Chương V
BIỂN VÀ BỜ BIỂN
A
Biển
Khánh Hòa chạy từ Vũng Rô đến Cam Ranh, dài chừng 100 cây số đường thẳng.
Có
bốn vịnh:
-
Vịnh Vân Phong chạy từ chân núi Mã Cảnh đến chân phía Bắc núi Phước Hà.
-
Vịnh Nha Phu chạy từ chân núi phía Nam Phước Hà đến chân đèo Rù Rỳ.
-
Vịnh Cù Huân chạy từ đèo Rù Rỳ đến chân núi Cầu Hùm trong dãy Hoàng Ngưu Sơn.
Vịnh
Cam Ranh, nay thuộc về thị xã Cam Ranh.
Trong
mỗi vịnh đều có vũng và cửa biển.
VỊNH VÂN PHONG
Rộng
lớn nhưng rất kín đáo. Bán đảo Bàn Sơn dài gần 30 cây số, chạy từ đèo Cổ Mã
xiên xiên theo hướng Đông Nam làm cánh cửa che gió Bấc. Bán đảo Phước Hà dài
trên 20 cây số, cũng chạy xiên xiên theo hướng Đông Nam, làm cánh cửa che gió
Nam. Tàu bè gặp bão thường ghé vào đụt.
Trong
vịnh có vũng Trâu Nằm ở Tu Bông, vũng Hòn Khói ở Ninh Hòa, đối diện nhau. Và ở
gần cuối dãy Phước Hà có vũng Cây Bàn.
Những
vũng nầy là những nơi sinh nhai của đồng bào ngư phủ.
Vịnh
có hai cửa biển là cửa Vạn và cửa Giã.
CỬA
VẠN, Pháp gọi là Port Dayot ở tại Đầm Môn, dưới chân bán đảo Bàn Sơn [1].
Trước
cửa có một hòn đảo lớn, tục gọi là Hòn Lớn, tên chữ là Đại Dự, đứng che. Cho
nên cửa rất kín đáo. Chính nơi đây là nơi tàu bè núp bão tố.
Vào
ra cửa có hai lạch ở giữa Hòn Lớn và hai nhánh núi của bán đảo Bàn Sơn. Lạch
phía Đông gọi là Lạch Cửa Bé, lạch phía Tây gọi là Lạch Cửa Lớn hay Lạch Cổ Cò.
CỬA
GIÃ nằm tại Vạn Giã. Nước sông Hậu chảy ra cửa nầy.
Cửa
Giã là nơi ghe thuyền buôn bán ra vào. Cá tôm ở các vũng phần nhiều cũng dồn về
Cửa để phân phối đi các nơi. Cho nên dân cư đông đúc.
Vạn
Ninh thịnh vượng nhờ cửa Giã một phần, và ruộng đất một phần.
Tên
Vạn Giã là do tên hai cửa biển ghép lại.
VỊNH NHA PHU
Bề
ngang gần sáu cây số, bề dài chừng vài chục cây số. Gần bằng một góc tư vịnh
Vân Phong.
Trong
vịnh có cửa Hà Liên và cửa sông Dinh ở Ninh Hòa chảy xuống.
Thuyền
ghe lên xuống cửa nầy để buôn bán cùng Ninh Hòa.
VỊNH CÙ HUÂN
Đây
là một vịnh quan trọng nhất của tỉnh Khánh Hòa.
Vịnh
trống trải. Gió Nam gió Bấc thổi qua đều không có sức ngăn cản. Cho nên không
được thuận lợi cho tàu thuyền những lúc gió to sóng dữ.
Trong
vịnh có hai cửa biển: Cửa Lớn tức cửa Nha Trang và Cửa Bé tức cửa Trường Đông.
Tuy
trống trải, Cửa Lớn tức cửa Nha Trang là một hải cảng quan trọng ở Trung Việt.
Tàu
buôn, tàu chiến đều thả neo, không ngày nào không có.
Đây
vừa là một nguồn lợi cho thành phố Nha Trang vừa là một máy điều hòa không khí,
vừa là một cảnh dưỡng mục dưỡng thần.
