Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Người đàn bà ngủ chợ

  • Hoàng Đằng
Tối tối, khi chợ vắng người, những ngọn đèn néon thắp sáng đình chợ, một phụ nữ trạc trên 60 ôm một bao gai trong đựng một chiếc chiếu, một cái màn, một cái chăn đến dọn chỗ ngủ trên dãy sạp hàng quần áo. Chiếc chiếu lác sờn nhiều chỗ trải ra trên mặt phẳng gồ ghề; cái màn căng lên ố vàng chông chênh không thẳng; cái chăn xếp làm gối, lâu ngày không giặt, lỗ chỗ ghét bẩn.


Ảnh minh họa: Đào Quang Minh
Người buôn bán ở chợ không lạ lùng gì người phụ nữ này, ai cũng quen biết và gọi tên là chị Hoa.

Hoa sinh ra và lớn lên, ở cùng với mẹ tại một làng quê ven thị trấn. Cha đi theo Việt Minh, không có mặt ở nhà, thỉnh thoảng lén lút về với mẹ vào lúc đêm tối. Cha mẹ lấy nhau có cưới hỏi, nhưng vì chiến tranh, Hoa vẫn xem như kết quả của những lần ái ân không thoải mái, chớp nhoáng, vụng trộm, hồi hộp, lo sợ.

Gia đình bên nội Hoa không còn ai cả; ông bà nội già yếu đã mất lâu lắm rồi; ông bác, ông chú tham gia kháng chiến tử trận, cô út lấy chồng khác làng.

Thuở bé, mẹ và Hoa ở chung với gia đình bên ngoại. Các cậu, các dì thay phiên nhau bồng bế, chăm sóc Hoa; nhờ thế, mẹ rảnh tay đi làm, kiếm sống; mẹ theo nghề nông, quanh quẩn với mấy công việc: gieo cấy, làm cỏ, thu hoạch ...; chân lấm, tay bùn, đầu tắt, mặt tối.

Rồi Hoa biết đi biết chạy, ngoại cho che một túp lều ở góc vườn, mẹ con Hoa ra ở riêng.
Mẹ Hoa một thân một mình không làm đồng nữa, hàng ngày nấu một thúng xôi lên ngồi bán trước cổng một đồn lính “Cộng Hòa”.
Trong thời gian dài, mẹ lủi thủi sáng đi trưa về, buổi chiều lên chợ mua đậu, mua nếp.

Hoa lớn dần, khi được khoảng 14, 15 tuổi, Hoa đi theo mẹ, phụ gói xôi.
Tuổi dậy thì, hai má ửng hồng, ngực nhú căng đôi bên, miệng mỗi lần cười, hai lúm đồng tiền sụp một đường cong dịu trên má.

Các chú lính trẻ “Cộng Hòa” ra ăn xôi sáng, để ý, đùa giỡn, chọc ghẹo; những lúc ấy, Hoa bẽn lẽn, má ửng hồng hơn, bàn tay run run khi thao tác, chân bước mất thăng bằng - không vững.
Mẹ Hoa thường nửa đùa nửa thật nói:
- Đứa mô ưng mần rể mạ thì về nhà thăm, mạ gả con Hoa cho. Mạ không khó khăn chi mô!
Mấy chú lính nhao nhao tranh nhau lên tiếng:
- Con xin làm rể mạ đây; rể mạ đây, mạ ơi!

Tròn 18 tuổi, Hoa lấy chồng. Chồng Hoa là trung sĩ Nghĩa, phụ trách hỏa đầu vụ (làm bếp) của đồn lính. Nghĩa quê tận miền Tây Nam Bộ, học xong lớp Đệ Tứ (lớp 9) thì bị động viên. Thụ huấn xong quân trường đào tạo hạ sĩ quan, Nghĩa được chuyển đến đây, xa, rất xa gia đình.
Nghĩa tử tế, biết lo lắng, xem gia đình nhà vợ cũng là gia đình của mình. Nghề làm bếp giúp anh đỡ tiền ăn, tiền tiêu, anh dành dụm sửa và nâng cấp cái lều thành ngôi nhà đàng hoàng, vách xây gạch, mái lợp ngói.

