Hương Vườn Cũ 65



Gân gà ăn không ngon nhưng bỏ đi thì tiếc, vì tuy không có mùi mà có vị.
Tào Tháo đem quân đi đánh Quan Trung lâu ngày mà không lấy được, muốn rút quân song còn do dự, mới lấy gân gà làm mật hiệu cho ba quân, tức là ví Quan Trung như gân gà.

Trong số thơ của người trước còn truyền thế, lắm bài mang tánh chất gân gà của họ Tào, khiến khách yêu thơ mãi gắp lên rồi bỏ xuống, bỏ xuống rồi lại gắp lên. Như bài GÀ QUÈ của Thuần Phu Trần Khắc Thành ở Nha Trang là một:

Thôi rồi! Ai ném hoặc ai quăng!
Lẽ có gà sanh cẳng rứa răng?
Năm đức đã đành trời sở phú [1]
Hai chân còn giận đất không bằng.
Coi giò tấp tểnh anh thầy bói [2]
Vuốt tóc chàng ràng lũ gái măng.[3]
Thường có cái may trong cái rủi
Sức dù sung sức bớt hung hăng.

Thuần Phu tiên sinh gốc người Quảng Nam vào Nha Trang từ lúc nhỏ và nhập tịch Khánh Hòa. Tiên sinh là một danh sỹ ở địa phương. Học giỏi mà thi mãi không đậu. Mới mất năm 1954, thọ trên bảy mươi.

Tiên sinh làm thơ rất nhanh, thơ Hán Văn cũng như thơ Quốc Âm. Bài GÀ QUÈ là một bài ứng khẩu làm bỡn một người bạn thân ỷ mạnh mà bị mang tật.
Lời thơ tuy không được óng chuốt du dương, nhưng già dặn cứng cáp. Tứ tốt. Vịnh gà què như thế thật đã giỏi. Cho nên chất thơ tuy kém, song đọc vẫn thấy vui. Sánh cùng món ăn thì đó là gân gà. Sánh cùng hoa thì đó là nở ngày, hoa tứ quí.
Lớp trước Thần Phu tiên sinh, có Phan Tú Đơn ở Phan Rang cũng nổi tiếng hay chữ và giỏi thơ.

TẶNG BIỆT NGƯỜI DỊCH THỪA

Thi ngâm từng vận tứ từng hồi
Một khắc ngàn vàng tưởng chẳng thôi
Luồng gió đi qua con ngựa lại
Vừng mây lướt tới bóng trăng lui
Đèn soi bốn bạn tim dài ngọn [4]
Sóng giục năm canh trống nặng dùi
Lẩn thẩn đêm xuân trời rạng mặt
Đưa về dịch sứ một nhành mai [5]

Ý không giàu không lạ, nhưng lời văn êm dịu đọc nghe có tình, nên nghe qua, không cố ý thuộc mà vẫn nhớ.
Phan tiền bối chắc còn nhiều giai tác, song rất tiếc không biết rõ địa chỉ để tìm thêm .

Ở Khánh Hòa và Ninh Thuận, từ thời Pháp Thuộc trở về trước, văn học không được thạnh bằng từ Bình Định trở ra. Cho nên thi nhân cũng như thi phẩm sản xuất không được nhiều. Sản phẩm đã ít mà lại không có người gìn giữ, nên ngày nay muốn tìm thì thật là khó khăn!
Lúc còn ở trường, tôi được chí sỹ Đồng Sỹ Bình đọc cho nghe bài thơ dùng vần “ôi thôi rồi nồi sôi”:

Cha kiếp người Nam dại lắm ôi
Làm tôi quân mọn cũng nên thôi
Giữ dùm sự nghiệp cho ai đó
Ngó lại giang san đã mất rồi
Cứng cựa gà cồ bươi tắt bếp
To răng chó đói gặm hư nồi
Cớ sao ngoảnh mặt làm thinh mãi
Ngọng miệng vì chưng ních phải xôi.

