- Phương Hà
Từ mặt trận về tòa soạn, như thường
lệ, tôi ngược dòng suối nhỏ nước từ đâu trong lòng núi chảy ra, rỉ rả ngay cả giữa
mùa gió Lào hun hút luồn qua Đông Trường Sơn. Tòa soạn Báo Quân Giải phóng của Quân khu Trị - Thiên - Huế, nơi tôi làm phóng
viên đóng ở lưng chừng ngọn núi này, đã khá lâu chưa phải chuyển cứ, vì thông
thường để tránh bị máy bay Mỹ với công nghệ trinh sát điện tử tối tân nhất phát
hiện, cứ một vài tháng, thậm chí có khi “chưa ấm chỗ”, chúng tôi phải di dời nơi
trú quân.
Phương Hà |
Ba tháng trước, sau khi tường
thuật một hội nghị thi đua tổ chức bên Tây Trường Sơn, về ngang qua một trảng
cỏ, trời đã xế chiều, đang cắm cúi bước, tôi bỗng nghe tiếng be be yếu ớt. Nghĩ
đây là thời cơ “cải thiện” bữa ăn cho anh em cơ quan, tôi lần theo tiếng kêu
ấy. Nghe động, con dê càng kêu to hơn. Quả là lạ, vì động vật hoang dã luôn
nhận biết rất xa mùi và tiếng chân đồng loại, còn đây là mùi và tiếng dội trong
đất, dù rất nhẹ, là của con người, kẻ thù đáng sợ nhất, đáng lẽ con dê phải
hoàn toàn bất động mới phải. Khi thấy rõ con dê có màu lông đen, tôi dương súng
như một phản xạ tự nhiên, nhưng sững lại ngay vì hình như nó không đứng dậy
được. Đúng là con dê bị thương, không phải do viên đạn của con người mà một con
hổ nào đó đã cắm hai răng nanh vào đùi nó, máu còn rỉ. Hổ thường rình rồi bất
ngờ nhảy lên phủ đầu, nhanh như chớp vặn mình ngoạm vào họng con mồi, nhưng con
dê này lại bị thương ở chân, chắc là con hổ vồ hụt. Con dê này khoảng 20
kilogam, tôi đủ sức vác về cho chị Tư cách đó gần hai tiếng đồng hồ theo đường
mòn giữa rừng chiến khu.
Chị Tư mừng ra mặt khi thấy
tôi nhẹ nhàng đặt con dê xuống bờ suối, ngay chỗ hằng ngày chị vẫn chuẩn bị
ngày ba bữa cơm rau cho cơ quan. Chị khen tôi bắn giỏi, mặc dù biết tôi là tay
“sát thú” nổi tiếng Quân khu. Cứ lâu lâu thiếu “chất tươi” (là từ dân kháng
chiến dùng để chỉ sự thiếu chất đạm) mà không phải đề phòng biệt kích đối
phương là tôi nói chị Tư chuẩn bị nước sôi rồi đội đèn pin, xách khẩu Carbin M1
vào rừng. Không heo rừng thì chồn, nai, voọc, mển, chưa bao giờ tôi về không.
Vì thế mà thấy con dê trong chạng vạng tối, chị Tư tưởng tôi vừa săn được. Hình
như tiếng be be thảm thiết của con dê đã làm chị Tư động lòng. Chị săm soi rất
kỹ vết thương của nó, đi lấy túi cứu thương, tiêm cho con dê một liều thuốc
giảm đau, cho uống mấy viên vitamin, rồi ủ nó trong chiếc chăn đơn mà hình như
là chiếc chăn duy nhất của chị. Tôi im lặng nhìn chị Tư chăm sóc con dê, không
nghĩ đến việc cả tòa soạn có “bữa ăn tươi” nữa.
Công việc của một phóng viên
chiến tranh làm tôi không còn thời gian để ý đến con dê, nhưng một hôm đi công
tác về thì thấy nó đứng trong cái chuồng hẹp do chị Tư làm, không xa chỗ ở và
bếp Hoàng Cầm của chị, đang nhai ngon lành một chùm lá. Màu lông đen óng mượt
trở lại, chứng tỏ con dê đã khỏe mạnh.
Nhìn màu lông và dáng dấp con
dê, tôi biết nó không phải là vật nuôi của đồng bào Vân Kiều bên đất ta hay một
bộ tộc nào đó bên đất Lào, nó là con dê hoang dã, hay còn gọi là sơn dương, là
con than (vì lông đen tuyền) chỉ sống bầy đàn ở Tây Trường Sơn, nơi mà nhiều
lần tôi đã bắt gặp. Nhưng tại sao nó lạc đến tận khu vực A Sầu, A Lưới, cách
địa bàn cư trú và kiếm ăn cả ngày đường băng rừng vượt suối và bị hổ tấn công
thì… chịu.
“Giàu nuôi chó, khó nuôi dê,
vô công rồi nghề thì nuôi ngỗng”. Dân gian nói vậy và đúng khi chị Tư dứt khoát
không cho làm thịt mà nhận nuôi con dê (chị đặt tên là con Than). “Khó nuôi dê”
vì con dê tự kiếm ăn và ăn những thứ người ta vứt đi hay không ngờ tới. Đó là
nói việc nuôi dê ở đồng bằng, chứ giữa rừng núi, thức ăn cho dê là hàng trăm
loại lá, có loại độc với con người hay những loại thú khác, nhưng với dê là
“thuốc bổ”. Con Than của chị Tư chưa thể được tự do kiếm ăn nhưng khi nào cũng
no, “khẩu phần ăn” lại có thêm tý muối - thứ mà loài dê rất thích, vì đã trở
thành “thú cưng” của cả tòa soạn báo, kể cả đồng chí Trung tá Văn Như Thu tổng
biên tập khó đăm đăm.