Đoạn đường từ đồn về nhà chỉ một cây số; ngày nào, Nghĩa cũng về với Hoa ít phút; mẹ Hoa tế nhị lắm, hễ thấy Nghĩa về, bà thân mật chào rồi lẻn qua nhà hàng xóm ngồi. Bà biết ban đêm Nghĩa phải trực gác, việc sinh hoạt vợ chồng chỉ diễn ra ban ngày vào những lúc tranh thủ ấy mà thôi.

Và Hoa sinh một bé trai, mẹ Hoa đề nghị đặt tên cháu là Ân – ý là nhờ cái ơn của Nghĩa mà bà có ngôi nhà; vợ chồng Nghĩa + Hoa đồng ý. Đứa bé sống trong tình yêu thương, đùm bọc của ba mẹ và bà ngoại; người này bồng hôn, người kia ôm nựng.
Ngôi nhà luôn rộ tiếng nói, tiếng cười, tiếng ru của người lớn và tiếng khóc của trẻ thơ. Lâu lâu, Nghĩa mời đồng đội về nhà, Hoa giết gà, mua bia đãi khách. Ngà ngà hơi men, các chú nổi hứng, đàn hát đủ loại nhạc: tình ca thời chiến, cổ nhạc ba miền Bắc, Trung, Nam. Cảnh nhà vui nhộn ...

Chiến tranh càng ngày càng dữ dội; bom đạn tới gần dần.
Rồi một đêm, quân “Giải Phóng” bốn mặt tấn công, đánh chiếm thị trấn, quân “Cộng Hòa” rút chạy. Nghĩa không biết chết, sống thế nào, và nếu sống thì giờ ở đâu, chỉ Trời mới biết!
Mẹ con Hoa và bé Ân ở trong vùng kiểm soát của quân “Giải Phóng”. Nhìn con, nhớ chồng, Hoa khóc thầm. Nhìn cháu, nhớ rể, mẹ Hoa buồn quặn ruột.
Tuy nhiên, họ nén buồn đau do mất người thân vào nội tâm, bề ngoài, họ phải ra vẻ hồ hởi phấn khởi kẻo sợ chế độ mới đánh giá không tốt.
*
*    *
Ít lâu sau, cha của Hoa trở về sau mấy chục năm đi theo Cách Mạng ... xa cách. Ông đội mũ cối, mặc quần áo bộ đội, mang sắc-cốt, đi dép râu, mẹ con Hoa tưởng ông là sĩ quan bộ đội, trên đường công tác ghé thăm. Té ra không phải! Ông về và ở luôn.

Ông đi bộ đội thời Việt Minh đánh thực dân Pháp, rồi tập kết ra Bắc. Ông chuyển ngành về nông trường trồng cam; do tai nạn lao động, ông bị gãy xương bàn tay, hái cam kém năng suất, nông trường cho nghỉ việc lúc tuổi còn rất trẻ - mới trên 30.

Hoa từng nghe mẹ kể cha mình ngày xưa vui vẻ, hoạt bát. Nhờ vậy, bà đã yêu ông mê mệt. Thế mà bây giờ trước mặt Hoa là một người đàn ông khác hoàn toàn; ông ít nói, ai hỏi chuyện gì, ông trả lời một cách nhát gừng; ông sống không có tình cảm, cháu ngoại đến sờ chân ông, bá lưng ông, ông nổi cáu, nạt nộ; ông cư xử với mọi người luôn với thái độ cảnh giác – ông không tin tưởng ai hết, bốn phía, đối với ông, người nào, cái gì cũng có thể là địch. 

Ông và bà mới ngoài 40; sống chung đụng được hơn một năm, bà sinh một bé trai. Bé sinh quá nhỏ, sức khỏe kém, việc nuôi nấng khó khăn, ngày khóc đêm khóc. Bận chăm con muộn và mọn, bà không đi lao động được, thu nhập gia đình giảm.

