Hương Vườn Cũ 37



Thơ Vịnh Vật mà không có ý ngoại thì không khác đồ chơi tết của trẻ con. Và đọc thơ Vịnh Vật mà không nhận chỗ ngụ ý thì cũng như răng nhai món ngon mà lưỡi không biết rõ chân vị của món ăn. Không còn gì là hứng thú.

Làm thơ vịnh vật có phần khó hơn thơ tình thơ cảm. Vì tình cũng như cảnh, bản chất vốn sẵn có thơ. Còn vật thì lắm vật khó tìm thấy chất thơ thấp thoáng. Thế mà một khi vào tay nhà thơ có tài thì tất cả những gì đặc sắc ẩn núp trong vật đều xuất hiện.
Ví dụ MẢNH SÀNH là một.
Mảnh sành có gì đáng nói? Thế mà cổ nhân đã nói lên được những cái đáng nói:

Sẩy tay một phút hóa tan tành
Thiên hạ còn bia tiếng sỏi sành
Bén chẳng nhường gươm người gớm mặt
Rán sao ra mỡ chúng bêu danh?!
Ghe phe sấp cất nằm trong cát
Có thuở chôn chân đứng trước thành
Chuông khánh miếu đường không dám sánh
Gõ nghe thời cũng giọng canh canh.

Không có gì kỳ dị, không có gì cao siêu. Thế mà trước khi tác giả nói lên, chúng ta không nghĩ đến! Châu Mỹ đã có từ thuở khai thiên lập địa, nhưng phải đợi Kha Luân Bố phát kiến, người văn minh mới biết đến Mỹ Châu. Cũng như đối với Mảnh Sành, ai lại chẳng biết là hậu thân của đồ bể, ai lại chẳng biết tánh chất của nó là sắc bén như gươm…, ai lại chẳng biết câu tục ngữ “rán sành ra mỡ”, và câu ca dao:

Chuông khánh còn chẳng ăn ai
Nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bụi tre.

Nhưng trước bài này, đã mấy nhà thơ dùng làm tài liệu ngâm vịnh?
Thơ như thế, cổ nhân gọi là “tứ tốt”, gọi là “đãi cát lấy vàng”.

Tác giả bài Mảnh Sành là Phò mã Lâm Duy Trạm, người Bình Định, con trai Lâm Duy Hiệp (tức Lâm Duy Nghĩa) đời Tự Đức. Cụ Lâm Duy Hiệp cùng cụ Phan Thanh Giản ký hòa ước năm Nhâm Tuất (1862), nhượng ba tỉnh miền Đông Nam phần là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường cho Pháp. Sau đó ba tỉnh miền Tây bị Pháp chiếm cứ luôn. Cụ Phan Thanh Giản tuẫn nghĩa. Cụ Lâm Duy Hiệp bị Triều Đình Huế bắt tội “làm mất đất”. Phò mã Lâm cũng bị tội lây.
Phò mã làm ra bài Mảnh Sành để ký thác tâm sự.

Bài thơ đọc qua thì dường như hài hước, nhưng gẫm lại thì ngấm ngầm đắng cay: thân không còn vinh hiển như xưa mà danh còn bị miệng đời làm thương tổn. Nhưng câu kết vừa nhún nhường vừa tự đắc: vấn vô tâm quá, nếu người đời chịu khó nghĩ kỹ xét công thì vẫn nghe được tiếng nói của chân lý.

Thời Kháng Chiến chống Pháp (1945-1954) để tỏ chút tâm chí của mình cùng kẻ có quyền thế, nhà nho họ Ôn ở Bình Định cũng có một bài VỊNH MẢNH SÀNH:

Vò tan chén vỡ cũng thành danh
Rắn rỏi xưa nay tiếng mảnh sành
Ném sẻ đã từng lên tột nóc
Đắp lân càng rạng vẻ trên thành
Rán cho ra mỡ nồi thêm lủng
Đánh lắm đau con bát chẳng lành
Tom góp thử chơi về một đống
Đúc nền dện móng cũng ra vành.

