Hương Vườn Cũ 11.



Ngày xưa phái nữ lưu ở nước ta không được học. Một số rất ít, may mắn được học chăng, cũng chỉ học về đạo đức để trau giồi ngôn hạnh mà thôi. Tuy vậy vẫn sản xuất nhiều tay cân quắc phong tao còn giai phẩm truyền thế. Như ngoài Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, bà Huyện Thanh Quan mà thanh danh và sự nghiệp đã được nhiều người biết, còn có nhiều vị khác rất được hàng thượng lưu trí thức nể vì:

Bên Hán văn:
- Ngô Chi Lan đời Lê Thánh Tông. (1460-1497)
- Phạm Lam Anh đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635).
- Thường Sơn Công Chúa     (con vua Minh Mạng)
- Nguyệt Đình Công Chúa    (con vua Minh Mạng)
- Lại Đức Công Chúa            (con vua Minh Mạng)
        vân vân…

Bên Quốc âm:
- Nguyễn Thị Ngọc Vinh, vương phi của Minh Đô Vương Trịnh Oanh (1740-1767) có bài Tự Tình Vãn thể lục bát và một bài luật Đường còn truyền tụng.
- Trương Quỳnh Như có Quỳnh Như Thi Tập.
- Ngọc Hân Công chúa có Ai Tư Vãn.
- Trương Thượng Hòa có Ỷ Lan Hoàng Thái Hậu Diễn Ca, là những nữ sỹ đời Lê Cảnh Hưng, Lê Chiêu Thống (1740-1788).
- Còn nhiều người có một ít câu lưu truyền như Nguyễn Thị Du có một tập thơ thất luật nhan là Ni Tần Thi Tập, văn chương bình đạm khả ái. Hoàng Vinh Vĩnh, Trương Thị Ngọc Chữ, bà Bang Nhãn Phan Quì… vân vân…
Các tác giả thơ Hán văn, xin nhượng cho quí ngài giỏi Hán học. Chỉ xin nói đến quí bà giỏi thơ văn Quốc âm.
Trước hết xin nói về TRƯƠNG QUỲNH NHƯ, để được gần gũi Phạm Thái.

TRƯƠNG QUỲNH NHƯ

Con gái Kiến Xuyên hầu TRƯƠNG ĐĂNG QUỸ, trung thần nhà Lê, quán Thanh Nê xứ Sơn Nam (Nam Định hiện tại).
Lúc bé mặc quần áo con trai đi học, nổi tiếng thông minh mẫn ngộ.
Đến tuổi cập kê thì gặp Phạm Thái. Sắc tài đôi lứa, keo sơn mối tình. Thi tài ngày thêm nẩy nở. Khi Phạm Thái vì hoàn cảnh phải ra đi, ra đi với hy vọng sẽ trở lại, nàng có năm vần tặng biệt:

Sắt đá lòng này có biết chăng?
Xe duyên mong mượn gió cung Đằng
Vườn đào sực thấy oanh đưa tín
Dặm liễu ai xui én cách chừng?!
Vàng ngọc ví không cùng một ước
Nước non thề đã có hai vầng.
Ai sang cậy hỏi tri âm với
Chớ phụ cầm thư đợi dưới trăng.

Mối tình dang dở, nàng uất ức thành bệnh mà chết, để lại một tập thơ ghi chép mối tình giữa nàng và Phạm Thái: Quỳnh Như Thi Tập. [1]
Trong tập có một ít thơ cảnh, còn bao nhiêu đều là thơ tình. Xin trích đôi bài xuất sắc nhất:

SƠN ÂM CỔ TƯ
Thích nhàn từng trải thú sơn hà
Phong cảnh am mây mới gọi là…
Doành chở bè từ vờn sắc ngọc
Đỉnh in trăng tuệ tỏ màu hoa
Véo von kệ sớm câu chim gióng
Êm ái đàn xuân khúc gió hòa.
Dù chẳng thần tiên nhưng chẳng tục
Mới hay rằng Phật cũng là ta.

VỊNH GIỜ SỬU
Đằng đẵng canh dài khá trách đêm
Đìu hiu giờ sửu giấc nào êm
Tiếng hàn châm nện hơi sương lạnh
Lò hỏa than nung dạ sắt mềm
Eo óc giục người gà nội quạnh
Nỉ non gọi bạn dế ven thềm
Vắt tay ngang mặt nằm mong sáng
Thấy sáng sầu tư chất chứa thêm.

VỊNH GIỜ MÙI
Đong thảm giờ mùi chẳng đấu thưng
Vì ai nên nỗi? Cũng vì chưng…
Mượn tranh sơn thủy làm khuây tạm
Dập lửa tương tư kẻo cháy bừng
Cách điệu dịu dàng nào kẻ biết
Áo khăn xôi xốc dễ ai nâng!
Những là rầu rĩ là buồn bực,
Trăm vẻ đào hồng cũng dửng dưng.

