Hương Vườn Cũ 58



Thơ của THÚC GIẠ tiên sinh tuy nhiều song không được truyền tụng bằng Ca của Tiên Sinh.
Ca của Tiên sinh đã in thành nhiều tập lấy tên là “Bán Buồn Mua Vui” xuất bản năm 1954 và gồm có:
- 30 bài ca Huế
- 40 bài ca Trù
- 36 câu Mái Nhì và Hò Khoan
- 6 đoạn nói lối và hát Nam.

Về ca Huế phải rành điệu nghệ thì mới thưởng thức được cái hay cuả bài ca, riêng nói về mặt Văn chương thì “miễn sao vần cho thuận, câu cho xuôi, ý nghĩa cho rõ ràng, mạch lạc cho thông suốt, ấy là bản ca dễ ca, mà dễ lưu truyền vào nhạc phủ”, nghĩa là khi soạn bài ca, tác giả chú trọng đến điệu nhiều hơn văn.
Ví dụ bài Nam Bình “Nói chuyện với tri âm”

Ai là người tri âm như mình,
Vẹn tình sau trước, trọn chữ ba sinh,
Chung tình,
Xe sợi tơ mành,
Sợi tơ mành, khư khư, ai đem buộc cho mình
Say lời trăng gió,
Đá vàng đôi đàng khắn vó,
Đừng phụ tất thành.
Tính tình tình,
Tiếng đàn lỗi nhịp sao đành.
Nhớ khi trò truyện đêm thanh,
Lầu trăng xế, gió đưa lay mành.
Cũng vì lời chưa duyên,
Duyên nợ dường như nợ,
Nợ trời xây,
Trả trả vay vay,
Bạn mình đây,
Lứa đôi ai tày.

Ca lên thì nghe hay, mà đọc nghe ngường ngượng. Cho nên người đọc không rành điệu, không thích đọc.
Và mặc dù bài Ca Huế của Tiên sinh rất được phổ biến trong làng cầm ca, vẫn không được khách làng văn để ý. Đó cũng là lệ chung xưa nay, chớ không riêng gì Tiên sinh vậy.

Còn về ca trù thì hễ được hoan nghênh ở giáo phường, thì thế nào cũng được tán thưởng ở văn học. Vì ca Trù chẳng những chú trọng về tiết điệu mà còn phải sửa sọan câu văn cho được óng chuốt, đẹp đẽ…, thì mới có giá trị. Thêm nữa điệu ca Trù, ca nghe hay đã đành, mà đọc nghe cũng thích. Bởi vậy những bài ca trù của Thúc Gịa tiên sinh, cũng như những bài cổ nhân của các văn gia đương thời, phần nhiều điều có vang có bóng ở nơi văn đàn.
Ca trù của Tiên sinh tuy không sánh nổi những giai tác của Nguyễn Công Trú , Cáo Bá Quát… Tản Đà…, nhưng điều là những án văn chương có giá trị. Xin trích dẫn một bài tiêu biểu:

MÃI NHÀN

Thiên địa Trang Sinh mã
Giang hồ Phạm Lãi châu.
Dẫu đong đầy muôn hôc minh châu, mua lấy một chữ nhàn âu cũng khó.
Cái nợ đa tình mang sẵn đó,
Của kho vô tận biết làm sao!?
Gặp gió trăng bỡ ngỡ miệng chào,
Trông thấy vẻ thanh cao mà những thẹn.
Men danh lợi cũng khùng khằng đôi chén,
Cũng cho khuây cái hẹn phù sinh.
Hỏi ai ai cũng như mình.

Được tất cả mọi tầng lớp nhân dân, từ cô chèo đò cho đến những người nơi lầu cao nhà thẳm, ưa thích là những bài “Mái Nhì” của Tiên sinh. Không một ai không biết, ít nhất cũng đã nghe qua một lần, như bài “Trước Phú Văn Lâu”:

Chiều chiều trước Phú Văn Lâu,
Ai ngồi, ai câu, ai sầu ai thảm,
Ai thương, ai cảm, ái nhớ, ai trông?
Thuyền ai thấp thoáng bên sông?
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non!

