Hương Vườn Cũ 36.H



Cụ ĐÀO TẤN là người Vinh Thạnh, thụ nghiệp cùng cụ tú Nhơn Ân.
Đậu cử nhân năm 23 tuổi, cụ làm quan trải ba triều Tự Đức, Đồng Khánh và Thành Thái, lên đến chức Thượng Thư và được phong tử tước.
Tuy chỉ đậu cử nhân, nhưng các bậc đại khoa đều phục cụ là người tài cao học rộng.
Sự nghiệp văn chương của cụ thật vĩ đại.
Về bên Hán văn cụ còn truyền lại tập Mộng Mai Ngâm Thảo gồm trên ba trăm bài.
Về bên Quốc âm thì còn truyền những bổn tuồng hát bội:
- Trầm Hương Các
- Hộ Sanh Đàn
- Cổ Thành
Sáng tác triều Thành Thái
- Vạn Bửu Trình Tường
- Quần Trân Hiến Thụy
- Tứ Quốc Lai Vương
- Tam Bảo Thái Giám
- Bình Địch
- Đảng Khấu
Soạn dưới triều Tự Đức theo lệnh nhà vua
- Diễn Võ Đình
- Hoàng Cổn
- Cổ Thành
- Tân Dã
Sáng tác trước và sau lúc làm quan.

Trong các tuồng, tuồng Vạn Bửu vĩ đại nhất và công phu nhất. Bộ này cụ soạn chung cùng cụ Vũ Đình Phương và cụ Ngô Quí Đồng, soạn ròng rã mấy năm tròn mới xong. Cụ Vũ và cụ Ngô chỉ soạn vài ba đoạn và nhuận sắc một đôi chỗ. Kỳ dư đều do ngòi bút của cụ Đào thảo. Vua Tự Đức khuyên chuỗi và phê “Thần hồ kỳ hỹ” ý khen văn chương như thần. Bổn Vạn Bửu cũng như năm bổn soạn theo lệnh vua Tự Đức, chỉ trong Triều và các nhà quan Đại thần mới có.

Còn các bổn tuồng khác thì rất phổ biến trong làng ca kịch cổ điển.
Ngoài những bổn tuồng sáng tác, cụ còn nhuận sắc nhiều bổn tuồng xưa:
- Tuồng Tam Nữ Đồ Vương, cụ sửa đoạn đầu và sửa tên sách là Khuê Các Anh Hùng.
- Tuồng Phi Hổ, sửa đoạn Phi Hổ nằm miễu.
- Tuồng San Hậu, sửa đoạn Hồn Linh Tá đưa Kim Lân qua ải và đoạn đổi chị đổi mẹ.
- Tuồng Nguyệt Cô hóa cáo.
- Tuồng Phi Phụng.

Có người hỏi cụ sao không sửa toàn tập mà chỉ sửa một đôi đoạn mà thôi. Cụ cười đáp:
- Trong bữa ăn rau mắm, thỉnh thoảng ăn thêm một vài ba miếng thịt mới thật ngon.
Cụ Đào chẳng những có tài soạn tuồng, mà các điệu bộ bài bản cụ đều tinh thông. Triều Tự Đức trong Nội có đội Thanh Bình Vũ Ca đào tạo đào kép để hát chầu nhà vua. Cụ Đào được đội Vũ Ca này tôn xưng là bậc thầy.

Truyền rằng:
Một hôm một ca công nổi danh ở Bình Định là Bát Phàn làm Trụ Vương hát câu:
Gió hương thổi lọt hoàng bào
Kiều mai tuyết điểm động đào mây giăng.
Cụ khen giọng hay điệu bộ khéo, những cảnh gió hương thổi lọt hoàng bào và động đào mây giăng, diễn tả tài tình, duy chưa lột được cái thần của tuyết điểm cầu hoa mai.
Bát Phàn bẩm:
- Con chưa hề thấy tuyết thì làm sao diễn tả nổi.
Cụ đáp:
- Tuyết thì lạnh. Giọng và điệu phải làm sao cho người nghe cảm thấy hơi lạnh xông vào mình, tức là đạt được ý của câu tuồng.
Bát Phàn thỉnh giảo. Cụ bỏ roi chầu, bước lên sân khấu, cất giọng ra bộ một cách tự nhiên… Bát Phàn sụp xuống lạy:
- Thật lạnh xương sống! Nay con học thêm được một điều mới lạ. Vạn cảm.