Tứ thơ không có gì mới lạ, lời thơ cũng chưa được già dặn. Đó cũng vì nàng mất sớm quá, thi tài chưa phát triển được bao nhiêu. Nếu tuổi thọ dài thêm, thi pháp luyện thêm, thì sự nghiệp văn chương chắc là huy hoàng đồ sộ.

NGUYỄN THỊ NGỌC VINH

Người làng Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương, được chúa Trịnh là Minh Đô Vương phong làm Vương phi. Cậy được chúa yêu, lộng hành nơi cung cấm, bị bắt giam ngoài thành Thăng Long. Vương phi hối hận, làm bài Tự Tình Vãn dâng lên Minh Đô Vương. Vương cảm động, cho rước vào cung đoàn loan trở lại.
Bài vãn dài 72 câu lục bát, văn chương trôi chảy, lắm câu thanh tao:
Trời cao muôn dặm thẳm xa
Quảng Hàn nở để Hằng Nga lạnh lùng
Tưởng nguồn cơn luống chạnh lòng
Trách duyên dám trách cửu trùng thắm phai.
…………………………………………
Tưởng khi cầm sắt khúc hòa
Trăm năm cù mộc một nhà trúc mai
Bây giờ tin diễn vãng tai
Cửa ngăn dây gió, nguyệt cài then sương.
…………………………………………
Ngập ngừng kể lể gót đầu
Bút hoa mấy vận lệ châu đôi hàng
Cả lòng xin trước nhà vàng
Cậy gương nhật nguyệt rõ ràng chiếu lâm
Nghìn năm khắc cốt minh tâm
Kẻo nông nổi chữ tình thâm thế cười
Nền vương sáng rỡ giữa trời
May nhờ hồng phúc muốn đời lâu xa.
Thơ thất luật của Vương phi có phần lão luyện hơn:
Mọn mảy muốn trông đức cửu trùng
Trời cao đất rộng kể khôn cùng
Trâm gieo bệ ngọc còn e lệ
Hương bén phòng tiêu những ngại ngùng
Đếm tóc chưa đền ơn thánh đức
Chắp tơ thầm cậy sức thiên công
Khuôn trinh ước vẹn niềm trung ái
Ngỏ thỏa công sau đạo thuận tòng.

Bài này cũng là bài dâng lên Minh Đô Vương, mong vương cảm ngộ, lúc bà bị giam ngoài thành Thăng Long.
Minh Đô Vương phi nổi tiếng hay chữ và sành Nôm. Tác phẩm Hán văn cũng như Quốc âm có nhiều, song sau bao phen dâu bể, chỉ còn sót lại chút lòng ngỏ cùng Minh Đô Vương.

TRƯƠNG THƯỢNG HÒA

Người làng Như Quỳnh, xứ Kinh Bắc, sung làm cung tần chúa Trịnh Sâm. Nổi tiếng về thơ Quốc âm. Cảm tài đức của Ỷ Lan hoàng hậu đời Lý, Thượng Hòa đem sự tích của hoàng hậu ra soạn thành diễn ca:
Phương phi mày liễu mặt hoa
Má đào mỗi hạnh da ngà lưng ong
Quỳnh tư diệu chất lạ lùng
Miệng cười muôn tía nghìn hồng nở ra
Càng nhìn càng một nõn nà
Thu ba thua sắc xuân hoa thẹn màu
Mẹ cha mừng rỡ xiết đâu
Nâng niu vàng ngọc thể âu khác thường
……………………………………………
Huyên hoa vừa tiết thanh minh
Đoàn loan lũ phượng khoe xinh đòi người
Dập dìu thôi hán lại hài
Kẻ khoe cốt cách người phơi tinh thần
Liễu xanh bày nét thanh tân
Đào hồng bớn tớn đọ thân tươi màu
Chan hòa sánh ngọc đua châu
Tầm thường hội trước thấy âu xa vời…
Văn chương có công phu khắc hoạch, song lời chưa được nhuyễn, chữ chưa được trong, đọc chưa thật khoái tâm khoái khẩu.
Thơ trong tập NI TẦN cũng chưa được già dặn chải chuốt. Vẻ chất phác của thời Thịnh Lê vẫn còn thấy trong việc luyện tự luyện cách:

ĐÔNG NGÂM
Kể đã ba trăng chốn ngọc đài
Lần lần ngày vắng lại đêm dài
Vội nằm trướng cuốn thường quên rũ
Ngái ngủ trâm rơi những biếng cài
Sớm mặc hoa rơi bên khóm liễu
Khuya dầu trăng ngã dưới cành mai
Không ai ghen cũng không ai ghét
Mà có ghen ai có ghét ai.

THU NHẬT NHÀN TỌA
Trướng gấm màn the trải nệm là
Tơi bời phấn sáp lại hương hoa
Ngỡ trong đền Hán màu cung kiếm
Sá tưởng cung Tần thói lệ xa
Tiết sạch lòng ưa cô tuyết trẻ
Màu thanh tính hợp chị trăng già
Chút niềm cách trở là khi mới
Sau rặt như ngày mới xuất gia.

