Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

Saigon một thời

  • Đỗ Thành

Tôi sính dùng ý “một thời” để gọi Saigon, mảnh đất thân yêu đã lưu lại trong tôi rất nhiều hình ảnh và kỷ niệm đẹp.  Bởi vì chợt một chiều nào đó em gái Saigon đã ghé lại thăm tôi trong chiếc áo dài thiên thanh, hay màu vàng óng ả, hoặc màu đỏ của phượng vỹ.
Tôi chưa đến độ lãng mạn nhìn em Saigon “uống ly chanh đường, thấy môi em ngọt” hay “Nắng Saigon anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”... Ông thiên sanh không phú cho tôi cái tài để ca tụng em, người con gái Saigon.
Nhưng tất cả những em gái Saigon của tôi đều chung nhau một khung trời ăm ắp. Có một chút màu cam giữa chiều tím bâng khuâng, chút màu trắng tinh anh của một buổi mai vừa chớm dậy. Em Saigon của tôi mộc mạc, hiền từ và khép nép như thế đó.
Ai có thể quên hay lơ là với em, nhưng tôi luôn yêu em tha thiết. Bởi vì với tôi, em không chỉ mang mỗi cái tên Saigon đơn điệu mà tôi đã từng gọi em bằng nhiều tên gọi khác như: cô em Bến Nghé, nàng thiếu nữ Sè Goòng, hay đôi khi đùa vui tôi còn dí dỏm xem em là người em nhỏ Sài Ghềnh thân thương.
Đại lộ Lê Lợi. Giữa ảnh là khách sạn REX. Ảnh: ML
Em Saigon dễ thương mà cũng dễ... ghét. Cha mẹ đặt tên cho em đầy sáng tạo và ước mơ. Em là Hường, là Lanh, là Ngoan, là… và v.v… nhưng với tôi, tất cả em đều mang chung một cái tên Nhỏ. Em có thể lanh lẹ hay nhút nhát, em có thể ít nói hay nói nhiều, em vẫn lớn lên âm thầm trong cái thành phố đầy màu sắc.
Cứ thử tưởng tượng một đêm mưa lất phất nào đó, nằm trong nhà nghe cơn gió hắt hiu, bỗng ngân lên tiếng rao “A...ai... đậu xanh, táo xọn, nước dừa đường cát hun”, hay “dầu dừa, dầu bông lài, dầu hải đường…”, bảo sao không nghe ngọt gắt họng, phải vội choàng dậy, chạy ngay ra nhìn, xem em đang bước ở đâu đây trong bóng đêm thanh vắng.
Cột cờ Thủ Ngữ. Ảnh: ML
Saigon bây giờ nhiều lầu cao cửa rộng, có những tòa nhà cao vài chục tầng, thế nhưng lảng vảng trong ký ức tôi vẫn là một cột cờ Thủ Ngữ, một bến Nhà Rồng, một Thảo Cầm Viên, một Tao Đàn, một Cầu Mống, cầu Quay, cầu Nhị Thiên Đường, cầu chữ Y, cầu Chà Và...
Bây giờ Saigon không còn loại xe thổ mộ, xe cá, xe xích lô máy, xe taxi con cóc, nhưng người dân Saigon vẫn chưa quên những cái bến mà ngày nào đó các loại xe này chọn làm chỗ kiếm ăn. Hãy mang mang nhớ đi, cái khoảng sân cạnh nhà ga xe lửa Saigon ở bùng binh, giáp đường Phạm Hồng Thái, hồi đó mới 2-3 giờ sáng đã nườm nượp hàng dãy xe cá ồn ào, tấp nập.
Cũng từ bến đó, xe thổ mộ từ Bà Chiểu, Hạnh Thông Tây, Xóm Gà, Hóc Môn, An Phú Đông đổ về, mang theo những bó hoa vườn để làm đẹp cho các phòng khách thành phố. Hãy nhớ đi, con đường Hàm Nghi và bên hông nhà thương thí Saigon, những toa tàu điện nhỏ nhoi mang những cái tên ga lạ hoắc, nhưng chuyển đầy ân tình người dân.