Thời bấy giờ đám nhà Nho bị kẻ cầm quyền cho là “đồ vô dụng”. Tuy coi khinh nhưng lại tổ chức giới phụ lão cứu quốc mà phần đông là các nhà cựu nho! Trong khi nhóm hợp, một viên giáo sư Hán học “giác ngộ” buông nhiều lời khả ố. Họ Ôn mới làm ra bài trên gởi cho viên giáo sư.
Trong bài tác giả dùng nhiều phương ngôn tục ngữ:

- Câu thứ ba mượn ý bài hát của trẻ em:
Con chim se sẻ
Nó đỗ mái tranh
Anh vác mảnh sành
Anh quăng chết giãy…
Anh nấu một bảy
Anh dọn một mâm
Anh bưng lên ông
Ông hỏi thịt gì
Thưa thịt se sẻ.

- Câu thứ tư mượn ý trong bài vè:
Ai khéo đem mẻ
Đắp vẻ kỳ lân
Kẻ xa người gần
Xúm nhau mà ngó.

- Câu thứ năm, mượn ý câu tục ngữ “rán sành ra mỡ”.

- Câu thứ sáu mượn ý câu “Bát bể đánh con không lành”.

Bài của ông Ôn cũng như bài của Phò mã Lâm, câu nào cũng đi sát đề. Bài của Phò mã Lâm, khí mạnh. Bài của ông Ôn, văn luyện. Mỗi bài hay mỗi vẻ, và tâm dự gởi vào thơ cũng là tâm sự riêng của mỗi người thơ.

***

Đảng Văn Thân Bình Định ứng nghĩa Cần Vương (1885), có người không theo, nói:
- Khéo bày chuyện trật cuống họng.
Người trong đảng nghe được làm bài thơ VỊNH CỐI XAY:

Công linh trong thế mấy ai tày
Có gạo nhờ ơn cái cối xay
Ngàn bận chi sờn thân gió bụi
Trăm vòng nào ngại sức lung lay
Mòn răng nợ chúa chưa đền đáp
Trật họng hờn ai khéo đặt bày
Bao quản thớt trên đè thớt dưới
Chỉn e còn dặt phải ra tay. [1]

Đó là mượn vật để tỏ chí khí.
Phan Tây Hồ có bài thơ VỊNH ĐÈN SÁP:

Năm nhồi mười nặn cũng không hoai
Đèn sáp khen cho thật dẻo dai
Thẳng rẳng sợi tim hơn mấy tấc
Lăn tròn cái xác biết bao ngoai
Cháy đầu dốc tỏ đêm tăm tối
Nóng ruột lo toan việc sáng soi
Hé cửa trách ai cho gió lọt
Năm canh giọt lệ ngỏ cùng ai [2].

Tâm chí của Phan tiên sinh, thân thế hành vi của Phan tiên sinh hiện rõ ràng trong ánh Đèn Sáp!
Nhưng cũng như bài Cối Xay, bài Đèn Sáp thiên về lý trí. Thi vị có phần khô khan. Người đọc đọc xong không còn thấy vị ngòn ngọt đăng đắng của trà cam khổ.
Tức là không có dư vị. Tứ là vị thơ không thấm lòng người đọc được lâu.
Có người bảo:
- Vì đề tài không mấy nên thơ, nên thơ làm ra có nhiều thi vị đủ sức trì hứng thế nào được.
Chỉ đúng một phần, chớ không phải hoàn toàn đúng.

Làm thơ cũng như nấu ăn. Cá thịt dễ nấu hơn bầu bí. Nhưng với bà nội trợ giỏi nấu nêm, thì bát canh bí dĩa bầu um vẫn làm khoái khẩu khoái tâm những người tri vị.
Nghĩa là vị thơ nhiều hay ít, thấm lâu hay mau lợt, phần lớn do tài làm thơ. Thi cảm, thi tình, thi tứ, thi liệu là cốt yếu. Song tự chúng không tạo nên thi vị được. Phải cần tài khéo léo của người nấu ăn, tức là thi tài.

