Hương Vườn Cũ 54



Người Việt Nam, từ xưa đến nay, hễ dùng điển là thích dùng điển của Trung Quốc.
Trong những áng thơ truyền tụng, tôi mới gặp được một số ít dùng điển Việt Nam, như bài Đề Nghĩa Lư của Phạm Thái:

Dệt gấm Thanh Nê câu nhất tiếu
Thêu nền Thúy Ái chữ tam tùng. [1]

Bài MỪNG HOÀNG CAO KHẢI ĂN LỄ THẤT TUẦN:

Huân danh sự nghiệp Hiến Thành Lý
Phú quí vinh ba Nhật Duật Trần. [2]

Và trong khi dùng điển Trung Hoa, người làm văn làm thơ mãi để lòng vào văn chương mà quên nghĩ đến những gì có liên quan đến cảnh nhục vinh của dân tộc, nên nhiều lúc vô tình đề cao kẻ thù không thể quên của Việt Nam. Như trường hợp Mã Viện là một.
Mã Viện được Hán Quang Vũ sai làm Phục Ba tướng quân sang đánh Trưng Nữ Vương. Thắng trận rồi, Mã Viện dựng trụ đồng để ghi công mình và hăm dọa dân tộc Việt Nam. Ông cha ta thù hận thấu xương. Thế mà trong văn thơ Việt Nam lại thường nhắc đến lời nói và việc làm của Mã Viện với ý thức tán dương! Như trong Chinh Phụ Ngâm có những câu:

- Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao. [3]

- Săn Lâu Lan rằng theo Giới Tử
Tới Man Khê bàn sự Phục Ba. [4]

Thậm chí có một nhà nho tên Viện, đã tự cho là hãnh diện mà lấy bút hiệu “Phục Ba” ký trong Nam Phong! [5]

Tác giả Chinh Phụ Ngâm và nhà nho Phục Ba đại diện cho phái người có cảm tình cùng Mã Viện.
Đối với Mã Viện, không có mỹ cảm trong hàng văn nhân thi sỹ tôi được biết, trước hết có Nguyễn Du. Lúc đi sứ sang Trung Quốc, thời Gia Long, qua ngang miếu thờ Mã Viện ở Giáp Thành, tiên sinh có đề vịnh một luật:

Lục thập lão nhân cân lục suy
Cứ an bị giáp tật như phi
Điện đình chỉ bác quân vương tiếu
Hương lý ninh tri huynh đệ bi
Đồng trụ cận năng khi Việt nữ
Châu xa tất cánh lụy gia nhi
Tính danh hợp thướng Vân đài họa
Do hướng Nam Trung sách tuế thì?

Nghĩa là:
Người sáu mươi kém suy gân sức
Ông lẹ làng mặc giáp lên yên [6]
Cung rồng chuốc một tiếng khen
Quê hương đâu biết nỗi phiền người thân [7]
Sợ cột đồng riêng phần Việt nữ
Dèm xe châu để lụy gia nhi [8]
Đài mây công cán không ghi [9]
Trời Nam muôn dặm mắc gì khói hương [10]

Mã Viện có công là có công với nhà Hán. Cớ sao không đem tánh danh tạc nơi Vân Đài ở Tràng An mà lại buộc người phương Nam phụng tự? Chẳng những thờ phượng ở Giáp Thành, mà ở Đại Than còn có miếu nữa! Đi qua miếu Đại Than, Tố Như tiên sinh cũng có đề thêm một luật mà câu kết vô cùng cảm khái:

Nhật mộ thành Tây kinh cức hạ
Dâm Đàm di hối cánh hà như?!

Nghĩa là:
Gai gốc thành Tây chen bóng xế
Dâm Đàm hối cũ nghĩ sao đây? [11]

Cũng lấy khía cạnh xấu của Mã Viện ra làm thi liệu, thơ Quốc âm có bài của Hải Nam Đoàn Như Khuê tiên sinh được truyền tụng:

Trèo non vượt biển biết bao công
Một trận Hồ Tây chút vẫy vùng                      
Quắc thước khoe chi mình tóc trắng
Trâm quan họ với khách quần hồng
Gièm chê vốn đã đầy xe ngọc [12]
Công cán ra chi mấy cột đồng
Ai đó chép công ta chép oán
Công riêng ai đó oán ta chung. 3

Tố Như tiên sinh và Hải Nam tiên sinh đã thay mặt người Việt Nam yêu nước mà tỏ thái độ dứt khoát với viên tướng Tàu xâm lăng.
Bài của Tố Như ngậm ý mỉa mai.
Bài của Hải Nam xẳng lời trách mắng.
Giọng văn của Tố Như có phần hiền hòa.
Giọng văn của Hải Nam thật sắc bén. Cặp trạng dùng phép đối chọi để tỏ ý khinh khi: Quần hồng đối với đầu bạc, đầu bạc đội mũ cài trâm vênh vang hống hách. Cặp luận lột trần được bộ mặt gian hùng xảo quyệt: Khoe khoang công cán để che dấu lòng tham nhũng. Nhưng mấy cột đồng kia làm gì che dấu nổi những xe châu báu đã vơ vét được ở Giao Châu. Nên cuối cùng bị lời gièm chê phát giác, khiến nắm xương tàn không được về cố hương!

