Hương Vườn Cũ 22.



Cụ NGUYỄN DU viết ra Truyện Kiều, mục đích chỉ mượn văn chương để gởi tấm lòng cùng thiên cổ. Nghĩa là viết cho mình, viết vì mình. Thế mà một khi ra đời Truyện Kiều đã gây ra không biết bao nhiêu chuyện trong làng văn, ngoài làng văn. Như bói Kiều, tập Kiều, vịnh Kiều, lên án nhân vật Truyện Kiều (Kiều án); kẻ thì cho Truyện Kiều là “Quốc Hồn Quốc Túy” như Phạm Quỳnh, người chê là “Dâm thư” như Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế…, gây một phong trào bút chiến sôi nổi trong một thời…

Trong những câu chuyện chung quanh Truyện Kiều, thì việc vịnh Kiều thường xảy ra nhiều chuyện lý thú. Như chuyện cụ Từ Đạm và một ông Đồ Nghệ, là một.
Cụ Từ Đạm đậu tiến sỹ, thích ngâm vịnh và rất ưa đồ cổ. Lúc cụ ngồi Tuần Vũ Ninh Bình [1], một hôm có một ông Đồ Nghệ xin vào ra mắt. Quan Tuần cho vào. Ông Đồ vái chào rồi nói:
- Nghe tiếng quan lớn là người háo cổ. Tôi có một món đồ cổ xưa nay bất ly thân. Nay qua đây hết tiền tiêu, nên đem đến cầm cho quan lớn.
Quan Tuần bảo đưa xem. Ông Đồ trình lên một gói cột ràng cẩn thận. Mở ra xem thì là một chiếc khăn nhiễu thâm đã bạc màu. Quan Tuần giận đỏ mặt, song nghe xưng là Đồ Nghệ lại thấy diện mạo khôi ngô, thái độ ngạo nghễ, nên không dám thị oai, chỉ nghiêm giọng quở:
- Thầy muốn cầm đồ thì ra tiệm mà cầm, chứ sao lại đem vào đây?
Ông Đồ ung dung đáp:
- Nghe tiếng quan lớn biết phân biệt giá trị các thứ đồ cổ, tôi mới đem vào, chớ đối với phường chỉ biết tiền là qúi thì đem đến làm chi cho mất thể diện con người biết đọc sách.
Biết là con người ngang ngạnh, quan Tuần dịu giọng, bảo:
- Thầy cần tiền, thôi không cần phải cầm đồ cầm đạc chi cho mệt, tôi ra cho một câu đối, nếu đối hay tôi xin tặng tiền lộ phí để trở về quê.

Ông đồ chấp thuận. Quan Tuần bèn ra đối rằng:
    - Quân tử cố cùng, quân tử cùng quân tử cố.
Ông đồ nói liền ứng khẩu đối:
     - Khổng Minh cầm túng, Khổng Minh túng Khổng Minh cầm.

