Hương Vườn Cũ 31.




Nước ta từ ngày dùng khoa cử để chọn nhân tài thì những người muốn lập công danh đều phải biết làm thơ thất ngôn bát cú. Bởi vì thơ là một món thi như phú, kinh nghĩa, văn sách…
Do đó mà mười người biết chữ hết chín người biết làm thơ.
Nhưng biết làm thơ và hay thơ khác nhau. Hay thơ và thơ hay cũng khác nhau hẳn.

Biết làm thơ tức là rành thi pháp, làm được những bài đúng niêm luật, hợp cách thức, không phạm ngũ kỵ bát bệnh [1]. Thế thôi. Những người biết làm thơ chỉ làm khi nào không dừng được, khi nào bị bắt buộc.

Còn những người hay thơ là những người biết làm thơ hay không biết làm thơ, mà gặp gì làm nấy, đụng đâu làm đó, đề hay cũng làm, đề không hay cũng làm, việc đáng làm cũng làm, việc không đáng làm cũng làm… Chẳng khác hoa cỏ may nở khắp gò nổng bụi bờ. Vì hay làm cho nên thơ nhiều đến chở cả xe đong cả đấu. Nhưng toàn giấy vấy mực, chớ vàng ngọc không tìm thấy mảy may.

Đó là hay thơ mà thơ không hay.
Thơ hay không lọ đặt dài
Mở ra đầu bài đã biết rằng hay.

Thơ hay không phải hay chữ là làm được. Phải có thiên tư. Phải có thi cốt tức là tâm hồn thơ. Thi cốt hay tâm hồn thơ không phải ai ai cũng có. Đó là của trời cho, rất hiếm. Cho nên từ khi nước Việt Nam mở khoa thi chọn nhân tài., dùng thơ làm món thi nơi trường ốc, từ đời Lý tới đời Nguyễn, gần nghìn năm, mà thơ Việt Nam còn truyền lại không có mấy. Lê Quí Đôn, Phan Huy Chú… ra công sưu tầm mà chỉ thu thập được chừng vài ba chục nghìn bài!

Đó là về thơ chữ Hán.
Còn thơ chữ Nôm, tức thơ Hàn luật?
Thơ Nôm có sau thơ chữ Hán.
Người Việt Nam biết làm thơ chữ Hán tự nghìn xưa. Đời Bắc thuộc, các nhà sư sang Trung Hoa đã từng xướng họa cùng các thi sỹ trứ danh đời Đường, và còn lưu lại nhiều bài kệ có giá trị về đạo lý lẫn văn chương. Sang thời kỳ độc lập, Pháp Thuận thiền sư, vâng lệnh vua Lê Đại Hành, đã ứng khẩu đọc bài “nga nga lưỡng nga nga” làm cho sứ giả nhà Tống phải khâm phục. Nhưng nếu lấy khoa cử làm khởi điểm cho việc dùng luật thơ Đường ở Việt Nam, thì thơ chữ Hán “chính thức sản xuất” triều Lý Nhân Tông, vào năm Ất Mão, niên hiệu Đại Ninh thứ 4 (1075) là năm mở khoa thi Thái học sinh đầu tiên.

Còn thơ chữ Nôm mới có từ triều Trần Nhân Tông (1279-1293) do Hàn Thuyên khởi xướng, Nguyễn Sỹ Cố phụ họa. Thế là thơ chữ Nôm - tức thơ Hàn luật - có sau thơ chữ Hán đến 200 năm.
Lại thêm những người làm thơ chữ Hán y, nhiều người không làm được thơ chữ Nôm, hoặc làm được song không được công xảo. Như trường hợp Thái Thuận là một.

