Hương Vườn cũ 63



Đất Cựu Thần Kinh Huế là trung tâm điểm của nền văn học miền Trung. Xưa nay sản xuất nhiều thi sỹ tài ba bên quốc âm cũng như bên Hán tự.
Ngoài những vị đã nổi tiếng khắp Bắc Nam, như Tuy Lý Vương, Tùng Thiện Vương, Tương An Quận Vương, Lại Đức Công Chúa, Ưng Bình Thúc Giạ Thị…, còn Mộng Phật Tôn Thất Diệm, Tam Xuyên Tôn Thất Mỹ…, mà một số giai tác đã được truyền xa, và nhiều vị khác thì tài cao thi học rộng, nhưng chỉ nổi danh ở Huế và trong năm ba tỉnh miền Trung. Như:
- Vân Bình Tôn Thất Lương,
- Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn,[1]
- Đạm Phương Công Nữ Đồng Canh,
- Thảo Am Nguyễn Khoa Vy,
- Mộng Si Nguyễn Thuyết…    
vân vân….

Lại có nhiều thi nhân di cư vào Nam từ thời Duy Tân Thành Thái, văn chương thân thế được người Miền Nam biết nhiều hơn người miền trung, như:
- Huỳnh Quỳnh Viên,
- Thượng Tân Thị…                
vân vân...        

Trong các chương trước tôi đã giới thiệu một ít thi phẩm cả các danh sỹ Hương Bình, ở đây tôi xin tiếp tục:

A- Vân Bình TÔN THẤT LƯƠNG, một lớp tuổi cùng Tản Đà. Giỏi Văn Hán, thông Tây Học. Đã cùng cộng tác cùng tạp chí Nam Phong, Trung Bắc Tân Văn, Lục Tỉnh Tân Văn và nhiều tạp chí văn học khác. Và đã từng dạy trường Uyên Bác tức trường Hậu bổ của Nam triều trước kia, trường Quốc Học và Nữ Trung Học Đồng Khánh Huế trong khoảng mấy năm trước Hiệp Định Genève. Tiên sinh mất năm 1951, thọ 65 tuổi.

Tiên sinh là một thi sỹ tài ba. Làm thơ rất nhanh. Trong những cuộc xướng thù, tiên sinh thường áp đảo thi hữu. Nhưng làm rồi là rồi, không mấy khi ghi chép lại. Năm 1930 tôi được gần gũi Tiên Sinh, nên còn nhớ một ít: [2]

- Con én chít chiu lầu tía lạnh
Ngàn dương tha thước bóng vàng xiêu.

- Cung quế xa treo gương vằn vặc,
Tranh tình khéo vẽ nét chi chi?

- Trăng lồng vẻ ngọc đêm mười sáu
Trà đượm mùi hương nước thứ hai.

- Cơm mắm mà ngon vì đói bạn,
Thơ rơm cũng hứng bởi ngây tình.

- Góc biển trông trăng mờ mặt sóng,
Lưng trời lắng nhạn quạnh hơi thu.

Tôi không thuộc được toàn thiên là vì thơ của Tiên sinh phần nhiều là thơ thù tạc, tôi không thích. Còn những bài thật thơ, văn chương lại không đều, cạnh những câu hay thường chen những câu làm cho đủ vai vế. Khuyết điểm ấy có lại thêm những khách xướng họa cùng Tiên sinh đều mắc phải bệnh ưa khen ghét chê. Cho nên Tiên sinh chỉ thấy ưu mà không thấy khuyết.[3]    

Nhưng đó là về thơ Đường luật.
Đối với thơ Cổ phong, Tiên sinh lại rất thận trọng. Không bao giờ Tiên sinh nắm bút viết, mở miệng đọc, một cách dễ dải hay khinh xuất như thường khi làm thơ Luật, mà luôn luôn lập ý, bố cục, dụng tự, tu từ, một cách công phu.
Xuất sắc nhất là bài Hương Giang Hành, và bốn bài về Lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, mà Tiên sinh hợp lại thành tập nhan đề là CUNG CHIÊM TÔN LĂNG.

Tập nầy, năm 1942 cụ định cho xuất bản. Phạm Quỳnh viết tựa cho tập, không tiếc lời tán dương:

“… Tôi đọc kỹ bốn bài thi trường thiên cổ thể, vẫn thấy lời lẽ thanh tao, cốt cách phong nhã như thi văn hồi trước, mà cái hồn thơ cố hữu thời lại dường như dạt dào lai láng hơn xưa nhiều.
Âu cũng là hoàn cảnh khiến nên như thế chăng?
Tả cảnh đã khéo mà tả tình lại hay.
Tả cảnh thời như:
Bông sen nghiêng ngửa dặm trì đường
Khóm trúc bơ sờ bóng tịch dương.
Hay là:
Dân hương đầu bạc bốn năm cô
Quét lá áo xanh ba bốn chú.
Rõ ra cái cảnh hiu quạnh chốn Tôn Lăng ngày nay.
Nhưng tả tình lại còn cảm động hơn nhiều.
Như đứng trước Hiếu Lăng, mượn lời thiếu nữ trong mộng thuật chuyện tang thương mà nói rằng:
Em buồn em kể chuyện tang thương
Bao nỗi tang thương bấy đoạn trường 
Chín khúc héo hon biết ai tỏ?
Dường quyên gào nguyệt dế ngâm sương.
Thời ai đọc mà cầm lòng cho đặng.
Còn cái cảm giác của khách cung chiêm mà tóm tắt lại hai câu như sau:
Gẫm thân quì hoặc chiều xuân muộn
Theo bóng tà dương luống ngậm ngùi
Thật là vô cùng cảm khái!
…………………
Tác giả thật không phụ tiếng phong nhã tài hoa mà vẫn giốc lòng tôn thân ưu ái vậy”.

Không chút quá lời. Song Phạm Quỳnh chỉ khen phớt qua đôi nét, chớ không nói đến cái hay cái khéo của từng bài, cũng không nói rõ chỗ sở trường của tác giả.

Bốn bài Cung Chiêm Tôn Lăng, mỗi bài một thể văn khác hẳn nhau tuy cùng một thể trường thiên cổ phong. Và mỗi bài có một cốt cách riêng, một sắc thái riêng và một khí vị riêng. Từ xưa đến nay, trong làng thơ Quốc âm, tôi chưa gặp bài cổ phong nào có thể sánh với những bài trong Cung Chiêm Tôn Lăng.

Rất tiếc tập thơ còn nằm mãi trong bản thảo, vì không đủ khả năng tài chánh nên ý định xuất bản của Vân Bình Tiên sinh không thể thực hành [4]! Đọc thơ cổ phong trường thiên cũng như nghe nhạc hợp tấu. Không thể đọc từng liên như đọc thơ Đường Luật. Phải đọc toàn thiên hoặc ít ra cũng từng đoạn kia, câu này ăn nhịp với câu nọ, ý trên dòm xuống ý dưới, ý dưới níu lấy ý trên, hô ứng phục khởi liền nhau, cắt ra thì phải dứt mạch lạc. Cũng như trong bản nhạc hợp tấu mà nghe trống riêng, nghe kèn riêng, nghe đàn sáo riêng…, thì, tài mỗi nhạc công dù cao đến đâu, cũng không thích thú bằng nghe tấu chung một lượt.

Nhưng hai liên tả cảnh Hiếu Lăng mà Phạm Quỳnh trích dẫn nơi bài tựa, đọc riêng từng liên đâu có ý vị bằng đọc chung cả đoạn:
...........................................
Sân chầu, đình bia, tấm điện giữa,
Một hồ bán nguyệt vòng bao quanh.
Hồ thông với nước Hương Giang mát,
Nước hồ thấm mát cảnh thêm xinh:
Nơi nơi bồn hoa sen chậu cảnh,
Mày liễu má đào chen ghen khóe hạnh.
Giữa cảnh sum nghiêm có thấy ai!
Thấy mình hoa thắm thắm rồi phai…,
Mấy chòm mây trắng tan rồi tụ…
Thấy đứng quanh hồ chòm liễu rũ,
Dân hương đầu bạc bốn năm cô,
Quét lá áo xanh ba bốn chú!

Mấy cô đầu bạc đó là các cung phi mỹ nữ của tiên triều còn sống sót, mấy chú áo xanh đó là phạm nhân đến quét dọn mỗi ngày. Đặt những người nầy bên cảnh đẹp đẽ kia, đó là một cách minh ám đối chiếu (contraste d’ombre et de lumière) làm nổi bật không khí đìu hiu lạnh lẽo, làm đậm nét cái cảnh tượng không hoang phế nhưng bẽ bàng.

Nếu nhìn cảnh riêng người riêng, thì người không đến nỗi cô đơn quạnh quẽ, vì bốn năm cô ba bốn chú dù không thân nhau nhưng vẫn có nhau. Còn cảnh thì hồ luôn luôn trong mát, đào hạnh luôn luôn thắm tươi, liễu có vì sương móc mà tủi sầu cũng không nên võ vàng ủ rũ, nếu không có áo xanh đầu bạc đem phong trần vào làm hoen ố sắc hương.

