Hương Vườn Cũ 53



Khi viết văn làm thơ, một số tác giả, nhất là phái có Hán học, thường mượn một sự tích xưa, hoặc một câu văn câu thơ cổ, để diễn tình diễn ý của mình, nhưng không kể rõ sự tích ấy, không dẫn cả câu nguyên văn, mà chỉ dùng một vài chữ liên hệ.
Cách ấy gọi là dụng điển cố.
Lấy sự tích xưa “sai sử” cho nó ứng dụng vào văn thơ của mình, thường gọi là DÙNG ĐIỂN.
Lấy chữ trong cổ văn cổ thi đem vào thơ mình để cho văn thơ mình ngậm chứa một phần lớn ý nghĩa của toàn câu cổ văn cổ thi ấy một cách kín đáo. Đó là MƯỢN CHỮ.

Xin mượn bài thơ BÁN CHỮ của Phan Sào Nam sau đây làm ví dụ:
Thưa các anh em, các chị em
Chữ tôi hay lắm phải pha dèm. [1]
Trời e sao đổ ngăn người đọc,
Đất sợ sông nhào đón kẻ xem. [2]
Sấy lửa cha Tần càng quí lắm,
Chữa phong chú Tháo lại kỳ thêm.
Tinh thần một lối văn không mực,
Chả tốn tiền mua cũng đã thèm.

Đó là bài “Rao hàng” khi Phan tiên sinh mở Mộng Du Thi Xã. Bài thơ mượn chữ dùng điển khá nhiều.
Trong câu thứ ba, chữ “sao đổ” là mượn của Lý Thái Bạch.
Nguyên một hôm Lý Bạch dong thuyền chơi đêm. Trước thuyền treo một lá cờ đề hai chữ “Thi Bá”. Thuyền Đỗ Phủ đi qua trông thấy, Đỗ liền cất tiếng ngâm:
Hà nhân giang thượng xưng thi bá ?
Nguyện bả văn chương thí nhất khan.

Nghĩa là:
Dòng sông ai ấy xưng thi bá ?
Đưa thử văn chương thưởng chút nào.

Lý Thái Bạch liền tiếp:
Thâm dạ bất kham đề tuyệt cú
Kủng kinh tinh đẩu lạc giang hàn.

Nghĩa là:
Thơ hay chẳng nở đề đêm vắng,
Sợ lạnh lòng sông rụng hết sao.

Từ ấy Lý Đỗ trở thành đôi bạn chí thiết trong đời và trong thơ.
Còn chữ “sao đổ” do chữ “tinh đẩu lạc” mà ra.
Còn chữ “sông nhào” chưa rõ tác giả mượn chữ ở đâu. Trong bài “Giang thượng ngâm” cảu Lý Bạch, có câu:
Hứng hàm lạc bút dao Ngũ Nhạc,
Thi thành tiếu ngạo lăng Thương Châu.

Nghĩa là:
Hứng tới bút sa lay Ngũ Nhạc,
Thi xong cười ngạo nuốt Thương Châu.
Không biết có phải tác giả dựa theo ý hai câu ấy mà xuống chữ “sông nhào” chăng.
Nhưng dù lấy chữ ở đâu, “sông nhào” cũng như “sao đổ” không phải là chữ “tạc không” tức là tác giả tự đặt ra, mà đều là chữ có “xuất xứ”.
Và đó là “Mượn Chữ”.

Còn câu năm, câu sáu, tác giả dùng điển.
Câu “Sấy lửa cha Tần” dùng điển Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn học trò, để ám chỉ chánh sách ngu dân của bọn cầm quyền lúc bấy giờ.
Câu “Chữa phong chú Tháo” mượn điển trong Tam Quốc: Trần Lâm viết hịch kể tội Tào Tháo. Tào Tháo đương bị cảm phong, đầu nhức hỏa xông, đọc bài hịch, liền toát mồ hôi, khỏi bệnh. Mượn điển ấy để nhắn ngầm quốc dân rằng tác giả sẽ dùng văn chương để lột trần dã tâm của bọn Thực Dân Phong Kiến, hầu mong chúng có sợ mà sửa đổi chánh sách độc ác của chúng đi chăng.

