đến ba người ôm, thẳng đuột, và cao vút mây. Tuổi e đã hàng ngàn, trông thật là “quắc thước”.
Dưới gốc có một ngôi cổ miếu, thờ thần Hiệu Khôi Tinh.
Thần cậy cây dầu, cây dầu cậy thần. Người đi đường cũng như người sở tại không ai dám xâm phạm. [22]
Đối với du khách đến viếng chùa Hoa Tiên, cây Dầu Đôi là món “khai vị”.
Chùa Hoa Tiên vốn là một quan tự, do Tỉnh lập năm Gia Long thứ 10 (1811).
Chùa thờ Quan Thánh tức Quan Vũ đời Tam Quốc, ở gian giữa, thờ bà Thiên Y A Na ở bên hữu, thờ Phật ở bên tả.
Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), Tỉnh giao chùa cho làng.
Lúc còn thuộc quyền Tỉnh cũng như lúc đã giao cho làng, mỗi năm đến ngày 13 tháng giêng âm lịch, đều phải tổ chức hát bội tại chùa, tục gọi là “hát vía Ông”.
Do đó Chùa trở thành quan trọng trong hạt, và ngày 13 tháng giêng trở thành ngày vui hàng năm của người địa phương.
Đến triều Bảo Đại (1924-1945) hưởng ứng phong trào chấn hưng Phật Giáo, làng bèn đổi chùa thờ Thánh thành chùa thờ Phật.
Ban đầu có một số hào mục không chịu. Vị tiên chỉ mới nghĩ ra một kế là cầu Quan Thánh thẩm định. Quan Thánh giáng cơ, phán, đại ý rằng: việc dùng chùa ngài thời Phật là việc chính đáng, bởi Phật là đấng chí tôn. Huống hồ ngài cũng đã quy y Tam Bảo.
Thánh đã dạy thì còn ai dám không tuân.
Làng bèn thỉnh tượng Phật vào thờ gian giữa, rước tượng Thánh sang thờ gian tả. Còn gian hữu vẫn thờ bà Thiên Y A Na.
Kế đến quốc biến. Chùa cũng không tránh khỏi nghiệp chung. Cảnh vật phải chịu khá nhiều biến cải.
Đến năm Kỷ Hợi (1959) chùa được trùng tu.
Quy mô rộng lớn, kiến trúc tân thời nhưng vẫn giữ được vẻ Á Đông cổ kính.
Chùa hướng về Tây Bắc. Trước mặt, con sông Cái chảy từ Tây xuống Đông, mở vọng cảnh của chùa thêm rộng.
Vườn chùa cũng khá rộng, lại nhiều cây, nhiều cây cao rậm. Nên quang cảnh trong cũng như ngoài đều đượm khí vị thiền lâm.
Nhưng đáng lưu ý nhất là:
- Cây Cốc trong vườn chùa,
- Ba tượng thần bằng đá của Chiêm Thành để lại.
Cây Cốc là một “vị cổ lão” chắc là bạn đồng canh cùng cây Dầu Đôi ngoài Quốc Lộ. Gốc lớn có đến 10 ôm, hô hê hốc hỉu. Thân cao có đến ba bốn chục thước. Cành tua tủa trông giống đầu con nai chà Châu Phi.
Truyền rằng dưới gốc cây có vàng. Ban đêm, người quanh vùng thường thấy “vàng đi ăn”, ánh vàng sáng rực. Thời Pháp thuộc, công sứ Bréda đòi đào gốc cây để tìm vàng. Người trong làng sợ tai họa xảy đến, nên nhiệt liệt phản đối. “Phép vua thua lệ làng”, viên công sứ đành thối nhượng. Gần đây nổi lên phong trào tìm vàng. Nhiều nơi cổ tích bị đào phá. Có mấy người Hời ở Phan Rang tìm đến chùa, trưng giấy tờ của ông bà để lại và xin được phép bới gốc cây cốc để tìm của. Chùa nhất định từ khước. Nhờ vậy mà cây cốc còn cao cội sum cành, và chùa còn giữ được một bảo vật vừa kỳ vừa cổ.
Tượng thần cũng vừa kỳ vừa cổ, nhất là tượng bà Thiên Y A Na thờ trong chùa.