Nhưng nếu không có áo xanh đầu bạc thì lấy ai để nói dùm nỗi lòng của tác giả trước cảnh buồn bả của Hiếu Lăng? Đó là mượn cảnh để tả tình, mà cảnh là khung và tranh biểu tình là nhân vật.

Phạm Quỳnh trích hai câu “đầu bạc… áo xanh” ra để khen, như thế là đã nhìn thấy đôi mắt u buồn của Bao Tự mỹ nhân. Nhưng vì đôi mắt bị đem ra khỏi khuôn mặt mỹ miều, nên nét u buồn kém vẻ sâu xa thấm thía. Nếu không đưa về vị trí cũ, thì người ngoài có thể ngờ chỉ là đôi mắt của một thôn nữ có duyên.
Tiếp theo đọan trên là đoạn có hai câu “…Trì đường… Tịch dương”:

Kể chi cảnh quạnh lắm dông dài
Thấm ướt  khăng hồng lệ láng lai.
Hãy kể muôn dân thấm Văn đức,
Thảo Muội xưa từng phục võ oai.
Võ oai văn đức xưa lừng lẫy,
Kính thiên pháp tổ nay còn thấy:
Còn tòa Thế Miếu vẻ nguy nga,
Còn pho Nhất Thống Đại Nam ta,
Lễ, văn, chế độ thành qui củ,
Nối nghiệp Trung Hưng của nước nhà.
Nước nhà còn đây lăng tẩm đó
Còn sen nghiêng ngửa dặm trì đường,
Tùng trúc bơ sờ bóng tịch dương,
Rừng gấm chiều về chim điểm phấn,
Gành là sớm lẫn cá tìm hương.

Đoạn trên tả phong cảnh Hiếu lăng, đoạn nầy kể những đức sáng tạo từ và lễ văn chế độ đời vua Minh Mạng, đồng thời nói rõ mối cảm tình ràng buộc trong lòng tác giả tự lâu nay.

Trong đoạn trên tác giả gián tiếp tỏ tình mình, tình đối với cảnh và núp trong lòng cảnh. Trong đọan nầy tác giả trực tiếp tỏ tình mình, tình đối với người và lan tràn trên cảnh khiến cảnh nhuộm đầy sắc thái của tâm.

Đoạn trên là tình trong cảnh. Đoạn dưới là cảnh trong tình. Cắt rời hai câu “Áo xanh đầu bạc” là cắt rời đôi mắt. Cắt rời hai câu “Trì đường Tịch dương” là cắt rời đôi môi. Mắt cắt rời còn sáng. Môi cắt rời hết tươi; chẳng những hết tươi mà đôi môi còn bị biến dạng, dù có sửa lại tý đỉnh cho cân, thoa chút ít son cho thắm[5] cũng không thể làm nghiêng nước nghiêng thành khách tình si.

Đó là chỗ sơ xuất của người trích thơ. Sơ xuất hay không nhận thức rõ mạch lạc của đoạn văn bạt tụy.

Trong bốn bài Cung Chiêm Tôn Lăng, bài Khiêm lăng kiệt xuất [6]. Rất tiếc không có bản thảo ở trong tay để trích những đoạn tinh diệu hiến cho bạn đọc thưởng thức.

Bài Hương Giang Hành, theo tôi, không sánh nổi với các bài trong tập Cung Chiêm Tôn Lăng. Nhưng cũng là một giai phẩm hữu hạn [7]. Hương giang hành ca tụng phong cảnh sông Hương. Những cảnh vật, những di tích lịch sử ở hai bên bờ sông, những phong thúc trên dòng sông… điều được diễn tả chu đáo.
Xin trích dẫn đôi đoạn:

Cỏ thơm có giống thạch xương bồ
Sanh ở hai nguồn Tả Hữu trạch.
Hương thơm dầm nước nước trong veo
Hợp thành sông hẹp vài muôn sải,
Thấm mát ruộng vườn gành với bãi.
Êm dằm theo dọc tỉnh Thừa Thiên,
Chạy về Thuận An ra Đông Hải.
………………………………
Nhìn quanh lại thấy am Gia Hội,
Bến cũ cây đa còn một cội.
Hai cồn Khinh Thành và Dã Viên
Xa gần điểm chuyết cảnh thiên nhiên.
Dọc bờ lâu đài xen hoa cỏ,
Mặt nước đình tạ lẫn ghe thuyền.
Kỳ quan một bức khen ai nhĩ!
Ngờ đảo Bồng Lai vùng Nhược Thủy.
Phải chăng tiên cảnh ở nhân hoàn?
Đoái cảnh sao mình luống thở than!
Thử trải tình nầy trên mặt nước
Sông dài đăng đẵng tứ mang mang…
………………………………
Phong lưu mới mẻ ngày thúc giục,
Náo nhiệt phiền ba lần tiếp tục,
Bụi hồng mờ mịt bóng dương quang
Phủ đầy mặt nước nước lờ dục.
Bụi hồng nước đục suốt đêm ngày,
Mà lòng chẳng nhiễm có ai hay!
Tiêu dao riêng giữ mình trong sạch,
Chung thú trăng trời với nước mây…[8]

Văn chương cổ nhã. Bài thơ chia làm nhiều đoạn, mỗi đoạn là một khúc sông, chia mà nối, nối mà chia, phân minh nhưng liên tục.

Làm thơ Trường thiên Cổ thể rất khó. Khó ở điểm chuyển mạch, dọn ý, sửa lời. Lời phải cho gọn, ý phải cho tròn, mạch phải cho liền, thì bài thơ mới cùng với tứ thơ lời thơ gây được sức lôi cuốn lòng người đọc vui thích đọc trọn bài thơ, để rối nghiền rồi ngẫm ngõ hầu tìm cho thấy chân diện mục của người thơ.
Những bài cổ phong của Vân Bình tiên sinh mà tôi được hân hạnh đọc, đều gồm đủ những yếu tố cần thiết đó. Dựa trên những bài đó (bốn bài Cung Chiêm Tôn Lăng và một bài Hương Giang Hành) tôi mạnh dạn nói rằng tiên sinh đã thành công về thể trường thiên cổ phong vậy.

***

B - Năm Ất dậu (1954) Nhật lật đổ Pháp và giao quyền bính trong nước lại cho người Việt Nam.
Ở Huế các sỹ phu tổ chức lễ truy điệu các nghĩa sỹ cách mệnh, các chí sỹ đã hy sinh vì Tổ Quốc và các chiến sỹ trận vong trong cuộc vận động giành độc lập 1945. Ban Tổ Chức buổi lễ đến nhờ Vân Bình tiên sinh soạn dùm một bài văn tế. Tiên sinh nói:
- Đủ sức làm chỉ có Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn.
Rồi thân hành đi tìm Hoài tiên sinh.
Biết nhau quá nhiều, Hoài Nam không nửa lời từ chối, và không đầy nửa ngày đã soạn song một bài văn, ý dồi dào lời bi tráng, giá trị không nhượng các bài văn tế nổi tiếng xưa nay. [9]

Tôi nhắc lại việc này để bạn đọc biết qua thái độ của những nhà thơ thuộc phái cổ: Biết mình biết người, tự trọng chớ không tự phụ tự đại. Và cũng để giới thiệu học lực và tài năng của Hoài Nam tiên sinh trước khi nói đến văn chương sự nghiệp của tiên sinh.

HOÀI NAM nhỏ tuổi thua VÂN BÌNH trên một giáp và mất trước Vân Bình bốn năm (1900 - 1847) thọ 48 tuổi.
Tiên sinh học rộng, khí hùng, tánh lại ngang tàng khẳng khái. Sống nơi Cựu Thần Kinh là nơi lắm quan, mà tiên sinh lại khinh thị giới quan trường, cho nên suốt đời sống trong cảnh nghèo túng. Lắm lúc thiếu cơm thiếu áo, song nhất thiết không ngã lòng theo bọn giàu sang. Trong một xã hội, ai nấy đều bôn xu danh lợi, Tiên sinh trở thành một quái tượng. Kẻ thì gọi Tiên sinh là cuồng, người gọi tiên sinh là ngông. Nhưng Tiên sinh chẳng giới ý. Không có ai làm bạn, Tiên sinh vui với văn chương.