Những chữ “Văn không mực” cũng là “chữ mượn”. Đó là do những chữ “Vô ngôn thi”, “Vô tự kinh” mà ra. Ý tác giả muốn nói:
- Lâu nay bọn cầm quyền e sợ “sao đổ, sông nhào”, cấm đồng bào không cho đọc cho xem sách vở cuả cụ, nên cụ phải mượn “Mộng Du Thi Xã” để liên lạc cùng các bạn hữu chí hữu tâm… Nếu bọn chúng lại cấm nữa thì sẽ dùng đến cách “thần giao” để lòng nhau thông cảm những khi cần.
Bài thơ kể cũng khó hiểu.

Không phải tác giả muốn khoe hay chữ hay làm “khó dễ” cùng độc giả, mà chính để tránh lưỡi kéo độc ác của tòa kiểm duyệt đương thời. Vì những người coi về việc kiểm duyệt thời Pháp thuộc đều là những người ít biết chữ Hán. Những kẻ chỉ học chữ Tây để lo phụng sự cho quan thầy hầu kiếm giàu sang, thì làm gì biết điển cố trong văn chương. Mà đã không biết điển cố thì làm gì hiểu thấu được dụng ý của tác giả. nhờ thế mà bài thơ được đăng lên báo chí và truyền đi xa.

Dùng điển rất có lợi:
- Câu văn gọn ngắn mà bao hàm được nhiều ý nghĩa.
- Câu văn thêm đẹp, lời văn thêm ý vị thêm thanh tao.
- Lời nói, ý tưởng trong câu văn được chứng minh.
Dùng điển cố cho khéo, chẳng những có lợi cho tình ý trong câu văn bài thơ, mà còn gợi thêm trong tâm trí người đọc những hình ảnh những tư tưởng ở ngoài câu văn bài thơ.

Ví dụ đề Nghĩa Lư bà ái cơ của Thanh Xuyên Hầu đời Tây Sơn, PHẠM THÁI có câu:
Cỏ biếc chẳng treo hồn Sở trướng,
Trúc vàng thà điểm giọt Ngu cung.
Thanh Xuyên Hầu qua đời, bà ái cơ thắt cổ chết theo, nhưng người nhà cứu khỏi. Bà bèn cất nhà bên mả chồng để cư tang. Câu trên dụng điển bà Ngu cơ vợ Sở vương Hạng Võ tự tử ở Cai Hạ. Câu dưới dùng điển Nữ Anh Nga Hoàng khóc vua Ngu Thuấn tại Tương Giang.

Hai câu đó đã diễn tả tình cảnh và tâm sự của bà ái cơ một cách thấu đáo, mà còn gợi trước mắt người thuộc điển tích, nhiều hình ảnh do những chữ “cỏ biếc”, “treo”, “hồn Sở trướng”, “trúc vàng”, “điểm”, “giọt Ngu cung” gây nên… [3]

Nhưng dụng điển cố không nên lạm dụng. Lạm dụng sẽ làm cho bài thơ bài văn nặng nề và mất phần sáng tạo. Phải dùng cho đích đáng, nghĩa là điển cố mình dùng thích hợp với ý mình một cách tự nhiên, chớ không gò bó ép uổng. Giọng văn lời văn lại còn phải thích hợp với điển. Như thế điển mới “sống” văn mới hay. Điển cố là đồ nữ trang. Không biết trang sức thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ.

Dụng Điển có nhiều cách:
- Minh dụng.
- Ám dụng.
- Thái dụng.
- Tá dụng.

