Hương Vườn Cũ 29.



Tìm hiểu tác giả qua thơ là một phương pháp thông dụng của những người yêu thơ vì thơ.
Còn tìm hiểu thơ qua tác giả là phương pháp của phần đông các nhà nghiên cứu.
Phương pháp sau dễ đạt được mục đích hơn phương pháp trước. Vì không biết rõ tác giả thì không biết rõ được tâm sự gởi gấm trong thơ, không biết rõ được trường hợp sáng tác để tìm thấy ảnh hương của ngoại cảnh vào nội tâm của tác giả. không biết được những cái ấy thì không sao thấy được những gì chìm ở dưới nét chữ lời văn.
Ví dụ bài NGŨ TỬ TƯ XUY TIÊU mà nhiều người ở Trung và Nam thuộc lòng:

Lạc loài nước bước dạ trăm chiều
Ngơ ngẩn quê người một ống tiêu
Trời Sở oán theo mây cuộn cuộn
Đất Ngô buồn giục gió hiu hiu
Tấm ơn da tóc so dày mỏng
Nghìn dặm non sông cảm ít nhiều
Lòng bạn tri âm chưa gặp gỡ
Thẹn thùng cúi ngửa biết bao nhiêu.

Giọng văn êm dịu, nghe thích thú như nghe tiếng tiêu vẳng trong sương chiều thu.
Chắc cũng có bạn vì ít đọc sách Tàu nên thắc mắc:
- Ngũ Tử Tư là ai mà có tiếng tiêu đẹp nhưng buồn như thế ấy?
Xin thưa:
- Ngũ Tử Tư là người nước Sở đời Đông Châu Liệt Quốc. Cha và anh bị vua Sở giết oan, Tử Tư giận trốn sang nước Ngô lánh nạn và tìm kế phục thù. Đến Ngô lương cạn, phải dong các chợ thổi tiêu xin ăn.
Lúc bấy giờ công tử Quang muốn cướp ngôi vua nước Ngô, sai người tâm phúc là Bỵ Ly đi tìm kẻ có tài về phò tá. Bỵ Ly đến chợ Mai Lý thì nghe tiếng tiêu của Tử Tư, biết là người có tâm sự, lại xem tướng mạo biết là bậc phi thường, bèn tiến dẫn lên Công tử Quang. Công tử Quang gặp được Ngũ Tử Tư như rồng gặp mây, Ngũ Tử Tư gặp được công tử Quang như cá gặp nước. Rồi tương y tương ỷ, công tử Quang nhờ tài lực của Tử Tư mà được lên làm vua nước Ngô, Ngũ Tử Tư nhờ binh mã của nước Ngô mà rửa được hận.
Biết được sự tích dùng trong thơ rồi thì ngoài cái thú do hình ảnh âm nhạc câu thơ gây nên, chúng ta hưởng thêm cái thú về tình ý khéo chọn lựa khéo sắp xếp.
Nhưng đó mới là cái thú thưởng tiếng đàn trong dây tơ, mùi ngon trong vị của thực phẩm.

Nhà thơ chân chính ít khi làm thơ để mua vui hoặc để khoe tài, mà luôn luôn để ký thác. Cho nên thơ vịnh sử, vịnh cảnh, vịnh vật… hầu hết không phải vì người trong sử, không phải vì cảnh trước mắt, vật trước mắt, mà trải ý chuốt lời, mà chính vì lòng của tác giả. Cho nên người đọc có thấy được chỗ dụng tâm của tác giả thì mới là tri âm, và mới hưởng được cái thú của “ngoại vị chi vị, ngoại huyền chi thanh”.
Bài thơ Ngũ Tử Tư Xuy Tiêu trên đây, không biết tác giả là ai, nên không thể biết được tâm sự gởi gắm trong thơ.
Có người bảo là của ông Thủ khoa BÙI HỮU NGHĨA. Không lấy gì làm chắc. Huống nữa dù quả thật tác giả là ông Thủ khoa Bùi đi nữa, cũng không biết được ông làm bài đó trong trường hợp nào, hoàn cảnh nào để tìm hiểu tâm sự. Bởi trong nét đại cương từ bối cảnh lịch sử cho đến cuộc đời chìm nổi của ông Thủ khoa không có chỗ giống cảnh ngộ của Tử Tư.

Nghe tiếng tiêu lâm ly, Bỵ Ly biết được Ngũ Tử Tư là người có tâm sự. Xem lời thơ bi tráng chúng ta cũng biết rằng người làm thơ có nỗi cô phẫn không giải tỏa được nên phải mượn văn chương để khiển hoài. Nhưng không biết rõ tâm sự như sao, nên cam chịu chung cảnh của Lý Thanh Liên thấy mỹ nhân khóc:

Mỹ nhân quyển châu liêm
Thâm tọa tần nga my
Đản kiến lệ ngân thấp
Bất tri tâm hận thùy.

Nghĩa là:
Người xinh cuốn bức rèm châu
Ngồi im thăm thẳm nhăn cau đôi mày
Chỉ hay giọt lệ vơi đầy
Đố ai biết được lòng này giận ai?!
                                                (Tản Đà)