Tác giả bài Vịnh Cối Xay cũng như tác giả bài Vịnh Đèn Sáp là chí sỹ chớ không phải thi sỹ. Dọn món ăn ra cốt để cho no lòng chớ không phải để sướng miệng. Cho nên chỉ chú ý ở việc nấu cho chín chớ không lưu tâm đến việc nêm cho ngon. Do đó thi vị bài thơ không đủ sức thấm sâu và ngấm lâu trong lòng người đọc.

Những vị tiền bối dùng thơ để tải đạo, dùng thơ để truyền bá tư tưởng, phần nhiều đều lo nấu chớ ít nghĩ đến việc nêm. Cho nên thi vị khô khan hoặc ít ỏi chẳng những trong thơ vịnh vật mà cả trong thơ tả tình, vịnh cảnh, vịnh sử…
Không ngon, không thật ngon, nhưng lại bổ. Nên những bài thơ như bài Vịnh Cối Xay, Vịnh Đèn Sáp giá trị không nhỏ.

***

Ở Huế không mấy ai không thuộc bài VỊNH CHIẾC THUYỀN của cụ Tôn Thất Diệm:

Ngựa xe ai đó chớ cười tôi
Ngang dọc giang hồ đủ thú vui
Hít gió hôn trăng nên trớt mũi
Hờn mưa giận nắng hóa cong mui
Trải lòng đỡ dưới vì lo nước
Dày mạn thêm cao chẳng sợi mòi
Chèo chống tha hồ ba chú lính [3]
Còn hà có cắn có người hui.

Thân thế và hành vi của tác giả được thác ra lời chiếc thuyền. Không đọc qua tiểu sử, chúng ta cũng có thể biết qua bài Vịnh Chiếc Thuyền, tác giả là người có địa vị trong xã hội, tuy tánh vốn phong lưu nhưng lòng không quên thế sự.
Văn chương thanh lão khinh khái, đọc lên như thấy bóng dáng con thuyền trôi trên dòng sông Hương.
Tôi liên tưởng đến CHIẾC THUYỀN NAN và CHIẾC TÀU AN NAM của Tản Đà tiên sinh:

I
Thả chiếc thuyền nan bé tẻo teo
Cũng buồm cũng lái cũng dây lèo
Nghìn trùng sóng gió ba khoang nứa
Bốn mặt non sông một mái chèo
Những hẹn nước mây thu mấy độ
Thử xem trời biển rộng bao nhiêu
Con đường vô hạn vui chăng tá?
Mà hỡi dòng sông tiếng nước reo.

II
Bốn bể năm châu náo cuộc đời
Con tàu bản quốc chị em ơi
Tấm thân dầm nước đà nên sắt
Tiếng hiệu sang sông mới hét còi
Vồn vã gió mưa cơn giục khách
Mênh mông trời biển bước ra khơi
Hỏi thăm Âu Mỹ bờ đâu bến
Mở máy quay guồng quá cuộc chơi.

Bài trên Tản Đà tiên sinh lấy đề là “Sông Cái, chiếc thuyền nan”, ngụ ý nói về tờ An Nam tạp chí do tiên sinh chủ trương ra số 1 ở Hàng Lọng Hà Nội. Bìa phía sau tạp chí có vẽ một chiếc thuyền lướt sóng.

Bài dưới cũng là bài đề An Nam tạp chí lúc báo ra đời lần thứ hai ở Nam Định. Kỳ này bìa vẽ một chiếc tàu sắt ra khơi.
Bài thơ của Mộng Phật Tôn Thất Diệm là hình ảnh của ông quan phong lưu. Hai bài thơ của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu là gan ruột của nhà thơ ái quốc. Tánh chất khác nhau, nên phong vị cũng khác.
Cụ Mộng Phật còn một bài thơ vịnh vật nữa được phổ biến còn có phần sâu rộng hơn cả bài Chiếc Thuyền. Đó là bài:

BÙNG BINH
Chỉ biết tiền thôi có biết gì
Bụng to mà miệng tỉ tì ti
Chành bành ra rứa đeo ăn mãi
Đút nhét vô hoài chẳng nói chi
Làm tướng đời mô còn tiếng lại?
Để quân trẻ nó cứ thu đi! [4]
Bấy lâu lúc lắc coi chừng đã
Chừng đã đầy thời phải đập mi.