Lời trực chớ không khúc, nên không có dư vị của chung trà Vũ Di Sơn trong sương sớm.
Văn chương tuy chưa được thanh lịch, nhưng đã thoát được vẻ nặng nề khô cứng của thi gia đời Thuận Thiên…, Hồng Đức…

NGUYỄN THỊ DU

Người làng Kiệt Đặc tỉnh Hải Dương. Lúc nhỏ giả trai đi học. Niên hiệu Hưng Trị (1588-1590) nhà Mạc, thi Hội thi Đình đều trúng tuyển. Trông thấy dung nhan kiều diễm, Mạc Mậu Hợp biết là hàng nữ giới bèn sung vào cung, phong làm hoàng phi.
Lúc ấy bà mới 17 tuổi.
Nhà Mạc mất ngôi, bà trốn vào núi. Sau bị bắt nạp cho chúa Trịnh Bình An Vương Trịnh Tùng (1570-1620), được chúa sủng ái. Sau ít lâu xin đi tu. Sang đời Thanh Đô Vương Trịnh Tráng, lại được vời vào cung làm chức giáo thụ để dạy các cung nữ. Những quyển đình thí, nhà chúa đều giao cho bà xét định.
Bà giỏi cả thơ Hán tự lẫn Quốc âm.
Sáng tác nhiều, song bị thất truyền, chỉ còn sót lại tập Ni Tần và đôi ba câu lục bát:
Hiềm vì một chút đảo điên
Song le Bạc thị vốn duyên Hán thần.

Nữ nhi dù đặng có lề
Ắt là tay thiếp kém gì trạng nguyên.

Tập Ni Tần soạn lúc làm cung tần thời Bình An Vương Trịnh Tùng. Những câu lục bát ở trong tâp Gia Ký của bà.

HOÀNG VINH VĨNH

Người Kim Động, xứ Sơn Nam, dòng dõi thế phiệt, vợ thứ viên quận công triều Lê Cảnh Hưng (1740-1786). Vua Lê chúa Trịnh đều kính nể tài đức.
Thơ Quốc âm cũng như Hán tự, bà làm nhiều, song còn truyền không được mấy:
- Thảo mao dám đọ nơi hoàng các
Cù mộ đành hơn phận tiểu tinh.
- Ngào ngạt tin xuân hoa đón cửa
Rỡ ràng vẻ thúy nguyệt in rèm.
Xem qua đôi câu, cũng đoán biết được bút pháp đã lão luyện. Cách rèn câu đúc chữ thuần thục hơn các bà trước. Rất tiếc là không tìm được nhiều để trang điểm cho vườn thơ Hàn luật được thêm sắc thêm hương.

TRƯƠNG THỊ NGỌC CHỮ

Người Như Quỳnh (Kinh Bắc) là một cung tần, sinh ra An Đô Vương Trịnh Cương (1709-1729).
Văn chương nổi tiếng trong cung cấm.
Song chỉ còn nghe truyền hai câu lục bát bà khẩu chiếm lúc còn ở nhà lo việc đồng áng, tình cờ gặp xa giá chúa Trịnh đi tuần chiêm:
- Tay cầm bán nguyệt xuê xang
Một trăm thức cỏ lai hàng tận tay.
- Mặc ai che tán che tàn
Tay đây tùy thích nghênh ngang cõi bờ.
Tả việc cắt cỏ như thế thật đã khéo. Tuy là một cô gái nhà quê, tác giả đã tự thấy mình có đủ tài đức để làm nên danh giá sự nghiệp.
Nhưng văn chương có thể sánh cùng Đoàn Thị Điểm thì chỉ riêng:

NGỌC HÂN CÔNG CHÚA.

Công chúa là con thứ 21 của vua Lê Hiển Tông (1770-99) được vua Quang Trung lập làm Bắc Cung hoàng hậu năm Kỷ Dậu (1789) và mất sau vua Quang Trung 7 năm, tức năm Kỷ Vị (1799).
Khi vua Quang Trung thăng hà, Công chúa có bài Ai Tư Vãn, văn chương lâm ly bi thống.
Bên cạnh bài Ai Tư Vãn lại có bài văn tế vua Quang Trung cũng truyền là của công chúa.
Có người ngờ rằng bài văn tế cũng như bài vãn không phải tự tay Ngọc Hân công chúa soạn mà do người khác thác từ. Chỉ đúng với bài văn tế. Vì trong lúc chua xót về cảnh tử biệt, không ai còn gan ruột để ngồi đúc chữ chuốt lời, cân câu biền gióng câu ngẫu. Những bài văn tế trong lúc thành phục đều do người ngoài làm hộ, người có tang dù muốn tả nỗi lòng cùng người quá cố cũng phải đợi ít ra đến tuần bá nhật, đến ngày tiểu tường, để cho nỗi đau thương lắng dịu bớt, lòng lấy lại được bình tĩnh để nghĩ đến văn chương. Còn bài Ai Tư Vãn thì dám quả quyết là của Công Chúa, vì không phải người trong cuộc không thể thốt ra những lời bi ai thống thiết như lời Ai Tư Vãn được.

