Chương VI
KHÍ HẬU
Các
sách giáo khoa, cấp Trung Học Phổ Thông, dạy về Địa Lý, bằng theo địa thế mà
chia khí hậu Việt Nam làm;
-
Khí hậu Bắc Phần,
-
Khí hậu Trung Phần,
-
Khí hậu Nam Phần.
Lại
chia khí hậu Trung Phần ra làm bốn:
-
Khí hậu Bắc Trung Phần gồm có ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
-
Khí hậu Trung Ương gồm các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên.
-
Khí hậu Nam Trung Phần gồm ba tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. [1] -
Khánh Hòa Cao Nguyên Trung Phần.
Chia
như vậy là để học sinh dễ học đó thôi.
Chớ
khí hậu cũng như con người, do ảnh hưởng núi sông, mỗi tỉnh mỗi khác.
ĐẶC TÍNH CỦA KHÁNH HÒA
Cũng
có thể theo sách giáo khoa chia khí hậu Khánh Hòa ra làm hai mùa là mùa nắng và
mùa mưa. Bởi vì là cảnh tượng dễ thấy.
Chớ
nếu sống hòa mình cùng vũ trụ thì nhận thấy rõ rệt Xuân Hạ Thu Đông ở Khánh
Hòa. Mỗi mùa có một hương vị một sắc thái đặc biệt và mỗi khi sang mùa trong
người đều cảm thấy sự thay đổi về thể chất cũng như về tinh thần.
Ở
tỉnh nào cũng vậy. Song ở Khánh Hòa dễ nhận thấy hơn, dễ phân biệt hơn.
Nói
về hai mùa mưa nắng:
Khánh
Hòa mưa nắng rất “điều độ”. Và mùa nắng không có “nắng sém da” như ở Quy Nhơn,
Phan Rang, mùa mưa không “lạnh cắt ruột”, “lạnh nhức xương” như ở Huế, ở Cao
Nguyên. Trong mưa có khí ấm. Trong nắng có khí mát. Nha Trang là nơi tiêu biểu
cho khí hậu Khánh Hòa.
NHIỆT ĐỘ
Nhờ
ở gần biển, khí hậu Khánh Hòa rất ôn hòa.
Từ
tháng giêng đến tháng sáu âm lịch, tức vào khoảng tháng hai tháng ba đến tháng
bảy tháng tám dương lịch, hàn thử biểu thấp nhất là 21 độ và cao nhất là 33 độ.
Từ
tháng bảy đến tháng chạp âm lịch, tức từ khoảng tháng tám tháng chín đến tháng
giêng tháng hai dương lịch, cao nhất là 24 độ và thấp nhất là 19 độ.
Năm
nào lạnh lắm thì xuống đến 16 độ là cùng, còn nóng lắm thì lên đến 35, 36 độ là
cùng.
Vì
vậy mùa hè hoa hường hoa huệ vẫn nở, mùa đông vẫn thấy dưới hồ nở lác đác đôi
đóa sen hồng.
Cho
nên khí hậu Khánh Hòa là khí hậu lý tưởng của anh chị em bình dân và hạng
thường thường bậc trung, nghĩa là thích hợp cho đại đa số nhân dân Việt Nam hơn
Dalat, Bạch Mã dành riêng cho hạng giàu sang.
MƯA
Khánh Hòa mùa nào cũng có mưa.
Tháng
giêng tháng hai âm lịch, thỉnh thoảng mưa từng trận nhỏ. Tục gọi là mưa xuân.
Tháng
ba tháng tư tháng năm thường có mưa dông, sấm sét dữ tợn. Mưa ào ào một vài giờ
rồi dứt [2].
Tháng
sáu tháng bảy ít mưa, nhiều nắng và nắng hơi gắt hơn tháng năm tháng sáu, mặc
dù đã sang thu.
Tháng
tám ở các tỉnh nắng gắt nhất. Tục có câu “nắng tháng tám nám trái bưởi”. Nhưng
ở Khánh Hòa nắng đã dịu và ban đêm ngủ phải đắp mền lúc về khuya.
Từ
tháng chín trở đi mới thật là mùa mưa.