Tiên sinh sáng tác rất nhiều, và xuất bản tập thơ TIẾNG CUỐC CANH KHUYA (1937), có nhiều bài mang nặng tình đất nước, nhiều bài phản ảnh tình trạng xã hội lúc bấy giờ.
Tập TIẾNG CUỐC CANH KHUYA ra đời nhằm lúc phong trào thơ mới lên, nên bị chìm trong tiếng sóng gió ồ ạt. Thêm nữa văn chương của Tiên sinh cũng như các cụ Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Huỳnh Thúc Kháng…, có phần khô khan, nên ít người thích. Ví dụ:

TỰ TRÀO

Có bệnh chi mà tớ muốn điên
Chẳng ham quan tước chẳng ham tiền
Trăm khôn  e mắc trăm đường mệt
Một dại là xong một chuyện phiền
Rắn rít gớm ghê lòng độc địa
Rồng mây trối kệ chuyện huyên thuyên
Người đời cười tớ là điên thật
Tớ lại cười ai giả thánh hiền.
E khi tớ thật là điên
Chẳng điên sao lại không tiền không quan
Nực cười cho khách trần gian
Có tiền, tiền mọi, có quan, quan lòn.

HẢI VÂN QUAN

Trăm năm hai sông núi vẫn còn đây
Đệ nhất Hùng quan chính chỗ nầy
Ngựa bể đua chen dàn trận sóng
Cờ non phất phới kéo hàng mây
Lũy thành đã mỏi quay đầu Bắc
Hoa cỏ dường như ngã bóng Tây
Dâu bể dạ tràng nào có biết
Hoài công xe cát bấy nhiêu ngày!

CẢM TÁC

Sấm thét mưa dồn cát bụi bay
Thanh bình riêng một cõi Nam nầy
Non sông đất cũ vừng trăng mới
Hoa cỏ trời xuân ngọn gió tây.
Hớn hở chim lồng ganh cá chậu
Nghênh ngang ngựa cỡi nhạo trâu cày
Bực mình muốn đánh tan cơn mộng
Một tỉnh mà mười vẫn cứ say.

Lời thơ già dặn, luật thơ nghiêm chỉnh, nhưng thiếu sắc thiếu thanh, nên có ý mà không có vị, có cách mà không có thú. Do đó không cảm được lòng người, không thấm sâu vào lòng người, khiến đọc rồi lại không còn nhớ.
Hầu hết thơ của tiên sinh đều thế cả. Cho nên không được truyền tụng, chẳng những vì thời thượng mà còn vì không đủ sức hấp dẫn lòng khách yêu thơ.
Tiên sinh làm thơ nhiều mà dịch thơ cũng nhiều. Vì dịch cũng như làm, tiên sinh không dùng nhiều công sức. Được nhiều người biết là bài Tiên sinh dịch bài Thăng Long Thành Hoài Cổ của vua Thành Thái:

Kỷ độ tang thương kỷ độ kinh
Nhất phiên hồi thủ nhất phiên tình
Ngưu hồ dĩ biến tam triều cuộc
Hổ độ không dư bách chiến thành  [10]
Nùng lĩnh phù vân kim cổ sắc
Nhĩ hà lưu thủy khốc ca thanh
Cầm Hồ đoạt sáo nhân hà tại
Ứng vị giang san tẩy bất bình.

Dịch:

Biển dâu dời đổi trải bao nhiêu
Ngoảnh lại càng đau ruột chín chiều
Bến cũ ba chiều trâu mẹp lấm
Lũy xưa trăm trận cọp nằm queo
Bức tranh mới cũ mây Nùng chấm
Khúc nhạc vui buồn nước Nhị reo
Hàm Tử Chương Dương còn đó đó
Non sông nở để bụi trần đeo!

Bài dịch lột đước ý nghĩa của bài nguyên. Song đọc bài nguyên lòng rung cảm hơn bài dịch. Đó là do bài nguyên thanh vân trường, còn bài dịch âm hưởng đoản. Bài nguyên là tiếng trúc tiếng tơ, bài dịch là tiếng săn tiếng đá. Tức là văn chương bài dịch, nhất là về âm điệu, kém thua bài nguyên cho nên sức truyền cảm cũng sút kém, sức quyến rũ không được dồi dào.

Thơ dịch ngoài sự tôn trọng nội dung của nguyên văn, giá trị nằm trọn nơi hình thức. Hình ảnh và âm hưởng của tư liệu, nhịp nhàng uyển chuyển của tiết tấu là điều kiện quyết định của thành công.

Người dịch thơ chỉ khỏe hơn người làm thơ ở điểm khỏi lập ngôn khỏi cấu ý, khỏi bố cục. Nhưng khổ hơn ở điểm phải ép mình theo nội dung của nguyên văn, ngọn bút không được tự do vùng vẩy. Như thế là huề về mặc tình ý. Còn về mặt kỹ thuật thì sáng tác hay phiên dịch đều không khác chi nhau.

Kỹ thuật thơ, trước hết là kỹ thuật hòa hài (harmonie) về âm hưởng và tiết tấu. Thơ Đường hơn thơ Tống được xưng tụng là nhân gian tuyệt phẩm, là do ở kỹ thuật hài hòa, tức là do âm điệu. [11]

VERLAINE, một trong những nhà thơ Tượng trưng Pháp, chủ trương “âm nhạc trước hết” (De la musique avant toute chose), VƯƠNG SỸ TRINH đời Thanh chủ trương “thần vận”, đều là những thi hào đứng đầu những trường phái lớn Á Âu.
Xem đó đủ thấy thơ thiếu âm nhạc là thiếu rất nhiều. Và cổ nhân gọi thơ thiếu âm nhạc là “hữu thanh vô vận”, là “ngõa phẩu”.[12]

Thanh, Sắc, Vị là ba yếu tố cần thiết của Thơ. Phải đủ cả ba mới gọi là thơ hay. Nếu rủi phải thiếu một thì nên thiếu Sắc.

Thơ Hoài Nam phần nhiều thiếu thanh. Sắc nhiều khi cũng không được diễm lệ. Do đó mà bị khô khan. Khô khan chớ không phải là thanh đạm.[13]
Không phải tại thi tài kém, mà chính tại tánh tình. Tiên sinh sống về lý trí nhiều hơn về tình cảm. Tánh Tiên sinh lại trực bức chớ không uyển chuyển. Mà thơ là người. Cho nên thơ Tiên sinh trực chớ không khúc, táo chớ không nùng.

Trường hợp của Hoài Nam Tiên sinh cho chúng ta thấy rằng tánh tình có ảnh hưởng chẳng những nơi nội dung của thơ mà cả trên hình thức. Cho nên người làm thơ muốn thơ mình được như thế này hay thế kia thì trước hết phải lo tu dưỡng tâm tánh.

***

C- Đạm Phương Nữ sĩ lớn hơn Hoài Nam tiên sinh gần một giáp và mất trước một năm (1946). Thọ 67 tuổi.
Thơ Đạm Phương đồng một tánh chất với thơ Hoài Nam. Lời trực, vị khô. Nhưng về mặt kỹ thuật, thơ Đạm Phương không lão luyện bằng thơ Hoài Nam.
Xin trích một bài làm mẫu:

VỊNH MỴ Ê
Ơn vua nợ nước trả cho xong
Dám tiếc làm chi mảnh má hồng
Sau trước vẫn cam thề sống thác
Mất còn nỡ để thẹn non sông
Mây sầu lớp lớp bay về Bắc
Sóng thảm rùng rùng cuộn xuống đông
Đợi phải chiếu rồng ban triệu đến
Đã đành trọn tiết với Vương Công.

Thơ nữ sử thường đăng ở các báo chí Trung, Nam, Bắc. Song người đời biết nữ sử về xã hội, chánh trị hơn văn chương. nhưng thời Pháp thuộc ở Trung Việt phía nữ giới chỉ có Đạm Phương nữ sử nổi danh trong làng thơ, quốc âm. Cho nên nói đến thơ thời Pháp thuộc ở Thần Kinh mà không đề cập đến nữ sử là phiến diện.

***

D- Thảo Am Nguyễn Khoa Vy lớn tuổi hơn Vân Bình Tôn Thất Lương và cũng như Vân Bình thông được hai thứ chữ Hán và Pháp.
Thảo Am nổi tiếng về lối Chơi Chữ, như chúng ta đã thấy ở các chương trước đây. [14]
Thơ Tình, Thơ Cảnh, Vịnh Sử, Vịnh Vật, tiên sinh đều có, song không suất sắc bằng lối chơi chữ:

ĐỜI NGƯỜI

Vân cẩu tranh treo đó đó tề
Đời người gẫm thật chóng già ghê!
Khi nào chơi được vui khi nấy
Bữa nọ ăn rồi đến bữa tê.
Sự nghiệp chỉ vài ba bát gạo
Công danh chưa chín một nồi kê.
Ai giàu của có trăm ngàn vạn
Cũng chẳng mang theo lúc trở về.
Những bài khác đại khái cũng xuôi xuôi như thế cả. Sắc lợt vị lợt, không đủ sức cầm giữ lòng người khi đọc xong.

