Hương Vườn Cũ 50



Mùa Đông, khí trời lạnh lẽo lại thường hay mưa gió, cảnh vật tiêu điều, nên ít người thích. Nhưng đối với khách làng thơ, thì mùa nào có thi vị mùa nấy. Bởi vậy mùa đông cũng có nhiều thơ, có nhiều thơ hay tuy không nhiều bằng mùa xuân, mùa thu…

Ở Việt Nam, bài thơ Đông xưa nhất và được truyền tụng nhất mà tôi được biết là bài của Phù Gia Nữ Học Sỹ NGÔ CHI LAN, đời Lê Thánh Tông (1460-1497):

Bửu lư bát hỏa nhân bình tiểu
Nhất bối La Phù phá thanh hiểu
Tuyết tương lãng ý thấu sơ liêm
Phong đệ khinh thăng lạc hàn chiểu
Mỹ nhân kim trướng yểm lưu tô
Chỉ hộ vấn song phiến phiến hồ
Ám lý vãn hồi xuân thế giới
Nhất châu phương tín tiểu sơn cô.

Tạm dịch:

Lửa hồng lư nhúm sang bình bạc
Chén rượu tiêu sầu hương bát ngát
Hơi lọt rèm sưa tuyết lạnh lùng
Gió đừa ao quạnh bằng xao xác.
Nhà vàng người ngọc trướng lưu tô
Cửa sổ phòng văn giấy phất hồ
Xuân đã âm thầm xoay vận thắm
Tin mai non vắng một nhành phô.

Đó là một trong bốn bài từ Xuân Hạ Thu Đông đề nơi bình phong phòng khách, gọi là Tứ Bình.

Bài Đông - cũng như ba bài Xuân Hạ Thu - gồm hai bài tuyệt cú, một vần trắc một vần bằng. Tuy là hai bài khác vận, nhưng ý tứ liền lạc, từ trên xuống dưới đi một hơi, như tơ sen luồn trong hai khúc cọng bị ngắt.
Vào đề, tác giả nói ngày về mình đương ngồi trong nhà cao sang, sưởi lửa hồng, nhấm rượu ấm. Rồi mượn hơi tuyết lọt rèm sưa để đưa lòng ra tận nơi ao vắng rơi băng. Đoạn từ nơi vắng vẻ lạnh lùng trở về nơi nhà vàng cùng giai nhân ngồi nương trướng gấm.
Nhà vàng người ngọc trướng lưu tô.

Ấm cũng quá! Song chỉ một mình kể cũng buồn. Tuy không lạnh lẽo chớ cũng lạnh lùng, lạnh lùng vì cõi lòng chưa có người ấp ủ. Nỗi lạnh lùng ấy chắc không kém gì nỗi lạnh lùng của anh hàn sỹ ngồi cùng quyển sách bên cửa sổ giấy phất đầy hồ để che gió lọt.

Tại sao tác giả lại đem giai nhân và hàn sỹ để gần bên thơ? Là vì khách phong lưu ngồi một mình làm gì khỏi mơ tưởng đến người phong nhã. Và khách phong nhã khi mở sách ra làm gì lại chẳng nhớ câu “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc”, mà để lòng đến khách phong lưu… Tài tử giai nhân là nợ sẵn… Trong khoảng xa cách vốn đã có sẵn tình gần gũi rồi:
Xuân đã âm thầm xoay vận thắm
Tin mai non vắng một cành phô.

Chuyển kết vừa làm thắm ý hai câu “tài tử giai nhân”, vừa làm ấm toàn bài thơ từ trên đến dưới. Thật khéo quá! Khí bài thơ thật chẳng khác anh khí của long mạch chạy từ núi phía Tây xuống đến núi phía Đông thì hồi cố. Và long huyệt nằm tại nơi “Kim trướng” và “vân song”.
Sau Phù Gia Nữ Học Sỹ thì có Liễu Hạnh công chúa.