Mưa
nhiều nhất là tháng 10 tháng 11, tức là mạnh đông và trọng đông. Mỗi tháng đổ
đồng cũng đến 20 ngày mưa. Thỉnh thoảng mới mưa suốt ngày, hoặc nhiều ngày liên
tiếp. Chớ thường thường cứ mưa một cơn tầm tã rồi xửng một vài giờ, hoặc một
vài buổi rồi lại mưa lại.
Ai
đã từng sống ở Huế ở Bình Định..., trong những ngày mưa dầm gió bấc, thì thấy
mùa mưa ở Khánh Hòa, nhất là ở Nha Trang “dễ thương” vô cùng. Đương mưa sùi
sụt, nước tung lạnh gió tung lạnh, mà hễ xửng “một cái” thì vẻ u ám liền tan và
bên mình cảm thấy âm ấm như có hơi lửa dành sẵn trong không gian.
Một
nhà thơ ví mùa mưa Khánh Hòa như một cô tình nhân ưa làm nũng, nhưng khi dỗ nín
thì liền nhoẻn nụ cười làm ấm lòng người yêu.
Nói
về mực nước, theo quyển Climat de l’Indochine của Brujon xuất bản năm 1950, thì
mùa nắng nước cao từ 22m/m đến 64m/m, mùa mưa lụt cao từ 174m/m đến 399m/m.
Nghĩa là không thấp lắm mà cũng không cao lắm, mùa nắng không đến nỗi rốc ráo,
mùa mưa không đến nỗi tràn trề và canh nươm, ăm ắp.
GIÓ BÃO
Khánh
Hòa có hai mùa gió:
-
Mùa gió Nồm.
-
Mùa gió Bấc.
Gió
Nồm thổi từ tháng giêng cho đến tháng 8 âm lịch, tức là thổi về mùa nắng. Thổi
theo hướng Đông Nam Tây Bắc, mang khí nước biển vào đất liền, mát mẻ dễ chịu.
Gió
Bấc thổi từ tháng 9 đến tháng chạp âm lịch, tức là thổi về mùa mưa. Theo hướng
Tây Bắc Đông Nam, mang khí núi xuống đồng bằng, lạnh lẽo khó chịu.
Trong
mùa gió Bấc thường có bão, nhưng ít khi có bão lớn. Những trận bão lớn xưa nay
đều từ nơi xa tạt vào.
Trừ
vùng Tu Bông ra, Khánh Hòa không chịu ảnh hưởng gió Lào, như Phú Yên, Bình
Định, vì nhờ núi phía Tây che kín từ Bắc chí Nam. Cho nên tháng 4, 5, 6 không
nóng bức.
Còn
mùa Bấc thì nhờ khí ấm ở biển pha vào, nên không có hơi lạnh “nhức đầu sổ mũi”,
không đến nỗi đi đâu cũng phải mang pardessus trùm foulard như ở Dalat, ngồi
đâu cũng phải ôm lồng ấp như ở Huế.
THỜI TIẾT
Nhờ
mưa gió điều hòa, nhờ nhiệt độ giữa hai mùa nóng lạnh không chênh lệch mấy, nên
khí hậu Khánh Hòa tốt hơn cả các tỉnh Trung Nguyên Trung Phần.
Mức
lên xuống của nhiệt độ cũng đi từ từ chớ không bao giờ nhảy vọt.
Tháng
mưa nhiều nhất là tháng 9 tháng 10 âm lịch. Cảnh trời thường u ám, khí trời
thường lạnh lùng. Có nhiều năm đến tháng 11 cũng còn mưa gió. Qua đến tháng
chạp mưa đã ngớt nhưng trời còn lạnh. Cây cối buồn bã, nhiều giống cây úa lá
rụng theo gió theo mưa. Dễ nhận thấy nhất là giống bàng, nửa vàng nửa xanh và
thỉnh thoảng rơi năm bảy lá vàng ánh.
Đến
giờ giao thừa, khí trời thoảng ấm, bầu trời vụt [3] trong. Và
lòng người tự nhiên cảm thấy khoan khoái.
Giờ
phút chuyển tiếp giữa đông và xuân, ở Khánh Hòa, nhất là Nha Trang, dễ thấy hơn
đâu hết.