Thái Thuận đậu tiến sỹ đời Lê Thánh Tông (1460-1497), còn để lại tập Lữ Đường Di Cảo gồm trên vài trăm bài thơ, nhiều bài văn chương không nhượng thơ Đường, thơ Tống. Như:

CHIÊU QUÂN XUẤT TÁI
Nam lai trình tận bắc lai trình
Nam bắc na kham trướng biệt tình
Vạn lý Hán thiên ba hữu lệ
Bách niên Hồ địa mã vô thinh
Nhất đoàn la ỷ thương  xuân lão
Kỷ khúc tỳ bà tố nguyệt minh
Phân phú quân vương an chẩm thượng
Sầu thành nhất phiến thị trường thành. [2]

Tạm dịch:
CHIÊU QUÂN RA ẢI
Bắc trình dõi bước dứt nam trình
Nam bắc đường chia mối thảm đoanh
Trời Hán tuôn dòng hoa khóc tủi
Đất Hồ im tiếng ngựa reo binh
Áo cài xuân muộn bơ phờ dáng
Đàn gãy trăng khuya não nuột tình
Nhắn nhủ cung rồng yên giấc ngự
Sầu thành một bức vững trường thành.

Nhưng toàn nhiên không truyền được một câu Hàn luật!
Thời Lê mạt Nguyễn sơ, ba ngọn núi cao vút đứng trong quần sơn nước thơ văn Quốc âm, là:
- Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều
- Hồng Hà Đoàn Thị Điểm
- Tố Như Nguyễn Du.

TỐ NHƯ ngoài quyển Đoạn Trường Tân Thanh và Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh, giá trị tuyệt luân, còn có ba tập thơ chữ Hán: Thanh Hiên Tiền Hậu Tập, Nam Trung Tạp Ngâm, Bắc Hành Tạp Lục, hiện còn nguyên vẹn được gần 300 bài. Lắm bài tuyệt tác:

ĐIỆP TỬ THƯ TRUNG
Vân song tằng kỷ nhiễm thư hương
Tạ khước phong lưu vị thị cuồng
Bạc mệnh hữu duyên lưu giản tịch [3]
Tàn hồn vô lệ khốc văn chương
Đố ngư dị tỉnh phiền ba mộng
Huỳnh hỏa nan khôi cẩm tú trường
Văn đạo dã ưng cam nhất tử
Dâm thư do thắng vị hoa mang. [4]

Tạm dịch:
BƯỚM CHẾT TRONG SÁCH
Song vân từng thấm vị thư hương
Bỏ thú phong lưu há phải cuồng
Mệnh bạc còn duyên vương sử sách
Hồn tàn không lệ khóc văn chương
Khó mong lửa đóm thiêu lòng gấm
Dễ khiến thân sâu tỉnh mộng vàng
Đạo lý sớm nghe chiều chết thỏa
Hoa sao bằng chữ dám cưu mang.

Cũng như Tố Như, ngoài bản dịch Chinh Phụ Ngâm nổi danh khắp nước, Hồng Hà còn tập Tục Truyền Kỳ kỳ thú và chứa đựng hàng trăm bài thơ chữ Hán diễm kiều:

HOÀI XUÂN
Lưu xuân vô nại khứ song song
Hồi khán tao phùng nhất mộng trung
Oán cảnh hữu hoài thương lại điệp
Phương tâm vô sứ thác chinh hồng
Lương tiêu tịch mịch cô đăng nguyệt
Thu dạ thê lương bán chẩm phong
Mặc mặc kỷ hồi thi tưởng bãi
Sâm hoành du tử ỷ ngâm song.

Tạm dịch:
Xuân biệt, cầm xuân luống uổng công
Gặp xuân âu hẳn giấc mơ mòng
Bơ sờ cảnh oán thương thân bướm
Đơn chiếc lòng thơm gởi cánh hồng
Nương bóng hắt hiu đèn dạ nguyệt
Nhắp sầu lạnh lẽo gối thu phong
Giờ lâu đã tưởng câu ngâm dứt
Sao rựng trời mai mãi tựa song. [5]