Nghệ thuật hát bội phát xuất từ Lộc Khê Hầu đến cụ Đào là tuyệt đỉnh. Cho nên bạn hát bội suy tôn Lộc Khê Hầu ĐÀO DUY TỪ là tiền hiền và cụ ĐÀO TẤN là hậu hiền.
Cụ Đào Tấn hay tuồng cũng như hay chữ là nhờ cụ tú Nhơn Ân. Cho nên đối với thầy từ khi còn cặp sách đến lúc đã làm quan to, khi thầy còn tại thế cũng như lúc thầy đã từ trần, cụ luôn luôn giữ trọn lòng kính trọng.
Trong tuồng Ngũ Hổ Bình Tây về lớp Trại Ba Công Chúa chạy theo níu không cho Địch Thanh trốn thoát đi đánh Tây Liêu có một chỗ cụ tú sơ ý. Đó là đoạn tới biên ải, Công Chúa truyền tướng giữ ải là Cáp Man đóng chặt cửa ải đừng để Địch Thanh qua. Thế mà khi đã bằng lòng cho Địch Thanh đi, lại không truyền Cáp Man mở cửa, chỉ than vãn với nhau rồi chia tay:
Dứt tình một khúc Dương quan
Tây Liêu anh tới, Đơn bang em về.

Cụ Đào định trình lên cụ tú để cụ sửa lại cho ổn. Nhưng chưa kịp thì cụ tứ tạ thế. Để y cũ thì bổn tuồng là một viên ngọc liên thành có vết, còn tự ý sửa lại thất lễ với thầy. Mãi về sau khi đã về vườn rồi, cụ mới mua một con heo và sắm lễ vật đến nhà thầy, làm cỗ bàn cúng lạy, xin cho phép “mở cửa ải để đưa Địch Thanh lên đường”. Lễ xong thêm vào bản cảo, ngay sau câu “Dây phiền đó buộc chuỗi sầu đây mang” [1] và trước câu “Dứt tình một khúc Dương quan”, một đoạn ngắn:

(Công Chúa): - Bớ Cáp Man, truyền Cáp Man mở ải, đặng đưa nguyên soái lên đàng.
Phu nhân ơi! Song lụy san san, thốn tâm cảnh cảnh! Hồn ly biệt dường mê dường tỉnh, đoạn ân tình khó dứt khó chia! Nơi Tây Liêu hiểm ác sơn khê, (Còn) Tinh La Hải cao cường pháp thuật. Sợ khó nỗi bêu đầu ác tặc (Mẹ mẹ ợi!) Biết bao giờ thấy mặt từ nhan! Rượu vơi vơi nâng chuốt chén vàng, chân rén rén dìu đưa người ngọc.
(Hát nam) Rén rén dìu đưa người ngọc
Kể khôn cùng chân tóc kẽ răng!
(Địch Thanh): - Thôi, em ở lại sương sa ba nở mẹ tròn con vuông rồi anh sẽ về…
(Hát nam) Anh hùng nước bước còn săng
(Thôi em đừng khóc)
Đừng dun mày liễu mà quằn ruột lan.

Trong khi vợ chồng than vãn thì cửa ải lần lần mở. Hai vợ chồng mới chia tay bằng câu hát của cụ tú:
Dứt tình một khúc Dương quan
Tây Liêu anh tới, Đơn bang em về.

Đoạn sửa thật hay!
Xem chừng đó cũng biết qua được tài nghệ của cụ Đào. Nhưng để giúp quý bạn muốn hiểu thêm cụ, trong khi chưa tìm được các bổn tuồng, lão xin trích thêm một vài đoạn trong một vài tuồng phổ biến nhất. Và trước khi trích văn, lão cũng xin nói sơ đôi đặc điểm mà lão đã nhận thấy trong các bổn tuồng của cụ:
- Tất cả tuồng hát của cụ Đào, tuồng nào thứ lớp cũng gọn gàng liền lạc, văn chương cũng trang nhã du dương. Những câu Nam câu Khách, câu xướng câu ngâm… hay đã đành, cho đến những câu nói lối, những câu đệm (hường, tán) cũng rất chải chuốt, chải chuốt nhưng vẫn giữ được vẻ tự nhiên.

