Hương Vườn Cũ 19.



Ông Nguyễn Hữu Phương là một danh nhân tỉnh Bình Thuận, triều Tự Đức. Học hay chữ nổi tiếng nhưng thi mãi cứ hỏng trường tư.
Lúc trẻ, ông có bài thơ vịnh:

CÔ GÁI CỞI XIÊM LỘI SÔNG LƯƠNG
Đò vắng e mưa trễ bước đường
Cởi xiêm thẹn gái lội sông Lương
Khuôn xanh un đúc ba phân bạch
Làn biếc tuôn xao một điểm hường
Che vóc ngọc ngà mây kết nón
Soi màu son phấn nước làm gương
Đục trong đâu cũng mười hai bến
Lỡ lối thuyền quyên cũng khá thương.

Thầy học chê câu kết trệ và rất lo cho hậu vận của người học trò thân yêu. Sau quả như lời thầy đoán: Công danh lận đân, suốt đời chịu cảnh hàn nho.

Kẻ thức giả gọi câu:
Đục trong đâu cũng mười hai bến
Lỡi lối thuyền quyên cũng khá thương.
là câu thi sấm.

Thi sấm từ xưa đều có truyền.
Như thơ Vịnh Pháo Tre của Nguyễn Hữu Chỉnh:
Xát không vốn những cậy tay người
Khéo léo bao nhiêu đốt cũng rời
Kêu lắm lại càng tan xác lắm
Cũng mang một tiếng ở trên đời.

Bài thơ làm lúc còn cắp sách đến trường. Thế mà thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Hữu Chỉnh đều gói trọn trong bốn câu khẩu chiếm. Nhất là câu thứ ba ứng một cách rõ rệt vào việc bỏ Nghệ An ra Thăng Long giúp vua Chiêu Thống, quyền thế một tay, để rồi bị tướng Tây Sơn là Vũ Văn Nhậm đem binh ra bắt xé xác!

Cụ Trương Đăng Quế lúc còn học trò có câu thơ vịnh cảnh bóp vú bị gái chửi:
Tay ngọc nâng niu đôi chúa trẻ
Tiếng vàng sang sảng chín tầng cao.

Sau cụ thi đỗ làm quan phò vua Thiệu Trị và Tự Đức là hai vua tuổi còn trẻ lúc lên ngôi, và chức vị lên đến tột đỉnh.
Năm Giáp Tý (1864) cụ Nguyễn Khuyến cùng bạn ra Hà Nội thi. Đi đường gặp một thanh niên chọc gái bị chửi dữ dội. Các bạn thách cụ làm thơ. Nhân trong câu chửi có tiếng “mả phát” cụ liền ứng khẩu đọc:
Con cháu nâng niu đôi nấm đất
Ông cha lừng lẫy bốn phương trời.
Khoa ấy cụ đậu giải nguyên, tiếng tăm lừng lẫy.

Trong Tùy Viên Thi Thoại có chép nhiều việc chứng minh sự linh nghiệm của thi sấm:
+ Vua Hy Tông đời Tống vịnh cỏ Kim Chi:
Định tri Kim đế lai vi chủ
Bất đãi xuân phong tiện phát sinh.

Nghĩa là:
Những hay Kim đế sang làm chủ
Chẳng đợi xuân phong sớm nảy chồi.

Niên hiệu Tịnh Khương, quân Kim kéo vào đánh Tống, vua Hy Tông cùng Thái Tử bị bắt. Nước Tống phải đem của chuộc về, và vua Tống phải tôn vua Kim làm bác.

+ Chúa nước Hậu Thục là Mạnh Xưởng đề bùa đào niêm nơi tẩm cung:
Tân niên nạp du khánh
Giai tiết triệu trường xuân.

Nghĩa là:
Năm mới thâu phước sót
Tiếc lành gây xuân dài.

Sau đó vua Tống Thái Tổ diệt nước Thục, cử Lữ Dư Khánh đóng binh coi việc trị an tại đô thành cũ.

+ Vương Dương Minh bắt được Trần Dinh tại núi Lư Sơn, khắc nơi vách đá năm chữ:
Gia tĩnh ngả bang quốc.