MINH DỤNG là dùng một cách chính xác rõ ràng.
Ví dụ Vịnh Trâu mà dùng điển Điền Đan, Nịnh Thích:

+ Đuôi cùn biếng vẩy Điền Đan hỏa
Tai nặng buồn nghe Nịnh Thích ca. [4]

+ Mắc mưu đốt đít tơi bời chạy,
Làm lễ bôi chuông dáo dác sầu. [5]

Ví dụ nói về tình trạng đất nước lúc Pháp đánh lấy Kinh thành Huế năm Ất Dậu, mà dùng điển Gia Cát Lượng, điển Trần Hy Di:

+ Mỏi mắt Hy Di trời Ngũ Quí
Nhọc lòng Gia Cát đất Tam phân. [6]

vân vân…

Lối này là lối thông dụng nhất nơi trường ốc cũng như trong làng thơ.

ÁM DỤNG là dùng một cách kín đáo, mới đọc qua dường không có điển, nhưng xét kỹ thì là có điển. Như bài TỰ THÁN của Nguyễn Trãi: [7]

Chiếc thuyền lơ lững bên sông
Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay.
Chắc chi thiên hạ đời nay
Mà đem non nước làm rầy chiêm bao
Đã buồn về trận mưa rào
Lại đau về nỗi ào ào gió đông.
Mây trôi nước chảy xuôi dòng
Chiếc thuyền hờ hững bên sông một mình.

Không một chữ khó. Dường là văn chương đầu lưỡi. Nhưng hầu hết các câu đều mượn ý trong cổ thi. Câu một, hai mượn ý trong câu:
Thân tại giang hồ thượng
Tâm tồn ngụy khuyết trung.

Nghĩa là: Thân ở trên sông hồ, lòng còn nơi Đế khuyết. Ý nói: Tuy không còn làm quan nữa nhưng vẫn không quên nước không quên vua.
Chữ NON NƯỚC và chữ CHIÊM BAO trong câu bốn, xuất phát nơi câu:
Lương mộng chức vị thành
Sơn hà kinh kỷ biến.

Nghĩa là: “Mộng lành dệt chưa nên, núi sông đã bao lần biến đổi”. Đó là niềm thất vọng của kẻ sỹ yêu nước, vì cô thế phải đành chịu bất lực trước những biến cố của quốc gia. [8]
Đó là ám dụng trung dụng điển, gọi tắt là ám dụng.

THÁI DỤNG là cắt lấy những phần của điển thích hợp với ý mình muốn tả, với việc mình muốn nói, và bỏ những phần không liên hệ hoặc tương phản với nội dung câu thơ. Ví dụ câu thơ của cụ Phan Sào Nam:
+ Sấy lửa cha Tần càng quí lắm
Chữa phong chú Tháo lại kỳ thêm.

Vế thứ hai là Minh Dụng, vì ý của tác giả muốn nói và điển dùng tương đồng: làm cho đối phương tỉnh ngộ. Đọc câu thơ, độc giả thấy rõ dụng ý ngụ ý của tác giả.

Còn vế thứ nhất, tác giả chỉ mượn “chất lửa” trong điển đốt sách chôn học trò của Tần Thủy Hoàng và bỏ tất cả những sự tai hại do việc đốt sách chôn học trò gây nên. Chẳng những bỏ, tác giả, với chữ SẤY, đã “lật ngược vấn đề”: Ngọn lửa tàn bạo của vua Tần sẽ vô cùng quí báu nếu biết sử dụng, nếu biết dùng để sấy cho ấm nhân tâm đã bị khôi lãnh, sỹ khí đã bị tiêu trầm, khiến cho những người lạnh lạt trước tình trạng đau xót của nước nhà, trở thành những người có hào khí, có nhiệt huyết. Đó là vừa thái dụng vừa phiên trần. Tức là vừa cắt lấy những phần thích hợp của điển và gạt bỏ những phần cũ kỹ để đưa những ý mới vào thơ.

Câu thơ của Phạm Thái:
+ Cỏ biếc chẳng treo hồn Sở trướng,
Trúc vàng thà điểm giọt Ngu cung.