Ví dụ một đoạn rong tuồng Hộ Sanh Đàn, lớp Loan Anh nghe Tiết Cương bị Võ Tam Tư vây khổn, vội đem lâu la xuống núi cứu nạn:
Loan Anh nói:
- (Ối chao ôi!) Bất thăng kinh hãi kinh hãi! (Chăng biết phu quân tôi mần răng mà) Chí thử gian nan gian nan! (Phu quân ơi!) Cửu khúc trường lửa đốt xốn xang; song hàng lụy mưa tuôn lã chã. (Nay phu quân tôi chích thân ngộ nạn, tặc chúng lai truy. Phu quân tôi biết chạy đàng mô?) Qua Xuyên quận giang trình hiểm trở, (Còn) Về Long Sơn lâm lộ đa kỳ! (Phu quân tôi) Vì hiếu tình nong nả quyết ra đi; (Chừ) Cơn hoạn nạn bơ vơ ai giúp đỡ?! (Nhưng thôi thôi) Bước anh hùng đã lỡ, gan nhi nữ càng dày. Nếu chẳng liều sanh tử giữa chông gai, (thì) ai còn kể ân tình trong khói lửa.

Những câu nói lối đối nhau từng câu từng chữ, nhưng trôi chảy tự nhiên như thế, đoạn nào cũng có, tuồng nào cũng có.
Lắm câu đẹp như thơ:

Đầy áo rơi muôn hộc thiên hương,
Đôi mắt vẽ một người quốc sắc.
                                                (Vạn Bửu Trình Tường)
Giấc hải đường còn hỡi say sưa,
Màu trúc diệp cùng nhau chếnh choáng.
                                                (Trầm Hương Các)
Phận liễu bồ khép bóng thu phong
Phụng cân trắc nhờ ơn xuân hải.
                                                (Trầm Hương Các)

Từ phu tướng Trường an tế tảo,
Luống thâm khuê vĩnh dạ ưu sầu!
Khéo loi thoi dương liễu mạch đầu,
Còn thảnh thót hoàng oanh chi thượng!
                                                (Hộ Sanh Đàn)
vân vân…

Còn những câu hát Nam, thì từ lời của những kẻ phong lưu đài các, đến những con ở gái, chú quân canh… thảy thảy đều nhịp nhàng êm ái, và giọng văn tứ thơ thay đổi theo từng nhân vật.
Khi thì trang nhã đài các:
(Hảo a!) Phong thanh nguyệt hiểu, thủy tịnh ba minh.
Phi quế trạo tiền hành, tố hoa trì thưởng thắng.
Thưởng thắng trải miền hương quốc
Gió trăng lồng một bức kỳ quan
Hương trời sắc nước xuê xoang
Nồng đếm tố nguyệt vẽ ngàn tịch dương.
Trận thanh tao dợn làn sóng nhỏ
Bóng mơ màng ai đó? Vấn tân…
                                                (Vạn Bửu Trình Tường)
Khi thì bi tráng trầm hùng:
Thế sự huyễn như xuân mộng, nhân tình bạc tợ thu vân! Cắn răng cười, cười cũng khó khăn, ôm lòng chịu, chịu càng cay đắng.
Cay đắng cho tình cho cảnh

(Bớ Thiết Giao! Con gắng lấy nghe)
Ngóng phương trời gởi gánh non sông.
(ấy vậy mà tôi vẫn tưởng rằng)
Bể oan chưa đổi bụi hồng còn xa!
Cuộc phong ba đâu là chỉ ngạn
(Ối phu nhân ôi!)
Mối ân tình nhiều đoạn chia phôi!
                                                (Hộ Sanh Đàn)
Lao xao sóng bủa ngọn tùng
Gian nan là nợ anh hùng phải vay.
                                                (Hộ Sanh Đàn)
Khi thì thê lương áo não:
- Mặt giã từ đài các, gót lần lữa yên vân (ối phu quân ôi) Sợi nhân duyên vắn vỏi chỉ bao ngần; Đường danh lợi dở dang xin chịu vậy!
Chịu vậy đường ân nỗi ái
Tâm sự này khó hỏi cao xanh!
Trì trì bạch nhật vãn; niếu niếu bi phong sanh. (Thương hại cho tôi) Phu tế khinh bạc nhi, tại thế bất xứng ý. (Chừ tôi biết đi mô đây? Thôi thôi) Giang san dao lạc xứ, tử biệt dĩ thôn thanh!
Mảnh gương phút đã tan tành
Xuân vi gió lạnh thu đình trăng trong.
Bước non sông ngại ngùng chi xiết
Nợ phong trần trả hết từ đây…
                                                (Hộ Sanh Đàn)