Bài nầy trở thành phổ thông như một bài ca dao, đến nỗi có nhiều, bạn lầm tưởng là một bài hát cổ. Nếu tập “Bán Buồn Mua Vui” không ra đời, thì chắc có bạn không thể tin được rằng là tác phẩm của Tiên sinh, vì văn chương của người còn sống, dù hay đến đâu cũng không được nhiều người thuộc, nhiều người ưa, Bắc cũng như Nam, cũ cũng như mới, đến thế.

Tuy không được truyền bá sâu rộng bằng câu trên, các câu sau đây suốt mấy mươi năm nay, luôn luôn vang vọng trên dòng Sông Hương những đêm trăng trong gió mát:

I
Nước đầu cầu, khúc sâu khúc cạn,
Chèo qua Ngọc Trản đến vạn Kim Long;
Sương sa gió thổi lạnh lùng,
Sóng xao trăng lặn gây lòng nhớ thương .
                                                                                   
II
Bến chợ Đông Ba, tiếng gà gáy sáng,
Bến làng Thọ Lộc, tiếng trống sang canh;
Giữa sông Hương lượn sóng khuynh thành,
Đêm khua một chiếc thuyền tình ngửa nghiêng.

III
Tiếng hát Ngư ông, giữa sông Bành Lệ,
Tiếng kêu hàn nhạn, giữa áng Hoành Dương;
Một mình em đứng giữa  sông Hương,
Tiếng ca du nữ đọan trường ai nghe?

IV
Nước chảy xuôi, con cá buôi lội ngược,
Nước chảy ngược, con cá vược lội ngang.
Thuyền em xuống bến Thuận An,
Thuyền anh lại trẩy lên ngàn, anh ôi!

V
Ướt áo xanh, lệ tình Tư Mã!
Khách thiên nhai vẫn lạ mà quen.
Nước non ai kẻ bạn hiền,
Biết ai ly phụ giữa miền sông Hương!

vân vân…

Những khách xa nhà, ra đứng bờ sông Hương, đêm nghe hát những câu mái nhì trên đây, thì dù không phải Giang châu Tư Mã, lệ tình vẫn không dễ gì ngăn.

Những bài trích dẫn trên đây thuộc về lọai hát huê tình. Có những câu tình ý rộng rãi hơn, mà văn chương cũng rất du dương uyển chuyển, như:

I
Một vũng nước trong,
Mười dòng nước đục,
Một trăm người tục,
Một chục người thanh.
Biết đâu gan ruột gởi mình,
Mua tơ thêu lấy tượng Bình Nguyên Quân.
                                   
II
Núi Đâu Mâu cao bao nhiêu trượng,
Sông Linh thủy sâu bấy nhiêu tầm.
Dừng thuyền đợi khách tri âm,
Lệ Sơn với giải Minh cầm không xa.

III
Cánh chuồn chuồn nhởn nhơ trên mặt nước,
Tiếng ve ve vang dậy cả phương trời.
Con còng còng dại lắm ai ơi,
Cong lưng xe cát, sóng dồi lại tan!

Xét sự nghiệp văn chương của Thúc Giạ tiên sinh còn để lại, tôi nhận thấy những bài hát Mái Nhì của tiên sinh xuất sắc hơn những bài ca trù và thơ Đường Luật. Hai tập Tình Thúc Giạ và đời Thúc Gia, cũng như quá nửa tập Bán Buồn Mua Vui, không có sức hấp dẫn bằng những bài hò “Mái Nhì”. Đem ra giữa chợ văn chương muôn hồng, nghìn tía, những bài hò Mái Nhì của Tiên Sinh, như bài “chiều chiều trước Phú Văn Lâu..”, bài “Một vũng nước trong…” vẫn trường tồn, vĩnh cửu.