Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

Vì đâu nên nỗi?

  • Hoàng Đằng

Anh luôn ở trong nhà. Việc đi ra ngoài đơn giản thế mà, đối với anh, cũng không được.
Cánh tay phải co rút, khuỷu tay thành một góc vuông, bàn tay cong queo nằm ngang ngực, bàn chân bên phải kéo lết, nhấc không lên, muốn di chuyển, anh phải chống gậy. Quần áo nhàu nát, trông không được sạch sẽ, đầu tóc rối bù xù, anh mới 50 tuổi mà dáng dấp như một ông cụ 80.

Anh sống ở một làng quê vắng vẻ. Đường làng luôn im mát; ánh mặt trời không làm sao xuyên lọt qua vòm ngọn tre dày lá úp chéo lên nhau từ hai hàng tre hai bên. Ngay giữa ban ngày, khách vào làng muốn tìm nhà ai, hỏi chuyện gì rất khó khăn. Hiếm người tới lui trên đường, nhà nào cũng khép cửa. Có lẽ mọi người đều ra đồng hoặc đi làm ăn xa.

Căn nhà lợp tôn fibro-ciment, màu tôn sẫm đen, tường xây gạch đúc bằng ciment (hay vôi) và cát sạn - chỉ xây, không tô trát, loang lỗ từng mảng, nền nhà bằng đất nện, sủi bụi, không lì phẳng. Trong nhà, đồ đạc chẳng có gì đáng giá. Ở căn đàng đông, cái giường tre trải chiếu lác rách để lộ những thanh vạc kết bện bằng mây gãy nhiều đoạn; trên đó, một cái rechaud nấu bằng dầu hỏa, hai cái soong nhỏ nhọ bám dày sắp một hàng dọc ở mé trong. Ở căn giữa, cái sập đóng bằng ván ép lấy từ doanh trại quân đội Mỹ, bên trong không biết đựng gì; còn bên trên, ở chính giữa, bày biện một bàn thờ: lư hương, di ảnh một bà già, cây đèn dầu bé tí - đó là nơi thờ người mẹ thân yêu của anh vừa mất cách đây mấy tháng; một que hương đang cháy, những tia khói nhỏ cuộn hình lò xo bay lên.

Ngôi nhà nằm giữa khu vườn rộng, chi chít cây ăn quả: nào là ổi, nào là chanh, nào là cam, nào là vả, nào là mít ... Bóng râm che kín mặt đất, không có một hoa, cỏ dại nào mọc nổi. Trước nhà, một đám đất trống dày đặc cỏ cú xanh lè. Sân nhà anh đấy! Hiếm bước chân giẫm lên, đất màu mỡ do phù sa bồi lợp, cỏ dại tha hồ sinh sôi nẩy nở.

Anh đang sống lủi thủi một mình, kéo sự sống qua ngày nhờ một phần vào trợ cấp ít ỏi của Nhà Nước, một phần vào sự giúp đỡ không đều của bạn bè, và một phần vào sự chiếu cố họa hoằn của những nhà hảo tâm. Dù sao, anh vẫn làm thơ, viết văn. Viết để quên thời gian, viết để quên hoàn cảnh bi đát, viết để giải tỏa tâm sự, viết để khoe với những người có lòng tốt thỉnh thoảng đến thăm.

Anh mồ côi cha lúc mới một tuổi. Mẹ anh chỉ sinh một mình anh. Bà góa chồng lúc 20 tuổi. Bà ở vậy thờ chồng, nuôi con. Tất cả tương lai của bà kỳ vọng vào anh; bao nhiêu dục tình của bà không bùng vỡ được là nhờ có anh bên cạnh. Anh sinh ra và lớn lên trong thời chiến. Giữa bom rơi đạn nổ, mẹ con luôn bên nhau; lúc anh thơ dại, mẹ bồng bế, lúc anh biết đi, mẹ dắt dìu. Khổ nhất là những khi chiến sự xảy ra tại quê nhà, mẹ con phải tản cư từ nơi này qua nơi khác.
Anh đến tuổi đi học, mẹ gởi anh đến trường, học hành tử tế. Tốt nghiệp đại học, anh ra đời có công ăn việc làm đàng hoàng.

Trong làng ở xóm dưới, một cô gái cùng học với anh và ra trường cùng làm một cơ quan với anh. Anh và chị chung lối đi, chung đường về, lâu ngày, đem lòng yêu nhau. Rồi họ hàng hai bên tác hợp vợ chồng cho anh chị.
Một gia đình hạnh phúc đang thành hình; mẹ lo việc nhà, vợ chồng đi làm công sở, xứng đôi vừa lứa. Cuộc sống không có chi gọi là giàu có, nhưng thoải mái; thấy vậy, dân làng ai cũng thèm, cũng khen, cũng mừng.

