Thứ Hai, 23 tháng 2, 2015

Một chút tâm tư ngày đầu năm mới

  • Đỗ Thành

Tôi khởi sự gõ những dòng đầu tiên này khi đồng hồ tại San Jose California chỉ 7:32 tối mùng Hai, năm mới Ất Mùi, trong khi ở bên kia nửa địa cầu đã bước qua ngày cuối của chu kỳ 3 ngày Tết cổ truyền trên quê hương.
Những ai may mắn đã tìm về sum họp với gia đình - hoặc còn một nơi để về vui với mẹ cha, anh chị, thân nhân - thì đã được về, để cùng nhau chia vui mấy ngày xuân và sau đó lại lên đường tha hương tìm cuộc sống kéo dài hơn 300 ngày nữa.
Những ai mùa Tết này không tìm ra một tấm vé, hay vì bất cứ một lý do nào khác đành phải ngậm ngùi ở lại nơi trọ, chen chúc trong những chỗ tạm bợ, chia sẻ với nhau nỗi nhà, nhớ quê thì tình trạng đó cũng gần qua, hoặc sắp qua.

Sự việc nào cũng thế, thường đối với người này là niềm vui thì với người kia là nỗi buồn, thế gian không sao lấp đầy được những éo le, bất toàn đó. Tôi nghĩ nhiều về những hoàn cảnh ngang trái này khi biết ra rằng tết là tình trạng chung, nhưng mỗi người, mỗi gia đình lại phải đón nhận một cách sống khác nhau. Tôi nghĩ về ba ngày đầu xuân còn những người nằm lưu cữu trong bệnh viện, đau đớn vì bệnh tật, khốn đốn sấp ngửa chạy lo đủ mọi thứ tiền cho việc chạy chữa căn bệnh nào đó. Người đau đã khổ, người đi theo trông nom cũng chẳng sướng gì hơn.

Trong khi đó, cũng có những người hào hứng tham gia các chuyến du xuân đắt tiền, xa xỉ một cách vô tâm, vô cảm. Đối với họ, hình ảnh Dubai, Singapore, Tokyo, Amsterdam, Bruxelles, Paris, Berlin với các chương trình thách đố mua sắm hấp dẫn hoàn toàn che lấp hết nỗi đau của những người khốn khổ; những người bất hạnh, kém tài năng, thấp cổ bé miệng chẳng biết kêu ai, kêu nơi đâu cho đời đỡ khổ.

Riêng cá nhân tôi cũng chẳng hơn gì, thấm thoắt 20 năm làm kiếp dân nước người, lâu dần cũng ít nhớ về những cái tết của thời thơ ấu. Đã nhạt rồi nỗi háo hức vào mấy tháng cuối năm chờ mong được mặc quần áo mới và nhận các phong bao lì xì. Tôi len lén nhớ lại thuở nao bố tôi thường cho kết nối những cối pháo dài liền nhau treo lên ngọn me cao trước nhà để chờ đến giờ trừ tịch sẽ đốt vang khắp phố. Thuở đó, tôi nhìn cuộc đời quá đẹp và tin rằng nó sẽ mãi mãi như thế. Rồi chiến tranh nổ ra, những buổi báo động máy bay B29 thả bom xuống đường phố Saigon đã lôi tôi ra khỏi giấc mơ tươi đẹp đó.
Tôi đã chứng kiến cảnh nhà tan, hầm sụp, người chết, người bị thương la liệt. Chính anh em tôi cũng chết hụt một lần vì ham vui khi nghe hú còi báo động đã rủ nhau chạy sang hầm thằng bạn, để rồi hầm bị sập, moi mãi mới thoát ra, ngơ ngẩn không còn biết đường về nhà. Cả gia đình tôi bủa đi tìm, gặp hai anh em ngơ ngác, đem về bôi thần châu lên trán, không nỡ trách mắng để rồi cả tuần sau dần dần mới quên đi được nỗi sợ chiến tranh.