Cũng như câu của Phan Sào Nam, vế thứ hai minh dụng, vế thứ nhất thái dụng. Vì việc bà Long Cơ thủ tiết không khác việc hai bà Nga Hoàng Nữ Anh thủ tiết. Còn tuy cũng một mục đích như nhau - mục đích chết để tỏ lòng trinh tiết cùng chồng - nhưng bà Ngu Cơ thì dùng gươm mà tự vẫn, còn bà Long Cơ thì dùng lụa để quyên sinh. Phạm Thái cắt bỏ việc dùng gươm, chỉ lấy ý nghĩa của việc tuẩn tiết. Nhưng để cho rõ là “tự ải”, tác giả dùng chữ TREO một cách tài tình. [9]
Cách thái dụng của Phạm Thái cũng như Sào Nam thật lão luyện và tinh vi. [10]
           
TÁ DỤNG là dùng ké, là mượn mà dùng, là mượn mà dùng. Ví dụ điển “Tào Tháo hoành sáo phú thi” trong bài phú Xích Bích của Tô Đông Pha:
Năm Kiến An thứ 13 (208) để đánh Đông Ngô, Tào Tháo kết thuyền trên sông Dương Tử tại huyện Gia Ngư. Thuyền nối nhau san sát, khí thế rất mạnh. Tào Tháo đắc ý cầm ngang ngọn giáo, nhìn trăng ngâm thơ “Nguyệt minh tinh hi, ô thước nam phi…” Nhưng rồi bị đối phương dùng hỏa công đốt thuyền cháy sạch, Tào Tháo bị bại. Dãy núi ở trên bờ sông Dương Tử, một khoảnh rộng lớn bị lửa đốt thành sắc đỏ, nên gọi là Xích Bích (Vách Đỏ).

Đời Tống, Tô Đông Pha (1036-1101) bị trích ở đất Hoàng Châu. Ở Hoàng Châu cũng có một dãy núi đá sắc đỏ như dãy núi ở Gia Ngư và cũng gọi là Xích Bích. Năm Nhâm Tuất (1082) ông Tô đi chơi thuyền dưới chân núi ấy, cao hứng làm bài phú Xích Bích. Nhân Xích Bích này trùng tên cùng Xích Bích kia, nên Tô Công nhớ đến việc Tào Tháo đời Tam Quốc mà mượn đem vào văn chương.

Trong bài thơ ĐÔNG  của Thái Thuận, câu luận:
Công danh thùy nghĩ Bình Hoài tướng
Văn sử ngô tàm Phụ Hán nho [11]

Nghĩa là :
Công danh ai dễ so Hàn Tín
Văn sử ta riêng thẹn Tử Phòng.

Đó là tá dụng. Bởi điển Hàn Tín Trương Lương có liên quan chi đến Mùa Đông. Chỉ có nhân cảnh gió mưa hiu hắt làm cho cây cỏ tiêu điều mà tác giả liên tưởng đến thói bạc bẽo phủ phàng của thế nhân, và nghĩ ngay đến Hán Cao Tổ là nhân vật điển hình cho thói bạc bẽo phủ phàng.

Nghĩ đối với nhà Hán, công ai lớn bằng công Hàn Tín, và danh đối với người đương thời, danh ai rạng bằng danh Hàn Tín. Thế mà rốt cuộc Hàn Tín bị Hán Cao Tổ tru di, thân bị hại danh nhơ! Thân hại danh nhơ do bàn tay của con người đã nhờ mình dựng nên đế nghiệp! Hán Cao đối với Hàn Tín tàn ác thua gì mưa gió mùa đông đối với nội cỏ ngàn cây!

Gương xưa còn đó, sao mình không chịu soi để theo dấu Tử Phòng thoát ra  ngoài vòng cương tỏa? Nghĩ mà thẹn thùng, thẹn thùng vì còn ham bã vinh ba nên ra làm quan cùng triều nhà Lê mà Lê Thái Tổ đã đối xử với công thần không khác gì Hán Cao Tổ
Câu thơ của Thái Thuận, về cách dụng điển thì gọi là tá dụng, còn về cách diễn ý thì gọi là gián tự. [12]   