Thơ Thảo Am và Thơ Hoài Nam cách điệu hơi giống nhau, nhưng tính chất khác hẳn nhau.
Hoài Nam là con người có hoài bão lớn, nhưng không gặp thời, không gặp tri kỷ, nên trở thành bất đắc chí. Những điều uẩn khúc không đem thi hành được ở đời, trở lại dày vò phế phủ. Để vơi bớt nổi lòng, Tiên sinh phải phát tiết những ưu tư cảm phẩm ra lời oán hận phúng thích. Tuy văn chương không được uyển chuyển du dương, nhưng có khí vị thời đại vẫn mang sắc thái tâm hồn của tác giả.

Còn Thảo Am vốn là một công chức. Sau khi về hưu trí thì lấy cảnh nhàn hạ làm vui:
Họ giữ đống vàng hay sợ mất,
Mình ưng kho bạc cứ cho còn. [15]
Kho bạc còn để đến lãnh hưu bổng. Hưu bổng không nhiều nhưng vẫn đủ tiêu pha cùng ngày tháng.

Không bận kế sanh nhai. Tiên sinh lấy thơ là món gia vị cho đời phong lưu an lạc. Vì coi thơ là món tiêu khiển, nên văn lý miễn cho thông, từ điệu miễn cho ổn là được, chớ không cần chạm lòng nhả mật để nói lên những gì uẩn trong cảnh vật trong tâm hồn. Những khi cao hứng thì đem xảo kỷ ra thêu gió dệt trăng để làm vui mắt vui lòng cho các thân bằng cố hữu. Nên thơ Thảo Am hầu hết là Thơ Chơi.

Thơ Đạm Phương đứng giữa thơ Hoài Nam và thơ Thảo Am. Nghĩa là có phảng phất ít nhiều tình ý quốc gia dân tộc, ít nhiều khí vị phong lưu.
Các nhà phê bình thơ, các nhà viết văn học sử, viết sách thi tuyển… thời Pháp thuộc, đều coi thơ của Hoài Nam, Đạm Phương, Thảo Am cũng như thơ của cụ Huỳnh Thúc Kháng và nhiều nhà chí sỹ khác, là những vận ngữ chớ không phải Thơ, nên không dành cho quí vị chỗ ngồi trên thi đàn của Đất Nước.

Nhưng tôi nghĩ rằng: thơ là hoa của người, hoa là thơ của đất. Mà không nhiều thì ít, chớ nhận kỹ hoa nào lại không sắc không hương:
Hoa nào hoa lại không hương sắc
Một cánh hoa tươi một mảnh tình.
Cho nên không dám phụ rẫy. Nhưng văn hoành công khí, nên có lời khen mà cũng có lời chê. Và khen hay chê cũng đều phát xuất nơi đáy lòng thành kính.

Xin nói thêm về Thảo Am Nguyễn Khoa Vy:
Ngoài thơ ra, Thảo Am Tiên sinh còn sở trường về ca khúc và văn tế.
Bài văn tế sống cụ Thúc Giạ mùa xuân Tân Mão (1951) là 1 giai phẩm những tay sành văn tế đều công nhận là tài tình. Nhưng tác giả nói: [16]
- Không thể sánh với bài văn truy điệu các nghĩa sỹ Cách mệnh và Chiến sỹ trận vong của Hoài Nam. Bài của Hoài Nam là một cây cổ thọ, bài của tôi chỉ là cây kiểng trong bồn hoa.
Đó là lời nói chân thành của một nhà nghề tri kỷ tri bỉ.

Còn về ca khúc thì những câu hò Mái Đẩy rất phổ biến ở Sông Hương. Nhưng khác với những câu hò của cụ Thúc Giạ tình cảm dồi dào, những câu hò của Thảo Am thường thường nghiêng về việc chơi chữ, thiêng về phúng thích:

Nước sông Hương cá mươn là thổ sản
Lội từng bầy ăn cạn dọc bờ sông.
Ai về nhắn với ngư ông
Chớ đem ra mà bán, nửa đồng họ chẳng mua.

- Tiếng đồn anh hay chữ
Cắt nghĩa thử cho thông
Thánh hiền xưa đặt chữ CÔNG
Sao có cái quéo
Ở trong lòng làm chi?
Người ta thấy chữ CÔNG
Trong lòng có cái quéo,
Đó là nơi lắc léo
Khôn khéo của thánh hiền.
Em ơi em phải chịu phiền
Học cho nhiều kinh nghiệm thì hiểu liền chữ Công.

Cụ Phan Sào Nam lúc bị an trí nơi Bến Ngự thường ngày ở dưới đò. Có người đặt một câu hò trêu cụ:

Thái Bình dương gió thổi
Chiếc thuyền em trôi nổi
Chi khác nỗi thân bèo.
Sao không giúp chống đỡ chèo
Anh hùng đâu lại nằm queo trong thuyền?

Có nhiều văn nhân cao hứng đáp lại. Nhưng vua Khải Định nghe được chê là đáp không hay, bèn cho triệu Thảo Am vào cung. Tiên sinh vâng lệnh, đáp:

Chí anh hùng xưa nay dù khẳng khái,
Sức một chèo chi lại với phong ba.
Em ơi, sao không suy nghĩ gần xa,
Trẻ trung em không hề đếm xỉa,
Cứ trách lẫn ông già hoài cũng oan.

Nhà vua khen là diệu từ, cụ Sào Nam khen là xảo tứ. [17]
Đem so câu hò của Tiên sinh cùng câu hò của cụ Thúc Giạ, thì hai bên đã khác nhau về tính chất, một bên nặng về lý, một bên nặng về tình, mà giọng văn cũng khác nhau hẳn. Văn Thúc Giạ mềm mại dịu dàng, văn Thảo Am cứng cỏi và có nhiều điểm lắt léo để bông đùa cười cợt hoặc châm chích mỉa mai.
Cho nên đọc câu hò của Tiên sinh thích mà không cảm như đọc câu hò của Thúc Giạ.

Cụ Thúc Giạ và Thảo Tiên Sinh là chổ thân tình. Nhà ở gần nhau, sở thích gần nhau, sở thích gần giống nhau, nên không có cuộc xướng thù nào thiếu mặt. Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn ở tại Huế cách Vỹ Dạ không mấy xa, song cả cụ Thúc Giạ lẫn Thảo Am Tiên sinh vẫn ít khi lai vãng, và cũng ít khi nhắc nhở đến nhau.
Thảo Am Tiên sinh mất năm 1969. Thọ trên 80 tuổi. Sau khi tắt nghỉ một chặp lâu, thình lình tiên sinh mở mắt, đọc hai câu thơ:
Sống chẳng danh thơm mà để lại,
Chết thời xác thúi kịp chôn đi.
Rồi nhắm mắt lại đi luôn.
Tác phẩm để lại:
- Hồng Nhan Mộng                  (xuất bản năm 1924)
- Hò Mái Đẩy                                       (xuất bản năm 1960)
- Tục Ngữ Ca Dao                                (chưa xuất bản)
- Ngạn Văn tứ tự đối                (chưa xuất bản)
- Thảo Am Thi Tập                  (chưa xuất bản)

***

Đ- Các thi ông có danh chốn cựu Thần Kinh, sống thời Pháp Thuộc, như Thúc Giạ, Vân Bình, Thảo Am, Hoài Nam, mặc dù tôi là kẻ hậu sinh, đối với tôi đều có tình bằng hữu, quên tuổi tác. Tôi tiếc chưa được gặp Mộng Si Tiên sinh.

MỘNG SI NGUYỄN THUYẾT, theo lời Vân Bình Tiên Sinh, là một túi nho, một lớp tuổi cùng cụ Thúc Giạ.
Khi còn đi học tôi được đọc bài THÚY VÂN KHÚC đăng ở Thần Kinh Tạp Chí. Đó là một bài thơ song thất lục bát tả cảnh đi chơi Thúy Vân, thỉnh thoảng chen thơ Thất Ngôn Bát Cú. Tôi chỉ nhớ được ít bài Thất Ngôn:

TRÊN SÔNG HƯƠNG

I
Trăm hai sông núi vẫn trơ trơ
Chiếc lá dòng Tương luống hững hờ
Cá móng trộ say dường khuyến rượu [18]
Chài buông tiếng sáo giúp nên thơ
Giang hồ cũng đội chung trời đất
Thị tứ nào ham lợi sớm trưa
Mắt bể con con mòi lặng phắt
Thuyền đưa ti tí khách năm ba.
II
Bến liễu thuyền xuôi nửa buổi chiều
Buồm no gặp lúc gió hiu hiu
Lục lìa sông ngấm màu đầu vịt
Xanh ngắt lùng giơ bãi lưỡi mèo
Dấu ngựa buông cương đường cái thẳng
Con thuyền nối lái khúc sông eo
Non rùa ngoái cổ dường nghe kệ
Hương phật xa thơm chửa mốc meo.