Tố Như cũng dùng cột đồng, xe châu, để phê phán. Nhưng câu thơ Tố Như có ngậm ý xót thương bên cạnh lời mai mỉa. Mai mỉa về việc dựng cột đồng, xót thương cho thê nhi Mã Viện vì mấy xe châu mà phải liên lụy. Tố Như đánh kẻ thù mà còn nhân tay. Không đã giận bằng đọc bài của Hải Nam, nhất là đọc câu:
Ai đó chép công ta chép oán
Công riêng ai đó oán ta chung.

Lòng vô cùng phấn khởi.
Bài vịnh Mã Viện của Hải Nam tiên sinh là một bài vịnh sử tuyệt tác. Thế mà xưa nay các nhà sọan sách giáo khoa không dùng để nuôi dưỡng tinh thần ái quốc của con em. Thật đáng tiếc!

Đọc những bài thơ vịnh thượng dẫn, chúng ta vừa biết thêm một ít sự kiện lịch sử mà những quyển sử Việt Nam hiện hành không thấy chép, vừa học được cách dụng điễn và tinh thần dụng điễn của các bậc tiền bối có thi tài và có lập trường quốc gia kiên cố.
Đó là bắn một nhát tên mà được hai con chim một lượt.





[1] Đã nói ở các chương trước. Xem kỹ chương 10.
[2] Xem toàn bài ở chương 38 ở trước.
[3] “Da ngựa bọc thây” là lời nói của Mã Viện: Kẻ trượng phu nên lấy da ngựa bọc thây, há lại chịu chết trong tay nhi nữ hay sao”.
[4] Sau khi lấy được đất Giao Chỉ rồi, Mã Viện dựng trụ đồng để ghi công và khắc mấy chữ để dọa dân ta: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”. Để khỏi gai mắt, ông cha ta hễ người nào đi ngang qua cũng lấy một hòn đá quăng nơi chân trụ, lâu ngày trụ bị lấp mất.
Man Khê là một nước nhỏ không chịu thuần phục nhà Hán. Mã Viện đem quân đánh lấy. Mã Viện là kẻ thù không đội trời chung của người Man Khê, cũng như của người Giao Chỉ.
[5] Theo sách CHƠI CHỮ của ông bạn Lãng Nhân (trang 123).
[6]  Mã Viện, tuổi ngoài sáu mươi mà còn ham công danh. Vua nhà Hán thấy ông già không muốn sông pha trận mạc, ông liền mặc áo giáp nhảy lên ngựa, tỏ mình còn khỏe mạnh. Vua cười khen: “Ông già này quắc thước lắm”.
[7] Em họ Mã Viện là Thiếu Du thấy Mã Viện già mà ưa đánh giặc lập công, thường than cùng người thân rằng họ Mã chỉ lo mua lấy cái khổ.
[8] Sau khi thắng trận ở Giao Chỉ về, Mã Viện chở theo mấy cỗ xe nặng, nói rằng xe hạt ý dĩ dùng chữa bệnh tê thấp. Nhưng khi họ Mã chết, có kẻ tố cáo rằng mấy cỗ xe ấy chứa đầy châu ngọc đã vơ vét được ở Giao Chỉ. Vua giận. Vợ con sợ hãi không dám đem thi hài về quê hương, chỉ chôn sơ sài ở phía Tây Thành Tràng An.
[9] Đài Mây: Hán Quang Vũ lập một đài cao gọi là Vân Đài, và vẽ tượng 28 công thần treo nơi thành đài. Mã Viện không được dự  phần vinh dự đó mặc dù lập được nhiều quân công.
[10] Mã Viện chết chôn ở phía Tây thành Tràng An Vua Hán bắt người Việt lập miếu thờ.
[11] Dâm Đàm là tên cũ của Tây Hồ.
Khi Mã Viện sang đánh hai bà Trưng, đóng quân trên bờ Tây Hồ. Nhìn thấy mặt Tây Hồ bốc đầy chướng khí, diều hâu bay ngang qua đều bị rơi xuống nước chết, Viện hối hận nói: “Nay nghĩ lại lời Thiếu Du mới thấy đúng, nhưng không làm sao được nữa”. (Thiếu Du là em họ của Mã Viện, thường nói: “Người ta sinh ra ở đời cốt là đủ ăn đủ mặc thì thôi, nếu cầu lấy thừa thãi thì se khổ thân”. Thấy Viện ham công danh, Du bảo đó là chuốc mối khổ vào thân).
[12] & 3 Bài vịnh Mã Viên tôi được nghe truyền từ lúc nhỏ nhưng không biết tác giả là ai. Nay xem sách CHƠI CHƯ của Lãng Nhân mới hay của Hải Nam tiên sinh.
                Trong CHƠI CHỮ chép đôi chữ khác:
                - Cân thoa đọ với gái quần hồng
                - Gièm chê đã chán đầy mâm ngọc
                - Mặc kẻ chép công ta chép oán.