Còn
Cửa Bé rất có lợi cho việc chài lưới. Nhân dân ở Trường Đông đều sống nhờ Cửa
Bé. Và nước mắm ngon trong tỉnh, một phần lớn do Cửa Bé mà ra. Cho nên Cửa Bé
tuy nhỏ mà nổi tiếng từ xưa.
Cửa
Lớn tên chữ là Đại Cù Huân, Cửa Bé gọi là Tiểu Cù Huân.
VỊNH CAM RANH
Vừa
rộng rãi vừa kín đáo, vịnh Cam Ranh là một hải cảng đứng vào hàng hải cảng tốt
nhất Á Đông, về mặt quân sự cũng như về mặt thương mãi. Nhưng trước kia, nhân
dân Khánh Hòa chưa được hưởng lợi, ngày nay lại cắt giao cho thị xã Cam Ranh và
người Việt Nam không được lui tới nếu không có giấy phép của người Mỹ.
Tuy
Cam Ranh không còn hệ thuộc Khánh Hòa, nhưng nhân dân Khánh Hòa không quên Cam
Ranh và không quên câu chuyện năm Ất Tỵ (1905).
Năm
ấy Nhật thắng Nga. Tàu chiến của Nga chạy ngang qua phần biển Khánh Hòa, chạy
vào trốn tại vịnh Cam Ranh. Nhân đi vào Nam, qua Khánh Hòa, ba nhà chí sĩ Phan
Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng ghé lại Cam Ranh xem tàu Nga.
Đi
thăm, sự thật không phải cốt để thỏa mãn tính tò mò, mà chính để mừng chiến
thắng oanh liệt của một dân tộc da vàng, để thêm phần tin tưởng ở sự thành công
sau nầy của cuộc cách mạng dân tộc do những nhà chí sĩ ái quốc lãnh đạo, trong
đó có hai cụ.
Bọn
chó săn của Pháp theo dõi, biết được.
Và
bọn quan An Nam, khi kết án hai cụ về tội “mưu đồ phản loạn”, đã vin vào việc
đi thăm tàu Nga là một bằng cớ để múa bút tà ngụy buộc tội cho thêm nặng nề!
Đồng
bào Khánh Hòa cũng không quên bãi cát Cam Ranh là nơi đày những chiến sĩ Cần
Vương, sau khi phong trào đã bị tan rã (1887), và nhiều người đã vùi thây nơi
cát trắng biển xanh.
Sau
nầy Cam Ranh dù có thay đổi hẳn bộ mặt, người Khánh Hòa nói riêng, người Việt
Nam nói chung, chắc không nỡ quên những hàng lịch sử đã in sâu vào bia miệng
nhân dân địa phương.
B
Bờ
biển Khánh Hòa hình cong như lưỡi liềm, lưng trở vào đất, lưỡi trở ra biển.
Nhưng không phải trơn liền và bằng phẳng như lưỡi liềm, mà chỗ cao chỗ thấp,
nơi lõm nơi lồi, đoạn thì ghềnh đá chông chênh, đoạn thì bãi cát êm dịu.
Sơn
mạch từ Đại Lãnh, Mã Cảnh chạy thẳng ra biển, xiên xiên theo hướng Đông Nam tạo
thành một bán đảo. Đó là bán đảo Bàn Sơn.
Bán
đảo Bàn Sơn, dài gần 30 cây số. Trong nhỏ ngoài to, hình giống một chiếc chìa
khóa sửa xe đạp mà răng day vào Vạn Ninh, cán trở ra Bắc.
Hai
“răng chìa khóa” như hai cánh tay ôm lấy Cửa Vạn mà hòn Đại Dự đứng trước làm
bức bình phong.