Những câu giai tác như những câu thượng dẫn có hàng vạn trong các bổn tuồng. So với Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu, Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm, thì thơ lục bát và song thất lục bát của cụ Đào Tấn, về phẩn phẩm thật không nhượng, về phần lượng rõ nhiều hơn bội phần. Rất tiếc các nhà nghiên cứu về văn học lâu nay không mấy người để ý khai thác.

Cụ Đào Tấn viết tuồng hát chẳng phải để mua vui, chỉ để nêu gương trung hiếu tiết nghĩa cho đời soi như hầu hết các tuồng cổ điển xưa, mà còn để ký thác tâm sự, một mối tâm sự nan giải cùng người cố chấp đương thời:
Chịu vậy đường ân nỗi ái
Tâm sự này khó hỏi cao xanh.

Nguyên cụ ra làm quan gặp được vua Tự Đức là nhà vua tri kỷ, nhưng lại nhằm lúc khó khăn, nước nhà lắm việc nan giải.
Giặc Pháp như tằm ăn dâu, hết chiếm Nam, liền đi lần ra Bắc… Thế nước suy vi mà triều đình Huế chưa giác ngộ, tự cho mình là “bốn nghìn năm văn hiến” chê người là dã man, nhất định bế môn tỏa cảng, không chịu giao thiệp cùng các nước Tây Phương. Các quan triều phần đông nặng lòng thủ cựu, lo việc chính trị đương thời mà khư khư lấy phép vua Nghiêu vua Thuấn làm gương mẫu, hễ nghe ai bàn đến những gì mới lạ thì cho là ngụy thuyết, bác hẳn đi.

Các nhà chí sỹ như Nguyễn Trường Tộ đi du học về làm tờ điều trần xin nhà vua cải lương mọi việc; như Đinh Văn Điền dâng sớ đề nghị mở mang kinh tế, chỉnh đốn quân sự, tiếp xúc ngoại bang… Đại để đều là những điều ích quốc lợi dân cả. Các quan đại thần cho là lời nói bậy nói càn, làm hủy hoại kỷ cương, đòi bắt làm tội! Thậm chí đến lời trần tấu của các sứ thần như Nguyễn Hiệp đi sứ Xiâm La, Lê Đĩnh đi sứ Hương Cảng, đem cảnh tượng nước ngoài về thuật lại để mong triều đình theo gương mà canh cải cho hợp thời, thảy thảy cũng đều bị đình thần bác  bỏ.

Vua Tự Đức cũng có ý muốn canh tân, song không thể tự quyết. Đứng trước họa xâm lăng mỗi ngày mỗi bành trướng, nhà vua lo sợ thường hỏi quần thần những phương pháp phú quốc cường binh. Nhưng kẻ bàn thế này, người bàn lẽ nọ, nào thủ nào chiến, cãi cọ lung tung…, rốt cuộc vẫn không tìm ra chước gì để cứu vãn tình thế.

Cụ Đào Tấn là người thức thời. Cụ rất tán thành những lời đề nghị của các nhà hữu tâm dâng lên nhà vua. Nhưng thế lực yếu, cụ đành bưng miệng khoanh tay! Hưởng lộc nước mà không dùng khả năng để cứu nước, trong khi thế nước đương suy, cụ tự lấy làm tủi hổ:
Thịt đi thây chạy bời bời
Lộc vua ăn uổng cột trời để xiêu!
                                                (Khuê Các anh hùng)
và rất lấy làm đau khổ:
Sụt sùi lệ nhỏ thấm bâu
Hột cơm tấm áo dễ nào quên ơn.
                                                (Hộ Sanh Đàn)
vào khoảng cuối đời Tự Đức, thế nước lại càng nguy khổn. Không lẽ ngồi đợi nước đến trôn, cụ bèn lấy cớ còn cha mẹ già, dâng sớ xin về phụng dưỡng. Lời xin đã không được chuẩn y mà cụ còn bị giáng xuống bốn cấp. Nhưng không bao lâu ông cụ thân sinh tạ thế, cụ được phép về đinh gian.

