- Phạm Đình Quát
Hàng ngày, chợ đông từ trước 4g sáng, khi trời sáng hẳn thì chợ đèn pin giải tán, trả lại “mặt bằng” là đoạn đầu đường Quang Trung ra bờ sông Thạch Hãn, cạnh chợ thị xã Quảng Trị.
Người mua không phải là các bà nội trợ mà họ mua rồi bán lại ở các chợ nhỏ; kiểu như đây là “chợ đầu mối” chuyên về nông sản, nguồn hàng từ các làng quanh thị xã.
Quảng Trị là một thị xã nhỏ nằm bên dòng sông Thạch
Hãn là một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng
với ngôi thành cổ (chiếm gần ¼ diện tích thị xã) đổ nát sau 81 ngày đêm hứng chịu
bom đạn trong mùa hè năm 1972 với hàng ngàn người người thiệt mạng.
Ánh sáng
di động, chập chờn, lung linh một góc phố yên ắng tạo nên hình ảnh gây ấn tượng
rất lạ với những người đi “xem” chợ. Người ta dùng loại đèn pin gắn trước trán
như công nhân mỏ hoặc đèn pin cầm tay, một ít dùng loại đèn pin sạc bình.
Hàng được
chở đến bằng xe máy, xe đạp hoặc gồng gánh; tuyệt nhiên không có những xe tải đổ
hàng từ các nguồn nông sản ngoại tỉnh. Người bán, người mua là có vẻ là bạn
hàng quen thuộc và hình như không có chuyện thách giá khi mua bán nên chẳng phải
nhiều lời, mọi người nói vừa đủ nghe, không có tiếng cãi cọ hay đùa cợt...
Một số người bán hàng từ nguồn mua gom trong làng đem ra chợ, những người khác cắt rau, quả vườn nhà đem bán. Đôi khi chỉ là vài buồng cau, buồng chuối, vài bó xà lách hay rau lang... Chợ này không có thịt, cá hay gia cầm.
Vào những tháng cuối năm, rau lang non có vẻ bán chạy; đối với người Quảng Trị, rau lang cũng như rau muống đối với người miền Bắc.