Hoa
xuân ở Khánh Hòa cũng rất nhiều. Lan, huệ, cúc, hường, thược dược... đủ màu đủ
giống. Nhưng đặc biệt nhất là hoàng mai.
Hoàng
mai ở đâu cũng có. Song hầuhết đều là giống mai đơn, năm cánh, và thường thường
mọc từng khóm lẻ tẻ hoặc từng chòm ba bốn cây, năm bảy cây. Hoàng mai ở Khánh
Hòa phần nhiều là mai kép, cánh nở từ bảy trở lên và vun như hoa mai của các sĩ
quan cấp úy. Mai Khánh Hòa ít khi mọc đơn chiếc, mai trời cũng như mai trồng,
mà mọc từng rừng, từng đám. Lớp mai núi, lớp mai biển. Đến giống mai tứ quý
cũng làm cho những người không thích “tánh tạp nhạp mùa nào cũng ra hoa” phải
để ý. Ánh vàng của hoa hừng hừng trong ánh nắng mới, lộng lẫy huy hoàng.
Ngày
xưa rừng mai Phước Hải ở Nha Trang thịnh nhất [4]. Hiện nay
mai dồn vào Cam Lâm. Mỗi bận xuân về, những người “chuyên môn bán hoa” thu bạc
vạn.
Cho
nên khách phong tao gọi Khánh Hòa là Mai Thành.
Bên
cạnh màu vàng của Mai, còn có màu đỏ của lá: Lá bàng.
Ở
các nơi lá bàng thường thường rụng về mùa đông. Mùa đông rụng trụi. Qua xuân
thì cành hoặc trùm lục hoặc trơ xương. Bàng Khánh Hòa mùa đông chỉ rụng cho có
lệ. Qua xuân thì xanh trở vàng, vàng trở đỏ. Đỏ thắm như màu son, đỏ tươi như
môi người thiếu nữ trinh trắng. Vàng son trong cung điện vua chúa thời phong
kiến thịnh hành cũng không rực rỡ bằng.
Câu
thơ Xuân Nha Trang của Trường Xuyên:
Bàng son nhuộm thắm trời xuân,
Sao vàng xuống đậu sáng rừng hoa mai.
Diễn
tả được phần nào cảnh xuân của Khánh Hòa vậy.
Khi
vàng của hoa, son của lá đã nhường chỗ cho màu ngọc bích của cành, thì hoa sứ
mới xuất hiện một cách đường hoàng, một cách viên mãn. Lòng vàng cánh trắng,
mịn màng thanh nhã, trông vừa khiêm tốn vừa nghiêm trang.
Màu
đỏ màu vàng của lá bàng hoa mai tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của một dân
tộc mới phục hưng. Màu dịu dàng của hoa sứ tiêu biểu cho thời thạnh trị thái
bình, kéo dài ngót hai phần ba mùa xuân đầm ấm.
Sang
mùa hè, Khánh Hòa lại trông thấy cảnh vàng son trở lại: Vàng của hoa muồng hòe,
son của hoa phượng vĩ. Rực rỡ không kém mùa xuân.
Mùa
hè ở Khánh Hòa cũng là mùa của hoa sen, hoa lài, hoa trúc đào, hoa huệ đỏ...
Nhưng tất cả đều bị phai mờ dưới ánh huy hoàng của hoa phượng hoa hòe.
Hai
thứ hoa nầy nơi nào cũng có. Song nơi thì nhiều phượng ít hòe, hoặc không có
hòe, nơi thì nhiều hòe ít phượng,hoặc không có phượng. Ở Khánh Hòa hễ hòe đâu
thì phượng đó. Hoặc đứng chen nhau, hoặc chiếm mỗi thứ mỗi vùng độc lập, độc
lập nhưng vẫn tương ỷ tương y.
Ở
thôn quê thì tự do mọc tự do lớn. Ở Nha Trang thì sắp đặt do tay người. Đường
thì trồng toàn hòe, như con đường Quốc Lộ số 1 chẳng hạn. Đường thì trồng toàn
phượng như đường Yersin chẳng hạn. Đường lại trồng hòe chen với phượng như
những con đường trước tòa sứ ngày trước tức tòa Hành Chánh hiện thời... [5] Mỗi
lúc hè sang thì dù đến những người chỉ sống trong phòng có máy điều hòa không
khí cũng nhận tháy được sự thay đổi của thời tiết.