Ta muốn đi Gò Vấp, Chợ Lớn, hãy cứ bước lên những toa xe điện hẹp tưng đó để cà rịch cà tang chạy diễu qua nhiều con đường, gặp nhiều bộ mặt, điểm nhiều nụ cười, và rồi khi xuống bến cuối lòng vẫn lâng lâng như nhớ hay bỏ sót lại một món chi.
Thương xá Tax. Ảnh: ML
Saigon đó với con đường Nguyễn Huệ, chạy dài cho tới bến Bạch Đằng, thênh thang gió sông thổi dài, đưa nhoang nhoáng mùi bùn Thủ Thiêm theo con đò sang sông ập vào thành phố.  Saigon đó với những dãy xe lô-ca-xông toàn hiệu Citroen đưa du khách đi đến bất cứ nơi nào muốn. Saigon đó với những chuyến xe buýt chạy Tân Định, Phú Nhuận, Cây Mai, ngày hai bữa đi về theo thời biểu.
Saigon với những con đường đầy cây chùm bao, tuổi trẻ đỡ lòng cơn đói trưa. Saigon với những buổi vào lớp sáng và chiều, đám học sinh rủ nhau đi thành bầy cho đỡ thấy xa và đói bụng. Bữa nào trời chợt đổ mưa, nước chảy ào ào theo hai bên rãnh vệ đường, đám con nít Saigon được một bữa nghịch, nằm nối nhau cho nước tràn ướt hết quần áo, cho dù chốc nữa về dối mẹ dối cha đi đường chợt gặp mưa không trốn được.
Đường Tự Do (nay là Đồng Khởi) bên trái là Eden,
bên phải là KS Continental. Ảnh: ML
Saigon lớn lên theo năm tháng, hết tiểu học, lên trung học và đã bắt đầu biết làm dáng như ai. Chiều thứ Bảy đã biết hẹn hò nhau ra Viễn Đông ăn khô bò, uống nước mía. Rủng rỉnh có tí tiền thì đãi nhau chầu kem Pole Nord, Cẩm Bình hay “ngồi đồng” tại quán cạnh rạp chiếu bóng Vĩnh Lợi trên đại lộ Lê Lợi xem người qua kẻ lại.
Sang một chút thì tặng nhau cái vé vào Rex, Eden, Casino để cùng nhau trải bao tâm tư của diễn viên trên màn ảnh.  Có khi phim đã dứt, đèn bật sáng trưng, những giọt lệ trên khóe mắt chưa kịp lau và những tiếng sụt sùi vẫn còn diễn tiếp theo tâm trạng.
Chợ Bến Thành. (Ảnh tư liệu)
Saigon nhớ Rhett Butler, đến Vacances Romaines, Samson & Dalila hay Sayonara, Serenade,Le Voleur de Bicyclette, Les canons de Navarone... những tựa phim đã gây bao nhức nhối của một thời bình lặng tuổi thơ vốn vẫn còn ăm ắp đầy mộng mơ và lãng mạn.
Trẻ Saigon có thể lúng túng về sin, có hay đường hoành phi của dạng thể công thức lý hóa, toán, khoa học nhưng trẻ Saigon sẽ còn nhớ mãi về Vivian Leigh, Charlie Chaplin, Clarrk Gable, Mongomery Cliff, Gary Cooper, Gina Lollobrigida…
Saigon đã biết cất công ngồi chép những bài thơ tình lai láng, lén lút trao cho nhau và ù té chạy vì sợ bị chọc quê.  Saigon lúng liếng có mắt, môi, tóc của em Gia Long, Trưng Vương, Lê Bá Tòng, Hưng Đạo và Trần Lục, Pétrus Ký, Marie Curie, Colette, cùng nhiều trường công tư khác.
Bùng binh trước chợ Bến Thành. Ảnh: ML
Saigon còn có những đua chen của tuổi trẻ, ngày cuối tuần đạp xe về tận Lái Thiêu, Thủ Đức.  Hả hê với nhau túi mận, túi ổi, chia nhau trái cóc, miếng xoài, còn hào phóng gom tiền mua về chút nem, chút bưởi biếu gia đình lấy thảo.
