Hương Vườn Cũ 21.



Các nhà văn nhà thơ Tây Phương thường thường vì yêu cảnh mà nói đến cảnh. Còn hầu hết các nhà thơ nhà văn Đông Phương nói đến cảnh chỉ vì tình.
Nhưng có lắm bài thơ Quốc âm nói đến cảnh, mà không phải vì cảnh cũng không phải vì tình. Như bài:

HÒN VAY HÒN TRẢ
Hỏi thăm giàu có bấy lâu nay?
Qua lại người đồn trả với vay.
Sỏi đá vốn kia cao chất mãi
Cỏ cây lời nọ nảy ra hoài.
Hẹn hò ngày tháng chim năng nỉ
Tờ khế năm mùa lá đổi thay.
Gánh nợ tang bồng mong trả đặng
Bằng không cũng có đất trời hay.

GÀNH MÓM
Hứng nắng non xanh tác chẳng già
Cớ sao Gành Móm lại giô ra?
Rong rêu quộp quạp râu Bành Tổ,
Đá gộp do de mép Tử Nha.
Nước súc phều phào cơn sóng vỗ
Khăn lau quọc quạch đám mây qua.
Có ai hỏi lão xuân thu mấy?
Rằng thuở khai thiên đã có ta. [1]

Bài Hòn Vay Hòn Trả là tác phẩm của ông HỌC Ý người làng Chánh Lộ tỉnh Quảng Ngãi. Bài Gành Móm kẻ thì bảo của cụ HUỲNH MẪN ĐẠT, người thì bảo của cụ ĐẶNG ĐỨC SIÊU. 2

Cả hai nói đến cảnh chỉ vì tên cảnh ngộ nghĩnh. Tác giả chỉ lo khắc hoạch sao cho ra Vay ra Trả, sao cho ra Móm ra Gành. Còn hình núi ra sao, dáng gành ra sao, tình người đối với cảnh như sao…, thì không chút quan tâm đến!

Đó là lối thơ cử nghiệp, lối thơ chỉ chú trọng đến đề bài chớ không thiết tha đến tánh linh, đến thực tế.
Chính lối thơ cử nghiệp đã làm mất cái bản chỉ, cái chân thú của thơ, và khiến cho thơ Đường luật mỗi ngày mỗi suy lạc.
Nhưng hai bài thơ trên, tuy nằm trong khuôn khổ thơ cử nghiệp song có nhiều tứ mới làm cho vị thơ vừa đượm vừa tươi chớ không nhạt nhẽo khô khan như phần nhiều những thơ “đồng loại”.
Cũng như hai tác giả Hòn Vay Hòn Trả và Gành Móm, nhà chí sỹ Trần Cao Vân vịnh Hòn Chồng Đực Hòn Chồng Cái ở Nha Trang, vì tên cảnh chớ không phải vì cảnh:

Đất nắn trời nung khéo định đôi
Hòn Chồng Đực Cái sánh hai ngôi.
Ông xây nên đống cây trồi mụt
Bà đúc y khuôn đá mọc chồi.
Mây núi rũ giăng màn tịnh túc,
Nước khe hầu rót chén giao bôi.
Non thề giai lão trơ trơ đó
Gió chẳng lung lay sóng chẳng dồi.

Bài thơ Ông Chồng Bà Chồng của Hồ Xuân Hương cũng thuộc loại này:

Khéo khéo bày trò hỡi Hóa công!
Ông Chồng đã vậy lại Bà Chồng.
Tầng trên tuyết điểm phơ đầu bạc
Thớt dưới sương pha đượm má hồng.
Gan nghĩa dãi ra cùng nhật nguyệt
Khối tình cọ mãi với non sông.
Đá kia còn biết xuân già dặn
Chả trách người ta lúc trẻ trung.

Hai bài này có tình, và cách hành văn dụng ý thoát ra ngoài khuôn sáo. Hương vị đáng yêu hơn hai bài trên gấp bội phần.
Nhưng cả bốn đều là những áng văn chương giá trị, không phải ai cũng có thể làm được. Các bạn mới bước chân vào làng thơ, đừng nghe nói “thơ cử tử” đã vội xem thường xem khinh. Muốn biết rõ chỗ sở trường sở đoản của lối thơ cử nghiệp ra sao, thì cần phải thể nghiệm, ít ra cũng phải đọc qua “Thi pháp nhập môn” của làng thơ xưa.




[1] & 2 Xem chương “Thơ Bình Định” ở sau nơi mục nói về thơ cụ Đặng Đức Siêu.
- Bài này nhiều sách chép có nhiều chữ khác. (Xem chương 35 ở sau).