Các
giống hoa, hầu hết đều có tánh cách quý phái, tánh cách tiểu tư sản. Phải xem
từng đóa từng cành mới nhận thấy tài khéo léo của hóa công, mới thưởng thức đầy
đủ vẻ đẹp. Hoa hòe hoa phượng là hoa bình dân. Phải nhìn vào tập thể mới thấy
đẹp, một vẻ đẹp hùng vĩ, một vẻ đẹp hiên ngang. Và nắng càng gắt, sắc vàng càng
tươi, sắc đỏ càng thắm, chẳng khác lửa đổ dầu thêm.
Vẻ
đẹp của hoa mai của lá bàng là vẻ đẹp của buổi mai buổi chiều, rực rỡ nhưng
dịu.
Vẻ
đẹp của hoa hòe hoa phượng là vẻ đẹp của buổi trưa buổi xế, vừa sáng lạn vừa
nghiêm.
Một
bên là vẻ đẹp khuyên mời.
Một
bên là vẻ đẹp khiêu khích.
Mỗi
bên một vẻ, nhưng mười phân vẹn mười.
Rồi
nắng dịu lần và vàng son của hoa cũng thưa lần và lợt lần, trong màu xanh của
trời biển núi sông.
Gió
Bấc thổi nhẹ. Lá me lá chành ruột lác đác bay. Chiều chiều chim én lượn từng
bầy đớp chuồn chuồn trong sương mỏng. Và một khí buồn phất nhẹ vào nội tâm, êm
êm dìu dịu.
Thu
đã bắt đầu.
Và
trái thanh long đỏ tía, những quả cam nửa vàng nửa xanh, xuất hiện để đại diện
cho màu thu Khánh Hòa, màu đặc biệt của thu Khánh Hòa.
Cam
Khánh Hòa không bì nổi với cam Xa Đoài, nhưng hơn hẳn cam ở các nơi khác cả
chất lẫn lượng. Còn thanh long thì ít nơi có, mà có cũng có ít hơn Khánh Hòa. Ở
Khánh Hòa vì khí hậu mát nên trồng đâu sống đó và ra trái sum sê.
Cam
cũng như thanh long bắt đầu có trái từ mùa hè và chín từ đầu thu đến mạnh đông
mới hết.
Cho
nên người Khánh Hòa, xuân hạ thưởng hoa, thu đông hưởng quả. Mỗi mùa có một
phong vị riêng.
Và
mùa đông của Khánh Hòa không phải chỉ có mưa và lá vàng. Mận - ở Bắc Việt gọi
là roi, ở Huế gọi là đào - cuối tháng 9 bắt đầu trổ bông, tháng 10 tháng 11 nở
và tháng kết quả để tháng chạp chín cho kịp tết.
Hoa
trắng như tuyết.
Quả
đỏ như son và ngọt như đường phèn.
Vì
vậy mùa đông của Khánh Hòa không đến nỗi u ám, buồn tẻ. Và có thể gọi màu hoa
mận là màu tượng trưng cho mùa đông của Khánh Hòa.
Nói
tóm lại, bốn mùa của Khánh Hòa có bốn màu sắc đặc biệt, không thể lẫn lộn. Và
quang cảnh mùa nào cũng đẹp và cũng thú như trong văn chương.
Sắc
thái và thú vị của thời tiết lại còn thể hiện trên mùa màng, một cách rõ rệt.
Đại khái: mùa đông mùa hạ là mùa cày cấy, mùa xuân mùa thu là mùa gặt hái. Mỗi
mùa lại có một tính chất riêng biệt. Cày cấy về mùa đông không giống mùa hạ,
gặt hái mùa xuân không giống mùa thu.
Nắng
mưa mỗi mùa mỗi khác, thảo mộc mỗi mùa mỗi khác, mùa màng mỗi mùa mỗi khác. Như
thế bốn mùa của Khánh Hòa, cũng như phần nhiều tỉnh miền Nam Trung Việt, đã
được trời chia, đất chia người chia, một cách phân minh rành mạch. Chớ đâu phải
chỉ có hai mùa là nắng và mưa.