Saigon thuở ấy cũng không thiếu những tụ điểm nổi danh. Người ta đã nói nhiều về một Kim Chung, Đại Thế Giới, về Sầu Thành, Bình Khang và vô vàn những cái tên Ngã Ba, Ngã Năm, Vĩnh Viễn, Sán Tài Lục…
Saigon có cái hay, cái dở. Saigon có cái đẹp, cái xấu. Nhưng trên tất cả Saigon sống với nhau xả láng. Ai đã từng một thời là dân Saigon hẳn chưa thể quên tiếng muỗng gõ lanh canh vào ly xây chừng của các tụ điểm cà phê rất sớm.
Cổng vào lăng Ông, từng được coi là hình 
ảnh biểu tượng của Saigon. (Ảnh tư liệu)
Saigon có cái lối nhâm nhi những giọt đắng không giống ai, thay vì uống bằng ly, người ta đổ ra dĩa và nâng lên húp sùm sụp. Saigon đó của nhà lồng chợ Bến Thành, muốn mua gì cũng có, muốn ăn gì cũng sẵn, nhưng cần phải biết rõ về giá cả, kẻo gặp rầy rà, phiền phức.
Người Saigon rất hiền, nhưng dễ bênh nhau. Chỉ cần ra chợ mua cân lê, ký táo là có thể bị đánh tráo hay cân thiếu, rồi có than van là y như sẽ bị phủ đầu. Khéo nhịn thì êm, càng cãi càng nhận thêm nhiều điều chối tai, gai mắt.
Saigon một thời xung quanh chợ Bến Thành la liệt đều là bến xe đò đi các tỉnh. Khách ra bến được tôn trọng vô cùng, có thể xảy cảnh níu kéo, giựt chia hành lý, nhưng khi khách đã yên vị chọn đi xe nào thì lần lượt túi xách, hành lý sẽ được hoàn về đầy đủ.
Nói rằng xô bồ nhưng không hẳn thế đâu nhen. Người ta cũng phân chia thành vùng như miền Đông, miền Tây rõ rệt. Muốn đi Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Ôn, Sa Đéc, Long Xuyên, hay mãi tuốt miệt Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, xin mời đến vùng xe đi miền sông Tiền, sông Hậu.  Muốn đi Gò Dầu, Trảng Bàng, Tây Ninh, Nam Vang, xin mời sang các xe đi miền Đông, kể cả Quản Lợi, Lộc Ninh, Xa Cam, Xa Cát, Bà Rá...
Xe thổ mộ chở hàng từ ngoại ô vào tận chợ Bến Thành. (Ảnh tư liệu)
Cũng phải kể đến các xe đi Đà Lạt, Ô Cấp, Long Hải, Phước Hải, ngày nào cũng chạy hà rầm. Vào các thời điểm lễ lớn còn tăng cường thêm các chuyến chạy đợt 2, đợt 3, có khi thay nhau chạy suốt đêm suốt sáng. Xe đò, xe trung, xe chạy lậu, xe trôi nổi, ôi thiên man, nào ai muốn đi thứ gì đều có, cho dù giá cước có thể cạnh tranh, ăn thua hơn kém nhau chút đỉnh.
Saigon của tôi rặt hai mùa mưa nắng. Thảng hoặc có một vài ngày trời trở lạnh hây hây thì chưa chi Saigon đã diêm dúa choàng thêm cái áo len mỏng. Ở Saigon không có khăn len quấn cổ, không đeo găng tay, nhưng chiều chiều thoáng gặp các nữ sinh khăn san cột hờ nơi cổ, rướn đạp xe để gió thổi rì rào, bỗng một chút thấy con tim rung động.
Hỏi ra thì đó là nữ sinh trường áo tím, áo vàng, hoặc màu trắng trinh nguyên của tuổi học trò mới lớn. Đừng hỏi tên trường của họ, chỉ nội nhìn nụ cười tươi như hoa ta cũng biết đó là tinh hoa của một đất nước đang đâm chồi, nẩy lộc.