CẢNH THÚY VÂN

I
Từng mắn Tư Dung có cảnh chùa
Giang san ai khéo vẽ nên đồ
Trăng dầm bể trẻ tròn đôi bóng
Hoa nở tầng non ngát bốn mùa.
Xấp xới tàn tùng che tháp nhạn
Dịu dàng quạt gió phảy non Rùa
Một chèo nghiêng ngửa quanh trời đất
Nhân trí là đây lọ ở mô.
II
Rêu dệt dường hoa ốc cuốn tròn
Lên cao trông xuống bể con con
Sóng nhào muôn ngựa đua trên nước
Đá mọc trăm voi nép xó non
Cõi phật trang nghiêm lòng dễ mến
Bia thần chói rọi nét chưa mòn
Tiếng sanh Tử Tấn còn mường tượng
Nhớ lối năm xưa giục giã buồn…

Văn chương có lực. Ý cảnh và tưởng tượng khá phong phú. Cách điệu phảng phất Đường thi.
Nhưng để cho các bạn chưa đến Thúy Vân dễ nhận thức cái hay cái đẹp trong thơ, tưởng nên nói qua đến phong cảnh trên thực tế.
Thúy Vân là một trong hai mươi phong cảnh được vua Thiệu Trị liệt vào hàng thắng cảnh đất Thần Kinh. Núi nằm phía đông huyện Hương Thủy, trong đầm Hà Trung, song song cùng núi Linh Thái. Cổ thi có câu:
Linh Thái qui triều triều Bắc hải
Túy Vân phụng vũ vũ Nam Hà.

Nghĩa là:
Linh Thái rùa chầu chầu biển Bắc,
Túy Vân phụng múa múa sông Nam.

Đó là hình dáng và vị trí của hòn Linh Thái tục gọi là Hòn Rùa, và hòn Túy Vân tục gọi là Hòn Phụng.

Trên núi có chùa thờ Phật tên là Chỉ Kiến do chúa Nguyễn Phúc Chu lập. Vua Minh Mạng trùng tu và đổi tên là Thánh Duyên. Bên chùa có gác Đại Từ thờ Quán Thế Âm. Trên đỉnh núi có tháp Điều Ngự và có đình Tiến Sản. Đứng trên đình trông ra bốn mặt thì mây nước thương mang. Nhìn phía đông bắc thấy cửa Thuận An. Quang cảnh vô cùng ngoạn mục.

Vua Thiệu Trị có soạn một bài luật thi nhan là Vân Sơn Thắng Tích khắc vào bia dựng ở chân núi:

Tích túy toàn ngoan bất kế xuân
Đẩu long ẩn phục liệt lân tuân
Huệ phong chung độ u lâm hưởng
Không cốc hương la pháp hải tân
Thọ luyến từ vân phù bích lạc
Kỉnh xuyên tăng kịch tạp hồng trần
Thánh Duyên phổ tế hàm qui thuận
Phật tích tăng quang tự hữu nhân.

Tạm dịch:
Biếc đọng nghìn xuân dáng chập chồng
Thẳm sâu ẩn náu đẩu cùng long
Chuông theo gió huệ rừng thiêng vẳng
Hoa ngát hang sâu biển pháp lồng
Xấp xới mây từ cây nổi lục
Thẩn thơ guốc sãi lối vương hồng
Nhờ ơn phổ tế lòng qui thiện
Quả được quang vinh gốc vốn trồng.

Đã biết qua cảnh trí rồi, xin trở lại với thơ.
Hai bài TRÊN SÔNG HƯƠNG bài một tả cảnh lúc đi tới Túy Vân, bài hai tả cảnh lúc trở về. Hai bài CẢNH TÚY VÂN, bài một tả cảnh ở dưới nước trông lên, và trông cả Túy Vân và Linh Thái. Bài II tả cảnh trên non ngó xuống.
Câu “Tiếng sanh Tử Tấn còn mườn tượng, nhớ lối năm xưa giục giã buồn” tác giả ngụ ý than cho cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân: sau khi thất bại nhà vua cùng Trần Cao Vân phải lẩn tránh đến Hà Trung rồi chạy lên núi Ngự. Nên địa phương có câu “Cơm nếp Hà Trung, cháo gà núi Ngự…”.

Bốn bài thơ Mộng Si thật thoát sáo. Tuy không vẽ ra trước mắt người đọc hình thể của núi sông, cũng không nêu lên những đặc điểm của phong cảnh, nhưng vẫn làm nổi bật nhiều chi tiết nên thơ:

- Xấp xới tàn tùng che tháp nhạn
Dịu dàng quạt gió phảy non Rùa.

- Sóng nhào muôn ngựa đua trên nước
 Đá mọc trăm voi nép xó non.

- Lục lìa sông ngấm màu đầu vịt
  Xanh ngắt lùng giơ bãi lưỡi mèo

- Cá móng trộn say đường khuyến rượu
  Chài buông tiếng sáo giúp nên thơ.

Đó không phải là những câu thơ tả thực. Bởi tác giả không đặt nước non vào trong khung cảnh vỹ đại của thiên nhiên để nhìn thấy những đường nét rộng lớn, rồi diễn tả với thái độ khách quan. Mà chỉ thu nhặt với hình hẹp theo sở thích và trùm lên trên sắc thái của tâm hồn.

Tác giả là một nhà thơ cổ điển
Nhà thơ tả chân lo trình bày vẻ đẹp của cảnh vật và để người đọc tự tìm lấy cái thú trong văn thơ.
Nhà thơ cổ điển lo giải tỏ cái thú tìm thấy trong cảnh vật chớ không chú trọng đến những hình thức đích thực của thiên nhiên, vì nghĩ rằng tất cả những hiện tượng ở trước mắt đều do tâm tạo. Đều là giả tượng. Và những cái thú tìm thấy, tác giả chỉ gợi ra chớ không nói rõ.

Cho nên để nhận thức hết cái thú trong thơ Mộng Si, chúng ta nên đọc bằng lòng nhiều hơn bằng trí.
Nếu đem so sánh hai bài Túy Vân với bài Vân Sơn Thắng Tích thì chúng ta thấy thơ Mộng Si nhiều thi vị hơn thơ Thiệu Trị. Cảnh vật trong thơ Thiệu Trị đã bị những danh từ về đạo Phật làm mờ nhạt, màu xanh cả cây rừng, màu biếc của nước biển bị chìm dưới bóng của áo cà sa của nhà tu!
Đọc thơ của Mộng Si tôi có cảm giác xem tranh thủy mặc.

Đọc thơ của vua Thiệu Trị  tôi tưởng như vừa đến chân núi Túy Vân bỗng gặp một nhà Nho giảng đạo Phật. Chỉ nghe một mớ chữ rút trong kinh, chớ không thấy ít nhiều hương vị của Chánh Pháp. Thế là đã không nghe được đạo mầu mà còn không được ngắm cảnh đẹp!

Nói tóm lại là: Thơ của vua Thiệu Trị là sản phẩm của một người hay chữ và sính thơ. Còn thơ của Mộng Si là giai phẩm của một nhà thơ chân chính.
Rất tiếc thơ của Mộng Si tôi biết không được nhiều để đem ra cùng bạn yêu thơ thưởng thức.

***

E- Thơ HUỲNH QUỲNH VIÊN [19] cũng công phu như thơ Mộng Si Nguyễn Thuyết: chữ lọc, lời chuốt, tình đượm, tứ khéo: tức thơ thuộc lối điêu trác, khổ cầu:

TRÊN SÔNG ĐỒNG NAI

Sài Gòn nghe dậy tiếng Đồng Nai
Khách Huế ham vui lửa dặm dài
Cúi ngửa lòng kiêng trời thước tấc
Đục trong duyên gởi bến mười hai
Đá xây nghĩa nặng non chồng chất
Sóng lượn tình sâu biển láng lai
Cái nợ nam nhi chưa trả hết
Nặng nề nông nổi cũng vì ai!

Tác giả mượn cảnh để nói lòng, một nỗi lòng nói ra thì e ngại, nín mãi thì xốn xang!
Nặng nề nông nỗi cũng vì ai.

Ai đây là ai? Có phải vua Hàm Nghi? Vua Thành Thái? Vua Duy Tân? Câu này là chìa khóa mở cửa các câu trạng luận để nhìn những tình ý ẩn tàng dưới nét bút linh động và thanh tao.
Để thấy rõ tâm sự của tác giả chúng ta hãy đọc tiếp:

HỮU SỞ TƯ

Kìa non kìa nước nọ lâu dài
Kìa khách trông thu cảnh với người
Sông đợi người xa lòng xoắn tít
Cây che làng cũ mắt chơi vơi
Đời ve dắng dỏi hòa cung nguyệt
Chữ nhạn lăng quăng viết giấy trời
Mượn chén khuây khoa trăng với gió
Nào ai có biết nỗi xa xôi!