LIỄU HẠNH Công Chúa giáng thế đời Lê Anh Tông (1556-1573) và hiển thánh đời Lê Thế Tông (1573-1599).
Cũng như Nữ Học Sỹ, Công Chúa nổi danh một thời. Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan cũng phải khâm phục.
Công Chúa cũng có bốn bài từ Xuân Hạ Thu Đông được truyền tụng. Đây bài Đông từ làm theo điệu Nhất Tiễn Mai:

Huyền minh bá lịnh mãn quan san
Hồng dĩ Nam hoàn, nhạn dĩ Nam hoàn.
Sóc phong lẫm liệt tuyết man man…
Biến ỷ lan can ! Quyện ỷ lan can…
Ủng lư thượng nhĩ giác thanh hàn.
Tọa chẩm nan an ! Ngọa chẩm nan an !
Khởi quan cô dịch lạc trần gian,
Ba bất tri hàn, nhân bất tri hàn.

Tạm dịch:

Mây huyền giăng líp núi sông
Xa xôi nhạn tiếp theo hồng về Nam.
Rét căm căm từng cơn gió bấc
Thêm từng cơn tuyết dật dờ rơi.
Lan can đứng mỏi lại ngồi
Lò hương lửa bén mà hơi chẳng nồng.
Trở vào trong nén lòng tựa gối,
Mới toan nằm đã vội đứng lên !
Từng không bỗng rụng nhạc tiên
Người bên hoa nở đều quên lạnh lùng.

Lời đẹp điệu cao. Nhưng đọc thơ, chúng ta chỉ biết rằng tác giả bị cảnh đông làm rung động tâm hồn, song không thể đoán biết tác giả bâng khuâng những gì!

Lý Bạch thấy mỹ nhân khóc, không biết khóc về việc gì. Nhưng nhìn người đẹp khóc, lấy làm thích thú, thích thú vì những giọt lệ long lanh đôi mày liễu nhíu lại, làm cho khuôn mặt đã đẹp càng đẹp thêm. Đọc bài thơ của Liễu Hạnh Công Chúa cũng thế. Chúng ta không biết vì sao tác giả ngồi đứng không yên, nằm ngồi không yên. Nhưng chúng ta thấy thích thú vì những cử chỉ ấy làm cho bài thơ thêm linh động. Đọc thơ tự nhiên chúng ta cảm thấy cũng đứng ngồi không yên nằm ngồi không yên, như chính mình là tác giả. Song rồi đọc tiếp:
Từng mây bỗng rụng nhạc tiên
Người bên hoa nở đều quên lạnh lùng.

Thì dường đương đứng trong nơi gió thổi, bống nghe tiếng địch thoảng…, gió liền ngừng… Nhìn ra: mặt hồ im lìm in rõ vầng trăng tròn lóng lánh… Lòng ta cũng như mặt hồ, tự nhiên trở nên trong sáng yên vui, quên tất cả những gì đã quấy rầy tâm trí.
Đó là đứng trên phương diện văn chương thuần túy mà thưởng thức.
Về mặt xã hội, qua hai bài trên, chúng ta cũng có thể nhìn thấy đôi cạnh khía của Lê triều.

Bà Ngô Chi Lan sống vào đời Hồng Đức là thời mà văn trị võ công của nước Việt Nam thịnh hơn tất cả các đời sau cũng như trước. Bà Liễu Hạnh ở vào thời họ Mạc và họ Lê đánh nhau. Họ Mạc làm vua ở miền Bắc gọi là Bắc triều, họ Lê đóng đô ở Thanh Hóa nhờ họ Trịnh phò tá, gọi là Nam triều.
Bài bà Ngô Chi Lan phản ảnh xã hội thời thịnh Lê.

Bài bà Liễu Hạnh phản ảnh xã hội thời Lê-Mạc, đúng hơn là xã hội dưới chế độ của họ Mạc ở miền Bắc.
Vì vậy cảnh đông trong thơ Công Chúa ám đạm và gay gắt thập bội cảnh đông trong thơ Nữ Học Sỹ. Đông của Nữ Học Sỹ tuy cũng có tuyết cũng có phong, song tuyết chỉ đưa hơi lạnh lọt rèm sưa, gió chỉ thôi băng nhẹ rơi trên ao vắng. Còn tuyết của Công Chúa bay mịt trời, gió của Công Chúa là gió bấc lẫm liệt, hai thứ hợp lại với nhau tạo thành khí lạnh đến độ lửa sưởi cũng không thấy ấm!