Ai Tư Vãn làm theo thể song thất lục bát, gồm 41 chu kỳ, 164 câu.
Thể song thất là thể thơ thịnh hành thời Lê mạt.
Hai áng văn kiệt tác, Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm sản xuất trong triều đại này.
Văn Cung Oán Ngâm Khúc kỳ cổ.
Văn Chinh Phụ Ngâm thanh tao.
Văn Ai Tư Vãn trang nhã nhưng không đài các, có một vẻ đẹp cao quí một cách tự nhiên.
Trên 60 năm sau, ra đời bài Tự Tình Khúc của Cao Bá Nhã, giọng văn phảng phất ít nhiều.
Bài Ai Tư Vãn đã được phổ biến sâu rộng. Ở đây chỉ xin trích dẫn đôi ba đoạn điển hình:

Gió hiu hắt buồng tiêu lạnh lẽo
Trước thềm cung lan huệ héo don.
Cầu Tiên khói tỏa đỉnh non [2]
Xe rồng thẳm thẳm bóng loan rầu rầu
Nỗi lai lịch dễ hầu than thở
Trách nhân duyên mờ lỡ cớ sao?!
Sầu sầu thảm thảm xiết bao
Sầu tràn giạt bể thảm cao ngất trời.
Tự cờ đỏ trỏ vời cõi Bắc
Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương
Xe dây vâng mệnh phụ hoàng
Thuyền lan chèo quế thuận đàng vu qui.
…………………………………………
Lòng đùm bọc thương hoa đoái cội
Khắp tôn thân cùng đội ơn sang
Miếu đình còn dấu chưng thường [3]
Tùng thu còn rậm mấy hàng xanh xanh [4]
Nhờ hồng phúc gội cành hòe quế
Đượm hơi sương dây rễ cùng tươi
Non Nam lần chúc tuổi trời [5]
Dâng câu thiên bảo bày lời Hoa Phong [6]
Cuộc tụ tán bi loan kíp bấy
Kể sum vầy đã mấy năm nay
Lênh đênh chút phận bèo mây
Duyên kia đã vậy thân này nương đâu?!
Trằn trọc luống đêm thâu ngày tối
Biết nhờ ai dập nỗi bi thương
Trông mong luống những mơ màng
Mơ hồ nhường mộng bàng hoàng như say!
Khi trận gió hoa bay thấp thoáng
Ngỡ hương trời bảng lảng còn đâu…
Vội vàng sửa áo lên chầu
Thương ôi! Quạnh quẽ trước lầu nhện giăng!
Khi bóng trăng lá in lấp lánh
Ngỡ tàn vàng mở cảnh ngự chơi
Vội vàng rảo bước tới nơi
Thương ôi! Vắng vẻ giữa trời sương sa!
…………………………………………
Nghe trước có đấng vương Thanh Võ
Công nghiệp dày tuổi thọ thêm cao
Mày nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước biết bao công trình
Nghe rành rành trước vua Nghiêu Thuấn
Công đức dày ngự vận càng lâu
Mà nay lượng cả ơn sâu
Móc mưa rưới khắp chín châu đượm nhuần
Công dường ấy mà nhân dường ấy
Cõi thọ sao hẹp bấy? Hóa công!
Rộng cho chuộc được tuổi rồng
Đổi thân ắt hẳn bỏ lòng tôi ngươi…
Buồn thay nhẽ sương rơi gió lọt
Cảnh đìu hiu, thánh thót châu sa
Tưởng lời di chúc thiết tha
Khóc nào nên tiếng thức mà cũng mê!
Buồn thay nhẽ xuân về hoa ở
Mối sầu riêng ai gỡ cho xong
Quyết liều mong vẹn chữ tòng
Trên rường nào ngại giữa dòng nào e. [7]
Còn trứng nước thương vì đôi chút
Chữ tình thâm chưa thoát được đi
Vậy nên nấn ná đòi khi
Hình tuy còn ở phách thì đã theo…
…………………………………………
Tưởng linh sảnh nhơn nhơn còn dấu
Nỗi sinh cơ có thấu cho không
Cung xanh đương tuổi ấu xung
Di mưu sao nỡ quên lòng đoái thương! [8]
Gót lân chỉ mấy hàng lẩm nhẩm [9]
Đầu mũ mao mình tấm áo gai
U ơ ra trước hương đài
Tưởng quang cảnh ấy chua cay dường nào!
………………………………………
Cảnh nào cũng ngùi ngùi cảnh ấy
Tiệc vui mừng còn thấy chi đâu
Phút giây bãi bể nương dâu
Cuộc đời là thế biết hầu nài sao!
Chữ tình nghĩa trời cao đất rộng
Nỗi đoạn trường còn sống còn đau
Mấy lời tâm sự trước sau
Đôi vầng nhật nguyệt trên đầu chứng cho.