CẢM HOÀI

Mưa rồi tạnh hạ rồi thâu
Trong máy tuần hoàn dễ biết đâu.
Nước giận đều chi cau có mặt?
Núi trông ai đó ngẩn cao đầu? [20]
Gió trăng chưa dễ xây bờ cõi, [21]
Trời đất còn e xáo bể dâu.
Nghe nói năm trăm chừ quá bốn [22]
Sông Hà trong lại hỏi mau lâu? 4

Cũng như bài TRÊN SÔNG ĐỒNG NAI, hai bài Hữu Sở Tư và Cảm Hoài đều mượn cảnh vật để tả tâm tình. Nỗi niềm tâm sự của tác giả nhận kỹ không ngoài mối lo buồn về quốc gia về thời thế và thân thế. Ba chữ HỮU SỞ TƯ dùng làm đầu đề là một chứng cứ.
Ba chữ ấy mượn trong câu thơ của Đỗ Phủ:
Ngư long tịch mịch thu giang lãnh
Cố quốc bình cư hữu sở tư.

Nghĩa là:
Cá rồng vắng vẻ sông thu lạnh
Nước cũ lòng thêm nỗi nhớ nhung.

Câu này là câu kết của một trong tám bài Thu Hứng mà Đỗ Phủ đã làm trong lúc chạy đến Quỳ Châu để tránh loạn. Huỳnh Quỳnh Viên mượn dùng là vì tình cảnh họ Huỳnh lúc vào Nam chẳng khác tình cảnh họ Đỗ lúc đến Quỳ Châu và thời bấy giờ (từ khi Kinh thành Huế thất thủ vua Hàm Nghi xuất bôn trở về sau) cũng tương tợ hoàn cảnh Trung Hoa lúc An Lộc Sơn cướp ngôi nhà Đường, Đường Minh Hoàng chạy lên Ba Thục…

Cứ theo đề tài mà suy thì “Người xa” trong bài Hữu Sở Tư, cùng “Ai” trong bài Trên Sông Đồng Nai và trong bài Hoài Cảm, chỉ là một người, một người trong ba ông vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân bị đày đi xa vì yêu nước, hoặc một người yêu nước nào khác đương ôm mộng lớn nơi tha phương.
Cả ba bài, sức bút và lòng người đều dồn nơi câu luận:

- Đá xây nghĩa nặng non chồng chất
Sóng lượn tình sâu biển láng lai

Thật và tinh xảo. Tình và cảnh hợp một, vật là người người là vật, vì người đã gởi lòng vào vật đã ôm ấp lấy lòng người, không còn ai phân tách được.

- Đời ve dắng dỏi hòa cung nguyệt
Chữ nhạn lăng nhăng viết giấy trời.

Vế trên nói về mình, về những người cùng hội cùng thuyền, vế dưới nói về tình trạng của đất nước: Tiếng than thở của lòng kẻ ưu thời mẫn thế nhưng tác giả là một, chỉ có trời xa biết được, chẳng khác tiếng ve dắng dỏi và cung nguyệt xa xôi. Những sắc lệnh luật lệ ban bố xuống muôn dân do bọn chim muông soạn thảo, rõ là giấy trời do bọn chim nhạn viết lăng nhăng.

- Gió trăng chưa dễ xây bờ cõi
Trời đất còn e xáo bể dâu.

Vế trên cũng nói về đám nhân vật hữu tâm, vế dưới cũng nói về thời cuộc: Mình và những người như mình dù lòng có trong như gió đức có sáng như trăng, cũng không thể nào xây riêng bờ cõi để sống xa cách cái xã hội đảo điên ô trọc, cũng không đủ sức đắp lại bờ cõi đã bị xâm lăng dày xéo, tóm thâu. Và chưa phải vật đổi sao dời chừng đó là dứt, còn e, với tình trạng xã hội nầy, Tổ Quốc phải gặp nhiều nỗi tang thương trầm trọng.

Rõ là nỗi lòng của kẻ cô trung! Thương nước thương đời, nhưng tự thấy bất lực trước thời cuộc, đành ôm bụng mong cho “Hoàng Hà thanh, thánh nhân sanh” để cứu lấy dân, cứu lấy nước.
Không khỏi có người bảo:
- Chưa chắc tác giả đã nghĩ như thế.

Xin thưa:
- Sao chắc tác giả không nghĩ như thế? Và nếu tác giả không nghĩ như thế thì nghĩ như thế nào? Những bài thơ trên không phải loại “du hí văn chương” mà là “thốn tâm thiên cổ”. Đọc thơ chúng ta nên trải lòng ta để đón lấy lòng tác giả, thì dù cho kẻ sau người trước, hồn thơ củng giao cảm dễ dàng.

Huỳnh Quỳnh Viên sở trường về thơ cảnh. Ba bài thơ trên tình cảnh khó phân. Bài BÀI BẠC MỘ GIANG HÀNH KÝ KIẾN sau đây cảnh nặng phần cảnh: [23]

Mưa tan khói tạnh cỏ cây tươi
Một bức thiên nhiên vẻ vẹn mười
Sóng khỏa trăng trôi lòa mặt nước
Mây xua núi chạy tận chân trời
Chào người chim lạ xôn xao nói
Mừng khách bông quen chúm chím cười.
Cao hẩm tuy nhờ công tạo hoá
Điểm trang khi phải mượn tay người.

Kể cũng đã khéo tay! Song thú khô, vị lợt, không có sức truyền cảm mạnh mẽ cũng không có sức trì hứng lâu bền. Giá trị không sánh nổi với ba bài trên kia. Đó là do ba bài trên nhân cảm khái mà ký hứng. Còn bài nầy chỉ để tiêu khiễn mà tác văn.

Cùng một phong cách, còn bài HẢI TÂN VÃN VỌNG [24]

Sóng lượn bờ Nam ác liệng Tây
Thợ trời khéo vẽ cảnh chiều nầy
Bể lo đất thiếu bù thêm nước
Núi sợ trời nghiêng đỡ lấy mây
Tiều quảy gió xuân vài gánh nặng
Ngư chài bóng xế một thuyền đầy
Bên đường bước khách nôn qua lại
Chim núi đi về hãy lựa cây.
Gặp trạng tác giả mượn câu thơ của Tuy Lý Vương:
Sông e biển cạn bù thêm nước
Non sợ trời nghiêng đỡ lấy mây. [25]

Huỳnh Quỳnh Viên đối với Tuy Lý Vương là kẻ hậu sinh. Kẻ hậu sinh mượn thơ tiền bối là sự thường, như lý Thái Bạch đã từng mượn thơ Tạ Khương Nhạc, Đỗ Phủ tập thơ Dũ Tử Sơn, Âu Dương Tú tập thơ Hàn Dũ. 3

Hai câu của Tuy Lý đứng một mình, mượn đem vào đây được có đôi lứa, mà lứa đôi lại xứng kép xứng đào. Như thế đối với thơ có lời chớ không có lỗ.
Còn tả tình mà không mượn cảnh, họ Huỳnh còn để lại một bài:

TẶNG ĐÀO CHÂU [26]

Sài gòn vang vọng tiếng Đào Châu
Mới gặp hôm nay, nghe đã lâu.
Thi phú cao gần chàng Lý Bạch
Tính tình hào quá bác Trang Chu
Yên ba chí thích thơ đôi vận
Tùng cúc lòng say rượu một bầu
Tri ngộ vài hàng đưa lạo thạo
Còn nhiều ân ái vẫn về sau.

Lời sáo ý sáo. Rõ là một bài vận ngữ tầm thường. Sánh với những bài thơ trên thật cách xa trăm dặm.
- Như vậy chép lại để làm gì?
- Để chứng tỏ rằng thơ thù tạc phần nhiều không có giá trị, dù là thơ của các bậc đại danh.
- Tại sao vậy?
- Tại vì thơ thù tạc thiếu chân thật. Thường thường là bìm bịp vẽ thành phụng hoàng, đôi khi gỗ mục sơn son thiếp vàng thành cột sân rồng, biển cửa thánh. Dù khéo đến đâu cũng không che nổi mắt của kẻ thức giả.

Nói cho rõ thêm:
Thơ gốc ở Tình. Tình động ở bên trong thì hình hiện nơi ngôn ngữ. Tức tình sanh văn, văn sanh vận. Mà làm thơ thù tạc nào phải vì nhu cầu của tâm hồn mà làm, nào phải vì cảm xúc mà làm. Làm là vì do ý muốn làm vui lòng một vài cá nhân nào đó để mưu cầu một vài việc gì đó về vật chất hay tinh thần. Cá nhân ấy không ra gì, hoặc không có gì để ca tụng, mà cũng cố gắng vẽ vời cho thành tám câu năm vần, thì dù tài vận đến đâu cũng khó làm nên giai phẩm, thực sự.

Bạch Cư Dị nói: 
- Thi giả, căn tình, miêu ngôn, hoa thanh, thực nghĩa.

Ý nói: Thơ gốc nơi tình cảm, thân nơi ngôn ngữ, hoa nơi thanh âm, trái nơi nghĩa lý.

Tức là một bài thơ cũng như một bụi cây trước hết phải có gốc rễ tức phải có tình. Tình sanh ra thơ có sinh khí sinh lực như bụi cây phải có gốc có rễ để hút nhựa đất nuôi thân cây cho có hoa thơm trái ngọt.

