Thứ Năm, 16 tháng 5, 2019

Ngôi chùa cổ hàng ngàn năm tuổi ở Sơn Tây


  • Mai Lĩnh sưu tầm tư liệu
  • Hình ảnh chụp ngày 16-4-2019. (Xin nhấn chuột đúp vào ảnh để xem với kích thước lớn hơn)

Đã bao năm rồi, không còn ai nhớ từ lúc nào, chùa Ón không có sư trụ trì hay thủ từ chăm sóc giữ gìn và lo việc hương khói; nhưng ngôi chùa hoang phế này cũng không có gì để sợ mất, không hương án, không tượng, không chuông mõ... Khách thập phương thỉnh thoảng vẫn có người ghé vào dâng hương, mọi người chẳng ai có hành động xâm phạm, trai gái cũng không héo lánh… tự tình vì người dân địa phương vẫn rất tin rằng chùa rất thiêng.

Bên trái con đường vào làng cổ Đường Lâm, có lối đi nhỏ lát gạch chạy vòng phía sau vào khuôn viên chùa Ón, chùa không có cổng, không tường rào và đi vào từ phía sau cạnh đầu hồi bên trái chùa đi ra sân trước. Đầu lối vào có trụ ốp hai tấm bảng (Tiếng Anh và Tiếng Việt). Nhìn từ đầu lối vào thấy mặt sau chùa.

Hạng mục mới nhất của chùa Ón  (năm 2013)
lại xuống cấp nhanh nhất,

Bản Anh ngữ.

Bản Việt ngữ.

Từ thị xã Sơn Tây theo hướng Trung Hà đi khoảng 4 cây số sẽ gặp lối rẽ vào khu làng cổ Mông Phụ, xã Đường Lâm. Bên cánh đồng phía tay trái có một ngôi nhà 3 gian ngói cũ kỹ, tường đá ong vây hai đầu hồi và phía tường hậu, lớp vữa trát lở gần hết lộ ra những hàng gạch đủ kiểu, đủ cỡ xếp chồng lên nhau vụng về nhưng vẫn trụ lại, trơ mình qua bao năm tháng nắng mưa dãi dầu.

Hỏi thăm người địa phương về chuyện ngôi chùa lạ lùng này thì càng nghe càng tò mò, nhưng chuyện truyền khẩu dân gian mỗi người kể mỗi phách, chả biết đâu mà lần. Tìm trong cuốn sách hướng dẫn du lịch “Non nước Việt Nam” của Tổng Cục Du Lịch (in tại Hà Nội lần thứ 3, năm 2000).

Dù không tin tưởng về độ chính xác, trung thực từ các bài viết lưu trữ trên Google cũng đành phải lên mạng lục lạo cho thỏa chút tò mò.

Theo tác giả Tân Nhật (http://antt.vn/ngoi-chua-nghin-nam-tuoi-linh-thieng-khong-tuong-khong-su-227315.htm) viết: Có lần về thăm Mông Phụ, chúng tôi được nghe một cụ già ngót tuổi chín mươi cho biết, đó là ngôi chùa độc nhất vô nhị cõi trời nam: Ngôi chùa không sư, không tượng nhưng có tiếng linh thiêng.

Chùa nằm giữa cánh đồng, không tường rào nhưng không bị ruộng lúa lấn.

Mặt sau ngôi chùa. Lối vào sân trước đi sát đầu hồi bên trái.
Sân trước
Đầu hồi trái.


Đầu hồi phải

Chùa Ón xây dựng giữa một cánh đồng bằng phẳng, chùa xây theo kiểu chữ Nhị (=) chuôi vồ, phía trước là 3 gian nhà tiền tế, hai gian bên cạnh có 2 bệ ngồi, bên trên tường hậu có xây 2 bệ thờ. Theo như lời các cụ già làng cho biết một bên thờ Quan Chúa Ôn (lễ vào ngày mùng 1 tháng 4 âm lịch); một bên thờ các quan Đương Niên hành khiển cai quản trần gian.

Gian trong nhỏ hơn xây bệ tam cấp là nơi thờ Thổ thần Thổ địa, trước kia trên đó có một bộ hoành phi mang dòng chữ “Ôn Hoà Tự”, ngăn cách giữa gian trong và nhà ngoài có mái ngói riêng biệt gọi là (đấu suối), khi nước mưa chảy vào khoảng sân trống và thoát nước ra ngoài, khai thông tạo khí liên hoàn kết hợp âm dương giao hoà.







