Hương Vườn Cũ 36.M



Ở Bình Định, những danh nhân có văn chương lưu thế, hầu hết đều sống từ đời Minh Mạng trở về sau. Những tác phẩm của các bậc tiền bối từ đời Gia Long trở về trước, tôi chưa tìm thấy tác phẩm nào khác ngoài một số thi ca văn tế của:
- Đào Duy Từ.
- Đặng Đức Siêu.

ĐÀO DUY TỪ, người huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Thông suốt kinh sử, tinh tường thiên văn, thuật số từ lúc thiếu thời. Đi thi hương đời Lê Trung hưng, bị quan Chủ khảo xét là con nhà ca xướng, đuổi không cho thi. Cụ bèn bỏ vào Bình Định. Thân nghèo cảnh lạ, xin ở giữ trâu nhà cự phú làng Tài Lương, huyện Bồng Sơn (tức Hoài Nhơn hiện thời), là Lê Phú. Được ít lâu Lê Phú nhận biết là người có tài lớn chí lớn, mới giới thiệu cùng người đồng hương là Trần Đức Hòa làm Khám Lý phủ Qui Nhơn (tức Bình Định hiện thời). Trần Khám Lý liền đón về nhà, gả con gái cho, rồi tiến cử lên Chúa Sãi là Nguyễn Phúc Nguyên.
Chúa Nguyễn cho vời cụ đến. Cụ đến cửa dinh, tháy Chúa Sãi mặc thường phục đứng nơi dịch môn, liền lùi bước trở ra. Chúa hội ý, vào mặc triều phục chỉnh tề, rồi vời cụ vào điện kiến. Cụ đem kế hoạch chống giữ và mở mang miền Nam ra trình bày. Chúa Sãi xứng ý, phong làm chức Nha Úy nội tán, kiêm quản việc quân cơ. Cụ lo xây đắp lũy Trường Dục ở Phong Lộc và lũy Thầy ở Nhật Lệ, làm bảo chướng cõi phương Nam. Phụ chánh tám năm, lên đến chức Lộc Khê hầu, đứng đầu trong hàng khai quốc công thần đời nhà Nguyễn.
Danh lưu thiên cổ. Ngoài sử sách dành cho hàng học vấn, người bình dân đi ngang qua Phong Lộc, Nhật Lệ lúc nào cũng văng vẳng bên tai những câu ca dao nhắc đến công đắp lũy ngăn giặc của cụ:

- Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa độ
Nhớ em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang.

- Phá Tam Giang ngày rày đã cạn,
Truông nhà Hồ nội tán cấm ngăn
Dân lành vui thú làm ăn
Sông Đồng câu nguyệt nội Sằn cày mây.

- Khôn ngoan qua cửa sông La
Dù ai có cánh khó qua lũy Thầy.

Lúc cụ còn thác thân nhà Lê Phú, cụ có soạn khúc ngâm bằng quốc văn nhan là Ngọa Long Cương tự sánh  mình với Gia Cát Lượng, và khi ra giúp chúa Nguyễn có soạn tập Hổ Trướng Khu Cơ. Khúc Ngọa Long Cương thời Tiền Chiến đã có nhiều sách báo lục đăng. Tập Hổ Trướng Khu Cơ nghe nói có nơi Thư Viện Bải Đại thời Pháp thuộc, hiện nay không biết có còn chăng?

Theo các bậc tiền bối tỉnh Bình Định thì Hát Bội do cụ Đào Duy Từ sáng chế, các tài tử đời sau cải tiến lần lần, đến cụ Đào Tấn thì nghệ thuật cũng như văn chương lên đến tột đỉnh. Vì vậy bạn hát bội thờ cụ Đào Duy Từ làm tiền hiền và cụ Đào Tấn làm hậu hiền.