Quan Tuần khen hay. Đoạn truyền lính hầu đưa đến nhà khách thết đãi cơm nước.
Lúc bấy giờ trời đã trưa. Ông Đồ ăn uống xong trở lên tìm quan Tuần, thì quan giả cách đi nghỉ để tránh. Ông Đồ hỏi lính hầu:
- Quan nằm đâu?
Lính hầu đáp:
- Nơi nhà mát. Nhưng giờ này không vào được.
Ông Đồ cho biết rằng quan lớn dặn phải đến ngay sau khi ăn cơm xong vì có chuyện gấp. Lính hầu ngỡ thiệt đưa ông Đồ vào.
Quan Tuần đang nằm nghỉ, thoáng thấy ông Đồ, liền quay mặt vào trong, nhân có quyển Kiều để bên cạnh, vội cầm lấy giả đò xem. Ông Đồ đứng đợi hồi lâu không thấy quan trở mình, bèn đến gần, đập nhẹ nơi chân. Quan Tuần giật mình quay lại:
- Thầy đến làm gì nữa?
Ông Đồ cười:
- Món nợ văn chương đâu phải một bữa cơm rượu sơ sài mà đủ.
Quan Tuần không đáp, quay mặt vào trong và cầm sách đọc. Ông Đồ cười lớn:
- Sách gì mà quan lớn đọc mê thế?
Vừa nói vừa đến giật xem và bảo:
- Tưởng sách gì lạ té ra Kiều!
Quan Tuần ngồi phắt dậy, quở:
- Sao thầy vô lễ thế? Đối với quyển Kiều, Dực Tông Hoàng Đế còn tán thưởng, huống thầy sao lại dám xem thường?
Ông Đồ đáp:
- Tiên Đế khen là khen văn chương của tác giả, chớ thân thế nàng Kiều chỉ hai câu là đủ nói hết, hà tất phải viết cả quyển như thế !
Quan Tuần cười gằn:
- Thân thế nàng Kiều chỉ hai câu là tả đủ! Thầy nói được mà làm được, tôi xin trọng thưởng.
Ông Đồ nói:
- Đối với bọn sỹ phu chúng tôi thì lời nói đi đôi với việc làm. Chỉ sợ nhà quan hai chữ khẩu đó thôi.
Quan Tuần có ý mắc cỡ, cười gượng, nói:
- Không bao giờ nuốt lời. Chỉ chưa phải lúc đó thôi. Câu đối khi nãy giá đáng 5 quan. Nếu tả được thân thế nàng Kiều trong hai câu thì sẽ thưởng gấp đôi.
- Tức là 15 quan tất cả. Văn chương vô giá. Sao cũng được, miễn rằng quân tử nhất ngôn.
Nói đoạn ứng khẩu đọc:

Nghĩa trước hẹn hò con đĩ Đạm,
Duyên sau lăn lóc bố cu Từ.

Quan Tuần điếng cả người! Vì câu thơ có ý nói xỏ về việc hẹn nợ văn chương. Nói xỏ cũng không sao, nhưng tác giả lại mượn tên Từ Hải và Đạm Tiên, để kêu đích danh quan Tuần ra mà chửi! Nhưng không bắt bẻ ngõ nào được, nên quan đành nuốt đắng, truyền người nhà đem tiền ra tống khứ ông Đồ!

Ông Đồ đi được một lúc, thì một người khăn áo đàng hoàng, cũng nói tiếng Nghệ, vào yết kiến quan Tuần Vũ. Người này trông có vẻ hiên ngang, song có lễ độ. Quan hỏi:
- Thầy đến có việc gì dạy bảo?
Khách kính cẩn thưa:
- Tôi mới nghe tin em tôi đã vào quấy quá quan lớn. Quan lớn đã không bắt tội, lại còn thưởng tài văn chương. Nên tôi xin đến tỏ lòng cảm phục đức độ quan lớn.
Lời nói lễ phép, giọng nói ôn tồn. Song nghĩ đến lời chửi xỏ vừa rồi, quan Tuần rất căm tức. Nhưng chưa tìm được lời đáp cho ổn, thì khách đã nói tiếp:
- Bẩm quan lớn, câu thơ vịnh Kiều của chú em đó vốn là một câu thơ cũ. Chú nó chỉ sửa lại đôi chút để làm của mình. Thế mà quan lớn thưởng đến 10 quan, tưởng quá sức rộng rãi.
Quan Tuần ngồi làm thinh. Khách tiếp:
- Câu chú em trình quan lớn đó là cặp luận của một bài thơ tám câu. Nếu quan lớn cho phép, tôi xin đọc trọn bài nguyên tác.
Vốn ưa thích văn chương, quan Tuần lẽ nào lại không chấp thuận. Khách liền đọc:

Khép cửa phòng thu những đợi chờ
Mà em mất nết tự bao giờ!
Chàng Kim dại gái còn đeo đuổi,
Viên Ngoại thương con chết ngất ngư!
Bạc mạng nghìn thu con đĩ Đạm,
Anh hùng nửa kiếp bố cu Từ.
Mười lăm năm ấy bao nhiêu sướng!
Oán trách làm chi đứa bán tơ.

