Hương Vườn Cũ 15.



Nguyễn Trãi,
Lê Thánh Tông,
Nguyễn Bỉnh Khiêm,
Là ba đại biểu của làng thơ Quốc âm thời Lê - Mạc.

Tác phẩm của Lê Thánh Tông và Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được phổ biến sâu rộng.
Còn về Nguyễn Trãi thì phần đông chỉ biết những bài Gia Huấn Ca và bài Tự Thán “Chiếc thuyền lơ lững bên sông” là những bài làm theo thể lục bát và song thất lục bát. Tập thơ Hàn luật trong bộ Ức Trai Di Tập [1] chỉ có một số nhà khảo cổ được xem!

Nguyễn Trãi là một đại gia văn chương. Nhưng cũng như Triệu Nghiêu Phu đời Tống, cụ làm thơ không phải vì say đắm vị thơ, mà làm thơ để tải đạo, để ngôn chí, chí của một nhà Nho nhiệt thành với dân với nước, một nhà nho luôn luôn theo đúng lời dạy của thánh hiền xưa.
Thơ chữ Hán của cụ được các nhà viết sách ca tụng. Nguyễn Dữ đời Lê Hồng Đức, tác giả Truyền Kỳ Mạn Lục, khen là “đầy lời trung ái có thể chen vào môn hộ của Đỗ Thiếu Lăng”.
Thơ Quốc âm của cụ không sánh kịp thơ chữ Hán. Cách dụng tự, luyện cú, hòa điệu… chưa được thuần thục:

Đạo đức hiền lành được mọi phương
Tự nhiên cả muốn chúng suy nhường
Lợi tham hết lấy nhiều thì cạnh
Nghĩa phải đem cho ít chẳng phương
Sự thế sá phòng khi được mất
Lòng người tua đoán thuở mừng thương
Chẳng nhàn xưa chép rầy truyền bảo
Khiến chớ cho qua một đạo thường.

-           Con cờ quẩy rượu đầy bầu
            Đòi nước non chơi quản đâu
            Đạp áng mây ôm bó củi
            Ngồi bên suối gác cần câu
Giang san mặt thấy nên quen thuộc
Danh lợi lòng nào ước chuốc cầu
Vương Chất tình cờ ta ướm hỏi
            Lèo phơi phới thấy tiên đâu?

Có nhiều câu đọc nghe ngượng ngập lạ tai:
- Tranh treo vách nài chi bức
  Đình thưởng sen năng có gian.

- Thờ cha lấy thảo làm phép
  Rập chúa hằng ngay mấy cần.

- Đông về tiết muộn mai nhiều bạc
  Thu nẻo tin truyền cúc có vàng.

- Xa hoa lơ lãng nhiều hay hết
  Hà tiện đâu đang ít hãy còn.
                                                            vân vân…

Về hình thức thì thơ Ức Trai còn thật thà chất phác. Về nội dung thì đượm mùi giáo huấn, tình lợt vị khô. Kẻ yêu thơ đọc xong Quốc Âm Thi Tập, không mấy thỏa mãn về bên tâm, mà bên trí cũng không mấy thỏa mãn, bởi ngoài những tư tưởng phổ thông về ngũ luân ngũ thường, về tu nhân xử thế…, không tìm thấy những tư tưởng mới lạ, cao sâu. [2]
Thơ trong Quốc Am Thi Tập phần nhiều là thế, chớ không phải tất cả đều thế. Cũng có lắm câu thanh nhã ý vị:

- Hương cách gác vân thu lạnh lạnh,
Thuyền kề bãi tuyết nguyệt chênh chênh.

- Bến liễu mới dời thuyền đón nguyệt
Gác vân còn chứa bút đeo hương.

- Lòng một tấc son còn nhớ chúa
Tóc hai phần bạc bởi thương thu.

- Sách cũ ngày tìm người hữu đạo
Trì thanh đêm quyến nguyệt vô tâm.

Văn luyện, vị thanh, thú nhã. Hình thức lẫn nội dung giàu sang không kém những vần giai tác thời thi ca toàn thịnh là thời Lê mạt Nguyễn sơ sau này.
Thơ Ức Trai gây nhiều ảnh hưởng đến các thi gia kế hậu.
Như trong Ức Trai thi tập có bài Thuật Hoài:
Mấy phen lần bước dặm thanh vân
Đeo lợi làm chi luống nhục thân
Nhớ chúa lòng còn son một tấc
Âu thời tóc đã bạc mười phân
Trì thanh cá lội in vầng nguyệt
Cây tĩnh chim về rợp bóng xuân
Dầu phải dầu chăng mặc thế
Đắp tai biếng mảng sự vân vân.

Thì trong bài “Lời mẹ Vương Lăng tiễn sứ thần” của Lê Thánh Tông, cũng có câu:
Nhớ Hán lòng còn son một tấm
Thương Lăng đầu đã bạc mười phân. [3]

Trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập, bài Vịnh Trăng có câu:
Hồ thuở thuyền chơi lòng Phạm Lãi
Đài khi câu rủ thú Nghiêm Lăng.