Nói đến cụ Đào Duy Từ và cụ Đào Tấn, tôi chợt nhớ một câu chuyện rất nên thơ:
Một người Bình Định họ Đào đến hỏi cụ Đào Tấn không biết cụ Đào Duy Từ có phải là vị sơ tổ họ Đào Bình Định chăng? Trước khi trả lời, cụ xin kể chuyện Địch Thanh đời Tống rằng:
Địch Thanh sau khi bình Tây Nhung về được phong vương tước. Có người đem một bức cổ họa đến dâng và bẩm:
- Đây là di tượng của ngài Địch Nhân Kiệt, gia đình tôi truyền cho nhau đã ba đời nay. Tuy rằng gia bảo, song tôi tự nghĩ vị trung thần đời Đường chắc là tiền nhân của vị trung thần đời Tống là Ngài. Nên tôi xin đem đến dâng Ngài để làm kỷ niệm.
Địch Thanh đứng dậy tạ từ:
- Nhận một vật gia bảo truyền thế của người, tôi thật không dám nhận. Còn bảo rằng tôi là miêu duệ của ngài Địch Nhân Kiệt thì tôi rất ngại. Bởi ngài là một bậc trung thần danh lưu thiên cổ, tài đức kim toàn. Còn tôi nhờ đức quân vương mà làm nên được đôi chút danh phận. Nếu quả tôi là cháu chắc của Ngài, hẳn Ngài buồn cho hậu duệ mình lắm lắm. Cho nên tôi cũng không dám nhận là hậu duệ của Ngài.

Cụ Đào kể chuyện xong nói tiếp:
- Nghĩ tôi với ông đều họ Đào mà không biết có bà con với nhau chăng, huống hồ từ ngài Lộc Khê hầu đến chúng ta đã gần ba trăm năm, thì làm sao biết được có phải hay không phải sơ tổ của họ Đào. Thêm nữa, nếu Ngài quả là sơ tổ của họ Đào mà người họ Đào hiện nay không làm nên được công nghiệp gì thì chỉ thêm làm cho Ngài xấu hổ, như lời Địch Thanh đã nói. Bằng Ngài không phải sơ tổ họ Đào, mà họ Đào lo tu thân lập công, thì Ngài cũng vui mừng rằng người Bình Định nói riêng, người Việt Nam nói chung, không đến nỗi tệ.
Thật là một bài điệp khúc không cần vần điệu mà ý vị như một bài thi ca.

Cụ Đào Duy Từ tuy là người Thanh Hóa, nhưng con cháu đều lử Bình Định. Hiện nay còn từ đường tại Tài Lương. Đại Nam Nhất Thống Chí chép cụ vào hàng danh nhân Bình Định. Và từ trước đến giờ người Bình Định kính trọng và yêu quí cụ như các nhân vật tiền bối của địa phương.

 ***

ĐẶNG ĐỨC SIÊU, người làng Phụng Cang, huyện Bồng Sơn (Hoài Nhơn), đậu Hương Tiến đời Lê Trung Hưng. Không phục nhà Tây Sơn, vào Gia Định giúp Nguyễn Ánh, được trao chức Trung dinh Tham mưu, lập được nhiều công lớn. Khi vua Gia Long lên ngôi cửu ngũ thì nghi văn chế tác đều do tay cụ thảo ra. Làm quan đến Lễ Bộ Thượng Thư. Khi mất được tặng chức Tham Chính. Đến triều Minh Mạng được truy thăng Thiếu sư Hiệp biện Đại học sỹ. Qua triều Tự Đức được liệt tự vào miếu Trung Hưng Công Thần.
Đại Nam Nhất Thống Chí chép: “Đức hạnh tiết tháo của Đặng công đáng làm nhân vật đệ nhất của triều Nguyễn.
Còn người Bình Định thì riêng nhớ việc đặt tên cho Tỉnh và ơn xây móng cho nền quốc văn đất Đồ Bàn.
Nguyên năm Nhâm Tuất (1802) Nguyễn Vương lấy được thành Qui Nhơn, theo lời tấu của cụ, cải ên Qui Nhơn là tên có từ đời Lê (Qui Nhơn phủ) ra Bình Định (Bình Định trấn).
Tên tỉnh mà. được người trong tỉnh lựa chọn thì thật là một vinh dự, một thích thú, đối với những người nặng tánh địa phương, như phần đông người Bình Định.
Cụ Đặng Đức Siêu nổi tiếng tài cao học rộng. Nhưng tác phẩm bằng Hán văn ở Bình Định không được phổ biến, tôi chỉ nghe truyền những giai tác bằng Quốc âm:
- Hồi loan cửu khúc ca.
- Những bài văn tế.
- Một ít thơ Đường luật.
Hồi Loan Cửu Khúc Ca, tôi mới nghe tên.
Những bài văn tế, các sách báo đã chép, ở nhà trường đã dùng trong việc giảng văn.
Ở đây tôi chỉ xin nói về thơ.
Được nhắc đến nhiều nhất là bài ĐÊM TRỪ TỊCH bị khuyết cặp luận:

Tháng lụn năm cùng sự chẳng cùng
Nửa đêm xuân lại nửa đêm đông
Chi lan tiệc cũ hương man mác
Đào lý vườn xưa tuyết lạnh lùng
……………………………

Gà kêu pháo nổ năm canh trót
Mừng cội mai già gặp chúa Đông.

Người đầu tiên lục đăng bài này lên sách báo là Chương Dân tiên sinh. Trước đăng ở Nam Phong tạp chí (1918) sau in vào tập Chương Dân Thi Thoại (1936). Bốn mươi năm sau khi bài Trừ Tịch có mặt trong làng thơ thì Đông Hồ Đại ẩn ra công “vá xong chỗ áo khuyết của nàng thơ họ Đặng”:
            Đất có bâng khuâng chờ hội ngộ
            Trời như thao thức đợi tao phùng. [1]

Rằng khéo thì thực là khéo. Nhưng hàng xưa và nay, màu mới và cũ, ngắm gần hay nhìn xa đều trông thấy rõ rệt.
Những vật cổ giữ gìn làm kỷ niệm, tưởng cứ sao để vậy thì hơn.
Các ngôi tháp Chiêm Thành đứng sừng sững trên đầu non, những tượng Chàm sứt tay gãy chân trong các tàng cổ viện, được các nhà mỹ thuật, các nhà khảo cổ, các nhà du lịch có óc thẩm mỹ yêu chuộng, là nhờ không bị những vật liệu kim thời lẫn vào.

Ai đã đến Nha Trang viếng tháp Thiên Y A Na được tu bổ, ai đã ra Huế thăm chùa Thiên Mụ được trùng tu, thì thấy rõ kỹ thuật của người nay và kỹ thuật của người xưa khác nhau xa lắm. Người đời nay dù tài ba đến đâu cũng không sao bắt chước y ái người xưa được.
Tôi còn nhớ thời Tiền Chiến, có một chuyên viên ở trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội vào coi sửa tháp Thiên Y A Na. Viên ấy nhất định không dùng gạch mới và ximăng. Những đống gạch cổ nằm ngổn ngang ở trong vườn tháp cũng được chọn lựa cẩn thận, bởi những ngọn tháp nơi đây xây cất ngọn này trước ngọn kia đến hàng thế kỷ, gạch xây tháp mỗi thời mỗi khác không thể dùng một cách xô bồ. Do đó có nhiều chỗ hư mà không tìm ra gạch thích hợp, họ cứ để y nguyên như cũ.

Nhân chuyện “vá áo nàng thơ” tôi kể lại chuyện vá tháp, không có ý gì khác hơn là để mua vui cùng bạn đọc.
Ngày xưa cổ nhân làm thơ Quốc âm chỉ để mua vui, nên ít khi chép lại. Vì vậy những bài còn lưu thế, bài thì bị thiếu hụt, như bài Trừ Tịch, bài thì lộn tên tác giả như bài GÀNH MÓM và bài TRÂU GIÀ sau đây:
Bài GÀNH MÓM, trong tập Thi Sỹ Trung Nam của Vũ Ngọc Phan thấy ghi là của cụ Hoàng Mẫn Đạt, và chép:

Tượng mãng non xanh tác chẳng già
Cớ chi Gành Móm lại dô ra?
Rêu xanh lốm đốm râu Bành Tổ,
Đá mọc gio gie mép Tử Nha.
Súc miệng trêu trao con sóng lượn,
Khăn lau tích toát thức mây qua.
Xuân thu hỏi độ bao nhiêu tuổi?
Rằng thuở khai thiên đã có ta.