Đệ nhị thế chiến vừa chấm dứt, chưa kịp mừng vui thì ngày 02 tháng 9 năm 1945 lại một lần xảy ra cảnh chia ly. Bố tôi đi một đường, mẹ con tôi lạc một nẻo. Tin nhắn có vọng về, nhưng giữa nhiễu nhương, ai dám tin đó là sai hay đúng. Để rồi khoảng cách chia ly mỗi ngày một lớn, bố tôi đi khỏi Biên Hòa, Phan Thiết, Huế và thẳng về phía Bắc, coi như không còn hy vọng gì tìm nhau được.
Mẹ tôi mòn mỏi đợi chờ, lại mắc bệnh ngặt nghèo, nên qua đời khi vừa 49 tuổi. Anh em tôi cũng ly tán, kẻ còn người mất, cuối cùng chỉ mình tôi là trai, với một bà chị và một cô em. Năm lên 19, tôi bỏ Saigon lên Đà Lạt tìm việc làm. Trời thương cũng vớt vát có một chỗ tự nuôi thân để chờ mà không biết chờ điều gì nữa.

Năm 1953, mẹ tôi dốc hết tiền nong cho tôi ra Hà Nội. Hy vọng là hiệp định Genève may ra tôi tìm được lại bố chăng. Sáu tháng đợi chờ, dăm phen tìm đường vượt quốc lộ 5, nhưng miền sông Đuống không ngày nào không có giao tranh, đạn bom mù mịt nên tôi không đi được. Cuối cùng theo lệnh mẹ, tôi phải xin họp thân tộc cầm cố mảnh đất của ông ngoại tôi ở Nghi Tàm để quay về Saigon. Tôi lủi thủi lo làm ăn, ngong ngóng dõi mắt nhìn về mẹ còn ở lại Saigon. Tôi ở Đà Lạt miệt mài, không lệ thuộc ai, cũng may trời thương chưa bị liệt vào hạng hư hỏng.

Ngày mẹ mất là ngày u ám nhất đời tôi. Căn nhà của mẹ tôi ở Saigon đem sang tay không đủ trả chi phí bệnh của mẹ tôi. Đang còn một chỗ dựa thân yêu thì bỗng tôi bị hẫng nên thả trôi đời vô lối. Giữa trời lạnh sương mù Đà Lạt, không đêm nào tôi không lê bước một vòng quanh hồ Xuân Hương để khóc thầm nhớ mẹ.
Dạo ấy tôi không biết sợ là gì. Người ta đồn tối tối ở cầu ông Đạo có cô gái từ hồ lên ngồi than khóc, nhưng mặc, đi tôi cứ đi lang thang, có khi đến 3 giờ sáng mới quay về nhà. Có thể nói lúc ấy tôi bất kể mạng mình và chưa chừng còn xem nếu vạn nhất được “đi theo mẹ” có khi còn thấy lòng thảnh thơi hơn.
Rồi cuối cùng tôi cũng lập gia dình. Duyên nghiệp đẩy đưa cho tôi gặp được người thương và ban cho tôi 6 đứa con. Chúng tôi sống với nhau 50 năm trời, trải nhiều buồn vui, cay đắng cũng như qua nhiều chặng đường khốn khổ. Như mọi trai tráng lớn lên ở miền Nam thời ấy, tôi đã là một người lính và nhận lãnh hệ quả sau ngày 30-4-1975. Tôi lênh đênh theo cuộc sống nổi trôi với những mất mát, xé đau kéo dài 20 năm ở lại. Đến khi được phép ra đi, thực sự tôi rất buồn, nhưng không còn chọn lựa nào khác. Có người ngăn tôi vì sợ gặp cảnh “trâu chậm uống nước đục” trên đất lạ quê người, nhưng cân nhắc tôi thấy dẫu có ở nán lại thì cũng không xoay sở được gì. Dù không là một tay chơi bạc, tôi vẫn tự bảo cứ đi, vạn nhất có gặp sự xấu nhất thì quay về, còn hơn để lỡ dịp, liệu có cơ may nào nữa đâu!
Ngày chiếc phi cơ bốc lên khỏi sân bay Tân Sơn Nhất đối với tôi là một ngày dài nhất. Vợ tôi với đứa con duy nhất được đi theo và cả tôi, không ai bảo ai mà sao mắt đầy ngấn lệ. Tôi lan man nghĩ từ nay đất nước mãi mãi xa rời và nếu có lần về chắc tôi cũng hoàn toàn khác biệt chứ hết còn như trước.

