Hương Vườn Cũ 36.A




Hễ nói đến Bình Định, trăm người như chục, mười người như một đều nói đến Võ chớ không mấy khi nói đến Văn.
Không phải vì Bình Định là đất hữu võ vô văn, mà chính vì ánh sáng của các ngôi văn tinh bị ánh trăng hào kiệt là lu mờ như cảnh tượng đêm rằm tháng tám.

Võ Bình Định nổi tiếng khắp trời Nam đất Bắc do các vị anh hùng nữ kiệt:
- Tây Sơn tam kiệt
- Bùi Thị Xuân
- Trần Quang Diệu
- Võ Văn Dõng
- Lê Chất
- Võ Trứ
- Mai Xuân Thưởng
- Tăng Bạt Hổ, … vân vân…
                               là những nhân vật lịch sử mà không ai không biết danh.

Ngoài ra còn có các võ sư đem tài nghệ, kẻ ra Bắc người vào Nam, truyền thụ cho những tay anh tuấn. Như Đội Chương và Voi Con ra Nghệ Tĩnh huấn luyện nghĩa quân Quang Phục của Phan Sào Nam. Như Nguyễn Đa vào Gia Định dùng núi Thất Sơn làm võ trường đào tạo được nhiều trang nghĩa hiệp, cải tạo được một số lục lâm thảo khấu trở thành những tay hảo hớn, mà ngày nay ở địa phương còn nhắc nhở đến tên.
Thanh danh của các nhà võ chẳng khác tiếng trống tiếng chuông… lấn át những tiếng tơ tiếng trúc của các nhà văn dù có tài năng lỗi lạc. Thậm chí có nhiều vị văn võ toàn tài, nhưng hào quang bên võ quá rực rỡ làm chói mắt bàng nhân, khiến nhiều nhà hữu tâm khi đề cập đến quí vị cũng chỉ nhắc đến võ công mà bỏ sót văn nghiệp.
Trong trường hợp này, anh hùng MAI XUÂN THƯỞNG là nhân vật tiêu biểu.

***
Mai anh hùng người thôn Phú Lạc, quận Bình Khê, tỉnh Bình Định, đồng hương cùng Tây Sơn tam kiệt.
Năm Ất Dậu (1885), sau khi đậu cử nhân về, anh hùng ứng nghĩa Cần Vương, dấy nghĩa binh chống Pháp. Ngót ba năm trời chiến đấu anh dũng, nghĩa binh bị đại bại trận Bàu Sấu. Một thân một ngựa, Mai anh hùng chạy vào mật khu Linh Đỗng (Bình Khê), quyết xây dựng lại lực lượng để diệt thù.
Lúc vào Linh Đỗng anh hùng có bài:

CẢM THUẬT
Không tính làm chi cuộc mất còn
Nợ trai lo trả ấy là khôn
Gió đưa hồn nghĩa gươm ba thước
Đá tạc lòng trung núi mấy hòn
Tái ngắt mặt gian xương tợ giá [1]
Đỏ lòa bìa sách máu là son
Rồi đây ngọc luật đưa xuân lại
Một khóm mai già nảy lộc non.

Linh Đỗng là nơi bí hiểm, có thế “bách nhị sơn hà”. Giặc biết anh hùng ẩn náu ở đó, nhưng không dám truy tầm. Kẻ cầm đầu quân giặc là hai tên khát máu: Trú sứ Aymonier và Đốc Phủ Sứ Trần Bá Lộc. Chúng bắt lý hương và tráng đinh ba thôn Phú Phong, Phú Lạc, Trinh Tường (Bình Khê) cùng bà cụ thân sinh Mai anh hùng, đem tống giam tại đình làng Phú Phong, và hẹn trong mười hôm nếu anh hùng không xuất thú, thì bắt đầu từ ngày thứ 11, cứ mỗi ngày sẽ đem ra giết năm người, và đến ngày thứ 21 thì giết hết già trẻ ba thôn, đốt hết nhà cửa trong toàn hạt.
Tánh háo sát và tàn bạo của giặc đã làm cho xương máu người Việt Nam, từ Bình Thuận trở ra, chập chồng lai láng. Và từ ngày chúng đến Bình Định, lương dân đã bị thảm sát không biết bao nhiêu người vô tội, vô can.

