- Trần Bình - Mai Lĩnh
Mạch ngầm phun lên ở mội nước giếng Bà, thôn Hảo Sơn. Ảnh: Mai Lĩnh |
Bao năm nay, nhiều du khách đến Gio Linh theo quốc lộ 1A thường rẽ vào tỉnh lộ 75 để lên viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, hầu như không ai biết là mình đang đi qua một vùng quê độc đáo: xã Gio An với 16 giếng đá cổ, di sản của nền văn minh xếp đá độc nhất vô nhị.
Giếng ở đây không mang hình ảnh những cái giếng cổ thường thấy ở các làng, xã vùng đồng bằng là đào sâu xuống lòng đất tìm mạch nước; ở đây, giếng được khai thác các mạch nước ngầm ở sườn đồi, xếp đá ngăn lại giữ nước, lắng nước, chứa nước và dẫn nước … theo ý mình.
Lần theo di tích văn minh người xưa
Giếng Pheo ở thôn Tân Văn. Ảnh: Trần Bình |
Từ thành phố Đông Hà đi ra phía bắc, theo quốc lộ 1A rẽ trái vào tỉnh lộ 75 lên khoảng 5km du khách sẽ thấy cổng chào của thôn Tân Văn nằm bên trái, vào cổng chừng nửa cây số sẽ gặp giếng Pheo, một giếng cổ còn nguyên dạng. Theo tiếng Chăm cổ, ‘pheo’ nghĩa là cây tre nên người địa phương cho rằng chung quanh giếng ngày xưa là vùng có nhiều rặng tre.
Xã Gio An có 8 thôn, chỉ có 2 thôn An Bình và Xuân Hòa là không có giếng cổ nào, 6 thôn còn lại nằm dọc dài khoảng 2 cây số hai bên tỉnh lộ 75 đều có di tích giếng cổ. Đi tiếp theo tỉnh lộ 75 thêm 1 cây số nữa, đến thôn Long Sơn (bên phải) và thôn Hảo Sơn (bên trái). Ngay đầu thôn Long Sơn rẽ phải chừng 50m sẽ gặp giếng Máng.
Xã Gio An có 8 thôn, chỉ có 2 thôn An Bình và Xuân Hòa là không có giếng cổ nào, 6 thôn còn lại nằm dọc dài khoảng 2 cây số hai bên tỉnh lộ 75 đều có di tích giếng cổ. Đi tiếp theo tỉnh lộ 75 thêm 1 cây số nữa, đến thôn Long Sơn (bên phải) và thôn Hảo Sơn (bên trái). Ngay đầu thôn Long Sơn rẽ phải chừng 50m sẽ gặp giếng Máng.
Giếng Gái, một trong cụm 3 giếng cổ ở thôn Hảo Sơn. Ảnh: Mai Lĩnh |
Về tên giếng Gái, có người gọi tên là giếng Gai, vì quanh giếng có rất nhiều cây gai, cho sợi để dệt vải, hoặc làm lá gói bánh ít (bánh ít lá gai). Nhưng có nhà nghiên cứu cho rằng, gọi tên giếng Gái có lý hơn; vì ngày xưa có thể dân làng quy định giếng Bà là nơi tắm của phụ nữ, giếng Ông là nơi tắm của các ông và giếng Gái là nơi tắm của các trinh nữ (?!). Ngoài ra, gần đó còn có giếng Tép (giếng nhỏ) bị hư nhiều, chưa được phục chế.
Giếng Ông, hiện nay vẫn là nơi được sử dụng và là nguồn nước khá mạnh tưới cho ruộng rau liệt. Ảnh: Mai Lĩnh |
Mội nước giếng Ông.Ảnh: Mai Lĩnh |
Giếng Đìa ngày nay nằm trong khuôn viên ngôi đình làng Gia Bình. Nơi đây, năm 1968 diễn ra một trận đánh của quân giải phóng thuộc Trung đoàn 27 sư đoàn 325 và anh hùng Cao Như Thiêm đã hy sinh cạnh cây đa đình làng Gia Bình. Về sau, thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu (Anh Hùng QĐNDVN, nguyên thứ trưởng bộ Quốc Phòng) đã vận động đóng góp xây dựng lại đình làng và khu di tích “Cây Đa, giếng Đìa”.
