Hương Vườn Cũ 1.2.

1.

Làm thơ là một mình uống rượu trong hoa.
Viết thi thoại là ngồi buồn mở tiệc đãi khách.
Tiệc tuy không thể sánh cùng Trần Tư Vương quán Bình Lạc, song khác hẳn không đến nỗi cửa Dương Lễ, một chàng Lưu.
Khách đã trên hai thì sở thích không phải một.
Tiết canh vịt dẫu rằng ngon, song không phải món ăn hiếm có. Thế mà trong bữa tiệc linh đình, thiếu tiết canh vịt, Tản Đà tiên sinh đành ngồi nhắm rượu suông. Hải sâm nấu kiểu Tàu chẳng những ngon mà còn tuyệt bổ. Thế mà Hàn Mặc Tử nể lòng bạn, nếm một thìa con, ba hôm sau mình còn rởn ốc! Thịt cầy người đất Bắc, sầu riêng người miền Nam… thế vị tân cam, món quí không hẳn là món thích. Đã có lòng với khách, liệu sao cho khỏi có kẻ ôm bụng ra về không.
Có cá ám vịt quay…, cũng phải có bầu tượng dưa chuột. Và dĩa bắp chuối luộc, bát canh rau tàn ô, thường vớt những bạn ớn những chả phụng nem công trong nửa bữa. Còn dưa giá chua, muối đậu phụng lại giúp người cữ mặn cùng vào tiệc chia vui.
Cho nên chủ nhân lo sắm sửa món ăn, món ăn được cứ sắm. Chỉ sợ thiếu, không sợ thừa. Miễn sao mâm bát dọn lên đừng bừa bãi những món thiu úng.

Tùy Viên Thi Thoại có câu:
Thanh bằng cung chủy đô tu túy
Vị tẫn toan hà chỉ yến tiên

Nghĩa là:
Tiếng dù chủy dù cung miễn sao dòn là thích,
Vị cả chua cả mặn cốt cho tươi là ngon.

Xin mượn làm khẩu hiệu, khi lo sắm dọn bữa tiệc thơ đãi bà con.
Nắng mưa một tấm lòng son
Đợi người chung nước chung non chung tình.




2.

Thơ thất luật, tức thơ Thất Ngôn Bát Cú, gọi là thơ Đường Luật, vì luật thơ do các thi nhân đời nhà Đường (thế kỷ thứ IX), đặt ra.
Viên Tử Tài, tác giả Tùy Viên Thi Thọai, nói rằng:
- Thơ Thất Luật đời Thịnh Đường ví như quốc gia mới sáng kiến qui mô, thọ lập giá tử. Ơ bên trong, những động phòng khúc thất, những cửa võng bao lơn… chưa tề bị. Đến đời Trung Đường, Vãn Đường mới thật lòng chỉnh túc. Sang đời Tống, đời Nguyên, đời Minh…, càng xuất càng kỳ.
Luật thơ Đường dung nhập sang Việt Nam từ đời nào thật không rõ, nhưng được áp dụng trong làng thơ Quốc âm từ đời nhà Trần (thế kỷ thứ XIII) do Hàn Thuyên khởi xướng. Cho nên thơ Quốc âm làm theo thể thơ Đường luật gọi là thơ Hàn luật, và Hàn Thuyên được suy tôn làm thủy tổ thơ Nôm.
Thơ Hàn luật sản xuất đời Trần còn ở trong vòng phôi thai. Thời Lê Mạc là thời phát đạt. Khoảng cuối đời Lê sang đời Tây Sơn qua đời Nguyễn, là thời toàn thịnh. Những vần thơ kiệt tác có thể so sánh cùng thơ Trung Hoa, đều sản xuất trong thời kỳ nầy.