Từ
Ninh Mã, dưới chân Đèo Cổ Mã đến mũi Hòn Ngang, dài 13 cây số, bờ biển cao
nhưng ngay ngắn. Qua khỏi mũi Hòn Ngang, đi vào chừng trên 3 cây số nữa thì núi
nổi lên làm cho bờ biển trở nên gập ghềnh khúc khuỷu, cao thấp lõm lồi, mặt
ngoài cũng như mặt trong. Từ Ninh Mã đến Vĩnh Giật phía Tây, mũi Hòn Ngang phía
Đông, là cán chìa khóa. Từ Vĩnh Giật Hòn Ngang đến Khải Lương, là răng chìa
khóa. Trong khoảng răng chìa khóa có nhiều mũi đá, ngoài mũi Hòn Ngang, như mũi
Đá Chôn, Mũi Đôi, Mũi Hòn Chò, mũi Cột Buồm, ở phía Đông bán đảo. Mũi Gành ở
cuối bán đảo về phía Nam, mũi Nai Ba Kèn ở phía Nam Cửa Vạn, mũi Cổ Cô, mũi Đá
Sơn... ở phía Tây bán đảo.
Bán
đảo Bàn Sơn là bờ phía Đông của vịnh Vân Phong.
Bờ
phía Tây của vịnh, tức là một đoạn bờ biển “chính thức” của Khánh Hòa, chạy tư
Vũng Trâu Nằm đến cuối dãy Phước Hà Sơn của Ninh Hòa.
Đoạn
nầy chia làm hai phần:
-
Từ Vũng Trâu Nằm đến Vũng Hòn Khói, bờ biển thấp và toàn cát hình lưỡi liềm.
Những sông những suối chạy vào biển, chia bãi cát thành nhiều khoảnh, khiến cho
lưỡi liềm bị mẻ nhiều nơi.
-
Từ Hòn Khói trở vào Nam, núi nằm sát biển, nên bờ biển thường thường cao và
dốc. Nhiều nơi ghềnh đá chênh vênh, dưới chân ghềnh có nhiều hang nhiều hố. Có
một số hang hố ăn sâu vào lòng núi, làm ngõ ra vào cho những “thạch thất” tức
những động đá ở bên trong.
Đoạn
nầy nằm dưới chân dãy Phước Hà, mặt Đông Bắc. Bờ biển nhô ra nhiều mũi nhọn.
Đáng kể là mũi Bàn Thang, mũi Bãi Chướng, mũi Bắt Tay. Mũi Hòn Thị là cùng điểm
(terminus) của dãy Phước Hà.
Dãy
Phước Hà là cánh cửa phía Nam của vịnh Vân Phong và là cánh cửa phía Bắc của
vịnh Nha Phu.
Cũng
như phía bên Vân Phong, phía bên Nha Phu núi cũng chạy sát biển. Bờ biển cao
nhưng có phần thẳng, ít nơi lồi lõm hơn phía bên Vân Phong. Song dưới chân
ghềnh cũng có nhiều hang hố ăn thông vào động bên trong của Hòn Hèo.
Cho
nên nếu có binh đóng trong lòng dãy Phước Hà thì không sợ bị phong tỏa. Vì
ngoài những đường vô ra ở trên núi, còn nhiều ngõ thông thương ở ngoài biển.
Bờ
biển phía Đông Bắc vịnh Nha Phu cao. Bờ biển phía Tây, từ cửa Hà Liên chạy vào
tới Rù Rỳ, thấp, vì núi chạy có hơi xa biển. Nhưng thỉnh thoảng núi đột khởi
hoặc chạy thọc ra biển, khiến bờ biển đương bằng vụt nổi, đương liền lặng vụt
chông chênh. Như ở Tân Thủy có Hòn Hoài, ở ranh giới Ninh Hòa Vĩnh Xương có đèo
Ruột Tượng và nhất là qua khỏi Lương Sơn có đèo Rù Rỳ, làm thay đổi hình thế và
sắc thái bờ biển.
Qua
hải phận vịnh Cù Huân, bờ biển vẫn không nhất trí, vì có núi thỉnh thoảng chạy
ra biển chỗ ít chỗ nhiều.
-
Từ Rù Rỳ đến Cù Lao, bờ biển toàn cát trắng, thấp và bằng phẳng mịn màng, dài
độ ba cây số.
-
Tại vùng Cù Lao, núi lòi ra biển, bờ biển toàn đá và nổi lên cao ở phía Bắc và
phía Đông, cong cong chừng một cây số.