Bài TRÂU GIÀ trong Văn Đàn Bảo Giám, Trần Trung Viên ghi là của cụ Nguyễn Khuyến, và chép:

Một nắm xương khô một nắm da
Bao nhiêu cái ách đã từng qua
Đuôi kia biếng vẫy Điền Đơn hỏa
Tai nọ buồn nghe Nịnh tử ca
Sớm thả đồng đào ăn đủng đỉnh
Tối về chuồng quế thơ nghi nga
Có người đem dắt tô chuông mới
Ơn đức vua Tề lại được tha.

Trong tạp chí Việt Dân thời Tiền Chiến lại thấy đăng là của cụ Huỳnh Mẫn Đạt, và câu luận cùng câu kết có đôi chữ khác bài trong Văn Đàn Bảo Giám:

Sớm dạo nguồn đào nhơi hủng hỉnh
Tối về tử lý thở hê ha
Bôi chuông nhớ thuở qua đường hạ
Ơn đội Tề vương bắt lại tha.

Ở Bình Định lại truyền GÀNH MÓM và TRÂU GIÀ là của cụ Đặng Đức Siêu. Tôi đã thuộc lòng cả hai bài từ lúc còn “Nhơn chi sơ, tánh bổn thiện”. Hai bài tôi thuộc lại có lắm chữ khác những bài đăng trên sách báo:

GÀNH MÓM
Tứng mắn non xanh tác chẳng già
Cớ chi Gành Móm lại dô ra?
Rong rêu quộp quạp râu Bành Tổ, [2]
Đá gộp do de mép Tử Nha. [3]
Nước súc phều phào cơn sóng vỗ
Khăn lau quọc quạch đám mây qua.
Có ai hỏi lão xuân thu mấy?
Rằng thuở khai thiên đã có ta.

TRÂU GIÀ
Một nắm xương tàn một nắm da
Bao nhiêu cái ách cổ từng qua
Đuôi cùn biếng vẫy Điền Đan hỏa [4]
Tai nặng buồn nghe Nịnh Thích ca [5]
Nương bóng rừng đào nhơi lễ lảo
Nhìn gương cung quế thở phì phà
Bôi chuông nhớ thuở thân gần lụy
Ơn đội Tề vương chết được tha. [6]

