Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2017

Hoàng Ân - ngôi chùa "sáng rực" trong xóm nhỏ

Cây dầu hơn 300 năm tuổi

Cù Lao Phố - Những điều mắt thấy, tai nghe

(Bài 03)
  • Mai Lĩnh

Từ xa, đã nhìn thấy ngọn cây dầu cao vút, đứng thẳng như cột cờ (có vòng ôm quanh gốc khoảng 8m) được cho là có trên 300 năm tuổi trong sân chùa. Bên ngoài sân, trên nhiều hạng mục mới được tôn tạo, màu vàng nhũ nổi bật dưới ánh nắng chiều. Chùa Hoàng Ân tọa lạc tại ấp Nhị Hoà, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa. Đến chùa, phải đi vào con hẻm trên đường Đặng Văn Trơn (hoặc theo con hẻm khác từ đường Đỗ Văn Thi. Sách "Biên Hòa sử lược toàn biên" (Lương Văn Lựu, xuất bản năm 1971) chép: “Chùa Hoàng Ân nguyên là một am tự lập từ năm Kỷ Dậu (1729). Chùa do một Thiền sư phái Lâm Tế khai sơn và tạo dựng...”.

Bên trong chánh điện, ngoài hương án chính giữa thờ Phật với rất nhiều tượng, còn có nhiều hương án thờ chư vị thánh thần như "Quan Thánh Đế", "Bà Chúa Nguyên Nhung", "Diêu Trì Thánh Mẫu", có cả bàn thờ "Giám Trai" và "Cha Trời Mẹ Đất"... khiến khách tham quan ngỡ ngàng, băn khoăn... không biết đây là chùa Phật Giáo hay đền thờ "Đa thần giáo"! Trong chánh điện, hai tủ kính chất đầy kinh sách nhà Phật (sách mới như ở các nhà sách) và nhiều tủ kính sáng rực chứa vô số "xá lợi" của Phật và các ... vị thánh! Nhìn qua, có cảm giác như đang đứng trong một cửa hiệu kim hoàn sang trọng.


Hương án giữa chánh điện, chung quanh có nhiều hương án thờ thần, thánh khác

Xá lợi 500 vị A La hán

Ngọc xá lợi Thích Ca Mâu Ni Phật





Ngọc xá lợi Đức Phật và 54 thánh đệ tử

Sảnh lớn trong chánh điện chùa Hoàng Ân

Mời các bạn xem đoạn video clip do Tâm Nguyệt đăng trên YouTube ngày 20-12-2016, được ghi hình bằng smartphone, có phụ đề thuyết minh tóm tắt lai lịch ngôi chùa và những chuyện mang chất huyền thoại. (https://www.youtube.com/watch?v=LxyKvEusd20)

Bức ảnh được giới thiệu là đã chụp được vào
lúc cây dầu dổ thụ phát ánh hào quang, nhưng
theo quan sát của chúng tôi thì quầng sáng tròn
trong ảnh chỉ là do "thủ thuật" của người in,
 rửa ảnh mà thôi.
Người Việt từ xưa đã ưa hư cấu... lịch sử, bịa ra biết bao huyền sử, giai thoại, từ chuyện bà Âu Cơ đẻ trứng, cậu bé làng Gióng vươn vai lên ngựa ra trận... suốt mấy ngàn năm chống giặc giữ bờ cõi phía bắc, mở đất về phương nam, đời sống tâm linh càng mạnh mẽ và những tích chuyện hư cấu - có khi dựng chuyện hoàn toàn nhưng phần lớn dựa vào nhân vật hay sự kiẹn có thật rồi thêm thắt gia vị chi thành chuyện bí hiểm, huyền ảo - trở nên cần thiết để làm đẹp cho đời, để củng cố niềm tin.

Hoàng Ân cổ tự cũng chẳng thua kém các chùa khác trên Cù Lao Phố. Không mang vẻ ngụ ngôn như câu chuyện Thủ Huồng, không lâm li bi thảm như chuyện tình của một hoàng cô với nhà sư; những câu chuyện của chùa Hoàng Ân nghe giản dị, đậm chất dân gian nhưng không kém vẻ bí ẩn, hoang đường. Và tất nhiên, truyện cổ tích thì luôn có nhiều dị bản, nhưng tôi luôn thích nghe và trích dẫn những chuyện của anh bạn Phạm Hoài Nhân; mời các bạn thưởng lãm:

"Chùa gắn liền với câu chuyện của một đôi vợ chồng người bị bịnh phong và vị sư thầy phúc đức. Chuyện kể rằng: Nguyên chùa làng Hoàng Ân nhỏ bé xưa có vị sư già sớm khuya kinh kệ cầu phước cho dân làng. Một hôm, trời nhá nhem tối, vị sư già cùng đệ tử đang tụng kinh thì có một đôi vợ chồng từ xa đến xin trú qua đêm.
Dưới ánh sáng tờ mờ, trông vẻ khoắc khoải của họ, nhà sư mở lòng từ bi đón nhận. Đêm ấy, vợ chồng kia xin vị sư già cho họ được đàm đạo. Hai người kể sự tình vì không có con cháu và ý nguyện phát tâm nên xin ở lại chùa làm công quả cho đến khi chết. Thấy họ tâm tốt, ý lành nên sư thầy cho đôi vợ chồng kia nương náu nơi cửa Phật.