Những bài thơ thượng dẫn của Huỳnh Quỳnh Viên là bằng chứng cụ thể: ba bài trên có tình nên rất hay; hai bài giữa ít tình nên kém hay; bài sau kém tình nên trở thành một bài vận văn giá trị không hơn một chung trà đãi khách.

Đọc thơ người trước là để học, tức là để bắt chước những sở trường và cố tránh những sở đoản. Bởi tất cả các nhà thơ đông tây kim cổ, người nào cũng có sở đoản sở trường. Có biết rõ đâu là đoản đâu là trường thì đọc thơ mới có lợi và mới thấy hứng thú. Cho nên nói chuyện thơ không ngại nói đến cái dở.

***

THƯỢNG TÂN THỊ là biệt hiệu của Phan Quốc Quang Tiên sinh.
Tiên sinh nổi tiếng do mười bài liên hoàn thác lời bà Vương phi vợ vua Thành Thái thở than cảnh đau xót của chồng con nơi chân trời góc biển: Hai vua Thành Thái, Duy Tân. Nhan đề của mười bài liên hoàn là KHUÊ PHỤ THÁN.

Đề tài đã hấp dẫn, văn chương lại thanh lệ nên mười bài Khuê Phụ Thán ra đời liền được truyền tụng khắp Nam Trung Bắc. Ban đầu ai cũng tưởng là tác phẩm của Vương phi. Mãi sau này mới biết tác giả là Thượng Tân Thị.

Ngoài mười bài Khuê Phụ Thán, Thượng Tân Tiên sinh còn nhiều giai phẩm đăng ở báo chí, nhiều nhất là ở Phụ Nữ Tân Văn. Nhưng những tác phẩm này bị mười bài Khuê Phụ Thán làm lu mờ. Cho nên nói đến Thượng Tân Thị, hầu hết khách làng thơ chỉ nhớ đến Khuê Phụ Thán, nhất là những câu:

- Mộng điệp khiến vì ai lẽo đẽo
Hồn quyên luống để thiếp chon von.

- Nghĩa gá ấp yêu đành lở dở
Công cho bú mớm cũng thôi rồi.

- Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự
Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương.

- Trăng khuya nương bóng chênh chênh một
Gương bể soi hình tẻ tẻ hai.

- Sương sa lác đác trên tàu lá
Gió thổi hiu hiu dưới bức mành.

- Non nước chia hai trời lộng lộng
Cha con chung một biển giăng giăng. [27]

vân vân…

Lời thơ dịu, đẹp, rung cảm lòng người vừa mạnh vừa sâu. Những câu khác cũng tương tợ như thế.

Huỳnh Quỳnh Viên nhân cảnh điên đảo trong nước mà sanh lòng hoài niệm viễn nhân. Thượng Tân Thị mượn nỗi cay đắng chốn khuê môn để gởi niềm cảm khái trước thời cuộc nan cứu vãn. Thơ của hai nhà đều thuộc loại cảm khái ký hứng. Nhưng mỗi nhà có một phong cách riêng ý thú riêng.
Thơ Huỳnh Quỳnh Viên tình nằm trong cảnh.
Thơ Thượng Tân Thị cảnh vướng theo tình.
Văn chương của hai nhà đều công xảo. Nhưng thơ họ Huỳnh khắc ý điêu trác. Còn thơ họ Phan dường như nhất chú hồn thành.
Tức là nghệ thuật của Thượng Tân Thị có phần cao hơn.
Chỉ tiếc trong thập thủ liên hoàn, từng chương thì hoàn hảo, nhưng toàn thiên thì ý bị trùng điệp nhiều nơi. Ví dụ:

- Ở chương 1 đã nói đến “Mộng điệp hồn quyên” mà ở chương 8 còn có câu:
Chiêm bao lẩn quẩn theo chân bướm
Tin tức bơ vơ lạc cánh hồng.

Và ở chương 10 có câu:
Khói mây giọng cuốc nghe hơi mỏi
Sương tuyết mình ve ngắm đã mòn.

- Ở chương 4 đã nói đến “Giọt lệ”, mà ở chương 9 còn có câu:
Mối sầu kia gỡ khoanh chưa dứt
Giọt thảm này tuôn bửng khó khăn.

vân vân…

Có nhiều câu lời tuy khác mà ý vẫn như nhau:
- Tấm lòng bức rức suốt canh thâu
Gan ruột như dầu sục sục sôi

- Con ơi ruột mẹ ngấu như tương
Đắng cay như ngậm trái bồ hòn [28]

vân vân…

Dường như tác giả viết theo trào cảm hứng, chớ không lập ý bố cục trước.
Có người cho đó là ưu điểm của thập thủ liên hoàn: biểu thị một cách tự nhiên niềm cảm xúc của tác giả, cũng như người đàn bà thương nhớ chồng con, hễ tình động bên trong thì lời phát ra ngoài, chớ không cần sửa sang sắp đặt.
Đó là vì quá yêu mà lấy khuyết làm ưu. Chớ làm thơ phải theo thi pháp. Đã biết rằng không nên bó mình theo thi pháp, phải áp dụng thi pháp một cách linh động. Song áp dụng một cách linh động đâu phải bất chấp những nguyên tắc căn bản, những nguyên tắc chẳng những không làm hại đến ý thơ mà còn giúp cho người làm thơ đi đến chỗ toàn mỹ. Nguyên tắc “không nên lặp đi lặp lại một ý trong toàn thiên cũng như trong từng chương”, là nguyên tắc căn bản mà cũng là nguyên tắc sơ đẳng. Trong một bài luận ở học đường, học sinh còn cố tránh sự trùng điệp, huống hồ trong tác phẩm của một danh nhân.

Thượng Tân Thị sáng tác theo trào lưu cảm xúc nên không cần để ý đến khuyết điểm.
Đó là quyền của tác giả.
Nhưng khi chúng ta đọc thấy khuyết thì cứ nói là khuyết chớ không nên vì kính nể tác giả hay vì quá yêu văn chương, mà ra công bênh vực.

Trùng điệp có nhiều khi do chỗ dụng ý của tác giả. Ví dụ trong Kinh Thi, thơ Thử Ly,

Chương I:

Bỉ thử ly ly
Bỉ tắc chi miêu
Hành mại mỹ mỹ
Trung tâm diêu diêu.
Tri ngã giả
Vị ngã tâm ưu
Bất tri ngã giả
Vị ngã hà cầu.
Du du thương thiên
Thử hà nhân tai.

Chương II:

Bỉ thử ly ly
Bỉ tắc chi toại
Hành mại mỹ mỹ
Trung tâm như túy.
Tri ngã giả
Vị ngã tâm ưu
Bất tri ngã giả
Vị ngã hà cầu.
Du du thương thiên,
Thử hà nhân tai.

Chương III:

Bỉ thử ly ly
Bỉ tắc chi thật
Hành mại mỹ mỹ
Trung tâm như ất (yết).
Tri ngã giả
Vị ngã tâm ưu
Bất tri ngã giả
Vị ngã hà cầu.
Du du thương thiên,
Thử hà nhân tai!
Tạm dịch:
I
Nếp kìa trĩu trĩu
Lúa kìa mới lên.
Đường đi chậm chậm
Lòng ta không yên.
Người biết lòng ta
Bảo ta lo phiền.
Người không biết ta
Bảo ta đương tìm
Vật gì đâu đây.
Hỡi trời cao thẳm!
Ai xui nỗi này?
II
Nếp kìa trĩu trĩu
Lúa đơm bông dày.
Đường đi chậm chậm
Lòng ta như say.
Người biết lòng ta
Bảo ta lo phiền.
Người không biết ta
Bảo ta đương tìm
Vật gì đâu đây.
Hỡi trời cao thẳm!
Ai xui nỗi này?!
III
Nếp kìa trĩu trĩu
Lúa cũng quằn quằn.
Đường đi chậm chậm
Lòng ta băn khoăn.
Người biết lòng ta
Bảo ta lo phiền.
Người không biết ta
Bảo ta đương tìm
Vật gì đâu đây.
Hỡi trời cao thẳm!
Ai xui nỗi này?

Đây là lời than của một quan Đại phu thời Đông Châu.
Nhà Châu dời về phía Đông. Quan Đại phu đi qua ngang đất Tông Chu là kinh đô nhà Châu thời Vũ Vương, thấy nơi tông miếu và cung thất ngày xưa đều mọc đầy lúa nếp, lòng thương xót cho nhà Châu bị suy yếu mà thở than.
Người đi qua lại chỗ ấy không phải một lần. Lần thứ nhất thấy lúa lên mạ. Lần thứ nhì thấy lúa trỗ bông. Lần thứ ba thấy lúa đã kết hột. Mỗi lần đối cảnh thì lòng bị xúc động, chân không thể bước nhanh, trí sanh ra nghĩ ngợi. Phàm con người thường, gặp việc buồn hay vui lòng đều có biến động. Song nếu gặp lần thứ nhì thì lòng biến động kém bớt, đến lần thứ ba thì lòng như thường, không còn biến động nữa. Lòng trung hậu của người quân tử thì không thế. Tình cảm chẳng những trước sau như một mà mỗi lần lại còn mỗi thêm sâu sắc hơn. Đó là tâm tình người làm ra thơ này.

