Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

Chờ chồng

  • Hoàng Đằng

- Cháu tìm mô đó ... pha cho mự méng nước, mự khát từ đầu hôm đến chừ mà không biết nhờ ai. Mự thều thào khi thấy tôi bước vào.

Mự già yếu, bị tai biến nằm liệt giường từ hơn một năm nay.
Mự ở cái lều nhỏ dựng sâu trong vườn nhà một đứa cháu gọi bằng o. Cỏ và cây mắc cỡ ràng rịt lối nhỏ vào nhà. Nhà yên tĩnh lắm - cái yên tĩnh bất tiện đối với cảnh sống cô đơn.
Mự “hồi tôn” về với người ruột thịt, hy vọng sau khi chết linh hồn có người hương khói.
                                    
Mùa thu năm Ất Dậu (1945), mặt trận Việt Minh giành chính quyền cả nước. Ở làng, bộ máy chính quyền mới được thành lập để thay các hương chức thời phong kiến. Một trung đội dân quân tự vệ ra đời để bảo vệ chính quyền cách mạng. Thanh niên trong làng cả nam lẫn nữ đều hăng hái tham gia lực lượng vũ trang này.

Thuở ấy, mự 18 tuổi, vóc người mảnh khảnh, nụ cười rất tươi với hai lúm đồng tiền trên má. Cậu 20 tuổi. Ông bà ngoại đã cho cậu học hết bậc sơ học, đậu bằng Yếu Lược và có học tiếp bậc tiểu học trên huyện Cam Lộ được 2 năm. Cậu bị cảm thương hàn, chữa trị và dưỡng bệnh dài ngày, phải bỏ dở việc học. Ông bà ngoại lại không còn đủ sức tiếp tế cơm gạo.

Thời ấy, mỗi huyện chỉ có một trường tiểu học; đường sá xa xôi, phương tiện đi lại chủ yếu chỉ bằng đôi chân trần, kinh tế khó khăn, trong làng, rất ít gia đình gởi con đi học xa. Nhờ vậy, lúc này, cậu thuộc hạng người quý hiếm vì có học.

Cậu và mự đều vào “tự vệ”. Súng ống không có; mỗi đội viên tự kiếm một cái đùi tre dài cỡ bằng cây súng trường, buộc dây vào để mang choàng vai như kiểu mang súng. Ngày ngày, “tự vệ” tập trung ở đình làng, luyện tập những động tác: tiến, lùi, bò, nằm ... giả như khi xung trận, và đi đều bước: một hai một hai, đứng lại đứng, quay phải quay, quay trái quay, đằng sau quay ... giả như khi diễu hành. Huấn luyện viên là mấy ông cai, ông đội lính Tây vừa mới rã ngũ.

Sinh hoạt gần gũi, cậu và mự yêu nhau. “Trai tài”, “gái sắc” trông xứng đôi, vừa lứa. Hạ tuần tháng chạp năm Bính Tuất (đầu năm 1947), cậu mự được hai gia đình làm lễ thành hôn. Lúc này, giặc Tây đã trở lại tái chiếm Việt Nam ở trong Nam, ngoài Bắc và các thành phố lớn. Cậu mự được tập trung cả ngày lẫn đêm, luyện tập cho nhuần nhuyễn để đánh trả khi giặc tới quê. Cậu mự - đôi tân hôn - không có đêm tân hôn, nói chi đến tuần trăng mật.

Những ngày giáp Tết năm Đinh Hợi, giặc Tây tiến quân từ Lào về. Dân làng tản cư, vượt sông Hiếu ra mạn bắc, tạm cư giữa vùng rú cát Gio Linh; trung đội tự vệ rút về hướng nam, vượt sông Thạch Hãn, bố trí lực lượng ở làng An Lợi, xã Triệu Độ. Làng chỉ còn vườn không nhà trống.
Cậu đi theo đơn vị, mự đi theo dân làng; vợ chồng mỗi người một nơi. Đầu tháng hai năm Đinh Hợi, giặc Tây từ phía thị xã Quảng Trị tiến về, trung đội của cậu chạm trận lần đầu tiên. Không được trang bị và huấn luyện đàng hoàng, bài bản, trung đội tự vệ mất gần hết đội viên. Số hy sinh, số mất tích.