Hai bài thơ tôi chép đó văn chương già dặn hơn các bài sách báo chép. Tôi tin rằng tôi chép đúng nguyên văn. Bởi những tay bút như quí cụ Đặng Đức Siêu, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Khuyến là những đại gia văn chương, không bao giờ làm những câu non nớt như một số câu các sách báo đã chép trong hai bài, nhất là trong bài Trâu Già.
Những chữ “Đồng Đào, Nguồn Đào, Chuồng Quế, Tử lý không “bà con” gần xa chi đến giống “không biết nghe đàn” cả. Nếu bảo rằng đó là những mỹ từ dùng để trang điểm câu thơ, thì tác giả phạm vào lỗi “dụng ý thái quá” trong “tứ bất nhập cách” của thi pháp cổ điển rồi. Quí cụ ngày xưa, thi pháp tinh luyện, đời nào phạm cấm trong lúc hành văn, dù là văn chơi.
Câu “Nương bóng rừng đào… Nhìn gương cung quế…” dụng điển:
- Rừng đào lấy điển vua Châu Võ Vương sau khi diệt Trụ xong, phóng trâu vào Đào lâm, thả ngựa lên Thái Hoa, để tỏ cùng dân chúng rằng trong nước từ đây sẽ luôn luôn thái bình nên trâu ngựa dùng trong việc binh không cần đến nữa.
- Gương cung quế tức mặt trăng, mượn ý trong câu “Ngô Ngưu suyền nguyệt” nói chuyện con trâu nước Ngô cả ngày cày mệt mỏi, tối về chuồng vừa nằm nghỉ chợt thấy trăng mọc ngỡ trời sáng, nghĩ đến thân phận mà thở dài.
Câu thơ, văn luyện điển sát như thế mới xứng là của các ngọn bút sành sỏi lọc lõi của quí cụ Đặng hay Huỳnh hay Nguyễn mà không còn ai lạ gì thi tài.
Hai bài Gành Móm và Trâu Già, cung cách và từ điều giống hệt nhau. Rõ là bút pháp của một người. Văn chương lão luyện, song giọng văn có phần nặng và mang nhiều tánh chất của người Nam Việt và miền Nam Trung Việt, khác với giọng lưu loát của người miền Bắc, nhất là giọng tự nhiên thanh thoát của cụ Nguyễn Khuyến mà những bài Thu Vịnh, Thu Điếu, Thu Ẩm là tượng trưng.
Cho nên có thể quả quyết rằng tác giả hai bài này, một là cụ Huỳnh Mẫn Đạt, hai là cụ Đặng Đức Siêu, chỉ một trong hai cụ mà thôi.
Tôi dám tin chắc tác giả là cụ Đặng.
Bởi vì ngoài những tiếng thổ âm dùng trong hai bài như “Từng mắn tức là từng nghe nói, quộp quạp, quọc quạch, lễu lảo, phì phà…” là những tiếng rất thông dụng ở Bình Định, thông dụng hơn ở trong Nam. Tôi lại được các bậc tiền bối cho biết rằng cụ Đặng có ký thác tâm sự trong văn chương:
- Câu kết Gành Móm, cụ Đặng muốn nói rằng mình là bậc khai quốc công thần của nhà Nguyễn.
- Bài Trâu Già tượng trưng cho cảnh an nhàn của tuổi già sau bao nhiêu năm nhọc nhằn cùng phận vụ. Câu kết tác giả nhắc đến một việc xuýt bị nguy trong đời làm quan của mình:
nguyên sau khi vua Gia Long nhất thống thiên hạ, công thần chia làm hai phe có thế lực: Phe ông Nguyễn Văn Thành và phe ông Lê Văn Duyệt. Cụ Đặng Đức Siêu không đứng vào phe nào, nghĩa là cụ trung lập chịu lưỡng đầu thọ địch. Một lần vì rủi sơ xuất điều gì đó, bị đối phương đàn hoạch. May cụ được vua Gia Long thương, nên khỏi bị nạn “lấy máu bôi chuông”. [7]
Có lần tôi đem những điều trên đây ra nói chuyện cùng một ông bạn văn chương. Ông bạn mắng:
- Óc địa phương anh nặng quá!
Ông bạn mắng thế là vì cụ Đặng Đức Siêu là người Bình Định mà tôi cũng người Bình Định. Tôi cười:
- Đưa những điều kia ra là mong sao, sau khi các nhà khảo cứu xét kỹ, những gì của Chúa trả về Chúa, những gì của César trả lại cho César đó thôi. Chớ còn hai bài Gành Móm, Trâu Già là những giai phẩm thuộc loại “điêu trùng tiểu kỷ” chớ đâu phải là những khúc “Bạch Tuyết Dương Xuân” mà tôi phải giành cho tỉnh Bình Định thân yêu của tôi. Còn đối với cụ Đặng Đức Siêu thì có hai bài này danh giá của cụ không tăng, mà không có hai bài này danh giá cụ cũng không sút giảm. Bởi trong giới văn học nhắc nhở đến cụ là do những bài văn tế kiệt tác còn chép nơi sử xanh, chớ đâu phải do những vần thơ “tam sao thất bổn”.

Và những bài văn tế của cụ Đặng, các sách báo đã lục đăng, những người ưa thích văn biền ngẫu không mấy ai không thuộc, ít ra cũng thuộc vài ba câu tuyệt bút:

Sửa mũ áo lạy về Bắc khuyết, ngọn lửa hồng mát mẻ tấm trung can;
Chỉ non sông giã với cô thành, chén thuốc độc ngọt ngon mùi chính khí [8]
……………………………
Tiếng hiệu lệnh mơ màng trước gió, ân tín xưa, người bộ khúc thương tâm;
Bóng tinh trung thấp thoáng dưới đèn, phong nghi cũ, kẻ liêu bằng sái lệ
……………………………
Hai chữ cương thường nghĩa nặng, rỡ khổn hoa cũng thỏa chốn u minh;
Nghìn thu Hà Nhạc khí thiêng, sắp mao Việt để mở nền thịnh trị.
                                                                                    (Tế Võ Tánh, Ngô Tùng Chu)
Cho nên tôi khỏi phải dài dòng khen Phò mã tốt áo, nói theo giọng kẻ giữ vườn là khỏi dư công ngắt hoa dắt lên mái tóc giai nhân cài trâm ngọc.

