Hương Vườn Cũ 49



Xuân là một mùa được nhiều người yêu chuộng nhất. Cho nên thơ nói về xuân, thơ ca tụng xuân nhiều hơn thơ về các mùa.
Thơ Xuân nhiều, tất nhiên có nhiều bài hay. Thơ đời Lý đời Trần đời Lê hầu hết đều là thơ chữ hán. Cụ Ngô Tất Tố đã sao lục và công bố được một ít thơ Lý, Trần. Và tôi cũng có được một ít thơ đời Lê.
Xin nói riêng về Thơ Xuân.

Thơ xuân hay nhưng khó xuất sắc, bởi xưa qua nay lại, tứ thơ không khỏi trùng nhau. Phụng, loan, công, trĩ… dù đẹp đến đâu mà nơi nào cũng có thời nào cũng có đầy vườn chật rừng, thì chỉ xem một vài con trong mỗi thứ cũng đã đủ. Vậy chúng ta lựa trong số thơ Xuân còn truyền tụng một ít bài có những nét độc đáo để thưởng xuân.

Trước hết chúng ta hãy thưởng thức bài XUÂN HIỂU tức là Buổi sớm mùa xuân, của vua TRẦN NHÂN TÔNG (1258-1308):

Thụy khởi khải song phi,
Bất tri xuân dĩ qui.
Nhất song bạch hồ điệp,
Phách phách xấn hoa phi.

Nghĩa là:
Giấc tỉnh hé song mây,
Xuân về lòng chửa hay.
Chập chờn đôi bướm trắng
Liền cánh lướt hoa bay.

Thật là thanh thoát! Thật là tế nhị! Không cần nói chi cho nhiều. Chỉ 20 chữ mà nói rõ hết ngoại cảnh và nội tâm. Tác giả lại còn cho chúng ta hưởng thêm cái thú “vô tình mới thật hữu tình”, cái thú “không ngờ mà có và có một cách tự nhiên”. Lòng không yên tịnh, không khoáng đạt, thì không thể thốt ra được những lời nói phong lưu ý vị như thế.

Chúng ta đọc thêm bài XUÂN CẢNH của nhà vua, để thấy rõ tâm hồn cảu con người tuy ở trong cảnh cao sang tột bực mà vẫn không đắm lòng trong dục lạc kiêu sa:

Dương liễu hoa thâm điễu ngữ trì
Họa đường thiềm ảnh mộ vân phu.
Khách lai bất vấn nhân gian sự,
Chỉ bạng lan can khán thúy vi.

Ý thú thật là siêu khoáng! Con người Thơ đã hòa mình vào cảnh vật khiến cho khách trần đến chơ cũng cảm hóa theo mà quên hết cả “nhân gian sự”.

Xin tạm dịch:

Dương liễu đầy hoa
Dịu dàng chim ca.
Thềm hương ánh nguyệt,
Nhẹ nhàng mây qua.
Khách trần đến chơi
Hỏi chi việc đời.
Lan can đứng tựa
Ung dung nhìn trời.

Thơ đời Trần cũng như thơ đời Lý thường ngậm chứa khí vị Thiền môn. Bởi vì Đạo Phật trong hai đời Lý Trần rất thạnh và những nhà học rộng tài cao phần nhiều ở trong của Chiền.
Sang đời Lê, Nho Giáo độc tôn. Phần nhiều các thi nhân đều dùng văn chương để tải đạo. Thơ chịu ảnh hưởng nhiều về triết học Trình Chu. Những nhà thơ lấy văn chương để giải thót tâm hồn vẫn chịu chung ảnh hưởng của thời đại. Như THÁI THUẬN là một.
Họ THÁI có bài SƠ XUÂN rằng:

Tam đông quá liễu nhất xuân qui,
Tác noãn đông phong phóng phóng xuy
Băng tuyết đống ngân phô thủy diện,
Kiền khôn sanh ý thượng lâm chi.
Liễu hoàn cựu lục canh du tịnh,
Đào thí tân hồng điệp vị tri.
Nhật mộ hương quan hồi thủ vọng,
Thảo tâm du tử bất thăng bi.

Tạm dịch:

Đông qua, xuân lại trở về đây,
Trải ấm từng cơn gió nhẹ bay.
Ngân tuyết băng lưa dờn dợn sóng,
Lượng trời đất trải đượm đà cây.
Xanh xưa nhuộm liễu oanh còn nín,
Hồng mới tô đào bướm chửa hay.
Ngoảnh lại làng quê trời xẩm tối,
Ngậm ngùi tấc cỏ dễ mà khuây.

