Hương Vườn Cũ 4 - 5.




NGÔ KHOANG luận thi rằng:
- Xem thơ thấy được tánh tình. Tánh tình biển ải thì lời tháo, khoan dũ thì lời bình, thanh tịnh thì lời nhã, sơ khoáng thì lời dật, hùng vĩ thì lời tráng, uẩn tạ thì lời uyển. Tánh tình được hàm dưỡng thì phát ra khí, hiện ra lời. Đó là nguồn gốc của thơ vậy [1].
Xưa nay đều lấy làm khuôn thước lúc xem thơ.
Về thời vua Lê chúa Trịnh, có bài thơ thất luật:

MUA QUAN TÀI
Ba vua bốn chúa bảy thằng con
Răng chửa lung lay dái chửa mòn
Nhân vật thời giờ sanh cũng uổng
Quan tài sẵn đó chết thời chôn
Giang hồ lang miếu trời đôi ngả?
Bị gậy cân đai đất một hòn
Cũng muốn sống thêm dăm tuổi nữa
Sợ ông Bành Tổ tống đồng môn.

Không biết tác giả là ai [2]. Văn chương ấy, khẩu khí ấy phải là kẻ tài lớn cốt ngạo, thân không bị trói buộc, ấy là người “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Đọc thơ, lòng sướng khoái như đứng trên núi cao nhìn xuống ruộng thấp, trong người dường có hùng khí un xông.

Trong sách VĂN ĐÀN BẢO GIÁM thấy có nhiều bài thơ ghi là của NGUYỄN HỮU CHỈNH. Như:
Tóc chen hai thứ chửa danh chi
Thân hỡi là thân thì hỡi thì!
Chửa trả chửa đền ơn đệ tử
Thêm ngừng thêm tủi chí nam nhi.
Kẻ yêu nên ít bề cao hạ
Người ghét càng nhiều tiếng thị phi
Tay bé khôn bưng vừa miệng thế
Giãi lòng ngay thảo cậy thiên tri.

II        

Cửa sổ buồn xem ngựa trắng qua
Vừa khôn thời lại thấy vừa già
Trước đã cậy lòng con cái
Sau còn nhờ đức mẹ cha
Giàu ở làng sang ở nước
No ra bụt đói ra ma
Sắc không chữ ấy âu vàng thếp
Nghĩ lại thời là bẵng cái hoa.

Vân vân…

Tác giả những bài ấy, ngờ rằng không phải Nguyễn Hữu Chỉnh. Chỉnh vốn kiêu ngạo phản phúc, có thể sánh với Trương Nguyên đời Tống. Trương vịnh TUYẾT có câu:
Chiến bãi ngọc long tam bách trượng
Bại lân tàn giáp mãn thiên phi.

Nghĩa là:
Đánh xong rồng ngọc ba trăm trượng
Vảy nát vây tan bay mịt trời.

Và vịnh CHIM ƯNG có câu:
Hữu tâm đãi tróc nguyệt trung thố
Cánh hướng bạch vân cao xứ phi.

Nghĩa là:
Cung nguyệt hăm he lòng bắt thỏ
Ngắm từng mây trắng vút mình bay.
đều đeo khí kiêu ngạo. Nhạc Phi xem thơ, biết là người bất lương, không dùng. Sau Trương theo giặc Nguyên quấy rối nhà Tống, làm cho người đồng chủng bị hao nhiều máu xương.

Tâm tánh Nguyễn Hữu Chỉnh - con người đã thốt ra câu “Bắc Hà duy có một mình Chỉnh, Chỉnh đi thì trong nước trống”- không khác Trương Nguyên, thì lẽ đâu thơ lại bình dị và trung hậu như thế. Thường thường những tay thợ thơ non vụng, mới sản xuất những bài vận ngữ mà lời không đi với lòng. Còn những nhà thơ thiện nghệ, thì bút pháp dính liền với tư tưởng, hễ lời ra là ý theo. Dù cố ý che đậy giấu giếm đến bậc nào, cũng không thể qua mắt hàng thức giả. Nguyễn Hữu Chỉnh vốn có tài thơ về Quốc âm, có tài xuất khẩu thành thi từ lúc nhỏ, thì thơ và người không thể còn là hai.