Tượng nầy là một phiến đá xanh hình khối chữ nhật. Cao chừng năm sáu tấc, dày chừng một tấc, một tấc rưỡi, rộng chừng một tấc rưỡi hai tấc. Không biết là một tác phẩm điêu khắc bị bỏ dỡ, hay là hình tướng một vị quái thần của Bà La Môn. Tượng chỉ khắc có nửa thân phía trước: Mặt có đủ mắt mũi miệng, hai tay chấp nơi ngực, đầu đội chiếc mũ nhọn như ngọn tháp Cao Miên. Còn phía sau lưng và khúc mình thì để nguyên dạng đá.
Người trong ấp đã tìm được khi đào giếng xây chùa. Trông thấy nét mặt đàn bà, đồng bào cho là tượng bà Thiên Y A Na bèn đem vào chùa thờ phụng. Và nhân việc đào giếng được tượng, ấp lấy tên là Phật Tỉnh vì tin rằng bà Thiên Y cũng là một vị Bồ Tát như đức Quán Thế Âm.
Còn hai tượng nữa thì ở dưới gốc cây cốc lồi lên.
Hai tượng nầy xưa lắm. Nét chạm khắc đã mòn hết, lại bị hư hỏng nhiều chỗ. Một tượng cao chừng 6 tấc, một tượng cao chừng 5 tấc.
Tượng mới lồi lên chừng bốn năm mươi năm nay.
Cho là vật linh thiêng, vị trụ trì đem vào chùa thờ. Nhưng nửa đêm tự nhiên rớt xuống đất. Một tượng bị gãy đầu. Vị trụ trì sợ, liền đem ra thờ dưới gốc cây cốc, nơi tượng đã lồi lên.
Hiện nay vẫn còn, song chiếc đầu gãy không biết ai đã lấy mất. [23]
Vào viếng chùa Hoa Tiên, nếu cây Dầu Đôi là món “khai vị” thì cây cốc và những tượng đá Chiêm Thành là những món “ tráng miệng” thích thú hơn cả “bữa cơm thịnh soạn của nhà chùa”.
Còn một điểm hay hay nữa là Phú Ân Nam có hai ngôi chùa là Thiên Lộc và Hoa Tiên, mà cả hai đều đi ngõ hậu.
Khách Đàn Việt đến chơi cửa thiền chắc lắm vị thuộc chuyện Tây Du. Khi bước vào ngõ, chợt nhớ chuyện Tề Thiên Đại Thánh nhờ đi ngõ hậu lúc canh ba vào phòng Tổ sư mà được truyền thọ thất thập nhị huyền công, thì hẳn có người sanh hy vọng rằng mình sẽ được vị trụ trì mật truyền tâm ấn.
Đó cũng là một hứng thú vậy.
Những ngôi chùa liệt kê trên đây là những cổ tự tạo lập từ thế kỷ thứ 19 trở về trước. Từ đầu thế kỷ 20 tới nay Khánh Hòa sản xuất nhiều ngôi chùa mới.
Được du khách lưu ý là:
- Chùa Linh Quang, Thiên Quang ở Diên Khánh.
- Chùa Giác Hải ở Vạn Ninh.
LINH QUANG TỰ
Chùa ở thôn Đại Điền Trung, trên Núi Chúa, gần miếu bà Thiên Y A Na. Chùa quan lập lâu đời. Hòa Thượng Nhơn Nguyện trùng tu triều Khải Định (1916-1925).
Ngài Nhơn Nguyện xuất gia lúc 9 tuổi. Bổn sư là Hòa Thượng Phổ Xứ chùa Kim Long Ninh Hòa. Ngài có hơi tối dạ. Những lúc không thuộc kinh, Hòa Thượng bắt ôm cột chùa để định tâm tĩnh ý. Khi đã hiểu được đạo lý, ngài lên núi Phú Nhơn ngồi dưới gốc cây ké đôi, tụng niệm. Ngài ngồi suốt một tuần nhật. Cọp ngồi chung quanh thèm ăn nhểu nước bọt đọng vũng.
Sau ngài vào trụ trì chùa Linh Quang, và trùng tu chùa được trang nghiêm hơn trước.
Chùa trùng tu xong. Ngài nhập thất. Ngót ba năm ngài chỉ ăn rau muống sống và ớt vào đúng ngọ. Do đó người địa phương gọi là Hòa Thượng Rau.