Mai anh hùng được tin, hết sức đắn đo suy nghĩ. Liệu không thể cứu vãn tình thế trong một mai một chiều được, nếu kéo dài cuộc kháng chiến sẽ gây thêm tang tóc cho nhân dân, anh hùng bèn đích thân đến trại giặc để thay chết cho mẹ và cho đồng bào. Giặc dụ hàng. Anh hùng khẳng khái đáp:
- Chỉ có đoạn đầu tướng quân chớ không có hàng đầu tướng quân.
Lúc ngồi trong ngục ở Phú Phong, anh hùng khẩu chiếm bài thơ:

CHẾT
Chết nào có sợ chết như chơi
Bởi chết vì dân chết bởi thời
Chết hiếu chi nài xương thịt nát
Chết trung bảo quản cổ đầu rơi
Chết nhân tiếng tốt bia ngàn thuở
Chết nghĩa danh thơm rạng mấy đời
Thà chịu chết trong hơn sống đục
Chết nào có sợ chết như chơi.

Giặc giam anh hùng ở Phú Phong một ngày một đêm, rồi đưa xuống thành Bình Định. Đoàn quân áp giải theo nam ngạn sông Côn mà đi. Mai anh hùng ngồi trên ngựa, hai tay bị trói. Mai phu nhân khăn gói theo chồng, thoăn thoắt đi trước đầu ngựa. Xúc cảnh sanh tình, anh hùng ứng khẩu:
Giang thượng đông lưu vô tử đệ
Mã tiền tây hạ hữu giai nhân.

Nghĩa là:
Trên sông nước chảy xuôi dòng
Con em ngoảnh lại tịnh không bóng nào
Riêng thương chút phận má đào
Khoan thai trước ngựa anh hào đưa chân.

Một bức tranh vừa bi vừa tráng!
Nhớ lại cảnh Cai Hạ thời Hán Sở tranh hùng: Bốn mặt tiếng ca nước Sở vang dầy. Trong trướng Hạng Võ cùng Ngu Cơ ngồi uống rượu. Hạng cảm khái vỗ kiếm ngâm:

Lực bạt sơn hề khí cái thế
Thời bất lợi hề chùy bất thệ
Chùy bất thệ hề khả nại hà?
Ngu hề Ngu hề nại nhược hà!?

Nghĩa là:
Sức nhổ núi hề hùng khí ai bì
Thời không lợi hề ngựa Chùy không đi.
Ngựa không đi hề biết làm sao đây?
Ngu hề Ngu hề tính làm sao đây?

Ngu Cơ rút gươm vừa múa vừa họa lại:
Hán binh dĩ lược địa
Tứ diện Sở ca thanh
Đại vương ý khí tận
Tiện thiếp hà liễu sinh.

Nghĩa là:
Đất đai binh Hán chiếm rồi
Bốn bên tiếng Sở vang trời khúc ca
Khí anh hùng đã tiêu ma
Tấm thân bồ liễu sống mà chi đây!

Đoạn quày gươm tự vẫn. Hạng Võ lên ngựa chạy ra bờ sông Ô Giang…
Treo hai bức tranh tình Cai Hạ và Côn Giang bên nhau, thì một bên là Tây Thi một bên là Chiêu Quân. Nhưng nhân vật Cai Hạ có phần phẫn hận ai quan. Nhân vật Côn Giang, phong độ ung dung, thật thanh thoát tự tại.
Hai bài thơ CHẾT và CẢM THUẬT, văn chương bi hùng. Các vị tiền bối phê là “Cảm khái chi trung hữu khẳng khái tại”. Còn hai câu khẩu chiếm trên bờ Côn Giang thì ngậm chứa khí vị phong lưu. Đều là những giai phẩm.

Và anh hùng MAI XUÂN THƯỞNG là một bậc phong nhã anh hùng. Công cuộc cứu quốc tuy không thành, sự nghiệp văn chương để lại tuy không lớn, nhưng tài đức vẫn treo cao cùng núi Tượng sông Côn.

Trong Kiều có câu:
Xưa nay những đấng tài ba
Chết là thể phách còn là tinh anh.
Trường hợp Mai anh hùng chứng minh cho lời ấy.
Ở Bình Định các bà mẹ ru con, các người chị ru em thường hát:
Chim kêu dưới suối Đá Dàng
Em còn chút mẹ cậy chàng viếng thăm.

