Hương Vườn Cũ 13.



Thơ Vịnh Cổ mà nhất nhất dẫn sự tích trong sử, nhất nhất theo lời khen chê của người trước, không có gì mới, không có nghĩa gì mới, thì chẳng khác bà lão kể chuyện đời xưa, ông lý tường việc làng, lời thơ dẫu trơn ngọt đến đâu cũng không gây được hứng thú.
Như VỊNH HÁN CAO TỔ, người đời Thịnh Lê có bài:

Một mình khi ẩn núi Mang Đường [1]
Năm thức mây che điềm đế vương [2]
Cuồn cuộn rồng bay ngàn Bái ấp [3]
Đùng đùng hươu chạy bãi Hàm Dương [4]
Cất quân nhân nghĩa yêu đòi chốn [5]
Lấy đức khoan hòa trị bốn phương [6]
Chói chói gây nên công nghiệp Hán
Vì hay thu đãi kẻ hiền lương.

Bài thơ, lời trang nhã, ý xác thực, khai thừa chuyển hiệp phân minh, và tự sự, phê bình hợp cách. Thật đúng phép vịnh sử. Song không thấy dư vị khi đọc xong.
Đó là do không quét được lớp bụi cũ để đưa ý mới vào thơ. Thấy cái cũ trong sử đã nhàm rồi, mà còn thấy nữa trong thơ thì làm sao khoái mục nổi.
Sao bằng được bài của người thời Lê mạt:

Vế tả bảy mươi hai nút ruồi
Gươm thiêng ba thước tuốt cầm chuôi [7]
Trông sang Hàm Cốc hươu co cổ [8]
Ngoảnh lại Ô Giang khỉ cúp đuôi [9]
Bái tướng không hề anh nhủi háng [10]
Phong hầu còn nhớ chị cào môi [11]
Bốn trăm Hán nghiệp sao dài bấy?
Quá Lỗ vì chưng chén bãi buôi. [12]

Thơ vịnh cổ dù chê dù khen, lời văn thường trang nghiêm. Ở đây câu nào cũng pha giọng hí hước.
Hán Cao là một ông vua rất có danh trong Bắc sử. Nghe đến tên, ai chẳng tưởng là người tướng mạo đường đường, uy phong lẫm lẫm. Thế mà có gì đâu! Chỉ khác người ở chỗ nhiều nút ruồi nơi vế tả, và hơn người do sẵn có ba thước gươm thiêng! Song thử xem ba thước gươm thiêng đó có làm cho con người nhiều nút ruồi thêm vẻ uy nghi? Không! Vì con người ấy tuốt gươm ra chỉ để mà cầm nơi chuôi! Cầm nơi chuôi như mọi kẻ khác chớ không có chi lạ!
Tướng mạo tầm thường, khí phách tầm thường.

Còn đức nghiệp?
Dẹp nước Tần, thắng được Hạng, gồm thâu non sông Trung Quốc vào một tay. Công nghiệp xưa nay ít người sánh kịp. Lại không nệ chuyện luồn trôn của Hàn Tín mà trao tướng ấn cho, ấy là kiến thức rộng. Không thù bà chị dâu cào nồi lúc hàn vi vào xin ăn bữa cơm, mà phong hầu cho người con, người cháu, đó là độ lượng. Sử sách đều khen.
Tác giả cũng nêu những đức nghiệp kia ra. Song lại điểm những chữ “hươu co cổ, khỉ cúp đuôi, anh nhủi háng, chị cào môi” để giễu dợt những nhân vật quan trọng ở quanh mình Hán Cao, khiến người đọc cảm thấy những kẻ đó không có giá trị gì cao quí. Hán Cao nên danh nên phận là nhờ công người nhiều hơn công mình. Thế mà bọn người quanh Hán Cao không ra gì thì công đức của Hán Cao có ra sao!
Chê bằng cách khen! Thật mới mà cũng thật thâm!

Vô học như Hán Cao, không nhận thấy thâm ý của tác giả, chắc mừng rằng mình được người Việt Nam ca tụng!
Nhưng khi đọc đến câu:
Bốn trăm Hán nghiệp sao dài bấy?
hẳn là tỉnh ngộ. Vì nếu khen sao lại trở hỏi: “sao dài bấy?” và rồi tự trả lời: “Ấy là nhờ lễ thái lao tế đền đức Khổng Phu Tử”, nghĩa là nhờ Đạo Nho chớ không phải vì tài an bang tế thế của Hán Cao cùng các vua nối tiếp.
Mà tế đền đức Phu Tử để tỏ lòng sùng đạo nào phải do chỗ chí thành. Đó là một việc làm “chẳng dừng được”, và làm một cách bãi buôi cho có hình thức bên ngoài.