Cậu thuộc diện mất tích. Gia đình lo lắng. Mự hồi hộp, trông ngóng, khóc đêm khóc ngày. Được khoảng 2 tháng, dân tản cư ăn hết số lương thực mang theo, rủ nhau hồi cư dù phải đối mặt với nhiều nguy hiểm khó lường.

Dưới chính quyền do giặc Pháp dựng lên, mự, ngoài cái khổ vắng chồng, nhớ chồng, còn phải chịu bị bắt bớ, tra hỏi nhiều lần. Thấy mự có nhan sắc, nhiều người phao tin đồn: cậu đã bị giặc Pháp bắt và thủ tiêu, dập xác ở chỗ nọ chỗ kia. Họ hy vọng mự sẽ tin thế, và tái giá. Khi đó, mự sẽ vào tay họ.
Mự sống với ông bà ngoại, tròn bổn phận một dâu hiền. Đêm đêm, nghe tiếng chó sủa đầu làng, mự mừng rồi lại sợ. Mừng là có thể cậu trốn tránh đâu đấy, lợi dụng màn tối về gặp mự và biết đâu chốc nữa thôi mự sẽ thưởng thức được “mùi đời” chưa hề nếm trải - người trẻ tuổi ai mà không muốn, không ham chuyện ấy! Sợ là có thể giặc đang về “lùng” và mự sẽ bị bắt, bị tra khảo. Năm này qua năm khác, mự sống mỏi mòn.

Năm 1954 ... Khi hiệp định Genève ký kết, người theo phe này hay phe kia đều tìm về thăm gia đình. Ông bà ngoại và mự trông hoài chẳng thấy bóng dáng hay tin tức của cậu. Nỗi buồn rầu và thất vọng dâng cao dày xéo lòng mự.
Một hôm, giữa trưa cuối hè, mự đang ngồi nhổ tóc bạc cho bà ngoại dưới bóng im bụi tre trước cổng. Trời nắng nóng, cậu đột ngột xuất hiện, mự không biết đây là chuyện thực hay chuyện mộng. Bộ quân phục Vệ Quốc đoàn cậu mang ướt đẫm mồ hôi, mặt mũi hốc hác, tóc trên đầu lưa thưa điểm bạc. Mự đứng phắt dậy, miệng mấp máy muốn nói gì, nhưng nghẹn ngào vì cảm xúc; bà ngoại cũng co vội hai chân đang duỗi, chống tay đứng dậy, cả nhà chạy ùa ra. Người a, kẻ ê, không nói ra được một tiếng nào rõ âm rõ nghĩa. Mừng ơi là mừng! Nhìn nhau, cả mự lẫn cậu tuôn trào hai hàng nước mắt trên má. Họ không ôm choàng nhau như cảnh thường chiếu trên TV bây giờ. Có lẽ môi trường sống của người dân quê khiến họ không đủ bạo dạn làm chuyện đó. Họ nhìn nhau ... bẽn lẽn. Mấy phút sau, cậu bịn rịn chia tay, đi gấp, đơn vị của cậu trên đường tập kết ra Bắc đang nghỉ chân trên quốc lộ I. Mự ôm mặt khóc, những tưởng chút hạnh phúc riêng tư đã đến gần, nào ngờ ...

Dù sao, đất nước đã tạm có hòa bình. Ông bà ngoại nghĩ đến chuyện tương lai, vay mượn bà con, thu gom được một số tiền để tiễn mự ra Bắc. Hy vọng vợ chồng cậu mự gặp nhau, sống chung, sinh con đẻ cái, nối dõi tông đường.
Việc đoàn tụ đại gia đình không còn lâu nữa ... Hai năm tổng tuyển cử tái thống nhất nước nhà, khi đó, niềm vui sẽ tăng thêm với  tiếng bi bô của một hay hai cháu nội.