Sau ba năm, ngài thọ trì kinh Pháp Hoa rồi thiết hỏa đàn trà tỳ.
Đệ tử thâu xá lợi, lập tháp thờ.
Truyền rằng: Khi mới đến chùa Linh Quang, ngài Nhơn Nguyện thường ngồi tu trong hang đá phía sau chùa. Trong hang có một cọp mun, một con rắn cụt đuôi và một con cắt kè cũng cụt đuôi. Ba con vật đối với Ngài như người quen thuộc, và ngài coi ba con vật như ba đệ tử thân yêu. Ba con vật thường đến nhảy giỡn trước sân chùa. Nhưng sau khi ngài viên tịch rồi thì không còn thấy chúng lai vãng. [24]
Chùa hiện còn tốt. Nhưng trong vùng mất an ninh, nên cửa chùa tạm đóng.
THIÊN QUANG TỰ
Chùa ở thôn Phú Lộc.
Mặt ngó vào Nam.
Phía trước, con sông Cái chạy từ Tây xuông Đông, cát vàng nước bạc; và cây cối phía bên kia sông bát ngát một màu xanh.
Phía trước có miếu Thành Hoàng, đứng trên ngọn đồi Sơn Lâm xa trông như ngọn bút.
Phía tả có miếu Hội Đồng, miếu Tam Tòa.
Phía hữu, gần mé sông có miếu Văn Thánh.
Cảnh trí thật mỹ quan.
Chùa mới cất thời Bảo Đại (1925-1945), nhưng kiểu thức hoàn toàn cổ. Hình chữ  Môn. Chính diện ba gian hai chái, cột láng kèo trơn. Nhà tây nhà đông, rộng rãi mát mẻ. Cách bài trí đơn giản nhưng trang nghiêm. Mùi hương mùi hoa trên áng ngoài sân gây một bầu không khí nửa nồng nửa đạm.
Chùa lại cất trong một khoảnh vườn rộng và nhiều cây cối, khiến cảnh chùa thêm vẻ u tịnh thanh bình.
Tổ khai sơn là Ngài Trừng Thông, pháp hiệu Nhơn Duệ, bào đệ ngài Nhơn Nguyện chùa Linh Quang.
Ngài Nhơn Duệ đạo hạnh cao, pháp lý sáng.
Cất chùa Thiên Quang xong, Ngài nhập thất ba năm rồi thiết hỏa đàn trà tỳ.
Đệ tử thâu xá lợi và lập tháp thờ trong vườn chùa.
Nơi Ngài trà tỳ có xây một tiểu đài làm kỷ niệm.
Trong thôn Phú Lộc có đến 4 ngôi chùa:
- Phong Lộc, ở xóm Đông (gần sông Cái).
- Quang Lộc cũng ở xóm Đông.
- Huệ Quang, ở xóm Trung.
- Thiên Quang, ở xóm Thượng.
Nhưng chùa Thiên Quang nổi danh hơn cả là nhờ tư thế tổ khai sơn.
Gần đây lại xảy ra một sự kiện làm cho du khách thêm để ý đến chùa Thiên Quang.
Nguyên phía Tây chùa có một ngọn đồi tục danh là Hòn Tháp nằm một nửa bên Phú Lộc, một nửa bên Đại Điền Tây.
Trên gò có 7 ngọn tháp lâu đời, trải nắng mưa ít ra cũng vài ba thế kỷ. Xưa nay ai cũng tưởng là tháp của Chiêm Thành nên không gìn giữ . Tháp hư sập lần lần, chỉ còn ba ngọn, một lớn hai nhỏ.
Vì trên gò có tháp, nên gò mệnh danh là Hòn Tháp.
Ba ngọn tháp còn lại đứng vững trên dưới một trăm năm nay. Gần đây có phong trào tìm vàng. Những mộ cổ, tháp cổ của Chàm đều bị kẻ gian manh quật khởi. Ngọn tháp lớn trên gò bị đào sập. Một ngọn nữa mới đào dỡ lở rồi bỏ. Chư tăng chùa Thiên Quang được tin đên xem thì thấy trong tháp bị đào lở dở, nơi lỗ đào bày ra một bình bát màu nâu. Mở bình ra, chỉ thấy một ít tro và vài đốt xương trắng.