Cụ Hà Văn Soạn, nhà ở dốc vào làng Mông Phụ, cách chùa Ón khoảng 500 mét là một trong các bậc cao niên của làng còn biết khá rõ về lịch sử ngôi chùa. Cụ cho chúng tôi biết Câu đầu chùa Ón còn ghi những dòng chữ Hán: “Khởi tạo Bính Dần niên, quý Xuân, Nhâm tý nhật, Mão khắc động thổ; Bình cơ, Ất Mão nhật Dậu thời thụ trụ thượng lương cát”. Cụ Soạn dịch nghĩa: “Động thổ vào ngày Nhâm Tý, giờ Mão, tháng 3 năm Bính Dần; Chùa được xây dựng trên một mảnh đất bằng phẳng cao ráo, cất nóc vào giờ Dậu ngày Ất Mão, tốt”. Hướng lên câu đầu bên trái, có bốn chữ kiểu Triện thư: Phú Quý Thọ Khang. Cụ nói rằng tạm dịch là: “Giàu, Sang, Sống lâu, Mạnh khỏe”.

Tra sách lịch, năm Bính Dần xây dựng chùa ứng với Thập nhị Sứ quân năm 966 thì đến năm 2019, thời gian đã là 1053 năm trời. Ngôi chùa vẫn đứng sừng sững bền vững với thời gian, tọa lạc thâm nghiêm trên nền ruộng chùa một mẫu hai sào Bắc Bộ, chứng kiến bao thăng trầm biến đổi của làng quê.

Một bài khác không ghi tên tác giả, đăng tại (https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/huyen-thoai-kho-bau-bi-mat-dau-duoi-chan-chua-on-94793.html):

Cụ Nguyễn Văn Thêm kể về truyền thuyết chùa Ón khá ly kỳ. Chùa Ón đã có từ rất lâu rồi, hiện nay không còn sử sách chép lại mà chỉ được các cụ xưa truyền lại. Chùa Ón có tên là Chùa Ôn Hoà Tự, Ôn Hoà Tự là tên của một vị tướng người nước Tàu đã từng phò tá danh tướng Lý Thường Kiệt dẹp tan giặc ngoại xâm ở vùng Hà Bắc, sau đó cụ không nhận chức quan mà đi về miền xuôi.

Khi đến Đường Lâm một vùng đất cổ mà thấy khí lành, phong cảnh tuyệt đẹp, đất đai, con người thân thiện, cụ chọn làm điểm đến và ở lại khai phá ruộng nương, trồng lúa vun khoai. Với sức khoẻ và bản chất con nhà võ cụ làm ruộng rất giỏi, thóc lúa lương thực nhiều, cụ dành cho những người nghèo. Song với tài thuật phong thuỷ, cụ muốn đặt một ngôi chùa để trấn yểm long mạch trừ tà giúp cho dân làng được thịnh vượng và cụ đã xây một ngôi chùa đó chính là ngôi Chùa Ón ngày nay.

Sau khi xây chùa xong, cụ xin dân làng hiến 3 mẫu ruộng (1 ha) và đúc một chiếc chuông đồng nặng 145kg để cung tiến vào đình làng Mông Phụ, chiếc chuông có 4 chữ “Chung Hồng Hoà Tự”; nghĩa là chuông bằng đồng, màu sáng hồng rực rỡ, tiếng chuông ngân sâu, đem điều may cho mọi người, Hoà Tự là tên huý của chủ nhân cung tiến.

Sau đó cụ xin phép dân làng được ra đầu làng nơi có ngôi Chùa Ón để lập cơ ngơi sinh sống làm ăn và mục đích chính là cụ muốn bảo vệ đánh chặn bọn cướp giữ cho làng xóm được bình yên, vì mỗi khi bọn cướp đến làng chỉ cần nghe đến tên cụ là chúng đã hồn vía lên mây rồi mà không dám đến quấy quả nhân dân nữa.

Khi rảnh rỗi cụ dạy cho cách cày cấy, trồng cây, chăm bón, dạy làm diều giấy…, đặc biệt lại nhớ lại nghiệp xưa cụ thể hiện múa những đường quyền cước cho lũ trẻ xem và học tập, mục đích nhằm rèn luyện sức khoẻ, tài đức và trí tuệ con người. Cụ dạy võ, dạy vật. Các phương pháp dạy của cụ thật đơn giản, dễ nhớ, dễ thuộc nhưng lại có pháp thuật cao siêu. Dần dần tiếng lành đồn xa, các thanh thiếu niên trong làng ngoài xã biết tiếng đến theo đòi học luyện võ học vật.