Mự lên đường ra Bắc, ngoài mặt lộ nét buồn khi phải tạm biệt bà con, trong lòng rạo rực nở hoa chắc chắn sẽ gặp chồng, truy lĩnh lại những gì thiếu vắng do xa cách nhau gần 10 năm. Mự đi bộ từ làng này qua làng khác, vất vả lắm, nhưng không biết mệt. Trên đường, gặp ai mự cũng hỏi đơn vị cậu đóng ở đâu - như thử chỉ có đơn vị cậu từ Nam ra Bắc tập kết. Tội nghiệp! mự chỉ nhận những cái lắc đầu, hiếm khi nghe được một câu trả lời hẳn hoi với đôi chút thiện cảm.
Qua những làng quê, mự muốn kiếm việc như làm cỏ lúa, giã gạo ... kiếm cơm, mong tiếp tục cuộc hành trình lâu dài. Nhưng không thể ... Sau chiến tranh, làng quê nào cũng xơ xác. Cảnh nghèo nàn khiến khó kiếm được người cưu mang. Hơn nữa, chiến tranh làm cho lòng người khó tin tưởng nhau, tâm trạng nghi kỵ sinh sôi nẩy nở. Ai cũng cảnh giác, họ e ngại: biết đâu mự là gián điệp do miền Nam phái ra!

Mấy tháng đi tìm chồng không gặp, cạn túi, mự quay trở vào, đành phận làm dâu. Mấy sào ruộng là phần ăn của gia đình ông bà ngoại do chính quyền làng cấp từ quỹ đất công. Mự cáng đáng từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch.
Ông bà ngoại chỉ có 2 người con: mẹ và cậu. Mẹ theo gia đình bên chồng. Trong nhà ngoại, chỉ có ba người mà lại người lớn tuổi, ít chuyện trò, không tiếng cười đùa của con trẻ.

Giai đoạn đầu sau khi hai miền có chính quyền riêng, ở miền Nam, chiến dịch “tố cộng” mở ra. Mự có chồng bên kia chiến tuyến, khổ lắm; lâu lâu, chính quyền triệu tập mự cơm đùm gạo bới đi chỉnh huấn tại quận lỵ, cách nhà đến hơn 10 cây số.
Thấy cảnh tình của mự, một vài ông làm việc thôn, việc xã “máu gái” rình rập, tiếp cận mự ve vãn. Vài thiếu phụ trong làng có trường hợp tương tự như mự đã “ôm bầu” chịu tiếng; còn mự thì không, việc tán tỉnh hình như chỉ được mự trả lời bằng những cái nhìn hờ hững, lạnh nhạt.

Ông bà ngoại lần lượt qua đời do tuổi già. Mự là “dâu chánh lễ”. Mự lo tang lễ, lo tống táng, lo chăm sóc mộ phần, lư hương bát nước. Ngoài việc ruộng nương, mự tranh thủ lúc nông nhàn lên chợ mua qua bán lại rau quả, dành dụm, thành ra mự có vốn liếng khá.
Năm 1972, quân Giải Phóng đánh chiếm tỉnh Quảng Trị. Dân làng chạy, lánh nạn xuôi Nam tránh bom rơi đạn nổ. Mự cứ quanh quẩn ở mấy làng quanh vùng, hy vọng gặp cậu.
Cuối cùng, chứng kiến chết chóc dữ quá, không trụ nổi, mự phải chạy vào đợt cuối cùng.