-
Phía Nam Cù Lao, cửa sông Nha Trang cắt ngang bờ biển làm đôi. Nếu không có cầu
Xóm Bóng nối liền Bắc Nam, thì kẻ bên nầy người bên kia không khỏi nặng tình
trông đợi.
-
Từ cửa sông Nha Trang đến Trường Tây thì bãi rộng cát bằng, hình giống chiếc
yển nguyệt đao bằng bạc mà lưỡi sắc bén do sóng mài. Dài sáu cây số.
-
Từ Trường Tây đến Trường Đông, dài hai cây số, hòn Cảnh Long như con rồng xanh,
nằm sát biển, làm cho bờ biển nổi cao.
-
Nếu không có Cửa Bé cắt ngang, thì hòn Cảnh Long nối liền với dãy Hoàng Ngưu
Sơn vào thẳng Cam Ranh, thì bờ biển là một bức trường thành cản sóng gió tràn
vô đất.
-
Bờ biển thuộc hải phận Cam Ranh là một bán đảo chạy từ chân Hoàng ngưu Sơn ra
biển, xiên xiên theo hướng Đông Nam. Cát trắng chen núi xanh, chạy dài hơn 30
cây số, làm cánh cửa che cho vũng Thủy Triều và vịnh Cam Ranh, suốt mặt phía
Đông. Đi ngoài biển nhìn vào chỉ thấy núi xanh cát trắng.
Bờ
biển Khánh Hòa đại khái là thế. Hình trạng bất nhất, khí sắc bất nhất. Nhờ vậy
mà phong cảnh luôn luôn thay đổi. Hành khách đi đường hàng không trông xuống,
đi đường hàng hải trông vào luôn luôn tìm thấy cảnh mới lạ, khiến mặt cũng như
lòng, không chán không nhàm.
Bờ
biển Khánh Hòa có nhiều bãi cát rất đẹp, rất quyến rũ, như:
Bãi
Đại Lãnh ở dưới chân đèo Cả. Bãi dài chừng hai cây số. Cát trắng mịn. Trên bãi
trồng dương liễu thành rừng, tàn xanh bóng mát. Biển xanh tắm cát trắng. Liễu
lục che cát trắng. Gió biển thổi vào, tiếng dương vi vút, tiếng sóng xào xạc.
Một bên cao mà dài. Một bên thấp và ngắn. Dường như trái nhau, mà thật hết sức
ăn nhịp với nhau, như tiếng sáo tiếng trống hòa điệu.
Khách
du quan thường kéo nhau đến thưởng thức.
Bãi
Đồng Đế ở phía Bắc Cù Lao. Dài chừng một cây số. Bằng thẳng sạch sẽ. Khách
phong lưu thường kéo nhau ra tắm mát phơi nắng.
Bãi
Nha Trang, một thắng cảnh của Khánh Hòa, một nơi đã làm cho Nha Trang nổi tiếng
là “miền cát trắng dương xanh” khắp toàn quốc [2].
Bãi
Dài chạy từ Hải Triều, đến Cam Ranh, dài trên 16, 17 cây số. Cát trắng phau
phau, trắng hơn cả cát bãi Nha Trang, Đồng Đế. Nhưng vì ở xa nơi thị tứ nên du
khách ít vãng lai. Sau nầy khi Cam Ranh đã trở thành nơi đô hội phồn hoa thì
Bãi Dài nhất định sẽ trở nên bãi biển quyến rũ khách thừa lương hơn bãi nào
hết.
C
Dọc
theo bờ biển, Khánh Hòa có rất nhiều Đảo. Lớn nhỏ, tất cả là 71 hòn.
Trong
vịnh Vân Phong có:
-
Hòn Điệp Sơn, trên cao trông xuống giống hình con nòng nọc, đuôi trở vào Nam,
tục gọi Hòn Bịp.
-
Hòn Đại Dư, tức Hòn Lớn, dài đến 14,15 cây số, và rộng từ 2 đến 6 cây số, chận
ngang Cửa Vạn.