Cụ đề nghị dân làng cho mở hội vật đua tranh tìm ra những người hiền tài giúp dân giúp nước, được nhân dân đồng lòng ủng hộ. Ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch là ngày Tết Hàn Thực, Chùa Ón chính là nơi các cụ bô lão trong làng và cụ Ôn Hoà Tự đứng ra tổ chức hội vật, trước khi tổ chức hội vật làng tổ chức tế lễ tại đình làng, cầu đức Thành Thành Hoàng phù hộ độ trì cho bá tánh muôn dân.

Các thanh niên trai làng được tiến cử làm đô vật khiêng chiếc chuông đồng từ đình làng ra Chùa Ón, ông chủ lễ hội đánh đủ 3 hồi 9 tiếng (tổng cộng 99 tiếng) chuông sau đó làm lễ tế thổ thần tại Chùa Ón. Tiếng trống cái dồn dập hoà theo nhịp tế lễ tại nời Chùa Ón, các thể lệ, lễ nghi được công bố rõ ràng, các đô vật lần lượt vào làm lễ tế Thần và làm lễ “xe đài” trước khi vào thi đấu.

Cuộc đấu vật được diễn ra trong một buổi chiều cùng ngày. Từng cặp lần lượt vào thi đấu, sau 3 hiệp nếu bên nào được 2 lần thì sẽ thắng cuộc, cả người thắng, người thua đều có thưởng; tuy nhiên bên thắng sẽ được thưởng cao hơn, cứ vậy cho đến phần kết hội vật là lễ “vuốt giải”.

Tham gia Vuốt giải để tranh Nhất – Nhì cho cặp xuất sắc nhất trong hội vật. Lúc đầu chỉ là Hội của làng rồi Hội vật Chùa Ón được mở rộng lan truyền đến các tổng lân cận, có rất nhiều đô vật từ các tỉnh xa cũng cơm nắm muối vừng, cà muối về tham gia lễ hội. Nếu đô vật nào tham gia vuốt giải mà thắng cuộc đạt giải Nhất thì được coi đó là người Hùng và năm đó sẽ được nhiều điều may mắn. Nhưng có điều rất kỳ lạ năm sau không tham gia thi đấu trong hội vật thì quả là xúi quẩy.

Về hội chùa Ón, hiện chỉ thấy có bản tin trên website của Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm về Lễ hội chùa Ón xuân Mậu Tuất 2018, diễn ra ngày 18/4/2018 (tức ngày mùng 3 tháng 3 năm Mậu Tuất). (http://www.duonglamvillage.com/?page=news-detail&id=603&title=L%E1%BB%85%20h%E1%BB%99i%20ch%C3%B9a%20%C3%93n%20xu%C3%A2n%20M%E1%BA%ADu%20Tu%E1%BA%A5t%202018)

Huyền thoại kho báu bị mất dấu dưới chân chùa Ón
(https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/huyen-thoai-kho-bau-bi-mat-dau-duoi-chan-chua-on-ky-2-94912.html)

Đầu làng có một ông cụ quanh năm sống cảnh đạm bạc, cơ hàn. Bỗng một tối nọ có một bà cụ lạ mặt gọi cổng và nói rằng: “Giả lễ cho tôi, tôi cho ông của để giải thoát cho tôi, vì tôi ở đây lâu quá rồi”. Ông cụ nhà nghèo hỏi giả lễ bằng gì thì bà cụ bảo giả lễ bằng 99 người đàn bà chửa.

Ông cụ hốt hoảng quá nói, cụ bảo tôi lấy của của cụ mà phải giết đi tới 99 mạng người thì của cải của cụ tôi không thể nhận, vì của đó chứa sự vô nhân không làm gì được. Nói rồi từ chối. Đến giờ, người già trong làng Mông Phụ truyền lại đời nay một truyền thuyết đầy ly kỳ, bí ẩn.

Khi chúng tôi hỏi đến, cụ Hà Văn Soạn cho biết đến cả tuổi tác như mình cũng chỉ được nghe lời truyền tai từ thế hệ trước mà thôi. Các cụ kể lại rằng thời Bắc thuộc nhiều người Trung Quốc được cử sang Việt Nam làm việc. Khi hết hạn về nước, những người này tích lũy được một số của cải mang về nước nhưng bị nhà nước Trung Hoa thu lại. Những người khác thấy vậy sợ mất của nên đã tìm cách giấu quanh nơi họ đã từng sinh sống và chỉ mang gia phả và hồ sơ chôn của về nước để sau này con cháu có điều kiện sang lấy về.