Văn giản mà ý súc. Đọc nghe như tuồng nói chơi, nhưng đối sít sao từng chữ. Đối sít sao từng chữ nhưng không hề có tí vết dụng công. Thật chẳng khác nắm cây bút rảy mực xuống giấy một cách ơ hờ mà mỗi giọt mỗi nét đều trở nên hoa nên lá… Những chữ “chành bành ra rứa, đút nhét vô hoài”, “làm tướng đời mô, để quân trẻ nó”, dường đợi sẵn ở đâu đó, đến khi tác giả mở miệng, hươi tay…, liền kéo nhau đến phục vụ. Một nhà thơ có tài sai khiến chữ thơ cũng giống một tay phù thủy cao tay ấn sai khiến âm binh, không phải nhọc công tốn sức.

Nhưng làm thơ cũng như tu hành. Tu đã đến mức thần thông mà nếu lo dùng phép thần thông để biểu dương tài nghệ, chớ không lo hàm dưỡng huân tập, thì không mong gì thành đạo. Người làm thơ cũng thế. Nếu bút pháp đã đến chỗ tinh vi, mà chỉ lo dùng kỹ thuật để làm vui tai mắt người đời, hoặc chỉ để tìm thú tiêu khiển cho mình, chớ không lo uẩn nhưỡng tâm tư, phong phú kiến thức, thì cũng không mong gì đến được diệu xứ của thơ.

Một số đông thi nhân xưa nay cậy mình đã “cao tay ấn”, ngày ngày lo phô trương “pháp thuật”, quên nhãn tu hành, nên thơ thường đi đến mức “bùng binh” rồi dừng bước hoặc lui bước.

***

Thơ vịnh những vật chết khó hay hơn thơ vịnh vật sống. Vì vật sống tự nó đã có sẵn sinh khí dễ làm cho thơ linh động. Nhưng dễ là đối với những bậc có thi cốt, thi học, thi tài, nhất là thi tài, chớ cá thịt ê hề mà tài nấu nước quê vụng thì cũng khó có được món ăn ngon.
Về thơ vịnh vật sống, trước hết tôi xin giới thiệu bài thơ vịnh con vật rất nhỏ:

VỊNH MUỖI
Hỡi muỗi mày danh giáp tý nào?
Bay cao bay thấp mặc tiêu dao
Ngày thời đủng đỉnh chơi màn thắm
Tối lại vo ve ấp má đào
Ghẹo kẻ anh hùng khi thức tỉnh
Trêu người thục nữ lúc chiêm bao
Tiếng vang thiên hạ đều kinh sợ
Cung quế phòng tiêu tỏ lối vào.

Tương truyền bài này của vua Minh Mạng.
Không lấy gì làm chắc, vì vua Minh Mạng là người trọng chữ Hán khinh chữ Nôm, đã cấm dùng chữ Nôm viết công văn, viết chiếu biểu, thì lẽ đâu còn làm thơ Nôm, lại làm thơ con muỗi để tự ví mình.

Nhưng nếu không phải của vua Minh Mạng thì là của ai? Trong bài có khẩu khí đế vương: “Cung quế phòng tiêu tỏ lối vào”. Nếu không phải là vua thì ai dám vào phòng tiêu cung quế? Ngoài vua ra thì chỉ có các ông thái giám, các nàng cung phi. Nhưng những hạng này chỉ có thể “chơi màn thắm” chớ không thể “ấp má đào”. Lời văn lại đẹp đẽ chải chuốt. Các nhà vua hay làm thơ Nôm như Lê Thánh Tông, như Tự Đức, Thành Thái… đều không có giọng thơ du dương uyển chuyển như thế. Âu đành để vào chỗ tồn nghi.