 ****

Xem qua một ít di sản tinh thần thượng dẫn, chúng ta thấy rõ tính chất bi hùng và chất phác trong thi ca Bình Định, như trên kia đã nói. Bên cạnh lại còn một điểm nữa cũng không kém quan trọng: trào lộng, châm biếm.
Bi hùng thì nổi bật là thơ Mai Xuân Thưởng, tuồng Nguyễn Diêu, Đào Tấn, văn tế Đặng Đức Siêu…
Chất phác thì tìm thấy hầu hết trong các tác phẩm, hoặc ít hoặc nhiều, chớ không có tác phẩm nào hoàn toàn tinh công nhã trí.
Trào lộng châm biếm thì Nguyễn Đôn Phục, Huỳnh Bá Văn… xuất sắc nhất. Nhưng trong các nhà khác thì mười nhà cũng có đến sáu bảy nhà luôn luôn sẵn sàng đôi câu mỉa mai cười cợt ở trên môi.
Về điểm này tôi chợt nhớ một câu chuyện đã xảy ra tại Quảng Ngãi:
Ông Đào Nhữ Tuyên, con thứ cụ Đào Tấn, là một tay phong lưu tài tử. Hát bội hay, điệu hát rành. Đậu cử nhân, được bổ làm tri huyện Mộ Đức. Vừa nhậm chức hôm trước thì sáng hôm sau đã thấy hai bên trụ cổng huyện bốn chữ “Hát Hay, Học Dốt” viết cân đối nhau. Lính vào bẩm. Ông Đào mỉm cười, rồi sai lấy bút mực ra viết thêm mỗi bên trụ năm chữ nữa thành hai vế đối vừa hợp cảnh vừa hợp tình:
            Hát hay rõ kép Qui Nhơn thật,
            Học dốt làm quan Quảng Ngãi chơi.

Câu chuyện na ná với chuyện Án Bình Trọng, quan Đại phu nước Tề sang sứ nước Sở. Bình Trọng thân vóc nhỏ bé nhưng tài trí xuất quần. Vua Sở trông thấy liền hỏi:
- Quái lạ! Người nước Tề không có ai hay sao mà lại sai đứa bé này đi sứ?
Bình Trọng đáp:
- Nước tôi có lệ: Người hiền sang nước hiền, người ngu sang nước ngu, người bé sang nước bé. Tôi thân phận hèn mọn nên được phụng mệnh sang quí quốc.
Chợt có ba bốn người vũ sỹ giải một tù nhân đi ngang qua đền vua. Sở Vương hỏi:
- Tù nhân người nước nào? Phạm tội gì?
Vũ sỹ tâu:
- Người nước Tề, can vụ trộm.
Sở Vương mỉm cười hỏi Bình Trọng:
- Dễ thường người nước Tề hay ăn trộm lắm sao?
Bình Trọng đáp:
- Tôi trộm nghe nói quýt ở xứ Giang Nam đem trồng sang xứ Giang Bắc thì dù ngọt mấy cũng hóa chua. Đó là tại phong thổ không giống nhau. Nay người nước Tề, khi ở Tề không ăn trộm, mà lúc đến ngụ nước Sở lại ăn trộm, đó cũng tại phong thổ cả.
Sở Vương hối hận, than:
- Ta tìm cách để làm nhục người, chẳng ngờ lại bị người làm nhục!
Châm biếm, trào lông là bản chất của người Bình Định. Truyền rằng chính nhà Tây Sơn đã dùng những chuyện đùa cợt, những chuyện tiếu lâm trong ba quân để làm cho binh sỹ vui thích quên nỗi nhớ vợ nhớ con trong lúc ngồi rảnh. Tôi lại nhận thấy, tuy rằng bản tánh ưa phúng thứ, người Bình Định thường dùng lối trào lộng hơn châm biếm, và chỉ dùng lối châm biếm để tự vệ khi bị người khác tấn công.
Trường hợp ông Đào Nhữ Tuyên, ông Nguyễn Xuân Kiều… là những bằng chứng.
Mà trào lộng châm biếm, bi hùng, chất phác…, không phải riêng người Bình Định mới có. Đó là dân tộc tánh. Nhưng người Bình Định mang nặng hơn và để lộ ra ngoài rõ rệt hơn người các tỉnh khác đó thôi.
Duyên cớ bởi vì đâu?
Do khí thiêng của sông núi một phần. Một phần nữa do hoàn cảnh xã hội:
- Người Bình Định từ thời Pháp thuộc trở về trước, phần đông ít khi ra khỏi tỉnh. Những người đã từng sống trong nơi đô hội phồn hoa, như cụ Đặng Đức Siêu, cụ Đào Tấn… thì văn chương không còn quê thật như hầu hết các danh nhân chưa từng đi xa.
- Sự thất bại của nhà Tây Sơn, của các sỹ ohu Cần Vương gieo vào tâm hồn người Bình Định một niềm uất hận buồn thương, đồng thời âm thầm un đúc tánh bất khuất chí quật cường để chờ cơ thuận tiện…
- Từ ngày Nguyễn Quang Toản sợ người Bình Định cầm quyền cai trị ở Bình Định sẽ bất lợi cho ngôi báu củ mình, đưa người Thừa Thiên vào thay thế, thì người Bình Định luôn luôn bị đè nén bị kỳ thị. Chưa có thể đứng lên giành lại quyền sống hiên ngang như ngày trước, người Bình Định phải dùng, hoặc tiền của để che thân, hoặc tài châm biếm trào lộng làm lợi khí cự địch.
Đại khái là thế.
Và nền thi ca Bình Định, tôi nhận thấy khá đồ sộ. Nếu các nhà khảo cổ ra công khai thác thì nhất định sẽ thu được kết quả dồi dào.


