Hương Vườn Cũ 41



Trong thời kỳ phong trào Thơ Mới đương lên (1932-1941) NGUYỄN VỸ có cho ra đời một bài thơ, mỗi câu chỉ có hai chữ, tục gọi là “Thơ Hai Chân”, nhan đề là SƯƠNG RƠI:

Sương rơi
Nặng trĩu
Trên cành
Dương liễu…
Nhưng hơi
Gió bấc
Lạnh lùng
Hiu hắt
Thấm vào,
Em ơi !
Trong lòng
Hạt sương
Thành một
Vết thương !


Rồi hạt
Sương trong
Tan tác
Trong lòng
Tả tơi.
Em ơi !
Từng giọt
Thảnh thót,
Từng giọt
Điêu tàn
Trên nấm
Mồ hoang !




Rơi sương
Cành dương
Liễu ngã
Gió mưa
Tơi tả
Từng giọt
Thảnh thót,
Từng giọt
Tơi bời
Mưa rơi,
Gió rơi,
Lá rơi,
Em ơi !

Nhiều người cho rằng Nguyễn Vỹ lập dị, sáng chế ra lối thơ mười hai chân như thơ Alexandrin của Pháp chưa đủ kỳ, lại còn thêm lối thơ hai chân nữa.
Nhưng theo tôi không có gì là lập dị cả. Bởi vì “lập dị” là làm việc gì lạ lùng để cho khác với thiên hạ, chớ thơ mười hai chân rất thạnh hành ở Pháp. Còn thơ hai chân thì Pháp cũng có, Việt Nam cũng có.

Ở Pháp như bài của Victor Hugo:
On doute
La nuit:
J’ écoute
Tout fuit,
Tout passe;
L’ espace
Efface
Le bruit.

Khóc cái chết của một cô gái xuân, thi sỹ Jules de Rességuier lại làm cả thơ một chân:

Fort
Belle
Elle
Dort…
Sort
Frêle
Quelle
Mort !

Và cùng một lúc với bài Sương Rơi của Nguyễn Vỹ, ở Nha Trang cũng sản xuất một bài thơ Nhị âm, tức hai chân, nhan đề là LÁ HỒNG:

Gió thu
Vi vu
Thổi rụng
Lá hồng
Trên dòng
Sông rộng


Lá hồng
Mãi trôi
Theo cùng
Dòng sông
Mênh mông
Về nơi
Xa xôi,


Gieo trong
Cõi lòng
Nữ lang
Mơ màng
Bên sông
Nỗi buồn
Miên man…


Bài này của nhà thơ trẻ tuổi quê quán Khánh Hòa tên là PHẠM ĐÌNH NGUYÊN, cũng học trò trường trung học Qui Nhơn, sau Nguyễn Vỹ hai lớp. Họ Phạm mất năm 1940, tuổi mới chừng 27, 28 !

Bài thơ của họ Phạm chỉ truyền miệng trong các bạn thân, chớ không đăng báo, nên không có tiếng vang như bài của họ Nguyễn. Thời bấy giờ, ở Nha Trang có nhiều người cho rằng họ Phạm đã bắt chước họ Nguyễn. Sự thật thì không ai bắt chước ai cả. Tôi là một nhân chứng. Nguyễn Vỹ là bạn học trên tôi một lớp, Phạm Đình Nguyên học dưới tôi một lớp. Nguyễn Vỹ lúc bấy giờ ở Hà Nội. Tôi ở Nha Trang thường qua lại cùng Phạm Đình Nguyên. Khi bài Sương Rơi xuất hiện trên tuần báo Đông Tây ở Hà Nội (1937) thì ở Nha Trang, bài Lá Hồng đã được phổ biến trong hàng bạn thân rồi.
Có người lại khen họ Nguyễn và họ Phạm đã sáng chế ra một thể thơ mới.

Sáng chế là chưa có mà làm cho có trước tiên, chớ thơ hai chân, ở Pháp có rồi, ở Việt Nam cũng đã có từ nghìn xưa kia mà. Ở nhà quê, các em thường làm mèo, lấy hai ngón tay trỏ kéo chằn hai khóe miệng cho rộng ra và lấy hai ngón tay cái vạch mí con mắt phía dưới cho rộng ra, rồi kêu ngao ngao. Để cho cuộc chơi thêm linh động và thích thú, một em đứng trong rào làm mèo cái, một em đứng ngoài rào làm mèo đực. Miệng chằn, mắt vạch, mèo đực “nói” một câu, mèo cái “nói” một câu, đem chắp lại thành một bài thơ nhị âm liên vận:

- Ngao…               "
- Tao.                  "
- Ngõ nào ?          "
- Gai quào.           "
- Đứa nào ?
- Hãy vào.
- Hàng rào.
- Không sao.