Bài nầy ám chỉ bọn quan lại thời Pháp Thuộc, vì miếng ăn mà quên hết cả giống nòi.
Không ai biết tác giả là ai. Thấy khoái khẩu thì đọc thì truyền. Bọn có tật thì giật mình, muốn tìm cách ngăn cấm song không có kết quả.

Trước kia nhiều người ngờ là của chí sỹ họ Đồng. Nhưng gần đây ông bạn họ Trần Thúc Lâm cho biết chắc chắn là của cụ cử LÊ ĐÌNH CẨN.
Cụ cử người xã Nghĩa Phước, quận Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Đậu cử nhân triều Thành Thái. Tánh cương trực khẳng khái. Rất ghét thực dân Pháp. Có một lần gặp viên công sứ Daudet ở dọc đường, trông thấy thái độ hống hách, không dằn lòng được, liền lướt tới tát tai. Bị bắt bỏ tù. Mãn hạn, cùng các chí sỹ Nam Ngãi mưu việc diệt thù cứu quốc. Năm Mậu Thân (1908) can vào vụ khất sưu, bị bắt đày ra Lao Bảo và mãn phần ở đó.

Bài thơ thượng dẫn, tuy không phải là khúc Dương Xuân Bạch Tuyết, song vẫn nói lên được phần nào tâm chí của tác giả, vẫn cho chúng ta thấy rằng trong thời buổi mà phần đông những người đỗ đạt đều cam lòng khuất tất sự thù, còn có một số người, ngoài các nhà cách mạng trứ danh Phan Sào Nam, Phan Tây Hồ, Trần Thai Sơn, Huỳnh Mính Viên..., suốt đời hướng tâm vào việc giải phóng dân tộc, Cho nên đáng bảo tồn vậy.

Uy Viễn NGUYỄN CÔNG TRỨ có bài thơ VỊNH CÂY VÔNG:

Uổng sanh trong thế mấy thu đông
Cao lớn làm chi vông hỡi vông
Tuổi tác càng già già khúc mắt
Ruột gan không có có gai chông.
Rường xoi cột xỉa không nên mặt
Dạu lỏng rào thưa phải cậy lòng
Mới biết cây nào hoa quả nấy
Xuân sang bớn tớn cũng đơm bông. [6]

Bài nầy Nguyễn Uy Viễn tướng công làm để nhạo quan Lại Bộ tham tri Hà Tôn Quyền triều Minh Mạng (1820 - 1840), Trong bữa tiệc họ Hà mừng con thi đậu.

Đây là lối thơ châm phúng. So với những bài vịnh vật trích dẫn ở các chương trước, bài Vịnh Cây Vông không thua. Song không hiểu sao tôi lại không thích! Không thích mà lại thuộc lòng! Lắm khi không nghĩ đến mà cứ lởn vởn trong tâm trí!

Cũng một trường hợp ấy là bài VỊNH HÁT BỘI của ông Tú Qùy ở Quảng Nam:

Nhỏ mà không học lớn mà sang
Trống đánh ba hồi đã thấy quan
Ra rạp ngồi trên ba đứa hiệu
Vô buồng luồn dưới mấy ông làng [7]
Mượn màu son phấn ông kia nọ
Cổi lốt xiêm đai lũ điếm đàng.
Tuy chẳng ra chi nhưng cũng sướng
Đã từng trợn mắt lại phùng mang.

Bài nầy làm để chỉ trích những nhân vật trong phong trào Cần Vương do Chí sỹ Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo ở Quảng Nam (1885-1886).
Bài thơ lọt đến tai nhà lãnh đạo. Chí sỹ cho bắt Tú Quỳ đến mắng:
- Thấy việc nghĩa, anh đã không làm mà còn đem lời phỉ báng những người liều chết theo quốc nạn! Như thế anh học để làm gì mà cũng khoe rằng mình có học?
Tú Quỳ tưởng chắc chết dưới lưỡi gươm Cần Vương, may đâu có một con dế duỗi chợt bay tới đậu trước chỗ ngồi của Chí sỹ. Chí sỹ chỉ con dế, bảo Tú Quỳ:
- Nghe anh có tài xuất khẩu thành thi. Hãy thử vịnh con dế duỗi xem.
Tú Quỳ phụng mệnh đọc:
Kiến chẳng kiến, voi chẳng voi!
Trời sanh dế duỗi khéo loi choi
Ngắn cánh lên trời bay chẳng thấu
Co tay vạch đất cũng khoe tài
Mưa tuôn nước tụ lên cao ở
Lửa đỏ dầu sôi nhảy tới chơi.
Quân tử có thương xin chớ phụ
Cứ cho bay nhảy để mà coi.