Sao biết được?
Vì khi nhà Hán đã thành lập, Đổng Trọng Thư đến khuyên Hán Cao nên dùng đạo Nho làm nền tảng cho việc trị quốc. Hán Cao đáp:
- Ta lấy được thiên hạ là nhờ thanh gươm cật ngựa chớ đâu phải nhờ ba quyển sách nát của nhà Nho.
Trọng Thư nói:
- Đúng vậy: muốn có thiên hạ thì vế không rời yên ngựa tay không rời chuôi kiếm. Song muốn giữ thiên hạ thì phải rời chúng ra.
Hán Cao không nghe. Ngót mấy năm trời dùng quân sự đánh đông dẹp tây mà trong nước vẫn không hết loạn. Sau mới theo lời Trọng Thư qua nước Lỗ làm lễ thái lao tế đền đức Phu Tử rồi xuống chiếu chấn hưng Khổng học. Đám sỹ phu cho rằng Hán Cao tuy không biết chữ mà biết trọng đạo Thánh hiền, bèn đua nhau ra phò tá. Từ ấy nước yên.
Chỉ có một chén bãi buôi mà đổi được bốn trăm năm Đế nghiệp! Bái Công thật là con buôn đại tài, tài hơn Lữ Bất Vi thập bội! Lữ Bất Vi buôn vua, Bái Công buôn thánh. Buôn vua chỉ lợi có một đời, buôn thánh lợi được nhiều đời!
Câu kết thật hàm súc, thâm thúy. Trực tiếp thì vừa khen vừa chê Hán Cao, gián tiếp thì nhắn thầm những người nhờ võ công mà nắm kỷ cương đất nước:
- Chỉ đem tấc lòng bãi buôi thi hành chánh đạo mà còn thu được nhiều kết quả như Bái Công, huống hồ trải trọn niềm chí thành ra phụng sự.
Bài thơ nói sát việc, dàn ý khéo. Từ đầu chí cuối đều nêu những ưu điểm của Hán Cao Tổ, những điểm đã được sử sách ca tụng. Đọc qua thì tưởng rằng nêu ra để khen. Nhưng nhìn kỹ vào những chữ hóm hỉnh, nhưng bông đùa thì nhận thấy rõ những ý mỉa mai chua chát ẩn hiện ở sau ngấn mực.

Bài Vịnh Hán Cao Tổ này, từ cách lập ý đến cách hành văn không giống một bài vịnh sử nào ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc mà tôi đã được đọc. Cho nên theo tôi thì là một bài vịnh sử độc tuyệt.
Vịnh Hán Cao, một thi nhân đời Thanh có câu:
Cáp tiếu thủ đề tam xích kiếm
Trảm xà dung dị cát kê nan

Nghĩa là:          Nực cười tay nắm gươm ba thước
                                                Chém rắn như chơi khó mổ gà!
Chuyện Lưu Bang chém rắn lúc dấy binh, chuyện Lữ Hậu can dự việc chánh mà sách gọi là “tẫn kê tư thần” tức gà mái gáy sáng, là chuyện cũ ai ai cũng biết. Thế mà đọc câu thơ, chúng ta thấy mới mẻ lạ thường! Đó là do chuyện cũ mà nghĩa mới, ý cũ mà tứ mới. Cho nên cổ nhân khen là “phiên trần xuất tân”, tức lật ngược cái cũ để lộ cái mới.
Nhưng lời thơ vẫn nghiêm chỉnh chớ không có giọng hí lộng như bài thơ Việt Nam.
Cho nên gọi bài Việt Nam là Độc Tuyệt, không phải quá đáng vậy.

***
Đọc Hán Cao Tổ chợt nhớ đến Tần Thủy Hoàng, vì một bên là nhân một bên là quả.
Tần Thủy Hoàng là một ông vua đã làm nhiều việc hy hữu làm giàu cho kho thi liệu Á Đông:
Đốt sách chôn học trò để trừ nạn trí thức;
Đắp thành dài muôn dặm để ngăn họa ngoại xâm;
Xây cung A Phòng để chứa người xinh, của báu;
Cho người lên núi tìm thuốc tiên để cho thân được trường sanh bất lão…
Suốt đời cằm cằm cụi cụi lo cho hạnh phúc bản thân, được trường cửu. Thế mà rồi thân cũng tàn dưới bóng cỏ Ly Sơn, ngôi cũng lọt vào tay viên trùm trưởng ấp Bái!

Vịnh Tần Thủy Hoàng, thi nhân đời Thanh có nhiều câu ý vị.
Châu Bài Sơn vịnh:
Thi thư hà khổ tao phần kiếp
Lưu Hạng đô phi thức tự nhân

Nghĩa là: Kiếp kinh Thi kinh Thư sao lại gặp cái nạn lửa đốt? Như vậy thật là oan, bởi vì họ Lưu họ Hạng là hai họ đứng lên diệt nhà Tần đều là những người không biết chữ.

Thôi Niêm Lăng vịnh:
Hạng Lưu sanh trưởng Trường thành lý
Uổng dụng dân cao trúc vạn lý.

Nghĩa là: Họ Hạng họ Lưu là kẻ sanh trưởng ở bên trong Vạn Lý Trường Thành. Cho nên dùng mỡ dân để đổ đầy muôn dặm hầu mong tránh nạn mất ngôi thì thật là uổng phí.