Thơ chữ Hán tài bộ như thế, thơ lục bát và song thất lục bát tinh diệu như thế, thế mà hai tiền bối không để lại cho hậu thế một câu Hàn luật nào!
Riêng Ôn Như Hầu, ngoài tập Cung Oán Ngâm Khúc, văn chương kỳ cổ, đối trĩ cùng bản dịch Chinh Phụ Ngâm của Hồng Hà, văn chương thanh tao lưu lợi, còn lưu thế tập thơ Quốc âm: Ôn Như Hầu Thi Tập mà lời thơ tự nhiên có, khắc hoạch có, cổ kính có, tao nhã có…
Đó là nghe truyền, chớ tôi chưa được đọc toàn tập, mà chỉ thấy được đôi bài đôi câu:

SAI ĐỆ TỬ
Cam, chóng ra nơi gốc hải đường
Hái hoa về để kết làm tràng
Những cành mới nhánh đừng vin nặng
Mấy đóa còn non chớ bẻ quàng
Trở lại tây hiên tìm liễng xạ
Rồi sang đông viện lấy bình hương
Mà về cho chóng đừng thơ thẩn
Kẻo lại rằng chưa dặn kỹ càng.

ĐÊM NGHE ẾCH KÊU
Man mác cảnh đâu ngoài vạn dặm
Bâng khuâng sự những mấy trăm năm.

NHÂN THẾ
Trú dạ mênh mông thuyền hạo kiếp
Cổ kim man mác võng huyền cơ.

CANH NĂM
Dế gọi người nằm thiên cổ dậy
Sương trùm cảnh đứng tứ canh đi.

Trong Văn Đàn Bảo Giám tái bản năm 1968 và trong sách chép Phép Làm Thơ của Diên Hương có lục một trong số thơ Cung Oán ghi là của Ôn Như Hầu. Song tôi không dám tin là đúng vì chỉ được nghe truyền Ôn Như Hầu có Cung Oán Ngâm khúc mà chưa từng nghe nói có Cung Oán Thi. [6]
Chỉ xem một ít câu thượng dẫn cũng đủ thấy rằng thơ Hàn luật của Ôn Như Hầu cũng trác luyện như văn song thất lục bát.
Nhưng sở trường nhiều thể vận văn như Ôn Như Hầu xưa nay rất hiếm.
Cho nên thơ Hàn luật còn truyền lại chỉ chừng trên dưới mươi nghìn bài, và những nhà thơ Đường luật vừa giỏi thơ chữ Hán vừa giỏi thơ Quốc âm phỏng chừng trăm nhà trở lên, nghìn nhà trở xuống.
Song con nhà nghèo, được chừng nấy tài sản kể cũng đã quí lắm vậy.


[1] Tứ bất nhập cách: Khinh trọng bất đẳng, dụng ý thái quá, chỉ sự bất thiệt, dụng ý thiêng khô.
                Ngũ kỵ: Cách nhược, tự tục, tài phù, lý đoản, ý tạp.
                Bát bệnh: Bình đầu, thượng vỹ, phong yêu, hạc tấc, đại vận, tiểu vận, chánh nựu, bàn nựu.
Đó là những điều mà kẻ vào làng thơ Hàn luật phải biết để tránh. Còn nhiều khác nữa. Trong tập Thi Pháp Nhập Môn của Mân Đàm Du và Nghệ Tử Lục có nói tường tận. Các sách dạy làm thơ xuất bản lâu nay cũng có nói đại lược. Nên ở đây chỉ xin nhắc qua.
Ngoài quyển thi pháp nhập môn còn một quyển nữa là Cựu Thi lược luận của Lương Xuân Phương. Xem kỹ hai quyển này thì nắm vững then chốt của luật thi.
[2] Ở chương 48, 49 nói về thơ Xuân thơ Đông có trích dẫn nhiều thơ của Thái Thuận.
[3] Có người đọc là: Khô cốt hữu duên lưu giản tịch.
[4] Có chỗ chép là: Dâm thư do thắng vị hoa vương (vong)
[5] Thác lời Tú Uyên nhớ Giáng Kiều.
[6] Đã nói ở chương 7 về Cung Oán thi.