Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

Ý nghĩ đêm cuối năm

  • Đỗ Thành
Bây giờ 20g50 tối 31-12-2014. Như vậy chỉ còn gần 3 tiếng nữa là bước sang năm mới 2015. Ở đây sẽ đón m mới sớm hơn bên kia bán cầu khoảng 14 đến 15 tiếng, tuy vậy không khí chờ đợi đã tràn ngập khắp nơi, từ cả nửa tháng qua.

Năm nay có nhiều sự kiện mang ý mới. Theo dõi trên truyền hình đã nghe lời ca mừng Giáng sinh lẫn năm mới quen quen như đâu đó ở miền New York, Canberra, London và nhiều nơi khác nữa, vì đã loáng thoáng nhận ra câu: "I wish you a Merry Christmas" hay "Happy New Year" chẳng hạn. Lại nữa, còn thêm hình ảnh “count down”, tuy rằng có hơi sớm và liên tục được nhắc đi nhắc lại, từ sau lễ Giáng sinh. Hình ảnh này khiến những ai từng một lần sống xa xứ nhớ lại địa điểm Times Square, hay các tụ điểm khác trên thế giới, nơi hàng vạn người hồi hộp đếm ngược, đón chờ thời khắc giao thừa và hòa reo trong tiếng pháo hoa và ánh sáng đèn thiết kế laser sáng rực.

Ở Việt Nam, như thông lệ, đêm Giáng sinh và giao thừa các nơi tụ điểm đều rất đông. Xe đua nhau chạy nườm nượp, người ăn diện sang trọng, nụ cười trên môi, đèn chụp ảnh nhá liên tục, thôi thì cả năm dài mới có một lần, giữa muôn vàn khó khăn và đời sống vốn còn thấp, dù vui được một đêm để tạo sinh khí cho một năm dài tiếp theo cũng là một việc nên làm.

Riêng cá nhân tôi, mỗi lần chuyển mùa lại khiến có nhiều cảm xúc. Nhớ lại thuở 19, 20, nhân một lần lâm bệnh, bác sĩ đã chữa và hỏi: “Liệu tôi giúp anh sống đến 60, anh có ưng chưa?”. Thời buổi đó, tuổi 50 đã lên hàng cụ, vai vế trong những bữa ăn đã phân biệt rạch ròi, chiếu trên chiếu dưới, thì việc mình được sống đến tuổi 60 là quí hóa quá đi chứ, còn mong gì hơn nữa!

Rồi ngày tháng trôi đi, tuổi 60 qua, tuổi 70 cũng theo chân, rồi tuổi 80 cũng lết bết trôi nốt, bây giờ lần tay có lẻ thêm một vài niên của bó 8. Đa thọ đa nhục, các cụ xưa bảo thế, nào ai muốn mà được, nào ai từ mà xong. Thôi thì cái nghiệp khiến xui nên đời hành thì phải nghiêng vai ra mà gánh.

Chịu ơn cha mẹ đã dầy, chịu ơn bạn bè cũng lắm, giờ lại thêm chịu ơn thiên hạ và xã hội, đôi khi cảm thấy mình như có lỗi nhiều. Nhìn lại chặng đường đã qua, vui buồn, thất vọng và sung sướng cũng nhiều, va vấp cũng không ít, đôi khi nằm tự vấn hình như mình còn nợ quá nhiều. Nợ ơn Đời đã cho tôi khôn lớn để rồi khi nhận biết được chút ít thì lại chịu cảnh xa quê. Lắm khi mường tượng tự hỏi đâu là góc hiện sinh sống của chính mình. Ngày hai buổi vào ra nghe xí xô xí xào tiếng lạ hoắc. Lắm khi bất chợt gặp chiếc nón lá và cái áo bà ba trong phố, không hiểu mình đang ở đâu, hình như có một lần nào đó mình đã trải qua những lúc thế này.

***
Bước qua ngày 2, tờ lịch mới chỉ hết tờ đầu mà sao lan man nhiều kỷ niệm. Chợt nhớ về MẸ, người đã bỏ cuộc đời khi bà 49 tuổi. Một nách 4 đứa con, chồng bỏ đi, bà một dạ gan góc, chăm lo từng đứa để không bị không hư hỏng. Đùng cái chú em lăn đùng ra chết khi mới vừa 11 tuổi, cái chết như tiếng sét bưng tai, MẸ khóc vật khóc vã suốt 6 tháng dài.

Đêm thức giấc, nghe trong âm u, tiếng MẸ thì thào "Con ơi, con có chết oan không?". Bởi vì em là đứa MẸ yêu nhất nhà vì lá số tử vi MẸ ghi cho em đều nói về sau MẸ sẽ nhờ nhất chú ấy.

Cái chết của em như vết dao cứa vào tim MẸ. Đời sống cô đơn và những phiền toái thế gian làm MẸ hao mòn và ngã bệnh, căn bệnh mà thời đó phải tốn rất nhiều cũng chưa chắc qua được... Cái chết của chú em khiến mẹ sững sờ, mất phương hướng. MẸ mong tìm được một điểm tựa để san sẻ nỗi đau, nhưng các con MẸ còn bé quá, chẳng giúp gì được, để lòng già càng vùi sâu vào tiếc nuối mà gầy mòn nhanh chóng.