Quan Tuần nghe xong nghiêm sắc mặt, nói:
- Các thầy kể cũng đã hay chữ. Song đều là người có học mà không có hạnh. Sao không dùng tài mình để giúp dân giúp nước, mà lại phí thì giờ đi trêu chọc thiên hạ như thế. Nhưng tôi xin nói thật: Quí thầy muốn mượn nhân vật trong Kiều để ám chỉ tôi, song câu “Bạc mạng nghìn thu… Anh hùng nửa kiếp…” lại là cái điềm không tốt cho hai thầy. Trong hai thầy, thầy nào là anh thì thân thế ứng vào vế trước, thầy nào là em thì vế sau. Hai thầy nên cẩn thận.
Khách bái tạ ra về.
Sau xét ra thì ông đồ tới trước là cụ SONG NGƯ còn khách tới sau là cụ SÀO NAM. Và lời bàn của cụ Từ Đạm quả đúng với thân thế của SONG, SÀO.

Câu chuyện trên, trong Chương Dân thi thoại có nhắc đến. Nhưng lại chép rằng: Thầy Đồ Nghệ bị tội gì đó, cụ tuần Từ Đạm bắt giam. Ở trong nhà giam, cả ngày thầy Đồ ngâm Kiều inh ỏi. Quan Tuần đến hỏi:
- Chắc thầy giỏi Kiều lắm. Vậy hãy vịnh thân thế nàng Kiều trong hai câu. Nếu làm được sẽ thưởng.
Thầy đồ liền đọc:

Nghĩa trước nhạt nhèo con đĩ Đạm
Duyên sau lăn lóc bố cu Từ.

Trong Chương Dân Thi Thoại chỉ nói sơ qua có chừng nớ, và không nói rõ thầy Đồ Nghệ tên chi.
Còn trong các sách khác thì chỉ chép 8 câu thơ mà không nói rõ nguyên nhân sáng tác.
Câu chuyện tôi kể trên là nghe lóm được lúc thiếu thời. Không dám chắc là đúng trăm phần trăm. Nên rất mong được các bậc cao minh chỉ giáo.

***
Xem bài thơ trong câu giai thoại, chúng ta nhận thấy tác giả thuộc phái có ác cảm với Truyện Kiều.
Đó là phái thiên về đạo đức, chỉ muốn đem văn chương dùng để tải đạo.

Thơ chỉ trích Kiều rất nhiều. Nhiều bài được truyền tụng. Được truyền tụng nhất là bài trong câu giai thoại trên và bài sau đây tương truyền là của cụ Phan Văn Trị:

Tài sắc mà chi hỡi Thúy Kiều,
Nghĩ thương nên phải trách đôi điều:
Ví dầu Viên Ngoại lâm cơn biến
Chẳng học Đề Oanh mách tiếng kêu?! [2]
Mái tóc chàng Kim tình biết mấy,
Lượng vàng họ Mã giá bao nhiêu!
Liêu Dương nghìn dặm xa chi đó,
Nỡ để Lâm Truy bướm dập dìu!

Chúng ta không cần bàn xem trách như thế, chê như thế có chính đáng chăng, có công bình chăng. Vì không khéo lại gây một cuộc bút chiến như mấy mươi năm về trước, làm tủi vong linh cụ Tiên Điền. Để mua vui với nhau, chúng ta chỉ đưa ra, một cách khách quan, những bài thơ chúng ta nhận thấy có lý thú. Nếu có bàn, chỉ bàn về mặt văn chương. Như hai bài trên, văn chương thật lưu loát, già dặn. Cho nên đến cả những người có mỹ cảm cùng Kiều cũng không thể bỏ mà không đọc.