Hôm di tản hỗn loạn qua Cầu Dài, mự bị thương nặng ở đùi, máu ra nhiều, đuối sức và bất tỉnh. Mự nằm chờ chết giữa bãi cát nóng.
Đêm xuống, mự tỉnh lại, hai tay ngo ngoe, một chiếc xe lính Cộng Hòa chiếu đèn pha quét hai bên đường, chầm chậm xuôi Nam. Phát hiện ra mự, thấy còn sống, mấy anh lính tốt bụng xuống bồng mự lên xe, chở vào Đà Nẵng, giao cho Bệnh Viện Việt Đức.
Mự không chết. Lành vết thương, hồi phục, mự lên trại tạm cư Hòa Khánh, hưởng tiêu chuẩn của dân tỵ nạn. Mự không ngồi yên. Ngày ngày, mự đi buôn chuyến. Sáng theo xe đò lên mua hàng hóa trên vùng núi tỉnh Quảng Nam, chiều về bán lại cho dân trong trại: gà, vịt, chuối, mít, thơm, măng ... Chắc thu nhập khá, một thời gian sau, cổ mự đeo dây chuyền, tai gắn bông, cổ tay óng ánh vòng vàng. Mự trông đã ra một phụ nữ giàu có, thỏa mái về vật chất, miệng luôn nở nụ cười tươi rói, mặt điểm xuyết hai lúm đồng tiền trên má, duyên ơi là duyên! Tuổi mự đã xấp xỉ 50, thế mà còn lọt vô tầm ngắm của nhiều giới mày râu, đặc biệt là mấy ông vô Đà Nẵng mà vợ con kẹt lại Quảng Trị.
Mặt mự đôi lúc bừng đỏ khi có một ông nào đó ngang trang đến chuyện trò. Tuy nhiên, không biết sao, hơn hai năm trôi qua, mự không về tay ông nào cả, có thể không ai xứng tầm của mự, cũng có thể mự linh cảm ngày gặp cậu không còn xa.

Năm 1975, đất nước thống nhất, mự theo dân làng hồi cư. Ngôi nhà ông bà ngoại không còn nữa vì bom pháo. Trên nền cũ, mự dựng lại một ngôi nhà nhỏ hai căn từ xác cái nhà do chính quyền miền Nam cấp đã dựng ở Mỹ Chánh.

Cậu vào. Gặp lại cậu, mự mừng, dáng lăng xăng. Mự lo cơm nước đàng hoàng đãi cậu ăn, lại còn bồi dưỡng cậu buổi tối nữa chứ! Khi thì luộc trứng lộn, khi thì nấu cháo bồ câu non.
Nhà chỉ có một giường, mự nghĩ cậu sẽ ngủ chung với mự. Nào ngờ cậu kê 2 chiếc ghế băng ngủ qua đêm. Mự nằm trằn trọc, đằng hắng, mong chờ cậu tới ... thủ thỉ, nhưng không... Mấy đêm liền qua đi, mự thất vọng, mự đem chuyện xẻ chia với mẹ, nghĩ rằng mẹ, với vai người chị, sẽ nhắc nhở cậu đừng hờ hững với mự, mự chờ cậu để dâng hiến đã 30 năm rồi.

Hiểu ý mự, mẹ mời cậu sang nhà tâm sự thiệt hơn. Cậu cho mẹ biết sau mấy năm chờ đợi không có tổng tuyển cử thống nhất đất nước, cậu đã được “Tổ chức” cho lấy vợ lại. Cậu ra Bắc không còn là bộ đội mà đã chuyển ngành qua nông trường chăn nuôi bò. Vợ cậu hiện tại nguyên là công nhân cùng một đội với cậu, nay đã nghỉ vì phải chăm sóc con dại và nông trường giảm biên chế. Có gia đình mới thì cậu phải dồn sức chăm lo, chứ không lăng nhăng, ở với bà này năm ba bữa, ở với bà khác năm ba bữa; việc nhà lộn xộn, “Tổ Chức” kiểm điểm, phê bình, rắc rối, sống không nổi đâu!