Thời gian thấm thoát được ba năm kể từ ngày vợ chồng kia đến ở chùa. Thấy họ siêng năng, cần mẫn trong công việc làm công quả nên sư thầy có lời khen. Nhưng khi ấy, đôi vợ chồng khóc nức nở. Thấy sự lạ, vị sư già gạn hỏi nguyên do. Họ kể hết sự tình nên nhà sư mới biết cả hai đều bị bệnh phong (cùi).

Thấy hoàn cảnh thương tâm, không muốn cho những người xung quanh dị nghị, xa lánh, nhà sư bèn làm một cái chòi nhỏ cạnh chùa cho hai vợ chồng ra đó tá túc. Bệnh tình của hai người khởi phát và càng nặng thêm, họ không làm gì được nên ẩn ở chòi trông chờ vào thức bố thí của chùa hằng ngày. Hằng ngày, đích thân nhà sư đem cơm cho vợ chồng kia.

Ngày kia, trong làng có tang, nhà sư phải đi cúng. Trước khi đi, ông dặn đệ tử nhớ đem cơm thế ông cho hai vợ chồng kia rồi đi ngay vào chùa. Khi đem cơm đến không được tỏ thái độ xem thường họ. Trưa hôm đó, người đệ tử đem cơm đến. Nhìn thấy hai vợ chồng kia phong cùi ghẻ lở, người đệ tử tỏ cái nhìn gớm ghiếc, xem thường. Cơm được người đệ tử đưa qua một cái lỗ nhỏ bằng cành cây. Thấy vậy, đôi vợ chồng kia tủi thân, nghĩ phận mình bị khinh miệt không nên sống nữa. Hai người cố lết ra cái giếng gần đó và gieo mình cùng chết. Trong chùa và dân làng biết tin ra với xác lên. Vị sư già về thấy người ta đang tẩm liệm. Nhìn kỹ, thấy xác của người chồng thiếu một ngón chân, người vợ thiếu một ngón tay. Nhà sư bèn ra giếng và nhặt được, đem vào rửa sạch sẽ, phơi khô và cất giữ trong một cái hũ để thờ trong chùa.

Những ngày nhà sư sắp viên tịch, ông dặn dò đệ tử: Phải giữ cái hũ cho thật kỹ. Hai mươi năm sau, đúng vào ngày, giờ, tháng như vậy sẽ có khách đến viếng chùa, nên đưa cái hũ này cho họ. Người đệ tử giữ lời khuyên và làm theo.

Đúng thời gian như sư tổ dặn, người đệ tử xưa trở thành vị sư trụ trì kế tiếp đón một đôi thanh nam nữ tú đến viếng chùa. Họ xin bái kiến Phật và Tổ sư. Đứng nhìn họ lạy Phật, sư trụ trì thấy bàn chân người thanh niên thiếu một ngón chân, thiếu nữ thiếu một ngón tay. Nhớ lời Tổ dặn, ông bèn đem cái hũ đưa cho đôi thanh niên và nói: “Tôi làm theo lời Tổ dặn, thí chủ hãy nhận cái hũ này”. Đôi thanh niên nam nữ ngạc nhiên nhận lấy hũ. Họ mở ra và thấy trong đó có một ngón chân và một ngón tay. Họ đem gắn vào bàn chân, bàn tay thiêu ngón của mình thì vừa vặn, dân tộc thịt kéo liền lại nguyên vẹn.

Đêm ấy, họ xin ở lại chùa. Họ cùng sư trụ trì nói chuyện. Khi kể về gốc tích của nhau, sư trụ trì mới biết họ chính là công chúa và hoàng tử của một vương quốc xa đến viếng. Nhà sư thầm nghĩ có thể họ là hậu thân của đôi đôi vợ chồng bị bệnh phong xưa kia từng trú náu nơi nhà chùa.

Chuyện cũ kể lại cho nhau, vị sư trụ trì và đôi vợ chồng kia đều cảm thấy thanh thản. Họ cùng hướng về Phật và Tổ sư tạ ơn lòng từ bi, thể nguyện lòng thành cho chí nguyện thiện an. Câu chuyện cứ thế được truyền tụng trong dân gian như bài học về lòng từ bi hỉ xả của Phật và cách đối ứng tâm thành của con người.