MẸ đâm ra mê tín, MẸ cố truy tìm nguyên nhân cái chết của chú em. MẸ nhờ người ngồi đồng, để rồi nghe em nói "Mẹ đừng tiếc thương con nữa, MẸ về đốt cái cặp đi học của con dấu trên nóc tủ đi để đừng vấn vương vì con". Quả là đúng vậy. MẸ đem cặp đi đốt, nhưng lòng MẸ không quên em được. MẸ vẫn khóc tỉ tê một mình, vẫn đau đớn lịm vào nỗi cô đơn mất mát, để rồi chìm sâu thêm vào bệnh tâm của MẸ.

Ngày xưa, đã một thời MẸ sống oanh liệt. Gia đình có căn nhà ở 106 Lagrandière (sau là đường Gia Long và trở thành Lý Tự Trọng, Saigon bây giờ). Bố làm ăn thất bại, phải bán nhà trả nợ. Sau chuyển sang nhà số 120 cùng đường (nay là khách sạn La Jolie). MẸ lại có cửa hàng đồ da và giày dép ở cửa Tây chợ Bến Thành. Bố là đại lý guốc độc quyền, thuê thợ từ quê ngoài Bắc vào tự pha chế sơn và mở chi nhánh khắp miền Tây. Bố đã từng được nhận huy chương vàng hay bạc (médaille d' or, médaille d' argent) và bằng khen (diplomes) tại các hội chợ Phnom Penh, Vientiane, hay Đấu Xảo Hà Nội. Những năm 30 của thế kỷ XX, bố đã từng có xe ô tô, tự lái về tận làng chỉ vì một câu nói chê bai "ngữ anh thì làm nên nông nỗi gì được".

Con cái MẸ còn lại một bà chị, một cô em và tôi là trai duy nhất. Nhưng MẸ ít thương tôi vì số tử vi - lại số tử vi! - chấm tôi là thằng sau này sẽ phá của và làm MẸ đau buồn. Cái chết của chú em không gột được suy nghĩ của MẸ nên tôi thường hay bị đòn bâng quơ, với lý do tôi là "bản sao" của bố. Bao nhiêu lần tôi muốn cầm tay MẸ mà nói một câu đơn giản "M ơi, con yêu mẹ" mà chưa khi nào dám.

Chỉ đến ngày MẸ gần nằm xuống, tôi vừa 20 ngoài, thì đột ngột MẸ từ Saigon lên Dalat ở với tôi 6 tháng liền. Tôi hỏi nguyên do, MẸ chỉ đáp "Tao nhớ thì lên thăm, bộ mày không ưng sao".

Thời gian đó, tương đối tôi đã chuộc được phần nào lỗi làm MẸ buồn. MẸ rất thương tôi, có đêm ôm chặt lấy tôi mà hỏi "Liệu MẸ mất rồi, con sống một mình có nổi không?".

Lạy MẸ. Giờ MẸ nằm xuống đã hơn 60 năm qua, nhưng con vẫn nhỏ nhít như ngày nào. Lúc ngặt nghèo thì MẸ còn đó, khi vừa rủng rỉnh có tí chút thì MẸ vội ra đi. Tôi đắm đuối triền miên, lắm lúc nghĩ, ước gì MẸ còn đó, để sớm hôm ra vào được gặp. Để rồi thỉnh thoảng được cầm tay MẸ đặt lên đầu để xin MẸ che chở cho.

Hơn 60 năm, tôi vẫn chưa quên MẸ, nghĩ rằng giá giờ MẸ còn, tôi sẽ xin thưa: Xin MẸ đừng buồn trách ai nữa, nhất là bố!". Lắm đêm mơ thấy MẸ, tôi vẫn sùi sụt như ngày nào, phải chăng vì ân hận chưa nói được một câu đơn giản "Xin MẸ hãy tha tội cho con". Niềm ân hận đó dày vò tôi đến tận bây giờ. Tôi nghĩ sao chỉ một lời dễ như thế mà tôi chưa kịp thưa khi MẸ còn ở trần gian, chờ đến khi vắng bóng MẸ rồi lại tiếc nuối. Nhưng tôi tin MẸ hiểu và tha thứ cho tôi. Đứa con hơn 80 tuổi giờ mới thấy thiếu MẸ thật vô cùng lạc lõng. Ước gì giờ MẸ còn!

Hôm nay đầu năm mới. Nhớ lại chuyện xưa, tôi không khỏi để lòng chùng xuống và hẳn nhiên thêm một lần lệ lại ứa ra. Giờ mỗi lần đi ngang con đường xưa lại bùi ngùi nhớ đến MẸ. Nghĩ rằng MẸ còn lẩn quẩn đâu đó nhìn dáng tôi.

Xin tạ tội với MẸ, với tất cả thân hữu, bạn bè. Nếu vì kỷ niệm xưa phần nào tôi đã làm hoen mờ niềm vui của bạn, xin thông cảm cho tôi! Xin đừng để muộn màng khi mình còn muốn nói một lời gì với MẸ thì người thân yêu nhất đời của mình không còn nữa.

Hãy can đảm thành thật dựa vào vai MẸ bạn mà thủ thỉ. Tôi tin rằng tất cả các bà MẸ trên thế gian này rất thương quí đàn con. Cố mạnh dạn đừng để như trường hợp tôi triền miên qua 60 năm hơn vẫn còn day dứt trong tâm.

Cầu xin năm 2015 đem lại bình an và tình thương đến tất cả mọi người. Chúc may mắn và hạnh phúc tràn đầy kể từ hôm nay đến với tất cả chúng ta, đến mọi mái nhà trên khắp hành tinh chúng ta đang sinh sống.

Đ Thành - Nha Trang cuối năm Giáp Ngọ.