Thêm nữa Chỉnh là một tay gian hùng chỉ kiêng nể một mình Nguyễn Huệ, thì còn sợ ai mà phải núp mình dưới bóng văn chương, phải mượn văn chương để dối lòng, dối đời?
Kìa như Quận Hẻo NGUYỄN HỮU CẦU không phục vua Lê chúa Trịnh, nổi lên chiếm cứ miền Đông Bắc Hà, lấy Đồ Sơn làm căn cứ quân sự , tự xưng là Đông Đạo Thống Quốc Bảo Dân Đại Tướng quân chống cùng triều đình mười năm trời, thanh thế lừng lẫy. Đến năm Cảnh Hưng thứ mười hai (1751) bị Phạm Đình Trọng bắt được. Trong lúc ngồi trong ngục Quận Hẻo có bài:

CHIM LỒNG
Nhất lung thiên địa tàn thân tiểu
Vạn lý phong vân cử mục tần [3]
Hỏi sao sao lụy cơ trần?
Bận tài bay nhảy xót thân tang bồng
Nào khi vỗ cánh rỉa lông
Hót câu thiên túng trong vòng lao lung [4]
Chim oanh nọ vẫy vùng giạu Bắc
Đàn loan kia túc tắc cành Nam
Mặc bay đông ngữ tây đàm [5]
Chờ khi phong tiện dứt dàm vân lung [6]
Bay thẳng cánh muôn trùng tiêu hán [7]
Phá vòng vây bạn với kim ô.
Giang san khách diệc tri hồ?

Tản Đà tiên sinh khen:
- Lời văn khẳng khái hiên ngang, tự có nam nhi khí phách vậy.
Và lời văn hiên ngang khẳng khái nầy đối chiếu cùng cuộc đời chọc trời quấy nước kia, thì rõ là hình với bóng.
Những câu “văn là người”, “xem văn thấy được tánh tình” là những câu danh ngôn của muôn thuở.



5.


Thơ vua Lê Thánh Tông được nhiều người khen là có khí tượng đế vương.
Phê bình bài THẰNG BỒ NHÌN, Tản Đà tiên sinh khen câu:
Xét soi trước mặt đôi vầng ngọc
Vùng vẫy trên tay một lá cờ.

Tôi vốn không ưa loại thơ “khẩu khí” ấy. Nghĩ rằng đã ngồi trên ngôi báu, ai chẳng biết là vua, hà tất phải lấy văn chương lòe thiên hạ! Thêm nữa muốn nêu cao phẩm giá, sao lại trở hạ mình làm “thằng bồ nhìn”, làm “thằng mõ”, làm “con cóc”, làm “cây chổi”, vân vân… Gởi thân phận mình, giởi tâm sự mình vào những vật thấp hèn là sự cực chẳng đã. Như gặp lúc bị ông Hương Hiệu, lãnh tụ đảng Cần Vương Quảng Nam, bắt tội, ông tú Quì phải tạm nương mình vào con dế duỗi, để giải nguy. Bị người Tàu khinh khi người nước ta mềm yếu như bèo, trạng Giáp Hải phải vẽ vời thân bèo cho thành cao quí… Đó là tùng quyền khi ngộ biến, chớ văn chương nào phải chỗ để khoe mình!
Nói thế không phải là bảo thơ vua Lê Thánh Tông tuyệt nhiên không có bài khả ái. Như:

LỜI MẸ VƯƠNG LĂNG TIỄN SỨ THẦN
Đường mai đằng đẵng ngựa dời chân
Nghĩa mẹ con nầy gởi sứ quân.
Nhớ Hán lòng còn son một tấm
Thương Lăng tóc đã bạc mười phân
Chăm bề trung hiếu không hai vẹn
Gặp hội công danh dễ mấy lần
Canh cánh mong con tròn nghĩa cả
Lá vàng thân mụ sá chi thân [8]

ĐỀ MIẾU NAM XƯƠNG LIỆT NỮ
Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương
Ngọn đèn dù tắt đừng nghe trẻ
Làn nước chi cho lụy đến nàng
Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt
Giải oan chi mượn cảnh đàn tràng
Qua đây mới, biết nguồn cơn ấy
Khá trách chàng Trương nỡ phụ phàng. [9]
Phú đắc:
Tới đây mến cảnh mến thầy
Tuy vui đạo Phật khôn khuây lòng trần.

Gẫm sự trần duyên cũng nực cười
Tuy vui đạo Phật chửa khuây người [10]
Gió thông đưa kệ tan niềm tục
Hồn bướm mơ tiên lẫn sự đời
Bể khổ nghìn trùng mong tát cạn
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi[11]
Nào nào Cực Lạc là đầu tá
Cực Lạc là đây chín rõ mười.

Văn chương nhẹ nhàng trôi chảy. Đó là áng thơ hay trong số thơ hay còn lưu thế.
Nhưng nói đến thơ vua Lê Thánh Tông lại không thể đem những bài thơ nầy ra làm tiêu biểu, vì không có mấy [12], và tuy đẹp đẽ đáng yêu, song để chung cùng các bài thơ hay của các nhà thơ khác, có thể lầm lẫn lại qua. Những bài có “khẩu khí đế vương” đã nhiều lại được phổ biến sâu rộng, tuy hương vị không được thanh tiên, song ngoài vua Lê Thánh Tông ra, không người thứ hai nữa. Bởi vậy, Tề Tuyên Vương dù không ưa Chung Ly Xuân vẫn không thể truất nàng ra khỏi hoàng cung, mà mỗi khi luận đến Tề hoàng cung nhân, trước phải nói đến Chung Vô Diệm.




