Hương Vườn Cũ 64



Năm Ất Tỵ (1905), ba nhà chí sỹ Phan Châu Trinh, Trần Quí Cáp và Huỳnh Thúc Kháng cùng nhau nam du. Lúc đi ngang qua Bình Định, gặp một kỳ khảo hạch do quan tỉnh tổ chức, ba nhà rủ nhau nạp quyển dự thí, với mục đích lợi dụng cuộc khảo hạch để đánh một tiếng chuông cảnh tỉnh đám sỹ phu mê muội.

Đề bài thi là “Chí thành thông thánh”.
Đề bài phú là “Danh sơn lương ngọc”.
Lấy vận: Cầm hương ngọc tất sanh sơn.
Phan Châu Trinh làm bài thi.
Trần Quí Cáp và Huỳnh Thúc Kháng làm bài phú.
Thi và Phú đều ký tên là Đào Mộng Giác.
Bài thi chỉ trích nền học vấn ngu dân và thái độ si mê của các sỹ phu chỉ lo miệt mài trong giấc mộng từ chương, không biết gì đến cái nhục mất nước phải đem thân làm nô lệ cho người.

Bài phú chia làm bốn đoạn:
Nói khái quát về tình hình Á châu.
Thuật lại những trang lịch sử oai hùng của Việt Nam.
Nêu những mối hại của sự học từ chương, những thủ đoạn thống trị độc ác của thực dân Pháp, và cái nhục của bọn cam tâm làm thống trị cho người.
Hô hào sự quyết tâm cứu nước quốc của sỹ phu.

Bài thi và bài phú gây chấn động trong giới nho sinh. Và không bao lâu khắp tỉnh Bình Định đều biết chuyện. Quan tỉnh cho dọ thám để tìm tác giả. Nhưng tuyệt nhiên không ai biết ai. Vì khi hai bài văn lọt vào kẻ cầm quyền thì ba nhà chí sỹ đã rời khỏi Bình Định.

Vào Khánh Hòa, ba cụ ghé vào nhà ông ấm NGUYỄN TƯ TRỰC ở gần chợ Đầm Nha Trang [1] nghỉ chân.
Ông ấm là con một vị đốc học hưu trí, đối với ba cụ là chỗ quen thân. Cho nên ba cụ mới kể câu chuyện vừa xảy ra ở Bình Định và đọc hai bài CHÍ THÀNH THÔNG THÁNH và DANH SƠN LƯƠNG NGỌC cho nghe. Trong lòng cao hứng cụ Huỳnh diễn nôm cả hai bài. Ông ấm có chép cả hai bài chữ hai bài Nôm. Nhưng năm Mâu Thân (1908) cụ Trần bị bọn Cường Quyền khép án “Mạc tu hữu”, ông ấm bị liên lụy, gia đình hoảng sợ, đốt cả những sách vở trong nhà, bốn giai phẩm bị thiêu hủy!

Năm Đinh Sửu (1937), gặp tôi, ông Ấm kể lại câu chuyện ba nhà chí sỹ và đọc cho tôi nghe bài thơ chữ Hán và bài dịch mà ông còn nhớ được trọn vẹn: [2]
Thế sự hồi đầu dĩ nhất không
Giang san vô lệ khấp anh hùng
Vạn dân nô lệ cường quyền hạ
Bát cổ văn chương túy mộng trung
Trường thử bách niên cam thóa mạ
Bất tri hà nhật xuất lao lung
 Chư quân vị tất vô tâm huyết
Thí bả tư văn khán nhất thông.

Dịch:
Việc thế quày đầu chẳng chút lưa
Non sông không lệ khóc người xưa
Muôn dân tôi tớ thằng quyền mạnh
Tám vế văn chương giấc ngủ mơ
Dày mặt mỉa mai cam chịu mãi
Thoát thân dàm buộc biết bao giờ
Các người há chẳng không tâm huyết
Đọc suốt thơ nầy đã thấm chưa?

Bài chữ Hán, văn chương lâm ly bi tráng. Bài dịch lột hết tinh thần của nguyên văn, và lời thơ cũng rất thiết tha thấm thía. Cả hai đều có sức kích động tinh thần mạnh mẽ. Một khi đọc đến, những người chưa mất hẳn lương tâm không thể nào không xót xa buồn tủi cho thân phận trâu ngựa buộc dàm, không thể nào không mơ tưởng đến việc bứt cương tháo chuồng để dành lại tự do độc lập.

Văn chương cảm người được như thế là nhờ người làm thơ đã chứa sẵn lòng phân phương phỉ trắc, đến khi cầm bút nỗi lòng theo mực thấm vào văn chương. Nhưng lòng có mà nghệ thuật không có thì cũng khó mà truyền cảm xúc sang lòng người đọc. Cho nên muốn cho thơ có sức hấp dẫn có sức truyền cảm mạnh mẽ thì tâm linh và nghệ thuật phải tương ỷ tương y. Bài thơ chữ Hán của cụ Phan và bài thơ dịch của cụ Huỳnh đều gồm đủ tâm và nghệ.