Thương tài mẫn thiệp, Chí Sỹ bèn tha chết cho về.
Hai bài thơ cùa Tú Quỳ đều có giá trị cả văn chương lẫn ý tứ. Nhưng tôi không thích. Vì bài vịnh Hát Bội phạm đến đại nghĩa. Đã biết trong số người ứng nghĩa Cần Vương cũng có lắm người không tốt, thường hay lợi dụng phong trào để làm chuyện bất nhân tâm. Song mía sâu có đốt, cớ sao không phân biệt trắng đen, mà lại vơ đũa cả nắm? Trong bài lại còn kêu cả tên nhà Lãnh Tụ ra “chửi xỏ” :
Ra rạp ngồi trên ba đứa HIỆU.

Như thế chứng tỏ rằng tú Quỳ không tâm huyết, không biết quý trọng anh hùng chí sỹ vì nước quên cả gian nguy. Bởi vậy nên tôi không thích. Không thích người, không thích luôn cả văn chương. Nhưng không thích sao lại thuộc, sao lại thường nhớ đến? Đó là tại vì lời thơ hay. Nhớ là do tâm, không thích là do trí. Trí muốn tròn mà tâm muốn vuông! thật là rắc rối!

Nhưng đối với NGUYỄN CÔNG TRỨ tôi rất kính mộ, trong thơ tôi có câu:
Chùa phật hầu son Nguyễn Uy Viễn
Non xanh rêu biếc Trần Hy Di.

Tại sao tôi lại không thích bài Vịnh Cây Vông? Tôi vốn không có cảm tình cùng người bị châm biếm, tôi tự xét cũng không có gì úy kỵ với những lời trong bài thơ mà tôi công nhận là có giá trị. Thế mà lại không thích! Lắm lúc mình còn không hiểu được mình như thế, huống hồ là người ngoài!

Không thích nhưng không bỏ được, nên tôi gọi hai bài Vịnh Hát Bội và Vịnh Cây Vông là hai “Gân gà Mạnh Đức”.



[1] Cổ nhân có câu: “Kê hữu ngũ đức” là gà có năm đức. Năm đức đó là: Tín (gáy không sai giờ). Nghĩa (nuôi con hết lòng gặp mồi thường túc con đến ăn - gà mái thì túc con, gà cồ thì túc vợ). Lễ (được dùng để cúng quải). Dũng (có chí đấu tranh). Cần (luôn luôn bươn chải để kiếm ăn).
[2] Bói giò gà - Ở Nha Trang lúc bấy giờ đã có nhiều người làm nghề bói tướng ngồi dọc theo hè phố, sáng mắt có tối mắt có.
[3] Tóc bỏ đuôi gà. Người lớn mới có “tóc bỏ đuôi gà”, nên tác giả dùng chữ “vuốt tóc” để niêm với “gái măng”.
[4] Bốn bạn: Văn phòng tứ hữu (giấy mực bút nghiên).
[5] Mượn ý thơ Đường : Chiếc mai phùng dịch sứ…
[6]  Bài nầy có nhiều sách chép khác:
- câu 1: Miền Nam giống ấy chẳng ấy chẳng ai trồng.
- Câu 3: Xương thịt không nhiều nhiều khúc mắt
    Tài cán không già già khúc mắt
- Câu 5: So tài lương đống không nên mặt
- Câu 6: Dựa chốn phiên ly chút đỡ lòng.
- Câu 8: Xuân về hớn hở cũng đâm bông.
[7] Ông làng là ông Só thơ trên trang - nghĩa bóng là các ông hương ông xã.