Nghĩa là hoàn cảnh xã hội dưới thời nhà Mạc ở miền Bắc thật là thống khổ. Do đó lòng người mà hồng nhạn là biểu tượng đã hướng về Nam hầu hết.
Câu “Cô địch lạc trần gian” không phải là sự thật mà chỉ là lòng ước mong hiện ra thơ.

Đi sâu vào hoàn cảnh xã hội, chúng ta không còn thắc mắc: “Vì sao tác giả đứng ngồi không yên, nằm ngồi không yên”. Đứng ngồi không yên, nằm ngồi không yên, là vì thương xót người đời phải chịu khổ sở vì cảnh “sắc phong lẫm liệt tuyết man man” của nhà Mạc.
Hoàn cảnh xã hội thời Mạc là thế. Còn thời thịnh Lê, xã hội Việt Nam có thật tốt đẹp hoàn toàn?

Nói thái bình thạnh trị là nói một cách tương đối thôi. Chớ cảnh chênh lệch giữa kẻ giàu người nghèo, mà Nhà vàng dừng trướng lưu tô, phòng văn phất giấy cho đỡ rét, làm tượng trưng, còn quá rõ rệt thì làm gì có thái bình thạnh trị thật sự. Vã nếu có thật sự thì tác giả còn ước “vãn hồi xuân thế giới” mà làm gì?

Nghĩa là thời thịnh Lê chưa phải là thời Nghiêu Thuấn. Còn nhiều sự bất công trong xã hội khiến người có thiện tâm thiện chí không vừa lòng.
Lòng bất mãn của một số trí thức đối với thời Thịnh Lê biểu lộ rõ ràng trong bài thơ Đông của THÁI THUẬN, người đồng thời cùng bà Ngô Chi Lan và làm quan ở Nội Các:

Lao niên ngột tọa tịnh như ngu
Liễu giác quang âm tợ khích cu.
Hà thủy hữu băng ngư tín đoạn
Lâm a vô diệp thước sào cô
Công danh thùy nghĩ Bình Hoài tướng
Văn sử ngô tàm Phụ Hán nho
Vị bã âm dương tiêu trưởng lý
Mai ba chi thượng vấn Nghiêu Phu.

Nghĩa là:
Suốt năm ngồi lặng dường ngu tối
Ngày tháng đành hay ngựa lướt song
Vắng vẻ tin thơ dòng giá đọng,
Bơ vơ tổ thước dặm rừng không.
Công danh ai dễ so Hàn Tín ?
Văn sử ta riêng thẹn Tử Phòng.
Đem lẽ âm dương hỏi Thiệu Tử
Cành mai phải tiết nhởn nhơ bông.

Bài thơ có ngụ ý cảm khái.
Cảnh đông thật lạnh lẽo tiêu điều! Dưới mắt tác giả Thái Thuận, cảnh đời vua Lê Thánh Tông có khác gì mùa đông sông giá rừng không!
Và mượn điển Hàn Tín Tử Phòng vào cảnh mùa đông, chứng tỏ rằng thời thịnh Lê, chánh thể có khác gì đời Hán Cao Tổ là đời thể hiện trung thực câu “cao điểu tận lương cung tàng”, đời mà các nhà làm sử “văn nô” tán tụng là thái bình thịnh trị. [1]

Câu luận phải chăng là ám chỉ việc triều đình nhà Lê tru di gia đình Nguyễn Trãi là một bậc khai quốc công thần vừa có tài vừa có đức? [2] Hay việc Lê Lợi bức tử Trần Nguyên Hãn, tru di Phạm Văn Xảo mà công đối với nhà Lê chẳng khác công Hàn Tín đối với nhà Hán.
Bài thơ ý tứ thật thâm viễn, đã có giá trị về mặt văn chương còn có giá trị về mặt lịch sử. Nó tố giác mặt trái của một thời đại được lịch sử trải gấm thêu hoa.

Và đó là mùa đông của thời xưa.
Còn mùa đông của thế kỷ XX này?
Ai nấy đều đã thể chứng.



[1] Bài này đã giải thích rõ ở trong tập Những Bức Thư Thơ nên ở đây chỉ nói qua.
[2] Xem bài số 52 ở sau (Dùng điển) đoạn nói về cách Tá Dụng.