Kế đó vua Tự Đức thăng hà (1883), đám quyền thần lộng hành, trong triều rối loạn. Quân Pháp thừa thế kéo binh vào Huế uy hiếp, triều đình phải công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Bắc kỳ và Trung kỳ. Hòa ước Quí Mùi (1883) và hòa ước Giáp Thân (1884) ký kết. Nước Việt Nam hoàn toàn mất chủ quyền!
Mặc dù đã biết trước, mặc dù cố tránh xa để khỏi trông thấy tận mặt những cuộc tan thương, cụ Đào khi nghe tin sơn hà xã tắc bị sụp đổ vẫn không cầm được mối thương tâm. Nhưng cũng như một số sỹ phu tâm huyết khác, như hoàng giáp Phạm Như Xương, Tam Nguyên Nguyễn Khuyến, Án Sát Chu Mạnh Trinh, cụ Đào Tấn tự biết mình bất lực trước thời cuộc, đành ôm bụng mà thở than cùng giấy bút:
- Mảnh gương phút đã tan tành
Xuân vi gió lạnh thu đình trăng trong.
                                                (Hộ Sanh Đàn)
- Thương ai công nghiệp nửa chừng
Cây rung khi gió lửa hừng khi mưa!
Sầu ai ai đã hay chưa?
Trăm năm đái lệ một giờ tan thương! [2]

Kế đó Kinh thành Huế thất thủ (1885) vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị xuống chiếu Cần Vương. Phần đông sỹ phu trong nước hưởng ứng.
Ở Bình Định đảng Cần Vương do anh hùng Mai Xuân Thưởng lãnh đạo mời cụ Đào tham gia. Vốn biết rõ tình hình trong nước, vốn thấy rõ lực lượng của Việt Nam, về nhân sự cũng như về quân sự, đều kém hẳn quân Pháp, chống cự bằng vũ lực không cữu vãn được tình thế mà còn hao tốn máu xương, nên cụ tìm cách từ chối. Một số người trong Đảng cho rằng cụ là người không biết nghĩ đến đại nghĩa, đã từng hưởng ơn vua mà không lo đền nợ nước, bèn đem quân đến vây nhà bắt về làm tội. Cụ cùng một lão bộc đương đêm nhảy qua rào sau chạy thoát.
Cụ chạy ra Phù Cát lên ẩn tại chùa Linh Phong. Sau ra làm quan cùng vua Đồng Khánh.
Đã không ứng nghĩa Cần Vương mà còn ra làm quan cùng triều đình mà hầu hết các sỹ phu yêu nước đều cho là ngụy, nên cụ bị rìu búa xuân thu. Cụ rất lấy làm khổ tâm:

Phúc bồn đã lờ gương nhật nguyệt
U cốc đành khuất bóng dương quang
(Tôi nghĩ lại, trộm trách ai)
Khéo trăm trô lời quạ Dã Tràng!
(Khiến cho)
Thêm déo dắt tiếng ve Tây Lục!
Tây Lục tiếng ve déo dắt
(Ối Tiên quân ôi!)
Tưởng oan tình ruột thắc đòi cơn!
Ngàn năm uống oán ăn hờn
Âu lo nghiệp chúa, riêng than nỗi mình.
                                                (Khuê Các anh hùng)
Tấm lòng trung quân ái quốc của cụ, chỉ riêng mình cụ biết, chỉ riêng trời phật biết:

- Viễn khứ trông chừng viễn lộ
Đố ai tường lòng mỗ thật hư!
Thất tình mối nước nên thưa
Bóng tiều lướt sóng tiếng ngư vang rừng.
Trống dạ tuần nửa gần quan tái
Cơ hội này phải dại mới khôn.
                                                (Khuê Các anh hùng)
- Ngậm ngùi nhớ mẹ  thương cha
Biết đâu căn kiếp con ra nỗi này
Ngập ngừng lướt gió xông mây
Từ bi xin chứng thân này đắng cay…
                                                (Trầm Hương Các)
Lòng cụ đối với vua Tự Đức chẳng những nặng nghĩa quân thần mà còn dày ơn tri ngộ. Nỗi thương nhớ vua, cụ đã gởi trong những câu hát Nam trong tuồng Khuê Các anh hùng mà cụ nhuận sắc lúc ẩn nơi chùa Linh Phong Phù Cát:
Yên tỏa hàn phong sương yểu yểu
Lộc ngưng Tương Thủy tuyết ai ai.
Ối Tiên quân ôi!
Ẩm hận trường thiên tư Bắc Khuyết
Hàm sầu bạch nhật khốc Tây Đài.
Tuyết ai ai tuyền đài thẳm thoắt
Vọi vọi nhìn kìa nước nọ trăng.
Mơ màng biển bạc giăng giăng
Thương tang phút đổi Đạo Hằng khôn nguôi. [4]

Đối với cảnh vua Hàm Nghi xuất bôn, lòng cụ cũng ngậm ngùi chua xót:
Dấu ngựa đường hoa đem quạnh quẽ
Chày kình dinh liễu tiếng lao xao.
Sá chi tôi sương tắm mặt đào,
Thương nỗi chúa bụi mờ vóc ngọc.
Vóc ngọc ngùi thương nỗi chúa,
Bước gập ghềnh lối cũ đường xưa.
Nhạn chiều chen đám mây thưa,
Lôi thôi chiếc bóng bơ thờ giọng kêu!
Gian nan chút phận đã liều
Cô đăng gió tạt bảng kiều sương rơi…
                                                (Khuê Các anh hùng)

Rõ là “Vi nho phùng thế nạn, sầu tứ không mang mang”.

Và đọc những câu tâm sự của cụ Đào, lòng ai khỏi bồi hồi áo não. Cổ nhân nói “Văn chương chi sự, thốn tâm thiên cổ”. Thật là trầm thống thiết tha! Và những bổn tuồng của cụ Đào cũng như tập Đoạn Trường Tân Thanh của cụ Tố Như đã chứng minh cho lời nói thống thiết ấy.
Những bổn tuồng của cụ Đào còn phản ảnh những trạng thái xã hội từ thời Tự Đức đến thời Thành Thái. Ví dụ những cảnh tượng, những nhân vật trong tuồng Hộ Sanh Đàn là hình ảnh xã hội, là bóng dáng những người có tên tuổi dưới triều Đồng Khánh Thành Thái. Tình trạng xã hội Việt Nam buổi ấy có khác chi tình trạng xã hội Trung Hoa thời Võ Hậu cướp ngôi nhà Đường. Bọn Võ Hậu, Võ Tam Tư trong tuồng tượng trưng bọn thực dân cướp nước. Tiết Nghĩa đại biểu cho đám nịnh thần vong ân bội nghĩa. Tiết Cương, Loan Anh…, tiêu biểu cho những bậc trung can nghĩa khí chống lại đám cầm quyền bất lương… vân vân…
Đó là một điểm mà bấy lâu các bạn thích xem tuồng hát ít lưu ý.

Mục đích của Vườn Hoa Thơ chỉ nhằm vào việc giới thiệu những áng văn chương có giá trị của người xưa mà lâu nay các nhà viết văn học sử bỏ quên, cùng những giai tác của các bạn bốn phương gởi đến tặng, chớ không chú trọng việc nghiên cứu tác phẩm hay phê bình văn học. Cho nên về tuồng hát cụ Đào, nói qua bấy nhiêu tưởng cũng đã vừa phải.

Bây giờ lão xin nói về thơ của cụ:
Cũng như cụ Nguyễn Du, cụ Đào Tấn dồn văn tài vào thơ lục bát, song thất lục bát và thơ chữ Hán. Cho nên Quốc âm về Đường luật, lão chỉ nghe truyền có một bài:

THUẬT HOÀI
Năm mươi bốn tuổi biết chi chưa
Ngắm nghía mày râu cũng đã vừa
Chén rượu nhớ hoài người lớp trước
Cung đàn quên phứt chuyện ngày xưa.
Mẹ già tám kỷ trông hôm sớm
Vua trẻ nhiều phen gội móc mưa.
Ngoảnh lại vườn đông muôn dặm cách
Cội tùng khóm cúc hãy còn lưa.