Âm đạm trầm thống, văn chương do ở chí tình. Rõ là thốn tâm thiên cổ, khiến người mấy trăm năm sau không ngăn nổi lòng bùi ngùi khi xem đến, nghe đến.
Vua Quang Trung là bậc anh hùng cái thế.
Ngọc Hân Công Chúa là trang quốc sắc thiên tài.
Duyên trời tác hợp. Đó là chí thiện, chí công.
Nhưng hạnh phúc không cho hưởng trọn trăm năm là cốt để cho ân tình được nghìn muôn thu thơm thắm.
Tình giữa vua Ngu Thuấn và Song Nga theo lệ mà thấm mãi vào lòng trúc vàng bến sông Tương.
Tình giữa vua Quang Trung và Ngọc Hân theo văn mà còn mãi trong hồn thơ nước Việt.
Nếu Ngọc Hân Công Chúa cũng như Nga Hoàng Nữ Anh, không vương mối thương tâm, thì làm sao có được khúc Ai Tư Vãn đìu hiu gió trúc sông Tương, khiến dù cách dù xa, người sau vẫn cảm thông cùng người trước.

BÀ BANG NHÃN

Đối với các vị cân quắc phong tao trên đây, thuộc hàng hậu bối.
Bà là vợ ông PHAN QUÌ một tay thi nhân về Hán văn, đất Quảng Nam, sống vào khoảng Đồng Khánh Thành Thái (1885-1907). Bang là chức vụ, Nhãn là tên tục của ông Phan. [10]

Khi ông Phan Quì còn tại thế, thì bà chỉ là một nội tướng đảm đương. Nhưng sau khi chồng mất được ít lâu thì thốt nhiên bà trở nên giỏi thơ Quốc âm, và thường cùng các danh sỹ đương thời xướng họa.
Có người cho thế là ra ngoài nữ tắc, thích thực câu tục ngữ “Phụng hoàng đua bìm bịp cũng đua, Mâm thau nhịp mo nang cũng nhịp” gởi đến tặng bà. Bài thơ tám câu, còn truyền được câu trạng:
Vuốt ve lông cánh theo ngàn nhẫn
Chung chạ thanh âm đủ tám nghề.
Vế trên ý kín, vế dưới ý lộ. Chữ “chung chạ” và chữ “tám nghề” có ác ý. [11]
Nhưng bà không lấy làm điều, cứ ung dung trong làng phong nhã.
Thơ bà có tiếng công xảo. Nhưng chỉ thấy truyền có hai bài:

QUA CỬA HÀN CẢM TÁC
Rầm rầm ngựa lại lại xe qua
Nhượng địa là đây, có phải là…?
Liếc mắt nhìn quanh hoa kiểng lạ
Chạnh lòng tưởng tới nước non ta [12]
Những trang hồ thỉ đi đâu vắng?
Để cuộc tang thương tủi lắm mà!
Há phải Đường Ngu mà ấp tổn [13]
Nào vua Hạ Võ ở mô na? [14]

NGŨ HÀNH SƠN TỨC CẢNH.
Cảnh trí nào hơn cảnh trí này
Bồng Lai âu hẳn cũng là đây
Khói lồng sắc đá non phơi gấm
Chùa nức hơi hương biển kéo mây
Ngư phủ gác cần ngơ mặt nước
Tiều phu chống búa dựa lưng cây
Nhìn xem phong cảnh ưa lòng khách
Vút mắt Trường Sơn ác xế tây!

Tiểu sử của bà Bang Nhãn chưa được biết rõ. Nhưng theo văn chương mà đoán thì bà là một bậc nữ lưu có chí khí trượng phu. Làm ra thơ không phải để khoe khoang tài ba hoặc để mua vui ngày tháng, mà chính để gởi tâm sự trăm năm không biết ngỏ cùng ai. Lòng ưu ái của bà hình hiện nơi bài Qua Cửa Hàn Cảm Tác và ẩn ước trong bài Ngũ Hành Sơn.

Câu:
Nhìn xem phong cảnh ưa lòng khách
Vút mắt Trường Sơn ác xế tây.
Không phải là câu thơ tả cảnh suông.
Trường Sơn là xương sống của Trung Việt, tượng trưng cho toàn cõi Việt Nam. Chữ “ác xế” ngậm ý ngã về. “Tây” ám chỉ bọn xâm lăng Pháp.
Đại ý nói: phong cảnh nước non trông xinh đẹp dường ấy, mà đất nước Việt Nam nay đã thuộc về giặc Tây rồi!
Nỗi đau thương buồn tủi không nói mà nói!
Tình thơ thật là thâm thiết! Tứ thơ thật là bao la!