Câu chuyện người Tàu dùng cô gái đồng trinh để biến thành thần giữ của như thế nào thì chúng ta cũng đã nhiều người biết đến.

Mở kho báu với 99 cái đòng lúa

Trở lại câu chuyện người Tàu giấu của ở Chùa Ón, người già làng Mông Phụ truyền lại cho con cháu một truyền thuyết đầy ly kỳ, bí ẩn. Bẵng đi một thời gian, một buổi chiều nọ lại có một ông khách người Tàu đi bán thuốc dạo vào nhà ông cụ nhà nghèo xin ngủ nhờ một đêm. Cụ đồng ý ngay và còn mời ăn cùng nhưng nhà nghèo chỉ có ngô khoai độ bữa.

Ông khách vui vẻ chia sẻ bữa ăn và hỏi chuyện gia cảnh, cụ già cứ thực mà bảo tôi già yếu ăn không được, ngủ chả được. Bà nhà tôi trước đây sinh con bị sản hậu yếu lắm. Sinh đẻ muộn nên các con cũng ốm đau quặt quẹo luôn.

Nghe vậy ông khách bèn cắt thuốc ngâm rượu cho cụ ông, cụ bà uống và bảo không lấy tiền thuốc. Dần dần hai cụ khỏe ra, ăn ngon ngủ khỏe. Lại cho các con ông bà cụ ăn thuốc cam. Thời gian ngắn sau, các cháu đều khỏe ra.

Hàng ngày chủ khách cùng nhau chia sẻ ngô khoai ăn uống, lâu cũng coi khách như người trong nhà. Mỗi khi bà con hàng xóm có người lâm phải ốm đau bệnh tật, ông khách đều cho thuốc chữa mà không lấy tiền nên mọi người quý mến như người làng.

Nhờ sự quý mến ấy, người khách Tàu thoải mái đi lại nắm vững mọi địa chỉ, sơ đồ trong làng ngoài ngõ. Một hôm, ông khách hỏi chuyện cụ ông làng ta có mấy cái đình? Cụ ông thật thà trả lời, làng chỉ có mỗi một cái đình mà thôi. Nhưng ông khách lại như khăng khăng nói trong làng có hai cái đình, đó là đình làng và đình Ón.

Ông cụ nói với khách làng chỉ có một cái đình thôi, cái kia là chùa, nơi đây gọi là chùa Ón! Khách hỏi địa chỉ chùa cụ thể. Đã nắm vững nơi kia là nơi nào, ông khách Tàu âm thầm chuẩn bị cho cuộc lấy của của mình.

Cánh đồng chùa Ón ngày xưa chỉ cấy lúa một vụ. Vào khoảng tháng 9 âm lịch, lúa trổ đòng. Một hôm ông khách mời ông cụ nhà nghèo kia ra chùa Ón làm lễ.

Theo chân ông khách gánh gánh thuốc ra để giữa sân Chùa Ón, rồi ông ta xắn quần lội xuống ruộng lúa trước cửa chùa ngắt lấy 99 cái đòng lúa để vào chiếc đĩa rồi đặt lên ban thờ thắp hương làm lễ.

Không biết khách khấn khứa thế nào mà tự nhiên một chiếc hòm bỗng hiện lên. Ông khách lễ tạ rồi bước tới bưng chiếc hòm lên đặt vào gánh thuốc của mình. Chứng kiến từ đầu đến cuối, ông cụ chỉ biết há mồn trợn mắt ngạc nhiên. Về đến nhà, ông khách Tàu lấy ra một đĩa bạc rời trong túi biếu ông cụ, rồi chào từ biệt, quẩy gánh ra đi. Từ đó chùa Ón mất thiêng (?!)

Câu chuyện chiếc chuông ở đình Mông Phụ lại được kể khác hẳn:
Một thời gian sau, lại có một người Tàu sang tìm của tại Chùa Ón nhưng biết rằng đã có người lấy mất. Ông cụ đó bí danh là Ôn Hòa Tự. Ông bèn bỏ tiền tu sửa chùa và xin các cụ trong làng được trông coi chùa Ón và tự trồng cấy lấy lương ăn.

Vì ngày đó cánh đồng này chỉ cấy lúa một vụ mùa nên gặt xong thì từ sau tháng 10 âm lịch đến tháng 3 âm lịch năm sau, cánh đồng bị bỏ hoang, tụ tập các cháu mục đồng đưa trâu bò đến ăn cỏ và nô đùa.

Ông cụ hàng ngày luộc khoai sắn mình đã trồng cấy cho các cháu ăn, và dạy các cháu các trò chơi đấu vật thả diều và luyện tập võ nghệ. Bầu trời cuối đông sang xuân mỗi khi có gió lại xuất hiện đủ các cánh diều vùng vẫy với mây trắng xứ Đoài.