Thiếu thốn, ông “đổ bẩn”. Bao nhiêu bực bội ông dồn vào con gái và cháu ngoại vô tội. Sáng nào, thức dậy, ông cũng quát om sòm:
- “Con hư tại mạ, cá hư tại nước”; nuôi con không biết cách, con mới lớn đã“rực đựng” (chắc “rước đực” nói trại ra). Đã vậy, còn lấy thằng lính ngụy.
Rồi ám chỉ cháu ngoại, ông cằn nhằn:
- Cái giọt máu rơi của thằng lính ngụy trong nhà này tao không chịu nổi; mẹ con bây phải tống cổ nó gấp. Nhà ni phải toàn “đỏ”, không màu gì được phép chen vào.

Mỗi lần nghe cha nói vậy, hai hàng nước mắt Hoa lăn dài xuống má, đầu óc mù mờ, không biết xử lý tương lai thế nào; còn mẹ Hoa lắc mạnh chiếc nôi cho tao nôi ẻo ẹt lớn tiếng và hát ru thằng con muộn to giọng lên để át những điều ông nói trái ngược, khó nghe ấy.

Kinh tế gia đình khó khăn ... thiếu đói. Bé Ân không còn no bụng, gầy guộc, da khô đét, ghẻ lở; đầu, khóe bàn tay, khóe bàn chân, háng ..., ghẻ lên từng lớp như những miếng cơm cháy. Ngứa, nó khóc bứt rứt; ngôi nhà không còn tiếng cười, chỉ còn tiếng khóc của con trẻ đầu này đầu kia, và tiếng cằn nhằn của người đàn ông.

Ngày lại ngày, sức ép bỏ con đè nặng, Hoa băn khoăn, tìm chưa ra phương giải thoát.
Hoa đã từng nghĩ đến việc bồng con vào quê nội cháu. Khốn nỗi, lúc cưới hỏi, người thân của Nghĩa, vì xa xôi hay vì duyên cớ gì đó, không ai đến dự và Nghĩa cũng chỉ cho biết quê ở Châu Đốc chứ không nói rõ làng nào, xã nào, huyện nào.
Trong thời chiến, chú bác, mẹ con Hoa, cũng thông cảm hoàn cảnh của Nghĩa, “qua loa đại khái” miễn sao có được thằng rể quý. Quê nội bé Ân mông lung, thiếu rõ ràng ... Hoa làm sao tìm đến nơi được!
Hoa từng có ý định bồng con bỏ nhà ra đi, đến đâu hay đó. Tuy nhiên, là gái nông thôn, chưa từng đi xa, Hoa không đủ can đảm thực hiện ý nghĩ của mình.

Hoa thức dậy, không ra khỏi giường, ngồi nhìn con ngủ; thằng bé say sưa ngủ bù vì cả đêm nó lật mình qua về, đạp hai chân, đưa tay gãi chỗ này, cào chỗ kia. Hoa nhìn ra khung cửa sổ, bên ngoài, mặt trời đã lên cao; trên ngọn tre sau nhà, đàn chim sâu kêu chiêm chiếp nhảy chuyền cành - cảnh hai con chim bố mẹ đưa mấy chim con mới “thả ràng”, tập dượt cuộc sống tự túc mưu sinh.

Hoa đang thả hồn vào mấy chú chim, thì cha của Hoa từ ngoài xông vào, miệng thét:
- Đồ đàn bà con gái ngủ chừ mà chưa dậy, lấy cứt họ mà ăn. Mần đị cho bọn lính ngụy quen rồi. Dậy dắt con đi khỏi nhà gấp, không thì chỉ có đường chết với tao.

Cha của Hoa đang cầm ngược cái chổi đót quét nhà, lia lịa đánh từ trên đầu Hoa đánh xuống.
Hoa khóc to, tóc rủ xuống mặt, bé Ân mở mắt ra, ré khóc. Mẹ Hoa chạy lại, vừa van lạy, vừa kéo cha Hoa ra sân. Ông bước lui, mặt hằm hằm, hai môi phập phồng, tím tái.

Hoa bồng con đi, ra bến xe, định lên xe, nhưng không một xu dính túi. Hoa tìm đến gốc cây, kéo xách vạt áo nhàu nát lau ráo mặt mình và mặt con. Hoa dỗ bé Ân ngồi lại, hứa với con sẽ đi mua bánh cho nó ăn sáng. Đói bụng, đứa bé ngoan ngoãn nghe lời. Hoa lẻn vào chỗ đông người rồi đi, mặt không nỡ ngoảnh lại và không bao giờ trở lại với con.