Câu kết bài Ngũ Hành Sơn là một cửa sông đón nước từ nguồn xa chảy xuống để đưa ra ngoài biển cả mây sóng thương mang!
Tinh thần bài thơ đều dồn nơi câu kết, mà tâm sự của tác giả cũng dồn nơi câu kết. Đương đọc thì hưởng được mùi ngon trong vị, đọc xong lại hưởng thêm tiếng đàn ngoài dây tơ. Tình bất tận, ý vô cùng. Tuyệt thú!

Thế mà trong các sách hiện hành đều chép:
Nhìn xem phong cảnh ưa lòng khách
Khen bấy thợ trời khéo đắp xây.

Ý tứ đã tầm thường mà văn chương lại non nớt không xứng với những câu vừa đẹp vừa mạnh ở trên. Chắc là người sau sợ động thời văn, nên sửa lại như thế để tránh cửa ngục văn tự khi cao hứng ngâm nga. Chớ một cây bút lão luyện như bà Bang Nhãn không thể phạm lỗi “tượng đầu tý vỹ”. Câu kết bài Qua Cửa Hàn Cảm Tác là một bằng chứng.

Cặp trạng bài Ngũ Hành cũng thấy nhiều sách chép:
Non chen sắc đá màu phơi gấm
Chùa nức hơi hương khói lẫn mây.

Câu này chỉ được vẻ trang nhã. Lời không hùng bằng, cảnh không cao rộng, không nhiều hình ảnh màu sắc bằng câu:
Khói lồng sắc đá non phơi gấm
Chùa nức hơi hương biển kéo mây.

Chúng ta thấy vẽ ra trước mắt cảnh vĩ đại của dãy núi bằng đá cẩm vân đứng gần mé biển, và biển kéo mây để hợp cùng khói đá cùng hương chùa hầu điểm tô cho núi được thêm tình thêm thú.
Tình cảnh trong câu này đã hơn câu kia, mà bút pháp cũng vững vàng hơn: Chữ “biển” trong câu trạng làm chỗ tựa cho chữ “ngư phủ” trong câu luận, khiến kẻ sống với nước không bị lạc lõng nơi đá mọc khói tuôn.
Câu thơ vừa làm cho phong cảnh thêm giàu sang, vừa làm cho bài thơ có hô có ứng, hô ứng theo nhau như bóng với hình như vang với tiếng.
Cho nên tôi chắc câu tôi nghe truyền đúng nguyên bổn, ít ra cũng gần nguyên bổn hơn câu trong các sách hiện hành.

Và xem hai bài thơ thượng dẫn, chúng ta cũng đủ thấy bà Bang Nhãn là một nhà thơ thi cốt hùng, thi học vững, thi tài cao. Giai tác của bà hẳn còn nhưng chưa gặp thiện duyên để phổ biến.
Trong Ngũ Hành Sơn, nơi hòn Dương Hỏa Sơn có một thạch đng. Xưa kia có một công chúa em vua Minh Mạng đến ở tu. Nhà vua triệu về gả lấy chồng. Công chúa bèn dâng lên một bài thơ luật Đường, hứa hễ có người họa hay hơn thì sẽ hoàn tục:

Thế sự nhìn xem rối cuộc cờ
Càng nhìn càng ngắm lại càng nhơ!
Đánh tan tục niệm hồi chuông sớm
Gõ vỡ trần tâm tiếng mõ trưa
Chu tử ngán mùi nên vải ấm
Đỉnh chung lợm giọng hóa chay ưa
Lên đài cứu khổ toan quay lại
Bể ái trông ra nước đục lờ!

Nhà vua xem thơ, biết chí bà đã quyết đầu Phật, nên không ép nữa.
Bài thơ bị bệnh điệp sàng giá ốc: câu ba câu bốn ý trùng nhau, câu năm câu sáu ý cũng trùng nhau nữa.
Tứ cũng không có gì mới lạ.
Nhưng lời thơ êm đẹp, nếu không phải là tay lão luyện, thì không thể làm nên.
Trong giới nữ lưu từ xưa tới nay, người làm thơ đã ít mà thơ còn truyền thế cũng không được nhiều. Cho nên bài thơ trên đây tuy không phải là viên ngọc Biện Hòa, chúng ta vẫn phải giữ gìn cho khỏi bị mai một.
***
Những nữ sỹ kể trên đều là người Trung Việt và Bắc Việt. Ở Nam Việt có bà NGUYỆT ANH thanh danh nổi khắp Lục Tỉnh.
Bà là con gái cụ NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU, sống vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Tên là NGUYỄN THỊ KHUÊ.
NGUYỆT ANH là tự.
Quê nhà ở An Bình Đông, tỉnh Bến Tre. Quê chồng ở Rạch Miễu tỉnh Mỹ Tho.
Phẩm hạnh cao. Văn chương nhã.
Trước bà cũng như sau bà, Miền Nam không có một bậc nữ lưu nào tài đức sánh kịp.
Thân thế và sự nghiệp văn chương của bà đã có nhiều người viết. Áo gấm không cần thêm hoa, nên ở đây chỉ nói đại lược về tiểu sử và giới thiệu đôi vần thơ điển hình:
Bài thơ được nhiều người thuộc và nhiều sách trích dẫn nhất là bài

VỊNH BẠCH MAI TRÊN NÚI ĐIỆN BÀ TÂY NINH
Non linh đất nước trổ hoa thần
Riêng chiếm vườn hồng một cảnh xuân
Tuyết đượm nhành tiên in sắc trắng
Sương pha bóng nguyệt ánh màu ngân
Mây lành gió lạnh nương hơi chánh
Vóc ngọc mình băng bặt khói trần
Sắc nước hương trời nên cảm mến
Non linh đất nước trổ hoa thần.

