Hương Vườn Cũ 3.



Thơ và hoa tuy không đồng tướng nhưng đồng tánh, nghĩa là không đồng dòng nhưng đồng giống, giống ĐẸP. Xem hoa là đọc một bài thơ bằng hương bằng sắc. Đọc thơ là xem một đóa hoa bằng chữ bằng lời.
Tức là trong hoa có thơ, trong thơ có hoa. Được một cũng đã đủ. Nếu được cả hai thì chẳng khác Lưu Huyền Đức được cả Phục Long Phụng Sồ, hoặc vua Thuấn được cả Nga Hoàng Nữ Anh vậy.

Có nhiều nhà thơ muốn làm vua nhà Ngu, vua nhà Thục, nhưng thiếu điều kiện thuận tiện, đành phải đưa hương đưa sắc vào chữ vào lời, nghĩa là đưa hoa vào thơ, tức là làm thơ vịnh hoa.
Những bài thơ vịnh hoa, khách làm thơ gọi là THƠ HOA.
THƠ HOA khác mà HOA THƠ khác.
Những bài Hoa Thơ không nói đến hoa, mà đọc lên thấy đẹp nghe thơm như đứng trước hoa.
Còn Thơ Hoa tuy nói đến hoa, nhưng nhiều khi vì tài nghệ của tác giả không được tinh diệu, nên không thơm không đẹp bằng thơ thuần thơ, hoa thuần hoa.
Thơ Hoa thơm đẹp như Hoa Thơ, trong vườn thơ Trung Hoa nhiều lắm. Trong vườn thơ Hoa Việt của cổ nhân cũng có ít nhiều. Riêng vườn thơ Quốc âm, xưa cũng như nay, thật là hiếm. Hoặc giả có nhiều, song vì không có người săn sóc nên bị mưa gió vùi lấp theo thời gian đó chăng?
Trong Hồng Đức Quốc Âm Thi tập đời Lê Thánh Tông thấy được một số:

HOA CÚC
Nết na nhận khẩn khác chưng loài
Chiếm được thu chơi ít có hai
Hương ắt chỉn nhiều vàng chỉn có
Tuyết đà không nhuốm bạc không phai
Ba đường Tưởng Hủ hồn thêm nhặt
Mấy phút Uyên Minh hứng chẳng dài
Mừng thấy trùng dương nên chẳng phụ
Muộn chung thời tiết chẳng đeo đai.

HOA MẪU ĐƠN
Dưỡng cẩn vườn tiên của lạ dường
Trăm hoa tươi tốt đã khiêm nhường
Thức tươi chiếm được xuân thiên hạ
Giá trọng kham khoe đất Lạc Dương
Khắp trong đời khen quốc sắc
Hơn chưng bạn khải hoa vương
Dù cho hay tốt hay cười nữa
Thấy mặt trong lòng những đoạn trường.

HOA MAI
Trội cành mai chiếm một chồi
Tin xuân mây mẩy điểm cành mai
Tinh thần sáng thủa trăng lạnh
Cốt cách đông khi gió thôi
Tiết cứng trượng phu tòng ấy bạn
Nết trong quân tử trúc là đôi
Nhà truyền thanh bạch chăng từng khối
Vậy xứng danh thơm đệ nhất khôi.

Đó là sản phẩm của thời kỳ thơ Đường luật mới phôi thai. Chữ dùng chưa được luyện, lại có nhiều chữ cổ, như “nhận khẩn, chỉn, chưng, dưỡng cẩn…”. Lời thơ còn chất phác. Đọc lên nghe khô khan chớ không ý vị thích thú như đứng trước những giống hoa cúc, mẫu đơn, mai… đầy hương đầy sắc.
Thơ như thế, cổ nhân gọi là “hữu cán vô ba”[1].
Nhưng nói về thi pháp thì tác giả là tay thầy thợ, theo sát qui củ, người xem thơ muốn bắt bẻ không còn có chỗ để tay.

Thơ từ đời Lê Thánh Tông trở về trước, hầu hết điều một tánh chất như thế cả. Đó là vì cổ nhân là những bậc thâm nho, dùng văn chương để chở Đạo. Và ngắm hoa không phải để thưởng thức hương sắc thiên nhiên lộ ra bên ngoài. Mà chính để đối chiếu tinh thần cốt cách của hoa với tinh thần cốt cách của mình, rồi mượn văn chương để gởi gắm tâm sự.
Cổ nhân chú trọng cái đẹp bên trong.
Cổ nhân lại thiên về lý trí.
Mà lý trí chỉ phục được người chớ không cảm được người, cho nên thơ xưa, nhất là thơ đời Thịnh Lê chịu ảnh hưởng Tống Nho nặng nề, ít bài rung động lòng người đời nay là người giàu tình cảm.

Song những bài thơ như những bài Vịnh Hoa thượng dẫn, tuy không sắc nước hương trời, vẫn có cốt cách riêng biệt, vẫn đầy ý nghĩa. Chúng ta phải biết quí trọng thương yêu. Di sản tinh thần của ông cha chúng ta để lại đã bị mai một quá nhiều. Những gì còn sót lại đều đáng nâng niu gìn giữ. Bằng những tòa nhà mái lợp lưu ly, tường xây cẩm thạch, đâu có đồ sộ khang trang bằng những dãy nhà cao ốc tân thời nằm dọc ngang trên đường thủ đô, thị trấn… nhưng ai dám bảo rằng không giá trị, không đáng bảo tồn?

Nói vậy không phải có ý bảo rằng trong vườn thơ Việt Nam chỉ có những Thơ Hoa đáng quí vì xưa chớ không phải vì đẹp. Đẹp vốn có ít, chớ không phải tuyệt nhiên không có.
Theo thiển ý, bài HOA THỦY TIÊN của Phan Sào Nam tiên sinh là một tuyệt phẩm [2]. Lời đẹp, tình nồng, ý thâm, thần sáng. Một đóa hoa, sắc hương trọn vẹn. So với những bài thơ hay nhất của Trung Quốc, chúng ta có thể tự đắc rằng nếu không hơn thì thôi chớ không thua. Từ nội dung đến hình thức, bài Hoa Thủy Tiên là một viên ngọc liên thành, hoàn toàn, biệt lập. Đọc những câu:

Nét điểm trang con tạo khéo đa tình!
Nhụy kìa vàng, hoa kìa bạc, lá kìa xanh,
Trên mặt nước long lanh trời với bóng.
Đố ai biết thần tiên biệt chủng
Mái hương giang mà tiên động tự nhiên thành.
Vô tình mới thật hữu tình
Ơn người giới thiệu cho mình gặp tiên…

Thì chúng ta phải vỗ đùi khen là quán tuyệt thiên cổ!
Tinh thần hoa thủy tiên, phong cách hoa thủy tiên đều lột được trọn vẹn. Và đọc câu thơ, chúng ta thấy hiện ra trước mặt, một bậc tiên phong đạo cốt mình ngồi giữa khoảng trời nước trong sáng và bao la…
Mới đọc liền thấy hay, càng đọc càng thêm hay, đọc mãi đọc hoài không biết chán.
Đó là bài Thơ Hoa trong làng Hoa Thơ thượng đẳng.



[1] Có cọng mà không có bông (Đã nói ở tập Trong Vườn Hoa Thơ).
[2] Xem trọn bài ở tập Trong Vườn Hoa Thơ.