Đó không phải thơ hai chân là gì?

Còn một bài nữa cũng rất được các em ở thôn quê dùng trong những trò vui:

Sú hột
Sú hạt
Gió tạt
Nồi cơm
Lửa thổi
Bằng rơm
Nồi cơm
Hóa nhão
Lấy chảo
Nấu canh
Dĩa sành
Đựng cá
Cá sơn
Cá liệc
Cá giếc
Cá tràu
Ăn hối cho mau
Cầm hòn mà chạy.
Chạy u
Chạy quạ,
Chạy ngả vườn sau,
Bẻ một buồng cau,
Chạy về mà nghỉ.

Như vậy thể thơ nhị âm, tức hai chân, không phải mới có. Nhưng chỉ dùng làm những bài ca nho nhỏ cho trẻ em hát trẻ em chơi mà thôi. Nguyễn Vỹ và Phạm Đình Nguyên đã có công làm cho làng văn làng thơ để ý đến thể thơ ấy.

Và thể thơ nhị âm một khi đã vào tay một nhà thơ có tài thì giá trị có kém gì những thể thơ được các thi nhân yêu chuộng. Phê bình bài “Sương Rơi”, tác giả tập Thi Nhân Việt Nam nói rằng:

- Nguyễn Vỹ đã sáng tạo ra một nhạc điệu riêng để tả một cái gì đương rơi. Cái gì đó có thể là những giọt sương, cũng có thể là những giọt lệ, hay những giọt gì vẫn rơi đều đều, chậm chậm trong lòng ta mỗi lúc vẩn vơ buồn ta đứng một mình trong lặng lẽ.

Bài “Lá Hồng” của Phạm Đình Nguyên cũng là một bài có giá trị. Đọc lên chúng ta cảm thấy buồn buồn, một nỗi buồn vô cớ, nhè nhẹ đều đều như dư âm tiếng quay tơ dưới bóng trăng khuya lạnh lẽo.
Tuy không gây được ảnh hưởng như Nguyễn Vỹ nhưng cũng như Nguyễn Vỹ, Phạm Đình Nguyên đã đưa thể thơ nhị âm của Việt Nam, từ địa vị thấp kém (dùng cho trẻ em mua vui, không có văn chương chỉ cần nói bắt vần cho dễ nghe là được), lên địa vị ngang với các thể thơ khác trên nền văn học. Rất tiếc là ít người hưởng ứng, nên ngoài hai bài trên, chưa thấy ai có bài nào khác được truyền tụng.

Thể thơ nhị âm làm cho hay không phải dễ. Không khéo sẽ thành những bài vè dùng để vui đùa, hoặc những bài thơ tứ ngôn. Hai bài trích dẫn của Nguyễn Vỹ và Phạm Đình Nguyên là hai bài Nhị âm thành công.

Ngoài bài Sương Rơi, Nguyễn Vỹ còn nhiều bài nhị âm khác cũng rất có giá trị. Nhưng phần nhiều có lẫn câu ba chữ hoặc, bốn, năm, sáu… chữ. Hoàn toàn hai chữ, còn có bài sau đây:

HOÀNG HÔN

Một đàn
Cò con
Trắng nỏn
Trắng non
Bay về
Sườn non.
Gió dục,
Mây dồn,

Tiếng gọi
Hoàng hôn
Buồn bã
Nỉ non.
Từ giã
Cô thôn…


Còn con
Cò con
Trắng nỏn
Nào kia,
Lạc bầy
Lại bay
Vào mây,
Ô kìa!

Đọc lên chúng ta thấy bóng cò bay đôi cánh nhịp nhàng theo tiết điệu của câu thơ. Cũng thì hai chữ, cũng đồng một tác giả, mà nhạc điệu của hai bài thơ khác hẳn nhau. Mỗi bài một vẻ, mà mười phân vẹn mười.
Vậy thơ hay hay dở là do tác giả có tài hay không có tài chớ nào phải tại thể thơ?