Chung
quanh có nhiều hòn đảo nhỏ, trông như những con gà con chạy chung quanh con gà
mẹ.
-
Hòn Mỹ Giang ở phía Đông bán đảo Phước Hà. Trước mặt có hai hòn đảo nhỏ là Hòn
Thẹo và Hòn Khô. Và ngoài xa có Hòn Đỏ (cũng gọi là Hòn Hèo) và hòn Cứt Chim.
Đó là những hòn đảo phụ thuộc.
Trong
vịnh Nha Phu có:
-
Hòn Trà La tức hòn Chà Là, bên cạnh có hòn Hố và hòn Rồng. Ba hòn nầy là ba hòn
yến và nằm ở ngoài khơi.
-
Hòn Thị Sơn gọi tắt là hòn Thị, phía Đông có bán đảo Phước Hà che, phía Tây có
nhiều đảo nhỏ chầu hầu, như hòn Nứa, hòn Rêu, hòn Trồng, hòn Sấm.
Trong
vịnh Cù Huân có:
-
Hòn Quy Đảo tức hòn Rùa vì hình tương tợ con rùa bò vào nam. Đứng nơi bãi Nha
Trang trông ra, ném về phía Bắc.
-
Hòn Bút Sơn hình giống một chiếc nón Huế úp sấp. Pháp gọi là Pyramide. Tục gọi
là hòn Dụm. Ở trên đảo có yến sào, nên cũng gọi là Hòn Yến.
Ca
dao Khánh Hòa có câu.
Anh đứng Hòn
Chồng,
Trông sang Hòn Yến.
Lên thăm Tháp Bà
Về viếng Sinh Trung.
Non xanh nước biếc trập trùng,
Biết bao liệt nữ anh hùng, em ơi!
Em hãy nhận lời
Cùng anh kết ngãi.
Đầu nguồn cuối bãi
Ta hãy nương nhau.
Biển
Cù nước mãi còn sâu.
Công
linh chẳng trước thời sau cũng thành.
Những cảnh trong bài ca là những cảnh ở trong phạm
vị vịnh Cù Huân, và hòn Yến nói trong bài là
hòn Dụm, hòn Bút vậy.
Phía
bắc hòn Dụm có một hòn đảo nhỏ nữa gọi là hòn Câu.
Ở
khoảng giữa hòn Dụm và hòn Câu, có hai cụm đá trụi đứng song song.
Vì
hòn Dụm là hòn Bút, nên hòn Câu gọi là hòn Nghiên và hai cụm đá nhỏ gọi là hòn
Mực.
Biển
có bút có nghiên có mực, trời trải mây ra làm giấy, để cho bầy én tía bầy nhạn
trắng làm chữ viết nên bài thơ nghìn ý muôn lời, điểm trang Cửa Lớn thành một
bức tranh tuyệt mỹ.
Thời
Tiền Chiến có câu:
Sóng mài nghiên biển ngòi non
chấm,
Gió trải tờ mây chữ nhạn đề.
Là
do cảnh của Nha Trang gợi hứng.
Hòn
Bút nằm ngay thôn Cù Lao, cách bờ biển 17 cây số. Đứng nơi bãi biển Nha Trang
nhìn ra thấy dường như ở chính trước mặt. Xiên xiên về hướng Đông Nam, và cách
bờ biển ba cây số, có một hòn đảo to lớn, nứt nhiều nhánh xa trông như những
con cá sấu bò xuống nước. Đó là:
-
Đảo Đàm Mông, tục gọi là Hòn Trẻ [3].
Trên đảo có thôn Bích Đầm, người ở đông đúc. Phía Đông có mấy hòn đảo nhỏ, hình
cá óc nóc tục gọi là hòn Nọc. Có Hải đăng.
Đảo
nầy nằm ngay trước mặt Cầu Đá xã Trường Tây.
Nằm
ngay trước Cửa Bé xã Trường Đông, có:
-
Đảo Bồng Nguyên tục gọi Hòn Miếu. Trên đảo có thôn Trí Nguyên.
Phía
Đông có ba hòn đảo đứng thành hàng dọc, hợp cùng đảo Bồng Nguyên thành bốn trụ
ba biểu đứng trước ngôi đình là đảo Đàm Mông.