Đứng trước cảnh “xuân mới về”, tác giả chẳng những chỉ xem bằng mắt, mà còn xem bằng tâm, bằng lý, và tác giả đã xem bằng lý trí nhiều hơn bằng mắt, bằng tâm. Tác giả mượn cảnh xuân để nói về lẽ “âm dương nhất khí”, “âm dương lưu hành, phát dục vạn vật”. nhân đó gởi chút lòng “mong đem tấc cỏ đền nghì ba xuân”.

THÁI THUẬN đậu tiến sỹ đời Hồng Đức. Tài cao học rộng, song không được nhà vua biết đến, nên ngót hai mươi năm trời chỉ giữ một chân quan nho nhỏ ở trong Các, cho nên thơ của họ Thái đều đượm vẻ buồn chán. Lòng buồn chán vẫn không dấu được trong lúc muôn vật khoe tươi. Nghĩa là những bài thơ Xuân của tác giả đều có giọng ai oán, hoặc nhiều hoặc ít. Bài thượng dẫn chưa cho chúng ta thấy rõ ràng chỗ “bất đắc chí” vì tác giả chưa nói hẳn ra. Tâm trạng của tác giả biểu hiện nơi các bài khác, như bài THƯƠNG XUÂN sau đây là một:

Thủy lưu đông thệ nhật tây bôn,
Cửu thập thiều quang kỷ kiến tồn.
Vũ ám vân mai phương thảo độ,
Oanh sầu yến thảm lạc ba thôn.
Phù sanh dĩ ngộ Nam Hoa mộng,
Lạc sự thùy đồng Bắc Hải tôn.
Giang thượng bất kham hồi thủ vọng,
Yên ba diếu diếu hựu hoàng hôn.

Tạm dịch:

Nước cuốn về đông, tây ác trầm,
Thiều quang chín chục sót bao lăm!
Oanh rầu yến thảm thôn hoa rụng,
Mưa lấp mây vùi bến cỏ thơm.
Giấc thắm Nam Hoa đời dễ lạc,
Chén vui Bắc Hải thú khôn tầm.
Trên sông khói sóng theo ngày tối,
Ngoảnh lại quê xa lệ khó cầm.

Lòng bi phẩn đối với thân thế cũng như thời thế bộc lộ nơi câu trạng. Nhưng xuống câu luận tác giả liền tìm lời an ủi: “Đời là thế, vì mấy ai phân biệt được giả chân, cũng như Trang Sinh vừa chiêm bao xong, thức dây không biết rằng mình chiêm bao hóa bướm hay bướm nằm chiêm bao hóa mình”. Và  “trên đời há dễ lắm người gặp được cảnh may mắn như Khổng Dung đời Hán, đi làm quan nơi Bắc Hải mà nhà lúc nào cũng đầy khách, chung lúc nào cũng đầy rượu”.
Và trong hầu hết các bài thơ xuân của họ Thái đều tỏ ý nhớ nhà nhớ cha mẹ.

Đối với người gặp được cảnh thuận thì xuân đem thêm hạnh phúc vào cho cuộc đời. Còn đối với người có tâm sự buồn thương thì hương sắc của ngày xuân chỉ làm cho nét thương tâm thêm sâu đậm. Đó là qui lệ chung áp dụng cho mọi nhà thơ chớ không riêng gì Thái Thuận.
Và xem qua mấy bài thơ xuân của Thái Thuận, chúng ta nhận thấy rằng tinh diệu chớ không siêu thoát. Khác hẳn với thơ của Trần Nhân Tông. Riêng nói về cái hay cái đẹp của thơ thì mỗi người có một vẻ xuân vậy.

***
Thơ xuân của cổ nhân còn nhiều. Nhưng chúng ta chỉ xem “đôi bướm trắng bay lượn trong hoa” và xem đi xem lại cho kỹ, xem với mắt, xem với lòng, xem với trí thì chúng ta cũng đoán biết được toàn diện của mùa xuân trong thơ cổ nhân, một cách khái quát.

Thơ xuân của cổ nhân là thế. Còn thơ xuân của các thi nhân hiện đại?
Thời cổ nhân là thời Hán văn thịnh hành, cho nên những cái hay cái đẹp của tâm hồn cổ nhân phần nhiều đều dồn nơi chữ Hán. Còn ngày nay là thời của Quốc âm, cho nên nói đến thơ xuân hiện đại, chúng ta được trực tiếp hưởng lấy thú. Và cái hứng thú do thơ xuân của các thi nhân hiện đại đưa đến cho quí bạn như sao, thì xin quí bạn hãy trải lòng đón lấy.