Văn chương bài này thật hay, song ý bị điệp. Câu bốn câu sáu và câu tám chỉ quanh quẩn bên mình khách giai nhân. Đó là bệnh điệp sàng giá ốc, chứng tỏ rằng tâm hồn tác giả sang mà không giàu.
Không bằng bài sau đây của cụ tú Nguyễn Diêu:

Muỗi hỡi muỗi ơi sướng đủ điều
Còn chi chi nữa hỡi còn kêu
Lầu son gác tía ngày qua lại
Má ngọc da ngà thú ấp yêu
Béo miệng nào thương con trẻ dại
Cành hông chi sá lũ dân nghèo
Trong tay mà có ba tiêu phiến
Xử tội nhà ngươi quyết chẳng nhiêu.

Đoán rằng bài này chắc vì bài kia mà có. Văn chương thanh lệ, phê phán công minh. Đây là lời nói của kẻ có tài có học có khí phách. Đọc lên thấy phấn khởi trong lòng.

Gần đây có xảy ra vụ thơ CON MUỖI có lý thú:
Kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp năm 1963, Bộ Quốc Gia Giáo Dục lấy bài thơ CON MUỖI sau đây làm đề bình giảng Việt Văn:

Mình thì ngăn ngắn cẳng thì dài
Nho nhỏ nhưng mà chẳng sợ ai
Ít sức biết đâu mang nổi núi
To gan có lúc cắn càn voi
Xua tanh lũ kiến tuồng vô dụng
Gầy mật bầy ong dạng bất tài
Minh bạch gẫm ra thua nghỉ hết
Ăn người rồi lại nói bên tai.

Bộ Giáo Dục chép là của Tây Hồ Phan Châu Trinh.
Dư luận xôn xao! Kẻ thì bảo bài đó như thế này, người thì bảo như thế kia. Người thì quả quyết tác giả là Tây Hồ tiền bối, kẻ lại cãi không phải của Tây Hồ. Nhà thơ Đông Hồ phải viết một bài nói trắng rằng bài CON MUỖI là một bài bất thành văn lý. “Nội dung chẳng chứa đựng được một nghĩa lý một tư tưởng gì, chẳng ký thác được một câu tâm sự một khí phách nào để nhận ra đó là bản sắc người hào kiệt đất Quảng Nam. Mà lời thơ thì hết mực tầm thường… Không đáng để một thi sỹ nào trọng nghệ thuật dám ký tên nhận mình làm tác giả của nó”. [5]

Lời của Đông Hồ thật chí lý.
Tuy vậy trong cát vẫn có một đôi chút vàng:
Câu trạng tôi nghe truyền có đôi chữ khác:
Nhỏ vóc nhưng mà mang nổi núi
To gan khi cũng cắn càn voi.
Tứ thơ thật mới. Không phải tạc không đỗ soạn [6]
Vế trên dựa vào câu “sử mân phụ sơn” trong sách Trang Tử. Vế dưới mượn ý câu tục ngữ “Mèo quào vách muỗi cắn voi”. [7]
Câu tục ngữ cũng như câu của Trang Chu đều ngậm ý chê, mà hai câu thơ lại chuyển thanh khen. Như thế cổ nhân gọi là “phiên án”, là “cánh tấn nhất tằng”. [8]
Hai câu ấy, ý thì xảo mà lời lại phác. Tôi nhận thấy có biệt thú, nên lời quê dông dài hầu mong được mua vui cùng bạn tri âm.

Sau khi quân Pháp đặt xong nền đô hộ lên đất nước Việt Nam thì hàng sỹ phu trong nước, một số tuẫn quốc, một số lui về thôn quê giữ lòng cô trung cùng Tổ Quốc, còn phần đông thì ra cộng tác cùng quân thù. Trong số này cũng có một ít người giữ được thiên lương, còn bao nhiêu đều là bọn sâu dân mọt nước.
Ở Bình Định thời bấy giờ có sản xuất bài thơ:

VỊNH RẬN
Chí ở đầu người lắm nỗi rầu
Lại thêm loài rận rúc trong bâu
Áo xiêm trên chúa nương nhờ ấm
Máu mỡ ngoài dân cắn nút hao
Gối bính thuở an na bụng tới [9]
Giáp binh khi động thụt đầu vào
Phải chi ta được quyền xanh vạc [10]
Trứng mén nhà bay thảy tận cào.