Suối Đá Dàng ở trên hòn Dương Thạch Sơn thuộc thôn Phú Lạc, quê hương Mai Anh hùng. Và câu thơ kia là của Mai anh hùng nhắn cùng bạn đồng chí là cụ nghè Vân Sơn.
Nguyên Mai anh hùng tuẩn quốc, bà cụ thân sinh cùng một số sỹ phu tham gia phong trào - trong đó có cụ nghè Vân Sơn Nguyễn Trọng Trì - được miễn tội nhưng bị quản thúc chặt chẽ. Mãi sau khi đã đặt vững nền đô hộ trên toàn cõi Việt Nam, bọn thực dân mới nới vòng kiềm tỏa. Chừng ấy các thân hào nhân sỹ mới qua lại với nhau được tự do.

Dưới triều Khải Định (1916-1925), một đêm nọ, các nhân sỹ hạt Bình Khê hội nhau tại Phú Phong, cầu tiên để hỏi thăm việc nhà việc nước. Tiên giáng cọ, nhưng không xưng tên chỉ viết:
- Thỉnh Vân Sơn tiên sinh.
Từ Phú Phong xuống Vân Sơn có trên vài chục cây số. Nếu đi thỉnh cho được cụ Nghè thì trời sáng rồi còn cầu khẩn gì nữa. Nên ai nấy đều ngó nhau… Chưa biết nên giải quyết cách nào cho ổn thì cọ viết cho biết rằng cụ Vân Sơn hiện nằm tại nhà một người bạn ở xóm trên.
Các nhân sỹ cho người đi mời. Cụ Nghè đương nằm mát nơi Tây hiên. Trời nóng nực ghẻ ngứa ngáy, cụ không ngủ được bèn nghĩ thơ Ghẻ làm vui. Không giấy bút, nghĩ được câu nào cụ lấy ngón tay viết lên không trung câu nấy. Nghe nói “tiên mời”, cụ cao hứng trở dậy khoác áo đi ngay.

Cụ Nghè vừa đến nơi thì cọ liền cử động viết ngay một bài thơ. Cụ Nghè giật mình, vì chính là bài “thơ ghẻ” cụ vừa phúc thảo. Tiếp theo cọ viết luôn bài thơ họa là một toa thuốc chữa ghẻ. Hỏi danh hiệu, cọ không đáp mà chỉ thách xướng họa thơ. Hai bên xướng họa cho đến gà gần gáy. Thơ xướng họa toàn bằng Hán tự và chỉ chứa đựng khí vị phong lưu, chớ tuyệt nhiên không đả động đến thời thế. Các nhân sỹ có ý chán, lần lượt bỏ về hết. Lúc đã thưa người, cọ liền viết một câu thơ Quốc âm:

Nghìn thu Hà Nhạc vương theo bóng
Một gánh quân thân gởi lại chàng.

Cụ Nghè biết thần tiên không phải người xa lạ, nhưng chưa đoán biết là ai. Muốn hỏi mà chưa kịp hỏi thì cọ viết tiếp:

Chim kêu dưới suối Đá Dàng
Em còn chút mẹ cậy chàng viếng thăm.

Cụ nghè liền ôm cọ khóc rống:
Mai nguyên soái! Mai nguyên soái! Cố nhân ôi, cố nhân!
Câu chuyện không mấy lúc đã truyền xa. Nhưng rồi ngày lại ngày qua, già đi trẻ đến, câu chuyện bị gió mưa phai lạt, chỉ còn nghe “Chim kêu dưới suối Đá Dàng”. [2]
Song khách du đi ngang qua sông Côn, nghe các cô hái dâu ven bờ sông, các cô chống đò dọc theo con sông… cất cao giọng hát:

Ngó vô Linh Đỗng mây mờ
Nhớ Mai nguyên soái dựng cờ đánh Tây
Hầm Hô cữ nước còn đầy
Còn gương phấn dũng còn ngày vinh quang.
Thì những trang lịch sử máu hòa son lâm ly bi tráng sao khỏi mở dần ra trước mắt và trước mắt sao cho khỏi:
Biển sâu thấp thoáng hồn Tinh Vệ
Trời biếc mơ màng đá Nữ Oa… [3]



[1] Xương tợ giá: mượn ý câu cổ thi “Vị tử gian du cốt dĩ hàn” (Kẻ gian nịnh tuy chưa chết nhưng xương đã lạnh rồi).
[2] Suối Đá Dàng: ở tại Phú Lạc, quê Mai anh hùng.
[3] Tác giả câu này là người hiện đại. Tôi đọc trên báo, lâu ngày quên tên. Xin lỗi tác giả và độc giả.