Nghĩa là “Yên đẹp cõi nước ta”. Không bao lâu, vua Minh Thế Tổ băng hà, vua Thế Tông lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Tĩnh.

+ Trong thành Châu Dương có núi Khương Sơn. Đời Khang Hy ông Châu Trúc Sá lên chơi, có câu:
Hữu ước giang xuân đáo.

Nghĩa là “Vì có ước nên theo sông xuân đến”. Sau đó quan phương bá họ Giang tên Xuân làm chủ núi Khương Sơn, tu trấp lại rất thịnh.
Rõ là những chuyện kỳ!

Và những câu thơ trên, Hán tự cũng như Quốc âm, đều là những câu thơ thần. Không muốn tin cũng không được.
Vì thơ thường linh ứng như thế, nên cổ nhân rất kỵ làm thơ trệ. Lại có lắm người mong hậu vận được tốt lành theo ý muốn, hay làm những câu thơ vui tươi, những câu thơ có khẩu khí phong lưu phú quí. Đó là do quá tin ở thi sấm quên rằng sự ứng nghiệm chỉ có, khi nào người làm thơ vô tâm. Và người đời chỉ thấy sự ứng nghiệm sau khi sự việc đã xảy ra rồi. Chớ đoán thi cũng như đoán sấm trạng Trình, không mấy khi trúng đích xác. Thêm nữa, đâu có phải chỉ những câu thơ trệ là điềm báo trước những mối họa sắp đến. Lắm câu thơ rất đẹp rất vui ứng vào những việc không mấy vui mấy đẹp, như thơ của vua Tống của chúa Thục thượng dẫn. Cũng có lắm câu thơ rất trệ, nhưng rốt cuộc không thấy ứng nghiệm. Như câu:

Giang hồ chí đã vương mây khói
Khuya ngọn đèn khuya lạnh thấm xương.

Đó là câu thứ ba thứ tư trong bài Thanh Siêu của Lưu Kỳ Linh làm trên một chiếc tròng ngao thả theo dòng sông Hương một đêm hè năm 1952.
Gặp tôi tại Nha Trang (1955), Lưu quân đọc cho tôi nghe.
Nhận thấy câu thơ trệ và sức khỏe của Lưu quân lại không được dồi dào, tôi có ý sợ là triệu bất tường, nhưng không dám nói ra. Sau khi xa cách nhau, những năm vắng tin tức, lòng không khỏi thắc thỏm lo âu… Song từ bấy đến nay, ơn trời, câu thơ không có ảnh hưởng gì đến tác giả. tôi mừng rằng câu thơ kia không phải là thơ sấm.

Thơ sấm xuất ư tự nhiên. Không nên quan tâm đến những câu thơ trệ, cũng không nên cố ý làm cho thông. Nếu quan tâm cố ý thì sẽ vấp phải trường hợp anh Liễu Miện:
Liễu Miện là một anh học trò thi. Anh rất hay kiêng cữ, cữ nhất là chữ LẠC. Lạc là rụng là hỏng. Vì chữ Lạc là vui đồng âm với chữ Lạc là rụng, nên anh ta cũng cữ luôn. Để thay vào chữ cữ anh ta dùng chữ Khương là yên vui. Chẳng những anh ta cữ mà thôi, những đứa ở trong nhà cũng phải cữ nốt.
Có một khoa, thi xong về nhà, Liễu Miện sai tiểu đồng ra xem bảng. Xem không thấy tên thầy, tiểu đồng về thưa:
- Tú tài khương liễu. [1]
Quên lững rằng chữ Khương thế cho chữ Lạc, Liễu Miện mừng quá hối người nhà mổ bò mổ lợn ăn mừng! Sau mới bật ngửa! [2]


[1] Đáng lẽ nói “Tú tài lạc liễu” nghĩa là hỏng tú tài rồi. Vì cữ chữ LẠC, nên nói KHƯƠNG LIỄU. Liễu là rồi, đồng âm với họ Liễu, nên nghe câu “Tú tài khương liễu” tưởng là ông Liễu đậu tú tài. Do đó người làm văn thường dùng chữ Khương liễu thay chữ lạc đệ là thi hỏng.
[2] Xem thêm chương 55 nói về cụ Tam Xuyên.