“Chí ở đầu người” ám chỉ bọn thực dân Pháp. “Loài rận ở trong bâu” ám chỉ bọn tham quan ô lại.
Có người hỏi:
- Bài này là một bài thơ hay là bài vận ngữ?
Xin thưa:
- Minh định thế nào là một bài thơ thế nào là một bài vận ngữ không phải là việc dễ, vì từ xưa đến nay không lấy gì để làm khuôn thước. Những bài thật hay hoặc thật dở thì dễ phán đoán. Những bài “không có mùi nhưng có vị” như gân gà của Tào Tháo thì việc xét định lắm lúc thật phân vân. Như bài Vịnh Rận, Vịnh Cối Xay…, tuy văn chương không điêu luyện công phu, nhưng vẫn có linh hồn, có khí cốt, có bẳn sắc…, vẫn gây cho người đọc có tâm huyết ít nhiều cảm xúc ít nhiều hứng thú. Như thế, theo thiển kiến, đều là thơ, đều là những bài thơ đáng truyền tụng.

Nói tóm lại những bài văn vần nào đủ sức truyền cảm, tức có thể làm rung động lòng người đọc gây hứng thú cho người đọc, đều là thơ. Còn những bài đọc thấy khô khan, nhạt nhẽo, thì dù văn chương điêu trác đến đâu, cách điệu nghiêm chỉnh đến đâu, cũng thuộc vào hàng vận ngữ. Nói một cách khác, là bài văn vần nào có hồn thì gọi là thơ còn chỉ có xác thì gọi là vận ngữ.
Bài Vịnh Rận có hồn, nên không phải là vận ngữ.

Nhưng thơ hay có ba hạng: Thượng Thừa, Trung Thừa, Hạ Thừa. Bài Vịnh Rận thuộc hàng hạ thừa. Còn những bài vịnh vật khác trích dẫn trên đây đều thuộc hàng trung thừa trở xuống. Chưa bài nào, theo thiển ý, được liệt vào hàng thượng thừa.

Cũng thuộc hàng thơ hay đáng truyền tụng, bài VỊNH CHIM BỒ CÂU của cụ cử Tuệ:

Đen trắng coi ra nghĩ cũng màu
Trăm chim hồ dễ sánh bồ câu
Len mình cửa nguyệt không tên đạn
Dán cánh cung mây có bạn bầu
No đói chẳng nguôi lòng cố chủ
Lứa đôi cho tỏ nghĩa hà châu [11]
Gật gù sính lễ cùng con cháu
Còn lối lên trời muốn bảo nhau.

Tương truyền cụ cử làm tri phủ Nho Quang bị cách chức, lui về vui thú điền viên, làm thơ để tỏ niềm ưu ái.
Lời thơ giản luyện, ý thơ trung hậu. Riêng tiếc không được biết rõ thân thế và hoàn cảnh của tác giả khi sáng tác bài thơ, để khám phá những gì ẩn náu dưới hàng chữ câu văn. Vì đây là thốn tâm thiên cổ chớ không phải dư vị cuộc ngẫu hứng nhất thời.
Nhưng dù có khám phá được gì thêm, bài này vẫn ở hàng Trung Thừa, vì chưa làm cho người đọc kinh khiếp.

Bên thơ Hán tự, thơ Việt Nam cũng như thơ Trung Hoa, có nhiều bài nhiều câu đọc xong nghe ớn lạnh. Tôi chưa được gặp bài thơ vịnh vật nào tuyệt diệu trong làng thơ Quốc âm. Triều Nguyễn đã nhượng chức Trạng Nguyên cho Trung Hoa, Đình thí chỉ lấy từ Bảng Nhãn trở xuống. Về thơ Vịnh Vật, chẳng lẽ hàng thơ Quốc âm cũng theo gương khoa cử triều Nguyễn mà nhượng hàng Thượng Thừa cho Hán văn?