Tản Đà tiên sinh tuy rất khâm phục cụ Tiên Điền, song đối với Thúy Kiều vẫn không có mỹ cảm. Vịnh đoạn Thúy Kiều gảy đàn cho Hồ Tôn Hiến nghe sau khi Từ Hải đã sa cơ bị hại, Tản Đà có bài rằng:

Tiếng sấm ân tình bốn mặt ran
Tướng quân chi tiếc cánh hoa tàn!
Hai hàng nước mắt hai làn sóng,
Nửa đám ma chồng nửa tiệc quan!
Tổng Đốc có thương người bạc mạng, [3]
Tiền Đường chưa chắc mả hồng nhan.
Xa xa nấm đất bờ sông nọ,
Hồn có nghe chăng mấy điệu đàn?!

Lời quá ư mỉa mai, có thể nói là tàn nhẫn! Nhưng hay thì thật là hay!

Cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến đối với cảnh ngộ Thúy Kiều cũng không có lòng thương xót. Cụ có bài mượn chuyện Thúy Kiều để chỉ trích bọn tham quan ô lại đương thời, rằng:

Thằng bán tơ kia giở mối ra
Làm cho bận đến cụ Viên già!
Muốn xong việc ấy ba trăm lạng,
Không có sau này một chiếc thoa.
Nổi tiếng mượn màu son phấn mụ,
Đem thân chuộc lấy tội tình cha.
Có tiền trăm chuyện xong xuôi hết! [4]
Đời trước làm quan cũng thế a?

Tưởng đời nay làm quan mới “vạn sự giai do TIỀN định” ai ngờ đời trước cũng thế! Giận bọn làm quan “chỉ vì tiền” mà phải mượn Thúy Kiều làm đòn kê để chặt! Nếu tác giả có mỹ cảm cùng họ Vương thì không bao giờ nỡ làm thế.
Có thiện cảm cùng Vương Thúy Kiều, trước hết phải giới thiệu cụ Lập Trai PHẠM QUÍ THÍCH, người đồng thời cùng cụ NGUYỄN DU. Có bài thơ vịnh Kiều bằng Hán văn:

Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường,
Bán thế yên ba trái vị thương.
Ngọc diện khởi ưng mai Thủy quốc,
Băng tâm tự khả đối Kim Lang.
Đoạn trường mộng lý căn duyên liễu,
Bạc mạng cầm chung oán hận trường.
Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy,
Tân thanh đáo để vị thùy thương?

Tác giả tự dịch ra Nôm rằng:

Giọt nước Tiền Đường chẳng rửa oan,
Phong ba chưa trắng nợ hồng nhan!
Lòng tơ còn vướng tình Kim Trọng,
Gót ngọc khôn vùi dặm Thủy quan. [5]
Nửa giấc đoạn trường tan gối điệp,
Một giây bạc mệnh dứt cầm loan.
Cho hay những kẻ tài tình lắm,
Trời bắt làm gương để thế gian.

Cũng như Tiên Điền, PHẠM LẬP TRAI mượn thân thế Thúy Kiều để gởi tâm sự. Thúy Kiều chỉ là cây đa mà Thanh Hiên và Lập Trai là thần nương tựa. Tuy vậy ông thần có ưa thích, cây đa có thích hợp với ông thần, thì thần mới ỷ cậy được. Ông thần nhờ có cây đa mà có nơi nương tựa, cây đa nhờ ông thần mà trở thành linh thiêng. Đó là tương ỷ tương y vậy.
Cũng mượn cảnh ngộ Thúy Kiều để nói cảnh ngộ mình, ông Tôn Thọ Tường sau mấy mươi năm phục vụ chánh phủ Pháp, lúc về hưu trí có một luật rằng:

Mười mấy năm trời nhục rửa xong,
Sông Tiền Đường đục hóa ra trong.
Mảnh duyên bình lãng còn nong nả,
Chút phận tang thương lắm ngại ngùng!
Chữ hiếu ít nhiều trời đất biết,
Gánh tình nặng nhẹ chị em chung.
Soi gương thiên cổ thương mà trách
Chẳng trách chi Kiều trách hóa công. [6]

Cũng thì mượn thân thế Thúy Kiều để ký thác tâm sự, nhưng Phạm Lập Trai chỉ thở than mà không oán trách, còn Tôn Thọ Tường lại bào chữa phân trần. Song, rằng hay đều thật là hay, hay mỗi bên mỗi vẻ mà bên nào cũng mười phân vẹn mười.

