Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

Chuyện trầm hương và ngày tết

  • Quách Tấn

Ngày Tết ngoài nhang thẻ, nhang bó, nhang vòng, những nhà khá giả còn thắp trầm hương. Trầm hương là khí anh tú tụ vào cây gió sống lâu năm nơi non cao rừng rậm. Khí anh tú kết tinh trong cây gió, gọi chung là trầm hương nhưng sự thật có hai thứ là Trầm và Kỳ.

Trầm tức là trầm hương, kỳ tức là kỳ nam. Kỳ do cây “gió bầu” sanh ra, trầm do “gió lưỡi trâu, “gió cam” sanh ra. Đó là theo lời của người nhà nghề chớ thật sự thì kỳ là thứ trầm có nhiều dầu, còn trầm là thứ kỳ có ít dầu. Trong những cây gió có trầm thỉnh thoảng vẫn có kỳ, và trong những cây gió có kỳ thì trầm luôn luôn bao chung quanh hoặc ở bên cạnh. Thường thường kỳ ít có, và khi có cũng có ít hơn trầm.
Kỳ và trầm phân biệt nhau ở hình chất và khí vị.
- Trầm chất cứng và nặng, màu hơi vàng, vị đắng. Kỳ nhẹ và mềm, màu đen, vị lại đủ cay chua ngọt đắng.
- Trầm mùi ngát, kỳ mùi thanh. Khói trầm bay vòng quanh rồi tan ra, khói kỳ bay thẳng và bay vút.
Dược tánh đôi bên cũng có chỗ khác nhau.
- Trầm dùng giáng khí, tức là đem khí hạ xuống.
- Kỳ dùng trị các chứng phong đàm, mài với nước mà uống, hay đốt xông vào lỗ mũi. Trị các chứng đau bụng cũng rất hay, chỉ ngậm trong miệng cho tiêu rồi nuốt. Nhiều khi hiệu nghiệm như thần. Trầm và kỳ còn đuổi được khí tà độc, khí ô uế. Trầm thì đốt lên, kỳ chỉ đeo vào mình cũng đủ.
Nhưng đàn bà chửa rất kỵ kỳ nam, không nên cho uống hoặc mang theo trong người, nếu không kiêng có khi bị sẩy thai. Còn trầm thì vô hại.
Kỳ có 4 thứ: Giá trị phân định rõ ràng trong câu ngạn ngữ “nhất bạch, nhì thanh, tam huỳnh, tứ hắc”.
- Bạch kỳ nam sắc trắng, chất mềm và rất nhiều dầu.
- Thanh kỳ nam, màu hơi xanh, nhiều dầu thì mềm, ít dầu thì cứng.
- Huỳnh kỳ nam, màu vàng như sáp ong, chất cứng và nặng, để lâu khô dầu trở nên nhẹ.
- Hắc kỳ nam, màu đen chất cứng. Nhưng chỗ nhiều dầu lại mềm như bạch kỳ nam. Kỳ nam thường dùng làm thuốc, giá rất đắt.
Trầm hương ít dùng làm thuốc, thường dùng để đốt trong những buổi cúng tế, trong những ngày lễ lạc, trong những ngày yến tiệc nơi đài các phong lưu, giá trị thua kỳ nam, nhưng được thông dụng hơn.
Trầm chia làm 4 loại:
- Trầm mắt kiến, có lổ có hang do kiến đục làm tổ trước khi cây thành trầm.
- Trầm rễ do rễ cây sanh ra.
- Trầm mắt tử kết tạo trên nhánh cây.
- Trầm tốc ở nơi thân cây.
Trầm tốc có nhiều nhất và trên thị trường chia ra làm nhiều thứ giá bán khác nhau.
- Tốc hoa màu vàng lạt, có những chấm lốm đốm như hoa.
- Tốc nước, màu vàng lợt, chất ươn ướt và nặng.
- Tốc xám, màu xam xám như tro.
- Tốc lọ nghẹ, màu đen đen như bồ hóng.
- Tốc đá, nặng và trông hình sắc như đá.
- Tốc ớt, sắc vàng lợt, vị cay như ớt xiêm.
- Tốc hương, sắc vàng lợt, hương đượm, thường bao chung quanh kỳ nam, cho nên có nhiều điểm, nhiều gân kỳ nam lẫn vào. Nếu dầu nhiều thêm thì tốc trở thành kỳ.
Trầm hương và kỳ ở Trung Việt núi nào cũng có. Nhưng có nhiều nhất là núi Khánh Hòa. Cho nên ca dao có câu:
Khánh Hòa là xứ trầm hương
Non cao biển rộng người thương đi về.
Ở Khánh Hòa nơi nổi tiếng nhất về trầm hương là Vạn Giã.
Cây quế thiên thai mọc ngoài hang đá
Trầm hương Vạn Giã ngát cả sơn lâm
Anh với em như quế với trầm
Trời xui đất khiến sắt cầm giao duyên.
Trầm là lâm sản quý nhất ở Khánh Hòa. Đối với trầm Khánh Hòa lại có một thứ hải sản cũng quý như trầm đó là yến sào. Hai thứ sản vật quý giá này thường đi đôi với nhau.
Khánh Hòa biển rộng non cao
Trầm hương Vạn Giã - yến sào Nha Trang.
Chẳng những đi đôi với nhau, trầm hương và yến sào lại quấn quýt với nhau tạo cho người Khánh Hòa một tinh thần thanh cao, một tấm lòng chung thủy.
Yến sào thấm vị trầm hương
Dù mưa dù nắng tình thương vẫn nồng
Nghĩa nhân nguyền với núi sông
Đá mòn nước cạn giải đồng không nao.
Có dịp sẽ nói kỹ về yến sào. Ở Khánh Hòa dù là nơi sản xuất nhiều yến sào nhưng ít nhà dùng yến sào để ăn Tết. Còn trầm hương thì không nhà nào, lúc giao thừa hay sáng mùng một mà không có một lư trầm tỏa hương nơi bàn thờ tổ tiên, nơi bàn thờ Phật thánh.
Cho nên các cụ ngày xưa thường bảo con cháu:
Xuân về thắm đủ trăm hoa
Mùi trầm hương thiếu vẫn là chưa xuân.