Hương Vườn Cũ 56



Cụ Tam Xuyên Tôn Thất Vỹ là một nhân vật nổi tiếng đất Cựu Thần Kinh (vào cuối thế kỷ thứ 19, đầu thế kỷ 20). Cụ đậu cử nhân triều Tự Đức, làm quan đến chức Tá Lý bộ Lễ. Khi vua Thành Thái lên ngôi (1888) nhớ đến phục thù, liền tìm cách làm tội những đình thần cùng con cháu của các vị bị tình nghi có nhúng tay vào việc phế lập. Do đó mà cụ Tam Xuyên bị cách hết chức tước, chỉ còn chân cử nhân![1]. Đến triều Duy Tân (1907 - 1916), nhà vua xét thấy cụ bị tội oan, bèn cho phục nguyên hàm Tá lý.

Từ lúc lui về vườn, cụ sống một cuộc đời phong lưu, lấy thi tửu cầm kỳ vui cùng phong ba thủy nguyệt. Cụ có người ái thiếp tên Mộng Liên là một giai nhân tài bộ, đi đâu cụ cũng đem theo:

Lên dinh xuống phủ lại về vườn
Sắm sửa đi đâu cũng có nường.
Đàn chẳng hay chi hòa đủ nước,
Cờ không cao lắm đánh vừa ngang.

Thơ xem trước mắt tay thường lục ,
Rượu nhấm ngoài môi mặt đã hường.
Hai chữ tài tình xem chẳng mấy,
Lẽ nào con Tạo nỡ ghen tương.

Một năm nhân tiết Trùng Cửu cụ cùng các thi hữu rủ nhau lên chơi núi Ngự Bình. Lúc ấy bà Mộng Liên có mang mà cũng lẽo đẽo đi theo. Các bạn cười và thách bà làm thi. Bà vui vẻ đọc:

Theo chồng dù khổ chẳng từ nan
Huống được lên cao hưởng thú nhàn. [2]
Bẻ nhánh hoa vàng cài mái tóc
Rõ ràng có bụng với giang san.

Văn chương thanh nhã nhưng hàm súc. Chỉ có bốn câu ngó như đơn sơ song chứa đủ tình, lý, cảnh, sự! Nếu thi học không rộng thi tài không cao thì dễ gì vừa hé môi liền nhả ngọc như thế. Những lời của cụ Tam Xuyên đề tặng trên đây nửa vì tình mà cũng nửa vì tài, vừa chân thành vừa xứng đáng.
Hai bài đều là chân thi.

Người đương thời phần đông tôn Tam Xuyên là Thi Bá. Nhưng nói đến thơ cụ người ta thường đem những bài thơ chơi chữ ra làm điển hình! Do đó những bài thơ thuần túy của cụ ít được phổ biến và lần lần trôi mất theo thời gian.

Gần đây Hương Bình Thi Phẩm có sao lục được một ít. Song hầu hết đều là thơ chơi. Năm 1930 làm việc tại tòa khâm sứ ở Huế, tôi được cụ Vân Bình Tôn Thất Lương đọc cho nghe nhiều giai tác của cụ Tam Xuyên. Nay còn nhớ được một ít:

CÂY CAU

Sum sê vườn trước lại vườn sau
Khác các loài cây ấy ấy cau
Ôm ấp vòi rồng sương nở bẹ,
Phất phơ đuôi phượng gió lay tàu.
Đỡ nhà lóng thẳng làm nền cột,
Giúp nước mo to dễ thế gàu. [3]
Mai mốt nở bùng ngàn vạn trái
Trời cho ăn lộc đỡ thêm màu.

Đó là một trong những bài cụ sáng tác lúc còn làm quan. Lời thơ phong lưu, ý thơ trung hậu. Văn chương có ký thác. Tiền giải nói về thân thế, hậu giải nói về hoài bão.

Cặp trạng:
Ôm ấp vòi rồng sương nở bẹ
Phất phơ đuôi phượng gió lay tàu.

Vế trên có ý tự đắc về dòng dõi Hoàng tộc. Vế dưới có ý tự đắc về phương diện văn chương.
Nhưng có người chê rằng câu “phất phơ đuôi phụng gió lay tàu” là câu thơ trệ. Vì gió cứ lay tàu mãi thì kíp chầy gì cũng phải rụng. Cho nên khi cụ bị cách chức, người đương thời thường đem bài “Cây cau” ra bàn và cho là sấm thi.

Tôi liên tưởng đến bài thơ vịnh Bí Ngô của một cụ Tú ở Quảng Nam. Cụ Tú là người đồng thời cùng cụ Phạm Liệu. 
Lúc thiếu thời, cụ Tú Vịnh Bí Ngô có câu:

Giấy kết võng trần ngồi hóng gió
Lá xè lọng tía đứng che mưa.
Cụ Phạm vịnh Ghẻ có câu:
Ba kiếp nâng niu ngồi nắn mũ
Hai tay cáng náng giở vòng xe.

Hai cụ học lực tương đương nhưng cụ Phan đậu Tiến Sỹ, còn cụ Tú thì đi thi mãi bị rớt trường tư. người đương thời thường bàn tán:

- Trong thơ cụ Phạm có mũ có xe [4], trong thơ cụ Tú có võng có lọng. Tại sao một bên đỗ đại khoa, còn một bên bị lận đận nơi trường ốc?
- Tại vì mũ xe của cụ Phạm được an bài, còn võng lọng của cụ Tú bị gió dồn mưa tạt.