Tác giả Tùy Viên Thi Thoại nói:
- Thi nhân không nên câu nệ trong việc sử sự [13]. Như Bạch Lạc Thiên trong bài Trường Hận Ca có câu “Nga My sơn hạ thiểu nhân hành” [14], thì lúc Đường Minh Hoàng hạnh Thục, nào có đi ngang qua núi Nga My. Trong bài thi Tiên Thành của họ Tạ, “Trừng Giang tịnh như luyện” [15], thì Tiên Thành cách sông Giang đến trăm dư dặm và nơi huyện trị Tiên Thành phía tả phía hữu đều không có sông lớn. Trong bài phú Thượng Lâm của Tương Như có câu “Bát Xuyên phân lưu” [16], thì nơi Tràng An đâu thấy tám sông.[17]
Đó là Viên Mai nói về tá dụng.

Từ xưa đến nay trong việc dụng điển, chỉ có cách minh dụng là phổ thông. Cách tá dụng, trừ thơ chữ Hán của Tàu và của ta ra, trong bài thơ Hàn luật không thấy có lẽ do cái học cử nghiệp mà ra. Bởi quy luật trường ốc đã nghiêm, phần đông quan chấm trường lại cố chấp không dung thứ những gì ở ngoài khuôn phép đã định. Sỹ tử muốn thi đậu phải lo học tập những phép chính cống trong việc làm thi. Cách tá dụng không được các sách dạy làm thi soạn cho hàng cử tử chuyên nghiệp đề cập đến, mà chỉ thấy bàn đến trong các sách thi thoại của Trung Hoa. Do đó các học giả và thi nhân nặng về thơ cử  nghiệp không chấp nhận phép tá dụng [18]
Các bậc tiền bối dạy làm thơ chẳng những không dạy cách tá dụng, mà còn khuyên không nên dùng những tịch điển và sanh điển.
- TỊCH ĐIỂN là những điển bí hiểm ít người biết.

Trong những áng thơ hay còn truyền thế không thấy ông cha ta dùng tịch điển. Có nhiều người lầm tưởng điển khó, những điển ít thông dụng trong thơ Quốc âm, là tịch điển. Ví dụ những điển dùng trong bài HOÀI CỔ NGÂM của Tương An Quận Vương:

Xiết bao khóc tủi buồn thầm
Tiếng tiêu Ngũ Tử tiếng cầm Ung môn [19]
Vàng Quách Ngỗi ai đồn ai rước? [20]
Ngọc Biện Hòa ai ước ai hay?! [21]
Non bạc tóc nước chau mày
Trăng như thế sự thường ngày thường hao…
……………………

Chốn chiến trường đống xương trắng nhẻ
Người diễn khơi hồn ghé khuê môn. [22]                       
Chơi vơi sóng phủ sầu dồn
Mượn câu Tinh Vệ chiêu hồn Đại Phu… [23]
………………………

Mã ngôi muôn dặm thẳng dong [24]
Thuyền quyên hồn tắt, anh hùng lệ sa.
Bốn giây ứa máu tỳ bà
Ngỡ ngàng trăng Hán phôi pha gió Hồ… [25]

vân vân…

Vì đề tài là Hoài Cổ nên tác giả đem những sự tích của người xưa mà tác giả nhớ đến, ra làm tài liệu để xây dựng khúc ngâm. Trong những cổ tích ấy có nhiều điển xa lạ với phần đông những người sanh vào thời chữ Hán cáo chung để nhường chỗ chữ Quốc Ngữ và chữ Pháp trong học đường và ngoài xã hội Việt Nam. Xa lạ vì không dùng đến chớ không phải vì bí hiểm. Cho nên không thể gọi là Tịch Điển.