Trong làng thơ Quốc âm, nhà thơ nói về xuân nhiều nhất và có nhiều bài được truyền tụng, có lẽ là Tản Đà NGUYỄN KHẮC HIẾU. Cứ mỗi lần xuân đến thời tiên sinh có thơ nói về xuân hoặc đề cập đến xuân. Nhiều câu tuyệt tác. Như:

- Cành liễu đông tay cơn gió thoảng
Con tằm sống thác sợi tơ vương.
                                             (Cảm xuân)
- Sương mù mặt đất người theo mộng,
Nhạn lảng chân trời kẻ đợi thư.
                                       (Ngày xuân tương tư)

vân vân…

Nhưng thơ thất ngôn của tiên sinh chưa rung cảm bằng thơ lục bát. Như bài VUI XUÂN sau đây:

Tin xuân đến ngọn cây đào,
Bảo cho hoa biết ra chào Chúa xuân.
Mỗi năm xuân đến một lần,
Thiều quang chín chục xoay vần chẳng sai
Ngày xuân còn mãi không thôi,
Tuổi xuân ai dễ xanh rồi lại xanh.
Đường mây những khách công danh,
Mày râu cụ lớn thay hình thanh niên.
Mày ngài mấy ả Khâm Thiên,
Én oanh dẫn lối con thuyền Tầm Dương.
Làng văn mấy bạn văn chương,
Bút hoa án tuyết, hơi sương mái đầu.
Tiểu thơ ai đó tựa lầu,
Thơ đào chưa vịnh, mai hầu bảy ba.
Trời xanh, trời cũng khi già,
Xuân xanh, xanh mãi đâu mà, hỡi ai ?
Gặp xuân ta hãy làm vui,
Kẻo nay xuân đến, kẻo mai xuân về.
Vui xuân rượu uống thơ đề.

Những vần thơ trích dẫn, lục bát cũng như thất ngôn, đều ngậm ý buồn. Những câu thất ngôn vì ở trong “cảm xuân” và “ngày xuân tương tư” thì buồn đã đành, đến những câu lục bát nhan đề là “Vui Xuân”, mà toàn đưa ra những cảnh não lòng. Miệng nói “hãy vui đi” mà đôi tròng mắt đầm đìa những lệ! Tác giả chỉ vui gượng, vui gượng để quên buồn, quên buồn trong chốc lát để khỏi phụ tình xuân. Chớ quên thế nào được, vì:

Biết bao ra Bắc vào Nam,
Bức dư đồ rách đã cam khó lòng !
Văn chương chút nghĩa đèo bòng,
Thuyền không tay lái vẫy vùng được sao ?
                                                     (Xuân tứ)

Ơn Tổ Quốc đã không lo đền được, mà nợ văn chương lại cũng không dễ gì trả xong thì nhìn non xanh nước biếc trong lúc xuân về đem cái già đến cho thân, làm sao không ngao ngán lòng cho được.

Nhưng thống thiết là bài hát nói GẶP XUÂN, tiên sinh làm năm Đinh Sửu (1937), hai năm trước ngày tiên sinh tạ thế:

MƯỠU
Gặp xuân ta giữ xuân chơi,
Câu thơ chén rượu là nơi đi về.
Hết xuân, cạn chén, xuân về,
Nghìn thu nét mực thơ đề vẫn xuân.

NÓI
Xuân ơi, xuân hỡi !
Vắng xuân lâu, ta những đợi chờ mong.
Trải bao nhiêu ngày, tháng, hạ, thu, đông,
Ròng rã nỗi nhớ nhung, xuân có biết ?
Khứ tuế xuân qui sầu cửu biệt,
Kim niên xuân đáo khánh tương phùng.
Gặp ta nay, xuân chớ lạ lùng,
Kể từ độ quen biết xuân, bốn chín năm về trước,
Vẫn rượu thơ, non nước, thú làm vui.
Đến xuân nay ta tuổi đã năm mươi,
Tính trăm tuổi đời ta có nửa.
Còn sau nữa, được bao nhiêu xuân nữa,
Mặc trời cho ta chửa hỏi làm chi.
Sẵn rượu đào xuân uống với ta đi,
Chỗ quen biết luận gì ai chủ khách.
Thiên cổ vị văn song Lý Bạch,
Nhất niên hà đắc lưỡng đông quân.
Dầu trăm năm gặp gỡ đủ trăm lần,
Thơ với rượu cùng xuân ta cứ thế.
Ngoài trăm tuổi vắng ta trần thế,
Xuân nhớ ta chưa dễ biết đâu tìm.
Cùng nhau ta hãy uống thêm.