Văn chương tao nhã.
Thơ chữ Hán của cụ cũng rất mực tài tình. Xin trích một bài trong Mộng Mai Ngâm Thảo, mà nhiều người thuộc. Bài cụ đề nơi vách chùa Linh Phong:

Bách bát chung thinh khước thọ điên
Ngẫu tùy ngâm tiết khấu đàn duyên
Thập niên hồ hải qui lai mộng
Nhất kỉnh yên hà tự tại thiên
Giai sỹ từ bi ninh thị phật
Sơn ông danh tự bán nghi tiên
Thanh tuyền tế ẩm tri chân vị
Bất phụ nhân gian phất diễm truyền.

Tạm dịch:
Cành xanh trăm tám tiếng chuông rơi
Hứng đến thiền môn bước thảnh thơi
Một bức yên hà trời tự tại
Mười năm hồ hải mộng qui lai.
Am mây Ông Núi chừng tiên đấy
Lượng bể người thơ đích Phật rồi
Ngụm nước thanh tuyền chơn vị tỏ
Tiếng thơm khôn phụ lẫy lừng nơi.

Bài này truyền là cụ làm lúc lên lánh nạn tại chùa ông Núi (Linh Phong tự). Nhưng xét từ ý, lão ngờ rằng cụ làm trong lúc đã về hưu.
Bởi vì sau bao nhiêu năm ra làm quan cùng vua Đồng Khánh, Thành Thái, chánh tích tốt đẹp của cụ đã làm cho các sỹ phu trong nước trước kia chê trách cụ, thấy rõ tâm thuật của cụ mà trở thành bạn xướng thù, như cụ Vân Sơn Nguyễn Trọng Trì là một. Uy danh của cụ chẳng những được khôi phục mà còn gia tăng. Cho nên lòng cụ không còn những nỗi thương đau của ngày trước, đã trở nên thanh thản bình an.
Bài ĐỀ LINH PHONG TỰ phản ảnh tâm trạng thanh bình của cụ, lúc về sống cùng khóm cúc cụm tùng.
Cụ về hưu được ba năm thì thất lộc. Thọ 63 tuổi.
Cụ đã sửa soạn cuộc vĩnh du từ lúc mới về vườn. Cụ là người thanh nhã cao đạm nên lấy tiểu hiệu là MAI TĂNG và lấy hòn Mai Sơn ở thôn Huỳnh Mai, xã Phước Thuận, làm nơi an nghỉ cuối cùng.
Khi tìm được nơi an nghỉ cuối cùng vừa ý, cụ khẩu chiếm một tuyệt:
Nhàn hướng Mai Sơn bốc thộ vôn (viên)
Thạch đầu cao cứ tiếu vô ngôn.
Mai Tăng tha nhật tàng mai cốt
Ứng hữu mai ba tác mộng hồn.

Tạm dịch:
Non Mai vườn thọ tìm xong
Mai Tăng tựa đá ung dung mỉm cười.
Nay mai vùi nắm xương mai
Hồn mai chung giấc mộng dài nở hương.

Phần mộ của cụ hiện nằm trong rừng mai nơi Mai Sơn. Mỗi bận xuân về hoa mai nở đầy rừng, hồn cụ cùng hồn mai thấp thoáng trong “ám hương phù đỗng nguyệt hoàng hôn” hoặc quanh quấn trong màu mây khói tỏ mờ theo tiếng hát du dương:
Gió hương thổi lọt hoàng bào
Kiều mai tuyết điểm động đào mây giăng.



[1] Xem toàn khúc hát ở trước, trong đoạn nói về cụ tú Nhơn Ân Nguyễn Diêu.
[2] Đái lệ: như sông giải non mài nói ở trên.
[3] Lên ẩn nơi chùa Linh Phong, nhân thấy bổn tuồng Tam Nữ Đồ Vương, cụ đọc để mua vui. Nhân thấy có đoạn hợp tình hợp cảnh của mình, cụ mới sửa lại để mượn văn chương gởi gắm chút lòng. Những bổn tuồng khác, cụ sửa cũng nhắm mục đích ký thác, còn bảo là “thêm thịt vào bữa cơm rau” là nói chơi vậy thôi.
[4] Câu này là câu tôi được nghe. Trong các bổn tuồng phổ biến trong ca trường nhiều bản chép là:
          Mơ màng nước biếc non xanh
Thương tang phút đổi ân tình khôn phai.