Cụ NGUYỄN QUÍ ANH, người Nam Bộ, lúc lục tỉnh bị Pháp chiếm cứ, bỏ nhà ra Phan Thiết ở. Thơ đề biệt thự có câu :
Chiều xem đất chiếu cuốn thành Nam Phố
Mai ngắm trời giăng bức Võng Xuyên [26]

Cụ HUỲNH THÚC KHÁNG họa vận:
- Lầu Quản lánh xa chân Ngụy địa, [27]
Thi Tô theo dõi tập Tà Xuyên [28]
- Cách hiệu đua chen Đường Lý Đỗ [29]
Mộng hồn vơ vẩn Tống sơn xuyên [30]

Có nhiều người cũng cho là dùng tịch điển, làm mất hứng thú của người đọc.
Những điển dùng trên đây, cũng như trong bài Hoài Cổ của Tường An Quận Vương, đối với chúng ta có phần khó thật. Song đó là lỗi nơi chúng ta ít đọc sách chữ Hán. Chớ đối với các cụ ngày xưa thì chẳng khác những chỉ bàn tay đối với các thầy tướng số. Đối với quí cụ, TỊCH ĐIỂN là những điển hiểm hóc, những điển không có trong các sách đã được phổ biến trong các sách đã được phổ biến, nhất là Kinh, Truyện, Sử.

Người xưa cho là dùng tịch điển, như thơ vịnh tuyết của Tô Đông Pha:
Đống hợp ngọc lâu hàn khởi túc
Quang giao ngân hải huyễn sanh hoa [31]

Hoặc như thơ Tống biệt của Huỳnh Đình Kiên:
- Lâm sương thu áp cước
Xuân võng tiến cầm cao [32]

Những chữ Ngọc lâu, Ngân hải, Áp cước, Cầm cao đều không phải lấy trong các chính sử và ngũ kinh tư thơ.
Những chữ ấy không còn mang nghĩa chính của chúng. Ngọc lâu không phải là ngọc lâu, Ngân hải không phải là biển bạc, người chú thích Tô thi giải rằng: Các nhà đạo sỹ gọi là Ngọc lâu xương vai, Ngân hải mắt. Còn Áp cước chỉ là cây rau ngân hạnh, vì cây ngân hạnh, theo sách Bản Thảo, lá như ngón chân vịt, nhân đó mà mệnh danh. Và Cầm cao là chỉ con cá chép đỏ, vì sách Liệt Tiên chép rằng đời Chu mạt có người thuật sỹ tên Cầm Cao ra vào sông Hôn Thủy, cỡi cá chép đỏ, nhân đó gọi cá chép đỏ là Cầm Cao.
Ưa dùng tịch điển là người đời Tống. Đó là đo sức bác học mà cũng do tánh ưa đấu hiểm của phần đông văn nhân. Người đời sau cực lực chỉ trích, như Viên Mai, tác giả Tùy Viên Thi Thoại là một. [33]
Nói tóm lại cổ nhân chia điển làm:
- Chính điển là những điển lấy trong chính sử và Ngũ Kinh Tứ Thơ. [34]
- Ngoại điển là những điển mượn trong sách của Bách Gia Chư tử đã được phổ biến.
- Tịch điển là những điển rút trong những sách ít người biết, ít người đọc. [35]

Còn SANH ĐIỂN là những điển sống, tức những sự việc thuộc về quốc gia hay anh hùng liệt nữ vừa xảy ra và chưa được đem vào lịch sử. Những sự kiện rút trong các sách mới xuất bản chưa được phổ biến rộng rãi, như truyện, tiểu thuyết…, cũng gọi là Sanh điển.
Sanh điển đối trĩ cùng cổ điển.

Trong bài Đề Nghĩa Lư của Phạm Thái [36] có câu:
Dệt gấm Thanh Nê câu nhất tiếu
Thêu nền Thúy Ái chữ tam tùng.

Vế thứ nhì dùng Sanh điển, điển bà Phan Thị Tuấn [37]. Bà Phan là thứ thất Ngô Cảnh Hoàn, tôi nhà Lê. Ngô Cảnh Hoàn giao chiến cùng binh Tây Sơn bị tử trận tại sông Thúy Ái. Bà Phan Thị Tuấn sau khi mãn tang, tự dìm mình nơi sông chồng tuẩn quốc, để cho trọn đạo tam tùng.
Nghĩa Lư là nơi thủ tiết của bà Long Cơ vợ thứ Thanh Xuyên Hầu, người đồng thời cùng Ngô Cảnh Hoàn.