[1] Nguyên văn: thi khả dĩ khiến nhân chi tánh tình. Tánh tình biển ải giả kỳ từ tháo; khoang dũ giả kỳ từ bình; thanh tình giả kỳ từ nhã; sơ khoáng giả kỳ từ dật; hùng vĩ giả kỳ từ tráng; uẩn tạ giả kỳ từ uyển. Hàm dưỡng tánh tình, phát vũ khí, hình vu ngôn, thử thi chi bổn nguyên giả.
                Biển ải: chật hẹp, keo kiết.  Tháo: xốp, bộng.
                Khoan dũ: rộng rãi, không câu chấp. Uyển: dịu dàng.
                Sơ khoáng: giản dị khoáng đạt. Dật: vượt ra ngoài tầm thường
[2] Theo “Giai thoại làng nho” của Lãng Nhân thì bài nầy của Nguyễn Văn Giai đời Lê Trịnh, làm quan trải ba đời vua, bốn đời chúa.
[3] Một chiếc lồng làm trời đất để chứa mình thật nhỏ bé, muôn dặm gió mây thường để mắt nhìn.
[4] Thiên túng: Lòng trời buông thả. Lao lung: cũi lồng
[5] Đông ngữ tây đàm: nói chuyện đông nói chuyện tây.
[6] Phong tiện: Thuận cơn gió. Vân lung: lồng mây.
[7] Tiêu: tầng không khí quanh mặt trời. Hán: Sông Ngân
[8] Truyền rằng trong bài nầy vua Lê Thánh Tông làm sáu câu (đề, trạng và kết) còn cặp luận do quan thám hoa Nguyễn Quí Đức điền. Vua khen hay và ban thưởng hai nén bạc.
Câu khởi các sách phần nhiều điều chép:
Đình phô đằng đẵng ngựa dời chân.
Câu chuyển kết nhiều sách chép:
Mệnh mẹ lá vàng dầu mỏng mảnh
Về thời nhận  kỹ nghĩa quân thần.
Lại có sách chép= Mình già nầy bao nỡ tiếc
Về thôi khuyên nó nghĩa quân thần
[9] Liệt nữ tên Vũ Thị Thiết ở đất Nam Xương. Chồng họ Trương phải đi tòng chinh trong lúc nàng có thai nghén. Lúc chồng về thì đứa con đã biết nói. Chàng Trương bế con, con bảo: - Ông không phải là cha Đản. Cha Đản cứ đêm mới đến, mẹ Đản đi cùng đi, mẹ Đản ngồi cùng ngồi, nhưng chả bao giờ bế Đản cả. F
Chàng Trương nghe con nói, đinh ninh là vợ ngoại tình, đánh đuổi khỏi nhà. Người vợ buồn tủi nhảy xuống sông Hoàng Giang  (Hà Nam) mà chết.
Một đêm chàng Trương ngồi dưới ngọn đèn khuya, chợt nghe đứa con reo:
- Cha Đản đến rồi kìa.vừa reo vừa trỏ bóng chàng in nơi vách.
Thì ra khi chàng đi vắng, vợ thường chỉ bóng mình nói đùa cùng con mình rằng đó là cha của nó! Chàng tỉnh ngộ, thương vợ chết oan, bèn lập đàn tràng nơi sông mà tế. Sau người trong vùng lập miễu thờ.  
[10] Câu hai có nhiều sách chép là:
Sắc không tuy bụt hãy lòng người.
Nghe có phần ngượng ngập không xứng với các câu tiếp.
Bài nầy cũng như bài Lời Mẹ Vương Lăng tiễn sứ thần trong Úc Viên Thi Thoại của Thi Sỹ Đông Hồ có nói rõ sự tích, nơi mục Mảnh Vá Trên Vai Ao Nàng Thơ. Bạn nào chưa rõ, xin tìm xem Úc Viên.
[11] Mượn ý câu:        Ái hà phiên xít lãng
                                Khổ hải vạn trùng ba
Nghĩa là:                  Sông ân mòi cuộn cuộn
Bể khổ sóng trùng trùng.
[12] Thơ không mang khẩu khí đế vương của Lê thánh Tông còn nhiều, phần nhiều chép ở Hồng  Đức Quốc âm thi tập. Nhưng lời văn còn nặng nề, không sánh kịp ba bài trích dẫn. Những bài “khẩu khí” chỉ nghe truyền chớ không thấy trong tập Hồng Đức.