Bằng theo di tích, biết rằng những ngọn tháp kia là không phải của người Chàm mà là của các Thiền Sư hoặc người Trung Hoa hoặc người Việt Nam, các tăng sĩ chùa Thiền Quang đặt bình bát đựng linh cốt vào tháp, lấp lại tử tế, và ra công coi ngó những ngọn tháp còn lưa.
Tháp xây bằng vôi. Kiểu thức thô phác và có tính cách Việt Nam. Trông giống những tháp đặt trong các chùa cổ. Một ngọn còn giữ được hình hoa sen trên đỉnh và một cây bồ đề mọc lên trên, rễ bao trùm cả ngọn tháp.
Thật là một cổ tích đáng bảo tồn vậy.
Khách du lịch muốn đến xem tháp đều phải ghé vào chùa Thiên Quang. Do đó chùa đã có tiếng thêm nổi tiếng.
GIÁC HẢI TỰ
Chùa ở thôn Xuân Tự, phía Nam đèo Dốc Thị.
Khai cơ là T.T Thích Viên Giác, đệ tử Bích Không Đại Sư chùa Hải Đức.
Chùa cất năm Bính Thân (1956).
Cạnh chùa có điện Nam Hải Quan Âm với pho tượng đúc Bồ Tát bằng thạch cao, trang nghiêm tráng lệ.
Chùa dựng trên một ngọn đồi tục gọi là Núi Ông Sư. Mặt ngó vào Nam.
Đồi trước đây hoang vu, gai gốc rậm rạp. Nhưng xưa kia dường như đã có chùa hoặc am, nên đồi mới mang tên là Núi Ông Sư. Thêm nữa trên đồi có hai cây me già cỗi, tuổi ước trên vài trăm, đứng song song một cách cân đối. Không phải mọc tự nhiên, mà chắc là hai cây me trồng trước sân để lấy bóng mát. Rồi am mất, cây còn lại với nắng mưa.
Thượng tọa khai sơn đã dùng hai cây me cổ thọ để nhắm phương hướng cho ngôi chùa. Hiện hai cây đứng trước chùa Giác Hải như hai trụ ba biểu.
Kiến trúc của chùa không có gì lạ. Nhưng phong cảnh thật là mỹ quan.
Ngọn đồi hình mai rùa.
Phía tây hòn Phổ Đà Sơn tức là núi Bồ Đà, giống con voi nằm ngó ra Bắc, chung quanh gò đống ngổn ngang.
Dưới chân đồi, cũng phía Tây, con đường Quốc Lộ số 1 chạy từ Nam ra Bắc, vượt qua đèo Dốc Thị, như một con hắc mãng xà đương đi, khúc cong khúc thẳng.
Phía Nam phía Bắc, nhà cửa ruộng nương của thôn Xuân Tự ẩn hiện dưới bóng dừa xanh xoài xanh.
Và phía Đông, vịnh Vân Phong trông như hồ bán nguyệt, mây nước thương mang, nửa mờ nửa tỏ.
Đứng nơi sân chùa trông ra, cảnh Vân Phong thật vô cùng ngoạn mục.
Bán đảo Bàn Sơn ở phía Bắc, bán đảo Phước Hà ở phía Nam như hai cánh tay ôm lấy vịnh và hòn Đại Dự tức Hòn Lớn đứng làm bình phong. Biển xanh màu chàm, non xanh màu lá, trời xanh màu dương. Và hòn Đại Dự trông giống người đàn bà nằm trở đầu vào Nam, ngửa mặt lên trời, chân trái co, chân phải duỗi; trán, cằm, ngực, bụng, có đủ, và đường cong nét thẳng rõ ràng, nhịp nhàng như một pho tượng vĩ đại bằng đá xanh. Vì phía Tây có hòn Phổ Đà Sơn và vịnh Vân Phong lại thuộc về Nam Hải, nên người cửa Phật bảo đó là tượng đức Quán Thế Âm Bồ Tát.
Cảnh là hình ảnh của tâm. Những người không có Phật tâm mà có thánh tâm hoặc thị tâm thì nhất định thấy khác.
Nhưng không ai không công nhận là một bức tranh sơn thủy hữu tình.