Tác giả bài Nghĩa Lư cũng là người đồng thời cùng Ngô Cảnh Hoàn và việc bà Phan Thị Tuấn tuẩn tiết mới xảy ra trước việc bà Long Cơ toan tự ải để theo chồng độ một vài năm.
Vì vậy điển bà Phan Thị Tuấn đối với chúng ta ngày nay là cổ điển, nhưng đối với Phạm Thái lúc soạn bài Nghĩa Lư là sanh điển.

Cổ nhân khuyên không nên dùng sanh điển là vì sợ người đương thời ít kẻ biết, và người hậu thế sẽ mịt mờ nếu những sự kiện lịch sử kia không được biên chép, những quyển sách chứa số sanh điển kia không được lưu thế. Mà không biết rõ điển tích dùng trong thơ thì làm sao thưởng thức được trọn vẹn những cái hay cái thú của văn chương.

***

Chẳng những khuyên không nên dùng sanh điển tịch điển mà thôi, cổ nhân cùng thường khuyên không nên dùng nhiều điển, dù là chính điển. Chỉ nên dùng điển khi nào không đừng được. Có nhiều học giả công kích hẳn việc dùng điển[38]. Nhưng khuyên ít dùng điển, công kích việc dùng điển, là nhắm vào những đối tượng có thiên kinh vạn quyển trong bụng. Và những người đứng ra khuyên, đứng ra công kích cũng là những người có thiên kinh vạn quyển trong bụng, kinh nghiệm bản thân đã cho thấy rõ lợi hại. Chớ những người trong bụng chỉ chứa cao lương mỹ vị thì tưởng không nên quên gương nàng Đông Thi.