Cách điệu không khác câu của Ức Trai:
Đầu tiếc đội mòn khăn Đỗ Phủ
Tay còn lựa hái cúc Uyên Minh.

Trong Lê Triều Ngự Chế Quốc Âm Thi, bài Vịnh Bồ Đề Thắng Cảnh có câu:
Cửa trúc màng xem mai điểm tuyết
Thềm hoa nhác thấy nguyệt ngang đầu.

Phong thú phảng phất câu “Bến liễu… Gác vân…” thượng dẫn, hoặc câu:
Đêm thanh nguyệt hiện ngoài hiên trúc
Ngày vắng chim kêu cuối khóm hoa.
                                                vân vân…

Ảnh hưởng của Ức Trai thấy rõ rệt nhất ở trong tập Bạch Vân Quốc Ngữ Thi của Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Trượng phu non vắng là tri kỷ
Tiên khách nguồn êm ấy cố nhân.
                                                (Ức Trai)
Trăng trong gió mát là tương thức
Nước biếc non xanh ấy cố tri.
                                                (Bạch Vân)
Rợ nọ có dai nào có dứt
Cây kia toan đẵn lại toan đo.
                                                (Ức Trai)
Vị nọ có bùi không có ngọt
Sắc kia chầy thắm lại chầy phai.
                                                (Bạch Vân)

Nhiều khi Bạch Vân trùng cả ý lẫn lời của Ức Trai:
Nhà ngặt bằng ta ai kẻ vì
Khó khăn phải lụy đến thê nhi
Đắc thời thân thích chen chân đến
Thất sở láng giềng ngoảnh mặt đi
Lu tiện Nhan Uyên tìm tới đỗ
Đường cùng Nguyễn Tịch khóc làm chi
Thư song vắng vẻ nhàn vô sự
Tai chẳng còn nghe tiếng thị phi.
                                                (Ức Trai)
Vụng khéo nào ai chẳng có nghề
Khó khăn phải lụy đến thê nhi
Được thời thân thích chen chân đến
Thất thế hương lân ngoảnh mặt đi
Thớt có tanh tao ruồi tới đỗ
Gan không mật mỡ kiến bò chi
Đời nay những trọng người nhiều của
Lặng đến tay không ai kẻ vì.
                                                (Bạch Vân)

Ức Trai Quốc Am Thi Tập và Bạch Vân Quốc Ngữ Thi Tập thật chẳng khác hai anh em thúc bá ruột. Chẳng những nét mặt có nhiều nét giống nhau, mà tánh tình cũng có nhiều điểm giống hệt:
Cả hai đều:
- Ca tụng thú nhàn, thú nhàn của người ẩn dật chớ không phải cảnh ăn không ngồi rồi của hạng du lại.
- Diễn tả niềm ưu ái luôn luôn đầy đặn trong sáng như trăng rằm in nước thu.
- Chỉ trích nhân tình thế thái, chỉ trích với mục đích dạy dỗ khuyên răn.

Nhưng xét về mặt văn chương, thì Bạch Vân hơn Ức Trai. Chữ dùng đã luyện, câu đặt không còn có vẻ trái trấp, điệu  gióng đã uyển chuyển nhịp nhàng:
Một mai cuốc một cần câu
Thong thả nào ai vui thú nào
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao.
                                                (Bạch Vân)

Thơ trong Bạch Vân Quốc Ngữ Thi Tập, phần nhiều đều có giọng nhẹ nhàng trôi chảy như thế. Trong Ức Trai cũng như trong Hồng Đức Quốc Âm, thỉnh thoảng cũng có bài có câu tương tợ, song không được nhiều và được đều như trong Bạch Vân. Điều này chứng tỏ rằng từ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Bỉnh Khiêm, thơ Hàn luật đã tiến được một bước vừa dài, vừa vững. [4]

Và đọc thơ Bạch Vân, tôi có cảm giác ăn cơm gạo lúa nhe giã trắng với rau muống luộc chấm tương đỗ nành: thanh đạm mà ngon. Đọc thơ Ức Trai chẳng khác ăn cơm gạo lứt với muối mè: phải nhai cho kỹ và nhai thong thả mới thấy vị ngọt và ráng ăn lâu ngày mới thấy ngon.
Những người quen dùng cao lương mỹ vị chắc không mấy thích.




[1] Sau khi Nguyễn Trãi bị án vườn Lệ Chi, văn nghiệp bị hủy hết. Lê Thánh Tông lên ngôi mới rửa oan cho cụ và truyền sưu tầm thơ văn Ức Trai trở lại. Trần Khắc Kiệm mất 13 năm mới thu lại được một phần lớn. Nhưng rồi chiến tranh làm thất lạc hết. Đến thế kỷ thứ XIX Dương Bá Cung mới thu nhặt được một ít, soạn thành bộ Ức Trai Di Tập xuất bản năm 1868.
[2] Xem thêm chương 42 ở sau, nói về thơ Lục Ngôn.
[3] Xem trọn bài ở chương 5, nói về thơ Lê Thánh Tông.
[4] Đã nói kỹ trong tập GIỌNG HÀN THUYÊN nên ở đây chỉ nói đại lược.