Ba
hòn nầy tục gọi là:
-
Đảo Tầm, đảo Một và đảo Mùn.
Qua
hải phận Cam Ranh có:
-
Hòn Nội và Hòn Ngoại.
Đó
là hai hòn đảo có nhiều yến sào nhất tỉnh Khánh Hòa.
Trong
những hòn đảo có yến sào, hang hóc nhiều lắm. Cái thì ăn bồng bênh vào lòng
núi, cái thì chạy dài như dãy hành lang. Vách đá bị sóng gió mài cọ, trơn láng
như gương. Chim yến bám vào những nơi cao để làm tổ.
Khánh
Hòa có tất cả 7 hòn đảo có tổ yến (yến sào). Nhưng sản xuất nhiều nhất là Hòn
Ngoại (4.000 tổ mỗi mùa).
Hòn
ngoại nhỏ hơn hòn nội lại đứng phía trong Nam.
Có
nghĩa nội ngoại đây không có nghĩa là trong ngoài, mà là phía nội phía ngoại.
Phía nội trọng hơn phía ngoại, nên hòn lớn gọi hòn Nội, hòn nhỏ gọi hòn Ngoại.
Đó là ức đoán. Người đương thời không ai giải thích được chính xác.
Đảo
nầy có một đường hầm vừa cao vừa dài chạy suốt từ triền phía Nam sang triền
phía Bắc. Đường đi ngoắt ngoéo, lúc thẳng lúc cong. Ánh sáng lờ mờ từ những kẻ
đá trên đỉnh lọt xuống.
Muốn
vào hang phải dùng thuyền nhẹ, thon và dài. Người chèo thuyền phải thông thạo
đường lối và phải thật lanh tay chèo. Miệng hang thường bị sóng khỏa lấp. Nhưng
nếu đầu hang nầy bị sóng lớn thì vào đầu hang bên kia. Vì lúc nào cũng có một
đầu động, một đầu tĩnh. Vào hang phải hết sức cẩn thận. Nhiều nơi quá hẹp, lắm
nơi đá mọc ngầm dưới nước, người chèo thuyền phải xuống khỏi thuyền, để vừa bơi
vừa đẩy thuyền qua những nơi hiểm trở. Đến giữa hang, thuyền dừng nơi một bến
đầy sạn sỏi và đá tảng. Sóng vỗ vào đá, bọt bắn như tuyết, tiếng nghe bập bùng
và vang rền như tiếng sấm đất. Gió thổi vun vút và hơi nước hơi đá bốc lên lạnh
buốt cả người.
Từ
cửa vào đến bến mới là hang ngoài, đúng hơn, mới là đường hang. Đến bến rồi mới
trông thấy hang yến. Hòn Ngoại có ba hang. Các hang đều chạy lên cao. vách nhẵn
thín. Chim yến lớp bay lượn thoăn thoắt trong hang, lớp bám vào vách vào tổ.
Tiếng kêu chin chít, hòa cùng tiếng sóng tiếng gió hòa thành những bản nhạc
không có tiết tấu cũng không có đầu đuôi.
Còn
tổ yến thì dính vào vách hang, dính nơi vòm hang. Ngửa mặt trông lên thấy từng
điểm trăng trắng như sao trên trời một đêm sương.
Quang
cảnh trong hang thật khác biệt cảnh bên ngoài cả thanh lẫn sắc. Và tuy ở trong
hang, chúng ta vẫn không thấy ngột ngạt vì gió thổi không ngừng.
Đến
chơi hang yến hòn Ngoại, ông Bạch Vân ở Nha Trang có một vịnh rằng:
Hòn Yến lâu
nay ngỏ ý mời,
Dong thuyền lướt sóng đến xem
chơi.
Quanh co đường nước xuyên gành
đá,
Thăm thẳm lòng hang khuất dạng
khơi.
Chim trổi tiếng vàng hòa nhạc
biển,
Tổ treo giá ngọc rựng sao trời,
Cho hay Cù Hải giàu sang thật,
Ngọc chứa vàng chôn khắp mọi nơi.