Con Than ở với chị Tư, ở với
những người lính viết báo, làm báo đã tròn quý. Nhiều lần chị Tư cho nó ra khỏi
chuồng, như chị nói, để tập cho nó quen sống với người như con chó, con ngổng.
Và nó quen thật, quen đến mức tối tối chị Tư trải cái bao tải đựng gạo cho nó
ngủ dưới sạp tre trong lán nửa chìm nửa nổi của chị.
Chị Tư đã ngoài 30, theo du
kích chống Mỹ ở ngoại thành Huế rồi lên chiến khu làm chị nuôi cho tòa báo Quân
khu đã mấy năm, chưa có “mảnh tình vắt vai”. Không biết có phải vậy không mà
chị dành rất nhiều tình cảm cho con Than. Con Than hình như cũng hiểu điều đó
nên có biết bao cơ hội để trở về bầy đàn mà nó không nỡ.
Căn cứ vào trọng lượng và
thời gian nuôi, tôi biết con Than ít nhất đã tuổi rưỡi, tức là độ tuổi động dục
của loài dê, nên nói với chị Tư không được cho nó ra khỏi chuồng, ngay cả ban
đêm. Hình như chị Tư không hiểu động dục là gì và vì sao con Than động dục thì
phải nhốt nó. Thuộc loại em út của chị Tư, lại là trai tơ, tôi thật khó giải
thích cho chị biết nhu cầu tìm giống đực, hay còn gọi là động đực của con Than,
chỉ cảnh báo chị rằng, nếu cho tự do, nó sẽ bỏ vào rừng “tìm trai”. Chị Tư nghe
vậy, bảo nhốt thì nhốt, rồi xấu hổ bỏ đi.
Con Than biểu hiện động dục
ngày một rõ. Bộ phận sinh sản của nó sưng màu đỏ hồng, chảy dịch, kêu be be cả
ngày, lại bỏ ăn, nhất là nó cứ nhảy lên như con đực, hai chân trước cong cong,
khép khép như muốn ôm một vật gì đó.
Và
chắc là hết chịu nổi, con Than sổng chuồng, biến mất.
Cả
tòa soạn buồn, nhất là chị Tư, vì mất con thú cưng. Đồng chí tổng biên tập càu
nhàu, biết thế làm thịt bồi bổ sức khỏe anh em.
Chiến
tranh nay sống mai chết, không biết chị Tư thì sao chứ anh em trai trẻ trong
tòa soạn chẳng mấy chốc đã quên con Than. Riêng tôi thì mong nó sang Tây Trường
Sơn an toàn và tìm được một “dê cụ” nào đó để thỏa mãn tình yêu bị dồn nén.
Vậy
mà gần nửa năm sau, con Than lại trở về!
Con
Than không về một mình, theo nó là hai con dê con khoảng mươi ngày tuổi, điệu
đi, màu lông không khác mẹ là mấy, nhỏ thó, rụt rè, vô cùng dễ thương.
Cả
tòa soạn vui. Vui nhất là chị Tư. Còn tôi thì vì quá yêu thiên nhiên nên trước
khi ra chiến trường đã đọc khá nhiều sách báo, tài liệu viết về động - thực vật
hoang dã, biết con Than đã cặp đôi, mang bầu đúng chu kỳ từ 135 đến 150 ngày, sinh
đôi, dẫn con trở về nơi chốn mà nó được con người chăm sóc, là có thể.
Ở
rừng, một tháng tiêu chuẩn của chúng tôi chỉ 15 kilogam gạo, một ít mắm muối
nhưng phải tự tổ chức xuống vùng giải phóng dưới đồng bằng tỉnh Quảng Trị và
Thừa Thiên để mua, một tấn gạo phải đổi bằng sinh mạng mấy sĩ quan, chiến sĩ do
bị địch phục kích, bị bom pháo dọc đường, vì thế không mấy khi con Than có thêm
chút cơm hay ngô bung, ngoài muối, là món mà nhiều loài động vật hoang
dã rất thiếu. Con Than trở về là do “quen hơi” chị Tư và thèm muối, nhất là
đang lúc cho hai con bú.
Bỗng
chúng tôi được lệnh chuẩn bị chuyển cứ gấp vì tin tình báo cho biết, máy bay
B52 sẽ rải thảm đúng vào tọa độ tòa soạn trú đóng. Sau khi thu dọn đồ đạc cá
nhân, bản thảo, kiểm tra máy ảnh, súng đạn, tôi sang giúp chị Tư tìm dây mây làm
vòng cổ cho ba mẹ con con Than để sáng sớm mai dắt chúng cùng hành quân.
Trở
về lán, định chợp mắt một lát vì còn vài tiếng đồng hồ nữa mới lên đường thì
tất cả bỗng chao đảo, chớp lóa cùng tiếng nổ liên hồi ù đặc tai. Mái lán đã bay
mất. Tôi cố vùng ra khỏi chiếc võng bị bom giật đứt dây, trong mù mịt khói bụi
buổi hừng đông, nhận ra B52 đã đánh một vệt dài bên kia con suối nhỏ, nơi chỉ
có chị Tư, lán bếp cơ quan và ba mẹ con con Than! Tất cả đã bình địa với ngổn
ngang cây cối, đất đá.
Phải chi hôm ấy B52 đánh đúng giờ
như tin tình báo thì chúng tôi không mất chị Tư, không mất ba mẹ con con Than!
Sài Gòn, tháng 1/2015