Từ nhiều thế kỷ trước, người Trung Hoa đã dùng cá ngựa để trị
chứng hói đầu, bệnh suyễn, chứng bất lực tình dục. Cũng từ lâu, ở châu Âu, người
ta dùng cá ngựa để kích thích quá trình tạo sữa cho phụ nữ. Bây giờ, cá ngựa còn
là phương thuốc phòng, chữa chứng xơ cứng động mạch và tăng cường "sức chiến
đấu" cho quý ông trong chốn phòng the. Chả thế mà chỉ tính riêng ở Trung
Quốc, có năm đã tiêu thụ đến 6 triệu con cá ngựa.
|
Cá ngựa ngâm rượu. |
Thị trường cá ngựa thực sự sôi động từ lâu. Cá ngựa khô được
xâu dọc từng dây như rèm trúc, treo kín tại các cửa hàng hải sản ở khắp nơi. Gía
cả xê dịch từ 400 USD đến 800 USD/kg (khoảng 200-250 con cá ngựa khô). Những
"vựa" lớn, cung cấp chủ yếu cho thị trường cá ngựa thế giới gồm nhiều
nước như Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam, Úc, Brasil, Mỹ, Kuwait, Malaysia, Pakistan,
Singapore, Ả rập Xê-út…
Theo tài liệu của Viện Hải Dương Học Nha Trang, có tất cả 28
loài cá ngựa sống ở các vùng biển khắp thế giới, chủ yếu ở vùng biển nhiệt đới
và cận nhiệt đới. Cá ngựa sống trong những rạn san hô, những thảm thực vật dưới
đáy biển, cả những vùng biển có đáy bùn…
|
Cá ngựa cái chuyển trứng cho "chồng"
mang thai hộ |
Chúng có khả năng tự thay đổi màu sắc
thân mình tùy theo môi trường xung quanh. Vùng biển Việt Nam có 4 loài: cá ngựa
gai, cá ngựa ba chấm, cá ngựa đen và cá ngựa mõm ngắn. Khánh Hòa và Bình Thuận
là hai khu vực biển có sản lượng đánh bắt cá ngựa cao nhất nước ta.
Trong tất cả các loài giống đực, có lẽ cá ngựa là yêu thương
"vợ" nhất. Cũng như các loại động vật khác, "chàng" có tinh
trùng, "nàng" có trứng. Nhưng cá ngựa đực làm thay cho "vợ"
chuyện "mang nặng đẻ đau".
Việc con cái chuyển trứng sang cho con đực ấp là một tập tính
phức tạp và đặc trưng của loài cá ngựa. Cá đực nhận và ấp trứng trong một cái túi
ở phía dưới bụng. Trong khoảng ba tuần lễ cá đực... mang thai, con cái thường
xuyên thăm viếng "chồng", cho đến khi những chú cá con chui ra khỏi bụng
"bố".
|
Cá ngựa con mới nở lần lượt chui ra
từ bụng ông "bố" |
Bình thường, cá ngựa sống đơn độc, chúng chỉ gần nhau vào mùa
sinh sản. Nhưng không bao giờ xảy ra chuyện "lộn vợ lộn chồng"mà cặp
nào ra cặp nấy. Đến mùa sinh sản, nếu một trong hai con bị “mất tích”, con còn
lại sẽ chịu cảnh "góa bụa", sống cô độc mãi mãi. Chúng chỉ bước thêm
bước nữa, khi gặp một cá ngựa khác phái nhưng cùng cảnh ngộ "ở góa"
như nhau.
Về hiệu quả kinh tế và việc đầu tư vào nguồn lợi từ cá ngựa,
TS Trương Sĩ Kỳ cho biết: "Viện Hải Dương Học Nha Trang đã thành công
trong khâu sản xuất giống và nuôi cá đạt kích thước thương phẩm, nhưng chỉ ở quy
mô thí nghiệm. Muốn đạt hiệu quả kinh tế và ý nghĩa thực tiễn, một mặt cần phải
đầu tư nghiên cứu việc nuôi cá ngựa đại trà ở môi trường tự nhiên, mặt khác cần
sản xuất giống để thả ra biển nhằm bảo tồn loài cá ngựa. Đó là một vấn đề mang
tính toàn cầu. Hiện nay, nhiều nhà khoa học trên thế giới đang tìm kiếm giải pháp
để bảo vệ nguồn lợi cá ngựa ở khắp các vùng biển trên thế giới!
|
Cá ngựa lá ở vùng biển châu Úc |
(Bài đã dăng trên báo Doanh Nghiệp xuân 1996. Thông tin về
giá cả chính xác vào thời điểm cuối năm 1995)