Vì có một ít câu thơ ứng nghiệm trong việc tương lai, cho nên các cụ ngày xưa sợ thơ trệ. Nhưng những câu thơ làm xong liền nhân thấy trệ hoặc cho là trệ thì không mấy khi ứng nghiệm. Thường thường chỉ sau khi việc tốt xấu đã xãy ra rồi, người ta mới cho là câu này hay câu kia là câu sấm. Có lẽ câu “phất phơ đuôi phượng gió lay tàu” của cụ Tam Xuyên mang tiếng là trệ sau khi cụ bị nạn Thành Thái.[5]

Có lần một ông bạn nhắc đến câu thơ kia, cụ cười:
- Nếu trệ thì đã trệ từ ngày mới sanh của tôi.
Cụ nói vậy là vì cụ sanh ngày 23 mà mồng năm, mười bốn, hăm ba là ba ngày nguyệt kỵ:

Mồng năm mười bốn hăm ba
Đi chơi cũng lỗ lọ là đi buôn.

Sau khi lui về vườn, nhân ngày lễ sinh nhật của cụ, cụ có bài cảm tác:

Tháng tư nguyệt kỵ bữa hăm ba
Chén rượu ngày sanh chút gọi là
Nâng chén khẽ ngừng khi chíp chắp
Để lòng hồi tưởng lúc tu oa.
Nặng vì tơ tóc đôi còn nợ
Ngoảnh lại mày râu nửa muốn già
Khóc nghĩ hổ ngươi cười nước mắt
Lòng ta ta chỉ biết thương ta.

Lời thơ dịu dàng nhưng ngấm một nỗi buồn lạnh lạnh, hiu hắt như khí mùa thu, nhẹ nhàng  nhưng thấm thía.
Câu kết bài thơ tặng Mộng Liên:

Hai chữ tài tình xem chẳng mấy
Lẽ nào con tạo nỡ ghen tương.
Cũng ẩn một nỗi buồn kín đáo. Tác giả trực tiếp cầu cho người yêu suốt đời được thân an tâm lạc, gián tiếp than phận mình chỉ vì hai chữ tài tình mà bị con Tạo ghen tương.

Bị Trời ganh ghét? Hay tại số trời đã định và đã ứng nơi ngày sanh? Bởi nếu không do Trời thì sao lại không tội mà bị trừng phạt?
Cụ bị cách chức lúc tuổi chưa đầy ba mươi, và khi được phục nguyên hàm Tá lý thì tuổi đã trên năm mươi. Lúc ấy răng cụ đã rụng hết. Nhân đó cụ có ngâm mấy câu:

Không răng đi nữa cũng không răng
Chỉ có thua người một miếng ăn
Miễn đặng nguyên hàm nhai nhóp nhép
Không răng đi nữa cũng không răng.

Một tiếng cười trong nước mắt!
Nghĩ thói đời mà buồn vậy thôi. Chớ nếu “trời cho ăn lộc” thì thân danh sự nghiệp của cụ bất quá cũng như cây cau:

Đỡ nhà lóng thẳng làm nên cột
Giúp nước mo to dễ thế gàu…

Chớ làm sao gặp được một người tình tài bộ, bà Mộng Liên [6], và có những vần thơ bất hủ như hai bài Sinh Nhật và Không Răng, “Khuất Bình từ phú…”.

Cụ sanh ở An Cựu Huế năm Canh Thân (1860) và mất tại Quảng Bình năm Quí Sửu (1913), thọ 54 tuổi.

Nơi khách địa nhân ngày Tết nhớ quê, cụ có câu đối:
- Pháo vô hạn kêu nêu vô hạn cao, ba thảo bách ban vô hạn lạc;
Bánh bất thăng dẻo thịt bất thăng béo, quan san thiên lý bất thăng tình.

Và sau khi cụ mất, bạn thơ ở Huế, nhớ cụ, có câu:
- Diệu đế chuông ngân hồn cát sỹ,
Hương giang mưa rưới lệ hoài nhân.



[1] Vua Thành Thái là con vua Dục Đức. Sau khi vua Tự Đức thăng hà thì vua Dục Đức kế vị. Được ba ngày thì bị Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết trất phế. Lúc ấy cụ Tôn Thất Phan, thân sinh cụ Tam Xuyên, làm Thượng Thư bộ Hình. Vua Thành Thái nghi rằng cụ Thượng theo phe Tường Thuyết, nên trả thù cụ Tam Xuyên.
[2] Có người đọc là:
                - Nghiên bút theo đòi trót dở dang,
                Đem chữ nhàn ra đổi chữ mang
Niêm bị phản ý lại không thông suốt, nên chắc là câu trong 1 bài khác của bà Mộng Liên. Lại có người đọc là:
                Thương chồng nặng nhọc dám từ nan
                Đem chữ mang theo đổi chữ nhàn
Cũng không bằng câu tôi chép trên.
[3] Có người còn đọc: giúp nước mo to thế đặng gàu.
[4] Từ Quảng Ngãi trở ra Thừa Thiên, những chữ có dấu hỏi và dấu ngã đều đọc giống nhau, cho nên Mủ ghẻ lộn với Mũ quan.
[5] Xem chương 19 ở trước nơi về thơ sấm.
[6] Cụ gặp bà Mộng Liên lúc đã thôi làm quan, và tuổi đã trên bốn mươi. Lúc ấy bà Mộng Liên còn trẻ lắm. Tình yêu không biết tuổi.