Đó là mai núi Điện Bà mà cũng là tinh thần cốt cách của tác giả. Đó là mượn vật tả lòng. Trực tiếp tả lòng thì như bài:

 TIỄN BẠN ĐỔI ĐI SA ĐÉC:
Ngàn xưa dễ mấy hội tao phùng
Sa Đéc nay thầy tách cõi đông
Phong cảnh mặc dầu chia đất khác
Nắng mưa đâu cũng đội trời chung
Quê người tạm gởi nhành dương liễu
Đường hoạn xin tròn phận kiếm cung
Cái tác râu mày thì phải vậy
Nặng bằng non Thái nhẹ bằng lông.

Và bài

VỊNH CẢNH THÀNH THÁI NGỰ GIÁ SÀI THÀNH
Ngàn thu may gặp hội minh lang
Thiên hạ ngày nay trí mở mang
Tấc đất ngọn rau tràn dưới mắt
Đai cơm bầu nước chật ven đàng
Vui lòng thánh đế trên xe ngựa!
Xót dạ thần dân chốn lửa than!
Nước mắt cô thần trời đất biết
Biển dâu một cuộc nghĩ mà thương!

Lòng thương nước yêu nòi, lòng thiết tha cùng thời cuộc chan chứa trong lời thơ.
Nhưng riêng nói về mặt văn chương, bà Nguyệt Anh có phần kém hơn bà Huyện Thanh Quan, bà Bang Nhãn và Hồ Xuân Hương. Thơ bà lời trực chớ không khúc lại ít công trác mà phanh luyện. Cho nên sức truyền cảm không được mạnh, sức trì hứng không được bền.
Nói một cách bình dân: Thơ bà kém phần nhưng nhị, không mấy hấp dẫn.
Tuy vậy vẫn là những áng văn chương hiếm hoi đáng quí.
Thi ca của bà hẳn nhiều. Nhưng mới được thấy một số trong THI SỸ TRUNG NAM của Vũ Ngọc Phan thời Tiền Chiến và NỮ THI HÀO VIỆT NAM của Phạm Xuân Độ thờ hậu chiến.
Trong Nữ Thi Hào Việt Nam thấy lục bài CHINH PHỤ TỪ bằng Hán văn:

Đình thảo thành sào liễu hựu ti
Chinh phu hà nhật thị qui kỳ?
Bán liêm tàn nguyệt thương tâm dạ
Nhất chẩm đề quyên lạc lệ thì.
Tái Bắc vân trường cô nhạn ảnh
Giang Nam xuân tận lão nga mi
Tác lai kỷ độ tương tư mộng
Tằng đáo quân biên tri bất tri.

Ông Phạm Xuân Độ bảo rằng:
- “Trong hồi chiến tranh 1914-1918, bà ngậm ngùi dự những cuộc ra đi của quân lính Việt Nam, - những người bị đưa ra ngoài ngàn dặm, để tranh đấu cho ngoại bang, những kẻ chẳng được phụng sự quê hương, mà gia đình cũng quạnh hiu, nheo nhóc…-, Bà kín đáo mượn lời chinh phụ, gián tiếp tỏ nỗi căm hờn, bằng một bài Hán tự (bài thượng dẫn).

Ông Nguyễn Đình Chiêm, bào đệ bà, thấy ý tưởng tiêu tao, thấm thía, tự dịch ra Quốc âm.
Đây, bài thơ dịch:

Cỏ rạp sân thềm liễu rũ hoa
Chàng đi bao thuở lại quê nhà?
Nửa rèm trăng xế lòng ngao ngán
Chiếc gối quyên gào lụy nhỏ sa
Ải bắc mây giăng che bóng nhạn
Vườn xuân nắng tạt ủ mày nga
Nhớ nhau mấy lúc chiêm bao thấy
Ngàn dặm lang quân biết chẳng là?

Bài Chinh Phụ đó không phải của bà Nguyệt Anh. Đó là của Thái Thuận đời Lê Thánh Tông. Trong Lữ Đường di cảo thi tập in bảng gỗ từ đời Lê có chép bài thơ đó dưới nhan đề là CHINH PHỤ NGÂM và câu thứ bảy, chữ thứ nhất là chữ Sạ “Sạ lai kỷ độ tương tư mộng”. Trong bảng dịch tập Lữ Đường của quí cụ Lê Thước, Hà Văn Đại…, cũng có bài đó:

Cỏ tốt đầy sân liễu rủ mành
Ngày nào về hỡi kẻ tòng chinh?
Rèm thưa lòng não trăng tàn bóng
Gối lạnh châu tràn cuốc gọi canh
Ải bắc mây bay con nhạn lẻ
Giang Nam xuân hết nét mày xanh
Tương tư mấy độ đêm thường mộng
Có thấu tình chăng anh hỡi anh?