***

Thơ Vịnh Vật thường thường thuộc về thể tỷ: Hầu hết các tác giả vịnh vật không phải vì vật, mà vì người. Mượn vật để thác từ, ngụ ý, nói lên những gì chất chứa trong lòng mà không tiện hoặc không muốn nói thẳng, nói trắng, về mình hoặc về người khác. Người thơ làm thơ vịnh vật thường thường ngậm chứa hai nghĩa: nghĩa đen nói về vật, nghĩa bóng nói về chí hướng, tâm sự, hoài bão, khí phách, ý kiến… của người làm thơ. Trong thơ Vịnh Vật, phần nghĩa bóng lại là phần quan trọng phần chính yếu.

Trong những bài thơ vịnh vật thượng dẫn,
- Bài Mảnh Sành của họ Ôn, bài Cối Xay của một người trong phong trào Cần Vương, bài Đèn Sáp của Phan Tây Hồ, bài Chiếc Thuyền của Mộng Phật, bài Chiếc Thuyền Nan, bài Con tàu An Nam của Tản Đà…, bài vịnh Chim Bồ Câu của cụ cử Tuệ… là thơ vịnh vật tự nghĩ.
- Bài Mảnh Sành của Phò mã Lâm, bài Vịnh Muỗi (vận Nào) là thơ vịnh vật tự phúng.
- Bài Vịnh Muỗi (vần Điều), Vịnh Rận, Bùng Binh… là thơ phúng thế.
Nghĩa đen nghĩa bóng đều thích đáng. Những tay tầm thường không dễ gì làm nên.



[1] Dặt là những hạt thóc còn sót lại khi xay xong. Ở Bình Định đọc những chữ khởi đầu bằng chữ D và GI không khác nhau và những chữ cuối cùng T và C cũng như nhau. Cho nên mới mượn chữ DẶT để nói đến GIẶC (giặc dã).
[2] Có chỗ chép: Canh trường rơi giọt ngỏ cùng ai.
[3] Có chỗ bảo là: “Khách khứa nhiều khi quan lớn cả”. Lời tuy có khác, nhưng ý vẫn ngụ rằng mình là hàng thượng lưu.
[4] Bài này trong Hương Bình Thi Phẩm của ông Hoàng Trọng Thược chép có nhiều chỗ khác. Nhất là cặp luận:
                Mấy thuở đua tài người gọi tướng
                Cả đời giữ của mọi là mi.
Những câu khác chỉ kách một vài chữ  (Xem H.B.T.P. trang 56).
Chữ “làm tướng” tác giả mượn ý câu tục “Đại tướng bùng binh”.
[5] Xem Úc Viên Thi Thoại của Đông Hồ.
[6] Tạc không: khi không mà bày chuyện ra.
   Đỗ soạn: Ngày xưa có anh Đỗ Mặc làm thơ thường sai luật, do đó, thi văn không đúng luật không nhập cách giọi là Đỗ soạn, soạn tức do họ Đỗ soạn ra. Đặt bày ra cũng gọi là đỗ soạn, nghĩa giống như tạc không.
[7] Sử mân phụ sơn: khiến muỗi vác núi.
[8] Phiên án: bỏ tội án đã định mà xét xử lại, tức là bỏ nghĩa thông thường mà dùng theo nghĩa mới.
  Cánh tấn nhất tằng: lại tiến thêm một tầng nữa.
[9] Gối bính: do câu “bính dạ bất an chẩm” của Đường Thế Tông mà ra (Bính dạ là nửa đêm: giờ bính tý).
[10] Xanh vạc là đồ dùng để nấu.
[11] Hà Châu: doi cát bên sông - Chữ Kinh Thi: Quan quan thư cưu, tại hà chi châu, yếu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu.