Hương Vườn Cũ 48



Thơ TRĂNG tôi được đọc nhiều hơn thơ Gió.
Tương An Quận Vương có bài VỊNH TRĂNG NON:

Khen ai cắc cớ bấm trời Tây
Tỉnh giấc Hằng Nga dậy vẽ mày.
Một mảnh lênh đênh chìm đáy nước,
Nửa vành lững thững giợn chân mây.
Cá ngờ câu thả tơi bời lội,
Chim ngỡ cung trương dớn dác bay.
Khuyên chúng chớ chê rằng chích mác,
Một mai tròn vạnh bốn phương hay.

Cặp trạng luận chịu ảnh hưởng bài thơ cổ:

Sơ tam tứ nguyệt mông lung
Bất thị kim câu bất thị cung.
Thùy bã kim bôi phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để bán phù không

Nghĩa là:
Mồng ba mồng bốn nguyệt cong cong
Chẳng phải vòng câu chẳng phải cung.
Cắc cớ chén vàng ai xẻ nửa
Nửa chìm đáy nước nửa trên không.

Nói “kim bôi phân lưỡng đoạn” thì rõ là trăng non. Vì chén vàng xẻ làm hai thì miệng chén mỗi bên chỉ còn có nửa vành lóng lánh. Nhưng khi Nguyễn Du mượn ý đem vào Kiều:

Vừng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.
thì không còn là trăng non nữa, mà là trăng thượng huyền, lại nửa cân phân, một nửa anh đem đi, một nửa chị giữ lại. Đến khi vào tay Hàn Mặc Tử, thì nửa trăng lại trở thành trăng hạ huyền: [1]

Hôm nay có một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi !
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột
Gió làm nên tội buổi chia phôi !

mà thay đổi sắc thái hình dung. Trăng của cổ nhân thanh thanh như nửa vành chén và bình tĩnh thản nhiên. Trăng của Tương An sắc bén như chân mày của giai nhân mới kẻ, và xao xuyến chòng chành như chiếc thuyền trên sóng. Trăng của Nguyễn Du tuy có một nửa nhưng lại rất thăng bằng, tuy lẻ đôi nhưng lại có bạn, nửa thì bạn cùng người nương gối chiếc, nửa thì bạn cùng người rủi đường trường, lạnh lẽo mà êm đềm, lẻ loi mà ấm cúng. Đến trăng Hàn Mặc Tử thì thật là đau thương! Cầm dao mà xẻ mạnh một đường cho rời làm hai mảnh thì chỉ rát nếu lưỡi dao thật hay. Còn lấy răng mà cắn cho vỡ đi một nửa thì người cắn đã khổ sở mà vật bị cắn chịu đau đớn nhức nhối biết bao nhiêu! Và nửa vỡ đã không còn, mà nửa còn cũng không được trơn liền như vầng trăng xẻ nửa!

Trăng của trời xưa nay chỉ có một. Nhưng trăng của thi nhân thì mỗi người ít ra cũng có một vầng trăng riêng.
Chúng ta hãy ngắm vầng trăng của Hồ Xuân Hương:

Một trái trăng thu chín mõm mòm
Nẩy vầng quế đỏ đỏ lòm lom.
Giữa in chiếc bách khuôn còn méo,
Ngoài khép đôi khung cánh vẫn khòm.
Ghét mặt kẻ trần đua xói móc,
Ngứa gan thằng Cuội đứng lom khom.
Hỡi người bẻ quế kìa ai đó ?
Đó có Hằng Nga ghé mắt dòm.

Trăng đây là trăng tròn, và vừng trăng được trình bày một cách vừa chân thật vừa tỉ mỉ. Những người giàu tưởng tượng nhìn vào thấy biết bao hiện tượng vui mắt nổi trên mỗi câu thơ.
Nhưng những kẻ tu hành sợ bị đọa thì hãy nhìn sang vầng trăng của một nhà thơ khuyết danh đời Lê:

Máy nhiệm xoay vần vốn tự nhiên
Này thu này nguyệt đối thanh niên
Băng cao dầy dẫy doành ngân chảy
Sáng tỏ làu làu bóng thỏ in.
Đòi chốn lâu đài gương vẽ khắp
Một bầu thế giới ngọc đông nên
Chị Hằng sánh với vầng hồng ấy
Biết mấy xuân thu biết mấy nghìn…

Văn chương cổ nhã, nói lên được vẻ trong sáng của trăng thu. Nhưng đó là vầng trăng của đồng bằng, chúng ta thường thấy. Hãy thưởng thức vầng trăng trên non đã mọc trong Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ:

Ẩn ẩn lâm sao quýnh
Liên không hạo khí phù
Hàm sơn ngân cảnh khuyết
Cách vụ ngọc bàn thâu.
Ảnh lạc tùng quan tịch
Lương hồi túc viện u
Thanh quanh tùy xứ hữu
Hà tất thượng Nam lâu.

Nghĩa là:
Ám ám rừng cây thẳm
Hừng hừng nổi giữa không
Ngậm cúi gương vàng khuyết
Xa mù dĩa ngọc trong
Mát về im viện trúc
Bóng rụng tạnh non tùng.
Trong sáng đòi nơi sẵn
Lầu Nam lọ đứng trông. [2]

Rõ là vầng trăng ở ngoài nhân thế, không bợn mảy trân hiêu. Câu trạng cho chúng ta thưởng thức vẻ đẹp cao khiết. Câu luận cho chúng ta thưởng thức cái thú thanh u.
Phải trải lòng sống với trăng mới có thể viết ra những lời trong trẻo đẹp đẽ như hai bài Trăng Thu và Trăng Núi. Đọc hai bài này có cái thú uống nước suối trong cốc pha lê dưới bóng cây cổ thọ, nửa buổi sớm mùa hè.

Thú thiên nhiên vô cùng vô tận. Nhà thơ chỉ sớt vào văn chương được chừng muôn một là nhiều. Thế mà gián tiếp thưởng thức chúng ta đã thích thú chừng đó huống hồ trực tiếp đón lấy thiên nhiên.
Trên đây là Trăng trên Núi. Hãy thưởng thức cùng cụ DƯƠNG KHUÊ quang cảnh và phong thú NÚI CÙNG TRĂNG:

Cao sơn nhất phiến nguyệt
Đã chơi trăng phải cho biết tình trăng.
Sơn chi thọ, nguyệt chi hằng,
Sơn có nguyệt càng thêm cảnh sắc.
Nguyệt quải hàn sơn thi bán bức
Sơn hàm minh nguyệt tử thiên tôn. [3]
Trăng chưa già núi hãy còn non
Núi chưa khuyết trăng vẫn tròn với núi.
Rượu một bầu thơ ngâm một túi,
Góp gió trăng làm bạn với non sông.
Núi kia tạc để chữ đồng,
Trăng kia nhớ mặt anh hùng này chăng?
Xinh thay kìa núi nọ trăng.

Và đây là trăng với nước: [4]

Xinh thay thiết thu thiên quang cảnh
Khi lạc hà dãi bóng tà dương.
Một con thuyền cạy bát bên giang,
Thu thủy cọng tràng thiên nhất sắc.
Vầng ngọc thỏ in sông vằng vặc,
Giữa giang tâm bóng lộn mấy tầng.
Trên một trăng, dưới một trăng,
Xui lòng kẻ hữu tình ngao ngán.
Thùy bã kim bôi phân lưỡng đoạn,
Hán trầm thủy để bán Thiên Thai. [5]
Vầng trăng ai xẻ làm hai
Nửa in dưới nước nửa cài trên không.
Nước trăng thăm thẳm một dòng.