Tản Đà tiên sinh mất ngày 20 tháng 04 năm Kỷ Mão (tức 17 tháng 6 năm 1939). Và bài hát nói trên đây là bài thơ xuân cuối cùng của tiên sinh vậy.
Tiên sinh còn nhiều bài thơ xuân khác, thất ngôn có, lục bát có, song thất lục bát có, hát nói có… bài nào cũng chan chứa tình xuân, cũng ngậm chứa nỗi buồn hoặc man mác hoặc sâu sắc.

Nhưng lòng sầu của Tản Đà không não nuột, không ray rức như lòng sầu của hầu hết thi nhân đương thời, nhất là lòng sầu của CHẾ LAN VIÊN.
Chế Lan Viên có bài XUÂN VỀ rằng:

Pháo đã nổ đưa xuân về vang động
Vườn đầy hoa ríu rít tiếng chim trong.
Cỏ non biếc, giãi mình chờ nắng rụng.
Bên lau già, theo gió uốn lưng cong.
Đôi bướm lượn, cánh vương làn sương mỏng
Chập chờn bay đem phấn điểm muôn hoa.
Cất tiếng hát ngây thơ trên cỏ rộng,
Đàn chim khuyên đua nhặt ánh dương sa.
Hàng dừa cao say sưa ôm bóng ngủ,
Vài quả xanh khảm bạc hớ hênh phô.
Xoan vươn cành khèo mặt trời rực rỡ
Bên bóng râm lơi lả nhẹ nhàng đi.
Đây tà áo chuối non bay phấp phới
Phơi màu xanh lấp loáng dưới sương mai.
Đây pháo đỏ lập lòe trong nắng chói,
Đây hoa đào mỉm miệng đón xuân tươi.

Cảnh vật đều là những cảnh vật chúng ta thường thấy. Nhưng dưới mắt nhà thơ, những cảnh vật chúng ta thường thấy ấy lại hiện lên nhiều nét tân kỳ. Chúng đều có những dáng dấp riêng, đều có tâm hồn riêng. Chúng đã hiện hình dưới ngòi bút thơ linh động với “muôn sắc màu rạng rỡ dưới hương đưa”.
Chúng ta tưởng chừng như lòng thi nhân hớn hở tưng bừng trước cảnh. Sự thật thì trái hẳn:

Nhưng lòng ơi, sao không lên tiếng hát,
Nhớ làm chi cảnh cũ những ngàn xưa ?!
Lòng hỡi lòng ! Kìa trời xuân bát ngát
Muôn sắc màu rạng rỡ dưới hương đưa.

Thi nhân không cùng cảnh reo vui được là vì lòng “nhớ cảnh cũ những ngàn xưa” khiến cho mắt thi nhân nhìn thấy trong cảnh tưng bừng ngắn ngủi của ngày xuân, những cảnh điêu linh tàn tạ không tránh khỏi của nhân loại mà giống Chiêm Thành là tượng trưng. Cho nên thi nhân phải gào thét:

Hãy bảo ta: Cánh hoa đào mơn mởn
Không phải là khối máu của dân Chàm,
Cành cây thắm nghiêng mình trong nắng sớm
Không phải là hài cốt vạn quân Chiêm.
Quả dừa xanh không phải đầu chiến sỹ,
Xác pháo rơi không phải thịt muôn người.
Hãy bảo ta: trời xuân luôn vui vẻ,
Và bảo ta: Muôn vật đợi ta cười.
Ta những muốn vui cười, ta những muốn
Dẹp sầu tư, ca hát đón xuân tươi.
Nhưng than ôi, xuân về trong nắng sớm
Mà lòng ta, đóng lạnh giá băng thôi !