Cậu ở quê được 15 ngày thì cậu ra Bắc. Mự mời mẹ tới, mự giải bày việc nhà với cậu trước mặt mẹ. Mự muốn gia đình đoàn tụ, mự ngỏ ý với cậu đem người vợ mới và hai con vào trong này. Mự và người ấy sẽ làm chị, làm em, còn hai con sẽ là con chung, tối lửa tắt đèn có nhau; mự sẽ phụ giúp vào việc nuôi hai con, cho chúng học hành đến nơi đến chốn. Việc ái ân ... thôi, mự không trông, tình vợ chồng cậu mự cứ là tình trinh bạch (chaste), mự nhường cậu hoàn toàn cho người ấy. Mự chỉ mong sau này hai con tiếp nối lo công việc hương khói trên bàn thờ gia tiên, trên đó sẽ có linh hồn mự.

Cậu ra Bắc, thuyết phục được người vợ mới đem con vào Nam. Nghe tin, bà con xóm giềng tò mò đến xem mặt người vợ mới của cậu và cũng thăm cậu luôn thể; họ đứng đầy trong đầy ngoài. Mự xăng răng, vui vẻ chào mời, chuẩn bị cơm nước tử tế; mự mường tượng từ nay trở lên, trong tuổi già, cuộc sống sẽ hạnh phúc, êm ấm.

Người vợ mới của cậu bước vào nhà, thấy đông người, bà sầm mặt, không vui.
Bỗng nhiên, bà nắm cổ áo cậu, day nhiều lần, miệng thét lớn:
- Tôi nói cho ông biết nhé! Tôi đem tuổi thanh xuân hầu hạ ông, tôi bỏ quê ngàn dặm vào đây để tiếp tục phục vụ ông.
Liếc mắt qua phía mự, bà lườm giọng:
- Ông để sống cạnh ông bà nào đây ... bà nào đây!  Tôi chưa hề biết nhé.
Một tay tiếp tục nắm cổ áo cậu, một tay đẩy tới thụt lui, chỉ vào mặt cậu, bà hỗn láo, chửi bới, văng tục:
- Địt mẹ tiên sư nhà mày nhé! Có con nào bốn vú hai nồn thì mày có thể trả con này về Bắc mà nấy, còn nghe đây này! Con nào hai vú một nồn thì mày phải nấy con này và con mẹ kia phải bước ra khỏi nhà gấp!

Cậu tái mặt, cúi gầm xuống, cậu quá “ôốc dôộc” với người đang đứng xem. Mự gặp nghịch cảnh quá đột ngột không biết xử lý ra sao. Cơn tức nghẹn cổ, Mự chưa kịp phản ứng thì bà em dâu – vợ của em trai mự - kéo mự ra ngoài phân trần:
- Thôi chị đem tư trang, đồ đạc riêng về nhà em ở tạm, con ấy dữ rứa không chừng đêm hôm chị ngủ nó cắt cổ chị chết chừ!

Mự ra khỏi nhà ... đến ở với vợ chồng người em ruột. Mự “hồi tôn”. Của cải mự dành dụm suốt đời giao cho người em. Người này dựng cho mự một túp lều ở góc sau vườn.
Bây giờ mự bệnh, lúc đói muốn ăn không có ai cho ăn, lúc khát muốn uống không có ai cho uống. Nằm lâu ngày, lưng mự đã loét từng mảng, thịt thâm đỏ rỉ nước vàng khè. Mự nằm, đôi mắt lờ đờ cứ liếc nhìn ra, mong có ai đi qua ghé vào để nhờ việc cần.

Tôi rót nước cho mự, ngồi với mự vài ba phút. Mùi hôi do máu mủ, phân, nước tiểu ... bốc lên nồng nặc. Tôi chào từ giã mự.
Bên ngoài, trời nắng chói chang với cái nóng hừng hực: 39, 40 độ C ở vùng gió Lào rát lửa.

(Đông Hà, 20/7/2013)