Hạnh phúc chưa được bao lâu thì anh đột ngột bệnh. Nghe nói trong đêm đang ngủ với vợ, anh bỗng thở mạnh, nhịp thở không đều, hụt hơi từng chặp, anh đau quặn ở trong lồng ngực, đau dữ dội trên đầu, rồi hôn mê, nằm liệt. Hoảng hốt, mẹ và vợ đưa anh đi cấp cứu ở bệnh viện.
Mẹ và vợ luôn ở bên anh, lo lắng theo bệnh tình của anh. Nhà đóng cửa cả thời gian dài. Ai cũng nghĩ anh sẽ chết, để lại mẹ già và vợ “dại”. May là qua thời gian, anh tỉnh dần, cử động được chút ít, miệng nói được, nhưng tiếng không rõ.

Anh ra viện trong tình trạng mới đi được chập chững. Về gia đình, sức khỏe anh phục hồi dần. Vợ anh trở lại công sở, mẹ một mình ở nhà săn sóc anh. Đêm về, mẹ nằm riêng trên sập; vợ chồng anh nằm ở căn đầu đông.

Rồi vợ anh có triệu chứng “hôi cơm tanh cá”, thường nôn ọe. Chị có thai; nhìn bụng mình lớn dần, chị rất phấn khởi; dù sau này anh tật nguyền, đứa con sẽ là sợi dây gắn kết hôn nhân có hậu, bền lâu giữa anh và chị. Đi đâu, gặp ai, chị cũng khoe sắp có con. Anh thì bình thản, không tỏ vẻ gì mừng vui hay buồn bực; nhưng tính tình mẹ anh trở nên bất thường, lúc thì mừng vì sắp có cháu, lúc thì nghi ngờ khả năng tình dục để sinh con của anh. Vì thế, không khí gia đình mỗi ngày mỗi nặng nề ngột ngạt. Thấy bụng chị to, mấy bà hàng xóm “dư công rỗi việc” đưa ra những bình luận tiêu cực. Dư luận đã làm mẹ anh trở nên cáu gắt, đổ tội cho con dâu ngoại tình.

Vợ anh bị chưởi mắng thường xuyên vì những chuyện “không đâu vào đâu”. Làm cá, chị bị chê không đánh sạch vảy, nấu cơm mềm, bị chê nhão, nấu cơm khô, bị chê cứng ... Chị cứ cúi đầu chịu đựng những búa rìu của “mụ gia” khó tính. Để tự an ủi, chị cứ nghĩ: ấy là chuyện thường thôi. “Thương trái ấu cũng tròn, ghét trái bòn hòn cũng méo”. Chị nhẫn nhục, hy vọng thời gian sẽ minh oan cho chị.

Chị về “vượt cạn” ở nhà cha mẹ đẻ - sinh một bé gái. Mẹ anh không hề lai vãng; cháu đủ tháng, bà cũng không đến bàn chuyện tổ chức “khẳm tháng”. Cháu sinh ra đủ ba tháng 10 ngày, theo tập quán, bà cũng không đến rước dâu và cháu nội về nhà.

Một buổi sáng, mẹ chị dìu chị và ẵm cháu về lại nhà anh. Họ mới tới cổng, mẹ anh nhìn ra, thấy, gào thét:
- Ôi Trời ơi! Đất ơi! Lấy thằng mô có con thì đem về nhà thằng nớ, đừng đem “phong long” tới đây. Trời ơi! Đất ơi!
Bà vừa la vừa chạy ra, một tay cầm cái chổi, một tay cầm nắm rơm và một nắm lá bốm chuẩn bị sẵn. Bà bật lửa, đốt lên ở giữa lối vào, lá bốm cháy nổ lách tách; bà đưa chổi khua qua khua lại trước mặt bà thông nghị, con dâu và đứa cháu nội.

Chị ẵm con theo mẹ đẻ trở về. “Bụng buồn chẳng biết nói năng chi”. Trớ trêu thay! con chim khuất trong tán lá cây khế cao trong vườn nhà bên đường, cất tiếng hót từng hồi; tiếng hót con chim là do trời sinh, chắc chắn mang thông điệp vui chào mừng một ngày mới. Tuy nhiên, với tâm trạng lúc ấy, chị nghĩ con chim cũng quái ác không kém gì con người, chị nghe rồi diễn dịch tiếng hót như một lời xua đuổi hùa: "Đi về cả hết! Đi về cả hết! Đi về cả hết!


29/9/2014