Vất con rồi, Hoa nhẹ tay. Hoa không về nhà, mà ra chợ. Hoa tìm cách mưu sinh bằng gánh thuê, vác mướn hàng hóa nuôi sống mình qua ngày, đêm lại, ngủ trên các sạp, giữ hàng thuê. Năm tháng trôi qua, dành giụm được một số vốn liếng, Hoa đi tìm con; nghe tin đâu có nuôi con nuôi, Hoa cũng đến nhận diện.

Ở một làng nhỏ vùng kinh tế mới miền núi, một bà lão đang ở với một thanh niên – người xung quanh nói đó là con nuôi của bà.
Hoa tìm tới, bắt chuyện, dò la. Bà lão gần đất xa trời, biết mình không ở với cậu thanh niên lâu nữa, muốn thằng con nuôi của mình tìm lại cha mẹ đẻ của nó.

Bà sóm sém kể lại với Hoa:
- Cách đây 15 năm, mệ, nhân chuyến đi thăm bà con, ngang bến xe, thấy một bé trai đứng khóc sướt mướt, hỏi cha mẹ đâu, nó lúc lắc, hỏi nhà ở đâu, nó lúc lắc, đoán nó là trẻ lạc, mệ bồng nó về nhà. Suốt mấy ngày, mệ nhờ nhắn tin xem có ai đến nhận nó không. Không ai nhận, nó phải ở với mệ. Lúc đầu, nó ghẻ lở đầy mình, mệ kiếm cây thuốc ngoại khoa, nấu tắm và bôi cả năm trời nó mới lành. Lành ghẻ rồi, nó ăn mạnh lắm, nhờ rứa, nó chóng lớn. Đến tuổi đi học, mệ gởi nó đến trường. Năm kia, nó tốt nghiệp phổ thông trung học, mệ già yếu không đủ phương tiện cho nó thi đại học, mệ phải gởi nó đến học nghề ở quán hớt tóc đằng kia – đầu đường. Chừ nó ngoài quán; trưa nó mới về ăn cơm.
Nghe bà lão kể, Hoa chắc chắn trăm phần trăm đó là con mình. Nóng lòng, Hoa muốn tới quán ngay. Nhưng nghĩ lại, thôi, ở quán, Hoa khó giải bày sự việc để nhận nó là con. Hoa ở lại với bà lão, chờ nó về.

Trước mắt Hoa, hiện ra một thanh niên dong dỏng cao; hình dáng Nghĩa ngày xưa sống dậy trong đầu Hoa. Bước vào nhà, thấy Hoa là khách lạ, cậu cúi đầu chào rồi lui vô phía sau nhà.
Bà lão gọi cậu ra ngồi bên bà và Hoa; Hoa cứ chằm chằm nhìn, hình như cậu khó chịu, cúi mặt.

Bà lão chậm rãi nói từng từ một:
- Từ trước đến giờ, mẹ nuôi con; nhưng con hãy nhìn cô này. Cô là mẹ đẻ của con đó.
Cậu thanh niên vung văng, vẻ mặt không bằng lòng, nói:
- Thưa mẹ, không ai được quyền nhận là mẹ đẻ của con.
Xoay mặt phía Hoa, cậu giận dữ lớn tiếng:
- Cô đừng đến đây nhìn bậy, cháu không phải con đẻ của cô đâu, xin lỗi, cô ra khỏi nhà đi.
Hoa nghẹn họng, không nói được lời nào. Trên đường về, lòng Hoa rối như tơ vò. Thấy con rồi mà con không nhìn; có cái đau khổ nào bằng cái đau khổ này đối với một phụ nữ!

Bây giờ, tuổi đã cao, sức đã yếu, công việc khuân vác hết làm nổi, Hoa chỉ còn việc ngủ giữ sạp hàng.
Trong yên tĩnh của đêm khuya, Hoa mường tượng một lúc nào đó, một ngọn gió lạ thổi qua, Hoa cứng chân cứng tay, nhắm mắt từ giã cõi đời ngang trái bạc bẽo này như một kẻ vô gia cư – thậm chí như một con vật không chủ.

02/9/2014