Trong chùa lại có rất nhiều huyền thoại. [25] Song huyền thoại cũng như rượu nho, phải đợi ngày tháng dầm ngâm, thì vị mới đằm hương mới đượm. Chớ vách chùa rêu chửa phong, Thương Tọa khai sơn chưa thiết giàn hỏa, thì chất nho chưa tan biến không làm cho người hảo tửu khoái khẩu khoái tâm.
Nhưng nước dừa xiêm cần chi phải thêm đường cát. Nội cảnh nước non trước mắt cũng đủ làm cho du khách một khi lên chùa Giác Hải, lúc ra về không ai không ao ước cuộc trùng lai.
*   *   *
Khánh Hòa còn một ngôi chùa nữa, tuy mới cất chưa đầy ba mươi năm nay mà có tiếng không thua chùa Tổ. Đó là chùa Long Sơn.
LONG SƠN TỰ
Chùa nằm dưới chân hòn Trại Thủy, ngay Kim Thân Phật Tổ, mặt hướng về Nam.
Trong các đối liên của chùa Hải Đức có câu:
Kim Sơn Long Sơn tại kỳ tả hữu,
Nha Hải Phước Hải bổn bất khứ lai,
Kim Sơn là chùa trên Núi Gành. Long Sơn là chùa nầy. Nha Hải là biển Cù Huân. Phước Hải là làng sở tại.
Chùa của Hội Phật Giáo Thống Nhất tỉnh Khánh Hòa.
Kiểu thức tân thời. Có tánh cách một nhà giảng hơn một chùa Phật.
Nhưng vị trí thì thật tốt. Chùa cất trên một trảng đất cao, nhìn ra đường Quốc Lộ số 1. Trước măt đất rộng cây nhiều. Nên tuy gần đường xe ngựa xuống lên, chùa vẫn giữ được vẻ thanh tịnh.
Trong các danh lam ở Khánh Hòa, chùa Long Sơn là ngôi chùa được du khách thường lui tới nhất, sau chùa Hải Đức.
Đó không phải nhờ kiến trúc lạ mắt của chùa, cũng không phải vì phong cảnh khả ái, mà chính nhờ :
- Chùa ở gần thành phố Nha Trang, xe cộ đến được tận chân chùa, một cách thoải mái.
- Muốn lên chiêm ngưỡng Kim Thân Phật Tổ phải đi ngang qua chùa.
- Chùa của Tỉnh Hội, hầu hết những cuộc hội họp của sa môn tín đồ về Phật sự, tất cả những buổi lễ cầu siêu, cầu an của Chánh Quyền đều tổ chức tại chùa.
Những sự kiện khách quan đã làm cho chùa trở nên quan trọng. Cho nên nói đến danh lam thắng cảnh mà không nói đến Long Sơn Tự là một thiếu sót to.
Long Sơn Tự cũng nằm trong phạm vi hòn Trại Thủy.
Không kể ngôi chùa tư nho nhỏ ở dưới chân núi bên nhánh phía Tây, Trại Thủy có 3 chùa lớn:
- Chùa Hải Đức ở trên đầu núi, nhánh phía Tây,
- Chùa Bửu Phong cũng ở trên đầu núi nhánh Nam,
- Chùa Long Sơn ở dưới chân núi, nơi nách nhánh Nam và nhánh Đông.
Nếu nơi đầu nhánh Đông, một ngôi chùa nữa thế cho nhà đồng bào tản cư, thì Trại Thủy là một bài thơ đối rất chỉnh vậy.
Và ước mong sao trong các ngôi chùa ở Trại Thủy có được những vị sư lừng danh như quý ngài:
- Đạo Sanh,
- Huệ Duệ,
- Huệ Nham,
- Huệ Quán,
- Huệ An...
là các môn hạ trong hệ thống truyền thọ của ngài Cưu Ma La Thập, để hòn Trại Thủy trở thành hòn Lô Sơn và đá mọc quanh chùa biết gật đầu đảnh lễ trước Kim Thân Phật Tổ.
*  *  *
Ở Khánh Hòa chắc còn nhiều ngôi chùa quan trọng. Nhưng tiếc rằng chưa gặp được thiện duyên. Nên tạm ngừng nơi chùa Long Sơn và ngâm câu thơ của ngài La Thập:
Tâm sơn dục minh đức,
Lưu huân vạn do diên.