[1] Có người đọc là: “Chữ tôi hay lắm chẳng ai thèm”.
[2] Có người đọc là: “Đất sợ sông xiêu ít kẻ xem”.
[3] Đã nói kỹ trong chương số 10 ở trước.
[4] Thơ của Đặng Đức Siêu (xem chương 36 ở trước).
[5] Thơ của Nguyễn Văn Lạc (Xem ở chương 38).
[6] Thơ của Phạm Như Xương (Xem chương 30 trước đây).
[7] Bài này tương truyền là của Nguyễn Trãi, trong Văn Đàn Bảo Giám cũng chép là của Nguyễn Công. Song không tìm thấy trong Ức Trai Quốc Ngữ Thi tập.
[8] Đã nói rõ trong NHỮNG BỨC THƯ THƠ nên ở đây chỉ nói qua.
[9] Xem chương 10 nói về Phạm Thái ở trước.
[10] Bài thơ của Sào Nam, thi vị kém, chỉ có giá trị về cách dụng điển.
[11]  Xem toàn bài ở chương 49 nói về thơ mùa Đông.
[12] Đã nói rõ ở tập Những Bức Thư Thơ, nên ở đây chỉ nói đại lược về cách dùng điễn.
[13] Dụng điển thường gọi là Dụng  sự  hay Sử sự (Sử dụng những sự kiện  lịch sử, sử dụng những sự vật trong sách vở hay ngoài đời những khi làm văn làm thơ ).
[14] Dưới núi Nga My ít người qua lại.
[15] Sông Giang trong sáng lúc tạnh trông như tấm lụa
[16] Tám sông chia dòng.
[17] Nghiêm Mông Hữu nói rằng ngày xưa Trường An có 8 con sông là Kinh, Vị, Bá, Sản, Lệ, Kiểu, Lạo, Duật, đến đời Tống thì bị lấp hết.
[18] Ông bạn Đông Hồ chỉ trích việc dùng điển “Ô y hạng” vào “Đêm thu nghe quạ kêu” (xem Úc Viên Thi Thoại) là đứng lên lập trường “dùng chính điển” không công nhận phép “Tá Dụng”.
[19] Đã trích một đoạn dẫn trong bài nói về Tương An ở Chương 18 trước kia. 
                Ngũ Tư: Ngũ Tử Tư  người nước Sở chạy qua nước Ngô lánh nạn. Lương hết phài phải thổi tiêu cầu thực ở các chợ.
                Ung Môn :  Ung Môn Chu là môn khách của Mạnh Thường Quân, có tài gảy đàn, tiếng đàn nghe ai oán làm rơi nước mắt Mạnh Thường.
[20] Quách Ngỗi: đời Chiến Quốc. Yên Chiêu Vương dựng lầu vàng gọi là Hoàng Kim đài rước Quách Ngỗi về làm tể tướng. Nhân tài trong thiên hạ thấy nhà vua trọng hiền liền kéo nhau đến phò tá.
[21] Biên Hòa Nước Sở, được ngọc quí, đem dâng cho vua, vua cho là giả, truyền làm tội chặt chân, chân chặt đến 2 lần dưới hai triều vua. Đến thời vua thứ ba mới có thợ giỏi đem mài thành ngọc quí (Ngọc liên thành).
[22] Mượn ý trong câu thơ cổ:
                Khả lân Vô Định hà biên cốt
                Do thị tham khuê mộng lý nhân
(Khá thương cho những xương cốt ở bên sông Vô Định, mà còn là những người trong mộng chốn thâm khuê).
[23] Tinh Vệ: Con gái vua Viêm Đế chết trôi, hóa thành chim tinh vệ, ngày ngày ngậm đá ở non Tây đem lấp biển đông để rửa hận.
    Đại phu: Chỉ Khuất Nguyên.
[24] Mã Ngôi: Nơi Dương Qúi Phi thăt cổ chết.
[25] Tỳ Bà: Tích Chiêu Quân cống Hồ.
[26] Võng Xuyên: Hiệu Vương Duy đời Đường, có tài thi và họa. Cổ nhân khen: Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi.
[27] Ngụy địa: Chỉ nơi quân Pháp chiếm đóng. Lấy tích Quảng Ninh đời Tam Quốc, khi nhà Ngụy tiếm ngôi nhà Hán, Quảng Ninh bỏ quê hương sang Liêu Đông thuộc nhà Ngô, làm nhà ở, suốt đời không đạp chân lên đất Ngụy.
[28] Tà Xuyên: Hiệu của Tô Lão Tuyền đời Tống.
[29] Đường Lý Đỗ: Lý Bạch, Đỗ Phủ đời Đường.
[30] Tống sơn xuyên: Sông núi nhà Tống. Cổ thi có câu: “Bất tri Kim nhật nguyệt, Đản mộng Tống sơn xuyên” Nghĩa là “không biết ngày tháng rợ Kim, chỉ mơ đến non sông của nhà Tống”.
[31] Giá hợp trên xương vai, nhưng lạnh bắt đầu từ chân lạnh lên; ánh sáng làm giao động con mắt nên thấy sanh hoa một cách huyễn hoặc.
[32] Sương rừng thâu rau ngân hạnh; Lưới xuân dâng cá chép đỏ. (áp cước là rau ngân hạnh, cầm cao là cá chép đỏ).
[33] Tác giả Tùy Viên Thi Thoại bác lời giải thích của Tống nhân về nghĩa chữ Ngọc lâu và Ngân hải. Ông nói chữ Ngọc lâu và Ngân hải dùng để tả sắc trắng của tuyết. Đó là việc thường của nhà làm thi. Chớ nếu giải như Tống nhân thì chẳng lẽ trời xuống tuyết chỉ đến nơi nhà người đạo sỹ mà thôi ư? Giải như Tống nhân thì vẫn có rộng nhưng ý vị câu thơ trở thành lạt lẽo.
[34] Những ý những chữ lấy trong cổ thi, cổ văn cũng được coi là chính điển.
[35] Tịch điển ở trong thơ Quốc âm không thấy có. Có lẽ những câu dùng tịch điển đã bị loại vì ít người hiểu nên ít người truyền.
[36] Xem toàn bài ở chương 10 nói về Phạm Thái.
[37] Xem sự tích bà Phan Thị Tuấn đã nói rõ ở chương 14.
[38] Về việc dùng điển ở các chương trước đã nói nhiều, ở đây chỉ nói đại lược.