Riêng nói về văn chương, bài dịch không thua bài nguyên tác. Nhưng có người bảo rằng câu thứ nhì, ba chữ “khấp anh hùng” mà dịch là “khóc người xưa” thì nghĩa không đúng mà ý cũng không sát.
Tôi xin thưa:
- Nghĩa không đúng, nhưng ý không sai tuy không thật sát. Dịch một bài thơ mà ý nghĩa thật sát không phải là khó. Khó ở điểm: giữ sao cho đừng sai nguyên ý và cố làm sao lột cho được tinh thần, chuyễn cho được thi cảm trong nguyên tác sang dịch văn. Dịch giả không nên chấp ý mà làm hại thần và cảm. Dịch một bài thơ thật sát ý nghĩa, mà thần không có cảm cũng không, thì chẳng khác nắn một con trâu bằng đất có đủ đầu đuôi lưng vế để đổi lấy con trâu bằng xương bàng da. Câu “khóc người xưa”, chính dịch giả đã bỏ ý nghĩa để giữ cả thần lẫn ý.

Chúng ta thử xét kỹ câu “Giang san vô lệ khấp anh hùng”, xem “giang san” là chủ hay “anh hùng” là chủ, tức là tác giả nặng về anh hùng hay giang san? Chắc ai nấy đều công nhận rằng tác giả nặng về giang san. Vì câu thơ diễn tả nỗi bi thương vô hạn của Đất Nước Việt Nam dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Để đánh đuổi xâm lăng dành lại độc lập cho non sông, bao nhiêu anh hùng liệt sỹ đã tốn hao xương máu. Đứng trước cảnh hy sinh cả bầy con yêu nước, non sông không cần gió thảm mưa sầu! và hết khóc lớp nầy đến lớp khác! khóc mãi đến nỗi máu cạn lệ khô, bây giờ không còn máu lệ để khóc nữa!

Mà non sông khóc là khóc những người chết theo nạn nước, tức là những người có tâm huyết với non sông. chớ những phường túi cơm giá áo sống chẳng ích chi cho xã hội cho quốc gia, thì chết đi càng hay chớ việc chi mà phải khóc. Bởi vậy “người Xưa” mà non sông khóc đó, không nói ra ai cũng ngầm hiểu đó là những trang hào kiệt anh hùng, những người đã chết vì chính nghĩa. Cho nên trong câu “Non sông không lệ khóc người xưa”, không nói đến chữ “anh hùng” mà vẫn không thiếu ý anh hùng vậy.

Tuy vậy ý câu dịch vẫn sút câu nguyên văn. Bởi vì trong ba chữ “khấp anh hùng” ngậm ý quá khứ hiện tại và tương lai. Còn ba chữ “khóc người xưa” chỉ nói đến những người đã thành nhân, những người đã được đền nợ nước.
Song mặc dù ý sút, mà thần và cảm giữ trọn. Như thế là thành công, tuy không trọn vẹn, nhưng cũng đã quá nhiều rồi không nên cầu toàn trách bị.

Bài thơ dịch thường nghe truyền có đôi câu đôi chữ khác bài thượng dẫn. Sách “TRẦN QUÍ CÁP và TƯ TRÀO CÁCH MẠNG” của Lam Giang chép:

Việc thế quay đầu luống ngẩn ngơ
Khóc người sông núi lệ đà khô.
Muôn dân tôi tớ người quyền mạnh
Tám vế văn chương giấc ngủ mơ
Dày mặt mỉa mai đành chịu mãi
Thoát thân trói buộc biết bao giờ.
Người ta ai cũng tâm can ấy
Đọc suốt thơ nầy đã thấm chưa?

Tôi tin bài của ông ấm Nguyễn Tư Trực đọc cho tôi nghe, gần, nếu không hoàn toàn đúng, với nguyên bản hơn. Vì ông ấm là nhân chứng, và bài của ông thuộc, văn chương lão luyện hơn bài của Lam Giang sưu tầm.

Bài CHÍ THÀNH THÔNG THÁNH có nhiều người dịch. Trong Giai Thoại Làng Nho của Lãng Nhân có chép. Tôi nhận thấy tất cả đều không hơn bài dịch của cụ Huỳnh, nên tôi không trích đem vào đây.

Còn bài phú DANH SƠN LƯƠNG NGỌC có phần dài, mà ở đây lại chỉ nói về thơ, nên bạn nào muốn thưởng thức thì xin xem Giai Thoại Làng Nho và Trần Quí Cáp nhất là Trần Quí Cáp vì có nhiều bản dịch và Lam Giang giải rất tinh tường. Các bạn sẽ thấy hùng tâm hùng khí của các nhà chí sỹ tiền bối nung sôi trong văn chương như thế nào.

Bài CHÍ THÀNH THÔNG THÁNH, vì khuôn khổ chật hẹp, chưa cho người đọc thấy rõ những luồng sóng lớn nổi dậy trong dòng nhiệt huyết của ba nhà ái quốc Phan Trần Huỳnh, bằng bài DANH SƠN LƯƠNG NGỌC.

Và đọc Danh Sơn Lương Ngọc, lại càng thấy rõ tánh chất cô đọng của Chí Thành Thông Thánh.



[1] Tức là người đã nhượng lại ngôi nhà số 21 Đường Bến Chợ Nha Trang cho tôi hiện nay. Nhà ông ở bên cạnh.
[2] Trong quyển Trần Quí Cáp của Lam Giang có chép đủ cả hai bài thì phú với những lời dẫn giải tinh tường.