Sự lặp ý trong thiên THỬ LY là một kỹ thuật dùng để biểu đạt tình cảm. Tất cả đều dồn nơi chữ TÂM. Lần thứ nhất thì “Trung tâm diêu diêu”. Lần thứ hai thì “Trung tâm như túy”. Lần thứ ba thì “Trung tâm như ất”. Ngoài ý nghĩa mỗi lần mỗi nặng thêm, còn âm hưởng của thanh điệu của câu làm cho người đọc cảm thấy lúc đầu lòng tác giả buồn bã xa xôi, sau đìu hiu thấm thía, sau nữa gấp rút bồn chồn.

Sự trùng điệp trong Thập Thủ Liên Hoàn của Thượng Tân Thị không thuộc vào trường hợp này. Đó là khuyết điểm, cần phải tránh.
Nhưng những khuyết điểm kia chỉ là những tiểu tỳ, không đến nổi làm giảm giá tác phẩm cho lắm. Vạch ra không có ý gì khác hơn là mong cho những bạn trẻ tập làm thơ liên hoàn đạt đến mức toàn bích.

Và để bạn nào không có mười bài Khuê Phụ Thán trước mắt muốn thưởng thức thêm văn tài của Thượng Tân Tiên sinh, xin lục thêm một số giai cú:

- Quyết gìn giữ dạ tròn sau trước
Biết cậy nhờ ai tỏ khúc nôi.

- Quê người đành gởi thân trăm tuổi
Cuộc thế mong gì nợ bốn phương.

- Để bụng chỉ e tằm đứt ruột
Hở môi lại sợ vách nghiêng tai.

- Sớm tối cho tròn luôn một tiết
Trước sau chẳng hẹn với ba tùng.

- Quê nhà có kẻ lo săn sóc
Đất khách nương nhau khỏi lạnh lùng.

- Nỗi niềm ai biết ai thương nhớ
Chồng hỡi chồng, con ơi hỡi con!





[1] Hoài Nam vốn người Quảng Bình, nhưng vào Huế  ở từ  năm 1918 cho đến năm 1947 bị tử nạn trong một cuộc hành quân của Pháp tại Thừa Thiên, tuổi chưa đầy 50.
[2] Lúc ấy Tiên sinh làm phán sự Tòa khâm sứ. Tôi làm việc chung phòng cùng Tiên Sinh và ký túc nơi nhà mấy tháng.
[3] Tôi còn nhớ một hôm Tiên sinh có đưa cho một vị xem bài thơ có câu:
 Cụm hồng gió động nghi người đến
Làn biếc sen lay ngỡ dáng đi.
Câu ấy mang nhiều cổ sáo. Thế mà vị kia khen là tân kỳ. Lúc bấy giờ tôi mới hai mươi mốt tuổi, đối với quí cụ vào hàng con cháu, nên tuy không phục mà không dám phát biểu ý kiến.                                                                                                                       
[4] Những di cảo của Vân Bình Tiên Sinh, có lẽ ông Tôn Thất Cảnh còn giữ  được đầy đủ, ít nhất cũng còn giữ được tập Cung Chiêm Tôn Lăng, vì tập này đã đánh máy thành nhiều bản.
Những thơ cổ phong của Tiên sinh bài nào cũng dài trên dưới 100 câu. Nên không thể thuộc được.
[5] Để cho câu thơ đứng một mình được vững vàng, Phạm Quỳnh  đổi “Còn sen… Tùng trước” ra “Bông sen… khóm trúc”
[6] Lăng vua nhà Nguyễn có khóm: Lăng Gia Long gọi là Thọ Lăng, lăng Minh Mạng gọi là Hiếu Lăng, lăng Thiệu Trị gọi là Xương Lăng, Lăng Tự Đức gọi là Khiêm Lăng, Lăng Đồng Khánh gọi là Tự Lăng, Lăng Khải định gọi la Ứng Lăng.
[7] Bài Hương Giang Hành và bài Cung Chiêm Hiếu Lăng, trong Hương Bình Thi Phẩm có trích đăng.
[8] Bài Hương Giang Hành dài đến 114 câu.
Bài Cung Chiêm Hiếu Lăng dài 104 câu. Các bài khác cũng dài trên dưới trăm câu.         
[9] Trong tập Hương Bình Thi Phẩm có lục đăng. Vì bài văn dài quá không tiện chép còn chép đôi câu đôi đoạn, không đủ làm cho bạn đọc thấy cái hay cả toàn bài.
[10] Trong Hồn Thơ Đất Việt của Lam Giang chép đôi chỗ khác: Câu thứ hai: Kim triêu hồi thủ bất thang bình. Câu thứ ba chép là “Long Đỗ như lưu”. Câu tám chép là “Thùy vị…”.
- Hồ đỗ là bụng cọp trỏ hòn Phục Hổ trong dãy Vạn Bảo, là nơi có những dấu thành trì cung điện chùa miếu của Lý, Trần, Lê.
- Ngưu hồ = Hồ Tây (tích kim ngưu phá đất thành vực)
[11] Cổ nhân có câu: Đường thi Tấn tự Hán văn chương, nhân gian tuyệt phẩm. (Thơ đời Đường, chữ đời Tấn, văn chương đời Hán là những nghệ phẩm tuyệt diệu trên thế gian)
[12] Thần Vận: Từ điệu phải cao nhã thanh tân.
Hữu thanh vô vận: có tiếng mà không có nhạc.
Ngõa phẩu: phẩu sành, gõ nghe cạch cạch.
[13] Về sự khác biệt giữa Khô và Đạm đã nói rõ trong tập Trong Vườn Hoa Thơ.
[14] Xem chương 55 nói về lối chơi chữ.
[15] Cặp trạng của bài khai Bút năm 56 tuổi của Thảo Am.
[16] Tôi là bạn Nguyễn Khoa Hiền con trai cụ, nhưng cụ đối với tôi như  một người bạn vong niên. Những khi gặp gỡ, thường đem những câu chuyện riêng ra nói cho biết.
[17] Thuật theo lởi cụ Thảo Gia
[18] Trộ say: Cây mọc cắm dưới nước để giữa sáo đăng cho khỏi ngã. Tục có câu: say sưa sáo ngã.
[19] Trong sách “Phép Làm Thơ” của Diên Hương chép là Quì Viên.
Trong sách “Thi sĩ Nam Trung” của Vũ Ngọc Phan chép là Quỳnh Viên người Thừa Thiên, đậu Tiến Sĩ.
Cụ Vân Bình Tôn Thất Lương cũng bảo là Quỳnh Viên. Tuy người Thừa Thiên nhưng ở Huế ít người biết, vì di cư vào nam từ lâu. Di cư khoảng Thành Thái Duy Tân,  nhưng không rõ sau khi T.T. bị đày hay sau cuộc khởi nghĩa Duy Tân thất bại.
[20] Trong sách của Vũ Ngọc Phan và của Diên Hương đều chép: “…sông cáu mặt, …đá ngong đầu”. Lại có người bảo là “…cau riết mặt”.
[21] Vũ ngọc Phan Chép: “xây bờ bãi”. Diên Hương chép là: “Gió trăng chưa dễ xây trời đất, Bờ bãi bao giờ xáo bể dâu” .
[22] & 4 Sông Hoàng Hà nước luôn luôn đục vì nhiều phù sa. Truyền rằng cứ năm trăm năm thì nước sông trong một lần và một lần trong như vậy là có bậc thánh nhân sanh (Hoàng Hà thanh thánh nhân sanh). Chừ quá bốn, là tính từ khi Lê Lợi đánh đuổi quân xâm lăng Tàu ra khỏi nước và dựng nghiệp đế (1428) cho đến ngày tác giả làm bài Hoài Cảm.
[23] Cảnh trông thấy trong một chiều tà đi thuyền trên sông. đây là thơ cảnh chớ không phải là thơ tả cảnh. Thơ tả cảnh là thơ vịnh cảnh theo chủ quan của tác giả.
[24] Ngằm cảnh chiều trên bến tàu (biển).
[25] & 3 Đã nói rõ ở chương 17 và 18.
[26] Chưa rõ là vị nào.
[27] Mười bài này đã nhiều sách chép rồi nên ở đây chỉ trích dẫn những câu xuất sắc nhất.
[28] Trong Chương Dân Thi Thoại của Phan Khôi nói rất kỹ về điểm trùng ý trong mười bài liên hoàn này. Ở đây tôi chỉ nhắc lại và thêm đôi chi tiết.