[1] Hòa Thượng viên tịch năm Giáp Thân, ngày mồng 2 tháng chạp, tức năm 1764, thời Cảnh Hưng (1740-1765).
[2] Thuật theo lời Thượng tọa Tịch Tràng, trụ trì chùa Linh Sơn.
[3] Trà Tỳ là lên dàn hỏa tự thiêu.
Thiêu xong còn một ít xương sót lại gọi là xá lợi, được thu nhặt và lập tháp thờ. Các vị cao tăng thời trước thường tự thiết hỏa đàn để trà Tỳ.
[4] Thuật theo lời Đại Đức Hạnh Hải, trụ trì chùa Thiên Bửu ở Ninh Hòa.
[5] Thuật theo lời Đại Đức Minh Mỹ người Ninh Hòa.
[6] Những chuyện trên do Đại Đức Minh Mỹ người Ninh Hòa thuật lại.
[7] Trong Đại Nam Nhất Thống Chí chép là Linh Sơn Tự nhưng tấm biển treo nơi chùa đề là Linh Phong Cổ Tự và người địa phương vẫn gọi là chùa Linh Phong.
[8] Trong Đại Nam Nhất Thống Chí chép tên chùa là Linh Sơn Tự không biết có phải do chữ trong câu đối mà ra chăng. Và chữ Linh Sơn đây không biết chỉ chùa hay chỉ núi .
[9] Đại Nam Nhất Thống Chí chép là “Quang Tổ Đạo”.
Khánh Hòa ngày xưa có huyện Quảng Phước (Vạn Ninh hiện thời). Không biết trong câu đối chỉ huyện hay nói về nhà Nguyễn Phước.
[10] Câu đối đề lúc còn làm Thế Tử mà sao lại để là “Quốc chủ”. Nếu đề khi đã lên ngôi Chúa rồi thì năm Dần kia không phải là Giáp Dần mà là Bính Dần, hoặc Mậu Dần, Canh Dần.
[11] Sách không nói tỉ mỉ. Đây chỉ là nghe các cụ phụ lão kể lại.
[12] Chùa phát hỏa năm nào không được rõ, chừng vào khoảng cuối triều Khải Định đầu triều Bảo Đại.
[13] Tấm biển “Linh Phong Cổ Tự” không bị cháy, chỉ bị thất lạc. Sau có người tìm được đem cúng cho chùa Bửu Phong ở Phước Hải (trên đồi Trải Thủy).
[14] Xưa kia vùng Nha Trang Tây thuộc về Phương Sài.
[15] Đã nói rõ ở đoạn trước về Nha Trang.
[16] Tiểu sử Huệ Giáo Hòa thượng đã nói rõ ở mục “Chùa Thiên Đức”. Tiều sử Phước Huệ Hòa thượng đã nói rõ trong tập Chùa Hải Đức do Phật học viên Nha Trang xuất bản năm 1964.
[17] Quý Ngài trụ trì chùa Hải Đức thuộc phái Lâm Tế, dòng Tổ Vạn Phong. Xem mục “Phật giáo” ở sau.
[18] Tiểu sử của Đại sư đã nói rõ trong tập “Chùa Hải Đức”.
[19] Đã tả rõ ở chương “Núi non” mụcnói về Trại Thủy, và ở chương “Thắng cảnh Cổ tích” mục nói về Nha Trang.
[20] Chuyện nầy do Đại Đức Thiện Danh trụ trì chùa Linh Phù thuật.
[21] Câu chuyện Long thần tặng gỗ do Đại Đức Như Pháp thuật lại. Các vị phụ lão ở Phú Ân Nam công nhận rằng có nghe ông bà kể lại na ná như thế.
[22] Xem đoạn trước, mục “miếu cây Dầu Đôi”.
[23] Những chuyện trên do vị trụ trì chùa Hoa Tiên thuật lại.
[24] Những chuyện trên do Đại Đức Hạnh Giác, trụ trì chùa Thiên Quang ở Phú Lộc kể lại.
[25] Tập Phổ Môn diễn nghĩa của T.T. Viên Giác có nói rõ ở phần phụ bản.