La Lưỡng Phong có câu:
Phần thư tảo chủng A Phòng hỏa
Thầu thiết hoàn lưu Bát Lãng chùy.

Nghĩa là: Đốt sách là sớm gieo giống lửa để đốt cung A Phong; thu hết đồ kim khí trong nước nhưng vẫn còn sót lại mũi chùy Bát Lãng. [13]

Châu Khâm Lai có câu:
Bồng lai mích đắc trường sinh dược
Nhãn kiến chư hầu tận nhập quan.

Nghĩa là: Nếu tìm được thuốc trường sanh nơi Bồng Lai, thì mắt đã trông thấy chư hầu léo nhau vào ải Hàm Cốc.
Phê phán như thế đều là mới mẻ và sắc bén.

Bên Quốc âm chưa tìm thấy thơ vịnh Tần Thủy Hoàng, mà mới thấy những câu dùng điển tích Tần Thủy Hoàng. Như trong bài KHÓC TRƯƠNG GIA MÔ của Phan Sào Nam, có câu:
Lánh Tần may có nguồn đào nữa
Tìm Tống e không mảnh đất nào.

Để ghẹo một anh chàng trông dáng nho nhã mà trong bụng không có một chữ cả Á lẫn Âu, người Bình Định có câu:
Kiếp xưa gặp phải đời Tần Thủy
Chung số nhà nho oan biết bao!

Trong Cung Oán Ngâm khúc của Ôn Như Hầu có câu:
Tiếc thay cái én ba nghìn
Một cây cù mộc biết chen cành nào.

Và sau đây là một đoạn nhỏ trong bài Tần Cung Nữ oán Bái Công:
Cung Thái Dịch lúc nỉ non tiếng dế, trướng xuân phong lạc bước quản huyền xưa;
Cửa Hàm quan khi chói lói ngọn cờ, mành tà nguyệt ấy mùi la ỷ cũ.
Quá ngán nhẽ! Bạch câu một nhoáng;
Nực cười thay! Thương cẩu trăm hình!
Con hươu bách nhị lạc loài đâu, hoa cỏ u ê vườn thượng uyển!
Cái én tam thiên ngơ ngẩn đấy, mây mưa bát ngát đỉnh Vu Phong…

Như vậy danh Tần Thủy Hoàng, kẻ mất ngôi, cũng như Hán Cao Tổ, kẻ được ngôi, được sống mãi chẳng những trong lịch sử mà còn cả trong văn chương. Đó là thân tuy không trường sanh mà danh vẫn bất tử. Cho nên Tào Tháo bảo rằng làm trai không lưu phương được thì lưu xú, là phải lắm. Nhưng lưu phương không dễ, mà lưu xú cũng không phải dễ dàng. Cho nên tự cổ chí kim đâu có nhiều Bái Công… mà cũng đâu có nhiều Tần Thủy Hoàng, Tào Tháo…




[1] Hán Cao Tổ tức là Lưu Bang, người đất Bái Thượng, tục gọi là Bái Công. Lúc còn hàn vi thường nương náu ở khoảng núi Mang núi Đường.
[2] Truyền rằng ở những nơi Bái Công ẩn náu thường có mây năm sắc phủ giăng.
[3] Lưu Bang khởi binh đánh Tần tại ấp Bái.
[4] Hàm Dương là kinh đô nhà Tần. Hươu chỉ nhà Tần, vì sử có câu: Nhà Tần sổ hươu, người người đuổi bắt.
[5] Vì nhà Tần tàn bạo, Lưu Bang cử binh đánh dẹp, nên quân Lưu Bang được gọi là quân nhân nghĩa.
[6] Sử khen Hán Cao tổ trị nước biết dùng chánh sách rộng rãi ôn hòa F nên  chinh phục được lòng người.
[7] Bài này cũng như bài trên chỉ biết được thời đại sáng tác chớ không biết tên tác giả.
[8] Hàm Cốc là ải Hàm Cốc, yếu điểm của kinh đô nước Tần.
[9] Hạng Võ chết ở Ô Giang. Khỉ là chỉ Hạng Võ, bởi người nước Sở gọi Hạng Võ là “khỉ đột đội mão” (Mộc hầu nhi quan).
[10] Hàn Tín lúc còn hàn vi chịu luồn trôn một tên vô lại, sau được Bái Công lập đàn bái tướng trước khi trao ấn soái.
[11] Lúc nghèo, Bái Công đến nhà chị, chị cho ăn cơm, Bái Công còn muốn ăn nữa nhưng chị cào môi để từ khéo. Sau Bái Công phong cho con người chị tước Giát Hiệt hầu và phong cho cháu chị tước Giát Canh hầu.
[12] Bãi buôi là làm cho có chuyện.
[13] Lấy tích Trương Lương thuê lực sỹ dùng chùy đánh xe Tần Thủy Hoàng tại Bát Lãng. Thủy Hoàng sợ người trong nước đúc binh khí chống lại mình bèn ra lệnh thu hết đồ kim khí.