Có thể ví thơ Hàn Luật với ngôi nhà Việt Nam cất theo kiểu Trung Quốc: Ba gian, hai chái, đuôi mái cong cong. Và trải bao nhiêu cuộc hưng vong, ngôi nhà vẫn không thay đổi kiểu.
Khi ngôi nhà mới lạc thành thì trong ba gian rộng chỉ kê bên trong một án thờ bày lơ thơ bộ ngũ sự bằng trắc, một bộ phản gõ để trần và bên ngoài một bộ tràng kỷ chân tiện. Để tiếp khách chủ nhân là một nhà nho thuần phác, khăn áo màu thâm, dép mang quai dọc. Khách vào nhà chơi, mời xơi chung trà nóng, miếng trầu tươi. Ít nói ít cười khách muốn ở chơi lâu, không ngại, muốn ra về ngay, không cầm. Tự nhiên giản dị…

Qua đời nhà Hồ, đời Hậu Trần, bộ ngũ sự trắc được thay thế bằng bộ ngũ sự đồng. Phản gõ được trải chiếu hoa, và trên vách phía đông phía tây, treo đôi bức tranh thủy mặc. Khách vào chơi thấy có phần vui ấm hơn xưa.
Sang thời phát đạt, nhất là từ đời Lê Hồng Đức đến đời Lê Cảnh Hưng, thì trong nhà sắm thêm nhiều đồ trần thiết. Bên những bức tranh tùng trúc, treo thêm đôi ba bức họa phụng hoàng đậu cành ngô, rồng xanh cuốn mây trắng… và cạnh chiếc lư đồng đánh bóng, đặt thêm bình hoa phía đông, cỗ bồng quả phía tây, sắc tươi hương thắm. Còn chủ nhân, vẫn nhà nho thuần phác ấy, vẫn dáng người bình đạm ấy, song khăn áo có phần chải chuốt hơn, cách đón mời có phần vồn vã nồng nàn hơn. Ngồi hầu chuyện cùng chủ nhân khách thấy thích thú hơn xưa, và lúc ra về còn đem theo ít nhiều hương vị.

Rồi lần lần cách trang trí đổi mới. Án chạm thay án đơn, ghế bành thay trường kỷ; hoành sơn chen liễn cẩn, bình sứ cạnh trắp ngà; buồng trong buông rèm hương, lối đi trồng hoa thắm… nhà trong nhà ngoài đông đầy con cháu, trang nghiêm đài các có, phong nhã hào hoa có, thanh đạm khoái dật có, mà cuồng phóng kiêu bạc cũng có… Lại có cả mỹ nhân, đoan trang thùy mị, kẻ lo dệt gấm, người lo tỉa hoa, cũng có cả tài nữ, nhí nhảnh nghịch ngợm, hoặc hé mành cười duyên, hoặc lấy hoa quả ném khách… còn nhà nho ngày xưa, nằm nghỉ nơi hậu đường, thỉnh thoảng mới bước ra vườn hoa nhà sách trong giây lát.
Cảnh nhà lúc bấy giờ kể cũng thạnh vượng.
Nhưng rồi kinh thành Huế thất thủ, quân Pháp đặt nền đô hộ lên đất nước Việt Nam, nhà thơ Hàn Luật cũng theo quốc vận mà suy lần.
Đến nay ngoảnh lại mà xem thì chẳng khác lầu ca khi tiệc mãn.

Tiệc mãn lầu ca lạnh ánh sương
Bâng khuâng tay ngọc xếp nghê thường.

Tình cảnh ấy không riêng gì thơ Hàn Luật bên Việt Nam, mà chung cả thơ Đường Luật bên Trung Quốc.
Có sanh thì có diệt. Đó là lẽ tất nhiên.
Nhưng diệt là diệt bên hình thức, tức là diệt thể thơ, chớ bên tinh thần, tức là hồn thơ của dân tộc, không bao giờ diệt hết.
Bởi thể thơ là tướng, hồn thơ là tánh.
Tướng tùy duyên, tánh bất biến.
Đã hiểu rõ diệu lý rồi thì không còn bận tâm đến sự thịnh suy tiêu trưởng.

Ra về chớ tiếc đêm xuân lụn
Vườn cũ nghìn hoa đợi bóng dương.[1]



[1] Bốn câu thơ trên trích trong tập ĐỌNG BÓNG CHIỀU.