Cảnh xuân chẳng những không đem lại cho thi nhân đôi chút ấm áp, mà còn gợi trong tâm hồn những nỗi đau thương, hãi hùng như thế ấy, khiến nhìn vào đâu cũng thấy sầu thảm kinh hoàng:

Trời xuân vắng. Cỏ cây rên xào xạc,
Bóng đêm luôn hoảng hốt mãi không thôi.
Gió xuân lạnh, ngàn sâu thôi ca hát,
Trăng xuân sầu, sao héo cũng thôi cười.
                                               (Đêm xuân sầu)

Cho nên Chế Lan Viên không thích xuân:

Tôi có chờ đâu có đợi đâu,
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu.
Với tôi tất cả như vô nghĩa,
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau.
Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng,
Với của hoa tươi, muôn cánh rã,
Về đây, đem chắn nẻo xuân sang.
                                             (Xuân)

Trông xuân, Tản Đà cũng buồn cũng chán, song buồn chán một cách hiền lành khiến chúng ta dễ dàng chia sớt. Nỗi buồn của Chế Lan Viên vừa não nùng vừa ray rứt, lòng chán nản của Chế Lan Viên vừa mãnh liệt vừa dị thường, khiến chúng ta ngợp vì cao lớn, chớ không cảm bởi không hòa nhịp với tâm hồn bình dị của chúng ta.

Tản Đà và Chế Lan Viên là hai thái cực. Giữa hai nhà còn nhiều nhà thơ khác cũng có nhiều giai tác về xuân. Và những thơ xuân thời Pháp thuộc, hầu hết cũng như thơ Tản Đà và Chế Lan Viên, đều ngậm chất sầu. Vui tươi và bình thản không thường thấy trong những vần giai tác.
Đó là do hoàn cảnh xã hội. Bởi thi nhân dù cố ẩn mình trong tháp ngà đi nữa cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của chung quanh.

Đến khi toàn thể nhân dân đứng dậy đánh Pháp giành độc lập cho Tổ Quốc tự do cho giống nòi, thì lòng thi nhân cũng cùng với nước non mà tưng bừng rộn rịp. Nỗi vui mừng ấy thể hiện trong bài NHẬP VÀO XUÂN MỚI của Yến Lan:

Đèn chong gác hẹp - sầu nhân bản -
Cháy lụn guồng tim lạnh bút thơ.
Xuống thang mặt trắng bơ thờ,
Va vào thế sự còn ngờ chiêm bao.
Không gian hồng ngát rộng,
Man mác nẻo dương quan.
Mùa - tôi chưa kịp sống -
Đưa én dệt cây ngàn.
Chim ca tình lúa mới,
Cành múa trái mọng tròn.
Nắng không vương chờ đợi,
Đường cỏ mẹp chân mòn.
Triều dâng bể lớn - hồn dân tộc -
Lấp cạn cồn hoang loáng bãi dương.
Cỏ non in vết bạn đường,
Bốn phương dồn lại một trường hân hoan.
Núi thôi phân ranh giới,
Đường nối vạn lý tình.
Người mang hương vào hội,
Gót rỗ dấu trường chinh.
Nhịp chân vẽ hoa bụi,
Vung tóc lóe sương hồng.
Tiếng gọi trong lòng núi,
Lời đáp tự nguồn sông.
Cầm cày hiểu nghĩa đất,
Đạp cửi biết tình tơ.
Mài gươm rèn nết sắt,
Đọc gió cát tìm thơ.
Co tay vồng núi thịt,
Nhô trán đội trăng sao.
Nhai cỏ đắp thương tích,
Người xuân tắm nắng đào
Gió đùa mây ám - hờn nhân loại -
Vạch nẻo bình minh lóa bến vui.
Chiếc thuyền viễn thú tuông xuôi,
Nhấp nhô đảo biếc dường trôi theo thuyền.
Nắng chảy qua triền suối
Hao hao niềm cố nhân.
Lòng - tôi không tiếc nuối -
Gởi theo ngày xuất quân.
Hương ngập chẳng chờ hoa,
Hoa nở không đợi nguyệt;
Nguyệt lên giữa xế tà
Nhập vào xuân bất diệt.
Xuân ấm chân son - màu thế hệ -
Trên nền vũ tạ ấm sênh ca.
Nghiêng tai nghe nhạc hải hà,
Mờ trong tiếng nhạc, tiếng gà đêm đông.

***
Những bài thơ trích dẫn trên đây là những mảnh lòng xuân của những khoảng thời gian xưa cũ, những đóa hoa lòng còn sót lại với nắng mưa.
Sống trong giai đoạn mới, nhân lúc xuân về, ngồi ngắm lại những đóa xuân cũ ấy, người hữu tâm sao khỏi sanh niềm cảm cựu thương kim.