[1] Xem Úc Viên Thi Thoại của Đông Hồ.
[2] Bành Tổ sống 800 trăm năm.
[3] Khương Tử Nha đến 70 tuổi mới lập nên công danh. Mượn hai ông già xưa để thích chữ móm.
[4] Điền Đan hỏa: Lửa Điền Đan - Điền Đan người đời Đông châu, làm tướng nước Yên. Quân Tề đánh Yên, vây thành quá ngặt. Điền Đan bèn lập trận hỏa ngưu, bó củi khô sau đuôi trâu, cột gươm trước sừng trâu, rồi mở thành, đốt củi. Lửa cháy bừng bừng, râu vừa sợ vừa giận chạy vụt sang phía quân Tề, vừa chém vừa đâm. Quân Tề không chống nổi, vỡ chạy.
[5] Nịnh Thích ca: Tiếng ca của Nịnh Thích - Nịnh Thích cũng là một danh tướng thời Đông Châu. Lúc còn hàn vi, đi chăn trâu, thường gõ sừng hát “Nam sơn xán, bạch thạch lạn…” để tỏ chí khí của mình.
[6] Ơn đội Tề Vương: Sách Mạnh Tử: Có người dắt trâu đi ngang qua điện vua Tề. Vua thấy trâu vừa đi vừa run, mới hỏi. Người dắt trâu tâu rằng dắt đem làm thịt lấy máu bôi chuông mới đúc. Vua động lòng thương bảo tha trâu và bắt dê thay thế.
[7] Chuyện này nghe truyền chớ trong sử không thấy chép. Nhưng có thể tin lắm, vì thời bấy giờ nạn giết công thần đương hoành hành. Ông Nguyễn Văn Thành công lớn gấp trăm công cụ Đặng mà chỉ vì một bài thơ của con rể còn bị tru di thay huống chi một văn thần chỉ có tài bút mặc. Và trong cảnh làm quan làm sao tránh khỏi sơ xuất, méo hay tròn, nặng hay nhẹ chỉ do chỗ ghét thương.
[8] Câu này trong các sách chép là:
“Sửa mũ áo… ngọn quang minh un mát tấm trung can;”
“Chỉ nước non… chén tân khổ nhắp ngon mùi chính khí.”
Nhưng tại miếu Song Trung thờ Võ Thánh Ngô Tùng Châu, nơi cột chính điện thấy khắc là:
“…ngọn lửa hồng mát mẻ tấm trung can;”
“…chén thuốc độc ngọt ngon mùi chính khí.”
Theo thiển kiến, câu khắc nơi cột văn chương tự nhiên và êm ái hơn câu in trong các sách.