Khách ngắm cảnh Trăng với Nước cũng như Trăng với Núi, lòng rộn rực chớ không thảnh thơ như khách nhìn trăng trên núi. Cho nên hồn thơ không thanh tịnh, và tứ thơ bàng bạc ở ngoài cảnh sắc chớ không đi sâu vào cảnh sắc để thấm dầm chân thú chân vị của thiên nhiên. Vì vậy đọc hai bài ca trù, lòng người đọc thấy vui vui thích thích, chớ không thú vị như đọc bài Sơn Nguyệt trong Truyền Kỳ.

Nhưng, trừ Hàn Mặc Tử ra, tất cả tác giả các bái thơ ca thượng dẫn đều là đối tượng của trăng, tức là trăng còn là đối tượng của người thưởng thức.
Nói một cách khác là tất cả chỉ yêu thích, chỉ trầm trồ khen ngợi trăng, chớ không lấy trăng làm nguồn an ủi, không tìm niềm vui sống nơi trăng.

Riêng Hàn Mặc Tử khi chưa mang bệnh nan y thì yêu trăng như yêu một người bạn yêu một người tình, đến khi lâm bệnh thì lấy trăng làm quê hương để gởi gấm tâm sự, hòa tâm hồn cùng trăng để sống một đời sống tươi đẹp yên vui. Ai đã đọc thơ Hàn Mặc Tử chắc thấy lời nói của tôi không chút ngoa [6]. Chỉ xét kỹ bài thơ “Một nửa Trăng” thượng dẫn, chúng ta cũng thấy rằng vầng trăng trong thơ không còn là đối tượng với tác giả, mà là hình ảnh tâm hồn của tác giả [7]. Vầng trăng mang nặng niềm đau đớn nhớ thương, đau đớn nhớ thương một cách ray rứt một cách thiết tha, của Hàn Mặc Tử. Nghĩa là niềm nhớ thương tha thiết nỗi đau đớn ray rứt của Hàn Mặc Tử do cảnh chia phôi tạo nên, đã thể hiện nơi vầng trăng đương nguyên lành bị cắn vỡ mất một nửa.

Đó là vì cuộc đời của mỗi tác giả mỗi khác, tâm rạng của mỗi tác giả mỗi khác, cho nên hình dung và sắc thái của mỗi vầng trăng cũng khác hẳn nhau.
Vầng trăng từ nghìn muôn xưa vẫn có một, nhưng sắc tướng nghìn sai muôn khác. Những hiện tượng nghìn sai muôn khác do tâm người mà ra, tức do duyên sanh.

Mặt trăng là TÁNH.
Những ảnh tượng hình thái các nhà thơ diễn tả là TƯỚNG.
TÁNH bất biến.
TƯỚNG tùy duyên.
Cho nên những bài thơ nói về trăng dù hay đến đâu cũng chỉ là ngón tay chỉ trăng mà thôi, chớ không phải trăng.
Muốn rõ chân tướng của trăng như sao, chúng ta cần phải thể nghiệm.


[1] Thượng huyền: từ khuyết đến tròn. Hạ huyền: từ tròn đến khuyết.
[2] Dũ Lượng đời Tấn là một bậc cao nhã rất ưa trăng. Khi làm Đô Đốc Kinh Châu, ông dựng một ngôi lầu cao ở phí Nam tư dinh. Những đêm trong mát, ông lên lầu ngồi thưởng trăng suốt đêm.
[3] Trăng treo núi lạnh thơ nửa bức, non ngậm trăng sáng rượu nghìn chung.
[4] Thơ khuyết danh.
[5] Thơ cũ đổi hai chữ sau.
[6] Trong tập THƠ HÀN MẶC TỬ đã xuất bản, có nhiều bài về trăng.
[7] Trong ĐÔI NÉT VỀ HÀN MẶC TỬ có bài nói về Trăng và HMT nên ở  đây chỉ nói sơ.