Thấm thoắt, tôi ra đi đã tròn 20 năm. Năm năm đầu là dân thường trú và 15 năm sau là công dân nước... người. Hôm đưa tay tuyên thệ, tôi thổn thức lập lại lời người xướng ngôn mà lòng mặn đắng như dưa muối. Tôi lấp vấp nói không ra hơi và lặp bặp hát bài quốc ca mới mà lòng quặn lên nức nở. Sau đó, tôi soi gương nhìn mình và tự hỏi: giờ mình là người nước nào đây? Mỹ không hẳn là Mỹ và Việt thì càng lại xa, đã quá xa. Hòa bình 40 năm mà sao cái khoảng cách chia ly không hề giảm bớt. Nơi này nơi khác, lúc nọ lúc kia, vẫn cay đắng nghe lời mạt sát “ngụy” này, “ngụy” nọ để lặng lẽ chấp nhận cảnh “cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”.
Nỗi nghịch lý là có bao lực nội tại trước kia hằn thù sâu nặng mà nay hóa giải với nhau được, nhưng anh em một nhà thì vẫn mặt nọ, mặt kia. Tôi không cất tiếng khen bừa nước Mỹ, nhưng riêng với thực tế đời tôi, nước Mỹ đã giúp đỡ tôi rất nhiều.

Giữa người Mỹ và tôi chẳng là ruột thịt hay thân thích gì hết nhưng tôi vẫn nhận được những cơ hội để thu xếp cuộc sống gia đình, con cái được học hành, khi ốm đau được xã hội chăm lo và đài thọ mọi chi phí. Vợ tôi bị ung thư; chuyển từ ung thư bướu sang ung thư máu, suốt năm năm trời vào ra bệnh viện biết bao lần. Máu trong người vợ tôi là máu của những người Mỹ ẩn danh đã đem lại sinh khí kéo dài cuộc sống cho đến ngày việc tiêm truyền không còn gây hiệu quả mới ngưng và vợ tôi đã từ giã cõi đời cũng tại nơi dung thân này.
Mọi chi phí thuốc men, máu truyền, chi phí điều trị, trong đó có những ngày nằm phòng đặc biệt theo dõi (ICU)... tất cả đều do quỹ xã hội chi trả, tôi không phải trả bất cứ một khoản chi nào khác. Người mất đã mất đi, nhưng với tôi, cả năm tiếp sau vẫn được hỏi han có cần người đến chuyện trò giải khuây, hay sự giúp đỡ nào, vì họ sợ tôi bị suy sụp hay rối ren vì chịu cảnh mất mát lớn lao đó.

Tôi đã trải qua nhiều cái tết Việt trên đất Mỹ. Mặc dù bây giờ tiêu chuẩn 3 ngày phép theo truyền thống không còn được thực thi nữa, nhưng ngày đầu năm ai muốn nghỉ cứ nghỉ, miễn là đồng ý không nhận lương. Cho nên tâm tư tôi nhiều lúc bâng khuâng và có chiều lúng túng. Tôi nghĩ vơ vẩn giả định rằng nếu vợ tôi trước đây mắc bệnh khi còn sống ở quê nhà thì liệu có gắng gượng kéo dài được 5 năm chăng? Còn các khoản chi phí tất nhiên gia đình phải nai lưng chi trả trong tâm trạng “còn nước còn tát” mà không mấy an tâm. Đây là những tâm tư thật nhất, tôi thường tự nhắc nhở mình mỗi năm khi đón xuân, chờ tết. Cũng có điều này điều khác tôi chưa hoàn toàn hài lòng về lối tiếp cận, xử sự của một số người Mỹ chính thống với những người dân mới nhập như tôi, song nhìn chung, phải nói là không có bất cứ sự “phân biệt đối xử” nào giữa hai thực thể cả.

Bởi vậy, tôi thực lòng nghĩ là mình chịu ơn nước Mỹ, chịu ơn những người đã cưu mang, dẫn giải và hướng cho tôi về một cuộc sống bình đẳng, an nhiên và cho tôi thấy ít nhiều ý nghĩa về những ngày đang diễn ra trước mắt.