Cụ Ôn Hòa Tự phát tâm xin đúc một quả chuông lớn ghi chữ “Chung Hồng Hòa Tự”, nay vẫn còn đặt tại đình làng Mông Phụ.

 

Thêm chú thích

Mảnh gỗ chạm sơ sài, bôi bác được đóng hai cây dinh sắt để ốp vào đầu kèo cũ.
Cách làm cẩu thả, mang tính phá hoại bơn là trùng tu.


Với sự tin tưởng vào tinh thần thận trọng và trung thực của tác giả Nguyễn Xuân Diện, chúng tôi xin mạn phép chia sẻ bài viết sau đây:

Ngôi chùa hoang và kỳ án thiên thu
(https://chuteuyeuquy.blogspot.com/2011/09/chuyen-nguoi-tau-e-cua-ngoi-chua-hoang_20.html)

Đó chính là một ngôi chùa ở Xứ Đoài. Ngôi chùa này đứng ngay trên lối vào cổ ấp Đường Lâm. Dân tôi gọi là Chùa Ón, hoặc cẩn thận hơn thì gọi là chùa Ón Vật.

Chùa này có từ bao giờ không ai biết. Trong chùa cũng chẳng có tượng pháp, mà chỉ có bát hương để trên một bệ gạch hoang tàn lạnh lẽo quanh năm. Tất nhiên chùa không có sư. Trong chùa cũng chẳng có một hàng câu đối hoành phi gì; chỉ thấy trên câu đầu là có chữ Nho. Đôi câu đầu ấy, một bên là “Nguyên Hanh Lợi Trinh” lối triện; bên kia là năm tháng dựng cột bắc nóc, với cái năm can chi rất chung chung, khiến ta không thể xác định được niên đại chắc chắn.

Chùa này, các cụ già trong làng chẳng còn biết tên chữ của nó mà chỉ gọi là chùa Ón. Cách đây khoảng trên 10 năm, tôi có may mắn được vào thăm hậu cung đình Mông Phụ, thấy có một quả chuông đồng. Đó chính là quả chuông của Ôn Hoà tự. Àh, Thì ra chùa Ón là tên Nôm của Ôn Hoà tự.

Chùa này có mảnh sân vuông vắn đằng trước mặt. Thảm cỏ xanh rờn này, mỗi năm lại một lần bị giày xéo vào dịp đầu tháng Ba ta. Khi ấy ở đây mở một sới vật làm nơi tranh thư hùng của các đô khắp tỉnh Đoài. (Đấy là ngày xưa thôi, chứ bây giờ ai người ta vật nhau trên cỏ ấy nữa).

Các cụ già trong làng kể rằng: Chùa này vốn là nơi Tàu để của. Các cụ ấy lại được các cụ trước truyền lại rằng mấy ông khách để của có lời nguyền rằng ai giết đủ 99 đàn bà chửa đem làm lễ vật dâng thần thì sẽ lấy được vàng bạc châu báu mang đi.

Nhưng rồi có ai dám làm việc đó, dù chỉ là giết 1 thai phụ. Ấy thế nhưng, mấy chú khách thì đã lấy được hết đống của cải ấy đi, mà không thèm lấy một giọt nước mắt nào của dân làng sở tại.

Các cụ kể lại, vào một năm nọ, có một đoàn các chú Khách (người Tàu) về thăm làng Mông Phụ. Họ ăn ở trong các nhà trong làng, nói rằng cha ông họ đã từng đến đây và rất yêu phong thủy nơi này. Được ít bữa, trong đêm, họ kéo nhau ra cánh đồng nơi có Chùa Ón, lập một đàn tế. Đàn tràng được che bằng tấm dù ngũ sắc, dựng trên 7 cái cột sơn màu sắc khác nhau (hôm sau các cụ còn thấy tại hiện trường). Nửa đêm bắt đầu tế mà dân làng không ai biết.

Sáng hôm sau, khi dân làng đi làm đồng qua chùa Ón thì thấy ngổn ngang mọi thứ. Vuông đất trước chùa đã bị đào bới lung tung cả. Trong đống đất đá lộn xộn đó, người ta thấy có cái bàn gỗ nhỏ trên có chiếc đĩa sứ Giang Tây màu lam ngọc. Trên đĩa có 99 cái đòng đòng lúa.

Những người Khách đó không quay lại làng nữa, mà cũng không có lời chào từ biệt trước đó.