Tập thơ Lữ Đường di cảo thi tập của Thái Thuận tôi hiện có. Bài Chinh Phụ Ngâm là một trong những bài xuất sắc trong tập. Âm tiết thật không nhượng Đường thi. Tôi có dịch thử:

Cỏ đã vun sân liễu lại chồi
Người ra chiến địa thuở nào lui?
Nửa rèm trăng xế đêm quằn quại
Đầy gối quyên kêu lệ sụt sùi
Xuân lụn trời Nam mày thúy nhạt
Mây vần ải bắc bóng nhàn côi
Tương tư! Biết chẳng? Hồn theo mộng
Tìm đến bên nhau mấy độ rồi!

Bà Nguyệt Anh sống vào khoảng cuối thế kỷ thứ XIX đầu thế kỷ XX (1863-1921). Ông Thái Thuận sống vào thời Lê Thánh Tông (1460-1479), khoảng giữa thế kỷ thứ XV, tức gần năm thế kỷ trước bà Nguyệt Anh. Bài Chinh Phụ Ngâm lại thấy trong Lữ Đường Di Cảo Thi Tập của Thái Thuận. Như thế thì Chinh Phụ Ngâm là tác phẩm của Thái Thuận, chớ không phải của Nguyệt Anh. Có lẽ bà Nguyệt Anh thích bài này, thường mượn ngâm khi xúc cảnh. Người ngoài không biết, tưởng là thơ của bà làm ra. Đó là việc thường. Nhưng nếu tôi không có sẵn tập Lữ Đường Di Cảo Thi Tập xuất bản đã lâu đời trong tay, thì dù có biết đi nữa cũng không dám quả quyết bài Chinh Phụ Ngâm là của Thái Thuận chớ không phải của Nguyệt Anh.
***
Thơ bên nữ giới còn nhiều. Nhưng ở đây tôi chỉ nói đến quí vị đã qua đời mà tôi được đọc qua tác phẩm. Còn quí vị lưu danh thiên cổ nhưng tôi chưa được may mắn xem di cảo, như:
- Nguyễn Thị Quỳnh Hương tức Nguyễn Hạ Huệ đời Lê.
- Nguyệt Đình Công Chúa, con vua Minh Mạng.
- Mộng Liên đời Thành Thái Duy Tân.
- Nhàn Khanh.
                  vân vân…




[1] Kiến Xuyên hầu muốn gả cho Phạm Thái, bà vợ không chịu, ép gả cho một nhà quí tộc, Quỳnh Như ôm hận mà thác.
[2] Cầu Tiên: Lăng vua Quang Trung ở Linh Đường, gần Cầu Tiên, thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông.
[3] Chưng thường: Lễ tế về mùa đông là chưng, lễ tế về mùa thu là thường.
[4] Tùng thu: hai giống cây trồng nơi mộ (saule pleureur).
[5] Non Nam: Thọ tỉ Nam sơn.
[6] Thiên bảo: tên một thiên trong Kinh Thi chép lời chúc tụng thiên tử. Hoa Phong: tên núi. Vua Nghiêu đi chơi ở Hoa Phong, một lão trượng chúc vua được tam đa (đa thọ, đa phúc, đa nam).
[7] Chữ Rường nói việc thắt cổ chết. Nhiều bản chép là rừng, là Gường đều sai.
[8] Di mưu: Chữ trong Kinh Thi (Di quyết tôn mưu): để lại những lời dặn bảo.
[9] Lân chỉ: cũng chữ trong Kinh Thi – trỏ các con vua Quang Trung. (Gót lân).
[10] Bang là Bang tá, Bang biện, một chức thuộc quan. Ong Phan có làm việc công một lối.
[11] Có sách chép rằng câu này của bà Bang làm là sai, vì không ai lại dùng những chữ không mấy đẹp để nói mình.
[12] Có sách chép:   Liếc mắt nhìn xem phong cảnh lạ
                                Ôm lòng chạnh tưởng nước non ta.
[13] Ấp tổn (hay ấp tốn): Vua nhượng ngôi cho người hiền. Vua Đường Nghiêu nhường ngôi cho vua Thuấn lập nên nhà Ngu. Vua Thuấn nhường ngôi cho vua Vũ lập nên nhà Hạ.
[14] Vua Hạ Võ có công trị thủy cứu dân khỏi nạn ngập lụt. Câu kết còn nghe truyền:
                                Nhớ đến người xưa thương đất cu
                              Gấm gan riêng giận bấy trời già.