*
* *
“Bạc
chứa vàng chôn” là giá trị của tổ yến. Vì mỗi năm yến sào làm lợi cho Khánh Hòa
hàng ức hàng triệu.
Tổ
yến Tàu gọi là Yến sào. Do chất nhựa trong cổ họng chim khạc ra. Yến làm tổ
cũng như tằm làm kén. Hai bên đều đem “tinh huyết” của mình ra mà làm việc.
Yến
ở Khánh Hòa hầu hết sắc tía. Giống yến vàng rất ít.
Yến
bắt đầu làm tổ từ tháng chạp âm lịch. Nhưng đến tháng hai, gió nồm thổi ấm, mới
dốc hết sức hết công.
Làm
tổ xong thì lo đẻ. Song người lấy tổ không để chim kịp đẻ đã lo làm mùa, nghĩa
là lấy tổ. Tổ lấy xong độ năm ba hôm sau thì chim làm tổ khác, nơi chỗ cũ. Kỳ
nầy thì chim được phép đẻ tự do. Và người lấy tổ đợi chim con biết bay rồi mới
làm mùa thứ hai. Không phải họ thương gì chim, mà chính không muốn chim tuyệt
giống, không muốn sang năm sau lợi tức kém thua.
Lấy
tổ yến không phải dễ. Phải làm giàn tre để leo, hoặc dùng dây thừng để lên
xuống. Nhiều khi phải leo thật cao, rồi nắm dây tụt xuống tận vực thẳm, trong
những hang tối om và không hơi gió lọt. Nhiều hang chỉ vào được lúc thủy triều
xuống để lộ cửa hang. Cửa hang lắm nơi chỉ vào lọt một em bé. Người vào hang
phải hết sức lanh lẹ để trở ra kịp lúc nước triều chưa lên.
Vào
xem hang yến phải đợi mùa lấy tổ yến, mới thưởng thức trọn vẻ đẹp và thú vị
trong hang. Sự lanh lẹ, khéo léo, dẻo dai của người thợ, cảnh nguy hiểm, vẻ lắt
léo của những con đường xuống lên để lấy tổ, cảnh rộn rịp nhưng không ồn ào của
bầy yến bị mất tổ... gây những cảm giác vừa vui vừa lo, vừa êm đềm vừa rạo
rực..., những cảm giác giông giống như khi ngồi xem cirque, nhưng thanh thoát
trong trẻo hơn.
Người
thợ lấy tổ yến, chỉ hưởng tiền công hết sức ít đối với số lợi của chủ thầu tổ
yến thu vào. Ngoài tiền công ra, người thợ cũng không mấy khi được nếm một
miếng yến thượng hảo hạng xem hương vị ra sao! Vì khi ra khỏi hang, người thợ
bị lục soát tận kẻ lông chân tóc!
Chủ
thầu kiểm soát chặt chẽ như vậy là vì một tổ yến (thường gọi là tai yến) hiện
thời giá từ hai trăm đồng đến năm trăm đồng! [4]
Hòn
Ngoại làm tiêu biểu cho các hòn Yến ở Nha Trang.
Và
bờ biển Khánh Hòa tạm dừng ở Hòn Ngoại, để nhìn về tương lai của bờ biển Cam
Ranh, với hy vọng:
Nước non vốn nước non nhà,
Dẫu thay đổi mới vẫn là nước non.
[1] Sẽ nói ở sau.
[2] Sẽ nói ở chương “Thắng cảnh cổ tích”.
[3] Đàm Mông (đứa trẻ của đầm) dịch tiếng hòn trẻ ra. Các bản đồ mới
cũ đều ghi hòn Tre. Vì theo bản đồ Pháp, mà chữ Pháp không có dấu.
Trong đảo có
nhiều núi. Hai ngọn cao nhất là hòn Trẻ (482 thước) và Hòn Lớn (414 thước) cho
nên Đảo khi gọi là hòn Trẻ khi gọi là hòn Lớn.
[4] Giá trị của yến sào sẽ nói rõ ở chương “Kinh tế”.