KHÍ HẬU NHA TRANG
Khí hậu Khánh Hòa, thời tiết Khánh Hòa, đại khái là
thế. Chớ không phải quận nào cũng thế, miền nào cũng thế. vẫn có sự thay đổi,
sự khác biệt theo vị trí. Có nhiều nơi khí hậu không được tốt, không được điều
hòa, như Khánh Dương, Cam Lâm mà công chức hễ nghe đổi tới là sợ. Nói tóm lại
những nơi ở gần núi rừng, hầu hết đều bị sơn chướng đầu độc không khí, không
nhiều thì ít chớ không hoàn toàn không. Còn ở vùng biển thì tuyệt.
Tuyệt
nhất là Nha Trang.
Xuân
và thu ở Nha Trang thật đúng như lời sách tả: ôn và lương rõ ràng.
Còn
đông và hạ nhờ có khí biển điều hòa, nên vẫn có thu có xuân ẩn hiện.
Mùa nào cũng vậy, nhưng dễ nhận thấy
nhất là mùa hạ, hễ đi đường mệt mỏi, từ Nam ra mà qua khỏi thành Diên Khánh, từ
Bắc vào mà qua khỏi đèo Rù Rỳ, thì trong người liền thấy khỏe khoắn, và sau một
đêm nghỉ ngơi, thân tâm yên vui như vừa uống một liều thuốc bổ [6].
Cho
nên những người ở các nơi ưng đến Nha Trang, và những người đã từng sống ở Nha
Trang không muốn đi nơi khác.
Thi
Nại Thị thời kháng chiến chống Pháp phải rời Nha Trang, có những vần thơ tha
thiết:
Nha
Trang trăng ngọc gió trầm,
Anh về Bình Định lệ dầm nhớ
thương!
Trách ai rấp nẻo ngăn đường,
Non sông gởi gắm can trường lại
em.
Hòn Chử chưa chìm,
Hòn Chồng chưa ngã,
Ngoài còn Vạn Giã,
Trong còn Cam Lâm,
Vẫn còn trăng ngọc gió trầm,
Nghìn thu nghĩa nặng tình thâm
mãi còn.
II
Nha Trang ! Nha Trang !
Chút nghĩa cũ càng:
Vi hường mận trắng,
Mai vàng cúc vàng...
Cùng ai âu yếm ?
Vì ai điểm trang ?
Tình ơi ! Xa cách !
Duyên ơi ! Bẽ bàng !
Lưng trời bóng nhạn
Mơ chừng xuân sang.
Và đến khi tái ngộ sau 9 năm thương nhớ, lòng vui
mừng thích thú không kém lòng Kim Trọng khi gặp lại Thúy Kiều:
Đời chia mưa
nắng chín năm qua
Vườn cũ thêm thương khóm mận già
Ba nhánh tình thâm tâm sự gởi
Không vì ly cách phụ phàng hoa.
[1] Trong sách Địa Lý lớp Đệ Tứ của ông bà Tăng Xuân An chép là ba
tỉnh Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết. Có lẽ lộn vì Phan Rí không phải một tỉnh.
Thêm nữa tác giả lấy Mũi Nậy, thuộc Phú Yên, làm khởi điểm cho vùng khí hậu
nầy.
[2] Dông đã có từ tháng chạp và đến tháng mười năm sau mới dứt. Cho
nên tục có câu: “Tháng mười sấm rạp tháng chạp sấm ra”. Nhưng chỉ mùa hè sấm
sét mới dữ dội.
[3] Sẽ nói kỹ ở chương “Thắng cảnh cổ tích” đoạn nói về cảnh giao
thừa đi thăm Tháp Bà.
[4] Sẽ nói kỹ ở chương “Thắng cảnh cổ tích” mục nói về Nha Trang.
[5] Từ ngày có chiến tranh, thuốc khai quang làm chết hết cây cối. Vẻ
đẹp của phong cảnh kém sút quá nhiều.
[6] Xem thêm ở chương “Thắng cảnh cổ tích”, mục nói về Nha Trang.