Đi tiếp về phía tây, đến trung tâm xã Gio An, rẽ trái khoảng 1km vào thôn An Nha, nơi có giếng Đào, tuy không sử dụng nữa nhưng còn tương đối nguyên dạng. Ngoài ra còn có giếng Trạng, giếng Búng, giếng Phường trong một khu có cảnh quan đẹp và đi lại thuận tiện, gần di tích chùa Long Phước thờ chúa Nguyễn Hoàng.
Cuối cùng là thôn An Hướng nằm vị trí cuối xã có 2 giếng nằm cách nhau khoảng 50m là giếng Gái 1 & 2, giếng Côi (tiếng địa phương nghĩa là “trên”), giếng Dưới, giếng Nậy.
Đa dạng kiểu cách và cấu trúc giếng đá
Có thể thấy chỉ trong một xã, có đến gần 20 cái giếng công cộng nhưng được tạo tác với nhiều cách thức khác nhau, tùy địa hình và nguồn nước. Hầu hết dựa vào mạch nước ngọt tự nhiên rất khác lạ (như các mội nước ở nhiều vùng khác: sườn đồi, ven bờ cát biển, lưng chừng đồi cát...). Điều lạ nhất là nguồn nước ở lưng chừng đồi lại dùng tưới cho ruộng dưới... chân đồi!
Giếng Bà ở thon Hảo Sơn. Ảnh: ML |
Giếng Đìa. |
Những hòn đá mồ côi được xếp thành bờ mương dẫn nước tưới ruộng rau liệt (xà lách xoong). Ảnh: Mai Lĩnh |
Lối đi đến giếng Đào. Ảnh: ML |
Giếng Đào ở thôn An Nha hiện còn cấu trúc hoàn chỉnh nhất và có thể xem đây là công trình khai thác nước tiêu biểu ở những khu đông người và có nguồn nước ngầm mạnh. Các khu vực sử dụng nước được phân định hệ thống rõ ràng: mặt bằng đáy được gia cố bằng đá xếp để bảo vệ mội nước. Bể lắng cũng được xếp đá, phần đáy bể được lót bằng nhiều mảnh gốm, sành vỡ. Máng nước được đục như một chiếc mộng để chèn, cố định vị trí máng rất chắc chắn. Nước theo máng chảy xuống bể chứa, bể có thể rộng, hẹp tuỳ nơi và cũng được lót đáy bằng nhiều mảnh gốm, sành…, thành bể được xếp đá mồ côi. Độ sâu của bể chứa khoảng 30 đến 50 cm, dùng để lấy nước uống (vòi) và tắm giặt. Nước dành cho gia súc nằm tiếp nối bể chứa hoặc dẫn ra một bể cách biệt. Và sau cùng, nước chảy ra mương đá dẫn nước tưới ruộng.
Di tích đang thành phế tích
Trước đây, hệ thống giếng cổ này là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho dân chúng ở địa phương; đồng thời là nơi cũng cấp nguồn nước tưới cho hệ thống ruộng bậc thang với các cánh đồng lúa, hoa màu. Từ những năm 2003, khi có dự án của Thụy Điển tài trợ cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước xây dựng hệ thống giếng khoan cho người dân ở đây, một số giếng cổ không còn ai lui tới, sử dụng, giếng bị bỏ hoang và xuống cấp rõ rệt.
Hệ thống Giếng Cổ Gio An được công nhận là di tích Quốc gia (QĐ số 08/2001 của Bộ VHTT ngày 13-3-2001). Hiện nay, có một số giếng đang đứng trước nguy cơ của sự tác động nghiêm trọng của các yếu tố thiên nhiên và con người. Nhiều giếng xuống cấp vì không được sử dụng, vì sự tác động của mưa lũ... Tuy nhiên những giếng mang nét tiêu biểu về hình đáng và độc đáo nhất vẫn còn nguyên vẹn.