Cụ Phạm đối với ông Tôn là bậc tiền bối. Đồng thời cùng Tôn Thọ Tường ở Nam Kỳ có Đỗ Minh Tâm, tục gọi là Nhiêu Tâm, cũng có tài ngâm vịnh. Ông Nhiều cũng có bài Vịnh Kiều, rằng:

Sắc tài có một đỉnh đình đinh,
Khắp cả giang san tiếng nổi phình!
Duyên chị mà em theo lẻo đẻo,
Nợ chàng rồi thiếp sạch sành sanh.
Ra đi đầu đội muôn phần hiếu,
Trở lại vai mang một chéo tình.
Mười mấy năm trời nhơ rửa sạch,
Khúc đàn nhà gảy tịch tình tinh.

Bài này không biết có phải vì Tôn Thọ Tường mà làm ra chăng. Bốn câu sau đồ đậm ý tứ bài của ông Tôn. Ông Tôn ra làm việc cùng chánh phủ Pháp là vì “gia bần thân lão” chớ thật lòng không có lòng “sự địch cầu vinh”:
- Chữ hiếu ít nhiều trời đất biết,
Gánh tình nặng nhẹ chị em chung.

Cho nên:
- Ra đi đầu đội muôn phần hiếu,
Trở lại vai mang một chéo tình.

Người đời đã xét cho nông nỗi ấy thì:
- Mười mấy năm trời nhơ rửa sạch,
- Sông Tiền Đường đục hóa ra trong.

Và   
- Cung đàn nhà gảy tịch tình tinh…

Tình ý trong hai bài hô ứng nhau như tiếng và vang, nên đoán rằng có liên hệ mật thiết.
Còn về phần văn chương thì bài ông Nhiêu như một cô gái quê nhí nhảnh, còn bài của ông Tôn thì là một vị phu nhân nơi tử các hồng lâu. Bài của ông Tôn thì vì mình mà làm. Bài của ông Nhiêu thì vì người mà có. Mỗi bên có một thú vị riêng.

Thơ Vịnh Kiều còn nhiều lắm. Và đọc qua những bài thượng dẫn, chúng ta nhận thấy rõ ràng hai phái: Một phái ghét Kiều, một phái thương Kiều. Nhưng ghét cũng như thương đều không phải vì Kiều mà ngâm vịnh. Một bên vì đạo đức, một bên vì tâm sự riêng. Một bên thì lấy Kiều làm tấm bia để bắn tên, một bên thì mượn Kiều làm ông đồng bà cốt để cho tâm sự mình làm cậu, làm cô.


[1] Câu chuyện xảy ra lúc Từ Đạm làm Tri phủ ở một phủ thuộc tỉnh Nam Định (1903-1904) lúc ấy cụ Phan cùng cụ Đặng đang đi vận động ở Miền Bắc. Còn Từ Đạm làm Tuần Vũ Ninh Bình (1908-1920).
[2] Bài này trong Giai Thoại Làng Nho, Lãng Nhân chép nhiều chữ khác. (Xem Giai Thoại Làng Nho trang 510).
[3] Sau tác giả đổi chữ “Tổng Đốc” ra “Tôn Hiến” để đối cho chỉnh với chữ “Tiền Đường”.
[4] Có sách chép: Có tiền việc ấy mà xong nhỉ”…
[5] Câu này có sách chép là:
- Lòng tơ còn vướng chàng Kim Trọng
Mặt ngọc khôn đành chốn Thủy quan.
- Lòng băng chảng thẹn tình Kim Trọng
Mặt ngọc khôn vùi sóng Thủy Quan.
[6] Bài của cụ Phan Văn Trị trước kia, do bài này mà làm ra và làm ra cốt để chỉ trích ông Tôn giận cá chém thớt nghĩ tội cho Thúy Kiều.